Những Tình Huống Nguy Kịch Và Chứng Ngộ Tánh Không

Kệ Số 18 - 24

Bình Luận Ngắn

Chúng ta đã có được kiếp người vô cùng quý báu, nhờ vậy mà ta có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ. Việc có được một tái sinh như vậy rất hiếm hoi. Nó  sẽ trôi qua một cách nhanh chóng, và có thể kết thúc bất cứ lúc nào, nên phải tận dụng tối đa lợi thế của nó. Để làm như vậy thì Togme Zangpo khuyên ta nên sống ẩn dật, cách xa quê hương, để tiến triển trên đường tu.

Khi mình có tiến bộ thì mỗi một động lực trong lam-rim sẽ xây đắp trên động lực trước đó. Chúng phải kiên cố và chân thành, nếu không thì mức độ thượng căn chỉ là điều thiển cận.

Trước tiên, mình sẽ hướng đến những tái sinh tốt hơn, đặc biệt là tái sinh làm người, để có thể tiếp tục đường tu mà mình đang tu tập. Khi có chánh niệm về cái chết và vô thường, biết rằng khó mà đạt được giải thoát hay giác ngộ trong một kiếp, nên ta sẽ nhắm vào mục tiêu có được một kiếp người quý giá khác. Để làm được điều này thì phải đảm bảo là mình sẽ có những ảnh hưởng tốt trong đời sống. Vì vậy, ta sẽ lánh xa những người bạn xấu, và nương tựa vào những thiện tri thức hội đủ trình độ.

Rồi thì ta sẽ đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống, bằng cách quy y Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta sẽ hướng về phía các chân diệt và chân đạo mà chư Phật đã chứng đắc viên mãn, và Tăng đoàn đã thành tựu phần nào. Ta sẽ kềm chế ác hạnh, để đảm bảo mình sẽ không có những tái sinh tồi tệ hơn trong tương lai.

Ngay cả khi mình tiếp tục có được tái sinh làm người quý báu, hay thậm chí là tái sinh trong cõi trời, thì những kiếp sống đó vẫn sẽ chứa đựng nỗi khổ to lớn. Nó vẫn thuộc về luân hồi, và bất cứ thú vui hay hạnh phúc nào mà mình thụ hưởng, đều chỉ là điều tạm bợ, thoáng qua. Chúng sẽ không bao giờ bền lâu, và chẳng bao giờ làm cho mình toại nguyện.

Đây là một điểm quan trọng, bởi vì với mức độ động lực sơ căn thì ta có thể dễ dàng quyến luyến với kiếp người quý báu. Có thể ta chỉ cầu nguyện để luôn có những tái sinh tuyệt vời nhất, để có thể ở gần bạn bè và đạo sư của mình, hoặc có thể luôn luôn học giáo pháp, vì nó rất tuyệt vời và đáng yêu. Đây vẫn là tâm luyến ái với luân hồi. Không chỉ những điều dễ chịu mới chứa đựng nỗi khổ vì thay đổi (hoại khổ), mà còn có nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ) hiện hữu trong từng sát na. Chúng ta sẽ có tâm vô minh trong từng sát na, và điều này sẽ liên tục kéo dài những sự thăng trầm trong luân hồi.

Việc nhắm đến một tái sinh làm người quý báu một cách chân thành, từ đáy lòng đã là việc khó khăn, còn việc chân thành tu tập để giải thoát khỏi luân hồi, mà không quyến luyến với kiếp người lại càng khó khăn hơn nữa. Không nên xem thường tâm xả ly, nghĩa là từ bỏ luân hồi. Cho dù bạn đạo hay thầy của mình tuyệt vời ra sao, thì tất cả đều vô thường. Chúng ta không thể ở gần họ mãi mãi. Milarepa không thể sống với Marpa mãi mãi. Ngài đã phải ra đi, và đó là phần khó khăn của tâm luyến ái.

Chúng ta sẽ nhắm vào kiếp người quý báu như một bước đệm, để tiến đến giải thoát và giác ngộ, hay như là một chiếc tàu hữu ích, như Togme Zangpo đã nói về nó, để đưa mình qua đại dương luân hồi, mà không lưu luyến với con tàu. Khi đến bờ bên kia thì ta sẽ xuống tàu, và không thấy băn khoăn về việc rời bỏ nó.

Động lực ở mức độ thượng căn còn khó khăn hơn. Một khi mình đã thành tựu giải thoát thì rất dễ thư giãn và tận hưởng hạnh phúc vô nhiễm, điều đi cùng với giải thoát. Ở mức độ thượng căn thì ta sẽ nghĩ đến tất cả những chúng sinh khác, tất cả những bà mẹ của mình, và hướng về bồ đề tâm để tu tập nhiều hơn nữa. Với tánh Không, bồ đề tâm và hành trì lục độ ba la mật thì ta sẽ tu tập để đạt giác ngộ, để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Chúng ta phải vượt qua hai cực đoan của luân hồi và niết bàn. Thật ra điều này rất khó khăn, và đòi hỏi mình phải nhận ra rằng tái sinh quý báu làm người và giải thoát chỉ là những trạm xe trên đường đến giác ngộ. Không có cách nào ta có thể đạt được giác ngộ, mà không có những bước đệm này.

Ngày nay, chúng ta có thể đọc, nghe và học hỏi về các giai đoạn của đường tu giác ngộ một cách tương đối dễ dàng. Nhưng chỉ vì mình quen thuộc với các giai đoạn này, không có nghĩa là dễ dàng thẩm thấu hay cảm nhận những mức độ động lực tiếp theo một cách chân thành. Có thể phải mất nhiều năm! Để thật sự cảm nhận thậm chí mức độ sơ căn là cả một thành tựu vĩ đại.

Điều này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng cách duy nhất để tiến về phía trước là trước tiên, hãy lắng nghe giáo pháp, rồi nghiên cứu và tư duy về chúng cho đến khi mình có một sự hiểu biết, rồi thiền định về chúng, kết hợp chúng vào đời sống. Chỉ có thông qua quá trình này mà ta sẽ cảm nhận những mức độ động lực này một cách chân thành, và không chỉ hiểu biết chúng một cách thiển cận.

Sau đó, Togme Zangpo đưa ta qua hai phương pháp để phát bồ đề tâm, và sau đó, bắt đầu giải thích về Bồ tát hạnh, trước tiên là cách đối phó với sự hãm hại. Qua nhiều vần kệ khác nhau, chúng ta đã nghe nói về tầm quan trọng của hạnh nhẫn, việc không sân hận, và pháp tu Cho và Nhận. Trong pháp tu này, ta sẽ nhận lấy khổ đau của người khác, và hồi hướng cho họ công đức từ thiện nghiệp của mình. Thay vì phản ứng lại bằng cách chỉ trích và có tư tưởng tiêu cực về những điều tổn hại mà người khác đã tạo ra cho mình, thì hãy tán thán những phẩm chất tốt đẹp của họ. Một phương pháp khác là xem những người hãm hại mình như thầy, những người giúp cho ta nhận ra và sửa chữa những khuyết điểm của mình.

Hai Tình Huống Nghiêm Trọng, Đòi Hỏi Việc Thực Hành Giáo Pháp

Phần tiếp theo đề cập đến hai tình huống nghiêm trọng, đòi hỏi sự chú ý cẩn thận về việc hành trì Pháp, đó là khi sự việc rất tồi tệ, hoặc đang diễn ra rất tốt đẹp. Khi sự việc trở nên tồi tệ thì ta có thể chán nản, và khi sự việc tốt đẹp thì ta có thể phấn khích và kiêu hãnh. Đây là sự tham chiếu về việc phản ứng thái quá đối với tám pháp thế gian, cái gọi là “bát phong”. Nói chung thì ta sẽ bực bội với những việc tiêu cực, hay phấn khích với điều tích cực.

(18) Pháp tu Bồ tát là dù sống trong nghèo khó và luôn bị khinh miệt, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, hay bị tà ma quấy rối, hãy nhận lãnh tội ác và khổ đau của tất cả chúng sinh, không chút sờn lòng. 

Ở đây, chúng ta có một tài liệu tham khảo khác về việc tu tập Tonglen, nhận lấy nỗi khổ của tha nhân và trao tặng hạnh phúc cho họ. Nếu như ta rất nghèo, hay bị người khác làm nhục và xem thường, bị bệnh, hay bị vong linh hay ma quỷ ám hại, nếu như ta chỉ nghĩ cho bản thân mình, thì phạm vi của mình sẽ rất hạn chế. Ta sẽ thấy choáng ngợp, khi nghĩ rằng “tội nghiệp cho mình quá”, nên bên cạnh hoàn cảnh khó khăn này thì mình cũng sẽ trải nghiệm mọi việc với nỗi khổ lớn lao. Nhưng nếu như ta nghĩ rằng người khác cũng có những vấn đề này, và mở rộng phạm vi của mình đến tất cả chúng sinh, vượt qua phạm vi chỉ “tội nghiệp cho mình quá”, thì cách ta trải nghiệm khó khăn này sẽ khác đi nhiều.

Một số người trong chúng ta có thể đã trải qua điều như vậy, đặc biệt là thanh thiếu niên có vấn đề trong gia đình. Ví dụ, có lẽ cha mẹ mình nghiện rượu, và ta có xu hướng nghĩ rằng mình là người duy nhất trên thế giới gặp phải vấn đề này. Ta cảm thấy rất cô lập, cô đơn và bất hạnh không tưởng tượng được. Nhưng khi ta biết rằng có nhiều người khác cũng có cùng một vấn đề, thì phạm vi của mình sẽ trở nên rộng lớn hơn nhiều. Chúng ta có thể đi đến một nhóm hỗ trợ, nơi mà có nhiều người khác cũng có vấn đề tương tự, và bắt đầu suy nghĩ về vấn đề của mọi người. Ta sẽ cảm thấy rằng “Tôi không phải là người đơn độc một mình”, và sẽ nghĩ ra một giải pháp cho mọi người. Cách ta trải nghiệm vấn đề cá nhân của mình sẽ thay đổi rất nhiều!

Chúng ta sẽ mở rộng phạm vi, nghĩ về việc hoán chuyển tự thân với người khác. Để thực hiện điều này thì ta sẽ quan tâm đến việc đoạn trừ nỗi khổ, và nghĩ về việc mở rộng cơ sở mà mình đang định danh cho cái “tôi” quy ước.  Nếu như mình mở rộng hơn mức độ chỉ có một cá nhân, “tôi”, đến tất cả chúng sinh, và nhận lãnh tội ác và khổ đau của tất cả chúng sinh, thì ta sẽ không sờn lòng. Thay vì trở nên chán nản khi nghĩ về tất cả chúng sinh, thì ta sẽ chán nản, khi chỉ nghĩ về “tội nghiệp cho mình”.

Khi ta nghĩ rằng tất cả chúng sinh là nền tảng thích hợp cho “tôi”, với sự quan tâm về việc xóa bỏ khổ đau, thì điều quan trọng là mình kết hợp điều đó với sự chứng ngộ về tánh Không của “tôi”. Không phải là thay vì có một cái “tôi” nhỏ bé vững chắc, thì giờ đây, mình có một cái “tôi” vững chắc khổng lồ, bao gồm tất cả chúng sinh. Đó không phải là điều mình đang hướng đến, và cũng là một lỗi lầm lớn trong pháp tu này. Không phải là, “Hiện nay thì tôi là tất cả chúng sinh, và bây giờ, tôi sẽ gánh vác cả thế giới.”. Nếu như nghĩ như vậy thì có lẽ mình còn nản lòng hơn nữa.

Dù sao đi nữa thì ta có thể mở rộng phạm vi của cơ sở để quy gán cho cái “tôi” quy ước. Ví dụ như ta có thể quy gán cái “tôi” quy ước cho mình, như một cá nhân. Trong trường hợp của Patricio ở đây thì chúng ta có thể nói, và đó là sự thật, rằng “Tôi là Patricio. Do đó, tôi đang tu tập để khắc phục nỗi khổ của Patricio.”. Đây cũng là một sự thật, để nói rằng, “Tôi là một cư dân ở Xalapa”, và hơn nữa, “Tôi là một cư dân ở Mễ Tây Cơ.”. Mỗi một điều này đều đúng, như một nền tảng để quy gán cái “tôi” vào đó. Việc hoạt động để loại trừ nỗi khổ của người dân ở thành phố này, hay ở đất nước này, là điều thích hợp. Chúng ta có thể mở rộng điều này hơn nữa, đến “Tôi là một con người”, hay “Tôi là một chúng sinh”, và trên cơ sở này, nhắm vào mục tiêu hành động để loại bỏ những vấn đề mà mọi người đều phải trải qua.

Chẳng hạn như khi mình làm việc để cải thiện môi trường và loại trừ sự ô nhiễm, thì đó không chỉ là vấn đề cá nhân. Đó là vấn đề của tất cả mọi người trên hành tinh, bao gồm cả thú vật. Tương tự như vậy, ta có thể làm việc để hoán chuyển tự thân và tha nhân, về việc xác định mình là ai, và mình đang tu tập để đoạn diệt khổ đau và mang lại hạnh phúc cho ai. Đây chắc chắn là cách mà Đức Dalai Lama giải thích nó như một sự hợp lệ, để mở rộng mối quan tâm của mình đến tất cả chúng sinh, không chỉ riêng mình. “Tôi là một chúng sinh mắc kẹt trong luân hồi” - điều đó là đúng, phải không? Thế thì phạm vi thích hợp để nhắm vào việc giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi là vì tôi là một trong những chúng sinh này. Đó là một cách hữu ích để tiếp cận Tonglen, nhận lấy nỗi khổ của người khác và trao tặng hạnh phúc cho họ.

Hiển nhiên, đó là một nhiệm vụ lớn lao để giải thoát mỗi một chúng sinh trong vũ trụ, và đưa họ đến giác ngộ, nhưng ngay cả với một nhiệm vụ hạn chế hơn một chút, nếu như mình nghĩ về cái “tôi” vững chắc, thì sẽ rất nản lòng. “Làm sao tôi có thể làm được điều này?”. Nhưng nếu như không có quan niệm sai lầm về một cái “tôi” vững chắc, tách rời tất cả, nhiệm vụ và vân vân, thì ta chỉ cần làm điều đó. Tôi nghĩ đó là chìa khóa về mặt đảm nhận những nhiệm vụ to lớn. Người ta cứ làm việc đó thôi.

Tôi sống ở Đức, và hình ảnh xuất hiện trong đầu tôi là hình ảnh của một số thành phố đã bị hoàn toàn hủy diệt trong Thế Chiến Thứ Hai. Người ta có thể tự hỏi làm sao mà người dân đã xây dựng lại các thành phố này? Nếu như mình sống ở Dresden, nơi đã bị những cơn bão lớn phá hủy hoàn toàn, thì ta sẽ chăm sóc ngôi nhà nhỏ của mình không? Không, vì điều đó là vô nghĩa, nếu như không có cơ sở hạ tầng của thành phố. Ta không thể sống theo cách đó, bởi vì mình hoàn toàn tương quan với mọi người. Người ta đã làm điều đó, và đã làm việc với nhau mà không nản lòng, khi nghĩ về “Ồ, làm sao mà chúng ta có thể xây dựng lại thành phố này?”. Họ đã làm điều đó, và dần dần, công việc đã được hoàn thành.

Tình huống nghiêm trọng khác có thể xảy ra là khi ta trở nên quá kiêu căng và tự phụ, khi những điều tuyệt vời xảy ra cho mình. Điều này được giải quyết trong vần kệ tiếp theo:

(19) Pháp tu Bồ tát là dù được tán thán và bao người đảnh lễ, hay giàu có như Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Hộ Thần Tài Bảo), đừng bao giờ tự phụ, mà hãy xem sự thịnh vượng thế gian không có chút thực chất nào.

Chúng ta có thể rất giàu có, hay người ta có thể khen ngợi và nói rằng mình tuyệt vời đến mức nào, và công việc mà ta đang làm tuyệt vời ra sao, thậm chí cúi đầu chào mình. Togme Zangpo nhấn mạnh cách để tránh việc tự phụ là nhận ra điều này không hề có thực chất. Trên thực tế thì việc nhận nhiều lời khen ngợi và danh tiếng có thể là điều trở ngại. Hãy xem các ngôi sao điện ảnh và ca sĩ rất nổi tiếng, thậm chí họ không thể đi ra ngoài mà không bị thợ săn ảnh hung hăng quấy rầy, vì muốn chụp hình họ. Còn những người hâm mộ nhìn thấy họ thì hét lên và đuổi theo họ, thậm chí muốn xé toạc quần áo của họ ra! Thật là kinh khủng.

Ngay cả khi mình nổi tiếng trong những lãnh vực khác, càng nổi tiếng thì càng có nhiều đòi hỏi về mặt thời gian của mình. Sẽ có nhiều công việc hơn, nhiều email hơn, nhiều nghĩa vụ và lời mời hơn, và nó có thể trở nên quá mức. Ta không thể làm bất cứ điều gì mình muốn, bởi vì người khác muốn sử dụng thời gian của mình, và ta sẽ không có thời gian cho bản thân. Nếu như ta cực kỳ giàu có, thì sẽ luôn có người làm phiền mình, vì muốn kiếm tiền. Ta sẽ cảm thấy không có ai thật sự yêu thích bản thân mình, mà chỉ muốn làm bạn với ta vì tiền bạc của mình.

Để tránh việc tự phụ thì phải nhận ra tất cả nhược điểm của lời khen, danh tiếng và tiền bạc, cộng thêm sự kiện là chúng không có thực chất. Chúng không chỉ không thể mang lại cho ta hạnh phúc tối hậu, mà còn không bền lâu. Ta có thể dễ có được chúng, nhưng cũng có thể mất chúng một cách dễ dàng. Nó giống như ví dụ trong đạo Phật về những đấng thiêng liêng sinh ra trong cõi trời tuyệt vời, nhưng rồi phải đọa vào những cõi thấp hơn.

Để tránh việc nản lòng khi sự việc trở nên tồi tệ, thì ta sẽ tiếp nhận nỗi khổ từ người khác, và phát tâm bi mẫn cho những người có vấn đề tương tự. Khi mọi việc đang diễn ra rất tốt đẹp thì điều quan trọng là không nên tự phụ, để thấy rằng điều này có nhược điểm, và không có thực chất. Khi chúng ta có tiền bạc, danh tiếng, hay nhiều việc thuận lợi, tuy ta nhận ra rằng chúng có nhược điểm, nhưng chúng cũng có những ưu điểm nào đó. Chúng ta có thể, và nên sử dụng những ưu điểm này, để tạo lợi lạc cho người khác, thay vì chỉ tự cao. Ví dụ như đối với mặt tiền bạc thì ta có thể hỗ trợ các hoạt động tâm linh.

Khắc Phục Tâm Sân Hận Và Tham Ái

Những tình huống khó khăn khác mà mình phải vượt qua, trong khi tu tập theo bồ tát đạo là tâm sân hận và tham ái, và Togme Zangpo đã dành những câu kệ cho mỗi một điều này.

(20) Pháp tu Bồ tát là điều phục tâm mình bằng hai đạo quân từ và bi, vì nếu chưa điều phục được kẻ thù bên trong, là tâm sân hận, dù có đánh bại kẻ thù bên ngoài thì những kẻ thù khác sẽ đến với ta. 

Tịch Thiên cũng sử dụng hình ảnh mà địch thủ thật sự là kẻ thù bên trong, là phiền não của mình, không phải là kẻ thù bên ngoài, và giải thích nó liên quan đến hạnh nhẫn, như một cách để khắc phục tâm sân và thù địch. Togme Zangpo giải thích nó về mặt lòng từ và lòng bi. Lòng từ, lòng bi và nhẫn nhục đều là những lực đối kháng, để đối trị tâm sân. Ngài Tịch Thiên nói rằng không có cách nào ta có thể trải da trên khắp mặt đất, để không bị gai đâm vào chân. Thật ra thì chỉ cần dùng da thú để bọc đôi chân của mình, rồi thì ta có thể đi bất cứ nơi nào, mà không bị tổn thương. Tương tự như vậy, không bao giờ ta có thể tiêu diệt tất cả những kẻ thù bên ngoài, nhưng nếu như có thể tiêu diệt kẻ thù bên trong, là tâm sân hận, thì ta có thể đi bất cứ nơi nào, mà sẽ không bị hại.

Kẻ thù thật sự là chướng ngại bên trong, là phiền não của mình, và những lực đối kháng giống như các đạo quân trong một trận chiến. Đức Phật xuất thân từ đẳng cấp chiến binh, nên chúng ta thấy rất nhiều hình ảnh võ thuật trong đạo Phật, thường làm cho người ta sửng sốt. Nhiều đạo sư Ấn Độ kế tiếp, như Tịch Thiên, tiếp tục sử dụng hình ảnh của các trận chiến. Các đạo sư Tây Tạng như Togme Zangpo cũng tuân theo tiền lệ này, sử dụng những hình ảnh như đạo quân từ và bi.

Tôi nghĩ rằng hình ảnh võ thuật này có thể đặc biệt hữu ích, khi đối phó với phiền não của mình, bởi vì nó thật sự giống như một trận giặc. Đó là một trận chiến nội bộ, và mình phải chiến đấu rất gian nan. Đó là điều nguy hiểm, và đôi khi, ta sẽ bị tổn thương. Ví dụ, nếu như mình tham gia vào các pháp tu tịnh hóa thì đủ điều khó chịu có thể xuất hiện, nhưng mình phải đối phó với tất cả những điều này, để khắc phục những phiền não thâm căn cố đế.

Nếu như ta sẽ tham gia một trận chiến, thì phải có lòng can đảm lớn lao. Điều đó đúng, không chỉ về mặt chiến đấu trận giặc bên ngoài, mà còn đối với trận giặc bên trong. Khi nhìn vào bản dịch bằng tiếng Tây Tạng của chữ Bồ tát thì người ta đã thêm một âm tiết ở cuối cùng, thay đổi ý nghĩa của từ ngữ trong tiếng Tây Tạng thành dũng cảm, hay can đảm. Thật ra chữ này không có trong tiếng Phạn. Danh từ tiếng Tây Tạng cho Bồ tát là jang-chub sem-pa. Phần đầu tiên của từ này, jang-chub là tiếng Tây Tạng cho bodhi, nghĩa là giác ngộ. Phần tiếp theo của từ này, sem-pasattva, nếu như âm tiết cuối cùng của nó được đánh vần là pa. Trong trường hợp này thì nó có nghĩa là một chúng sinh hay hữu tình có tâm thức. Nhưng người Tây Tạng đánh vần chữ  pa ở cuối chữ sem-pa theo một cách khác. Họ đánh vần nó là dpa', và đây là một từ khác được phát âm giống hệt như pa, nhưng có nghĩa là một người dũng cảm, một người can đảm.

Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết tất cả điều này từ kinh nghiệm của riêng mình. Chúng ta có thể khắc phục tâm sân với một người, hay một tình huống trong đời sống, nhưng vẫn sẽ tức giận với những việc khác trong tương lai. Nó không giải quyết vấn đề gì cả, nên chúng ta phải có mặt trong một trận chiến lâu dài. 

(21) Pháp tu Bồ tát là buông bỏ ngay những đối tượng làm tâm tham ái và bám chấp gia tăng, vì dục lạc tựa như nước muối, càng uống càng thêm khát. 

Chúng ta đã xem xét điều này với nỗi khổ vì thay đổi. Những thú vui trần tục, những điều mà mình rất quyến luyến và khát khao sẽ không bao giờ làm ta thỏa mãn. Ta sẽ không bao giờ cảm thấy đủ. Tạm thời thì ta có thể có đủ thức ăn và tình dục, nhưng sau một thời gian thì mình sẽ muốn có chúng nữa. Điều này đặc biệt nói đến những đối tượng làm tâm tham ái và bám chấp gia tăng. Có một sự khác biệt giữa dục vọng và bám chấp, tham ái. Dục vọng dành cho những điều mà mình không có. Bám chấp và tham ái nhắm vào điều gì mà mình có, và không muốn buông bỏ nó.

Tất cả chúng ta đều có những thứ mà mình thật quyến luyến. Tôi có thể nghĩ về một người bạn quyến luyến với sách Phật không thể tưởng tưởng nổi, và càng ngày càng mua nhiều sách hơn, ngay cả khi anh không bao giờ có thời gian để đọc chúng. Togme Zangpo nói rằng pháp đối trị tất cả những điều này là từ bỏ đối tượng ấy. Tôi đã đề nghị với bạn tôi rằng anh có thể tặng sách cho một cơ sở lớn hơn như trung tâm Phật giáo, nơi mà người khác có thể có được lợi lạc từ số sách này. Càng ở gần những cuốn sách thì anh càng trở nên quyến luyến, và càng mua nhiều sách hơn! Bất cứ điều gì mà mình quyến luyến, cho dù đó là quần áo hay ngôi nhà của mình, hay bất cứ điều gì, thì pháp đối trị tốt nhất là chia sẻ chúng. Ta có thể cho đi một số quần áo cũ mà mình không bao giờ mặc nữa, và có thể sử dụng nhà mình cho việc sinh hoạt Phật pháp, vân vân.

Togme Zangpo cũng nói rằng đối tượng của dục lạc mà mình quyến luyến thì tựa như nước muối. Càng tích lũy chúng thì mình càng khát khao hơn. Càng tích lũy nhiều đối tượng này thì mình càng quyến luyến hơn. Chúng ta chỉ muốn sở hữu nhiều hơn, nhiều hơn nữa, và không bao giờ có đủ. Có ai lại nghĩ rằng họ đã có đủ tiền trong ngân hàng, ví dụ vậy? Chúng ta luôn luôn muốn có nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Hiển nhiên là việc chỉ từ bỏ các đối tượng này không phải là giải pháp sâu sắc nhất, bởi vì ta vẫn có thể rất muốn lấy lại chúng, nhưng có thể hữu ích như một cách đối phó với nó vào lúc ban đầu. Trong một vần kệ trước đó, Togme Zangpo nói rằng nếu như mình rất gắn bó với quê hương, nơi mà tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước, thì tốt nhất là nên tạm thời rời bỏ quê hương. Điều này cũng nhắc nhở đến điểm này trong vần kệ đó.

Một ví dụ xuất hiện trong đầu tôi về một ứng dụng của điều này. Hãy cho là ta rất gắn bó với con cái của mình. Có rất nhiều cha mẹ không muốn buông con cái của họ ra, và càng ở gần con cái thì họ càng quyến luyến chúng. Nhưng tất nhiên là việc buông tay với con cái rõ ràng là điều rất quan trọng, lúc đầu là để cho chúng đi học, để chúng ở lại qua đêm với bạn bè, và đi học đại học ở một thành phố khác. Chúng ta không thể bắt chúng ở nhà và không bao giờ ra khỏi nhà. Chúng ta cũng cần phải buông tay, khi chúng kết hôn và dọn đi nơi khác. Có rất nhiều phụ huynh không tán thành người bạn đời của con họ, bất kể người đó là ai. Điều này là vì họ quyến luyến với con cái, và không muốn con của họ ra đi.

Tất nhiên chúng ta có thể hỏi, có phải Togme Zangpo có ý nói là mình phải từ bỏ máy tính và điện thoại di động không? Điều này đem lại cho ta khá nhiều điều để suy nghĩ, vì đây là một vấn đề đang gia tăng. Có những người ghiền điện thoại di động đến mức chơi với nó liên tục, hay vặn máy vi tính lên cả ngày, lên Internet để không bỏ lỡ e-mail (điện thơ) nào, ngay khi nó vừa đến hộp thơ. Họ có thể giống như tôi, một người ghiền tin tức, và thỉnh thoảng thì họ lại xem tin tức trên Internet hay truyền hình. Ví dụ như rất nhiều người nghiện CNN, và xem cùng một tin tức hết lần này đến lần khác. Một lần nữa, lời khuyên từ bỏ điều này rất hữu ích. Ngay cả khi mình không từ bỏ nó hoàn toàn thì điều tôi cảm thấy rất khó làm là chỉ kiểm tra e-mail một lần trong ngày, xem tin tức chỉ một lần trong ngày, và không phải lúc nào cũng làm như vậy. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động khi cần thiết thôi.

Một ví dụ cuối cùng là việc từ bỏ các đối tượng của lòng luyến ái, liên hệ đến chế độ ăn kiêng. Khi mình đang ăn kiêng, nhưng lại rất lưu luyến với sô cô la và bánh quy, khi mình có những món này ở trong nhà, thì việc không ăn chúng sẽ rất, rất là khó. Cách tốt nhất, và có lẽ là cách duy nhất để tuân theo chế độ ăn kiêng, là đơn giản không mua sô cô la, bánh quy, hay loại bánh nào cả. Không nên giữ chúng trong nhà. Khi chúng không có mặt, thì mình sẽ không ăn chúng. Đó là sự thật, phải không? Tôi chắc chắn tất cả chúng ta đều biết điều đó từ kinh nghiệm, nếu như mình đã từng ăn kiêng.

Phát Bồ Đề Tâm Tuyệt Đối, Chứng Ngộ Tánh Không

Phần tiếp theo nói về việc phát bồ đề tâm tuyệt đối. Chúng ta có bồ đề tâm quy ước hay tương đối, nhắm vào giác ngộ để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Rồi thì có bồ đề tâm tuyệt đối, nhắm vào Không tướng (tánh Không), cụ thể là tánh Không của tâm. Điều này rất thiết yếu cho việc tu tập bồ tát hạnh. 

(22) Pháp tu Bồ tát là không để tâm bị lôi cuốn vào vòng nhị nguyên, chủ thể và đối tượng có tự tánh, bằng cách chứng ngộ vạn pháp như thị. Vạn pháp do tâm tạo. Từ khởi thủy, bản tâm vốn xa lìa vọng tưởng cực đoan. 

Khi nói về tánh Không trong đạo Phật thì mình đang nói đến sự vắng bóng của điều gì, điều mà chưa bao giờ có mặt ngay từ lúc đầu. Điều này là một cách thành lập hay mô tả bất khả dĩ cho sự tồn tại quy ước của các đối tượng tri thức hợp lệ, như điều mà chúng hiển bày. Những cách tồn tại bất khả dĩ thì chưa từng tồn tại, đúng không? Ví dụ đơn giản nhất là nghĩ rằng, “Tôi là người quan trọng nhất trên vũ trụ, và điều đã thiết lập tôi là tôi là trung tâm của vũ trụ. Vì là người quan trọng nhất, nên mọi việc lúc nào cũng phải xảy ra theo ý của mình. Tất cả mọi người nên luôn luôn chú ý đến tôi và yêu mến tôi.”. Đó là điều bất khả. Tuy đối với mình thì sự việc có thể là như vậy, bởi vì ta cảm thấy mình quan trọng như thế, nhưng không ai có thể làm trung tâm vũ trụ; tất cả mọi người đều không tồn tại theo cách bất khả dĩ ấy. Không bao giờ có trường hợp như vậy.

Để có được sự hiểu biết này ở mức độ sâu xa nhất thì mình phải nhận ra rằng có những cách bất khả dĩ tinh vi hơn và tinh vi hơn nữa, để mô tả sự tồn tại quy ước của các đối tượng tri thức hợp lệ như cách mà chúng có vẻ hiển bày. Việc nhận thức những mức độ tinh vi nhất thì không dễ dàng. Do đó, trước tiên thì phải bác bỏ và dẹp bỏ những mức độ thô sơ hơn, theo nghĩa là nhận thức rằng chúng không tương ứng với cách vạn pháp tồn tại. Rồi thì ta sẽ làm việc ở những mức độ tinh vi hơn và tinh vi hơn nữa.

Chúng ta có thể nhìn vào vần kệ này theo quan điểm của phái Sakya, khi mà vạn pháp có thể hiện ra với mình như thể một đối tượng bên ngoài đang xuất hiện từ nguồn gốc của chính nó, và tâm thức nhìn thấy nó cũng xuất phát từ nguồn gốc hoàn toàn riêng biệt của nó. Chẳng hạn như ta có thể nghĩ rằng người nào là một người ghê gớm ở đàng kia, rồi thì mình thấy họ có tự tánh của một người kinh khủng, mà họ có vẻ hiện ra như vậy, và đây là cách mà họ xuất hiện với mọi người, không phải chỉ với nhận thức của riêng tôi. Bản văn nói rằng đừng chú ý đến điều đó. Chúng ta không nên để tâm vào điều đó, mà hãy chứng ngộ vạn pháp như thị. Nói cách khác là dù cho chúng có xuất hiện theo cách nhị nguyên ra sao, thì những hiện tướng đó đều do tâm tạo. Sự xuất hiện của người này như một người ghê gớm, và tâm thức xem họ như một người ghê gớm đều xuất phát từ cùng một chủng tử nghiệp trong tâm mình, chứ không phải một cách nhị nguyên, từ hai nguồn gốc khác nhau.

Tuy nhiên, điều quan trọng là không phải tâm là một cái máy chiếu thật sự tồn tại, chiếu ra những hiện tướng này. Tâm cũng không tồn tại như một thực thể thật sự, có thể tìm thấy được. Bản tánh thanh tịnh của tâm là theo bản tánh thì nó không phóng chiếu các vọng tưởng này, những hiện tướng lố bịch của hiện hữu nhị nguyên. Đó là cách hiểu của phái Sakya về dòng kệ này, và chắc chắn là điều mà Togme Zangpo ngụ ý, khi sáng tác bài này, vì ông là một tín đồ theo trường phái Sakya của Phật giáo Tây Tạng. Chúng ta sẽ thấy cách bàn luận tương tự như vậy về tánh Không trong Luyện Tâm Thất Điểm, mà Togme Zangpo cũng đã viết một bài luận giải. Bản văn ấy cũng giải thích tánh Không từ quan điểm của phái Sakya.

Nếu như nhìn vào vần kệ bằng cách diễn dịch của phái Gelugpa sau này, thì ta có thể hiểu nó ở một mức độ khác. Để sử dụng ví dụ trên thì có vẻ như có một số đặc điểm có tự tánh ở người đó, từ chính tự thân họ, mô tả sự kiện rằng họ có vẻ tồn tại như một người kinh khủng đối với mình. Chúng ta không nên để để tâm vào điều đó, vì đó không phải là cách vạn pháp như thị. Hiện tướng lừa dối này chỉ do tâm  tạo – một là từ nghiệp lực được tạo tác trong tâm, hay từ tập khí liên tục chấp thủ vào cách vạn pháp tồn tại theo những cách bất khả dĩ. Cách vạn pháp như thị là người này dường như là một người kinh khủng, vì một đặc điểm cố hữu là kinh khủng, cộng với tâm quy gán khái niệm “kinh khủng”, hay ở cấp độ tinh vi hơn, đơn giản chỉ vì tâm quy gán khái niệm của mình.

Hơn nữa, bản tâm vốn xa lìa vọng tưởng cực đoan, có nghĩa là tâm không có cách hiện hữu bất khả nào bằng vọng tưởng. Điều này đề cập đến tánh Không của, một là bản tánh quy ước của tâm (tâm hành làm phát sinh hiện tướng và nhận thức chúng), hai là bản tánh tuyệt đối của tâm (tánh Không của nó).

Câu này đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu, có rất nhiều chiều sâu và sâu sắc. Ngay cả khi không hiểu rất nhiều về lời giải thích này, ta vẫn có thể đánh giá cao rằng những lời dạy về tánh Không rất thậm thâm, và có nhiều mức độ mà mình có thể hiểu chúng. Rồi thì sẽ có lòng tôn trọng và quan tâm đến việc cố gắng đi sâu hơn, sâu hơn nữa, và lãnh hội nó.

Tất cả những điều này rất quan trọng, đối với việc cố gắng giúp đỡ người khác. Nếu như ta nghĩ rằng có một chúng sinh đáng thương đang đau khổ ở ngoài kia, với một điều gì có thể được tìm thấy ở phía họ, khiến cho họ trở thành một người nghèo khổ từ chính phía họ, thì dù cho mình có làm gì để cố giúp đỡ, họ sẽ không bao giờ thay đổi. Vậy thì những điểm này thật là quan trọng, đúng không?

Khi tu tập với tánh Không, và cố thấu hiểu nó, thì có hai giai đoạn của sự hiểu biết ấy. Giai đoạn đầu tiên là khi ta hoàn toàn nhập định trong sự hiểu biết, thì “Không có cái gì như vậy” như là cách tồn tại bất khả này. Để hoàn toàn nhập định trong “Không có cái gì như vậy” thì sự hiểu biết của mình phải dựa trên niềm tin xác tín, bắt nguồn từ việc khảo sát và lý luận hợp lý, rằng cách tồn tại bất khả này thật sự là điều bất khả dĩ.

Chẳng hạn, nếu như mình chỉ nói, “Không có sô cô la trong nhà của tôi”, thì có thể là mình không vững tin lắm về điều đó. Nhưng nếu như ta tìm kiếm khắp nơi trong nhà, và không tìm thấy thỏi sô cô la nào, thì mình sẽ tin chắc hơn vào niềm tin rằng không có sô cô la. Hay ta có thể nghĩ rằng, “Không có gì thú vị trên truyền hình.” Chúng ta có thể kết luận như vậy, mà không cần xem truyền hình, hay có thể tìm kiếm trong tất cả các đài truyền hình. Khi tìm kiếm trong tất cả các đài, và thấy không có gì thú vị, thì mình sẽ tin chắc hơn là “Không có gì thú vị trên truyền hình.”.

Đó là giai đoạn đầu tiên, sự nhập định hoàn toàn vào “không có cái gì như vậy”, hay vào tánh Không. Khi mình tập trung vào điều đó, thì nó giống như những gì xuất hiện trong tâm bạn, khi bạn tập trung vào, “Không có sô cô la trong nhà.”. Điều gì sẽ  xuất hiện? Không có gì hiện ra cả, và ta hiểu rằng không có sô cô la trong nhà. Thế thì không có gì xuất hiện, trong khi nhập định về tánh Không.

Sau đó thì đến giai đoạn hậu đắc (subsequent attainment). Điều đó đôi khi được gọi là “hậu thiền” (“post meditation”), nhưng đó không phải là một cách dịch chính xác, bởi vì thật ra thì bạn vẫn còn đang thiền. Bây giờ, sau thời nhập định thì ta nhận ra rằng vạn pháp giống như ảo ảnh. Dù nó có vẻ như phải có điều gì thú vị trên truyền hình, tuy nó có vẻ như vậy, nhưng thật ra thì nó tựa như ảo ảnh, và không phải như vậy. Do đó, tuy điều gì dường như tồn tại vững chắc từ chính phía nó, và nó xuất hiện như thế, nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Một ảo ảnh xuất hiện, nhưng nó không tồn tại theo cách mà nó xuất hiện. Nó có vẻ vững chắc, nhưng lại không phải là như vậy.

Rồi thì Togme Zangpo có hai vần kệ sau đây, xem vạn pháp như ảo ảnh. Trước tiên, nó liên quan đến các đối tượng dễ chịu, rồi đến các đối tượng không dễ chịu chút nào. Cả hai đều giống như ảo ảnh.

(23) Pháp tu Bồ tát là khi gặp gỡ đối tượng thú vị, đừng xem chúng như thật sự hiện hữu, dù chúng đẹp đẽ như cầu vồng mùa hạ. Vì vậy, hãy buông bỏ tâm tham ái và bám chấp. 

Khi gặp gỡ những đối tượng xinh đẹp, dù đó là người đẹp hay món đồ đẹp mà mình yêu thích, thì lời khuyên ở đây là hãy xem như chúng không tồn tại với một số đặc điểm cố hữu, có thể được tìm thấy từ phía chúng, khiến cho chúng đẹp đẽ. Những điều này vốn không tuyệt vời, khiến cho mình phải sở hữu chúng. Không có gì làm cho chúng đẹp đẽ và hấp dẫn bằng chính mãnh lực của chúng, độc lập với mọi thứ. Tuy đối tượng có vẻ đẹp đẽ và hấp dẫn và tuyệt vời từ phía chúng, nhưng ta phải nhận ra rằng chúng không thật sự tồn tại như thế. Điều đó bất khả dĩ; chúng chỉ xuất hiện như thế, tựa như ảo ảnh. Ẩn dụ ở đây là cầu vồng mùa hạ. Một cầu vồng rất đẹp và có vẻ tồn tại một cách vững chắc và đẹp đẽ từ phía nó, nhưng nó không có gì vững chắc. Càng đến gần cầu vồng thì ta càng không tìm thấy bất cứ điều gì từ chính phía nó.

Bây giờ thì chữ quan trọng ở đây là giống như. Vạn pháp giống như một ảo ảnh. Nó không nói rằng vạn pháp là ảo ảnh. Có một sự khác biệt lớn giữa một ảo ảnh và điều gì giống như ảo ảnh. Tịch Thiên sử dụng ví dụ về một nhà ảo thuật tạo ra ảo ảnh về một con ngựa; việc giết chết ảo ảnh về con ngựa và giết một con ngựa thật là hai điều hoàn toàn khác nhau về mặt nghiệp quả. Hậu quả khác nhau dựa trên việc giết chóc có ảnh hưởng đến người khác hay không, như con ngựa. Do đó, vạn pháp giống như ảo ảnh, giống như cầu vồng mùa hạ.

Nhờ vậy, ta sẽ cố gắng để buông bỏ tâm tham ái và bám chấp. Điều này đề cập đến tâm tham ái và bám chấp tự động sinh khởi, mà ta tự động cảm nhận, ngay cả khi mình đã có kinh nghiệm ban đầu về nhận thức vô niệm về tánh Không. Kinh nghiệm này sẽ đoạn trừ tâm tham ái, có thể dựa trên việc học hỏi một số học thuyết từ một trường phái ngoại đạo; tuy nhiên, ta vẫn có tâm tham ái tự động phát sinh này, nên phải tiếp tục tu tập với tánh Không.

Vậy thì ta sẽ hiểu rằng pháp tu mà Togme Zangpo đề cập trong hai vần kệ trước đó, khi mà ta sẽ loại bỏ các đối tượng khiến cho tâm bám chấp và tham ái của mình tăng trưởng, chỉ đơn giản là một giải pháp tạm thời. Giải pháp sâu sắc nhất là chứng ngộ tánh Không của những đối tượng có vẻ đẹp đẽ này, chứng ngộ rằng chúng không tồn tại theo cách bất khả dĩ như đẹp đẽ và đáng yêu một cách cố hữu, từ chính phía chúng.

(24) Pháp tu Bồ tát là khi gặp nghịch cảnh, hãy xem chúng như giả dối, vì khổ đau tựa như cái chết của đứa con trong giấc mơ. Chấp vào hiện tướng giả dối là chân thật sẽ làm nhọc tâm. 

Điều này đề cập đến tình huống ngược lại, khi ta gặp đối tượng làm cho mình thấy khó chịu, hay nghịch cảnh, thì phải xem chúng như ảo ảnh. Việc những điều khó chịu và nghịch cảnh này xuất hiện như được thiết lập một cách thật sự từ chính phía chúng, như là điều bất lợi và kinh khủng là giả dối. Giả dối có nghĩa là cách chúng xuất hiện không tương ứng với cách chúng thật sự tồn tại. Nó lừa dối mình, bởi vì ta nghĩ rằng chúng tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện.

Khi xem những nỗi khổ mà mình trải qua là kinh khiếp và dễ sợ từ chính phía chúng, rồi cảm thấy mình không chịu đựng được nó, thì nó giống như cái chết của đứa con trong giấc mơ. Khi ta trải nghiệm cái chết của con mình trong một giấc mơ thì chắc chắn là nó có vẻ thật và kinh khủng, nhưng rồi ta thức dậy, và thấy rằng đó chỉ là một giấc mơ. Hiện tướng trong giấc mơ thì giả dối, bởi vì nó có vẻ như là thật, và mình tin vào điều đó, trong khi nó không có thật. Tương tự như vậy, ngay cả khi ta còn thức, thì tuy nó không giống như giấc mơ, nhưng các pháp vẫn xuất hiện một cách giả dối. Vần kệ này đề cập riêng về nghịch cảnh, và làm thế nào mà những điều khó khăn xảy ra với ta có vẻ như tồn tại một cách thật sự và vân vân, nhưng chúng không tồn tại như vậy. Đó là điều bất khả.

Các hoàn cảnh bất lợi mà mình gặp phải có vẻ rất kinh khủng và ghê gớm, đơn giản là vì mãnh lực của các nhãn hiệu tinh thần “kinh khủng” hay “ghê gớm”. Thật ra hoàn cảnh ghê gớm là gì? Tình huống ghê gớm là những gì mình đang đề cập đến bằng nhãn hiệu “ghê gớm”. Tuy nhiên, không có gì từ phía nó làm cho nó trở nên ghê gớm. Sau cùng thì mình và một nhóm người trong xã hội đã phát minh ra khái niệm “ghê gớm”. Chúng ta đã định nghĩa nó, và có thể tìm thấy nó trong tự điển, nên ta sử dụng nó để dán nhãn cho nhiều thứ. Nhưng toàn bộ khái niệm về “ghê gớm” là điều gì mà như hai vần kệ trước đây đã nêu ra, là do tâm tạo. Nó có thể là điều hợp lệ, khi gọi đây là một tình huống khó khăn, một tình huống khủng khiếp, theo nghĩa là mọi người sẽ đồng ý về điều đó, và tất cả chúng ta đều sử dụng thuật ngữ đó. Về mặt quy ước thì nó có thể hợp lệ. Nhưng nó chỉ xuất hiện như thể có một điều gì từ chính phía nó, khiến cho nó khủng khiếp. Đó là điều lừa đảo, vì nó chỉ là một sự hiển bày giống như ảo ảnh. Vì vậy, khi mình xem những hiện tướng giả dối này là chân thật, thì như Togme Zangpo nói, đó thật là một điều nhọc tâm. Đó là một sự lãng phí thời gian, chỉ làm cho ta rất mệt mỏi, và khiến cho nỗi khổ của mình trầm trọng thêm.

Chẳng hạn như, khi mình va chân vào bàn ghế trong bóng tối, thì sẽ bị đau chân. Chắc chắn là nó sẽ đau, nhưng nếu như mình làm cho nó trở thành một kinh nghiệm cực đoan như “Ồ, đây là một điều kinh khủng xảy ra cho tôi”, rồi nhảy lên nhảy xuống và làm ra chuyện lớn. Điều này chắc chắn sẽ không làm cho mình cảm thấy tốt hơn, và sẽ không thành tựu được gì. Nó chỉ kéo dài sự đau khổ của mình thôi. Tôi đã đụng chân vào bàn ghế, đó là nhân và quả, và bị đau. Vậy thì sao? Có gì mới mẻ? Tôi mong đợi điều gì từ luân hồi?

Câu Hỏi

Câu kệ 21 nói về việc từ bỏ các đối tượng khiến cho tâm bám chấp và tham ái của mình tăng trưởng. Đâu là điều khác biệt giữa hai điều này và lòng khát ái, dục vọng? 

Có nhiều danh từ kỹ thuật trong đạo Phật có vẻ giống nhau, nhưng chúng có những định nghĩa và cách sử dụng khá cụ thể. Bám chấp có nghĩa là giữ chặt lấy điều mà mình thích. Truyền thống Sakya nêu ra bốn điều chính mà mình phải thoát khỏi sự bám chấp: những pháp trong kiếp này; những pháp trong những kiếp tương lai; mục tiêu vị kỷ của mình; và những cách tồn tại bất khả. Thuật ngữ “bám chấp” cũng được sử dụng trong bối cảnh nhận thức bằng khái niệm. Khi ta nghĩ về điều gì như một thành viên của phạm trù khái niệm, chẳng hạn như con thú cưng của mình là một con chó, thì ta nói rằng đối tượng mà nhận thức khái niệm này “bám chấp” vào là con thú cưng của mình.

“Tham ái” là khi mình đã có thứ gì mà ta cho là đáng yêu, thì sẽ phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của nó và không muốn buông bỏ nó. “Dục vọng” muốn là khi ta không có thứ gì mà mình muốn, và tương tự như vậy, ta cũng phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của nó, và muốn có được nó. “Khát ái” theo nghĩa đen là chữ “khát khao”, và được sử dụng một cách riêng biệt, liên hệ đến cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh. Khi cảm nhận một chút hạnh phúc thì mình rất khát khao, không muốn rời xa nó. Và khi trải qua bất hạnh thì mình khao khát được rời xa nó.

Ta có thể thấy việc phân tích của tâm lý học Phật giáo về các tâm trạng khác nhau rất tinh vi. Có rất nhiều điểm khác biệt tinh vi, và chẳng may là không phải lúc nào mình cũng có những thuật ngữ cụ thể về chúng trong ngôn ngữ của mình. Khi mình biết thuật ngữ chánh gốc và định nghĩa, thì mới có thể thật sự hiểu bản văn đang nói gì.

Tôi thấy rất khó hiểu được tánh Không, nhưng khi lắng nghe những ví dụ rõ ràng của ông, thì nó giống như là, “Ồ, đúng vậy, mọi thứ giống như một giấc mơ.”. Nhưng khi phải đối mặt với những tình huống hàng ngày thì khó mà kết hợp sự hiểu biết này. Làm sao mình có thể làm điều này?

Cách duy nhất để kết hợp nó là thiền quán về nó, có nghĩa là thực hành nó nhiều lần, và nghĩ về nó càng nhiều càng tốt. Một khi đã hiểu được điều gì nhờ thiền quán, thì ta có thể phân biệt rằng những tình huống mà mình gặp giống như ảo ảnh. Càng áp dụng điều này thì nó sẽ càng trở nên tự nhiên hơn, và ta sẽ ít bị xáo trộn hơn, vì những thăng trầm trong luân hồi.

Ví dụ như gần đây, tôi được mời đến Bogota, Colombia, để viếng thăm và giảng dạy, trước khi đi đến Mễ Tây Cơ. Đức Dalai Lama sẽ đến đó trong một vài tuần, và họ nói rằng việc tôi đến đó sẽ giúp họ chuẩn bị tinh thần tốt hơn. Ngày tôi đến là nhằm ngày lễ Phục sinh, và tôi hỏi người ta có thời gian để tổ chức và tham gia một khóa học như vậy không, và tôi yên tâm là không có vấn đề gì. Tôi đã nghĩ về nó hơi giống như một giấc mơ, và đã không xem nó là thực tại cho lắm. Tôi đã mua vé máy bay và sắp xếp, và thế là xong.

Vài tuần trước khi phải ra đi, tôi nhận được một email nói rằng quá khó khăn để sắp xếp hai chuyến đi, một cho Đức Dalai Lama, và một cho tôi. Họ đã hủy bỏ chuyến đi, nhưng tôi không đổ lỗi cho họ và hồi âm rằng, “Tôi đã nói với bạn như vậy mà.”. Tôi chỉ xem số tiền sẽ bị mất khi hủy bỏ vé máy bay, và sự bất tiện cho những người ở Mễ Tây Cơ. Một lần nữa, đó không phải là chuyện lớn. Tôi đã không vui hay buồn về điều đó.

Khi tôi nói với họ về chi phí mà họ phải trả để hủy bỏ chuyến đi, và chi phí gia tăng cho các đệ tử ở Mễ Tây Cơ, thì họ nói rằng tôi nên đến bằng mọi cách. Một lần nữa, tôi đã không thật sự vui hay buồn. Tốt thôi, tôi sẽ đi, và không suy nghĩ thêm về chuyện đó.

Rồi mười hai ngày trước khi đi, tôi nhận được một email từ Colombia, nói rằng họ đã hỏi xem ai có thể tham dự khóa học, và không ai rảnh rang, kể cả người thông dịch. Họ thấy là phải hủy bỏ chương trình. Nó giống như một ảo ảnh, nên tôi không thấy vui hay buồn. Tôi đã hủy vé máy bay, và mua một vé khác để đi Mễ Tây Cơ. Tôi đã không buồn phiền, và cũng không phấn khích. Không có gì là chuyện lớn, giống như một giấc mơ, không cần phải suy nghĩ nhiều. Nếu như ta có thể áp dụng những lời dạy về tánh Không, và vạn pháp giống như một ảo ảnh như vậy, thì sẽ vô cùng hữu hiệu, nhưng tất nhiên là mình phải quen thuộc với nó.

Top