Pháp Luyện Tâm Cho Phạm Vi Sơ Căn

Kệ số 1 - 7

Tận Dụng Lợi Thế Của Một Thánh Địa

Như tôi đã giải thích ngày hôm qua, chúng ta đang ở một nơi đặc biệt, nơi mà Đức Phật đã biểu hiện việc giác ngộ, và có nhiều bậc giác ngộ đã sống ở đây. Ví dụ như ngài Long Thọ và hai trưởng tử tâm linh của ngài, cũng như nhiều người Tây Tạng đã sống ở Bồ Đề Đạo Tràng. Chẳng hạn như Sanggye Yeshe từ Kham đã đến đây từ lâu, và trở thành Hòa Thượng trụ trì tu viện ở Bồ Đề Đạo Tràng. Nhiều người khác cũng đến từ tất cả các vùng đất khác nhau, và đã có được nhiều tuệ giác, nhờ nguồn cảm hứng của nơi này. Đây là một đặc tính đặc biệt của thánh địa này. Vì vậy, cũng ở đây, nếu chúng ta có một động lực mạnh mẽ, đúng đắn, và nếu mình chí thành cầu nguyện, thì với sự hoan hỷ tinh tấn và tu hành đúng đắn, cũng có thể tích tập công đức.

Đặc biệt đối với những người đến từ Tây Tạng, dù điều kiện ở Tây Tạng rất khó khăn, nhưng quý vị phải tận dụng tối đa việc ở một thánh địa như vậy hiện nay, để có được sức mạnh tu tập. Tất cả chúng tôi ở đây rất là may mắn. Vào thời điểm như thế này, với những vọng tưởng lan tràn như vậy trên thế giới, có rất nhiều dục vọng và thù hận thì việc có cơ hội để noi theo giáo huấn của Đức Phật về lòng từ bi và vân vân, là vô cùng quý giá. Tuy có rất nhiều sự trù phú trên thế giới, nhưng tiền bạc không thể mua được tự do, để mình thoát khỏi cái chết, tuổi già và những vấn đề cơ bản khác. Vì nỗi khổ bắt nguồn từ tâm thức, nên hoàn cảnh bên ngoài, chẳng hạn như giàu có, không thể loại bỏ nỗi khổ tinh thần. Do đó, điều rất quan trọng là noi theo các phương tiện tâm linh và tất cả các truyền thống khác nhau, thật là tuyệt vời khi quý vị quan tâm đến đạo Phật.

Hãy nhìn vào nhiều người Tây phương đang ở đây trong đại chúng. Họ đã đến đây vì lòng quan tâm chân thành đối với đạo Phật. Họ hành thiền, tụng kinh cầu nguyện, tu tập và hiểu biết khá nhiều. Họ quan tâm đến đạo Phật vì họ đã nghĩ về nó bằng lý lẽ và lý luận. Để chấp nhận giáo pháp nhà Phật thì trước hết, họ đã phân tích nó. Nhìn vào gương của họ, chúng ta có thể thấy rằng đây là một cơ hội rất quý giá và quan trọng để có mặt ở một nơi linh thiêng như thế này, tức Bồ Đề Đạo Tràng. Ở đây, chúng ta sẽ có chánh niệm về tất cả các hành vi, công hạnh và phẩm chất vĩ đại của các bậc giác ngộ. Vì ở một nơi rất thuận lợi cho hành vi và tư tưởng thiện lành là điều thật sự khá hiếm hoi, nên mình phải cố gắng tích lũy càng nhiều công đức ở đây càng tốt. Càng tạo tác nhiều thiện nghiệp ở đây thì  công đức mà mình tích tập được càng to lớn hơn, thậm chí nhiều hơn những nơi khác, đơn giản chỉ vì chúng ta đang có mặt ở địa điểm đặc biệt này. Quý vị hiểu không?

Lời Khuyên Thiết Thực Cho Du Khách Từ Tây Tạng

Trong khi quý vị ở đây, tuy việc buôn bán hàng hóa không bị cấm đoán, nhưng quý vị cần phải trung thực. Mặc dù quý vị có thể có được lợi nhuận từ việc buôn bán, nhưng đừng tham lam hay gian dối. Hơn nữa, khi quý vị đi nhiễu thì đừng nói chuyện nhảm nhí hay mơ mộng, mà hãy lưu tâm và tôn trọng. Đừng liệng giấy khắp nơi trên mặt đất và đi vệ sinh khắp nơi. Tôi biết rằng nếu như xếp hàng để sử dụng nhà vệ sinh thì quý vị có thể phải chờ đợi hàng giờ, nên quý vị phải đi nơi khác, nhưng hãy giữ sạch sẽ càng nhiều càng tốt. Tây Tạng là một xứ lạnh, trong khi ở đây, ở Ấn Độ thì độ cao thấp hơn, nên điều kiện khí hậu sẽ khác biệt. Vì vậy, đừng làm bẩn mọi nơi. Hãy cẩn thận và có trách nhiệm.

Ngoài ra thì lễ lạy rất tốt, một là gập người, hai là duỗi thẳng, nhưng hãy lạy cho đúng. Hãy để tay bằng phẳng trên mặt đất và lòng bàn tay úp xuống. Hãy cúng dường nến, làm những việc như thế. Điều này rất tốt; rất xuất sắc. Hãy cầu nguyện, hành thiền, ngay cả khi không có định tâm nhất điểm, nhưng điều đó sẽ tạo ra những bản năng rất tốt. Điều quan trọng nhất là phải có động lực thanh tịnh. Do đó, phải quán sát tâm thức và động lực cho tất cả những điều mình làm. Điều này rất quan trọng. Phải cố gắng giảm thiểu mãnh lực phiền não của mình càng nhiều càng tốt.

Điều tốt nhất là có thái độ xem người khác quan trọng hơn mình, và bản thân mình thì không quan trọng. Đây là tinh túy của Đại thừa. Có một tấm lòng nhân từ và nồng hậu. Hãy hành động một cách tích cực và có lòng tử tế, nồng hậu và thương yêu là những điểm thật sự. Nếu ta dấn thân vào hành vi giáo pháp bên ngoài vì lòng kiêu hãnh, cạnh tranh hay đố kỵ thì chỉ tạo ra ác nghiệp. Do đó, những gì mình làm và tại sao chúng ta làm điều đó là vấn đề quan trọng và cốt yếu. Phải luôn luôn quán sát và sửa chữa động lực của mình.

Phát Khởi Động Lực

Trong khi có mặt ở một nơi linh thiêng và đặc biệt như thế này thì nên cố gắng có động lực giác ngộ càng nhiều càng tốt. Hãy chánh niệm về gương Đức Phật phát bồ đề tâm, và phải cố gắng hết sức để noi theo gương Ngài. Nếu chúng ta có tấm lòng nhân hậu và động lực cao cả ở một nơi như thế này thì sẽ rất lợi lạc. Quý vị hiểu không?

Như tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior) có nói, hãy cố không bao giờ sân hận. Như bản văn này đã giải thích, không có điều gì phá hủy công đức bằng sân hận, nên hãy cố gắng không bao giờ mất bình tĩnh hay tức giận với ai. Cố gắng điều phục và kỷ luật tâm mình, để không thô lỗ hay hung dữ. Thay vì ganh tỵ với hành động và thành tích của người khác thì hãy tùy hỷ với công đức của tất cả mọi người ở đây. Hãy tụng Thất Chi Nguyện và tư duy về tất cả những điểm này. Hãy cố tích tập càng nhiều công đức càng tốt. Quý vị hiểu không? Và nếu chúng ta có thể cùng nhau tích tập một chút công đức ở đây, thì điều đó sẽ giúp cho đời sống của mình tốt hơn nhiều, đúng không?

Vậy thì bây giờ, hãy phát khởi động lực bồ đề tâm để lắng nghe giáo huấn này. Đó là 37 Pháp Hành Bồ Tát của Togme Zangpo, được chia ra ba phần: mở đầu, bàn luận và kết thúc. Phần bàn luận được chia ra thành ba cấp độ động lực, như đã được giải thích trong Lam-rim, “Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ”. Đầu tiên là động lực phạm vi sơ căn.

Kiếp Người Quý Báu

(1) Pháp tu Bồ tát là khi có được tái sinh làm người với tự do và thuận lợi khó tìm trong thời điểm này, hãy chuyên cần văn, tư, tu ngày đêm, để giải thoát tự thân và tha nhân khỏi biển luân hồi.

Pháp là một hệ thống của các phương tiện giúp cho tâm thức không an lạc và bất kham được an lạc và điều phục. Tất cả chúng ta đều bình đẳng đối với việc muốn được hạnh phúc và không muốn khổ, và Pháp là điều mang lại điều này, nhưng người ta không biết cách thực hành nó. Nếu như nhìn vào cơ thể con người thì tuy mình có thể chỉ nghĩ về nó theo phạm trù hay dòng dõi của cha mẹ mình, nhưng nếu như quán chiếu một cách sâu sắc hơn thì ta sẽ thấy nó thuộc về loại có tự do và thuận lợi. Tự do có nghĩa là đặc quyền hay tự do để tu tập Pháp, và hãy nhìn vào chúng ta ở đây. Chúng ta có tự do để đến đây và tu tập Pháp, không phải hay sao? Chúng ta không bị điếc, chúng ta không thiếu các căn, khiến cho mình không nghe thuyết pháp được và vân vân. Chúng ta có tất cả những điều kiện thuận lợi cho việc tu tập, và bất cứ điều gì bất lợi đều không có mặt ở đây. Trên thực tế thì chúng ta có tám tự do và mười thuận lợi.

Nhiều người trên thế giới sanh ra làm người, nhưng ít ai có được độc lập và tự do để tu tập Pháp. Chúng tôi rất may mắn nên mới có một cơ hội hiếm hoi như vậy. Ngoài ra, có những vị thầy tâm linh tại thế, noi gương Đức Phật và tiếp nối công hạnh của Ngài. Những tác động lợi lạc mà chúng ta đang có hiện nay là kết quả từ những nhân duyên tương tự với chúng trong quá khứ. Nói cách khác là sự may mắn hiện giờ của chúng ta phải xuất phát từ những nhân duyên thiện lành mà mình đã tạo tác trước đây. Do đó, để có được cơ hội và nền tảng để tu tập như vậy một lần nữa trong tương lai thì bây giờ, mình phải tích tập nhân lành cho việc này.

Nếu chúng ta hành động mà không có tham ái, hận thù hay si mê, thì sẽ không khó để tích tập nhân lành cho một kiếp người quý báu trong tương lai. Nhưng trên thực tế, vì ít khi hành động như vậy, nên mình phải tận dụng càng nhiều cơ hội trong hiện tại càng tốt. Đừng bao giờ nản lòng hay cảm thấy thiếu thốn. Hãy cố gắng hành động càng tích cực càng tốt.

Một tâm thức tích cực hay được điều phục không phải là thứ gì mà mình có thể mua ở một cửa hàng, trồng trọt ở ngoài đồng, hay có được ở ngân hàng. Nó xuất phát từ việc tu tập để điều phục tâm mình. Chúng ta phải tu tập để có được kinh nghiệm hành thiền và chứng ngộ vững vàng. Vì vậy, phải noi theo những tấm gương của các bậc thầy vĩ đại trong quá khứ.

Ở Tây Tạng, đầu tiên là có các Lạt ma Nyingma vĩ đại; sau đó thì có A Đề Sa (Atisha) và dòng truyền thừa Kadam, các Lạt ma Sakya, và Marpa, Milarepa và Gampopa của dòng truyền thừa Kagyu, v.v... Tất cả các vị đều trải qua những khó khăn lớn, và đã giác ngộ bằng cách nỗ lực tu tập hết mình. Tùy theo mình có noi theo gương của các ngài hay không. Chúng ta phải quán sát tự thân và đặt câu hỏi, “Tôi đã có tiến triển gì trong năm năm qua, mười năm qua, mười lăm năm qua trong việc điều phục tâm mình không?” Nếu như quý vị thấy mình có cải thiện chút ít thì điều này có thể khuyến khích chúng ta. Đừng tự hào hay biểu lộ bất cứ điều gì tương tự, nhưng nếu nhận ra trong năm hay mười năm qua mà mình có thể tiến bộ một chút, thì ta sẽ không nản lòng trong khoảng thời gian ngắn.

Hành trì thật sự là văn, tư, tu về giáo pháp. Tuy nhiên, khi nghe thuyết pháp hay nghiên cứu giáo pháp thì nên luôn luôn xem xét thái độ của mình đối với Pháp là gì. Bất cứ điều gì mình nghe được thì nên hành trì nó ngay lập tức. Ba yếu tố lắng nghe, tư duy và thiền quán (văn, tư, tu) không bao giờ nên tách rời nhau, hay thiếu bất cứ yếu tố nào.

Hoàn Cảnh Thuận Lợi Nhất Để Sử Dụng Kiếp Người Quý Báu

(2) Pháp tu Bồ tát là rời bỏ quê hương, nơi mà tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước; tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa cháy; và bóng đêm si mê bao phủ, khiến ta quên hết những điều nên làm, những điều nên bỏ.

Tốt nhất là rời bỏ quê hương. Nhưng ngay cả khi không thể, hoặc không làm như vậy, thì cũng không nên vì vậy mà sinh tâm quyến luyến hay sân hận. Đừng nghĩ rằng, “Đây là đất nước của tôi, gia đình tôi”, như thể có một quốc gia có thể được tìm ra, có tự tánh mà ta có thể có chấp thủ, hoặc có thể căm thù kẻ thù của xứ sở. Tâm quyến luyến và  sân hận sẽ đưa đến hành vi tiêu cực, tạo ra nhiều ác nghiệp và đau khổ. Hai thứ gây rối này là những yếu tố hàng đầu trong số tất cả những phiền não của mình, và cả hai đều xuất phát từ vô minh.

Ngay cả khi chúng ta rời khỏi đất nước của mình và đến một quốc gia khác, có bạn bè mới, rồi sinh tâm chấp thủ và sân hận ở đó thì sẽ không xong. Điều này không tốt. Điều chủ yếu là đoạn trừ tâm chấp thủ và sân hận, thay thế chúng bằng một thái độ mong muốn cho tha nhân được lợi lạc. Nếu có những người mà mình thấy hấp dẫn và gắn bó với họ thì chỉ cần cách cư xử của họ thay đổi chút ít là mình sẽ ghét họ ngay. Nhưng nếu như thay vì vậy thì mình lại có một thái độ từ bi để giúp đỡ những người này, thì ngay cả khi họ cư xử tồi tệ, mình vẫn sẽ mong cho họ hạnh phúc. Vì vậy, cần phải thay thế tâm luyến ái của mình bằng một thái độ mong muốn tha nhân được lợi lạc.

Hầu hết chúng ta ở đây đã rời khỏi quê hương của mình, nhưng không có gì tuyệt vời hay phi thường về điều đó, nếu như ta vẫn còn có tâm tham ái và sân hận. Cần phải đoạn trừ chúng.

(3) Pháp tu Bồ tát là nương tựa nơi ẩn dật. Nhờ lánh xa đối tượng bất thiện, phiền não sẽ dần giảm thiểu; nhờ không phóng dật, đức hạnh sẽ tự nhiên tăng trưởng; nhờ tu tập cho ý thức sáng suốt, tâm xác tín về giáo pháp sẽ phát sinh.

Nếu lánh xa những người làm phiền mình, và đầu óc không lo lắng công việc bận rộn, thì ta sẽ tự động tham gia các hoạt động tích cực dễ dàng hơn. Do đó, điều hữu ích nhất là sống nơi ẩn dật và yên tĩnh. Nhưng để có thể đơn độc hành thiền thì phải nỗ lực lắng nghe và tư duy về giáo pháp, mà không có chút tham ái hay sân hận nào.

Thế thì ta đã có được kiếp người quý báu, và bây giờ, phải sử dụng nó một cách đúng đắn, để không mất đi cơ hội này, bởi vì nó vô thường. Sau đó, phải ngoảnh mặt với mối bận tâm về kiếp sống này, như đã nói trong Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ. Nếu như mình chú trọng vào những kiếp tương lai thì mọi việc trong kiếp này cũng sẽ diễn ra một cách tốt đẹp. Nhưng nếu mình chỉ chú trọng vào kiếp này, thì nó sẽ không giúp ích gì cho những kiếp tương lai. Do đó, mình phải đi từ việc chỉ lo lắng về những vấn đề trong kiếp sống này, và tu tập để cải thiện những kiếp tương lai. Để thực hiện điều này thì phải tư duy về lẽ vô thường.

Vô Thường

(4) Pháp tu Bồ tát là hoàn toàn buông bỏ lo âu về kiếp sống này, vì thân bằng quyến thuộc lâu năm phải chia tay; tài sản gom góp bằng công sức phải bỏ lại; và tâm thức, là khách trọ trong căn nhà thân xác, sẽ phải ra đi.

Nếu như nhìn vào lịch sử thế giới thì không có ai trong ba cõi luân hồi mà có thể sống muôn đời. Hãy nhìn vào những nơi chốn vĩ đại trong quá khứ như Nalanda, nơi mà A Đề Sa vĩ đại và những hành giả khác đã sinh sống, đã phát triển hưng thịnh ra sao. Bây giờ thì những nơi đó chỉ còn lại tàn tích. Điều này giúp cho ta thấy sự vô thường. Hãy xem phong tục và vân vân của Tây Tạng trong quá khứ. Những hoàn cảnh này đã là quá khứ; chúng vô thường và đã chấm dứt. Một trăm năm sau thì chắc chắn là không ai trong chúng ta ở đây còn sống. Dòng tâm thức của tánh giác và quang minh đơn thuần sẽ tiếp tục; sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau thì chắc chắn. Nhưng những gì mình hiện đang trải nghiệm sẽ không tiếp tục - sự giàu có, thịnh vượng của chúng ta, tất cả những điều này xuất phát từ những nhân duyên trong những kiếp trước. Dù mình gần gũi với người khác, gia đình vân vân như thế nào thì tất cả chúng ta sẽ phải chia tay và đi theo con đường riêng của mình. Những người đã tích tập công đức sẽ trải nghiệm hạnh phúc; những người không làm như vậy thì sẽ không nếm trải hạnh phúc. Tính tương tục của “cái tôi” đơn thuần được định danh trên năng lượng và ý thức vi tế thì chắc chắn sẽ tiếp nối, nên chúng ta sẽ trải nghiệm thành quả của những hành vi mà mình tạo tác hiện nay. Do đó, hiện nay, những gì mình đang làm rất là quan trọng.

Khi mình chết thì tất cả chúng ta đều phải ra đi một mình. Ngay cả Đức Dalai Lama, khi chết thì ngài cũng phải ra đi một mình. Khi Mao Trạch Đông qua đời thì ông đã chết một mình. Vợ ông, Jiang Qing, đã không đi cùng với ông, và quần chúng cũng không tháp tùng với ông. Tất cả danh tiếng của ông lúc sanh tiền không giúp ích cho ông chút nào cả. Chúng ta có thể thấy những gì đã xảy ra sau đó. Ngay cả một người vĩ đại như Mahatma Gandhi cũng ra đi một mình. Ông phải bỏ lại nhân viên, đôi dép và cặp kính tròn bằng kẽm của mình. Chúng ta có thể nhìn thấy những món này trong đài tưởng niệm của ông; ông không mang theo gì cả. Tài sản và những vật ngoại thân, bạn bè, người thân, không giúp ích được gì, thậm chí cả thân thể mà ta đã thọ nhận từ cha mẹ. Như Gungtang Rinpoche đã giải thích, tất cả chúng ta phải ra đi một mình.

Hãy xem người Tây Tạng chúng ta, hãy nhìn vào chính mình. Ngay cả khi ở trong thời kỳ khó khăn như vậy thì chúng ta vẫn là con người, và khi chết đi thì không có gì chắc chắn là mình sẽ tái sinh làm người nữa. Nếu như không đạt được một vài sự tiến triển hiện nay, trong khi còn là người, thì ta có thể làm gì sau này trong một kiếp khác, khi không phải là người? Hiện giờ, tất nhiên là chúng ta phải ăn. Ngoại trừ những bậc vĩ đại nhập đại định ra thì tất cả chúng ta đều phải ăn những bữa ăn chắc bụng. Thế thì hiển nhiên là phải trồng thực phẩm và làm việc cho cuộc sống này. Nhưng không cần phải bị ám ảnh hoàn toàn về việc này. Cần phải dành khoảng 30% thời gian cho kiếp này và 70% cho tương lai, hoặc tốt hơn là 50/50. Điểm chính là không hoàn toàn dấn thân vào chỉ cho kiếp này.

Tầm Quan Trọng Của Việc Kết Giao Với Thiện Tri Thức

(5) Pháp tu Bồ tát là từ bỏ bạn xấu, vì khi giao hảo với họ thì tam độc sẽ gia tăng; thực hành văn, tư, tu sẽ giảm thiểu; và lòng từ bi sẽ bị hoại diệt. 

Hầu hết là phải nghĩ về những kiếp tương lai, và để làm như vậy thì mình cần những người bạn tốt. Họ rất quan trọng, vì sẽ ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Ngay cả khi mình nghe thuyết pháp và suy nghĩ về giáo pháp khá ít ỏi, nhưng những tấm gương của thiện tri thức có thể ảnh hưởng đến mình, để mình tu tập nhiều hơn.

Thế thì điều quan trọng là có những người bạn có cùng thiên hướng. Tại sao? Bởi vì như vần kệ có nói, việc giao hảo với bạn xấu hay những người đi lầm đường có thể làm hại mình, nên ta phải lánh xa họ, nhưng tất nhiên, nó có nghĩa là mình vẫn có tình thương đối với họ, mong họ được hạnh phúc; chỉ cần tránh xa ảnh hưởng tiêu cực của họ thôi.

(6) Pháp tu Bồ tát là trân quý chư thiện tri thức hơn cả thân mình. Nhờ phó thác bản thân mà lỗi lầm sẽ được tiêu trừ, đức hạnh sẽ tăng trưởng như trăng tròn dần.

Nếu như chúng ta có những người bạn tốt, và kề cận bậc thầy hay chư bổn sư, thì những người này sẽ ảnh hưởng mình một cách tốt nhất. Đương nhiên là cần có một đạo sư thích hợp với mình, nhưng ngay cả khi một người như vậy sẽ làm ta hài lòng, thì người đó cũng cần phải hội đủ các phẩm chất cao quý. Người Tây Tạng chúng ta có các vị tulku hay lạt ma hóa thân lừng danh, nhưng họ phải hội đủ phẩm chất cao quý, nếu không thì cũng vô nghĩa. Do đó, nên để danh xưng tulku của người đó sang một bên, và tìm hiểu trình độ của họ. Nếu như người này hội đủ các phẩm chất cao quý, thì mới là một đạo sư hay lạt ma.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều vị tulku không phải là lạt ma. Họ không có bằng cấp, dù họ có thể có bất động sản rất lớn và rất nhiều của cải. Tuy nhiên tiền bạc, tên tuổi và danh tiếng không làm cho người ta trở thành một lạt ma. Do đó, cần phải kiểm tra trình độ, sở học của họ và v.v... Việc xem xét cẩn thận như vậy vô cùng quan trọng. Đức Phật đã nhấn mạnh điều đó, và ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cũng thế.

Mối quan hệ lành mạnh giữa thầy và đệ tử thì vô cùng quan trọng. Nếu như vị thầy hội đủ các phẩm hạnh cao quý, thì ta có thể hoàn toàn phó thác bản thân cho thầy, và làm bất cứ điều gì thầy dạy, như trường hợp của Naropa và Tilopa. Nếu như Tilopa bảo Naropa nhảy, thì Naropa sẽ làm như vậy mà không hề do dự. Nhưng nếu thầy của mình không có trình độ như Tilopa, thì không nên làm bất cứ điều gì thầy bảo. Chúng ta sẽ không nhảy xuống bảo tháp này, chỉ vì kẻ ngốc nào kêu mình làm điều đó, đúng không?

Điểm chính là giúp cho những người mới tu tập như chúng ta có một cơ sở hay nền tảng giới luật vững chắc, để có thể tu tập thêm. Cách người Tây Tạng chúng ta tu tập thì xuất sắc. Chúng ta có một nền tảng giới luật, và dựa vào đó, có lòng từ bi của pháp tu Đại thừa. Sau đó, trên hết thì có pháp tu Mật tông, và nó bao gồm cả bốn bộ Mật điển. Trên thực tế thì người Tây Tạng chúng ta là những Phật tử duy nhất tu tập toàn bộ đường tu Phật pháp, và nó dựa trên cơ sở của một người tu tập toàn bộ đường tu.

Chẳng hạn như ở Thái Lan, Miến Điện và Tích Lan thì người ta chỉ có phần giới luật mà thiếu Đại thừa, cũng như Mật điển. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nơi khác thì có Đại thừa, có Mật điển, nhưng chỉ có ba bộ đầu tiên: kriya, (Mật điển Hành động), charya (Mật điển Thực hiện) và yoga (Du già Mật điển). Họ không có điều gì về anuttarayoga (Tối thượng du già Mật điển), là bộ thứ tư. Một số nơi có trí kiến về tánh Không, nhưng chỉ thuộc về hệ thống Duy thức (Chittamatra), hay hệ thống Trung Quán Y Tự Khởi (Yogachara-Svatantrika of Madhyamaka), chứ không có tri kiến của Trung Quán Cụ Duyên (Prasangika-Madhyamaka). Một vài nơi dường như có Đại thừa mà không có nền tảng giới luật, và những nơi khác còn cố gắng có Mật thừa (Tantrayana) nhưng lại thiếu cả hai yếu tố Đại thừa và giới luật. Chỉ có người Tây Tạng chúng ta mới có đầy đủ toàn bộ đường tu và hành trì kết hợp vào trong một con người. Và người này nên là mỗi một người trong chúng ta.

Phương Hướng An Toàn (Quy Y)

(7) Pháp tu Bồ tát là quy y Tam Bảo, tìm cầu sự bảo hộ chẳng bao giờ sai chạy, vì làm sao chư Thiên thế tục có thể bảo hộ cho ai, khi chính họ vẫn còn trong ngục tù luân hồi sinh tử?

Điều này đưa ta đến phương hướng an toàn, hay quy y, và khi mình làm như vậy thì phải có chánh niệm về những phẩm chất cao quý của Tam Bảo. Chữ Phật trong tiếng Tây Tạng là Sanggye (sangs-rgyas). “Sang” có nghĩa là đoạn trừ tất cả những gì cần phải loại bỏ, để đoạn trừ mọi lỗi lầm, và “gye” có nghĩa là chứng ngộ và thành tựu mọi phẩm chất tốt đẹp. Chữ “Dharma” trong tiếng Phạn có nghĩa là nắm giữ, giữ gìn để thoát khỏi những điều không thuận lợi. Nói cách khác là việc noi theo giáo pháp sẽ giúp cho mình lánh xa nỗi khổ.

Đúng ra thì Pháp Bảo đề cập đến diệu đế chân diệt và chân đạo. Chân diệt của các cấu nhiễm thoáng qua trong tâm ta, sự hòa tan của chúng vào pháp tánh thanh tịnh của tánh Không, là một chân diệt. Chân đạo có chứng ngộ vô niệm về tánh Không là chân đạo đưa đến giải thoát và giác ngộ. Hai điều này là Pháp Bảo.

Tăng Bảo đề cập đến Thánh nhân hay những Bậc Cao Quý, những người có chứng ngộ vô niệm về tánh Không. Vì vậy, đây là Tam Bảo của Quy Y. Phật giống như một vị y sĩ; Pháp giống như y học, hay chính xác hơn là phương pháp chữa trị, và trạng thái lành bệnh thì giống như chân đạo và chân diệt; và Tăng đoàn giống như y tá giúp đỡ bệnh nhân.

Tất cả chúng ta đều không muốn khổ, từ sự khó chịu nhỏ nhất trở đi, và mình muốn thoát khổ. Trạng thái thoát khổ và phương tiện để đoạn trừ nỗi khổ mãi mãi thì giống như Pháp Bảo. Chúng ta cần có một vị thầy dẫn dắt về quá trình này, và đây là Phật Bảo, và thiện tri thức để hỗ trợ ta, đó là Tăng Bảo. Hơn nữa, phải tự tin vào khả năng của các đối tượng chỉ cho mình một phương hướng an toàn để bảo vệ chúng ta; thêm vào đó, phải kinh sợ nỗi khổ, và muốn được thoát khổ. Các yếu tố này đóng vai trò như những nguyên nhân để đưa một phương hướng an toàn của việc quy y vào trong đời sống.

Vì Đức Phật đã dạy cách đoạn trừ tập đế, điều tạo ra khổ đế, để diệt đế sẽ xảy ra, nên Ngài xứng đáng là đối tượng quy y. Chúng ta đã gặp gỡ giáo pháp của một vị Phật như vậy, nên phải noi theo phương hướng an toàn của Ngài trong đời sống. Chúng ta sẽ quy y trạng thái thành tựu chân diệt của mọi nỗi khổ, và thành tựu giác ngộ trong tương lai của mình. Chúng ta cũng quy y điều mà Tam Bảo đã ban cho, và sẽ đưa mình đến trạng thái này. Vì vậy, xin tất cả quý vị hãy quy y Tam Bảo trong đời sống.

Top