Biết Khả Năng Của Mình
Chúng ta chưa nói nhiều về việc liệu mình có nghĩ việc thành tựu tất cả những điều này là khả dĩ hay không, và liệu tôi có khả năng đạt được nó hay không. Điều này đưa đến cả một cuộc thảo luận về Phật tánh, trên cơ bản, đề cập đến yếu tố mà tất cả chúng ta đều có, để chuyển hóa thành một vị Phật. Điều này chủ yếu liên quan đến đặc điểm của tâm.
Chúng ta có khả năng hiểu sự việc không? Có. Chúng ta có khả năng nhận thức điều gì trong mọi lúc không? Chúng ta có thể nhận thức được điều gì trong một khoảng thời gian, vậy thì khoảng thời gian đó có thể kéo dài thêm không? Được. Chúng ta có thể kéo dài nó nhờ các phương pháp thiền định và làm quen thuộc, nhưng đối với điều kiện cơ bản nhất thì thành công phụ thuộc vào sự quan tâm và động lực của chính mình. Nó phải quan trọng và phù hợp với mình.
Nó giống như bạn biết mình có bao nhiêu tiền khi đi mua sắm, bởi vì bạn không thể chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn có. Những lần khác, khi bạn ngồi ở nhà thì dù có bao nhiêu tiền trong túi cũng không có gì khác biệt. Điều đó chẳng quan hệ gì, và bạn cũng chẳng quan tâm đến. Tương tự như vậy, khi nghĩ về giáo pháp thì chúng phải liên hệ với mình. Cần phải hiểu công năng của chúng và tại sao chúng lại quan trọng, để thấy chúng liên hệ với mình. Chung qui thì đó là một tâm thái cơ bản gọi là “thái độ quan tâm”, khi mà chúng ta quan tâm đến bản thân, đến những gì xảy ra với mình, và những gì mình trải nghiệm.
Quan Tâm Đến Bản Thân
Có lẽ mình có thể hiểu công năng của thái độ quan tâm này một cách dễ dàng hơn, khi nó hướng về người khác. Nếu tôi không quan tâm đến người khác thì những điều tôi làm hoặc nói, hay họ có thích hay không thật sự không quan trọng. Nhưng nếu xem những điều này quan trọng thì tôi sẽ quan tâm đến việc hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Cần phải phát triển sự quan tâm chăm sóc như vậy cho bản thân mình, rằng nếu tôi lãng phí toàn bộ thời gian và không tận dụng kiếp người quý báu thì đến một lúc nào đó, tôi sẽ chết với một sự hối tiếc không tưởng tượng được về sự lãng phí to lớn này.
Chúng ta cũng có thể hướng điều này đến những việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Tôi quan tâm đến cách nuôi dạy con cái, cách mình làm việc; đến tình trạng phúc lợi tinh thần và thể chất của mình. Với thái độ này thì ta sẽ thấy giáo pháp quan trọng đối với mình. Dần dần, nhờ giữ gìn giáo pháp trong tâm trí mà ta có thể ghi nhớ chúng, nếu không phải lúc nào cũng nhớ thì ít nhất là rất thường xuyên. Thiền là phương pháp để mình quen thuộc với giáo pháp hết lần này đến lần khác, để chúng trở thành một thành phần tự nhiên trong tâm trí của mình, khi không cần phải sử dụng bất cứ sự nỗ lực nào để ghi nhớ chúng.
Nếu vững tin rằng mình có khả năng đạt được những tuệ giác này thì ta sẽ dốc toàn bộ tâm huyết vào việc đó. Nếu không vững tin thì giống như vỗ hai cánh tay để thử bay. Tại sao bạn lại muốn thử? Lúc đầu, có lẽ ta còn không biết giải thoát hay giác ngộ có nghĩa là gì, nhưng có mục tiêu lâu dài là thấu hiểu điều này và nỗ lực hướng về nó, trong khi nhận thức về cái chết rất hữu ích, để thôi thúc mình không lãng phí cuộc sống.
Thiền Quán Về Tâm Bi
Bây giờ thì chúng ta đã sẵn sàng để xem xét bước thứ ba trong quá trình, đó là hành thiền. Ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa), đại sư vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng, đã viết những lời khuyên rất hữu ích như một cách giới thiệu chủ đề này. Trong Bức Thơ Ban Lời Khuyên Thực Tiễn Về Kinh Điển Và Mật Điển (A Letter of Practical Advice on Sutra and Tantra), ngài đã viết rằng nếu muốn hành thiền thì cần phải “nhận ra đâu là nhân của tâm trạng mà mình đang cố gắng đạt được”. Ví dụ, nếu như muốn phát triển lòng bi thì cần phải biết nguyên nhân nào sẽ dẫn đến sự phát triển tâm bi.
Đây là tiền đề của tính phụ thuộc, rằng để phát nguyện ước mong chúng sinh thoát khổ và nhân tạo khổ (định nghĩa về lòng bi trong đạo Phật) thì phải nhận ra rằng mình có sự tương quan với chúng sinh. Nếu không thì ta sẽ không quan tâm đến họ. Vì vậy, phải xem xét cách mà toàn bộ sự tồn tại của mình phụ thuộc vào công lao khó nhọc và lòng tốt của mọi người, những người đã sản xuất thực phẩm cho mình, xây dựng đường sá, vân vân và vân vân. Khi nhớ đến tất cả những gì họ đã làm, để giúp cho cuộc sống của mình khả dĩ thì ta sẽ biết ơn và cảm kích công lao của họ. Khi cảm nhận điều này một cách chân thành và sâu sắc thì lòng tri ân sẽ tự nhiên khơi dậy tình thương ấm áp mà mình trân quý chúng sinh, và ta sẽ thấy đau lòng, nếu có bất cứ điều gì khủng khiếp xảy ra cho họ. Điều đó dẫn đến lòng từ, ước nguyện cho họ được hạnh phúc và có nhân hạnh phúc. Nhưng khi thấy họ không hạnh phúc, mà lại đau buồn vì đủ thứ nỗi khổ thì ta sẽ phát tâm bi. Sự phát triển của lòng bi phụ thuộc vào việc trải qua tất cả những bước này, theo đúng trình tự.
Lòng bi cũng phụ thuộc vào tâm xả ly, nghĩa là nhận thức được những nỗi khổ của chính mình, quyết tâm thoát khổ, rồi nhận thức rằng tất cả chúng sinh đều có cùng nỗi khổ và cùng một ước muốn. Nói một cách chính xác thì tâm xả ly là như vậy, là quyết tâm thoát khổ. Rõ ràng là lòng bi, cũng cùng một sự quyết tâm hướng về nỗi khổ của tha nhân, phụ thuộc vào việc có cùng một quyết tâm đó đối với bản thân mình trước tiên.
Vì vậy, nếu muốn thử phát tâm bi trong khi thiền quán thì điểm phụ thuộc này thật là quan trọng, bởi vì, dù cuối cùng mình sẽ có khả năng phát khởi nó ngay lập tức với rất nhiều công phu tu tập và sự quen thuộc, nhưng lúc đầu thì phải trải qua những bước để tạo dựng một mức độ mà mình thật sự cảm nhận lòng bi một cách chân thành. Để thật sự thiền quán về lòng bi thì phải biết những bước hay nguyên nhân mà nó phụ thuộc vào.
Ngài Tông Khách Ba nói tiếp rằng mình cũng cần phải “biết những khía cạnh”, nghĩa là nếu muốn phát tâm bi thì phải biết tất cả các khía cạnh khác nhau của nỗi khổ, và những khía cạnh khác nhau của nhân tạo khổ, nếu ta muốn tất cả mọi người đều thoát khổ. Đó không chỉ là giúp họ tìm một công việc hay món gì ngon để ăn, mà chúng ta đang nói về nỗi khổ bao trùm khắp nơi của tái sinh bất tự chủ (luân hồi), và sự vô ý thức, vô minh cơ bản nhất về thực tại đã tạo ra và duy trì sự tồn tại của luân hồi. Để thiền quán về lòng từ và lòng bi thì đừng chỉ ngồi đó và nghĩ rằng, “À, thật tuyệt, tôi thương tất cả mọi người.”. Như vậy thì quá mơ hồ, trong khi những tâm thái mà mình muốn tạo ra thì rất cụ thể. Ngài Tông Khách Ba đề cập đến tất cả những điều sẽ giúp ta xác định tâm thái mà mình đang cố gắng thiết lập.
Rồi thì điều rất quan trọng phải biết là mình đang chú tâm vào điều gì, trong khi cố gắng phát triển tâm thái ấy. Điều gì nên xuất hiện trong tâm mình? Đối với lòng bi thì mình chú tâm vào những chúng sinh khác và nỗi khổ của họ. Và ở đây, không chỉ là tâm bi, mà còn là “tâm đại bi”, hướng đến tất cả chúng sinh một cách bình đẳng. Vậy là nhiều lắm, thật sự là tất cả chúng sinh. Đó là phạm vi khổng lồ, không thể tưởng tưởng được, khi mình nghĩ rằng, “Tôi sẽ giúp đỡ mỗi một côn trùng trong vũ trụ.”. Ở đây, chúng ta đang nói về mỗi một dòng tâm thức cá nhân vì nghiệp dĩ mà đang hiển lộ đời sống của một côn trùng trong hiện tại. Nó không có nghĩa là chúng luôn luôn là côn trùng, chúng ta sẽ giải thoát chúng sinh là một côn trùng trong kiếp này, nhưng trong kiếp trước đã là mẹ của mình. Và ta sẽ giải thoát người mẹ của mình trong kiếp này, mà kiếp trước có thể là một con sâu.
Không dễ quán tưởng từng chúng sinh một, nhưng trong pháp tu Đại thừa có tâm lượng bao la thì mình sẽ cố gắng tưởng tượng ra một đại chúng to lớn, đông đảo xung quanh mình khi ta tu tập, và mình đang làm vơi đi nỗi khổ của họ. Đoạn đầu trong nhiều kinh điển Đại thừa có mô tả hàng chục trăm triệu chúng sinh vây quanh, nêu ra ý tưởng về phạm vi to lớn ra sao.
Việc có được lòng bi phổ quát bình đẳng đối với tất cả chúng sinh thật là không thể tưởng tượng nổi. Nền tảng của tâm bi là tâm xả (equanimity), khi mà ta mở rộng tâm của mình với tất cả chúng sinh. Cần phải biết tất cả những điều này để có thể thiền quán đúng đắn về lòng bi.
Ngoài ra, cần phải biết cách tâm thức liên hệ đến những điều mình đang tập trung vào. Nếu đang thiền quán về lòng bi thì ta sẽ ước nguyện cho chúng sinh thoát khổ và tất cả những nguyên nhân tạo ra nỗi khổ của họ đều bị đoạn diệt. Không phải là ước muốn người khác sẽ giúp đỡ họ, hay nói chung là nỗi khổ đã biến mất, nhưng chính mình sẽ cố gắng giúp họ vượt qua nỗi khổ.
Ngài Tông Khách Ba còn nêu ra thêm rằng phải biết điều gì có ích và giúp ta phát lòng bi, điều gì sẽ tạo ra bất lợi và có hại. Điều không chỉ giúp ta phát lòng bi mẫn, mà tuyệt đối cần thiết là phải vững tin rằng nó thật sự có thể giúp mọi người thoát khổ. Nếu như không tin rằng điều đó có thể xảy ra, thì làm sao ta có thể mong muốn để có được nó và tu tập để thành tựu nó? Nền tảng của điều này là niềm tin chắc chắn tôi có thể thoát khỏi nỗi khổ của mình, và tôi có khả năng giúp người khác khắc phục nỗi khổ của họ. Đối với điều này, phải có hiểu biết thực tiễn về những điều mình có khả năng, và thậm chí những gì một vị Phật có khả năng thực hiện. Thế thì điều gây bất lợi cho việc phát tâm bi không chỉ là tâm vị kỷ và ích kỷ, mà còn là lòng chán nản và thiếu tự tin. Sau cùng thì Đức Phật nói rằng nỗi khổ không thể được đoạn trừ như rút một cái gai từ chân ai đó. Ngay cả một vị Phật chỉ có thể giảng dạy cách thức, nhưng người khác phải tự tu tập siêng năng. Làm sao có thể kỳ vọng là mình có thể vượt qua khả năng của Đức Phật?
Nói tóm lại, nếu không hiểu biết về đặc điểm cụ thể của việc tạo tác một tâm thái nào, như lòng bi, thì mình sẽ không tiến quá xa. Nhờ vậy mà ta có thể bắt đầu đánh giá cao là pháp hành thiền chính xác và tinh vi như thế nào; thậm chí, có thể gọi nó là “khoa học tâm thức”.
Giữa Hai Thời Thiền
Ngài Tông Khách Ba cũng nêu ra rằng thời gian giữa các thời thiền cũng rất quan trọng. Ngài khuyên nên đọc các kinh sách khác nhau, liên quan đến những điều mình đang thiền quán. Một mặt, nó sẽ xác nhận niềm tin xác tín của mình, rằng những gì mình đang tu tập đúng là những điều Đức Phật đã dạy, và mặt khác, nó sẽ cho ta nguồn cảm hứng bằng cách đọc về những điều mà các đạo sư vĩ đại đã thành tựu. Trên hết, ngài Tông Khách Ba nói rằng phải tích tập năng lực tích cực và tịnh hóa năng lực tiêu cực bằng các pháp tu tịnh hóa.
Tôi sử dụng chữ “năng lực tích cực”, thay vì chữ “công đức”, vì tôi cảm thấy chữ này nêu ra ý tưởng sai lầm. Công đức có vẻ như thu thập điểm, và nếu đạt được một trăm điểm thì bạn sẽ thắng. Điều chúng ta đang làm là nạp điện dương tính, để bạn có đủ năng lượng cho mọi thứ hoạt động, như đối với điện thoại di động. Nên đối với tâm mình thì chúng ta cũng cần sử dụng các pháp tu tịnh hóa để khắc phục sở tri chướng, khi bạn cảm thấy như không thể hiểu bất cứ điều gì. Cũng có thể có phiền não chướng. Việc tích tập năng lực tích cực và thực hiện các pháp tu tịnh hóa sẽ giúp ta vượt qua những chướng ngại này, để có được tuệ giác và hiểu biết.
Điều đó có nghĩa gì ở mức độ thực tế? Ở mức độ thực tế thì điều đó có nghĩa là: khi cố gắng thấu hiểu điều gì, ngay cả trong công việc mà mình không hiểu, thì hãy nghỉ ngơi. Chúng ta sẽ cố làm điều gì đó giúp cho người khác bằng cách này hay cách khác. Bằng cách đó, thường thì khi quay trở lại, tâm bạn sẽ tích cực hơn, thăng hoa hơn, và với ý thức về giá trị bản thân cao hơn, thay vì thất vọng, thường thì ta sẽ có thể hiểu rõ hơn một chút. Bất kể mình là ai thì cũng phải có một số hoạt động mà ta có thể tham gia để tạo lợi lạc cho người khác, dù là việc dành nhiều thời gian hơn cho con cái, đi thăm một người thân già nua bịnh tật, cô đơn, đại loại như vậy. Việc làm điều gì tích cực thì rất quan trọng. Mặc dù có nhiều pháp tu theo nghi lễ mà mình có thể thực hiện, nhưng việc thực hành thực tiễn trong đời sống thì mạnh mẽ hơn nhiều.
Phối Kiểm Tiến Triển Tu Tập
Hầu hết chúng ta không có thầy riêng để kiểm tra tiến triển của mình, nhưng các giáo huấn lojong hay luyện tâm luôn nói rằng mình là nhân chứng tốt nhất cho bản thân. Cần phải tự hỏi bản thân, liệu mình có thể tập trung tinh thần tốt hay không, hay tâm có bị sao lãng nhiều hay không, không ai khác có thể đánh giá điều này cho mình! Tất cả các giáo huấn và pháp tu chủ ý là giúp ta cải thiện cảm xúc của mình, để chuyển hóa bản thân. Vì vậy, ta là thẩm phán tốt nhất để xem liệu mình có còn sân hận hay không, hay đã bớt giận dữ, v.v...
Nguyên tắc mà mình phải nhớ là cuộc sống sẽ thăng trầm, nên tiến triển trong việc tu tập không bao giờ là một đường thẳng. Không bao giờ đơn giản là mỗi ngày sẽ tốt đẹp hơn. Sự việc sẽ thăng trầm, cho đến khi mình được giải thoát. Ngay cả khi đã tu tập một thời gian dài, và bình thường thì mình không nổi giận, nhưng đôi khi, mình vẫn giận dữ. Nhưng không có lý do gì để nản lòng. Một mặt, phải tu tập siêng năng để cải thiện bản thân, nhưng mặt khác thì không trừng phạt bản thân, hay thấy tội lỗi khi phạm phải sai lầm. Đức Dalai Lama nói rằng khi ước đoán tiến triển tu tập của mình thì nên xem xét khoảng thời gian năm năm, không chỉ một tuần. Nếu như nhìn vào cách mình xử lý sự việc năm năm trước, so với bây giờ thì ta có thể thấy rõ sự tiến bộ mà mình đã đạt được.
Tóm Tắt
Không cần có nơi nào đặc biệt để hành thiền, chỉ cần một chỗ tương đối yên tĩnh và sạch sẽ, nhưng ngay cả khi không có một nơi như vậy thì cũng ổn thôi. Một người bạn của tôi sống trong một căn hộ nhỏ bé với mẹ của cô ấy. Trên cơ bản thì chỉ có một phòng, trong đó có truyền hình và radio của mẹ cô, và bà sẽ buồn phiền nếu cô cố gắng hành thiền hay làm bất cứ điều gì tương tự như vậy. Cách duy nhất mà cô có thể làm là hành thiền trong cầu tiêu. Đó là nơi cô đã tu tập hàng ngày, và nó vẫn ổn. Bạn không cần nến hay nhang, hay bất cứ thứ gì như vậy, chúng chỉ là những “vật bên ngoài”. Điều quan trọng là mình đang làm gì với tâm mình, và thiền là tu tập một tâm thái nào đó, và đó là điều mà mình có thể thực hiện trong mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, một số tâm thái có thể dễ phát triển hơn khi mình đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt. Khi muốn phát triển tính kiên nhẫn, để thấy tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và không muốn bất hạnh thì có nơi nào tốt hơn để thực hành điều này như trên một chiếc xe buýt đông đúc, thay vì ngồi một mình trong phòng tưởng tượng ra mọi người?
Điều quan trọng đối với việc hành thiền là phải hành trì mỗi ngày, không bỏ sót ngày nào hết. Nếu bạn không quên đánh răng hay đi vệ sinh thì cũng không nên quên việc hành thiền. Chúng ta có thể biến nó thành một sinh hoạt ổn định trong đời sống, ngay cả khi chỉ hành thiền năm phút mỗi ngày. Bất kể mình là ai thì tất cả chúng ta đều có thể thức dậy sớm hơn năm phút vào buổi sáng, để đem nó vào thời khóa biểu của mình. Nó không cần phải là sự thử thách nào đó, thay vì vậy thì nó có thể gia tăng sự ổn định, bất kể ngày hôm đó sẽ bận rộn đến mức nào thì bạn luôn luôn có khoảng thời gian này cho bản thân, để có sự tiếp nối trong việc tu tập.