Động Lực Trung Căn Và Thượng Căn

Bình Luận

Chúng ta đã nói về các giai đoạn của đường tu tâm linh mà mình cố mở rộng và khai triển động lực, khởi đầu từ một phạm vi nhỏ hơn. cho đến khi nó trở nên trọn vẹn. Theo cách này thì mỗi giai đoạn được xây dựng dựa trên giai đoạn trước.

Chúng ta cũng thấy rằng có hai cách để trải qua quá trình này. Chúng ta có thể theo phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng (Dharma-Lite), quan tâm đến việc cải thiện kiếp sống này và giúp cho đời sống của mình tốt đẹp hơn chút ít. Đối với hầu hết chúng ta thì đây là điểm mà mình cần phải khởi đầu. Tuy nhiên, cách trình bày truyền thống thậm chí không xem xét mức độ này, bởi vì nó giả định niềm tin vào tái sinh vô thỉ và vô chung. Pháp Thực Thụ (Real Thing Dharma), giống như Coca-Cola thứ thiệt, nói về sự phát triển này trong bối cảnh tái sinh.

Chúng ta thấy rằng động lực sơ căn, cũng như tất cả các mức độ động lực, có một mục tiêu, lý do để đạt được mục tiêu ấy, và cảm xúc đằng sau thúc đẩy mình đạt được mục tiêu đó. Trong giai đoạn đầu, ta sẽ tìm cách cải thiện những kiếp tương lai, để đảm bảo mình sẽ tiếp tục có một kiếp người quý báu, để có thể tiếp tục phát triển tự thân và đạt được những mục tiêu lớn hơn. Ta sẽ nhận ra rằng khó mà đạt được những mục tiêu cuối cùng, chỉ trong kiếp này. Phải mất một thời gian dài và rất nhiều công phu khó nhọc. Lý do để cố gắng và tiếp tục có những tái sinh tốt hơn là để mình có thể tiếp tục tu tập trên đường tu.

Đó là những gì ta dự định sẽ thực hiện, khi đạt được mục tiêu của một kiếp người quý báu trong những tái sinh trong tương lai. Chúng ta không nói về việc lên thiên đàng trong kiếp sau, và chỉ cần có một thời gian vui vẻ. Trong phạm vi này thì cảm xúc thúc đẩy ta tìm kiếm tái sinh tốt hơn là sự khiếp sợ đối với một tái sinh tệ hại hơn. Trong những trạng thái tồi tệ hơn thì không có cơ hội để tự chuyển hóa và cải thiện bản thân, nhưng ta sẽ tự tin rằng có một cách để tránh được điều này. Chúng ta đã thảo luận điều này về mặt phương hướng an toàn, hay quy y. Trên cơ bản thì phương hướng này là để cố gắng hoàn toàn chấm dứt tất cả những sự hạn chế và khía cạnh tiêu cực đi kèm với tâm hành mãi mãi, đặc biệt là về hành vi của mình. Thêm vào đó, ta muốn hành xử một cách xây dựng. Chúng ta sẽ làm điều này trong bối cảnh xem trọng cơ hội có được kiếp người quý báu, và thấu hiểu rằng chắc chắn mình sẽ mất đi điều này vào lúc chết. Cái chết chắc chắn sẽ đến, và chúng ta không biết khi nào thì điều này sẽ xảy ra.

Ngay Cả Những Tái Sinh Tốt Đẹp Nhất Cũng Bất Toại Nguyện

Đối với phạm vi trung bình thì ta sẽ phân tích xa hơn nữa. Ngay cả khi có được cái gọi là tái sinh tốt hơn, hay thậm chí là kiếp người quý báu thì việc tiếp tục như thế vẫn sẽ bất toại nguyện. Cuộc sống sẽ tiếp diễn, và bản chất của nó là thăng trầm, mà không có gì chắc chắn về việc mình sẽ cảm thấy như thế nào trong khoảnh khắc tiếp theo. Hiện tại, ta có thể hạnh phúc, nhưng trong phút kế tiếp thì đột nhiên mình cảm thấy ít mãn nguyện hơn, buồn bã hay thậm chí chán nản. Những điều nhỏ nhặt nhất sẽ làm ta thất vọng, và tất nhiên, có những vấn đề cứ tái diễn mà trong mỗi kiếp sống, ta phải trải qua khi sinh ra làm một em bé, không có sự tự chủ nào đối với các chức năng cơ thể của mình. Chúng ta phải học cách đi đứng và nói chuyện, và việc phải trải qua điều này hết lần này đến lần khác thật là nhàm chán. Chúng ta phải đi học, và ai lại muốn trải qua điều đó một lần nữa?! Ta sẽ phải tìm một người phối ngẫu và một công việc, và một lần nữa lại đối mặt với bệnh tật, tuổi già và cái chết, không chỉ cho bản thân mình, mà cả những người mình yêu thương nữa.

Ngay cả kiếp người quý báu này cũng có rất nhiều điều bất toại nguyện, và tất cả các vấn đề tình cảm vẫn sẽ còn đó. Chúng ta tức giận, buồn bã, và tham lam. Chúng ta luyến ái con người và sự vật một cách mãnh liệt. Chúng ta ngây thơ về nhân quả và thực tại, nên hành động theo những cách ngu ngốc, như nghĩ rằng cách mình hành động và nói năng không hề ảnh hưởng đến người khác. Ta thường hành xử như thể những người khác không thật sự tồn tại và có cảm giác. Điều đó hoàn toàn ngây thơ, đúng không?

Tất cả những vấn đề này sẽ tiếp tục và ta sẽ có những thăng trầm trong bất kỳ tái sinh may mắn nào. Cũng sẽ đến lúc mình đi từ may mắn đến bất hạnh, từ tái sinh và hoàn cảnh tốt hơn đến tái sinh và tình huống tồi tệ hơn. Nó chỉ tiếp tục, tiếp diễn như vậy hoài. Đây là điều có nghĩa là “sự hiện hữu hay tái sinh bất tự chủ”, mà tiếng Phạn có nghĩa là “samara” (“luân hồi”).

Tâm Xả Ly: Hướng Đến Giải Thoát, Với Quyết Tâm Được Tự Do

Đối với phạm vi trung bình thì mục tiêu mà mình muốn đạt được là giải thoát khỏi tất cả những điều này. Dòng tâm thức của chúng ta vô thỉ và vô chung, và ta không muốn tiếp tục trong chu kỳ dường như không bao giờ kết thúc này của luân hồi. Khi nói rằng “dường như không bao giờ kết thúc” thì có nghĩa là nó sẽ tiếp diễn mãi mãi, nếu ta không làm bất cứ điều gì về việc này. Ta phải chấm dứt nó, và trải nghiệm sự chấm dứt thật sự của luân hồi. Tại sao? Bởi vì ta muốn chấm dứt nỗi khổ. Ngay cả khi những vấn đề xảy ra không quá kinh khiếp, nhưng ta vẫn muốn chấm dứt những vấn đề vi tế hơn. Đây là lý do mình muốn đạt giải thoát.

Trong tiếng Phạn, giải thoát được gọi là “niết bàn”, và cảm xúc thúc đẩy ta hướng đến điều này thường được gọi là “tâm xả ly”. Nó không phải là cách phiên dịch hay nhất, nhưng về cơ bản thì nó nói về quyết tâm được tự do rất mạnh mẽ. Với tâm xả ly, ta sẽ quyết định mình đã có chịu khổ đủ rồi. Chúng ta đã chán ngấy nó, và ở một mức độ sâu hơn, ta thật sự thấy chán nản với tất cả những thứ này một cách sâu xa. Đã quá đủ rồi, nên chúng ta muốn được tự do.

Sẵn Sàng Từ Bỏ Phiền Não

Ta sẽ thấy rằng để có được tự do thì phải đoạn trừ những nguyên nhân của tất cả các vấn đề và nỗi khổ. Chúng ta không chỉ hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ đau khổ, mà cả nhân tạo khổ. Ta không nói về việc từ bỏ kem hay sô cô la, hay bất cứ thứ gì tương tự. Đó là một sự hiểu biết rất tầm thường về tâm xả ly. Những gì mình quyết tâm thực hiện là thoát khỏi tâm sân hận, tham lam và luyết ái đối với mọi thứ. Trong trường hợp của sô cô la thì phải từ bỏ tâm tham luyến với nó, dựa trên sự phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của nó. Chẳng hạn như nghĩ rằng, “Đây là món tuyệt vời và ngon nhất thế giới, và nó sẽ làm mình hạnh phúc, hạnh phúc rốt ráo!”. Nhưng dù mình có nghiện sô cô la đến mức nào đi nữa thì không lâu sau, ta sẽ thấy chán nó, và không bao giờ muốn nhìn thấy sô cô la nữa.

Việc thành tâm mong muốn từ bỏ tâm luyến ái, sân hận và vân vân là điều thật sâu sắc và rất khó khăn. Không nên tầm thường hóa nó. Giống như trò đùa của ai đó đập đầu vào tường, và sợ phải dừng lại, vì không biết nếu họ ngưng đập đầu thì liệu đó có phải là điều tệ hơn hay không. Đây là điều chúng ta đã hoàn toàn quen thuộc, nên cứ tiếp tục đập đầu vào tường. Tất nhiên, đó là một ví dụ cực đoan. Một ví dụ phổ biến hơn có thể là có một mối quan hệ không lành mạnh với ai đó, nhưng ta ngần ngại đối với việc cắt đứt quan hệ, vì sợ phải sống một mình. Do đó, ta cứ giữ lấy mối quan hệ không lành mạnh này, và rất đau khổ.

Điều đó khá phổ biến, đúng không? Chúng ta không muốn nói những điều nào đó với những người nào đó, trong trường hợp họ sẽ bỏ rơi mình. Chúng ta không nói về bất kỳ kinh nghiệm kỳ lạ nào ở đây, chỉ về những điều mà lúc nào tất cả chúng ta cũng đều trải nghiệm.

Liệu Giải Thoát Khỏi Luân Hồi Là Điều Khả Dĩ Hay Không, Và Tôi Có Khả Năng Đạt Được Giải Thoát Không?

Để đạt được mục tiêu giải thoát, và cuối cùng là giác ngộ thì trước hết, mình phải biết rằng điều đó là khả dĩ, và làm thế nào mình có thể đạt được nó. Đây là những chủ đề phức tạp, và vì rất khó chứng minh rằng chúng là những mục tiêu có thể thành tựu, mà tất cả chúng ta có thể đạt được, nên nhiều người đã bỏ qua. Đây là một sai lầm lớn, bởi vì nếu không thật sự vững tin rằng mình có thể đạt được những mục tiêu này, thì tại sao ta lại bận tâm cố gắng tu tập để hướng về chúng? Chúng ta chỉ sẽ chơi một trò chơi, và cuối cùng đi đến một thời điểm mà mình nói rằng nó thật là lố bịch, rồi bỏ cuộc.

Phải xem xét các chủ đề về Phật tánh (yếu tố cho phép giải thoát và giác ngộ xảy ra), tánh thuần tịnh tự nhiên của tâm thức, v.v... một cách sâu sắc.  Liệu phiền não và vô minh có phải là một phần cơ bản của tâm mình hay không? Nếu có thì điều đó có nghĩa là chúng sẽ có mặt ở đó mỗi một sát na. Nếu không thì chúng chỉ tạm thời, và liệu chúng có thể được loại bỏ, để không bao giờ trở lại hay không?

Việc đặt câu hỏi và tranh luận về nó là điều hoàn toàn cần thiết. Nó chắc chắn không phải là điều gì ta nên chấp nhận với niềm tin mù quáng. Trên thực tế, càng thắc mắc về nó thì càng tốt, bởi vì ta phải xua tan mọi nghi ngờ và có niềm tin mãnh liệt với những điều mình làm. Có phải đợi đến khi mình được thuyết phục 100% không? Đó không phải là một câu hỏi dễ dàng. Làm sao để biết khi nào thì mình hoàn toàn bị thuyết phục? Có thể mất một thời gian rất dài.

Nếu cho rằng nó chỉ là rác rến thì rõ ràng mình không thể làm việc với nó. Nhưng khi đi theo chiều hướng xem xét rằng có thể nó hoàn toàn khả dĩ, thì ta có thể tiến hành. Tuy nhiên, việc nghĩ rằng đó là sự thật, nên dựa trên một số lý do, không chỉ là niềm tin mù quáng, hay là vì “thầy của tôi đã nói như vậy”. Chính Đức Phật đã nói rằng, “Đừng tin bất cứ điều gì ta đã nói, chỉ vì có niềm tin với ta, mà hãy khảo nghiệm nó như thể con đang mua vàng.”. Cần phải khảo sát xem nó có thật sự đúng hay không.

Tin Tưởng VàoTái Sinh: Trường Hợp Của Serkong Rinpoche Trong Hai Kiếp Sống

Việc tin tưởng về tái sinh như một sự kiện thực tiễn có thể là một quá trình rất dài. Tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình, vì tôi đã làm việc với điều này trong nhiều năm. Tôi đã nghiên cứu đạo Phật trong hơn 45 năm, và đến một lúc nào đó, chắc chắn là tôi đã có được sự hiểu biết về mặt trí thức, dựa trên lý do, như tại sao tái sinh lại có ý nghĩa. Nhưng điều thật sự giúp tôi vượt qua lằn ranh và thuyết phục tôi ở mức độ tình cảm là mối quan hệ giữa tôi với thầy của tôi qua hai kiếp sống. Pháp danh của ngài là Serkong Rinpoche, và ngài là một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama. Tôi đã vô cùng may mắn được làm một đệ tử rất thân cận của ngài. Tôi đã sống với ngài chín năm, đó là thời gian mà tôi đã thông dịch và làm thơ ký riêng cho ngài. Tôi đã sắp xếp và tháp tùng với ngài trong tất cả các chuyến đi ngoại quốc, làm việc rất gần gũi với ngài. Ngài qua đời năm 1983, đã tái sinh và được tìm thấy một lần nữa trong hệ thống tulku của Tây Tạng.

Hiện nay, ngài 25 tuổi, và tôi vẫn có một mối quan hệ cực kỳ gần gũi với ngài, tương tự như những gì tôi đã có với vị tiền nhiệm. Bây giờ thì tất nhiên là sự khác biệt tuổi tác giữa thầy và trò có một sự đảo ngược!

Lần đầu tiên tôi gặp vị Serkong Rinpoche mới là khi ngài mới bốn tuổi, và khi tôi vừa bước vào phòng thì các thị giả đã hỏi ngài rằng, “Thầy có biết đây là ai không?”. Câu trả lời của ngài là, “Đừng có ngu xuẩn. Dĩ nhiên ta biết người này là ai.”. Ngay từ đầu, như một đứa trẻ bốn tuổi, ngài đã vô cùng gần gũi và thương yêu tôi hơn rất nhiều, so với những người khác. Điều này vẫn duy trì như vậy khi ngài lớn lên.

Nhiều lúc, chúng tôi đã xem những video về tiền kiếp của ngài, và ngài nói với tôi, mà ngài thì chẳng bao giờ nói xằng bậy với tôi, rằng, “Ồ, ta nhớ là có nói điều đó.”. Bên cạnh tất cả những điều hợp lý và lập luận thì chính kinh nghiệm này đã giúp tôi thêm vượt qua cảm giác là “Có thể, có lẽ vậy...”. Nó đem lại cho tôi sự xác quyết.

Những điều này không dễ dàng. Liệu việc thành tựu giải thoát có thật sự khả dĩ hay không? Bản tánh của tâm có thật sự thanh tịnh hay không? Ngay cả khi mình hiểu nó một cách hợp lý, nhưng để hiểu nó về mặt tình cảm thì phải đi sâu hơn nhiều. Nhưng dần dần, chúng ta có thể làm việc với nó.

Vô Minh Về Thực Tại Là Nguyên Nhân Của Luân Hồi

Với mức độ động lực trung bình trong Lam-rim thì có một lời giải thích rất chi tiết về cơ chế tái sinh với thập nhị nhân duyên. Đây chỉ là tên gọi của một cơ chế rất phức tạp, liên quan đến toàn bộ vấn đề nghiệp, nghiệp quả và vân vân. Cần phải hiểu một cách sâu sắc về các loại phiền não như sân hận và tham lam, chúng phát sinh như thế nào, và những gì tiềm ẩn đàng sau chúng. Nói một cách rất đơn giản thì tôi đề cập đến yếu tố cơ bản này là “vô minh”, khi mà chúng ta vô minh về tác động mà hành vi của mình tạo ra đối với người khác và với chính mình. Sâu xa hơn nữa thì chúng ta vô minh về cách mình tồn tại, cách người khác tồn tại, và cách các pháp hiện hữu.

Trên cơ bản thì ta có xu hướng nghĩ về các pháp như tồn tại một cách độc lập, hoàn toàn bằng tự lực của chúng, và tách rời với tất cả những pháp khác, như thể chúng được bọc bằng nhựa. Ngay cả khi có thể nghĩ rằng tất cả các sự vật đều tương quan với nhau thì ta vẫn nghĩ rằng chúng được bọc bằng nhựa, nhưng được nối kết với nhau bằng những chiếc que. Có nhiều mức độ tinh tế mà ta cần phải hiểu về những cách tồn tại bất khả dĩ. Phải hiểu một cách chính xác điều gì là bất khả dĩ, và những điều mà tâm vô minh phóng chiếu lên mọi người và mọi vật.

Không Tướng (Tánh Không): Những Cách Hiện Hữu Bất Khả Dĩ Đều Hoàn Toàn Vắng Bóng

Điều mà mình phải hiểu được gọi là “Không tướng”, hay “tánh Không”. Không tướng có nghĩa là một sự vắng bóng hoàn toàn; một cái gì đó không hề có mặt ở đó. Những gì không có mặt là một sự ám chỉ rằng những sự phóng chiếu này là bất khả dĩ. Chúng không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật.

Có thể sử dụng ví dụ về ông già Noel. Giả sử mình thấy người nào có bộ râu dài màu trắng, mặc một bộ đồ màu đỏ, và họ trông giống như người mà ta gọi là “ông già Noel”. Chúng ta nghĩ người đó là ông già Noel, nhưng tại sao? Bởi vì anh ta trông giống ông già Noel. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông già Noel không tương ứng với bất cứ điều gì chân thật, bởi vì không có ông già Noel thật sự. Đây là điều mà Không tướng nói đến, sự vắng mặt của một ông già Noel chân thật, tương ứng với sự xuất hiện của người này. Dù sao thì không thể phủ nhận rằng có một người đàn ông ở đó, và anh ta trông giống ông già Noel. Chúng ta chỉ làm sáng tỏ là cách người đàn ông xuất hiện đối với mình là không xác thực. Trông giống ông già Noel, nhưng không thật sự là ông già Noel, vì làm gì có ông già Noel.

Lúc nào tâm mình cũng hoạt động như vậy. Chúng ta phóng chiếu đủ điều vô nghĩa, như người này là người đẹp nhất, hay người kia là người ghê gớm nhất, hoặc chúng ta là tặng phẩm mà Thượng Đế ban cho thế giới, hay là thay vì vậy thì mình hoàn toàn vô dụng. Chúng ta phóng chiếu những điều này như thể mình hay họ tồn tại như thế, hoàn toàn độc lập với mọi thứ khác, như thể nó là sự thật và bất biến.

Trên thực tế thì không ai tồn tại như thế. Đúng ra thì điều đó bất khả dĩ, bởi vì tất cả các pháp đều tồn tại bằng cách dựa vào những pháp khác. Đức Dalai Lama luôn luôn sử dụng ví dụ về những ngón tay của chúng ta. Ngón áp út của mình lớn hay nhỏ? Nó lớn so với ngón út, nhưng nhỏ so với ngón giữa. Vậy thì từ phía của nó, bằng tự lực của nó thì nó lớn hay nhỏ? Không có câu trả lời, vì nó chỉ lớn hay nhỏ liên quan đến những thứ khác. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào những thứ khác, và cũng phụ thuộc vào khái niệm của ta về cái gì là lớn và cái gì là nhỏ. Tôi nghĩ bạn hiểu ý niệm này.

Ở cấp độ trung bình thì chúng ta sẽ tu tập để đoạn trừ tâm vô minh cơ bản này, bằng cách chứng ngộ tánh Không. Chính sự vô minh này đã tạo ra luân hồi, bởi vì nó kích hoạt nghiệp và nghiệp quả, như đã được giải thích trong cơ chế phức tạp của thập nhị nhân duyên.

Cần Có Giới Và Định

Để có được sự hiểu biết về tánh Không thì phải có định tâm. Để phát triển định tâm thì phải giữ giới. Ví dụ được đưa ra là việc chặt cây. Sự hiểu biết giống như chiếc rìu sắc bén, nhưng muốn chặt cây thì phải luôn luôn chặt vào cùng một điểm. Việc liên tục chặt vào cùng một điểm trên thân cây thì giống như định tâm. Chúng ta cần có sức mạnh để nhặt chiếc rìu, vung nó lên và chặt vào một chỗ trên thân cây. Sức mạnh này xuất phát từ giới luật, khi mình kềm chế hành vi phá hoại.

Phạm vi trung bình cũng trình bày các loại giới nguyện mà người ta có thể thọ nhận. Điều này bao gồm giới tỳ kheo hay sa di của một vị tăng hay ni, hoặc giới tại gia, nam hay nữ. Một người tại gia nói về người nào không có đời sống độc thân trong tu viện, nhưng không nhất thiết có nghĩa là bạn có gia đình; nó cũng đề cập đến những người độc thân. Vào thời Ấn Độ cổ xưa thì thật ra điều đó khá hiếm hoi, vì những người tại gia hầu như luôn luôn có gia đình. Những giới xuất gia và tại gia này được gọi chung là “biệt giải thoát giới”, bởi vì chúng nhắm vào việc giải thoát cho tự thân. Những giới nguyện này giúp ta tránh những loại hành vi có khả năng bị phiền não thúc đẩy, cản trở việc hành thiền và những điều tích cực như thế.

Việc thọ giới thật ra rất quan trọng. Vì sao? Bởi vì khi mình thề sẽ không bao giờ tái phạm điều gì nữa thì nó giúp ta chấm dứt sự do dự. Ví dụ, hãy tưởng tượng mình đang cố gắng bỏ rượu hay thuốc lá. Mỗi khi gặp những người uống rượu hay hút thuốc thì ta lại do dự này về việc cũng nên làm theo họ, hay là từ chối. Ngay cả khi ta thật sự cố gắng bỏ thói quen này, mỗi khi tình huống này xảy ra thì mình phải quyết định, và điều này có thể là một sự thử thách, nếu không nói là căng thẳng.

Nếu như thực hiện một lời thề thì đó là chung cuộc. Chúng ta đã quyết định, “Tôi sẽ không uống rượu. Tôi sẽ không hút thuốc”, hay bất cứ điều gì. Rồi thì nếu tất cả mọi người xung quanh mình uống rượu thì cũng không hề gì, bởi vì mình đã quyết định. Thay vì là một sự hạn chế hay trừng phạt thì việc thọ giới có thể mang lại cho ta rất nhiều sức mạnh và giúp mình thoát khỏi sự do dự, đặc biệt liên quan đến những điều sẽ tạo ra bất lợi cho việc thành tựu giải thoát sau cùng.

Hoàn toàn không có việc bắt buộc phải thọ bất kỳ giới nguyện nào trong đạo Phật. Chúng ta phải hiểu điều này. Không ai có thể nói rằng bạn phải thọ giới này hay giới nọ, và không ai nói rằng bạn phải trở thành một vị tăng hay ni, và sống trong tu viện. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự nghiêm túc về việc thành tựu giải thoát khỏi luân hồi, về việc đoạn diệt tâm sân hận, luyến ái, tham lam, v.v... mãi mãi thì việc thọ những giới nào đó sẽ giúp cho những mục tiêu này trở nên dễ dàng hơn. Có lẽ chúng ta chưa sẵn sàng cho điều đó ngay bây giờ, và nó hoàn toàn ổn thôi. Cần phải đánh giá bản thân và tình huống của chính mình một cách trung thực.

Đây là phạm vi trung bình. Mặc dù định tâm và tánh Không là một phần của nó, nhưng chúng chưa được thảo luận đầy đủ. Những chủ đề này sẽ được xem xét một cách đầy đủ trong giáo huấn về phạm vi lớn.

Động Lực Của Phạm Vi Lớn: Nghĩ Về Tất Cả Chúng Sinh

Đối với phạm vi lớn thì ta sẽ nghĩ rằng mình không phải là người duy nhất trên vũ trụ. Có những người khác, và họ cũng ở trong tình trạng giống hệt như mình. Người khác cũng đau khổ và trải qua luân hồi. Chúng ta muốn có hạnh phúc ổn định và không muốn khổ, thì người khác cũng vậy. Tất cả chúng ta hoàn toàn bình đẳng theo cách này. Nó không chỉ là tôi và một vài người khác được chọn lọc, mà là mỗi một chúng sinh. Tất cả chúng ta đều tương quan với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta không tự mình tồn tại một cách độc lập. Trên thực tế thì chúng ta không thể tồn tại theo cách đó.

Có một số phương pháp khá tinh vi để mở rộng lòng mình, để bao gồm tất cả mọi người một cách bình đẳng. Trước đây, chúng ta đã thảo luận về vấn đề này một chút, khi nói về việc nhận thức rằng tất cả chúng sinh khác đều đã từng là mẹ của mình trong những kiếp trước, và đã đối xử với mình vô cùng tử tế. Có một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng mà ta có thể thấy cách mà người khác có khả năng giống như một người mẹ đối với việc chăm sóc chúng ta như thế nào. Tuy nhiên, điều này có những sự hạn chế, vì rất khó áp dụng điều đó cho người bạn của chúng ta, đó là con muỗi.

Lòng Từ

Để bắt đầu mở rộng lòng thì ta sẽ khởi đầu bằng cách phát triển điều mà chúng ta gọi là “lòng từ”. Quá trình thật sự bắt đầu với tâm bình đẳng, khi mà ta không bị lôi cuốn vì một số người, có ác cảm với những người khác và dửng dưng với những người còn lại. Ta sẽ tu tập để cởi mở với mọi người, và trên cơ sở này, nhận thức được sự tương quan giữa mình và tất cả mọi người. Điều này có thể được phát triển bằng lý do là tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của mình, và rất tử tế với ta trong những kiếp trước, hay chỉ bằng cách nhận ra tất cả mọi thứ mà mình tận hưởng và sử dụng đều xuất phát từ công lao của người khác. Chỉ cần nhìn vào sàn nhà dưới chân bạn, tòa nhà mà bạn đang ở, nước mà bạn uống thì chúng ta có bao giờ nghĩ nó xuất phát từ đâu không? Làm sao để nước và thức ăn của mình được đưa đến đây? Tất cả đều xuất phát từ công lao của người khác, nỗ lực của tất cả mọi người xung quanh ta. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, nên nếu chỉ làm việc vì lợi ích của bản thân thì thật là vô lý, bởi vì để thật sự làm lợi lạc cho mình thì ta phải tạo lợi lạc cho tất cả mọi người.

Dựa trên cơ sở này, ta có thể phát lòng từ bình đẳng cho tất cả mọi người. Lòng từ này được định nghĩa là ước nguyện cho tất cả chúng sinh hạnh phúc và có được nhân hạnh phúc. Nó không liên quan gì đến tình yêu lãng mạn, thường được pha trộn với rất nhiều luyến ái. Khi chúng ta nói, “Tôi yêu bạn” thì nó thường có nghĩa là, “Tôi cần bạn. Đừng bao giờ rời xa tôi. Tôi không thể sống mà không có bạn.”. Khi ta không có được sự chú ý mà mình muốn có được từ người kia, hay họ nói điều gì xấu xa thì nó có thể nhanh chóng đổi thành câu, “Tôi không yêu bạn nữa.”.

Trong đạo Phật, loại tình thương mà chúng ta đang nói đến hoàn toàn không liên quan gì đến cách người khác hành động, hay những điều họ làm đối với chúng ta. Nó chỉ là ước nguyện: nguyện cho bạn được hạnh phúc. Nó giống như tất cả những người khác là một phần trong cơ thể của mình: chúng ta muốn tất cả các ngón chân của mình được hạnh phúc, không chỉ một số trong những ngón chân ấy. Không cần biết những gì ngón chân của mình đã làm gì cho mình.

Lòng Bi

Với lòng từ, rồi thì ta tiếp tục phát tâm “bi”. Đây là ước mong chúng sinh thoát khổ và nhân tạo khổ. Nó không chỉ đề cập đến mức độ đau khổ hời hợt, những thăng trầm trong cuộc sống, mà còn nói đến những dạng khổ sâu xa hơn, như luân hồi. Có lòng bi mẫn không có nghĩa là coi thường người khác và cảm thấy thương hại họ, như là, “Ồ, tội nghiệp bạn quá.”. Lòng bi trong đạo Phật dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu rằng tất cả những chúng sinh khác đều có thể thoát khổ và nhân tạo khổ. Nó không chỉ là một ước nguyện tốt đẹp hay ngôn từ hoa mỹ. Với lòng bi, ta sẽ bắt đầu gánh trách nhiệm để thật sự đem lại trạng thái thoát khổ. Có rất nhiều sự can đảm ở đây.

Khi phát triển cái gọi là lòng “đại bi” thì lòng bi của ta sẽ hướng đến tất cả chúng sinh, và xem mỗi một chúng sinh theo cách một người mẹ quan tâm, yêu thương đứa con duy nhất của mình. Tâm đại bi cũng chứa đựng ước nguyện giúp mỗi một chúng sinh, để họ không phải trải qua bất kỳ nỗi khổ nào nữa.

Quyết Tâm Phi Thường

Bước tiếp theo mà mình có là phát triển một tâm trạng gọi là “quyết tâm phi thường”. Đây là một quyết định mạnh mẽ rằng mình sẽ gánh lấy trách nhiệm không chỉ giúp đỡ tha nhân một cách thiển cận hơn, hay thậm chí một cách sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ quyết định gánh lấy trách nhiệm giúp đỡ tha nhân thành tựu quả vị giác ngộ viên mãn của một vị Phật. Ta không chỉ có ý định làm điều này, mà đã quyết định rằng chắc chắn mình sẽ làm điều này.

Bồ Đề Tâm: Mục Tiêu Thành Tựu Giác Ngộ Vì Lợi Lạc Của Tất Cả Chúng Sinh

Giai đoạn cuối cùng trong quá trình này là phát triển cái mà chúng ta gọi là “bồ đề tâm”, là cơ sở cho lòng từ, lòng bi và quyết tâm phi thường. Chúng ta nhận ra rằng cách duy nhất mà mình có thể giúp đỡ mọi người một cách tốt nhất là nếu như chính mình đạt được Phật quả. Tuy nhiên, để cho ước nguyện này trở thành hiện thực thì phải hiểu một vị Phật là gì, những cách mà một vị Phật có thể và không thể giúp đỡ người khác. Hãy nhớ rằng, một vị Phật không phải là thượng đế toàn năng, người có thể búng ngón tay và khiến cho nỗi khổ của mọi người biến mất. Một vị Phật chắc chắn có thể chỉ cho người khác con đường và truyền cảm hứng cho họ, nhưng ta phải tự mình làm tất cả mọi việc. Không ai khác có thể hiểu thực tại giùm mình; chúng ta phải tự hiểu nó.

Do đó, khi được lòng từ bi thúc đẩy thì bồ đề tâm chú trọng vào sự giác ngộ trong tương lai của bản thân mình. Đó là về giác ngộ của chính mình, không phải của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay giác ngộ nói chung. Giác ngộ của chúng ta chưa xảy ra, nhưng nó có thể, và sẽ xảy ra, trên cơ sở của Phật tánh trong dòng tâm thức của chúng ta. Những yếu tố này bao gồm bản tánh vô nhiễm cơ bản, và tất cả các tiềm năng và khả năng của nó. Ta sẽ tập trung vào sự giác ngộ chưa xảy ra này, với ý định thành tựu nó, để có thể tạo lợi lạc cho tha nhân tối đa. Trên đường tiến đến giác ngộ thì ta cũng có ý định tạo lợi lạc cho chúng sinh càng nhiều càng tốt.

Đây là bồ đề tâm. Đó có một trạng thái và tâm thức vô cùng rộng lớn, và không nên nhầm lẫn nó mà chỉ thiền quán về lòng từ và lòng bi. Nó không chỉ có thế. Lòng từ bi là nền tảng, nhưng bồ đề tâm thì rộng lớn hơn nhiều, nhiều hơn nữa.

Sáu Thái Độ Sâu Rộng (Lục Độ Ba La Mật)

Như chúng ta đã thấy, mục tiêu trong phạm vi lớn là đạt được Phật quả, để có thể giúp đỡ người khác một cách tối đa. Chúng ta sẽ được lòng từ, lòng bi và  quyết tâm phi thường thúc đẩy. Nhưng làm thế nào để đạt được giác ngộ? Điều này đưa đến phần trình bày về cái được gọi là “sáu hạnh hoàn hảo”, tiếng Phạn là “sáu paramitas”, hay như tôi thường dịch là “sáu thái độ sâu rộng”. Tôi thích thuật ngữ này hơn, vì chúng đi rất xa, đưa ta qua suốt cả con đường đến quả vị giác ngộ của một vị Phật. Đối với một số người thì việc sử dụng chữ “hoàn hảo” làm cho nó vẻ như là họ phải hoàn hảo, nhưng họ chưa hoàn hảo, nên họ cảm thấy thiếu sót. Đó không phải là cảm giác mà từ ngữ này nên tạo ra.

Bố Thí

Thái độ đầu tiên cần phải phát triển là tâm bố thí, khi mà mình không chỉ bố thí vật chất, mà còn cho cả lời khuyên, giáo huấn và vô úy thí cho người khác. Ngay cả khi không có gì để bố thí thì ta sẽ trưởng dưỡng thái độ sẵn sàng bố thí bất cứ điều gì cần thiết. Một món quà khác mà ta có thể trao tặng là cách mình đối xử với người khác. Vì ta đã phát tâm bình đẳng, nên nó có nghĩa là không có việc gì mà người khác phải sợ mình. Ta sẽ không nổi giận với người khác, bám lấy họ, hay muốn có được điều gì từ họ. Chúng ta sẽ không thờ ơ với người khác hay từ chối họ, khi họ làm điều gì mình không thích. Ngoài ra, ta sẽ cố gắng giúp đỡ họ một cách thật sự và chân thành. Đó mới là một món quà khó tưởng tượng được mà mình có thể tặng cho ai đó, một món quà to lớn mà ta đang phát triển bằng tâm bố thí.

Trì Giới

Thái độ sâu rộng tiếp theo mà mình sẽ phát triển là trì giới, khi mà ta tu tập để không hành động một cách phá hoại, mà càng xây dựng càng tốt. Chúng ta sẽ có kỷ luật để nghiên cứu, thiền định, và thật sự giúp đỡ người khác. Ta sẽ không quá mệt mỏi khi giúp đỡ ai đó, và không bỏ bê người khác chỉ vì mình không muốn giúp đỡ họ.

Nhẫn Nhục

Nhẫn nhục là khả năng chịu đựng đau khổ và khó khăn mà không tức giận hay buồn bã. Việc cải thiện bản thân và cố gắng giúp đỡ người khác là điều không dễ, và có nhiều người không dễ giúp đỡ. Họ làm khó mình và ta phải kiên nhẫn, để không giận dữ. Có nhiều phương pháp để phát tâm nhẫn nhục, giống như đối với tất cả các ba la mật khác.

Tinh Tấn

Thái độ kế tiếp là tinh tấn, khi mình không bỏ cuộc, dù gặp khó khăn đến đâu. Theo ý nghĩa này thì ba la mật này giống như tâm can đảm anh hùng. Ta không chỉ không bỏ cuộc, mà còn hoan hỷ khi giúp đỡ người khác, và thật vui vẻ khi có cơ hội giúp họ. Có nhiều chỉ giáo về cách phát triển điều này, bao gồm việc biết khi nào mình nên thư giãn và nghỉ ngơi. Nếu thúc ép bản thân quá mức thì ta sẽ không có khả năng giúp đỡ ai. Liên quan đến vấn đề này thì có nhiều phương pháp để khắc phục tất cả các loại lười biếng, ngăn cản ta tiếp tục cải thiện bản thân và giúp đỡ người khác.

Thiền Định

Sau đó thì có các pháp tu để phát triển định tâm. Điều này bao gồm nhiều yếu tố hơn định tâm, nên còn có cả sự ổn định về cảm xúc. Điều mình muốn có là một tâm trạng ổn định, không chịu sự tác động của tâm tán loạn, bị lôi cuốn vì những đối tượng hấp dẫn, không bị hôn trầm và buồn ngủ. Một tâm trí như vậy sẽ tập trung vào bất cứ điều gì mình muốn nó chú tâm vào. Chẳng hạn, khi người nào đang nói chuyện với mình thì tâm trí ta sẽ không lo ra, để nghĩ về những điều khác. Chúng ta cũng ổn định, theo nghĩa là không có những cảm xúc khó chịu, làm xáo trộn sự ổn định; ta sẽ không buồn rầu. Điều đó có nghĩa là không nhạy cảm quá đáng, hoặc không nhạy cảm, mà quân bình và ổn định.

Trí Tuệ

Điều này thường được dịch là “trí tuệ”, và trong tiếng Phạn là prajnaparamita. Thái độ cuối cùng này đề cập đến khả năng phân biệt giữa cách các pháp tồn tại, và đâu là điều bất khả dĩ. Đó là một nhận thức rất cụ thể, nên chữ "trí tuệ" là một điều quá mơ hồ. Chúng ta đang nói một cách cụ thể về nhận thức để biết điều gì là bất khả, liên quan đến sự thấu hiểu về Không tướng (tánh Không). Ta sẽ phân biệt những điều nào thì vô lý, bất khả và không đề cập đến bất cứ điều gì.

Ta sẽ tu tập với những hành trì và phương pháp này, để phát triển lục độ ba la mật, mục tiêu, động lực, quyết tâm và bồ đề tâm của mình. Tất cả những điều này bao gồm động lực của phạm vi lớn.

Tóm Tắt

Đối với phạm vi trung bình, xây dựng trên phạm vi sơ khởi thì ta sẽ nhận thức rằng ngay cả khi có những tái sinh ở những trạng thái tốt hơn thì mình vẫn khổ. Chúng ta vẫn gặp khó khăn, phải bệnh hoạn và chết, rồi lại làm lại từ đầu. Rồi lại làm lại nữa. Khi đã chán nản với điều này thì ta sẽ hiểu rằng không có gì đặc biệt trong tất cả những tái sinh bất tự chủ này, nên sẽ nhắm đến việc thoát khỏi điều này.

Khi tiến tới cấp độ cao thì ta sẽ không nghĩ mình là người quan trọng duy nhất, là trung tâm của vũ trụ. Ta sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người đều giống hệt như mình, đối với việc muốn được hạnh phúc và muốn tránh đau khổ. Không chỉ vậy mà ta còn thấy rằng tất cả chúng sinh, trong những kiếp trước và kiếp này, đều tử tế với mình một cách không tưởng tượng được. Nếu không có họ thì ta sẽ không thể ăn hay uống, đọc hay viết, đi đến cửa hàng, thưởng thức phim hay làm bất cứ điều gì. Khi thấy rằng nếu mình làm ngơ với lòng tốt này thì thật là xấu hổ, nên ta sẽ xúc động vì lòng từ bi dành cho họ, phát bồ đề tâm, nhờ đó mà mong muốn đạt được giác ngộ, để thật sự mang lại lợi lạc rốt ráo cho tha nhân.

Top