Các Tâm Sở Cần Thiết Để Hành Thiền

Thiền Quán

Nói chung, thiền có hai giai đoạn: thiền quán và thiền định. Trong thiền quán thì mình tu tập qua các bước tiến triển, hay một dòng lý luận, như đã làm trong quá trình tư duy, để tạo dựng một tâm thái mà mình đang cố gắng làm quen. Trong trường hợp tâm bi thì khởi đầu bằng cách nghĩ về nỗi khổ của chính mình và quyết tâm thoát khổ. Sau đó, với điều này làm cơ sở, hãy tưởng tượng một đám đông thật lớn xung quanh mình, và trước tiên, hãy mở rộng lòng với tất cả chúng sinh, không có tâm luyến ái, ác cảm và thờ ơ. Sau đó, vẫn chú tâm vào tất cả những chúng sinh này, ta sẽ quán một chuỗi sự kiện, khởi đầu bằng việc nhớ tưởng đến sự tương quan và tương thuộc của tất cả chúng sinh.

Sau đó, trong khi vẫn chú tâm vào những chúng sinh này, ta sẽ nhớ lại tất cả những nỗi khổ mà họ kinh qua. Họ thường đau buồn và thất vọng, và bất kỳ hạnh phúc nào mà họ có được thì chẳng bao giờ bền lâu và làm cho họ toại nguyện. Họ cố gắng để đạt được hạnh phúc, nhưng bất cứ điều gì họ làm để được hạnh phúc, như lo lắng về bề ngoài, hay tích lũy nhiều của cải hơn thì chẳng bao giờ hữu hiệu, vì chúng chỉ đem lại  nhiều vấn đề hơn. Ta cũng tự nhắc nhở mình rằng tất cả chúng ta đều ở trong cùng một tình huống, và cần có sự giúp đỡ lẫn nhau, vì nếu như mọi người đều ích kỷ thì tất cả chúng ta đều sẽ khổ.

Bằng cách này, ta sẽ tạo dựng lòng bi mẫn, tập trung vào số lượng chúng sinh to lớn này, ước nguyện cho tất cả những chúng sinh này thoát khỏi mọi nỗi khổ một cách đồng đều. Thêm vào đó, ta sẽ có chủ ý rằng chính mình sẽ làm một điều gì đó để làm vơi bớt khó khăn của họ.

Với thiền quán thì hãy tiếp tục chú tâm với lòng bi hướng về những chúng sinh này, nhưng đồng thời cũng phân biệt, theo cách nhận thức và thừa nhận, tất cả chi tiết và những điểm mà mình đã xem xét, để tạo dựng lòng bi. Đối với điều này thì trạng thái bi mẫn chứa đựng các yếu tố phát hiện thô sơ và “phân biệt vi tế”. Với yếu tố đầu, ta sẽ phát hiện, theo nghĩa là chỉ để ý đến điểm tổng quát nhất về đối tượng của mình, trong trường hợp này là sự kiện chúng sinh đang đau khổ. Với yếu tố sau, ta sẽ phân biệt những nỗi khổ khác nhau mà họ phải trải qua một cách chi tiết. Với sự phối hợp của hai yếu tố này, ta sẽ nhận thức và thừa nhận tất cả những điểm về đối tượng, tổng hợp tất cả vào một tâm thái, hơi giống như một sự hiểu biết chi tiết, có chiều sâu mà không phải đi qua từng điểm một, hay phải nói thầm trong đầu. Nếu như sự phát hiện và phân biệt về những chi tiết này trở nên yếu ớt, thì mình sẽ đi qua tất cả những điểm này một lần nữa, rồi lại phát tâm bi một lần nữa, đầy đủ với tầm (phát hiện thô sơ), tư (trí phân biệt vi tế) và định.

Thiền Định

Sau thiền quán là thiền định. Bây giờ, ta sẽ tiếp tục tập trung vào những chúng sinh này với cùng một lòng bi mẫn, nhưng lần này, không có sự phát hiện thô sơ hay phân biệt vi tế về nỗi khổ của họ, nhưng vẫn duy trì việc xem đó là khổ, và chánh niệm về sự kiện này.

Đó là quá trình hành thiền; cách mà bạn kếp hợp điều gì đó, làm quen với nó. Và dù đang nói về một pháp thiền tập trung vào một đối tượng, hay một pháp thiền mà bạn chỉ an trụ trong tâm thái đó, hoặc một pháp thiền kết hợp cả hai thì chúng hoàn toàn giống nhau về mặt tất cả phương thức và toàn bộ những chi tiết này.

Phân Biệt Thiền Quán Và Thiền Định

Đức Dalai Lama giải thích sự khác biệt giữa thiền quán và thiền định về mặt năng lượng của hoạt động tinh thần. Đây là một cách rất tinh vi, rất tế nhị để phân biệt hai điều này. Đối với thiền quán thì năng lượng tập trung của bạn sẽ hướng ra ngoài, với ý nghĩa nó đang phân biệt điều gì trong tất cả các chi tiết của nó. Đối với thiền định thì năng lượng tập trung sẽ đi vào bên trong, với ý nghĩa trọng tâm là để cho cảm xúc hay sự hiểu biết lắng xuống, dựa trên việc giữ chánh niệm về những điểm chính mà thiền quán đã dẫn đến. Năng lượng không được trải rộng ra với các chi tiết như trong thiền quán, nhưng hạn hẹp hơn, mài giũa vào điểm chính.

Thật là tinh vi khi có thể phân biệt sự khác biệt giữa việc quán chiếu về người nào với lòng bi - theo một nghĩa nào đó là năng lượng đi ra ngoài, với tất cả các chi tiết của nó - và ổn định tâm bi ấy, khi năng lượng được tập trung nhiều hơn. Đây là một trong những lợi ích xuất phát từ việc tĩnh tâm. Nếu như thành công, ít nhất là ở mức độ nào đó, trong việc làm lắng dịu tất cả những tiếng ồn đang diễn ra trong đầu (nói năng liên tục, bình luận liên tục, nghe nhạc liên tục bằng iPod), thì bạn có thể bắt đầu nhạy cảm với năng lượng của mình, và có thể biết trạng thái năng lượng tinh thần của mình ra sao.

Cách tốt nhất để bắt đầu trở nên nhạy cảm với năng lượng là chú tâm vào việc năng lượng của mình đang rối loạn hay an tĩnh. Ví dụ, cách để phát hiện bạn có bị một phiền não như sân hận, sợ hãi, lo âu, tham lam hay kiêu ngạo ảnh hưởng hay không là năng lượng của bạn không an lạc. Khi nói chuyện với ai, nếu bạn có cảm giác căng thẳng trong bụng thì chứng tỏ là năng lượng của bạn hơi rối loạn, đó là manh mối rất tốt cho thấy một loại phiền não nào có dính líu trong đó. Bạn có thể đang cố gắng gây ấn tượng tốt với một người, hay cố thuyết phục họ về điều gì đó, hoặc có một sự gây hấn nào đó, bất cứ điều nào trong số đó có thể cho thấy có điều gì phiền nhiễu đang xảy ra trong tâm trí. Một khi có thể nhận ra có điều gì không ổn thì bạn sẽ có cơ hội để khởi động lại quá trình tư duy của mình, để khởi động lại tâm thức, theo một ý nghĩa nào đó, và thay đổi cảm xúc đằng sau sự giao tế, và thay thế vào đó những điều lành mạnh hơn. Đặc biệt là trong một sự trao đổi với ai đó, đó là lúc mà bạn thật sự phải có khả năng phát hiện ra phiền não.

Theo thời gian và với sự tu tập, cuối cùng thì bạn sẽ có đủ nhạy cảm để có thể phân biệt năng lượng lan rộng ra bên ngoài của thiền quán và năng lượng hướng vào bên trong, nhỏ hẹp hơn của thiền định.

Các Yếu Tố Cần Thiết Để Đạt Định Tâm

Các yếu tố cần thiết để đạt được định tâm thì phổ biến cho cả thiền quán và thiền định. Tác phẩm của ngài Tịch Thiên (Shantideva), Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior), có thảo luận về chúng trong bối cảnh phát triển giới luật. Vì vậy, trước hết là phải phát triển các phương pháp này trong hành vi của mình, về cách ta hành xử và nói năng, sau đó áp dụng chúng vào tâm thức.

Tâm sở chính mà mình cần phải có và sử dụng trong cả hai trường hợp là chánh niệm, giống như chất keo tinh thần giữ gìn một tâm trạng hay cách cư xử. Nó cũng giống như chữ “ghi nhớ”, nhưng ta không nói về việc ghi nhớ theo nghĩa là lấy một điều gì ra khỏi hồ sơ bộ nhớ của mình và nhớ lại nó. Không phải như vậy. Đó là việc giữ gìn một điều gì đó; ghi nhớ nó. Cần phải có chất keo tinh thần cho đối tượng mà mình tập trung vào, và cách mà tâm mình liên hệ với nó.

Trong khi hành thiền với chánh niệm, ta sẽ xem xét sự chú tâm của mình. Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) giải thích rằng ở đây, mình sẽ sử dụng tâm sở tầm (sự phát hiện thô  sơ) để xem một cách tổng quát là tâm trạng của mình có bị những phiền não tán loạn hay hôn trầm ảnh hưởng hay không. Ý nghĩa quan trọng là ngài đã nêu ra tầm (sự phát hiện thô sơ), chứ không phải tư (sự phân biệt tinh tế). Tư sẽ quá liên hệ đến việc kiểm tra chi tiết tinh vi, nên tâm ý sẽ không chủ yếu tập trung vào đối tượng của mình. Có một hiểm họa lớn trong việc hành thiền là ta có thể quá lo sợ vì hoang tưởng rằng mình sẽ đánh mất đối tượng, và tâm sẽ bắt đầu đi lang thang, nên lại trở nên cứng nhắc và căng thẳng. Điều này tạo ra một vấn đề lớn. Mặt khác, bạn không muốn quá thư giãn và cẩu thả; vì điều đó không giúp ích gì.

Rồi thì mình cần có tâm tỉnh giác, giống như một hệ thống báo động. Khi phát hiện ra mình đang mất đi đối tượng thiền định thì tâm tỉnh giác sẽ báo động có điều gì phải được sửa chữa. Rồi thì ta sẽ đem tâm ý trở lại, với sự chú ý.

Những Lỗi Lầm Cần Phải Sửa Chữa

Hai lỗi lầm mà ta cố đoạn trừ thuộc về hai loại chính: “trạo cử” và “hôn trầm”. Trạo cử là tâm lang thang vì luyến ái hay dục vọng. Nó có thể thuộc dạng nói thầm trong đầu, hoặc phim ảnh trong trí óc. Hầu hết các kinh sách truyền thống thảo luận về tâm trạo cử này về mặt ái dục, có lẽ bởi vì độc giả chủ yếu vào thời đó là chư tăng ni sống đời độc thân, mà đối với họ thì vấn đề khắc phục tâm ái dục là điểm chính. Nhưng nó có thể là tâm tham luyến với thức ăn hay âm nhạc, hay bất cứ điều gì. Ngược lại, tâm lang thang có thể xảy ra vì bất kỳ cảm xúc, tư tưởng, hay thậm chí tiếng ồn, hay một số đối tượng giác quan khác. Nói một cách tổng quát hơn thì tâm lang thang cũng có thể được gọi là “tán loạn”.

Có một vài mức độ trạo cử, đối phó với việc đặt để tâm ý vào đối tượng hay cảm giác.

  • Trạo cử thô – bạn hoàn toàn đánh mất đối tượng và bắt đầu suy nghĩ đủ thứ. Chánh niệm, chất keo tinh thần, yếu đến mức bạn hoàn toàn quên mất đối tượng.
  • Trạo cử vi tế - bạn không hoàn toàn buông bỏ đối tượng, nhưng đồng thời với việc giữ gìn đối tượng, bạn đang nghĩ thầm về một điều gì khác.
  • Trạo cử vi tế nhất - bạn không có sự nghĩ thầm này, nhưng có một loại cảm giác ngứa ngáy muốn rời khỏi đối tượng và nghĩ về điều gì khác. Điều này có thể thật sự xảy ra khi tinh thần đang siết quá chặt.

Hôn trầm liên quan đến sự rõ ràng của đối tượng, có thể là hiện tướng, nếu đó là một pháp quán tưởng, hoặc cảm giác, nếu đó là một tâm thái như lòng bi.

  • Hôn trầm thô - chức năng “tạo ra hiện tướng” trong tâm bạn rất yếu đến nỗi nó không thể tạo ra bất cứ quán tưởng hay cảm giác nào. Điều này có thể đi kèm với hai yếu tố khác, được gọi là “u mê”, tức là một cảm giác nặng nề trong thân tâm, hay buồn ngủ, và thậm chí là ngủ gục.
  • Hôn trầm vi tế - có một hình ảnh, nhưng việc giữ gìn nó không đủ chặt chẽ, nên nó thiếu sự sắc nét. Ở đây, ta không chỉ nói về sự chú tâm bén nhạy vào các chi tiết của một hình ảnh trong quán tưởng, mà một cảm xúc cũng có thể bị đánh mất, như lòng bi mẫn. Nó có thể chỉ là một cảm giác rất mơ hồ, “Tình thương, hòa bình, tôi thương mến tất cả mọi người.” - bạn đang phát khởi một cảm giác, nhưng thiếu sự tập trung cụ thể, đó là ước mong cho tất cả chúng sinh thoát khổ và nhân tạo khổ. Phải nhớ rằng mọi chi tiết, mọi khía cạnh của tâm thái mà mình muốn phát khởi đều rất cụ thể, chứ không nên mơ hồ.
  • Hôn trầm vi tế - bạn có sự chú tâm bén nhạy, khi tâm tạo ra đối tượng, nhưng việc duy trì đối tượng không được chặt chẽ cho lắm, nên nó không tươi mới, sinh động hay sống động. Nó phải tươi mới trong từng khoảnh khắc, không giống như bánh mì để lâu rất cũ và cứng, không ngon lành chút nào.

Khi nói về cảm giác “lâng lâng” thì nó có thể đề cập đến bất kỳ sự sai lầm nào ở trên, nên phải có khả năng phát hiện chúng khi bất cứ điều nào phát sinh. Trước tiên, bạn sẽ đặt để tâm vào đối tượng hay tâm thái nào đó. Rồi với chánh niệm, chất keo tinh thần, đừng buông bỏ nó.

Đây là yếu tố quan trọng nhất để thành công trong việc hành thiền. Hãy giữ gìn đối tượng, nhưng không quá chặt chẽ và không quá lỏng lẻo. Ví dụ, khi bạn đang ăn kiêng mà lại đi ngang qua tiệm bánh, và có tất cả những chiếc bánh hấp dẫn trong tủ kiếng thì bạn phải giữ chế độ ăn kiêng, giữ gìn nó và không buông lung, nên bạn sẽ không đi vào cửa hàng và mua một cái bánh sô cô la. Hay là họ đang đem kem ra cho tất cả mọi người, và bạn cứ giữ chặt lấy, không từ bỏ chế độ ăn kiêng, “Không, cảm ơn, tôi đang ăn kiêng.”.

Vậy thì phải có sự phát hiện, để xem mình có đi lạc hướng không. “Có gì sai lầm đối với việc đặt để tâm ý và giữ gìn đối tượng của mình không? Có điều gì không ổn với tâm thức tạo ra đối tượng hoặc cảm giác hay không?” Nếu phát hiện ra sự sai lầm nào thì tâm tỉnh giác sẽ rung chuông báo động bên trong, và sự chú ý sẽ đem sự tập trung tinh thần trở lại. Đồng thời, không nên trở thành một người cảnh sát hoang tưởng về điều đó, khi mà có tánh nhị nguyên giữa cái “tôi” là người cảnh sát, và cái “tôi” đang hành thiền. Để tránh pháp thiền nhị nguyên như vậy thì cần phải có một sự hiểu biết về Không tướng (tánh Không) của tự ngã, rằng chúng ta hoàn toàn không tồn tại theo cách bất khả dĩ này.

Ứng Dụng Thực Tiễn Của Các Kỹ Năng Được Rèn Luyện Trong Thiền

Khả năng tập trung vào một đối tượng với chánh niệm và định tâm là điều cần thiết trong đời sống hàng ngày. Đó là lý do mà mình hành thiền, để có thể áp dụng những tập khí ích lợi mà mình đã phát triển vào trong đời sống. Chẳng hạn, khi nói chuyện với ai hay nghe họ nói thì mình phải chú ý. Mình phải tập trung và không nghĩ về món ăn trưa hay nói thầm trong đầu, “Hãy câm miệng và đi đi.”. Thế thì việc giao tiếp cá nhân, công việc, học tập và vân vân là những lãnh vực hoàn hảo để rèn luyện sức tập trung. 

Bốn Sự Hỗ Trợ

Hai điều mà chúng ta cần khi tu tập để đạt được định tâm trong thiền định là sức mạnh (thường được gọi là “tinh tấn”) và kiên nhẫn. Sức mạnh là mạnh mẽ, gần như lòng dũng cảm anh hùng và nỗ lực để hoàn thành điều gì tích cực; trong khi lòng kiên nhẫn là khả năng chịu đựng mọi gian khổ và khó khăn mà không nản lòng hay sân hận. Trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên giải thích sáu yếu tố có thể giúp ta phát triển sức mạnh. Chúng được gọi là bốn sự hỗ trợ và hai lực, là những điều rất hữu ích để biết đến và sử dụng.

Điều đâu tiên được gọi là niềm tin vững chắc, hay nguyện vọng vững chắc. “Nguyện vọng” là một danh từ mạnh mẽ cho sự mong ước, và được định nghĩa là sự vững tin về lợi ích của mục tiêu và những khuyết điểm khi không đạt được nó, nên nguyện vọng để đạt được mục tiêu không thể bị lung lay hay bỏ cuộc. Khi đọc về các tâm trạng khác nhau mà mình muốn đạt được trong pháp tu nhà Phật thì bài pháp gần như luôn luôn đưa ra những lợi ích của việc đạt được nó và những khuyết điểm khi không đạt được mục tiêu. Đây là những điều quan trọng để nghiên cứu. Ngài Tịch Thiên đã noi theo khuôn khổ này trong tác phẩm của mình, trong đó chương thứ nhất là về bồ đề tâm. Chúng ta sẽ tin tưởng vào những lợi ích của việc có được tâm trạng này, và điều này sẽ mang lại cho mình sức mạnh, khiến ta tu tập một cách hoan hỷ. Bất cứ khi nào mình thấy nản lòng thì việc nhắc nhở bản thân về những lợi ích của những gì mình đang hướng tới để đạt được là một điều tốt đẹp.

Tiếp theo là lòng kiên định hay tự tin. “Kiên định” có nghĩa là vững vàng và kiên trì tu tập, điều này xuất phát từ việc khảo sát xem mình có thể đạt được mục tiêu mà mình muốn hay không, và tin chắc mình có thể làm điều đó. Rồi với lòng tự tin thì ta sẽ tu tập đều đặn, ngay cả khi sự tiến triển tăng hay giảm, vì đó là thực tế về những gì xảy ra. Có những ngày thì tuyệt vời, và những ngày khác thì khủng khiếp. Có những ngày ta sẽ hăng hái tu hành, còn những ngày khác thì không muốn tu tập gì cả. Nhưng nếu tin tưởng vào những lợi ích, nếu có sự kiên trì, được mô tả giống như một chiếc áo giáp, thì mình sẽ nghĩ, “Không sao hết. Mặc kệ nếu nó thăng hay trầm, tôi sẽ tiếp tục mỗi ngày đều đặn. Tôi biết rằng cuối cùng thì có thể đạt được mục tiêu của mình.”.

Khi tiến triển qua một khoảng thời gian dài hơn, ta sẽ thấy xu hướng tâm dần dần tập trung hơn, và mình sẽ phát triển sự hỗ trợ kế tiếp, đó là tâm hoan hỷ. Vì không hài lòng với chút ít tiến bộ, nên ta sẽ rất vui mừng khi tiến xa hơn và xa hơn nữa, với cảm giác tự hài lòng. Kết quả là rõ ràng ta sẽ hạnh phúc hơn, bởi vì toàn bộ vấn đề là đoạn diệt khổ đau. Khi tâm ít bị sao lãng hơn, ít buồn bực hơn và ít phiền nhiễu hơn thì đương nhiên mình sẽ hạnh phúc hơn. Khi nhìn thấy điều này thì ta sẽ thấy phấn khích về việc tiến xa hơn và tiến bộ hơn.

Điều hỗ trợ thứ tư là nghỉ ngơi, có nghĩa là nghỉ ngơi khi mệt mỏi. Đó không phải là lười biếng, nhưng là để làm mới bản thân. Không có gì phá hủy nỗ lực của mình tệ hơn là cố gắng quá mức, khiến mình kiệt sức. Cố gắng quá mức thật sự làm đảo lộn năng lượng trong cơ thể, như bóp một chiếc bong bóng đến mức vỡ tung. Phải có khả năng phán đoán bản thân và xác định khi nào mình cần nghỉ ngơi, và không cảm thấy dằn vặt về điều đó! Việc chọn một điều gì để giúp ta thư giãn, nhưng không gia tăng phiền não là tốt. Rõ ràng là điều này sẽ khác biệt đối với mỗi người. Đây là bốn sự hỗ trợ mạnh mẽ.

Hai Lực

Bây giờ đến hai lực. Trước tiên là chấp nhận một cách tự nhiên, có nghĩa là chấp nhận một cách tự nhiên những gì mình phải thực hành và những gì phải loại bỏ, để đạt được mục tiêu. Ta nhìn thấy thực tại về tình huống của mình, và chấp nhận một cách tự nhiên những khó khăn liên quan đến việc loại bỏ điều gì, ví dụ như phiền não. Chúng ta cần phải thực tế ngay từ đầu, để không ngạc nhiên về sau, về mức độ khó khăn của việc này!

Như Đức Dalai Lama thường nói, “Bất kỳ vị thầy hay Phật tử nào tuyên bố rằng Phật pháp dễ dàng và nhanh chóng thì hãy nghi ngờ người đó và động lực của họ, bởi vì nó không hề dễ dàng hay nhanh chóng. Chúng ts đã quá quen thuộc với phiền não, đến nỗi không có cách nào dễ dàng để loại bỏ chúng, giống như uống một viên thuốc. Một vị thầy khác trong số các vị thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey luôn nói rằng, “Bất kỳ người nào bị thu hút vào những đường tu dễ dàng và nhanh chóng trong đạo Phật thì nói một cách cơ bản là vì họ lười biếng. Họ không muốn bỏ ra công phu khó nhọc, dù đó là điều thật sự cần thiết.”.

Lực thứ hai là tự chủ, có nghĩa là nắm quyền kiểm soát và áp dụng bản thân vào những điều mình muốn đạt được. Thay vì để sự lười biếng hay bất cứ phiền não nào khác kiểm soát thì nguyện vọng đạt được mục tiêu của mình sẽ là điều nắm quyền kiểm soát. Ta sẽ tự nhủ rằng, “Hãy ngưng cách hành xử như một đứa bé. Hãy tập trung tinh thần và thực hiện điều đó!”.

Mệt Mỏi Hay Lười Biếng?

Người ta có thể tự hỏi làm sao có thể phân biệt giữa sự mệt mỏi và lười biếng. Thứ nhất, có nhiều hình thức lười biếng khác nhau, như khi mình bị phân tâm vì những việc tầm thường. Mình quá lười biếng để hành thiền hay tu học, hay làm bất cứ việc gì, thay vì vậy lại bị phân tâm vì một chương trình truyền hình hay lên Internet. Rồi thì có hình thức lười biếng trì hoãn công việc đến khi khác, khi mà bạn luôn nghĩ rằng mình có thể trì hoãn sự việc. Rồi còn có một hình thức lười biếng mà bạn kiếm cớ, như “Đơn giản là tôi không thể làm việc đó.”.

Khi mệt mỏi thì chúng ta vẫn mong muốn có thể làm điều đó: “Tôi thật sự muốn làm việc đó, nhưng hiện giờ tôi rất buồn ngủ, nên sẽ ngủ một chút để nghỉ ngơi, rồi thì sẽ toàn tâm toàn ý trở lại làm việc này.”. Đây không phải là việc viện cớ hay không quan tâm. Tâm lười biếng sẽ không có lòng mong muốn tiếp tục công việc.

Tóm Tắt

Thiền không dễ dàng, và chúng ta phải cẩn thận khi có ai tuyên bố rằng có những cách để đạt được các chứng ngộ lạ thường một cách nhanh chóng, bởi vì nói chung thì điều này không bao giờ xảy ra.

Công phu hành thiền phải là một quá trình năng động, không phải là điều gì tẻ nhạt hay nhàm chán, khi mà ta thấu hiểu một cách sâu sắc về giáo pháp mà mình đã lắng nghe và tư duy. Nếu có thể làm điều này ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì không có nghi ngờ gì là những lời dạy đó sẽ khắc sâu vào tâm mình, và khi khó khăn hay cảm xúc tiêu cực phát sinh, như chúng sẽ xuất hiện thì cuối cùng, ta sẽ có khả năng giải quyết chúng một cách dễ dàng.

Top