Dẫn Nhập
Ba la mật thứ năm của lục độ ba la mật (các hạnh hoàn hảo) là thiền định, hay định tâm. Với yếu tố này, ta có thể hoàn toàn chú tâm vào bất kỳ đối tượng nào, tùy theo mình muốn tập trung bao lâu, với cảm xúc tích cực và sự thấu hiểu sâu sắc. Tâm ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi các cực đoan của tâm phóng dật, trạo cử vì phiền não, hay hôn trầm. Với tâm thức nhạy bén thì năng lượng sẽ được tập trung và điều phục, không chạy tán loạn bên trong. Ta sẽ trải nghiệm một cảm giác cực kỳ hỷ lạc, nhưng cũng an bình, cả về tinh thần lẫn thể chất. Ta sẽ kinh nghiệm tính quang minh phi thường của tâm thức, điều sẽ hiển lộ, khi tất cả suy tưởng phóng dật hay cảm xúc dư thừa được loại bỏ. Khi không có tâm chấp thủ đối với trạng thái trần trụi, trong sáng và hỷ lạc này thì ta có thể sử dụng nó để thực hiện bất kỳ mục tiêu tích cực nào mà mình muốn.
Có một vài cách phân chia thiền định ba la mật, bằng bản tánh, bằng thể loại, hay bằng công năng.
Phân Loại Theo Bản Tánh Của Thiền Định
Một cách để phân chia các trạng thái khác nhau của thiền định ba la mật là theo mức độ thành tựu của người sở hữu nó. Chúng ta có thể phân biệt thiền định ba la mật của:
- Một người bình thường - một người chưa đạt được nhận thức vô niệm về tánh Không (Không tướng)
- Một người đã vượt qua mức bình thường - một bậc chứng ngộ cao cả (“thánh nhân”), với nhận thức vô niệm về Không tướng.
Những người đã có kinh nghiệm, thậm chí có một chút nhận thức vô niệm về Không tướng, đã đoạn trừ phiền não ở một mức độ nào đó. Do đó, họ ít gặp khó khăn hơn đối với việc không thể áp dụng thiền định ba la mật trong cuộc sống hàng ngày, vì sự rối loạn cảm xúc.
Phân Loại Theo Thể Loại Thiền Định
Phân loại này đề cập đến những gì ta cố đạt được, trong khi tu tập để thành tựu thiền định ba la mật. Định tâm của ta có thể hướng về sự thành tựu:
- Thiền chỉ (Shamatha) - trạng thái ổn định, hoàn toàn thoát khỏi trạo cử và hôn trầm, được trải nghiệm bằng cảm giác phấn chấn, hỷ lạc sung mãn của thân tâm, có thể duy trì sự tập trung vào một trạng thái tích cực trong bao lâu tùy theo ý muốn. Nó tập trung nhất điểm vào đối tượng nào đó, với tâm thái có tính xây dựng - ví dụ như vào một hoặc nhiều chúng sinh, với lòng bi, hoặc đơn giản là trí bát nhã.
- Thiền quán (Vipashyana) - trạng thái nhận thức đặc biệt, cũng thoát khỏi tâm trạo cử và hôn trầm, và được trải nghiệm bằng cảm giác phấn chấn, hỷ lạc sung mãn có thể nhận thức tất cả các chi tiết của bất kỳ đối tượng nào, với sự hiểu biết rõ ràng. Giống như thiền chỉ, nó tập trung nhất điểm vào một đối tượng nào đó, với tâm thái có tính cách xây dựng, chẳng hạn như lòng bi, nhưng ở đây, với nhận thức thô thiển về các đặc điểm chung của đối tượng, chẳng hạn như bản chất vô thường hay khổ đau và với sự phân biệt vi tế về tất cả các chi tiết cụ thể của đối tượng, chẳng hạn như tất cả các nỗi khổ khác nhau mà chúng sinh phải trải qua.
- Chỉ (shamatha) và quán (vipashyana) hợp nhất - một khi đã đạt được trạng thái hoàn hảo của thiền chỉ thì ta sẽ tu tập để kết hợp nó với thiền quán. Trạng thái thật sự của thiền quán chỉ có thể đạt được, dựa trên cơ sở là ta đã thành tựu thiền chỉ. Rồi sự kết hợp của chỉ và quán sẽ có cả hai loại cảm giác hỷ lạc phấn chấn - một cảm giác sung mãn để có thể tập trung vào bất cứ điều gì mình muốn và nhận thức tất cả các chi tiết của nó - cũng như nhận thức thô thiển và phân biệt vi tế tất cả các chi tiết này.
Phân Loại Theo Công Năng Mà Tâm Định Thực Hiện
Một khi đã thành tựu nó thì thiền định ba la mật sẽ đem lại nhiều kết quả. Chúng được gọi là những chức năng mà tâm định ấy thực hiện. Tâm định hoạt động để:
- Đưa thân tâm đến trạng thái hỷ lạc trong đời này – một trạng thái mà ta trải nghiệm cảm giác phấn chấn, hỷ lạc sung mãn về mặt tinh thần và thể chất, và một sự lắng dịu tạm thời của phiền não.
- Đem lại những phẩm chất tốt đẹp – đạt được những thành tựu giống như các hành giả chỉ nỗ lực cho giải thoát tự thân, chẳng hạn như thiên nhãn thông và thần thông, thần túc thông, các tầng thiền định cao hơn (“dhyanas”), tạm thời thoát khỏi các cảm thọ lẫn lộn với vô minh, và chấm dứt phiền não.
- Giúp ta làm lợi lạc cho chúng sinh đang thống khổ – 11 loại người mà ta giúp đỡ, cũng được bàn luận liên quan đến trì giới ba la mật và tinh tấn ba la mật.
Tóm Tắt
Điều này dường như không phải lúc nào cũng rõ rệt, nhưng ta cần sự tập trung để hoàn thành ngay cả những việc nhỏ, như buộc dây giày. Hầu hết chúng ta có khả năng tập trung tinh thần vào những việc phức tạp hơn nhiều, và có thể hoàn thiện những kỹ năng này, để đạt được những mục tiêu tâm linh. Khi được kết hợp với các ba la mật khác, và có sự hỗ trợ của bồ đề tâm thì định tâm và thiền định sẽ trở nên sâu rộng đến mức có thể đưa ta đến giác ngộ.