Lục Độ Ba La Mật Và Hành Trì Hàng Ngày

Kệ Số 25 - 37 Và Kệ Kết Luận

Sau đó, Togme Zangpo đã bàn luận về sáu thái độ sâu rộng, hay còn gọi là “các hạnh hoàn hảo”, hay “ba la mật”, là nền tảng rất quan trọng cho bồ tát hạnh. Bồ tát giới, đặc biệt là các giới khinh, là một cách để giúp mình tu tập lục độ ba la mật.

(25) Pháp tu Bồ tát là bố thí mà không mong cầu sự đền đáp và thiện báo, vì kẻ mong cầu giác ngộ phải bố thí cả thân mình, nói chi đến vật chất bên ngoài? 

Thái độ sâu rộng đầu tiên là bố thí. “Thái độ sâu rộng” là cách dịch theo nghĩa đen của thuật ngữ tiếng Phạn, theo nghĩa là khi mình phát triển những tâm thái này, thì chúng rất sâu rộng. Chúng sẽ đưa ta đi rất xa; đúng ra thì sẽ dẫn dắt mình suốt cả đường tu cho đến giác ngộ.

Nói chính xác hơn thì chúng có thể đưa ta đến giải thoát, hoặc cả giải thoát và giác ngộ. Các trường phái Phật giáo Tiểu thừa cũng có các ba la mật này, nhưng mục đích của việc tu tập chúng là để đạt giải thoát, và tất nhiên là giúp đỡ tha nhân trên đường tu. Điều khiến cho các ba la mật này thuộc về Đại thừa một cách rõ rệt là khi động lực là bồ đề tâm. Do đó, nếu như mình tu tập các ba la mật này trong bối cảnh Đại thừa, thì điều quan trọng là chúng phải dựa vào mục đích chính trong đời sống của mình một cách vững chắc, đó là bồ đề tâm, để đạt giác ngộ, và có thể giúp đỡ chúng sinh trên đường tu, và cũng thực hiện điều này một cách trọn vẹn nhất, khi mà sau cùng, mình sẽ đạt giác ngộ.

Tịch Thiên đã nêu ra một điểm rất quan trọng, khi nói rằng lục độ ba la mật chỉ là như vậy, là những thái độ và tâm trạng. Chúng không phải là những hành động thật sự, dựa trên những điều này. Như ngài đã nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh:

(V.9) (Xét cho cùng,) nếu như bố thí ba la mật là việc chấm dứt sự nghèo nàn của chúng sinh, vậy thì làm sao các đấng Bảo Hộ thời xưa có thể hoàn thiện nó, vì chúng sinh vẫn còn đói khát cho đến bây giờ?
(V.10) Bố thí ba la mật được xem là nhờ vào tâm muốn bố thí tất cả những gì thuộc về mình cho tất cả chúng sinh, cùng với quả của nó; nên đó là chính là tự tâm.

Vì nó là thái độ ước nguyện và sẵn sàng bố thí tất cả những điều quan trọng cho tất cả chúng sinh, nên ngay cả khi mình không có gì, thì vẫn có thể phát triển ba la mật này. Ví dụ như ta có thể tưởng tượng rằng, “Nguyện cho tất cả chúng sinh có thể thưởng thức cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp này”, hay bất cứ điều gì mà mình có thể tận hưởng. Ta cũng có thể tưởng tượng cho người khác bất cứ điều gì mà họ cần. Nhưng nếu như có những món đồ mà ta có thể trao tặng cho người khác để giúp đỡ họ, thì việc chỉ quán tưởng và tưởng tượng việc tặng đồ cho họ là không đủ, mà còn phải thật sự trao tặng nó nữa!

Khi mình thật sự bố thí cho người khác một cách hào phóng, thì như Togme Zangpo nói, điều quan trọng là làm điều đó mà không mong cầu sự đền đáp. Nó không phải là giao dịch kinh doanh. Chúng ta không giao dịch điều gì, hay cho thứ gì để nhận lại món gì đó. Điều này không chỉ đề cập đến việc chỉ muốn nhận lại món vật gì, mà còn muốn người khác ưa thích, yêu mến mình, hay thậm chí cảm ơn mình. Không nên có hy vọng hay kỳ vọng về điều đó. Đó không phải là lý do mà mình sẽ bố thí cho ai. Khi tay của mình đưa thức ăn vào miệng, thì liệu tay có mong đợi một lời cảm ơn hay chúc mừng, hay bất cứ điều gì đáp lại hay không? Chúng ta bố thí đơn giản là vì có ai cần một thứ gì đó. Nếu như mình có khả năng để cung cấp những gì họ cần, và nó sẽ không gây hại hay bất cứ điều gì như vậy, thì ta sẽ bố thí. Nó giống như khi nhìn thấy chén dĩa dơ trong bồn rửa chén thì việc đó là chén dĩa của mình hay của ai khác không quan trọng, mà chúng phải được rửa, nên ta sẽ làm điều đó.

Tương tự như vậy, khi bố thí thì không nên mong đợi thiện báo. Thực tế là kết quả của hạnh bố thí là trong những kiếp tương lai nào đó, ta sẽ giàu có. Ví dụ như, nếu như mình tu tập tâm bố thí bằng cách cúng dường cho các trung tâm Phật giáo và những nơi như vậy như một việc đầu tư tốt, nghĩ rằng trong tương lai, mình sẽ nhận được lợi tức tốt cho việc đầu tư này, và sẽ giàu có trong những kiếp tương lai, thì cũng không đúng đắn. Thêm vào đó, điều quan trọng là không quyến luyến với những thứ mà mình đã cho đi, hay đòi hỏi người khác sử dụng chúng theo cách mà ta muốn họ sử dụng. Một khi đã trao tặng món quà thì nó sẽ thuộc về ai, người kia hay mình?

Do đó, như Togme Zangpo nói, nếu kẻ mong cầu giác ngộ phải bố thí cả thân mình, như ví dụ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là một vị đại Bồ tát trong một kiếp trước, đã bố thí một phần thân thể của ngài để nuôi một con hổ đói, thì nói chi đến vật chất bên ngoài? Không chỉ là không nên phát tâm quyến luyến với tài sản bên ngoài, mà thậm chí còn không quyến luyến với thân mình, về mặt sử dụng nó để phục vụ người khác.

Nếu như ta không phải là một vị đại Bồ tát, thì như đã nói trong giáo lý, “Một con cáo sẽ không phóng ở nơi một con sư tử phóng.”. Nếu như chưa sẵn sàng bố thí thân mình hay mạng sống cho người khác, thì không nên làm như vậy. Nếu như thực hiện hành vi này khi mình chưa sẵn sàng, thì chắc chắn sẽ tạo ra một tâm trạng rất tiêu cực, là điều không hữu ích chút nào. Đúng ra thì điều này rất thú vị, khi thử nghiệm để xem mình đã tiến bộ đến mức nào với hạnh bố thí là liệu mình đã sẵn lòng cho muỗi ăn đến mức nào, khi nó đậu trên cánh tay mình và cắn ta? Hầu hết mọi người không sẵn sàng cho muỗi ăn bất cứ thứ gì. Như Đức Dalai Lama có nói, “Chúng chỉ hút một giọt máu thôi. Đâu có gì nhiều.”.

Nếu như sẵn sàng cho đi thứ gì mà mình không cần, hoặc không thích, hay còn dư lại, “Tôi đã chán những quần áo này rồi, nên tôi sẽ tặng chúng cho người nghèo”, thì đó không phải là một thành tựu lớn. Vấn đề là sẵn sàng tặng cho người khác những thứ mà ta thật là thèm muốn, như “thời giờ quý báu” của mình.

(26) Pháp tu Bồ tát là hãy trì giới mà không có chủ ý thế gian, vì nếu không giữ giới thì không thể thành tựu mục tiêu của riêng mình, nói chi đến ước nguyện thành tựu mục tiêu của chúng sinh, đó chỉ là một trò đùa. 

Trì giới là ba la mật kế tiếp. Đó là tâm trạng kềm chế hành vi tiêu cực, và cũng là sức mạnh của tâm thức, để tham gia vào điều gì có tính xây dựng, để giúp đỡ người khác. Khi nghĩ về kỷ luật tự giác này, thì phải nghĩ theo nghĩa rộng, giống như khi mình nghĩ về hạnh bố thí, không chỉ bố thí vật chất, mà còn bố thí sự giúp đỡ, thời gian, sự quan tâm và lòng thương yêu, giảng dạy v.v...

Togme Zangpo nêu ra rằng trì giới, nói cách khác là đảm bảo là mình sẽ hành động một cách thích hợp và không bất phù hợp, là điều mà mình cần phải làm, mà không có chủ ý thế gian. Chủ ý thế gian nghĩa là gì? Tại sao mình phải có kỷ luật? Một vận động viên có kỷ luật, và một nhạc sĩ cũng có kỷ luật. Có nhiều loại kỷ luật khác nhau mà ta có thể phát triển. Nhưng chủ ý của mình trong việc phát triển kỷ luật này là gì? Có phải chỉ vì mục tiêu thế gian, để trở thành một vận động viên giỏi và giành huy chương, hay trở thành một nhạc sĩ tài năng? Những điều ta phải làm ở đây là phát triển giới luật, để có thể thành tựu giải thoát và giác ngộ, và giúp đỡ tha nhân, cả trên đường tu, và hơn thế nữa, một khi mình đã đạt giác ngộ.

Có nhiều cách để phát triển kỷ luật rất thế tục, ví dụ như tập luyện cơ thể như một người luyện cơ bắp. Mình sẽ tập luyện toàn thời, chỉ để nhìn rất mạnh mẽ. Hay tránh ăn thức ăn béo, hoặc thức ăn mà mình ưa thích, vì muốn ăn kiêng, và lôi cuốn một người tình. Điều này liên hệ đến sự phù phiếm. Đây không phải là những cách giữ kỷ luật mà mình đang nói đến ở đây. Đây là lý do mà tôi bổ sung thêm ở đây, trong bản dịch của thuật ngữ, kỷ luật “đạo đức”, nhưng ngay cả kỷ luật đạo đức cũng có thể được thực hiện với chủ ý thế gian. Ví dụ như mình muốn làm một hành giả tốt, và không muốn trở thành một Phật tử xấu, vì muốn được thầy mình yêu thích. Đó là một chú ý thế gian, đúng không? Hãy nhớ rằng mình phải tu tập các ba la mật này với bồ đề tâm, và không chỉ bồ đề tâm tương đối, mà còn là bồ đề tâm tuyệt đối, tâm chứng ngộ tánh Không. Do đó, ta sẽ không thực hiện giới luật cho mục tiêu ích kỷ của riêng mình.

Togme Zangpo khẳng định rằng nếu không giữ giới thì không thể thành tựu mục tiêu của riêng mình, đề cập đến việc hoàn thành các mục tiêu tâm linh của phạm vi sơ căn và trung căn. Vì mục tiêu riêng của mình thì ta muốn có một tái sinh tốt hơn, một kiếp người quý báu, và chúng ta muốn thành tựu giải thoát. Nếu như không giữ giới thì không thể đạt được những điều này, làm sao có thể nghĩ đến việc thành tựu mục tiêu của chúng sinh, như thành tựu giác ngộ, mà không có giới luật?

(27) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng tâm nhẫn nhục, không hận thù hay ghét bỏ một ai, vì đối với chư Bồ tát có ước nguyện giàu sang công đức, thì tất cả những kẻ hãm hại họ đều giống như kho báu. 

Nhẫn nhục là tâm trạng không tức giận với người làm hại mình; không bực bội với tất cả những khó khăn mà mình phải chịu đựng để đạt giác ngộ; và không chán ngấy với những khó khăn, khi phải giúp đỡ người khác. Vì việc giúp đỡ người khác thì không dễ dàng, nên mình phải tu tập hạnh nhẫn như một tập khí. Đó là ý nghĩa của chữ “thiền”, nhưng phải hiểu rằng ý nghĩa thật sự của nó là tạo dựng một tập khí ích lợi. Nên nhờ cách tu tập nhiều lần, ta sẽ biến hạnh nhẫn thành một thói quen. Cách mình phát triển thói quen kiên nhẫn là không có tâm thù địch hay ác cảm với ai. Cho dù việc giúp đỡ họ có khó khăn đến mức nào, cho dù họ có thể phá hoại mình đến mức nào, thì ta vẫn không nổi giận.

Như Đức Dalai Lama giải thích thì hạnh nhẫn nhục và khoan dung không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà thật ra là dấu hiệu của sức mạnh lạ thường. Việc có lòng nhẫn nại không có nghĩa là để cho người khác hành xử một cách tiêu cực, hay chà đạp mình, mà không làm gì cả. Nó có nghĩa là mình phân biệt giữa người này với hành động của họ, và không tức giận với họ. Như ngài Tịch Thiên nói, nếu có một tình huống khó khăn mà mình có thể làm gì để thay đổi nó, thì tại sao lại tức giận? Chỉ cần thay đổi nó. Hãy làm như vậy. Nhưng nếu như đó là tình huống mà mình không thể làm gì cả, thì tại sao lại tức giận? Nó sẽ không giúp ích được gì.

Như Togme Zangpo nói thì việc có tâm nhẫn nhục là một nhân tố lớn để tích lũy công đức lớn lao. Ngài nói rằng, đối với chư Bồ tát có ước nguyện giàu sang công đức, thường được dịch là “công đức”, thì tất cả những kẻ hãm hại họ đều giống như kho báu. Tại sao? Làm sao ta có thể tu hạnh nhẫn, nếu như không có những người khó chịu và khó khăn? Chúng ta cũng thấy ý tưởng tương tự như vậy trong các tác phẩm luyện tâm khác. Những người mà ta có thể tu hạnh nhẫn là kho báu vĩ đại, bởi vì nhờ có họ mà mình có thể tích tập kho công đức, nhờ vậy mà mới thành tựu giác ngộ.

(28) Pháp tu Bồ tát là nỗ lực tinh tấn, cội nguồn của mọi đức hạnh, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, vì ngay cả Thanh văn và Độc giác, chỉ mong thành tựu mục tiêu của riêng mình, cũng tu tập tinh tấn, bỏ mặc ngọn lửa đang cháy trên đầu. 

Tinh tấn là ba la mật thứ tư. Chữ tiếng Phạn cho thái độ này, “virya”, liên quan với chữ tiếng Phạn “vira”, có nghĩa là “anh hùng”, trong tiếng La-tinh thì chữ “vir” có nghĩa là “đàn ông”, và chữ tiếng Anh là “virile”. Do đó, nó mang ý nghĩa anh hùng dũng cảm và cường tráng, để hăng hái tham gia và hoàn thành một mục tiêu tích cực mà khó đạt được. Với thái độ này thì ta sẽ chịu đựng và tiếp tục việc tu tập của mình, bất kể khó khăn ra sao, mà chẳng bao giờ nản lòng, không lười biếng, không cảm thấy thiếu sót, như là “Tôi không thể làm điều đó”, và không trì hoãn công việc đến ngày hôm sau. Ta sẽ hoan hỷ với những điều mình làm, đặc biệt là tinh tấn trong những hoạt động tích cực. Đây là cội nguồn của mọi đức hạnh, nói cách khác là đạt giác ngộ với mục tiêu tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Nếu như các hành giả Tiểu thừa, các vị Thanh văn (shravakas) Duyên giác (pratyekabuddhas), những người chỉ tu tập vì lợi lạc của riêng mình để thành tựu giải thoát, có lòng anh hùng can đảm, tinh tấn và nỗ lực lạ thường để đạt mục tiêu của họ, thì chúng ta, những người đang tu tập như những bồ tát vì lợi lạc của tha nhân, còn cần có điều này nhiều hơn nữa. Thanh văn là những người có cơ hội lắng nghe giáo lý của Đức Phật, trong khi Duyên giác tu tập theo bản năng trong thời kỳ đen tối, khi giáo lý của Đức Phật không có mặt. Ví dụ được đưa ra ở đây cũng xuất phát từ các bản văn trước đó, thể hiện hạnh tinh tấn và can đảm mà chư vị Thanh văn và Duyên giác này sở hữu, là hạnh tinh tấn và can đảm để tiếp tục hành thiền, hay hành trì bất cứ pháp tu nào mà chư vị đang tu tập, ngay cả khi lửa đã cháy trên đầu họ. Ngay cả khi đầu của mình bốc cháy thì chư vị sẽ bỏ mặc nó, không hoảng hốt và dừng lại để dập tắt nó. Thay vì vậy, các ngài sẽ bỏ mặc điều đó, bỏ mặc nó và tiếp tục hành thiền. Nếu như chư vị có hạnh tinh tấn anh hùng đến mức sẽ không phân tâm vì nhu cầu thế gian của riêng mình, thì như một Bồ tát, chúng ta còn cần có nhiều hơn nữa.

Trên cơ bản thì việc bỏ mặc ngọn lửa đang cháy trên đầu nói về tâm xả ly. Chư vị từ bỏ mối quan tâm trần tục này về ngọn lửa trên đầu họ. Thuật ngữ này có nghĩa đen là bỏ mặc điều đó. Tất nhiên, một số người sẽ diễn giải điều này như là “tránh xa ngọn lửa”, hay “dập tắt ngọn lửa”, nhưng đó không phải là ý nghĩa. Ý nghĩa ở đây là tâm xả ly.

(29) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng định tâm, để vượt qua bốn tầng thiền vô sắc một cách thanh tịnh, nhờ nhận thức rằng mọi phiền não đều được định và tuệ chế ngự hoàn toàn. 

Vần kệ này có nhiều biệt ngữ và từ ngữ kỹ thuật. Nó đề cập đến thiền định ba la mật, đôi khi được gọi là “định tâm”, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ đơn giản là định tâm. Nó có một tâm trạng ổn định, không bị lay chuyển hay bị lung lay vì tâm trạo cử, tán loạn, phóng dật hay hôn trầm. Nó cũng không bị thao túng hay lay chuyển vì phiền não, nên nó ổn định. Đó là ý nghĩa thật sự của chữ này.

Với định tâm này thì đương nhiên là ta có thể làm hầu như bất cứ điều gì, đúng không? Loại định tâm mà mình muốn đạt được là một loại định tâm hoàn toàn vượt qua bốn tầng thiền vô sắc một cách thanh tịnh. Bốn tầng thiền vô sắc là những tầng thiền rất sâu xa, nếu như mình quyến luyến với chúng, thì sẽ tái sinh trong bốn cõi khác nhau của chúng sinh vô sắc, cõi vô sắc. Định tâm này hoàn toàn vượt qua điều đó một cách thanh tịnh. Chữ thanh tịnh này được sử dụng theo nghĩa là bốn tầng thiền định vô sắc này bị cấu nhiễm vì vô minh, vì vô ý thức, nên không thanh tịnh. Chúng ta muốn có được một định tâm thanh tịnh, vượt qua điều đó, không lẫn lộn với tâm vô minh hay mê lầm.

Chúng ta muốn có khả năng tập trung định tâm này vào điều gì? Tâm trạng mình muốn đạt được, bao gồm cả định tâm này là gì? Đó là một sự kết hợp, hay trạng thái hợp nhất của shamatha (chỉ) và vipashyana (quán), nếu sử dụng thuật ngữ tiếng Phạn. Trạng thái tĩnh trụ shamatha, và trạng thái tuệ giác đặc biệtvipashyana. Trạng thái tĩnh trụ là gì? Nó đã làm an tĩnh tất cả những tâm tán loạn, trạo cử và hôn trầm, và đã an trụ nhất điểm vào một đối tượng có tính thiện hảo. Nó có một cảm giác sung mãn, một trạng thái rất phấn chấn về mặt thể chất, và sung mãn về mặt tinh thần, có thể chú tâm vào bất cứ điều gì, và an trụ ở đó bao lâu tùy theo ý muốn của mình.

Như Serkong Rinpoche, thầy của tôi đã từng nói, nó giống như có một chiếc máy bay phản lực khổng lồ. Nếu như bạn đặt nó trên mặt đất thì nó sẽ ở đó, nhưng khi bay trên không trung, thì nó cũng sẽ bay. Đây là sự sung mãn mà tâm có thể tập trung, và làm bất cứ điều gì mình muốn nó làm, và an trụ trong trạng thái đó một cách ổn định. Nó hơi giống cảm giác sung sức của một vận động viên tập luyện giỏi. Ví dụ như cơ thể rất sung sức, đến nỗi nó có một cảm giác siêu việt đến mức nó có thể làm bất cứ điều gì, và có thể chạy hoài.

Trên cơ sở đó, người ta có thể đi xa hơn, và kết hợp nó với vipashyana, một trạng thái tuệ giác đặc biệt. Đây là một tâm thức đã có shamatha rồi. Nó đã tĩnh lặng và an trụ, có thể tập trung vào bất cứ điều gì, và ngoài cảm giác sung mãn đầu tiên này, còn có cảm giác sung mãn thứ hai, có khả năng nhận thức hay thấu hiểu bất cứ điều gì. Không chỉ tánh Không, mà nó có thể hiểu biết bất cứ điều gì. Nó hoàn toàn sung mãn, và có thể thấu hiểu và nhận thức bất kỳ chi tiết nào, trong mọi sự thâm thúy, bất cứ điều gì. Phải nhận thức rằng chỉ khi mình có tuệ giác đặc biệt này về vipashyana, đương nhiên là đã hoàn toàn kết hợp với shamatha rồi, thì như Togme Zangpo nói, mới có thể hoàn toàn chế ngự phiền não. Khi nhận thức được điều này, thì ta sẽ cố phát triển định tâm với trạng thái hợp nhất của chỉ (shamatha) và quán (vipashyana). Tất nhiên là điều này sẽ vượt qua bốn tầng thiền vô sắc, điều chỉ khiến cho mình mắc kẹt trong luân hồi.

(30) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng trí tuệ vô niệm về ba phương diện, cùng với phương tiện, vì nếu không có trí tuệ ba la mật thì năm ba la mật kia không thể đem lại thành tựu giác ngộ hoàn hảo. 

Trí phân biệt thường được dịch là “trí tuệ”, nhưng tôi thấy nó là một chữ không chính xác và mơ hồ. Chúng ta đang nói về khả năng phân biệt giữa cách vạn pháp tồn tại và cách chúng không tồn tại.

Chúng ta cần trí tuệ vô niệm, cùng với phương tiện. Chữ “phương tiện” nói về bồ đề tâm, và bồ đề tâm thì dựa vào lòng từ và lòng bi. Trí tuệ chứng ngộ tánh Không có thể đem đến giải thoát cho mình. Nó có thể đoạn trừ phiền não chướng, ngăn cản giải thoát, cụ thể là vô minh, các phiền não và xu hướng của cả hai. Nhưng chỉ kết hợp với bồ đề tâm thì nó mới có đủ sức mạnh, để có thể khắc phục ám chướng thứ hai, đó là sở tri chướng, ngăn chận tâm toàn tri và giác ngộ, cụ thể là tập khí liên tục chấp vào sự hiện hữu chân thật, khiến cho tâm tạo ra hiện tướng của sự tồn tại thật sự được thiết lập. Do đó, bồ đề tâm với lòng từ bi là những phương tiện được đề cập ở đây.

Loại trí tuệ này phải có mặt theo cách vô niệm về ba phương diện. Ba phương diện nói về người đang hành thiền, những điều họ đang thiền quán, và việc thiền quán, và các niệm là về sự hiện hữu thật sự được thiết lập. Chúng ta muốn loại trừ khái niệm này về sự hiện hữu thật sự được thiết lập trong ba phương diện, và hơn nữa, muốn có toàn bộ sự hiểu biết vô niệm. Khi có một nhận thức khái niệm về bất cứ điều gì, thì nó sẽ phóng chiếu hiện tướng của sự tồn tại thật sự được thiết lập, và ta sẽ tin rằng nó tương ứng với cách vạn pháp tồn tại, cho đến khi mình đạt giải thoát. Nói cách khác là ta đã chấp vào sự hiện hữu thật sự được thiết lập, nên từ nhiều quan điểm thì mình phải đạt được nhận thức vô niệm về tánh Không.

Tại sao mình phải phát triển trí tuệ ba la mật này? Togme Zangpo nói rằng đó là vì nếu không có trí tuệ ba la mật, thì năm ba la mật kia không thể đem lại thành tựu giác ngộ hoàn hảo. Ngay cả với bồ đề tâm tương đối, ước nguyện thành tựu giác ngộ để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh thì nếu chỉ tu tập năm ba la mật đầu sẽ không đủ. Chúng cần phải đi kèm với trí tuệ ba la mật về tánh Không.

Ngoài ra, điều quan trọng ở đây là cần có trí tuệ về ba phương diện, không chỉ về con người, “tôi”. Theo Tiểu thừa thì ta chỉ cần hiểu rằng một người, “tôi”, không tồn tại một cách bất khả dĩ với một linh hồn bất khả. Theo Đại thừa thì trí tuệ chứng ngộ tánh Không về “tôi” không đủ để đạt giác ngộ. Chúng ta cần có được trí tuệ chứng ngộ tánh Không của vạn pháp, như được biểu thị bằng không chỉ “tôi”, người đang hành thiền, mà còn về những điều mình đang thiền quán, và hành vi thiền quán nữa. Theo tri kiến của trường phái Cụ Duyên (Prasangika), như đã được khẳng định trong truyền thống Gelug, thì cần có trí tuệ chứng ngộ tánh Không về ba phương diện, thậm chí để đạt giải thoát.

Pháp Tu Hàng Ngày Của Chư Bồ Tát

Những vần kệ tiếp theo liên quan đến pháp tu hàng ngày của Bồ tát.

(31) Pháp tu Bồ tát là liên tục quán xét bản thân và đoạn trừ lỗi lầm của mình, vì nếu chỉ thể hiện giáo pháp bên ngoài mà không tự quán xét lỗi lầm của bản thân, thì ta có thể hành động trái ngược với Pháp. 

Như đã nói trong Luyện Tâm Thất Điểm, cần phải có chiếc gương giáo pháp hướng vào bên trong, không phải bên ngoài. Ta sẽ tự vấn xem mình có tu tập Pháp đúng đắn hay không, và không chỉ hướng ra ngoài, để xem mình nghĩ rằng người khác đang tu tập đúng đắn hay không.

Cùng một tác phẩm cũng nói rằng ta phải lấy bản thân mình “làm nhân chứng chánh', để chứng kiến liệu mình có tu tập một cách thanh tịnh hay không. Chỉ có mình mới là thẩm phán tốt nhất về động lực của tự thân, về những gì đang thật  sự diễn ra trong tâm trí mình. Việc tự dối lòng là điều rất dễ dàng. Chúng ta tự dối lòng khi nghĩ rằng “Tôi thật sự noi theo đường tu nhà Phật”, hay “Mình đã thật sự khắc phục lòng ích kỷ”, và tất cả những cách tự dối lòng khác nhau. Nhưng phải quán xét điều này rất cẩn thận, như Togme Zangpo nói, và đoạn trừ lỗi lầm của mình.

Vì nếu chỉ thể hiện giáo pháp bên ngoài, mà không tự quán xét lỗi lầm của bản thân, thì ta có thể hành động trái ngược với Pháp; chẳng hạn như mình có thể lễ lạy rất nhiều theo hình thức bên ngoài, nhưng thật ra, nó không phải là giáo pháp ở bên trong. Nếu vậy thì mình cũng có thể hít đất một trăm ngàn lần là xong. Chúng ta thường hành thiền hay hành trì những pháp tu khác nhau, không phải vì có lòng, mà bởi vì nếu như không làm như vậy thì mình sẽ cảm thấy tội lỗi. Đây là một ví dụ tốt về việc thể hiện giáo pháp bên ngoài, nhưng đang thật sự làm điều gì phi Pháp bên trong.

(32) Pháp tu Bồ tát là không nêu lỗi của các hành giả đã thể nhập Đại thừa, bởi nếu vì phiền não thôi thúc mà vạch lỗi của những ai là Bồ tát, thì chính mình sẽ bị suy đồi.  

Một hành giả đã thể nhập Đại thừa đề cập đến một người đang tu tập bồ tát đạo. Việc tìm kiếm lỗi lầm của một vị Bồ tát là một tâm thái xem thường và tìm kiếm lỗi lầm của bồ đề tâm và bồ tát hạnh. Điều đó sẽ khiến cho bồ tát hạnh của chính mình bị suy đồi, bởi vì mình có thái độ tiêu cực đối với bồ tát hạnh.

Điều đáng chú ý là điểm nói về vì phiền não thôi thúc mà vạch lỗi của những ai là bồ tát. Việc Togme Zangpo khẳng định điều này một cách khá cụ thể là điều quan trọng. Có thể có những vị bồ tát không có phương tiện thiện xảo, nên việc này là một lỗi lầm, theo một nghĩa nào đó, và tất nhiên là ta có thể nói những lời chỉ trích có tính cách xây dựng, và đề nghị cách làm việc thiện xảo hơn, nhưng đây là một tình huống khác với việc vạch lỗi của người khác vì phiền não của mình.

Với phiền não thì có thể là vì mình ganh tỵ với những gì họ đang làm, hay ta chỉ nghĩ về “mình”, như là, “Tôi không đồng ý với những gì họ đang làm, bởi vì tôi sẽ làm khác đi.”. Đây có thể là lòng kiêu hãnh, như là “Tôi có thể làm việc này tốt hơn người này.”. Nó có thể là tâm si mê, khi đơn giản là mình không hiểu phương tiện và chủ ý sâu xa của Bồ tát, và chỉ nghĩ một cách rất hạn hẹp. Đó có thể là tâm luyến ái và sân hận, như là “Tôi muốn làm điều đó, nhưng bây giờ thì vị Bồ tát này đã làm nó trước rồi,” nên mình tức giận với họ. Chính trong bối cảnh này, như Togme Zangpo nói, nếu vì phiền não thôi thúc mà vạch lỗi của những ai là Bồ tát, thì chính mình sẽ bị suy đồi

Điều đó không có nghĩa là mình thể đưa ra đề nghị có tính cách xây dựng cho người nào đang cố gắng làm Bồ tát, để giúp đỡ mọi người, nếu như ta nghĩ rằng có thể có điều gì mà họ có thể làm. Dĩ nhiên, nói chung thì việc chỉ trích có tính tiêu cực, và chỉ nói về lỗi lầm của người khác thì không giúp ích được gì. Tuy nhiên, phần này có thể bị hiểu lầm là mình sẽ không bao giờ cố gắng sửa sai người nào, hoặc giúp đỡ ai, nếu như họ có lỗi lầm. Nói cách khá là nếu như mình sẽ đưa ra những đề nghị quan trọng, thì nên làm như vậy với lòng tôn trọng, và với động lực để giúp người kia giúp đỡ người khác nhiều hơn. Điều này đòi hỏi sự khiêm tốn, không kiêu căng. Thêm vào đó, nên đưa ra đề nghị của mình vào đúng lúc và đúng hoàn cảnh, nếu không thì những người nghe mình nói có thể bối rối. 

(33) Pháp tu Bồ tát là đoạn trừ tâm tham ái đối với gia đình của người thân, bạn bè và thí chủ, vì nếu bị lôi kéo vào vòng danh lợi, thì chúng ta sẽ tranh chấp với nhau, làm giảm sút việc văn, tư, tu. 

Chúng ta có thể nhận thấy rằng đây là vần kệ thứ ba, trong đó Togme Zangpo nói về chủ đề tương tự như vậy. Việc sống trong gia đình của người thân và bạn bè và thí chủ thì rất khó khăn. Nói cách khác là những người hỗ trợ mình về tài chánh và vân vân, nếu như ta có nhiều phiền não. Ở đây, phiền não cụ thể mà ngài đề cập đến là muốn hoặc có nhiều tham vọng để được lợi. Trong trường hợp này thì đó là có được nhiều tiền bạc, hay lòng tôn trọng từ vị thí chủ.

Ví dụ, nếu như mình đang cố gắng tu tập theo bồ tát đạo, trong khi sống với gia đình, và họ không tôn trọng những điều mình đang làm, hoặc thậm chí không chấp nhận những điều mình đang làm, nếu như mình sinh tâm chấp thủ về việc được họ tôn trọng và chấp thuận, thì điều gì sẽ xảy ra? Như Togme Zangpo nói, chúng ta sẽ tranh chấp với nhau, làm giảm sút việc văn, tư, tu. Vì rất quan tâm đến sự chấp thuận của họ, nên ta sẽ rất buồn bực.

Một lần nọ, Ra Lotsawa, một dịch giả vĩ đại người Tây Tạng, đã nói rằng, “Hình thức tu tập giáo pháp mà tôi đang làm là điều mà thầy tôi đã hướng dẫn, nên thậm chí, nếu như không có ai ưa thích tôi, vì những gì tôi đang làm, thì tôi chẳng hề quan tâm đến việc đó.”. Nói cách khác là mình không tu tập Pháp để được người khác chấp thuận. Khi biết rằng mình đang noi theo đường tu nhà Phật, theo chỉ giáo của thầy mình, là người hội đủ trình độ, thì không sao cả. Ta sẽ không cần ai khác chấp thuận. Chúng ta không nên chấp thủ với điều đó.

Có một câu chuyện được kể về Geshe Pen Kungyal, người đang hành thiền trên núi, trong một hang động, và vị thí chủ của ông sẽ đến thăm ông. Ông đã lập bàn thờ đàng hoàng, dọn dẹp phòng thiền và tắm gội sạch sẽ, để gây ấn tượng tốt với vị thí chủ, và tiếp tục được sự hỗ trợ của anh ta. Sau đó, ông nhận ra những gì mình đang làm đã lẫn lộn với mối bận tâm thế tục về việc có được danh tiếng và lòng tôn trọng, nên ông đã ném đất cát vào tất cả các thức cúng dường. Có một vị thầy vĩ đại khác sống ở xa, người đã nhìn thấy điều này bằng thần thông, và nói rằng, “Geshe Pen Kungyal vừa thực hiện một việc cúng dường thanh tịnh nhất trên khắp nước Tây Tạng.”. Điều này đề cập đến cùng một điểm như trong vần kệ ở đây.

(34) Pháp tu Bồ tát là từ bỏ lời khắc nghiệt, làm kẻ khác bất an, vì lời nói nặng làm xáo động tâm kẻ khác và làm hư hoại bồ tát hạnh của mình. 

Khi mình la lối người khác, hay gọi họ bằng những cái tên xấu xa, vân vân, thì điều này sẽ làm họ bất an, Không ai thích điều đó, và chắc chắn sẽ làm người khác phiền lòng. Nếu như mình là một vị Bồ tát, và đang cố gắng làm cho người khác hạnh phúc, và an lạc, thì lời nói nặng làm xáo động tâm kẻ khác là điều trái ngược, nên nó sẽ làm hư hoại bồ tát hạnh của mình.

Khi nói về việc nặng lời, thì điều này luôn có ác ý; vì ta muốn làm người nào tổn thương bằng những lời này. Đôi khi, dĩ nhiên là mình phải nói một cách mạnh dạn và lớn tiếng. Chẳng hạn, nếu như một đứa trẻ sắp chạy ra ngoài đường, có rất nhiều xe cộ. Nếu như không thể tóm lấy đứa trẻ, thì bạn phải hét thật to, để cố gắng không cho nó chạy ra đường.

Đôi khi, mình phải nói một cách mạnh mẽ với người khác, để làm lợi lạc cho họ. Ví dụ như Serkong Rinpoche, là thầy của tôi, luôn luôn gọi tôi là “Thằng Ngốc”, hay “Đần Độn”. Khi ngài nhận tôi làm đệ tử thì điều mà tôi đã thỉnh cầu ngài là, “Xin hãy dạy dỗ con, là một con lừa, để con có thể giúp đỡ người khác một cách thiện xảo hơn.”. Đó là thỉnh cầu của tôi đối với ngài. Khi còn trẻ thì tôi rất kiêu hãnh, vì xuất thân từ trường đại học Harvard và vân vân. Serkong Rinpoche rất coi trọng lời thỉnh cầu của tôi, nên không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để chỉ cho tôi thấy, khi tôi hành động như một thằng ngốc, là điều xảy ra rất thường xuyên. Ví dụ như ngài không bao giờ tránh làm điều đó, ngay cả trong một nhóm lớn, nếu tôi đang thông dịch, và đã dịch sai. Mặc dù người ta có thể thấy cách mà Thầy gọi tôi là “Thằng Ngốc” hay “Đần Độn” là lời nói nặng, nhưng Thầy đã làm điều đó với lòng từ bi cao cả để giúp tôi, và tôi không bao giờ tức giận.

Đây là một tình huống hoàn toàn khác biệt, so với lúc vần kệ nói về lời nói nặng làm xáo động tâm kẻ khác, vì điều này có chủ ý làm người khác đau lòng.

(35) Pháp tu Bồ tát là trang bị cho mình vũ khí đối trị là chánh niệm và tỉnh giác, để diệt trừ phiền não như tham ái và vân vân, ngay khi chúng vừa phát sinh, vì khi phiền não đã được huân tập lâu ngày thì khó mà khắc phục được chúng bằng các pháp đối trị. 

Vần kệ này rất phù hợp với giáo huấn của ngài Tịch Thiên. Thông thường thì mình nghĩ về chánh niệm và tỉnh giác là những tâm sở được sử dụng để phát triển định tâm, nhưng ngài Tịch Thiên giải thích chúng về mặt phát triển giới luật. Những điều này nằm trong các chương nói về chủ đề này, và một lần nữa, mình có hình ảnh của quân đội chiến đấu trong một trận chiến. Thật ra thì mình đang đánh một trận giặc chống lại phiền não, khiến cho mình tạo ra ác hạnh. Tâm tham và sân khiến cho mình hành động theo những cách rất tiêu cực, nên ta phải sử dụng những người lính hay quân nhân là chánh niệm và tỉnh giác.

Chánh niệm là chất keo tinh thần giữ gìn giới luật, và không buông bỏ. Tỉnh giác là tâm sở giám sát chánh niệm này, để đảm bảo rằng nó không lơi lỏng, hay nắm giữ quá chặt chẽ. Chúng đang trang bị vũ khí đối trị. Nói chung thì ta có thể nghĩ về giới luật như là pháp đối trị, nhưng cũng có những pháp đối trị khác. Ví dụ, pháp đối trị của tâm sân là lòng từ, hoặc nếu như mình luyến ái thân thể xinh đẹp, thì phải quán về sự bất tịnh của thân, và những chất bên trong dạ dày và ruột. Tỉnh giác giống như hệ thống báo động vang lên, khi có điều gì không ổn với việc giữ gìn chánh niệm, chất keo tinh thần này. Sau đó thì chính tác ý sẽ có mặt và thiết lập lại chánh niệm. Tác ý là điều tái thiết lập cái nhìn lợi lạc hơn, khi mình nhìn ai đó. Ta sẽ chú ý vào đối tượng bằng một cách khác. Nói cách khác là thay vì chú ý đến nó bằng tâm sân hận, thì ta sẽ chú ý đến nó bằng lòng thương yêu.

Hãy cố nhận ra khi giới luật và tâm tích cực của mình trở nên yếu ớt. Ta sẽ muốn sửa sai chúng ngay lập tức, khi phiền não len lõi vào tâm, cố đánh cắp những điều này, như ngài Tịch Thiên đã nói. Hãy cố gắng làm điều này càng nhanh càng tốt, bởi vì như Togme Zangpo đã nói, nếu như phiền não đã được huân tập lâu ngày, nếu như mình để cho chúng đi hoang và chiếm lấy tâm mình, mà không làm gì cả, thì ta sẽ có thói quen chỉ suy nghĩ một cách tiêu cực, với những phiền não này. Rồi thì khó mà khắc phục chúng bằng các pháp đối trị, hay làm cho chúng rút lui. Do đó, cần phải nhanh chóng nắm bắt tâm mình, khi nó xa lìa giới luật. Rồi thì ta có thể sửa sai nó một cách dễ dàng hơn nhiều.

Giống như khi mình học một ngôn ngữ. Ban đầu thì có thể mình không biết cách phát âm đúng. Điều này thường xảy ra, khi mọi người học tiếng Tây Tạng, ví dụ vậy, rồi thì họ sẽ có thói quen phát âm nó sai hoàn toàn. Khi điều đó trở thành một thói quen mạnh mẽ thì rất khó sửa. Nhưng nếu như mình có thể sửa sai ngay từ đầu, khi mới vừa bắt đầu phát âm sai, thì có thể đọc đúng một cách dễ dàng hơn nhiều.

Vần kệ thứ 36 tóm tắt về những điều mình phải tu tập, để noi theo bồ tát đạo. Togme Zangpo viết rằng:

(36) Tóm lại, pháp tu Bồ tát là liên tục duy trì chánh niệm và tỉnh giác, để thành tựu mục đích làm lợi lạc chúng sinh. Bất luận đang ở đâu hay làm gì, hãy luôn quán xét tâm mình đang ở trong trạng thái nào.

Điều này rất giống lời khuyên mà ngài Tịch Thiên đã đưa ra trong phần tóm tắt. Làm sao để thành tựu mục đích làm lợi lạc chúng sinh, hay giúp đỡ người khác? Phải luôn luôn duy trì chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm giữ gìn giới luật, lòng từ, lòng bi và bồ đề tâm. Tỉnh giác là hệ thống báo động có mặt ở đó, để khi mình lơi lỏng về giới luật, lòng từ và vân vân, thì có thể sửa sai.

Dựa theo cách này thì phải quán xét, bất luận mình đang ở đâu, hay đang làm gì, để biết điều gì đang diễn ra trong tâm. A Đề Sa (Atisha), một bậc thầy vĩ đại trước thời của Togme Zangpo, đã viết dòng cuối cùng trong tác phẩm Bồ Đề Bảo Xuyến (A Bodhisattva’s Garland of Gems) rằng:

(28) Ở chốn đông người, hãy giữ gìn lời nói; lúc đơn độc, hãy giữ gìn tâm thức. 

Đây là một ý tưởng tương tự.

(37) Pháp tu Bồ tát là hồi hướng mọi công đức thành tựu được từ những nỗ lực này cho quả vị giác ngộ, để đoạn trừ nỗi khổ của vô lượng chúng sinh, với trí tuệ hoàn toàn thuần tịnh về ba phương diện. 

Điều này nói về việc hồi hướng. Khi hồi hướng bất cứ công đức nào từ bồ tát hạnh của mình, thì phải làm điều này với trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Ở đây, nó được đề cập đến như sự thuần tịnh hoàn toàn về ba phương diện. Nói cách khác là nó nói về tánh Không của người đang tích tập công đức này, hành vi tạo ra công đức, và chính công đức ấy.

Togme Zangpo viết để hồi hướng cho giác ngộ, có nghĩa là hồi hướng tất cả những điều này cho giác ngộ, để đoạn trừ nỗi khổ của vô lượng chúng sinh. Cách đúng đắn để hồi hướng được ngài Tịch Thiên nêu ra rất rõ ràng trong chương cuối, là chương Hồi Hướng trong Nhập Bồ Tát Hạnh. Ngài không bao giờ viết lời hồi hướng rằng, “Nguyện cho con thành tựu giác ngộ, để đoạn trừ nỗi khổ của tất cả chúng sinh.”. Ngài không bao giờ hồi hướng chỉ cho riêng mình. Điểm nhấn mạnh không phải là “tôi”, như là “Nguyện cho con thành tựu giác ngộ, để đoạn trừ nỗi khổ của tất cả chúng sinh.”. Đó là lời hồi hướng lẫn lộn với tâm chấp thủ vào một cái “tôi”, đúng không?

Trong chương Hồi Hướng thì ngài Tịch Thiên chỉ nói một cách đơn giản là, “Nguyện tất cả chúng sinh đều thành tựu giác ngộ”, và “Nguyện cho nỗi khổ của tất cả chúng sinh được tiêu trừ”, “Nguyện cho đây là nhân giúp cho tất cả chúng sinh đạt giác ngộ, để không ai phải trải qua nỗi khổ những tái sinh thấp hơn nữa", và vân vân. Vậy thì nó không liên quan gì đến cá nhân “tôi”, như một đại bồ tát trở thành vị Phật vĩ đại, người sẽ phổ độ tất cả chúng sinh.

Có một câu chuyện được kể trong nhiều sách vở, khi mà chúng ta đang du hành với một số người rất giàu có, đã mang theo một lượng ngũ cốc khổng lồ để ăn trong suốt hành trình. Chúng ta có thể nghĩ về một đoàn lữ hành ở Tây Tạng, ví dụ vậy. Điều mà chúng ta muốn làm, ngay cả khi chỉ có một ít hạt ngũ cốc, là bỏ nó vào túi ngũ cốc, trộn lẫn với ngũ cốc của tất cả mọi người, và của các thí chủ, nên theo ý nghĩa này thì mình sẽ đóng góp một chút cho phúc lợi của tất cả mọi người.

Tương tự như vậy, ta sẽ bổ sung thêm công đức đã tích tập được, ngay cả khi nó rất nhỏ bé, vào bồ công đức vĩ đại mà toàn thể chư Bồ tát đã hồi hướng cho sự giác ngộ của tất cả chúng sinh. Không phải là các ngài đã hồi hướng cho sự giác ngộ của riêng mình, mà hồi hướng cho sự giác ngộ của tất cả chúng sinh. Khi mình bổ sung thêm một chút công đức vào bồ công đức vĩ đại ấy cho thành tựu giác ngộ của tất cả chúng sinh, bằng cách hồi hướng theo cách đó, thì nó sẽ có tác dụng to lớn hơn nhiều.

Phải rất cẩn thận để việc tu tập Bồ tát hạnh không trộn lẫn với những mối quan tâm vị kỷ, như trong ví dụ “Nguyện cho con - con, con, con - có thể đạt được giác ngộ. Nguyện cho con - con, con, con - có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh.”. Nó cũng không phải là, “Nguyện cho chút ít ngũ cốc của con có thể nuôi dưỡng tất cả chúng sinh.”.

Đó là lý do mà việc thấu hiểu tánh Không, cùng với pháp hồi hướng rất quan trọng, để mình có thể tránh cực đoan hồi hướng với lòng quan tâm về một cái “tôi” vững chắc. 

Kệ Kết Luận

Dựa theo lời các bậc thánh nhân và ý nghĩa được tuyên thuyết trong Kinh điển, Mật điển và luận giải, tôi đã soạn ba mươi bảy pháp hành Bồ tát cho những ai muốn tu tập bồ tát đạo. 

Togme Zangpo tuyên bố rằng ông đã không sáng tác ra bài này, mà đã dựa theo lời các bậc thánh nhân và ý nghĩa được tuyên thuyết trong kinh sách. Chúng ta có thể thấy rất nhiều tài liệu có mặt trong 37 Pháp Hành bắt nguồn từ tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Tịch Thiên, và Luyện Tâm Thất Điểm của Geshe Chekawa, những tác phẩm mà Togme Zangpo cũng đã viết luận giải, cũng như các tác phẩm văn học lojong khác. 

Rồi ngài tiếp tục:

Vì trí thông tuệ kém cỏi và học thức nghèo nàn, nên lời lẽ không được văn hoa để làm hài lòng bậc học giả uyên bác, nhưng tôi đã dựa vào Kinh điển và lời của bậc thánh nhân, nên thiển nghĩ các pháp hành Bồ tát này không giả dối.                 

Togme Zangpo cáo lỗi về bài thơ này, vì nó được viết bằng lời lẽ không được văn hoa. Trên cơ bản thì ngài nói rằng nó có thể không phải là bài hay nhất, và ông không thông minh hay thiện xảo, nhưng, vì tôi đã dựa vào Kinh điển và lời bậc thánh nhân như ngài Tịch Thiên và Geshe Chekawa, nên ngài nói rằng, thiển nghĩ các pháp hành bồ tát này không giả dối. Nói cách khác là ông không sai lầm về sự kiện rằng đây thật sự là pháp hành Bồ tát.

Togme Zangpo tiếp tục:

Tuy nhiên, đối với những người tâm trí trì độn như tôi thì khó mà hiểu được chiều sâu của những đợt sóng lớn của bồ tát hạnh. Xin thỉnh cầu các bậc thánh nhân kham nhẫn, lượng thứ cho những sai sót như mâu thuẫn, thiếu mạch lạc và những điều tương tự. 

Một lần nữa, ngài rất khiêm tốn và nói rằng, “Đối với những người tâm trí trì độn như tôi thì khó mà hiểu được chiều sâu của những đợt sóng lớn của bồ tát hạnh.”. Ngài thỉnh cầu các bậc thánh nhân kham nhẫn với mình, với bất cứ lỗi lầm nào mà ngài có thể mắc phải, chẳng hạn như mâu thuẫn. Nói cách khác là trong khi viết về pháp hành bồ tát, trình bày những điều có vẻ như mâu thuẫn hay thiếu mạch lạc, hay một điểm yếu để kết nối những vần kệ với nhau, để chúng dễ hiểu, và những điều tương tự.

Rồi đến vần kệ sau cùng:

Nhờ công đức này, nguyện cho tất cả chúng sinh, nhờ có bồ đề tâm quy ước và cứu cánh tối thượng, được sánh vai cùng Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm, người chẳng bao giờ chấp vào biên kiến hiện hữu luân hồi hay niết bàn tịch tĩnh. 

Hãy lưu ý rằng ngài không viết rằng, “Nguyện cho con sánh vai với Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm.”. Điều này tương tự như những gì mình đã bàn luận trước đây về việc hồi hướng. Ngài đang nói rằng, “Nguyện cho tất cả chúng sinh được sánh vai cùng Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm.”. Nói cách khác là nguyện cho tất chúng sinh thành tựu giác ngộ, nhờ việc trưởng dưỡng bồ đề tâm tuyệt đối và tương đối. Quả vị của Đức Quán Thế Âm là quả vị giác ngộ, không an trụ trong những cực đoan luân hồi hay niết bàn, như đã giải thích trước đây.

Rồi đến lời ghi cuối bài:

Bài này được Tỳ kheo Togme, một đạo sư tinh thông Kinh điển và luận lý, sáng tác trong hang động Rinchen ở Ngulchu, để tự lợi và lợi tha. 

Điều này hoàn tất giáo pháp về 37 Pháp Hành Bồ Tát, của đại Bồ tát Togme Zangpo.

Điều thật sự quan trọng là cố gắng áp dụng tất cả những điều này vào việc tu hành càng nhiều càng tốt. Lời khuyên được nêu ra là nên đọc bài này như một hành trì hàng ngày hữu ích, không chỉ tụng “blah blah blah”, mà còn giữ gìn ý nghĩa của nó trong tâm. Mỗi ngày, ta có thể dành một chút thời gian chú tâm vào một vần kệ cụ thể. Đây là một phương pháp hữu ích, để thể nhập nó theo cách mà mình có thể thật sự quen thuộc với nó, và có thể nhớ đến nó, khi mình đang sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Nhờ vậy mà ta có thể từ từ áp dụng tất cả những điều này trong việc tu hành.

Tóm Tắt

Để trở thành Bồ tát, một người có bồ đề tâm bất dụng công, một tấm lòng và tâm thức hoàn toàn dấn thân vào mục tiêu giác ngộ, để có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh khắc phục khổ đau, thì ta phải noi theo đường tu tuần tự. Đường tu tuần tự Lam-rim cung cấp giai trình đó. Đặc biệt là phải chuyển hóa hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực, bằng cách khắc phục tâm ái ngã và hành trì lục độ ba la mật. 37 pháp hành Bồ tát được trình bày trong tác phẩm ngắn này cung cấp các chỉ giáo cho toàn bộ bồ tát đạo. 

Đọc và nghe bản chánh văn “37 Pháp Tu Bồ Tát” của Togme Zangpo.

Top