Bốn Tiền Đề Để Tư Duy Về Cái Chết Và Vô Thường

Chúng ta đã thấy thiền là một thành phần của quá trình gồm có ba giai đoạn, bao gồm việc lắng nghe giáo pháp (văn), tư duy về chúng(tư), rồi thiền quán về chúng (tu). Đúng ra thì thiền, như bước thứ ba này, là cách mình kết hợp giáo pháp vào đời sống, và điều này xảy ra nhờ việc lặp đi lặp lại. Nói một cách cơ bản là tạo dựng tâm thái tích cực mà mình muốn đạt được, nhờ việc lặp đi lặp lại nó, để nó trở thành một tập khí.

Chúng ta sẽ lắng nghe giáo huấn, và từ đó, có được trí tuệ, nên có thể phân biệt, “Đúng, đây là một lời dạy của Đức Phật” và chắc chắn về điều đó. Ta cũng thấy rằng mình liên hệ với giáo pháp một cách giả định; không nhất thiết phải hiểu tất cả giáo pháp, nhưng ít nhất vì có động lực và sự quan tâm, nên ta cho rằng những điều này là đúng, cho đến khi mình chứng minh được là nó không đúng. Nếu như thấy điều gì không đúng, thì mình có thể quên nó đi. Nhưng điều quan trọng là phải có sự cởi mở, để ít nhất cho rằng điều gì đó là đúng, và quyết định khảo sát xem nó có thật sự đúng hay không. Và cũng phải cho rằng nó ích lợi, giống như vitamin. Bạn sẽ không uống thuốc độc và nghĩ rằng, “Để tôi thử xem nó có thật sự giết chết mình hay không”, nhưng bạn sẽ làm như vậy với vitamin. Vì vậy, chúng ta cho rằng nó có ích lợi, bởi vì nhiều người nói rằng nó có ích, nên mình có thể thử xem nó ra sao.

Khi nghĩ về giáo pháp thì mình đang khảo sát chúng để đi đến sự kết thúc của một quá trình gọi là “trí tuệ phát sinh từ việc tư duy”. Đây là lúc ta hoàn toàn tin rằng mình hiểu giáo pháp, rằng những gì Đức Phật dạy là đúng, rằng đúng là nó có ích, và điều mình muốn đạt được thật sự có thể đạt được. Khi người ta bỏ qua các bước như trên, như nhiều người đã làm, thì sau một thời gian, họ sẽ có “sự chao đảo không quyết đoán”, nói cách khác là nghi ngờ, khi họ không chắc chắn rằng điều đó thật sự là khả dĩ, và rồi họ bỏ cuộc.

Giải Thoát Là Gì?

Khi đọc về giải thoát hay giác ngộ, và các phương tiện để thành tựu những điều này thì phải có sự hiểu biết đúng đắn, giải thoát thật sự có nghĩa là gì. Giác ngộ có nghĩa là gì? Và điều gì sẽ xảy ra sau đó? Giáo pháp nói rằng một vị Phật thì toàn tri, hoàn toàn thấu hiểu vạn pháp một cách đúng đắn và đồng thời. Một vị Phật cũng quan tâm đến mỗi chúng sinh một cách bình đẳng, và có thể tiếp xúc với mỗi một chúng sinh một cách hoàn hảo. Nên một vị Phật giúp đỡ tất cả chúng sinh bằng cách tốt nhất.

Điều này khả dĩ, hay chỉ là một chuyện thần tiên? Nếu như cho rằng nó thật vô lý, thì ta đang cố gắng đạt được điều gì đây? Nếu cho nó là chuyện thần tiên, thì rõ ràng chúng ta không tin là có thể đạt được điều đó. Phải xem xét các mục tiêu được thảo luận trong đạo Phật một cách nghiêm túc, và khảo sát động lực của mình.

Mục Tiêu Của Chúng Ta Là Gì?

Chữ “động lực”, có một ý nghĩa rất cụ thể trong đạo Phật. Chúng ta thường nói, “Hãy tái khẳng định, hay phát khởi động lực của mình”, điều này có hai phần. Một là mục tiêu, mục đích của mình, và hai là cảm xúc hoặc cảm giác đằng sau điều này, thúc đẩy mình đạt được mục tiêu ấy. Thường thì trong tiếng Anh, chữ động lực chủ yếu có ý nghĩa của phần thứ hai, là cảm xúc thúc đẩy mình làm một điều gì.

Tôi nghĩ đối với nhiều người tu tập giáo pháp nhà Phật, tức là “Pháp”, nếu như ta thành thật thì sẽ thấy rằng mục tiêu của mình thật ra chỉ là giúp cho đời sống này dễ dàng và hạnh phúc hơn một chút thôi. Vậy cũng ổn thôi, đó là điều mà tôi gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-Lite”), chứ không phải là “Pháp Thực Thụ” (“Real Thing Dharma”). Đó là bước thứ nhất. Điều thật sự là tu tập để có một tái sinh tốt hơn, nói một cách cơ bản là để tiếp tục có một kiếp người quý báu từ kiếp này sang kiếp khác. Nhưng nếu không tin vào tái sinh thì làm sao bạn có thể nhắm vào mục tiêu có một tái sinh tốt? Muốn hiểu được tái sinh thì phải hiểu thế nào là đầu thai trở lại, bản tánh của sự tương tục của tâm thức, bản tánh của tự ngã, v.v... Thật ra, việc nhắm vào một tái sinh tốt không phải chỉ đặc thù trong đạo Phật. Cơ Đốc giáo và các tôn giáo khác cũng nhắm đến điều này; trong trường hợp Cơ Đốc giáo thì đó là tái sinh lên thiên đàng.

Mục tiêu kế tiếp là để giải thoát khỏi luân hồi. Ấn Độ giáo cũng nhắm vào điều này. Vậy thì mình phải hiểu đạo Phật thật sự có ý gì khi nói đến sự giải thoát này, và phương tiện để đạt được nó là gì. Rồi thì đương nhiên, mục tiêu cuối cùng là nhắm đến trạng thái giác ngộ của một vị Phật, điều này chỉ có trong đạo Phật.

Từng Bước Một

Khi nhìn vào giáo huấn của nhà Phật, ta có thể thấy chúng nằm trong các giai đoạn. Một tuệ giác sẽ theo sau tuệ giác trước, và việc tôn trọng điều này rất là quan trọng, bởi vì nếu chỉ nói, “Tôi muốn trở thành một vị Phật để có thể phổ độ chúng sinh” mà không có cơ sở nào thì nó chỉ là lời vô nghĩa. Có phải chúng ta thật sự hướng đến giải thoát và đem lại giác ngộ cho mọi loài côn trùng trong vũ trụ? Có lẽ là không. Nó đòi hỏi một phạm vi tâm thức gần như không thể tưởng tượng được, để thực sự nhắm vào điều đó và thật sự có chủ ý như vậy, nên mình phải dần dần tạo dựng nó. Chúng ta sẽ thực hiện điều đó bằng cách khảo sát từng giáo huấn với điều mà tôi đã dịch là bốn tiền đề, bốn quan điểm để khảo sát điều gì, và sẽ bắt đầu với những điểm cơ bản nhất của giáo pháp.

Một ví dụ về việc sử dụng bốn tiền đề là, hãy tư duy và thiền quán về cái chết và vô thường. Tôi chọn điều này, có lẽ vì một lý do ích kỷ, bởi vì người bạn thân nhất của tôi vừa qua đời tuần trước. Dù sao thì bốn tiền đề là:

  • Tiền đề phụ thuộc – tâm trạng mà ta muốn phát khởi, đó là ý thức về cái chết, phụ thuộc vào điều gì?
  • Tiền đề công năng – nếu ta đạt được tâm trạng này thì nó sẽ làm gì, và những lợi ích hay bất lợi là gì?
  • Tiền đề lý luận -  khi ta khảo sát giáo huấn để xác định xem nó có đúng hay không, có phù hợp với phần còn lại trong giáo pháp của Đức Phật hay không? Nó có hợp lý không? Khi thử nghiệm nó thì liệu nó có tạo ra hiệu quả như đã được nêu ra hay không?
  • Tiền đề bản tánh – có phải cái chết là một ví dụ về bản tánh của các pháp? Tất cả mọi người có chết không?

Điều ta sẽ làm là lấy một giáo huấn nào đó, như cái chết, và phân tích nó từ quan điểm của bốn tiền đề này, dành một khoảng thời gian cần thiết cho điều này. Không có công thức nào nói rằng bạn phải dành mười phút cho việc này và hai mươi phút cho việc kia. Nhưng không nên đi quá nhanh thì tốt, vì thường thì những gì bạn tập trung vào sẽ không có ý nghĩa gì. Hãy để cho điều gì lắng xuống, và thật sự quán chiếu nó, vậy thì sẽ tốt.

Hiểu Biết Thấu Đáo

Trên cơ bản thì ta muốn vững tin là mình hiểu chủ đề này, khi không phải quay đi quay lại và tự hỏi sự việc là như thế nào. Đó là tại sao người Tây Tạng có phương pháp giáo dục bằng cách tranh luận, buộc ta phải đặt câu hỏi về sự hiểu biết của mình. Tất cả mọi người phải làm như vậy, bạn không thể lặng lẽ ngồi ở cuối lớp. Một người sẽ nói điều gì, và người đối tác phải chấp nhận hay bác bỏ nó. Vấn đề của việc này không phải là tìm ra câu trả lời đúng, mà là để có được sự xác quyết về sự hiểu biết của mình về một chủ đề. Đó là một phương pháp tuyệt vời, bởi vì người khác sẽ thách thức suy nghĩ của mình nhiều hơn là mình có thể tự thử thách nó. Có rất nhiều năng lượng trong các buổi tranh luận, khi mọi người thấy nó rất vui và cười rất nhiều, khi họ khiến cho người khác mâu thuẫn với quan điểm của chính mình. Nhưng tất cả đều được thực hiện với sự hài hước và mọi người đều thưởng thức nó.

Một lợi ích khác của cách học hỏi này là, bất kể bạn là ai thì đến một lúc nào đó, bạn sẽ tự mâu thuẫn và nói điều gì ngu ngốc, và điều đó sẽ tốt đối với việc làm xẹp bản ngã và lòng kiêu hãnh. Nó cũng khắc phục tính nhút nhát, vì chắc chắn là bạn không thể nhút nhát khi đứng trước đám đông để tranh luận.

Không nên bỏ qua cuộc tranh luận bằng cách nói rằng, “Ồ, đây là những thứ thuộc về trí thức; Tôi muốn có trực giác và chỉ hành thiền thôi.”. Việc tranh luận sẽ giúp bạn hành thiền, vì đó là toàn bộ mục tiêu. Sau khi tranh luận thì bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa, và có sự xác quyết về sự hiểu biết của mình, rồi thì bạn có thể hành thiền để kết hợp tuệ giác này với sự tự tin hoàn toàn. Nếu không thì thời thiền của bạn sẽ không được vững chắc lắm. Tất nhiên, bạn có thể không chính thức tranh luận với nhau ở đây, nhưng việc thảo luận về giáo pháp thì rất tuyệt, khi không có lòng tự hào hay kiêu hãnh, và không phòng thủ, nghĩ rằng người khác đang tấn công cá nhân mình.

Hai từ ngữ kỹ thuật khác trong nhà Phật là “tin rằng một sự thật là đúng”, và “niềm tin vững chắc”. Ta có thể tin rằng điều gì đúng là sai, nên phải cẩn thận trong việc khảo sát giáo pháp, để không đi đến kết luận rằng mình có sự hiểu biết đúng đắn, trong khi mình không có. Niềm tin vững chắc là khi mình rất vững tin, đến nỗi hoàn toàn không có gì có thể phá vỡ niềm tin ấy, đó là điều mà mình phải phát triển.

Tiếp Tục Tu Tập

Tất cả những điều này có thể trở nên méo mó thành sự bướng bỉnh và tâm hẹp hòi. Mình hiểu sai và bướng bỉnh đến nỗi không ai có thể sửa sai, điều này đôi khi được dịch là “tà kiến”. Chúng ta chấp chặt điều gì đó không đúng và quá bướng bỉnh đến nỗi tỏ ra thù hận và sẽ tấn công bất cứ người nào cố nói điều gì khác biệt với ý kiến của mình.

Phải cố hiểu mọi việc càng ngày càng sâu sắc hơn, cho đến khi mình thành Phật. Bởi vậy nên chúng ta luôn được khuyên bảo rằng, “Đừng bao giờ hài lòng với mức độ hiểu biết của mình, với thành tích của mình, bởi vì bạn luôn luôn có thể tiến sâu hơn, luôn đạt được thành tích cao hơn, cho đến khi bạn trở thành một vị Phật.”. Nên ngay cả khi có sự hiểu biết đúng đắn thì nó có thể không phải là sự hiểu biết sâu sắc nhất. Trijang Rinpoche, một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama, thường nói, “Tôi đã đọc Lam-rim chen-mo (Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ của Tông Khách Ba, một tác phẩm cơ bản và vĩ đại) một trăm lần, và mỗi lần đọc bộ luận này thì tôi lại có một sự hiểu biết khác biệt và sâu sắc hơn.”.  Đây là một ví dụ tốt, dù có sự hiểu biết đúng đắn lúc ban đầu, nhưng mình phải tiếp tục tiến sâu hơn và sâu hơn nữa.

Thiền Quán Về Cái Chết

Bây giờ, chúng ta có thể xem xét bốn điểm liên quan đến bài thiền quán về cái chết, nên có thể có một ví dụ về những gì nó đề cập đến, và cách áp dụng nó. Tất nhiên, chúng ta sẽ làm điều này chỉ sau khi đã thọ nhận giáo huấn về cái chết và thiền quán về cái chết. Khi xem xét cái chết thì có ba điều cơ bản mà mình phải quán chiếu:

  • Chết là điều chắc chắn.
  • Thời điểm của cái chết thì bất định.
  • Vào phút lâm chung, không có gì giúp ích cho mình, ngoại trừ giáo pháp.

Tất cả chúng ta đều sẽ chết. Không thể tránh khỏi cái chết, kể cả tôi, bạn, tất cả mọi người mà mình quen biết, và tất cả những người khác. Chúng ta cũng không biết khi nào thì cái chết sẽ đến, và khi ta chết, không có gì giúp được mình, ngoài những tập khí tích cực mà mình đã thiết lập và trở thành một phần trong dòng tâm thức của chúng ta.

Không thể tránh khỏi cái chết, nhưng điều này phụ thuộc vào điều gì (tiền đề của tính phụ thuộc)? Có thể phân tích điều này theo nhiều mức độ. Thứ nhất, cái chết phụ thuộc vào sự sống. Nếu không sống thì bạn không thể chết. Và mỗi ngày, chúng ta sẽ già đi, và cơ thể của chúng ta, lúc đầu thì khá mạnh mẽ, sẽ trở nên yếu đuối. Vì vậy, cái chết cũng phụ thuộc vào một cơ thể có thể bị bệnh, bị xe đụng, và vân vân.

Tại Sao Phải Nghĩ Về Cái Chết?

Ở một mức độ sâu hơn, liên quan đến tiền đề phụ thuộc này, điều mình cần phải hiểu trước khi thiền quán về chết là cuộc sống tuyệt vời, quý giá của con người mà mình có được. Việc ý thức về cái chết là để thúc đẩy mình tận dụng kiếp người quý báu trong hiện tại. Nếu không đánh giá cao đời sống của mình, và cơ hội để cải thiện bản thân thì ta sẽ không thật sự suy nghĩ quá nhiều về việc mất đi mạng sống, bởi vì hầu hết mọi người không đánh giá cao về việc,  “Mình đang sống còn, và có thể sử dụng thân tâm để hoàn thành điều gì có tính xây dựng“, nên đã lãng phí đời sống của họ. Vì vậy, ý thức về cái chết thật sự phụ thuộc vào ý thức về sự sống.

Ta nhận ra là mình có kiếp người quý báu này, và đã thoát khỏi những tình huống tồi tệ hơn, có thể ngăn chận khả năng tận dụng lợi thế của sự sống. Ta đã không sinh ra như một con gián mà bất cứ ai nhìn thấy là chỉ muốn dẫm lên. Ta đã không sinh ra như một con cá nhỏ, bị một con cá lớn hơn nuốt sống. Ta đã không sinh ra như một con ruồi. Hãy suy nghĩ về điều đó. Liệu mình có thể làm gì hay hoàn thành được điều gì hay không, nếu mình được sinh ra như một con ruồi? Không nhiều lắm, chúng ta sẽ dành cả đời để bị lôi cuốn vào phân và rác!

Thế thì mục đích của việc ý thức về cái chết (tiền đề công năng) là không chỉ để buồn rầu, “Ồ, thật là kinh khủng! Chắc chắn mình sẽ chết!”. Đó không phải là vấn đề. Công năng của điều này là khiến cho ta muốn tận dụng thời gian quý giá mà mình hiện đang có, bởi vì mình thật sự không biết khi nào thì nó sẽ kết thúc. Giống như bạn tôi tuần trước là người hoàn toàn khỏe mạnh và không quá già nua. Anh ấy không hút thuốc hay uống rượu, không bị huyết áp cao, tập thể dục rất nhiều, là một thiền giả và hành giả tu tập miên mật. Vào một buổi sáng trong tuần trước, anh ấy đi tắm rồi lên cơn đau tim và chết. Chỉ vậy thôi.

Không có gì chắc chắn về việc khi nào thì mình sẽ mất đi kiếp sống quý giá này, và cái chết thường đến một cách khá bất ngờ. Bạn không cần phải lớn tuổi, không cần phải đau ốm thì mới chết. Thế thì mục đích chính của việc ý thức về cái chết là để khắc phục sự lười biếng và chần chừ, luôn luôn trì hoãn mọi việc cho đến ngày mai. Bạn tôi, Alan, người đã chết, là một ví dụ điển hình. Mẹ anh rất già và không được khỏe, và anh rất muốn giúp đỡ bà về mặt sức khỏe và tài chánh, nên anh luôn luôn đến thăm mẹ vào mỗi cuối tuần, để chăm sóc cho bà, như đi mua sắm và vân vân. Anh luôn nói rằng khi nào mẹ anh qua đời thì anh sẽ nghỉ việc, và trước hết là thực hiện một khóa tu Kim Cang Tát Đỏa một năm để tịnh hóa, và sau đó sẽ thực hiện những khóa nhập thất dài hạn hơn. Đó là ý định của anh.

Như tôi đã nói, anh ấy là một hành giả tu tập rất miên mật, nhưng không bao giờ nhập thất, vì anh ấy muốn có mặt để giúp đỡ và chu cấp cho mẹ của mình, nên phải đi làm. Liệu anh có nên tiếp tục đi làm để giúp cho mẹ, hay nên nhập thất trong khi còn có cơ hội, và để người khác chăm sóc cho mẹ của mình? Giáo pháp sẽ hướng dẫn mình làm gì? Những lời khai thị về cái chết sẽ thúc dục mình làm gì? Việc suy nghĩ mình sẽ làm gì trong tình huống đó là một điều tốt.

Một ý kiến là rút ngắn khóa nhập thất và giúp mẹ của mình cùng một lúc. Nhập thất không nhất thiết phải là một hoạt động toàn thời. Ta có thể hành trì một thời khóa buổi sáng, một thời khóa buổi tối, và làm bất cứ điều gì mình cần phải làm trong ngày. Nhập thất thì tốt, nhưng giáo pháp luôn nói rằng điều quan trọng là phải đền đáp lòng tốt của tất cả chúng sinh, đặc biệt là mẹ của mình, người đã ban cho mình sự sống. Khi chăm sóc cha mẹ, đặc biệt khi không oán hận rằng, “Ước gì họ đã chết, vì tôi ghét công việc của mình và muốn về hưu”, thì bạn sẽ tạo ra một tiềm năng tích cực thật to lớn. Nếu không cần phải lo lắng cho cha mẹ thì tất nhiên, bạn nên tận dụng cuộc sống của mình một cách tối đa.

Các lạt ma Tây Tạng thường không xem trọng các đệ tử Tây phương cho lắm, bởi vì nhiều người trong chúng ta không thật sự có lòng cống hiến và dấn thân vì giáo pháp, và không xem trọng giá trị của Pháp, điều mà nhiều người Tây Tạng có được.
Người Tây phương thường khá thoải mái với thái độ của họ, và nghĩ rằng, “Hôm nay tôi thấy mệt, nên lần sau sẽ đến dự buổi thuyết pháp đó.”. Nhưng nếu thật sự nghiêm chỉnh, và có ý thức về cái chết và kiếp người quý báu mà mình có được, thì nó sẽ khiến ta đi dự các buổi thuyết pháp mỗi ngày, khi có thuyết pháp, bất kể mình cảm thấy thế nào.

Cái Chết Sắp Đến, Nên Hãy Thư Giãn!

Cuộc sống quý giá của mình sẽ kết thúc, nhưng không biết là lúc nào. Chúng ta có thể chết trong khi tắm vì đau tim; chúng ta có thể bị xe buýt đụng. Và chúng ta không muốn lãng phí đời sống của mình. Ý thức về cái chết sẽ giúp ta khắc phục sự lười biếng, và tận dụng tối đa tất cả những cơ hội mà mình có được. Nhưng điều quan trọng là không bị căng thẳng và bồn chồn khi làm như vậy. Thường thì chúng ta rất bồn chồn và căng thẳng vì những điều không quan trọng, tầm thường, nên cũng cứng nhắc đối với Pháp. Cần phải chân thành đối với việc tu tập, nhưng phải làm một cách thoải mái. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lười biếng. Khi đã tạo ra những tập khí tích cực, thì vào lúc chết, bạn sẽ không có vấn đề gì, vì bạn biết những tập khí đó sẽ giúp bạn.

Chết Là Kết Luận Hợp Lý Của Sự Sống

Rồi thì chúng ta sẽ thiết lập bằng lý luận, liệu các giáo huấn có phù hợp với những gì Đức Phật đã dạy hay không (tiền đề lý luận). Để làm điều này, thường thì mình phải thọ nhận khá nhiều giáo pháp, hay đọc rất nhiều sách Phật để biết. Nhiều giáo pháp trong đạo Phật nói về vô thường, nên nó phù hợp với điều Đức Phật đã dạy.

Nó có hợp lý không? Có chứ, mỗi ngày, chúng ta sẽ đến gần cái chết hơn. Đến một lúc nào đó thì chương trình sẽ kết thúc. Chắc chắn là cái chết sẽ đến, bởi vì không có tình huống nào có thể đưa nó đi chỗ khác, khi nó đến với mình. Thọ mạng của chúng ta không thể kéo dài, và phần còn lại của đời mình sẽ giảm thiểu từng ngày, từng phút, từng giây. Việc thật sự tiếp thu điều này về mặt cảm xúc là một điều hoàn toàn sâu sắc, khi ta có thể làm điều đó một cách hoàn toàn không bối rối, mà có thể thoải mái với nó, trong khi vẫn xem vấn đề một cách nghiêm túc. Ngay cả khi không có thời gian để tu tập Pháp lúc còn sống thì mình vẫn phải chết. Tất cả những ai đã từng sống, đều đã chết.

Kết Quả Lợi Lạc

Còn kết quả thì ra sao? Nếu thật sự tin rằng cái chết sắp đến, và chúng ta có được kiếp người quý giá này, thì kết quả là nó sẽ làm giảm bớt tâm lười biếng, khiến ta tận dụng mọi cơ hội mà mình có được. Từ kinh nghiệm của mình, ta có thể thấy rằng điều này có ích.

Tiền đề thứ tư, liên quan đến bản tánh của vạn pháp thì đúng là bản tánh của tất cả những gì sống thì sẽ chết. Đây là cách sự việc diễn ra, đây là thực tại, và mình không thể làm gì cả, ngoại trừ chấp nhận sự thật này.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể thấy cách làm thế nào để sử dụng bốn tiền đề này, liên hệ đến kinh nghiệm của chính mình, để phân tích giáo pháp. Đây là một quá trình luôn tiếp diễn, vì phải mất rất nhiều công phu để vững tin 100%, và thể nhập nó vào đời sống. Về mặt trí thức thì rất dễ tin, nhưng rất khó để vững tin về mặt cảm xúc. Tâm và thân cũng khác nhau, chẳng hạn như về cái chết của bạn tôi, về mặt tinh thần và cảm xúc thì tôi cảm thấy khá an lạc, nhưng về mặt cơ thể thì tôi cảm thấy rất mệt mỏi.

Thế thì có một nỗi buồn ở mức độ thể chất, vì khó mà cảm nhận được ở mức độ thân thể, rằng “tất cả mọi người đều sẽ chết”. Và thỉnh thoảng, nỗi buồn sẽ phát sinh ở mức độ tinh thần, bởi vì đó là điều tự nhiên. Chúng ta không phải là Phật; cũng không phải là những bậc đã giải thoát. Chúng ta chưa thoát khỏi mọi phiền não hay khổ đau, nhưng đó là điều mà mình hướng đến.

Video: Khandro Rinpoche — “Tầm Quan Trọng Của Việc Suy Niệm Về Cái Chết”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tóm Tắt

Một khi thật sự hiểu giải thoát và giác ngộ là gì thì ta có thể thiết lập mục tiêu. Khi đã biết mình muốn gì thì ta có thể vạch ra những bước để đến đích. Bốn tiền đề rất hữu ích đối với việc giúp ta biết chắc mình đang làm gì.

Khi thiền quán về cái chết, và thật sự hiểu rằng tất cả chúng ta đều sẽ chết, nhưng không biết khi nào mình sẽ chết, thì ta sẽ đối phó với những điều thật sự hệ trọng. Việc ý thức về cái chết sẽ mang lại một sự thay đổi lớn lao, khiến cho ta không thể thua cuộc vì tâm lười biếng hay trầm cảm.

Top