Khởi Đầu Một Thời Thiền Và Kiếp Người Quý Giá

Phát Khởi Động Lực

Phải có động lực đúng đắn để nghe thuyết pháp, nếu không, thì mình sẽ bỏ lỡ cơ hội để tích lũy công đức lớn lao, và kết hợp giáo pháp này vào trong dòng tâm thức. Hãy cố gắng để không bị thúc đẩy bằng mong muốn mọi việc sẽ được cải thiện trong kiếp này, hay để cải thiện những kiếp tương lai, hay thậm chí chỉ muốn thành tựu giải thoát cho riêng mình. Thay vì vậy, hãy cố gắng để có động lực bồ đề tâm trọn vẹn, ước nguyện thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Hãy nghĩ rằng: “Tôi không lắng nghe điều này chỉ vì lợi ích của riêng mình, hay cho thành tựu giải thoát của riêng mình. Tôi đã mở rộng lòng mình với tất cả chúng sinh, vì ước nguyện tạo lợi lạc cho họ, và để thành tựu giác ngộ, vì lợi lạc của họ.”. Và “Chắc chắn là tôi sẽ cố đưa tất cả những giáo huấn này vào trong dòng tâm thức của mình, và nhận ra tất cả những trạng thái chưa được điều phục của mình. Dần dần, tôi sẽ sửa đổi tất cả những điều này càng nhiều càng tốt.”.

Nếu như chỉ nghĩ về giáo pháp này như lý thuyết đơn thuần, thì nó sẽ không mang lại nhiều lợi lạc. Thay vì vậy, nếu như so sánh nó với tâm trạng và thái độ của mình, và nghĩ rằng, “Chắc chắn tôi sẽ cải thiện bản thân. Tôi thật sự sẽ cố gắng nhận ra những sự thiếu sót của mình là ở đâu, và sửa đổi chúng.”. Điều này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lớn hơn nhiều, và kinh nghiệm sâu sắc hơn nhiều.

Cấu Trúc Cơ Bản Của Tác Phẩm

Pháp luyện tâm nằm trong bảy điểm, mà điểm đầu tiên là pháp tu sơ khởi. Trong tiếng Tây Tạng, chúng ta có chữ “cấu trúc phù trợ” và “các pháp được phù trợ”. Giống như một ngôi nhà, đồ đạc và những người sống trong căn nhà đó. Tương tự như vậy, trong một mạn đà la thì cung điện mạn đà la là cấu trúc phù trợ, và các nhân vật bên trong là những điều được mạn đà la phù trợ. Ở đây, pháp tu sơ khởi giống như cung điện mạn đà la, và giáo huấn chánh thì giống như chư Hộ Phật được pháp tu phù trợ. Vì vậy, đừng nghĩ rằng pháp tu sơ khởi chỉ là pháp tu vào lúc ban đầu, rồi thì ta có thể quên nó đi. Chúng là nền tảng hỗ trợ tất cả những phần còn lại của giáo pháp thật sự, và luôn có mặt ở đó. Ở đây, giáo pháp thật sự chính là việc phát bồ đề tâm. Đây là điểm thứ hai trong bảy điểm.

Có bồ đề tâm tương đối và bồ đề tâm tuyệt đối. Bồ đề tâm tương đối là tâm thức hay tấm lòng hướng về chân lý quy ước (tương đối, thiển cận, bề ngoài, rõ rệt) của tất cả chúng sinh và giác ngộ; trong khi bồ đề tâm tuyệt đối là tâm hướng về chân lý thậm thâm nhất của vạn pháp, tánh Không của các pháp, hay việc hoàn toàn không có những cách tồn tại bất khả dĩ. Đây là hai trạng thái tinh thần và thái độ đối với đời sống mà chắc chắn chúng ta sẽ phát triển trong dòng tâm thức của mình.

Vì sẽ tu tập hai loại bồ đề tâm này suốt đời, nên chúng ta sẽ gặp những hoàn cảnh khác nhau, đôi khi có lợi, đôi khi bất lợi. Nếu như không có lòng can đảm, thì khi gặp hoàn cảnh bất lợi, ta có thể nản lòng, và muốn bỏ cuộc. Vào lúc đó thì cần phải có tâm thức và tấm lòng rất vững chãi và ổn định, để có thể đối phó với tình huống. Nên suy nghĩ và cảm nhận rằng, “Những tình huống tồi tệ như vậy sẽ xảy ra trong đời sống. Mình mong đợi điều gì từ luân hồi? Nhưng mình có thể xử lý chúng. Chúng không phải là chuyện lớn, không phải là điều nguy hiểm lớn lao gì.”. Nếu như tâm mình ổn định như thế, thì ta có thể xử lý mọi tình huống khó khăn có thể xảy ra. Đừng bao giờ nản chí. Nếu như có thể biến tất cả những hoàn cảnh xấu và bất lợi này thành một đường tu, thì chúng sẽ trở thành một phần trên đường tu của mình. Sau đó, tất nhiên là chúng sẽ không nguy hiểm, không thể hãm hại mình, và ta sẽ tu tập một cách rất ổn định. Đây là phương pháp cực kỳ lợi lạc và rộng lớn.

Năm điểm khác của bảy điểm là:

  • Chuyển hóa nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ
  • Pháp hành một đời
  • Đo lường tâm điều phục
  • Pháp tu cam kết
  • Các điểm luyện tâm

Với những điều này, mình sẽ đi đến chánh văn của Luyện Tâm Thất Điểm. Là cấu trúc cơ bản cho những giáo huấn luyện tâm này, và là một phần của pháp tu sơ khởi, trước tiên, chúng ta sẽ xem xét kiếp người quý báu, rồi đến cái chết và vô thường, luật nhân quả, và sau đó là những khó khăn và nỗi khổ trong luân hồi. Đây là bốn điểm của pháp tu sơ khởi, tạo thành nền tảng hỗ trợ cho việc luyện tâm. Chúng thường được gọi là “bốn tư tưởng hướng tâm về Pháp”.

Một tác phẩm luyện tâm của Panchen Yeshe Gyaltsen thì nói về pháp tu sơ khởi theo phong cách Kadam, sẽ bàn luận về nỗi khổ của những tái sinh tồi tệ hơn, rồi khi đã tư duy về chúng, thì mình sẽ quy y. Theo phong cách này thì quy y được xem như một phần của việc bàn luận về những tái sinh khác nhau. Với nhiều phương pháp khác nhau như thế này, thì có thể bao gồm tất cả các giáo huấn Lam-rim về trình tự đường tu giác ngộ trong bản phác thảo của bốn pháp tu sơ khởi này.

Có một vài phương thức trình bày, và những cách khác nhau để sắp xếp các điểm trong Lam-rim. Tôi nghĩ tất cả đều phụ thuộc vào căn cơ của đệ tử. Chẳng hạn như trong Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ (Lam-gtso rnam-gsum), thì Tông Khách Ba nêu ra hai mức độ của tâm xả ly: nhất quyết từ bỏ việc lo toan cho kiếp này, và nhất quyết từ bỏ sự lo toan về những kiếp tương lai. Tuy nhiên, trong các tác phẩm Lam-rim lớn hơn, thì Tông Khách Ba lại trình bày ba cấp độ động lực, một trong số đó là tâm xả ly, và không nói về hai cấp độ của tâm xả ly.

Do đó, tuy trong một số tác phẩm Lam-rim thì việc tư duy về nỗi khổ của những tái sinh tồi tệ hơn sẽ đưa mình đến pháp quy y ngay lập tức, nhưng ở đây, khi nghĩ đến những điểm khác nhau, thì ta sẽ được dẫn dắt đến bồ đề tâm một cách trực tiếp. Chúng ta sẽ tư duy về kiếp người quý giá, và điều đó sẽ đưa mình thẳng đến bồ đề tâm. Sau đó, ta sẽ tư duy về cái chết và vô thường, và điều đó cũng đưa mình thẳng đến việc phát bồ đề tâm. Cách trình bày tất cả những nỗi khổ khác nhau nói chung, và những nỗi khổ cụ thể trong các cõi khác nhau cũng có thể đưa mình đến chứng ngộ bồ đề tâm. Đây là một cách đặc biệt để trình bày các điểm khác nhau trong Lam-rim, trong những tác phẩm luyện tâm.

Bản phác thảo đề cập đến hành trì trong thời thiền, và sau khi xả thiền. Điều này có nghĩa là mình không chỉ tu tập Pháp khi ngồi xếp bằng và tụng những lời cầu nguyện, rồi ngoài thời gian đó ra thì lại quên đi và vứt bỏ nó, mà phải duy trì việc tu tập cả trong thời thiền, và sau khi xả thiền.

Nó giống như sạc pin. Khi đang tọa thiền, thì ta sẽ làm cho tâm thức, trái tim và thái độ của mình sáng suốt hơn và mạnh mẽ hơn, để có thể sử dụng chúng sau này, giống như mình sạc pin, để sau đó thì có thể sử dụng pin. Và giống như mình có thời gian để sạc pin, và thời gian mà mình sẽ sử dụng năng lượng điện của nó, thì cũng có thời gian mà mình sẽ hành thiền, tích tập năng lượng, và thời gian mà mình sẽ sử dụng nó trong đời sống hàng ngày. Không phải là mình chỉ có thái độ ngoan đạo trong thời thiền, rồi sau thời thiền thì lại hành động một cách hoàn toàn phi tôn giáo, mà phải nhất quán. Phải cố gắng chú tâm ở mọi mức độ, để hành xử phù hợp với giáo pháp.

Dĩ nhiên, tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, và đều cố gắng noi theo những phương pháp khác nhau, để có được hạnh phúc. Đương nhiên là tất cả mọi người đều có những nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Nhưng khi mình cố tạo ra hạnh phúc này bằng những phương tiện vô đạo đức, và việc này sẽ làm tổn thương người khác, hay cố lợi dụng người khác, thì đây là những điều mà ta phải cố gắng chấm dứt và đoạn trừ. Phải nghĩ về những điều mà mình đang làm. Nếu như mình rất kiêu căng và lợi dụng mọi người, lừa dối họ để có được lợi nhuận cho chính mình, thì phải suy nghĩ về lâu về dài, lợi ích của việc này là gì? Liệu nó sẽ đem lại cho ta hạnh phúc mà mình mong muốn hay không? Nếu như có được lợi nhuận này, bằng cách gian lận và lừa gạt người khác, thì điều này có thật sự giúp ích cho mình về lâu về dài hay không?”. Dựa vào đó mà hãy vững tin rằng: “Nếu như mình sử dụng phương tiện thiếu trung thực như thế này, thì nó sẽ tạo ra hiệu quả đối nghịch với mình. Đó là vì nếu như người ta hành xử rất kiêu căng, cố lợi dụng người khác, thì mọi người sẽ xem họ là người rất bỉ ổi. Không có ai muốn đứng về phía họ, hay sẽ đồng ý với những điều mà họ làm. Điều này khá rõ rệt, đúng không? Vậy thì ta có thể thấy những bất lợi đối với việc trở thành một người gian lận, lừa dối.

Sau khi đã kết thúc thời thiền, và ra ngoài gặp gỡ mọi người, thì ta có thể cảm thấy một sự thôi thúc để hành xử một cách kiêu hãnh, hay lừa dối. Vậy thì phải có chánh niệm về những gì mình đã tư duy trong thời thiền, và nghĩ rằng “Không được! Nếu như mình gian dối với người này, và cố lừa gạt anh ta, mà mình đã thấy rõ đây là điều không tốt trong thời thiền. Nó không có lợi cho ai hết.”, vậy thì hãy kềm chế bản thân. Vào thời điểm đó, hãy tránh hành động một cách tiêu cực hay phá hoại. Đó là hành trì thực tiễn sau thời thiền. Đó là khi mà ta thật sự sử dụng những tập khí tốt mà mình đã tạo dựng trong thời thiền. Nếu như mình hành động rất cẩn thận, kết hợp thời thiền và thời gian hậu thiền một cách tốt đẹp, thì sẽ thấy rằng pháp thiền sẽ cải thiện hành vi của mình sau thời thiền, và sinh hoạt sau thời thiền sẽ góp phần cải thiện cho việc hành thiền. Ngày qua ngày, chúng ta sẽ thấy một vài sự cải thiện.

Phải quán xét hành vi của mình. Nếu như mình uống rượu hay hút thuốc, thì phải cố gắng cải thiện bản thân, và buông bỏ những sinh hoạt tiêu cực, tự hủy hoại bản thân quá nhiều. Bất cứ khi nào nhìn thấy điếu thuốc, nếu như nghĩ về những bất lợi của nó, thì mình sẽ bỏ nó qua một bên. Ta sẽ quyết định giảm bớt, chỉ hút một hay hai điếu thuốc mỗi ngày thôi, và cuối cùng, đi đến mức mà từ việc ngày càng hút thuốc ít hơn, mình sẽ thấy ghê tởm nó, ngay cả khi ngửi mùi thuốc lá. Nếu như nghĩ về việc này, thì hút thuốc là một việc lãng phí thời gian và tiền bạc rất nhiều. Tất cả số tiền dành để mua thuốc lá, và thời gian lãng phí khi nói về nó, hay khi mình gặp người nào đang hút thuốc, thì lại mồi một điếu thuốc với người đó, rồi tán gẫu – hãy nghĩ đó là điều lãng phí. Ở mọi cấp độ thì thói quen hút thuốc là điều vô nghĩa.

Đối với việc uống rượu, cũng như tất cả những cá tính không hay mà mình có thể có, chẳng hạn như hống hách, kiêu căng hay lừa dối thì cũng giống như vậy. Hãy cố gắng giảm thiểu chúng càng nhiều càng tốt, và cuối cùng, loại bỏ chúng, bằng cách xem đó là những tập khí xấu.

Pháp Hành Trước Khi Bắt Đầu Thời Thiền

Vào lúc đầu của thời thiền thì điều rất quan trọng là khảo sát động lực của mình, về lý do tại sao mình lại hành thiền. Phải phát tâm quy y, là điều mình đang thực hiện trong đời sống, như chư Phật, Pháp và Tăng đã nêu ra, và phát bồ đề tâm. Hãy làm điều này, trong khi quán tưởng các đối tượng mà mình quy y, v.v.., phù hợp với dòng truyền thừa của Lama Serlingpa. Thế thì trước hết, phải kiểm tra và khẳng định lại động lực của mình, rồi chuẩn bị chỗ tọa thiền ở một nơi thích hợp để hành thiền.

Dọn Dẹp Nơi Hành Thiền

Trước hết, phải dọn dẹp nơi mình sẽ hành thiền. Điều này sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn về sự sáng suốt của tâm thức, mức độ tôn kính mà ta cảm nhận và thể hiện với các đối tượng thiền quán, và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Điều rất quan trọng là giữ cho nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, và lập bàn thờ cúng dường. Khi quét dọn và lau chùi, thì một số ý tưởng có thể hữu ích, chẳng hạn như: “Trong khi đang lau nhà, thì mình đang lau chùi tâm thức.”. Không cần nghĩ mình chỉ làm cho nó sạch sẽ vì bản thân, mà đang làm điều đó để thể hiện lòng tôn trọng đối với các đối tượng quy y và pháp tu.

Lập Bàn Thờ Và Sắp Xếp Phẩm Vật Cúng Dường

Khi lập bàn thờ và sắp xếp phẩm vật cúng dường, thì không làm điều đó để tạo ấn tượng tốt với người khác, mà là giúp đỡ cho quá trình cải thiện bản thân, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, nghĩa là tất cả chúng sinh hữu hạn. Cần phải có một bàn thờ khiêm tốn, với các biểu tượng thân, khẩu, ý của chư Phật. Nếu như mình có chén cúng dường bằng vàng và bạc, thì một nửa tâm trí sẽ hướng về giá trị của những thứ quý giá này, và chỉ có một nửa tâm trí hướng về việc tu hành.

Có một câu chuyện nổi tiếng về Geshe Benkungyal, người đã sống trong hang động để hành thiền. Một lần nọ, khi thầy của ông sắp đến thăm, ông đã trưng bày các phẩm vật cúng dường rất đặc biệt. Sau đó, ông xem xét động lực của mình, và thấy rằng mình chỉ làm việc này để mọi người nói rằng ông là một hành giả cao cả. Khi nhận ra điều này, ông đã ném tro lên các thức cúng dường. Khi thầy của ông đến nơi, thì ngài nói rằng Geshe Benkungyal đã ném tro vào mặt của bát phong trong đời sống, và đã cúng dường một cách rất thanh tịnh.

Trước khi trở thành một hành giả vĩ đại, Geshe Benkungyal đã là một tên trộm khét tiếng. Sau khi trở thành một hành giả, một ngày nọ, ông đến nhà của một thí chủ, người đã sắp xếp một số phẩm vật cúng dường, rồi đi ra ngoài. Vì bản năng là một tên trộm, nên Geshe Benkungyal đã thấy bàn tay của mình thò ra để ăn trộm các thức cúng dường, nên lập tức nắm lấy tay mình lại, và gọi to lên: “Hãy mau mau đến đây, tôi đã bắt được một tên trộm.”.

Đây chính là cách mà chúng ta phải thực hành Pháp. Khi thấy chính mình có xu hướng tiêu cực, thì phải tự bắt quả tang và chấm dứt hành động ấy. Điểm chính của giáo pháp là thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, và ngay khi thấy mình bắt đầu làm điều gì không đúng đắn, thì phải chấm dứt nó. Vì vậy, nếu bạn có thể nhớ rằng, “Đức Dalai Lama đã nói trong bài thuyết pháp này rằng đừng làm điều gì như vậy”, rồi khi quý vị thấy mình làm điều đó, thì có thể ngưng lại.

Nó giống như ví dụ về việc uống rượu, đó là căn nguyên và nguyên nhân của rất nhiều sự rắc rối, mặc dù tất nhiên là rượu rất ngon. Nếu như ta nghĩ rằng: “Tôi chẳng quan tâm đến điều đó.”, thì mình sẽ chai lỳ, và tích tập thói quen làm những việc tiêu cực và vô cảm. Đó là vì khi say rượu thì ta sẽ hành động theo cách mà thậm chí, không nhận thức được mình đang làm gì. Rồi sau đó, khi mọi người nói, “Ồ, khi bạn say sưa, bạn đã ăn nói rất tệ, và đã nói những lời dối trá thái quá, và hành động một cách kỳ quặc như vậy. Rồi bây giờ, thậm chí bạn còn không nhớ gì về điều đó nữa.”, thì thật là vô cùng xấu hổ. Khi say rượu, thì mình sẽ trở thành kẻ ngốc thậm tệ.

Điểm chính của Pháp là thực hiện những biện pháp ngăn ngừa, và ngay khi thấy mình bắt đầu làm điều gì sai, hoặc không đúng đắn, thì phải ngưng lại, hay ngăn cản mình làm điều đó. Phải áp dụng mọi pháp đối trị mà mình biết, như ví dụ rất phù hợp về Geshe Benkungyal. Việc tu tập của ông rất minh bạch và rõ ràng: ông sẽ chấm dứt bất cứ hành vi tiêu cực nào ngay lập tức, bằng một cách khá mạnh mẽ. 

Điểm chính trong giáo pháp là luôn nỗ lực cải thiện các phẩm chất nội tâm, chứ không phải cải thiện hành vi bên ngoài. Vì vậy, về các thức cúng dường, thì không cần phải tạo ra ấn tượng mạnh mẽ đến mức mình sẽ trở nên kiêu hãnh vì chúng. Milarepa đã thực hiện việc cúng dường tốt đẹp nhất, tuy ngài không có thứ gì bên ngoài để cúng dường, nhưng đã hết lòng tu tập.

Không cần phải cố gắng hết sức để phô trương bàn thờ, bằng cách mua những hình ảnh rất đắt tiền, đó là điều hoàn toàn lầm lạc. Pháp là để cải thiện tâm thức, chứ không phải để bày vẽ rườm rà ở bên ngoài. Nếu như mình có được những hình ảnh này một cách tự nhiên, như những món quà và v.v..., thì dĩ nhiên, có thể trưng bày chúng. Việc cúng dường càng đẹp đẽ hơn thì càng có lợi, nhưng đừng cố gắng hết sức để phô trương ồn ào, chỉ để gây ấn tượng với mọi người - đặc biệt là dùng những bức tranh thangka Tây Tạng, mà mình chỉ mua chúng như quà lưu niệm, để gây ấn tượng với mọi người. Tuy nhiên, nếu như phải mua thangka, thì hãy cố gắng chỉ mua những bức tranh có tỷ lệ phù hợp, và đặc điểm tiêu chuẩn. Nếu như mua loại nào không thích hợp với truyền thống, thì nếu có ai nhìn vào đó, và nói rằng: “Hình Phật này nhìn rất xấu”, thì mình đang tích tập thêm ác nghiệp, vì đã tạo ra nhân cho những lời bình phẩm như vậy. Vì vậy, phải chọn lựa rất kỹ, để có thangka và hình ảnh chính xác và truyền thống, nhưng không mua thangka chỉ để tạo ấn tượng với người khác. Nếu như việc chuẩn bị và sắp xếp bàn thờ của mình rất đơn giản, thì có thể chỉ chưng một tấm hình của thầy mình. Điều đó sẽ giúp cho mình rất hoan hỷ, và sẽ thể hiện lòng tôn kính.

Ngồi Đúng Tư Thế 

Sau đó, phải ngồi trên tọa cụ thích hợp, theo đúng tư thế. Nếu có thể ngồi trong tư thế hoa sen hay kim cang (kiết già), thì đó là cách tốt nhất. Nhưng nếu như cách này không thoải mái, thì có thể ngồi xếp bằng (bán già), là cách thông thường mà hầu hết chúng ta hay ngồi. Nếu như cách này cũng không thoải mái, thì có thể ngồi trên ghế. Điểm chính là làm việc với tâm thức, không nhất thiết là với cơ thể của mình. Nhưng nếu có thể ngồi xếp bằng, thì sẽ tốt hơn nhiều.

Đừng ngả tới ngả lui, hoặc nghiêng qua phải, nghiêng qua trái, mà hãy ngồi thẳng và vững vàng. Dĩ nhiên, nếu như trong người không khỏe, thì có những trường hợp ngoại lệ; nhưng trên cơ bản thì phải ngồi thẳng, và không được loay hoay. Đặc biệt là khi đang hành trì, thì phải ngồi thẳng và không xê dịch. Nếu như mình di chuyển, lắc lư trong khi cố gắng tập trung, thì việc xê dịch sẽ khiến cho tâm giao động, và sẽ tán loạn. Thông thường, ta sẽ thấy khi tụng kinh sách đã học thuộc lòng, thì mình sẽ ngả tới ngả lui. Hầu hết người Tây Tạng chúng ta đều làm như vậy, nhưng không chỉ có chúng ta làm điều đó. Chúng ta thấy nhiều người Hồi giáo cũng làm như vậy, khi tụng kinh Koran. Khi người nước ngoài đến và nhìn thấy người Tây Tạng trì tụng điều gì, thì họ thấy việc đó rất kỳ lạ, bởi vì một số người đang ngả tới ngả lui, trong khi một số người thì nghiêng từ bên này sang bên kia.

Khoảng 15 năm trước, có một vị Geshe, là một hành giả vĩ đại, đã sống trên núi ở Tây Tạng. Khi đến Ấn Độ, ông đã thỉnh cầu tôi ban một vài lễ điểm đạo. Tôi đã có ấn tượng rất mạnh, vì ông đã không nhúc nhích chút nào, trong suốt lễ quán đảnh. Nếu có khả năng là như vậy, thì nên có tư thế này. Nó xuất phát từ sức mạnh của định lực.

Nếu như mình đeo kiếng, thì có thể xem xét việc đeo kiếng có khác biệt gì với việc không đeo kiếng hay không, trong khi hành thiền. Nếu như tôi đeo kiếng, thì sẽ thấy rõ hơn, nhưng khi không đeo kiếng, thì tâm tôi lại vững chãi và an định hơn. Hãy xem xét điều này, và xem nó có tạo ra sự khác biệt gì hay không.

Quy Y Và Phát Khởi Động Lực

Tiếp theo, hãy khảo sát tâm trạng của mình, và từ một tâm trạng tích cực nào đó, hãy quy y và phát bồ đề tâm. Hãy nghĩ rằng: “Khi quy y thì mình đang tạo ra phương hướng an toàn và mạnh mẽ trong đời sống. Tôi đang dâng hiến lòng mình cho bồ đề tâm, cho giác ngộ, cho việc giúp đỡ tất cả chúng sinh, và sẽ hành trì pháp tu này, để tích tập công đức mạnh mẽ, để đạt được mục tiêu này!”.

Vì việc có sự hỗ trợ về thị giác sẽ hữu ích, nên hãy quán tưởng các đối tượng quy y, có thể là một ruộng phước rất tỉ mỉ, phong phú, hoặc chỉ đơn giản là hình ảnh Đức Phật, và tưởng tượng mình đang nhận nguồn cảm hứng từ các đối tượng này. Sự hỗ trợ của thị giác để tạo ra việc thọ nhận nguồn cảm hứng, sẽ tạo ra cảm giác mạnh mẽ hơn.

Quy y thật sự được biểu hiện bằng chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của chư Thánh nhân, những bậc có chứng ngộ cao. Dù có thể quán tưởng ruộng phước rõ rệt hay không, thì phải ghi nhớ những yếu tố chính, đem lại quy y trong đời sống, đó là chân diệt và chân đạo. Chúng ta có thể quán tưởng các loại ruộng phước khác nhau, để tích lũy công đức, nhưng điểm chính là phải có cảm giác rất mạnh mẽ về việc phát tâm quy y, không chỉ là lời nói suông, mà còn có tín tâm xác tín mạnh mẽ vào điều gì là sự thật. Sự thật là Tam Bảo Quý Hiếm đã nêu ra pháp quy y mà mình phải đưa vào trong đời sống, và hoàn toàn có chủ ý tiếp tục noi theo phương hướng ấy.

Ở Tây Tạng, chúng tôi noi theo sự kết hợp của Tiểu thừa, Đại thừa Kinh điển và Mật điển. Về phương diện Mật điển, thì khi quy y, phải nghĩ rằng mình cũng đang thọ nhận tất cả các quán đảnh từ các đối tượng quy y. Đó là lý do mà chúng tôi bắt đầu pháp quy y bằng câu: “Xin quy y chư Lạt ma, chư Bổn sư.”. Đó là vì chúng ta tưởng tượng mình đang nhận lễ quán đảnh từ các vị. Chư đạo sư là những người thật sự nắm tay mình, giúp cho mình đứng vững, và dẫn dắt ta trên đường tu theo pháp quy y mà Tam Bảo đã nêu ra. Vì vậy nên ta mới khởi đầu với vị đạo sư mà mình thật sự có quan hệ cá nhân, người chỉ cho mình cách quy y, rồi đến quy y Phật, Pháp và Tăng. Sau đó, để phân biệt hành trì của mình là pháp tu Đại thừa, thì ta sẽ phát bồ đề tâm.

Cúng Dường Thất Chi Nguyện

Vậy thì chúng ta sẽ khởi đầu với quy y, kế tiếp là bồ đề tâm, rồi quán tưởng ruộng phước, cúng dường Thất chi nguyện như lễ lạy, cúng dường, v.v... Có nhiều cách khác nhau để thực hành bài cầu nguyện này, liên quan đến pháp tu Kinh điển và Mật điển. Cũng có thể cúng dường Thất chi nguyện, liên quan đến những pháp guru-yoga khác nhau, và các Bổn tôn khác nhau (Hộ Phật, Bổn tôn). Ví dụ như truyền thống Gelug cúng dường cho chư vị trong bối cảnh Trăm Đấng Hộ Phật Cõi Trời Đâu Suất (Hundreds of Deities of Tushita, dGa'-ldan lha rgya-ma), mà nhân vật chính được quán tưởng là Tông Khách Ba.

Một cách khác là có thể quán tưởng vị bổn sư của mình, hay Đức Phật, hoặc có thể hành trì trong bối cảnh của một trong sáu thời du già (yoga), nên có nhiều cách để thực hành nó. Một số câu kệ được sử dụng trong cúng dường Thất chi nguyện, xuất phát từ kinh điển nói về Bồ tát hạnh, đặc biệt là từ Kinh Hoa Nghiêm (mDo Phal-cher, Phạn ngữ: Avatamsaka Sutra). Dù có sử dụng bài Thất chi nguyện nào, thì phải chú tâm vào những điểm khác nhau một cách rõ rệt, và ý nghĩa của chúng, rồi kết thúc bằng hồi hướng. Đây là quá trình mà Lama Serlingpa, sư phụ của A-đề-sa (Atisha) đã dạy.

Sau đó, mình sẽ thỉnh cầu để có thể hướng tâm về Pháp, để có thể biến mọi thứ thành đường tu, và có khả năng áp dụng tất cả những điều này trong việc tu tập.

Cúng Dường Mạn Đà La

Đối với biểu tượng của thế giới mà mình cúng dường như một mạn đà la, thì theo truyền thống, bao gồm núi Tu Di (Mount Meru), bốn lục địa và v.v..., như trong kinh điển Ấn Độ giáo. Tôi nhớ có một lần, trong một chuyến hành hương ở Ấn Độ, tôi đã đi ngang một ngôi đền Ấn Độ giáo. Tôi không nhớ rõ ngôi đền đó ở đâu, nhưng họ có một bức tranh tường về núi Tu Di và bốn lục địa, khá giống với những điều mà chúng ta có. Thế thì mình sẽ cúng dường các đối tượng được trưng bày trước mặt, và tưởng tượng những thứ như núi Tu Di, các lục địa và v.v..., và cũng cúng dường chúng, nhưng không cần thiết phải có một dĩa mạn đà la rất công phu. Tuy nhiên, pháp quán tưởng không cần phải hoàn toàn giống như trong sách A tỳ đạt ma. Nó có thể giống như thế giới thật.

Chúng ta không thể phủ nhận việc trái đất tròn. Đây là điều mà mình có thể tự nhìn thấy, vì có thể thấy đường cong của trái đất. Cách mà thế giới được mô tả trong thời hiện đại cũng được nhận thức của mình xác nhận, nên nó thật sự được thấy bằng mắt. Nếu như mình phủ nhận điều đó, và khăng khăng nói rằng thế giới giống hệt như điều mà A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (mDzod, Phạn ngữ: Abhidharmakosha) nói, thì sẽ thật là vô lý, đúng không? Điều mà chúng ta quan tâm ở đây không phải là việc bác bỏ trình bày của khoa học, hay bác bỏ khai thị về thế giới trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá. Vấn đề là cúng dường khía cạnh lộng lẫy và đẹp đẽ nhất của thế giới, để cúng dường điều gì rất dễ chịu, để tích lũy công đức, và tạo ra thiện tâm. Phải có thái độ này, khi cúng dường thế giới như một mạn đà la. Vì đạo sư của mình và hàng ngàn, hàng triệu vị Phật được xem như ruộng phước vĩ đại nhất, hay nổi bật một cách đặc biệt, để tích lũy công đức, nên mình mới cúng dường mạn đà la cho chư vị.

Mối Quan Hệ Lành Mạnh Với Đạo Sư

Điều này đưa ta đến mối quan hệ lành mạnh và lòng sùng mộ bổn sư của mình, ưu điểm của lòng sùng mộ, và bất lợi của việc đi ngược lại điều này.

Trong kiếp này, nếu như muốn học cách may vá, hay vẽ một Bổn tôn, thì mình phải học hỏi, bằng cách xem người nào làm điều đó, rồi ta có thể làm theo họ, và cố gắng tự làm. Cần phải có một người thầy. Điều này cũng đúng đối với việc tu tập. Việc nương tựa vào một đạo sư, một bậc hướng dẫn tâm linh một cách lành mạnh, với lòng sùng mộ toàn tâm toàn ý với ngài là điều cực kỳ quan trọng. Nếu muốn thực hiện điều này, thì phải thiền quán một cách sâu xa, để có được tín tâm và lòng tin cậy cực kỳ mạnh mẽ với thầy. Việc phát triển tín tâm và lòng tin cậy có thể liên quan đến mặt phương tiện hay trí tuệ trong hành trì của mình. Nếu như việc phát triển nó liên quan đến mặt trí tuệ, thì phải xem xét những lý do mà mình phải phát khởi lòng tin cậy và tín tâm với thầy.

Nếu như có lòng tin cậy và tín tâm với một vị thầy, thì ta có thể nhận nguồn cảm hứng từ vị thầy ấy. Nếu không thì dù có chú trọng vào trí tuệ đến mức nào đi nữa, mình sẽ không có được nguồn cảm hứng để phát triển nó. Nếu không có tín tâm vững chắc và tin tưởng rằng vị thầy có bất cứ phẩm chất cao quý nào mà một vị đạo sư có thể có, thì ta sẽ không nhận được nguồn cảm hứng từ thầy. Không cần biết mình có thể cúng dường hay cầu nguyện với thầy bao nhiêu lần, thì tâm ta sẽ không được thăng hoa, hay xúc động.

Vậy thì trước tiên, phải biết những điểm liên quan đến việc có lòng sùng mộ lành mạnh, toàn tâm toàn ý với bổn sư. Những điểm cần thiết là gì? Trong những tác phẩm Lam-rim, Tông Khách Ba đã nêu ra những phẩm chất cao quý của một vị thầy, và phẩm chất của đệ tử, việc đo lường và lợi ích của việc nương tựa vào một vị thầy như vậy một cách lành mạnh, và nhược điểm của việc không làm như vậy.

Trước tiên là trình độ của thầy. Cần phải biết điều này rất rõ, để phối kiểm nó. Những phẩm chất về thân, khẩu, ý, thành tựu của thầy, thầy có uyên bác hay không? Thầy tu tập pháp gì? Chư đạo sư không chỉ tự mình vươn lên. Nếu như cho rằng chư đạo sư tự lập là sai. Không ai trong số các ngài đã uyên bác từ khi mới sinh ra.

Một vị hóa thân (tulku) không nhất thiết là một Lama, và một vị Lama không nhất thiết là một hóa thân. Không có sự bao hàm hợp lý giữa hai điều này. Chữ “la (bla)”, âm tiết đầu của chữ “lama”, là chữ guru trong tiếng Phạn, được dịch ra tiếng Tây Tạng, bậc hướng dẫn tâm linh, có nghĩa là “cao cả”, “tối thượng”, hay vĩ đại”, như trong thành ngữ lana-mepa (bla-na med-pa), có nghĩa là “không có gì cao hơn”, hoặc “không có gì vĩ đại hơn”. Nó ngụ ý là một người có chứng ngộ rất cao và vĩ đại, một bậc thầy tối thượng, người có phẩm hạnh tuyệt vời, không chỉ là một người mập mạp, nặng ký! Lama là người thiện xảo, và có phẩm chất tuyệt vời, không chỉ là người có danh hiệu hay tước vị lớn.

Trình độ của vị đạo sư phải hoàn thiện, về cả kiến thức kinh điển và chứng ngộ. Một bậc thầy hội đủ trình độ thì phải có cả hai yếu tố, và không được là người dễ nổi sân, ngay cả khi người đó rất tường tận về kinh sách. Chúng ta cần có một người hội đủ những phẩm chất thiện hảo và kiến thức, sống theo giáo pháp, và có thể giải thích giáo pháp cho người khác một cách rõ ràng.

Lam-rim nói rằng: “Đạo sư tâm linh là một người có giới luật, bình tĩnh, có tâm an định và tuệ giác sâu sắc, có phẩm chất tối thượng, nhiệt tình, tinh thông nhiều giáo pháp, lãnh hội tánh Không một cách trọn vẹn, thiện xảo trong việc giảng giải tánh Không, có lòng từ ái và tinh tấn. Tương tư như vậy, các đệ tử cũng phải có sự quan tâm chân thành đối với việc tu học, đối với việc cải thiện bản thân. Bản văn nói rằng không nên giảng dạy giáo pháp cho những người không có lòng quan tâm chân thành, hay những người chỉ tò mò về mặt trí thức.

Chúng ta sẽ cố gắng thành tựu guru-yoga (bổn sư-du già). “Yoga” ở đây có nghĩa là hợp nhất với điều chân thật. Nói một cách khác là mình muốn hợp nhất thân, khẩu ý của mình, với những phẩm chất thiện hảo từ thân, khẩu, ý của vị bổn sư, và dòng truyền thừa của chư đạo sư của ngài, đó là “điều chân thật”. Chúng ta sẽ thỉnh cầu để có thể phát triển cùng các thực chứng, tuệ giác và viên thành như bổn sư của mình. Guru-yoga là như vậy, là hợp nhất tự thân với điều chân thật, được đại diện bằng vị bổn sư (guru).

Nếu muốn thể nhập vào pháp tu này một cách trọn vẹn, thì phải quán chiếu về lợi lạc của việc nương tựa vào một đạo sư hội đủ các phẩm chất cao quý, và làm như vậy một cách lành mạnh, với lòng tin và cam kết, và sự bất lợi của việc không có đạo sư, hay buông bỏ đạo sư.

Sau đó, phải nghĩ đâu là những cách liên hệ và nương tựa đạo sư một cách lành mạnh, với lòng sùng mộ toàn tâm toàn ý? Đó là về mặt tâm thức hay thái độ của mình đối với thầy, và cách hành xử, hành vi của mình. Về mặt tâm thức hay thái độ thì phải có tín tâm xác tín rằng thầy là Phật, và phải biết điều đó có nghĩa là gì, rồi có chánh niệm về lòng tốt của thầy, với lòng cảm kích và tri ân sâu sắc. Về mặt hành vi, thì điều cơ bản là tu tập theo những điều thầy khuyên bảo, rồi thể hiện lòng tôn kính và giúp đỡ thầy. Như Milarepa đã nói: “Tôi không có vật chất để cúng dường cho thầy, nhưng có thể biểu hiện lòng cảm kích đối với lòng tốt của thầy, bằng cách dấn thân tu hành y như lời thầy dạy.”. Một bậc thầy Đại thừa là người không quan tâm đến việc nhận cúng dường bằng vật chất, mà chỉ quan tâm đến việc đệ tử cúng dường việc tu tập chân thành.

Khi nói về việc tu tập y theo lời khuyên của thầy, thì mình đang nói về một vị thầy có trình độ tuyệt đối, toàn diện và đầy đủ. Nhưng sẽ khó tìm được người nào có trình độ tuyệt đối, toàn diện và đầy đủ, nên như giáo pháp đã nói, đừng nhìn vào con người, mà hãy nhìn vào những điều mà thầy nói. Thầy có thể là người không có quá nhiều chứng ngộ, hoặc không phải là người cao cả lắm, nhưng phải xem xét những điều thầy nói, và xem nó có ý nghĩa hay không.

Phải khảo sát giáo huấn của thầy, phối kiểm phẩm chất và trình độ của thầy. Khi chấp nhận một vị thầy làm bậc hướng dẫn tâm linh, rồi lại thấy rằng thầy có lỗi và phạm sai lầm, rồi lại ngoảnh mặt với thầy vì những lỗi lầm này, thì không tốt. Đó là một hoàn cảnh rất đau lòng và không may. Nên phải tìm hiểu rất cẩn thận ngay từ đầu, như các giáo huấn có nói, trước khi dấn thân cam kết với vị thầy nào.

Tâm Vô Thỉ

Sau những pháp sơ khởi này, thì trong các thời thiền, bản văn nói rằng phải quán chiếu rằng từ vô thỉ, chúng ta đã bị sức mạnh và ảnh hưởng của tâm mình khống chế, và tâm thức của mình thì lại bị sức mạnh và ảnh hưởng của phiền não khống chế.

Khi các giáo pháp nói về “từ vô thỉ”, thì điều này có nghĩa là gì? Khi các hệ thống khác nói về sự sáng tạo của thế giới, thì sẽ nêu ra một sự khởi đầu, sự sáng tạo. Ở đây, sự việc không được trình bày như có một sự khởi đầu tuyệt đối. Vì vậy, “từ vô thỉ” có nghĩa là từ vô lượng tái sinh trước đó.

Có một cô bé ba tuổi ở Punjab, người nhớ rất chính xác nhiều chi tiết về tiền kiếp, như gia đình của cô, những gì đã xảy ra, v.v... Có nhiều trường hợp khác giống như vậy, khi trẻ em có hồi ức rõ ràng, hay nhận ra sự vật và những người trong kiếp trước của họ. Do đó, có một số bằng chứng về sự tồn tại của kiếp trước.

Khi nói về những kiếp vô thỉ, thì mình đang nói về tâm thức, dòng tâm thức vô thỉ. Tâm được định nghĩa là tánh quang minh và tánh giác đơn thuần. Tuy nhiên, nếu chỉ biết định nghĩa thôi thì không đủ. Điều quan trọng là có thể nhận ra và xác định công năng của tâm thức, giúp cho mọi việc rõ ràng, về mặt làm cho các hiện tướng hay biểu tượng tinh thần của các pháp phát sinh, và việc tri giác về chúng, theo ý nghĩa là kết nối với chúng bằng nhận thức. Tâm cũng là điều vô thỉ. Việc thiết lập sự tồn tại của nó, và mối quan hệ giữa nó với thân thể là điều quan trọng. Nó không phải là vật chất, nhưng có liên quan đến cơ thể. Nó không phải là chất gì, cũng không phải là sản phẩm vật chất. Ngoài ra, tâm có nhiều mức độ khác nhau, từ thô đến rất vi tế. Tính tương tục của mức độ vi tế nhất của tâm là điều đi ngược về vô lượng kiếp, không có sự khởi đầu.

Đức Phật nói rằng nếu tâm là điều gì có thể được tạo ra một cách mới mẻ, hay là một hiện tượng thoáng qua, chỉ đến và đi, hay do Thượng đế tạo ra, thì sẽ rất khó mà điều phục và khống chế nó. Mặt khác, nếu như nghĩ rằng tâm bắt nguồn từ vô thỉ, và các kinh nghiệm bắt nguồn từ nghiệp, dựa vào những hành vi trước đó, thì ta có thể áp dụng những phương pháp khác nhau, để điều phục tâm thức.

Cần phải khảo sát quá trình về cách mình thu thập thông tin, cách mình nhận biết các pháp. Dường như thông tin đến từ bên ngoài, từ điều gì mà mắt thấy, tai nghe, hay cái gì giống như vậy. Giống như hiện nay, tôi đang ngồi đây và nhìn vị sư già tóc bạc ở trước mặt mình. Dường như có một loại ý thức nào đó đang nhìn, tạo ra mối liên hệ với thông tin qua thị giác, và xác định đối tượng cụ thể được nhìn thấy. Đó là vì trong khi tôi đang nhìn vào vật thể đó, thì có thể thấy những điều về nó, ở trong tầm nhìn đầy đủ và rõ rệt của tôi. Nhưng tâm tôi sẽ không nhận thức được đối tượng một cách chắc chắn, nếu như tôi đang nghĩ về điều gì đã xảy ra với tôi sáng nay. Mặc dù mọi thứ xuất hiện xung quanh tôi, nhưng tâm trí của tôi sẽ không hướng vào đó. Thế thì dường như thông tin đi vào từ những giác quan khác nhau, và dường như cũng có một yếu tố nào đó của việc chú ý, rõ ràng là có liên quan đến một quá trình về mặt tinh thần.

Tuy nhiên, không thể bỏ mặc nó, như kinh sách mô tả nó, mà phải khảo sát sự việc từ kinh nghiệm bản thân, và cũng xem xét cách khoa học hiện đại giải thích về sự vật, về cách trình bày về bộ não, cách nó hoạt động qua các giác quan, cách mà những bộ phận khác nhau của bộ não liên quan với những chức năng tinh thần, và vân vân. Phải cố hiểu tâm thức hoạt động như thế nào, từ kinh nghiệm bản thân, cũng như về sự giải thích của khoa học. Điều này chắc chắn sẽ đòi hỏi rất nhiều việc điều tra, nghiên cứu.

Chắc chắn là mình có thể xác định về cách toàn bộ quá trình này hoạt động, phù hợp với lời giải thích của Đức Phật, và cách trình bày khoa học về bộ não và những phần còn lại. Điều tương tự cũng đúng về cách trí nhớ hoạt động, và mối quan hệ giữa tâm và vật chất. Chẳng hạn như với người Tây Tạng, nếu như chúng ta nghe hai chữ Trung QuốcẤn Độ, thì tuy âm tiết đầu trong cả hai từ này đều giống nhau (“Gyagag” và “Gyagar”), nhưng âm tiết thứ hai thì khác nhau. Thật ra thì không có điều gì vật chất ở đây, ảnh hưởng đến phản ứng của mình, nhưng ngay lập tức, khi vừa nghe chữ Trung Quốc là mình sẽ thấy căng thẳng, và khi nghe chữ Ấn Độ, thì mình thấy thoải mái hơn một chút. Tương tự như vậy, nếu như các bạn nghe chữ Tenzin Gyatso, thì ngay lập tức, bạn cảm thấy hạnh phúc, và nghĩ rằng: “Tuyệt vời”. Nếu như bạn nghe chữ Mao Trạch Đông, thì bạn sẽ nghĩ rằng: “Tên khốn kiếp đó”. Trong mỗi trường hợp, thì không có điều gì thuộc về vật chất, ngoại trừ âm thanh của phụ âm và nguyên âm, nhưng có một mối quan hệ với cách mà cảm xúc của mình hoạt động, và sự phân biệt trước đây mà mình đã tạo ra, và những khái niệm mà mình ôm ấp.

Điều cực kỳ quan trọng là phải khảo sát những điều như vậy, bao gồm hình ảnh trực quan, và cách chúng xuất hiện với mình. Nó tương tự như điều gì xảy ra, khi nghe danh hiệu “Tenzin Gyatso”, và những cảm xúc đi kèm với nó. Hãy khảo sát một cách khoa học, và xem tất cả mọi việc xảy ra như thế nào. Ngay cả khi nó không được trình bày theo cách này trong giáo lý nhà Phật, thì hãy xem quá trình nào đang diễn ra trong não, vì dường như bộ não rất liên quan đến tất cả những điều này. Những phần khác nhau có liên quan đến nhận thức thị giác và thính giác. Hãy xem điều gì đang xảy ra với chiêm bao. Những khía cạnh liên quan đến chức năng của não là tất cả những điều mà chúng ta không thể chối bỏ, bởi vì tất cả những điều này đều được thiết lập bằng khoa học. Giống như khi người nào đang ngủ, nếu như bạn tạo ra một tiếng động nhỏ, thì họ không nghe thấy, nhưng nếu bạn tạo ra tiếng động lớn, thì sẽ có một số phản ứng về mặt thể chất, ngay cả khi người đó đang ngủ. Ở đây, một lần nữa, chúng ta không thể bác bỏ điều này, mà phải khảo sát, và thấy rõ mọi việc hoạt động như thế nào, dựa vào sự phát hiện của khoa học, rồi cách mà chúng phù hợp với giáo pháp như thế nào.

Bộ não cũng chắc chắn liên quan đến trí nhớ. Và điều tương tự cũng phải đúng với thần thông, chẳng hạn như nhận thức được điều gì có thể xảy ra trong tương lai, nhờ vào việc thành tựu đại định (samadhi). Những điều như vậy được giải thích trong Kinh điển, và thật sự có những người thành tựu được chúng. Một dòng tâm thức đã trải qua điều gì đã xảy ra trước đây, có thể có một sự cảnh báo về điều gì sẽ xảy ra sau đó, nhưng chỉ khi nào dòng tâm thức đó có một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với hai sự kiện. Có thể phát triển khả năng thấu thị, và đưa ra những dự đoán nào đó về tương lai, nhưng nếu không có mối quan hệ giữa một sự kiện trong tương lai và tính tương tục của ý thức, thì người ta không thể đoán được, ngay cả một gợi ý về tương lai. Khả năng thấu thị không phát sinh từ đâu, mà dựa vào nhân duyên trong dòng tâm thức của cá nhân sở hữu điều này.

Sự Tiến Hóa

Khi khảo sát những mức độ khác nhau của ý thức, thì điều tốt đẹp là không chỉ để nó ở mức độ của Kinh điển, mà còn khảo sát cả mức độ của Mật điển nữa. Mật điển mô tả mức độ vi tế nhất, và chính mức độ này bắt nguồn từ những kiếp trước, và tiếp tục đến những kiếp sau. Điều liên hệ với nó là mức độ thân vi tế nhất, là năng lượng khí vi tế, luôn đi kèm với mức độ tâm thức ấy. Cái “tôi” là điều có thể được quy gán trên hai yếu tố này, như nền tảng của sự định danh, và sự kết hợp này là điều đi từ những kiếp trước đến kiến hiện tiền, đến những kiếp sau.

Trong mỗi một kiếp, nhờ quá trình tiến hóa mà thân và tâm vi tế nhất dần dần trở nên thô trọng hơn, khi chúng bắt đầu kết nối với các đại của vật chất thô thiển. Về mặt tiến hóa nói chung, trong bối cảnh thời đại của thế giới này, thì Kinh điển mô tả cách mà vào thuở ban sơ, khi những chúng sinh nguyên thủy chỉ sống bằng nhập định và không cần phải ăn. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ đã ăn thức ăn ngày càng thô trọng hơn, và có được thân thể ngày càng thô thiển hơn. Bây giờ, chúng ta phải nghiên cứu xem liệu điều này đề cập đến tất cả chúng sinh, khi đời sống bắt đầu xuất hiện trong thời đại của một thế giới, hay chỉ một số chúng sinh nào đó, trong thời điểm đó thôi.

Hãy nhìn vào Tây Tạng. Chúng ta nghĩ về bản thân mình như hậu duệ, bắt nguồn từ chư Hộ Phật giao phối với loài khỉ, và loài người tiến hóa từ đó. Khoa học nói về những dạng sống đơn giản hơn, tiến hóa thành những dạng sống phức tạp hơn, và đó là cách mà con người tiến hóa. Bản thân tôi thì tự tin vào cả hai lý thuyết tiến hóa này. Còn về ngày mà những người đầu tiên có mặt ở Tây Tạng, thì có bằng chứng khoa học cho thấy người ta đã có mặt ở đó trước thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Việc khảo cổ đã tìm thấy xương người và những hài cốt khác ở Chamdo và Kongbo, có niên đại 3,000 năm trước. Ngược lại, Đức Phật đã tiên đoán rằng 200 năm sau khi Ngài nhập niết bàn, thì một thế hệ chúng sinh mới sẽ sống ở Xứ Tuyết. Làm sao để hòa giải hai nguồn thông tin này?

Điều cũng rất rõ ràng là đã từng có một hồ nước ở vùng Lhasa, bởi vì vào năm 1956, một nhóm khảo sát địa chất đã tìm thấy hóa thạch của sự sống thực vật ở đó. Họ cho thấy lá của một cây đã rơi xuống hồ, và được bảo trì trong bùn ở phía dưới. Vậy thì rõ ràng là có một cái hồ ở đó, với một khu rừng ở bờ hồ. Cái hồ này đã dần dần thu nhỏ lại, và cuối cùng khô cạn, và Chùa Tsuglagkang đã được xây dựng trên vết tích cuối cùng của cái hồ đó. Lời tiên tri của Đức Phật không nói là không có ai sống ngoài ranh giới của cái hồ này. Nó chỉ nói rằng một thế hệ mới của con người sẽ đến vùng này, và sống trên vùng đất khô cằn, nhô lên từ giữa hồ. Điều này không mâu thuẫn với các bằng chứng khoa học về người tiền sử ở Chamdo và nhiều nơi khác ở Tây Tạng, trước thời điểm đó. Phải nghiên cứu ý nghĩa của những điều này trong Kinh điển và khoa học theo cách như vậy.

Còn về thuyết tiến hóa, dạy về sự phát triển của các dạng sống phức tạp, từ những dạng sống đơn giản hơn, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giáng thế, để dạy cách đạt được tâm thức hạnh phúc lâu dài. Ngài không giáng thế để dạy rằng thế giới hình tròn, hình vuông hay hình tam giác. Trong các giáo huấn của Đức Phật, có những lời chú giải nào đó về nguồn gốc của các dân tộc và địa điểm cụ thể, nhưng đây không phải là chủ đề chính. Các điểm chính liên quan đến nghiệp và ý thức của con người, và làm thế nào để tạo ra hạnh phúc lâu dài trong dòng tâm thức ấy. Một vị Phật luôn giảng dạy về những điều sẽ phù hợp với căn cơ của tất cả chúng sinh, và cách suy nghĩ của họ. Nếu nó phù hợp với cách suy nghĩ của họ, thì Ngài có thể dạy rằng các pháp có sự tồn tại thường hằng, trong khi đối với những người khác thì Ngài sẽ dạy rằng chúng không thường hằng.

Trước đây, ở phương Tây, con người đã giết hại lẫn nhau vì quan niệm đúng đắn về thế giới của họ. Không ai tin là trái đất tròn. Họ tin là nó bằng phẳng, và đã giết hại lẫn nhau vì những điều như vậy. Chủ ý của Phật pháp không phải là tạo ra tâm thức tin rằng trái đất bằng phẳng hay tròn. Nếu như mình nghĩ như vậy là không hiểu được chủ ý này. Toàn bộ chủ ý trong giáo pháp của Đức Phật về thời gian vô thỉ là tâm vô thỉ. Nếu như Ngài không nói về tâm vô thỉ, thì sẽ không có ích lợi gì về việc bàn luận về tính vô thỉ nói chung. Trên cơ sở của tâm vô thỉ, mà mình mới có sự bàn luận về mối quan hệ giữa thân và tâm, về khía cạnh nghiệp. Trong tính tương tục tổng thể của tâm vô thỉ, thì nhiều dạng thân thể sẽ đến và đi, cả ở mức độ cá nhân và thế giới. Việc bàn luận về những kiếp vô thỉ và tâm vô thỉ phải dựa trên tính hợp lý và lý luận, và đó là điều chắc chắn có thể được thiết lập bằng cách này. Thế thì điều quan trọng là phải nỗ lực rất nhiều, để khảo sát những điểm này, bằng sự hợp lý.

Nhập Định Trong Những Trạng Thái Tích Cực

Vì mỗi một người trong chúng ta đều có một dòng tâm thức cá nhân vô thỉ, vậy thì nó sẽ đi theo chiều hướng nào? Đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến nội dung kinh nghiệm của nó? Chúng ta thấy rằng mình đã bị tham, sân, si ảnh hưởng từ vô thỉ. Đây là ý nghĩa của thành ngữ “tính tùy thuộc” hay “bị các yếu tố khác ảnh hưởng”. Nói cách khác là tâm không thuộc quyền kiểm soát của mình, mà bị khống chế vì những yếu tố khác, như phiền não, vọng tưởng, vô minh, v.v... Bởi vì tâm không được điều phục, nên ta mới tạo tác đủ các hành vi tiêu cực, và chúng tích tập những chủng tử nghiệp khác nhau, kéo dài những thói hành xử như vậy, và tạo ra nhiều vấn đề hơn cho mình. Chúng ta sẽ trải qua nỗi bất hạnh và đau khổ, khi điều gì trổ quả từ nghiệp lực tiêu cực, đã xảy ra như hậu quả từ ác nghiệp của mình. Chúng ta đã hành động như vậy, vì những ác nghiệp phát sinh trong tâm mình. Và chúng xuất phát từ đâu? Chúng bắt nguồn từ vấn đề mình không làm chủ được tâm thức. Vậy thì phải kiểm soát tâm mình, và không để nó chịu sự ảnh hưởng của phiền não, mà phải được ảnh hưởng bằng những điều thiện hảo, tích cực.

Nếu muốn có khả năng hướng tâm vào những mục tiêu có tính xây dựng, thì phải giúp cho tâm linh hoạt và bền bỉ, để có thể áp dụng nó theo ý muốn, vào bất cứ điều gì mà mình muốn. Nếu muốn làm cho nó bền bỉ, thì phải sử dụng những quy trình luyện tâm khác nhau, nhờ thiền quán. Nhờ cách lặp đi lặp lại và quen thuộc với điều gì, thiền sẽ tạo ra những tâm trạng tích cực nào đó như một tập khí. Những trạng thái này sẽ giúp cho tâm linh hoạt, để mình có thể áp dụng nó trong những trạng thái xây dựng hơn nữa. Tuy nhiên, nếu như muốn làm điều này, thì tâm phải ổn định. Không cần biết mình sẽ lấy đối tượng hay tâm trạng nào làm đối tượng để chú tâm vào, nếu như không thể tập trung vào nó một cách ổn định, thì mình sẽ không thể làm quen với trạng thái này, và kết hợp nó như một phần trong tâm thức.

Ví dụ, nếu như đang cố gắng phát triển tập khí của lòng bi mẫn, thì tâm mình phải thật sự tập trung và ổn định trong trạng thái đó. Nếu như tâm hoàn toàn đắm chìm trong một cảm xúc, thái độ hay tâm trạng nói chung, thì nó sẽ tạo ra một mãnh lực to lớn, để an trú trong phương hướng đó. Khi đang cố gắng biến lòng bi thành một tập khí rất mạnh mẽ bằng cách hành thiền, thì khi những ý tưởng về vô thường hay khổ và những vấn đề khác phát sinh, dù những ý nghĩ như vậy có thể giúp ích về mặt lý thuyết, nhưng vào thời điểm đặc biệt này, khi mình đang cố gắng chú tâm vào lòng bi mẫn, thì những điều này sẽ trở thành chướng ngại. Phải đắm chìm tâm trong đó, và hoàn toàn nhập định, nhất điểm, vào đối tượng của thiền.

Trước khi có thể đắm mình và định tâm trong trạng thái mà mình muốn tạo dựng như một tập khí tích cực, thì trước tiên, phải xác định bản chất của tâm trạng đó. Phải biết nó là gì một cách đúng đắn và đích xác. Chỉ dựa vào cơ sở của nhận thức mạnh mẽ và xác định trạng thái này, mà mình mới có thể cảm thấy tự tin, để đắm chìm tâm thức trong đó. Tương tự như vậy, thì phải tự tin mạnh mẽ vào nhu cầu phát triển tâm trạng đó. Hãy xem ví dụ về lòng bi mẫn. Với thiền quán (phân tích), thì trước đó, phải nghĩ rằng: “Lòng bi mẫn là điều mà tôi chắc chắn phải phát triển, vì lý do này và lý do kia.”. Khi đã xem xét tất cả các lý do để phát triển nó, thì ta sẽ phát triển một niềm tin rất mạnh mẽ, tự tin vào lòng bi mẫn. Chỉ khi đó thì mình mới có thể định tâm hoàn toàn trong đó, trong thời thiền định, và biết rằng nó rất hữu ích.

Bản văn bàn luận về lợi ích của việc hành thiền ba thời vào ban ngày, và ba thời vào ban đêm. Cũng cần phải sống ở một nơi cô lập và yên tĩnh trong các thời thiền, và hậu thiền. Nếu như mình nghe những tiếng động lớn và phiền nhiễu, và phiền não phát sinh, thì ta sẽ buồn bực, và không thể tập trung một cách đúng đắn. Ngoài ra, như tôi có nói với chư Tăng Ni, nói chung thì phải quan tâm đến tâm trạng của mình. Về điều này thì bản văn cũng nói rằng một hoàn cảnh khác, có lợi cho việc hành thiền, là không ăn vào ban đêm. Tất nhiên, nếu như thấy cơ thể không có đủ dinh dưỡng, và cảm thấy rất yếu ớt, khi không ăn sau bữa trưa, thì đó lại là một vấn đề khác. Chúng ta phải xem xét thực trạng thể chất của mình. Tuy nhiên, nếu như có thể, thì việc hành thiền sẽ thuận lợi hơn, nếu như không ăn vào ban đêm. Giải thích chi tiết hơn về điều này có thể được thấy trong hai tác phẩm Lam-rim của Tông Khách Ba.

Pháp Tu Sơ Khởi: Kiếp Người Quý Báu

Điểm đầu tiên trong bảy điểm luyện tâm là pháp tu sơ khởi, đó là nền tảng hỗ trợ. Đó là việc tư duy về:

  • Kiếp người quý giá
  • Cái chết và vô thường
  • Luật nhân quả, hay nghiệp
  • Những nỗi khổ, hay luân hồi

Bây giờ, bản văn nói về pháp tu sơ khởi đầu tiên, đó là kiếp người quý giá. Trước tiên, phải nhận thức tám tự do và mười thuận lợi. Tự do, hay nhàn nhã, là những trạng thái tự do, tạm thời thoát khỏi tám tình huống thiếu tự do.

[Ghi chú: Trong số tám tình huống thiếu tự do, ngăn cản việc tu tập Pháp, thì bốn tình huống phi nhân là tái sinh thành:

  • một chúng sinh trong địa ngục (mắc kẹt trong cõi vô hỷ) 
  • ngạ quỷ
  • súc sanh
  • một vị trời (một đấng thiêng liêng có thọ mạng lâu dài)

Bốn tình huống không có tự do của con người là tái sinh như: 

  • một người man rợ, ở biên địa hoang vu
  • ở nơi không có giáo pháp
  • có khuyết tật vì tâm trí trì độn
  • có tà kiến, phủ nhận những điều là sự thật.

Trong số mười tình huống thuận lợi, hỗ trợ cho việc tu tập Pháp, thì năm tình huống cá nhân là được tái sinh:

  • làm người
  • sinh ra ở trung thổ, có Phật pháp
  • có đầy đủ các căn
  • không phải gánh hậu quả vì đã phạm cực trọng nghiệp 
  • có tín tâm theo bản năng vào điều gì là sự thật  

Năm hoàn cảnh xã hội giúp cho việc tu tập Pháp là tái sinh:

  • vào thời điểm và ở nơi một vị Phật đã giáng thế
  • khi Phật đã thuyết Pháp
  • giáo pháp vẫn được duy trì 
  • có Tăng đoàn noi theo gương của Đức Phật
  • có những người hỗ trợ Tăng đoàn với lòng bi mẫn.]

Tình huống đầu tiên trong số những hoàn cảnh thiếu tự do này là có tà kiến. Những người nói ngược lại rằng khả năng thấu thị là điều bất khả dĩ - hay thậm chí không thấy khả năng được tái sinh vào một bối cảnh mà giáo pháp của Đức Phật có mặt ở đó – thì hoàn toàn không có khả năng theo đuổi việc tu tập Pháp, và đôi khi tuyệt vọng đến mức phải tự tử.

Rất may mắn là chúng ta đã không rơi vào những hoàn cảnh như vậy. Chúng ta khỏe mạnh, có một thân thể và trí thông minh lành mạnh để thấu hiểu mọi việc. Ví dụ như có một số người Tây phương có mặt ở đây với chúng ta, và theo tiếng Tây Tạng thì chúng ta gọi họ là “những người tóc vàng”, nhưng một số người có tóc đen, một số người tóc đỏ, và thậm chí có một số người bị hói! Và những người sinh ra ở Trung Quốc có thể không có cơ hội tu tập Pháp. Tuy nhiên, những người nước ngoài ở đây, dù đã sinh ra ở một quốc gia mà giáo pháp chưa có mặt ở đó, đã nghe nói về Pháp và những ưu điểm của Pháp, nên đã đến đây để học hỏi.

Có một điểm tranh luận ở đây là liệu những người đến từ nước Mỹ đã đến từ lục địa phía Bắc hay không. Nếu như có, thì họ sẽ chướng ngại rất nặng nề, nhưng đây là một điều nghi vấn. Theo Kinh điển thì những người từ lục địa phía Bắc không có quyền sở hữu và tài sản, nhưng ở nước Mỹ thì người ta có tâm chiếm hữu tiền của và vật chất rất mạnh mẽ! Dường như người dân ở Mỹ cũng rất quan tâm đến đạo Phật, bởi vì họ có nhiều người di dân từ những nơi như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, có cha mẹ theo đạo Phật. Cũng có nhiều người Mỹ đã tiếp xúc với Phật giáo Tây Tạng, và đã quan tâm về điều này.

Đây là tất cả những phần của việc bàn luận về một trong những tình huống thiếu tự do, mà kiếp người quý giá này đã thoát khỏi. Việc tái sinh với một thân thể như vậy là điều khó mà có được, và ngay cả khi đã tái sinh làm người, thì khả năng gặp được giáp pháp rất ít ỏi. Ngay cả khi đã gặp gỡ Pháp, nếu như mình có khiếm khuyết về mặt bị khuyết tật nghiêm trọng và tâm trí trì độn, thì sẽ mất đi cơ hội. Ngay cả khi không bị tật nguyền nghiêm trọng, thì chúng ta vẫn có khả năng sinh ra với tà kiến, và điều đó sẽ thật sự cản trở khả năng phát triển của mình.

Nếu như xem xét mỗi một hoàn cảnh thiếu tự do này, và nghĩ rằng: “Mình có thể dễ dàng sinh ra trong một tình trạng như vậy, và đã may mắn biết bao nhiêu, vì đã thoát khỏi điều này.”, thì đó là điều hữu ích. Khi tư duy rất mạnh mẽ về tình huống mà mình có tự do, thoát khỏi một điều kiện thiếu tự do, thì ta sẽ thấy rất hoan hỷ và nhẹ nhõm, như một phần của bài thiền này.

Trong số mười thuận lợi, thì việc sinh ra làm người ở trung thổ và v.v..., là những thuận lợi từ phía cá nhân mình. Ngoài ra, còn có những thuận lợi từ phía xã hội, chẳng hạn như sinh ra vào lúc một vị Phật đã giáng thế, khi giáo pháp đang hưng thịnh, vào lúc có các thí chủ bảo trợ và những người thực hành Pháp.

Hiện nay, tất cả chúng ta đều có tám hoàn cảnh tự do. Tuy có thể khó hội tụ tất cả các tiêu chuẩn của mười thuận lợi, nhưng quan trọng nhất là tám sự tự do hay nhàn nhã mà mình có được. Đó là lý do mà những tác phẩm khác nhau thường nói về thân người tự do, nhàn nhã cao quý này, bởi vì đây là điều mà tất cả chúng ta đều có được. Quan điểm của tất cả những điều này là nếu như đã có được cơ hội tuyệt vời này, kiếp người quý giá này, thì không thể lãng phí nó, mà phải tận dụng nó một cách tốt đẹp.

Làm thế nào để tận dụng thân người quý báu này? Những người từ lục địa phía Bắc không có sự nhàn nhã và tự do này, mà chỉ những người từ ba lục địa khác mới có được. Khi nghĩ về tầm quan trọng của nền tảng quý giá này mà mình có được, thì ta có thể đạt được tất cả các trạng thái tịnh hóa của bồ đề: cụ thể là trạng thái tịnh hóa của một vị A la hán, hay bậc giải thoát của hàng Thanh văn (shravaka) hay Duyên giác (pratyekabuddha), hay trạng thái tịnh hóa của một vị Phật. Thân người quý giá này là nền tảng để thành tựu bất cứ mục tiêu tâm linh cao cả nào. Ngoài thân người quý giá ra, thì không có nền tảng nào khác mà mình có thể phát bồ đề tâm mạnh mẽ. Thân người quý giá này là điều hoàn toàn quan trọng, để tu tập đường tu Mật tông, như bậc thầy vĩ đại Long Trí (Nagabodhi), một đệ tử của Long Thọ, đã giải thích trong khai thị về các giai đoạn của đường tu.

Kiếp người quý giá mà chúng ta có được trên lục địa này là một thân của nghiệp. Chúng ta sống trong vùng đất này của nghiệp, điều đó có nghĩa là dựa trên nhiều hành vi khác nhau, mà mình có thể có thọ mạng ngắn ngủi hơn, hay thọ mạng lâu dài hơn, và có thể đạt được nhiều điều trong kiếp này. Vì chúng ta được sinh ra ở vùng đất của nghiệp, lục địa phía Nam này, nên có thể đạt được điều gì trong kiếp này. Vì vậy nên kiếp người quý giá này là điều cực kỳ mạnh mẽ. Thêm vào đó, nếu như kiếp người quý giá của mình còn có tám phẩm chất thiện hảo, thì khi nghĩ về mỗi một nguyên nhân và bản chất của tám điều này, ta sẽ tăng cường khả năng để thành tựu tất cả những mục tiêu của mình. Việc có được tiềm năng như vậy, mà chỉ vứt nó đi, thì thật sự là một sự lãng phí, đúng không? Như thể mình có một bảo vật gia truyền bằng vàng quý giá, để sử dụng về mặt tài chánh, và giúp mình sinh sống, nhưng chỉ lãng phí nó. Đó sẽ là một tình huống đáng buồn.

[Ghi chú: Tám phẩm chất thiện hảo (rnam-smin-gyi yon-tan brgyad) đối với một kiếp người quý giá là:

  • có thọ mạng lâu dài
  • tướng hảo trang nghiêm
  • xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, hay đẳng cấp cao
  • giàu có
  • lời nói có uy tín
  • có oai lực và thế lực
  • có thân thể cường tráng, thể lực tốt, tâm thức hay ý chí mạnh mẽ
  • là nam nhân, có nghĩa là có nhiều cơ hội hơn, trong một xã hội truyền thống.

Khi đã chứng ngộ rằng việc lãng phí thân người quý giá này, thậm chí chỉ trong một sát na, sẽ là một sự mất mát cực kỳ to lớn, thì đây là việc thừa nhận kiếp người quý giá của mình. Kinh điển đề cập đến những ưu điểm lớn của kiếp người quý giá, như hạt giống, để phát triển đủ loại phẩm chất, và một viên ngọc lớn, đem lại cho mình tất cả những thành tựu. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior) thì Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng: “Nếu như đã có được một thời gian nghỉ ngơi như thế này, mà tôi không tạo ra tập khí tích cực, thì không có gì tự lừa dối mình hơn điều này, không có gì ngu ngốc hơn như vậy...). Khi đã có được một tái sinh lợi lạc rất khó tìm, nếu như (bây giờ), trong khi có khả năng phân biệt, mà tôi lại tự đọa mình vào một cõi vô hỷ, thì nó có nghĩa là mình không có đầu óc trong khi sống ở đây, giống như bị u mê, vì bùa mê của thần chú. Nếu như không biết thì điều gì khiến cho tôi trở nên ngu ngốc như thế, vậy thì (đầu) của mình chứa cái gì?”.

Lời trích dẫn này của Tịch Thiên thì tương tự như điều mà Thánh Dũng (Aryashura) đã nói: “Một khi đã có được cơ hội quý giá này, thì không được vứt bỏ nó, bởi vì nếu như mình rơi vào một trạng thái không thể chịu đựng nổi, giống như một chúng sinh mắc kẹt trong cõi địa ngục vô hỷ, thì sẽ không có cơ hội để cải thiện tình trạng của mình.”. Vì vậy, phải nghĩ rằng mình đã may mắn như thế nào, khi đang ở trong hoàn cảnh mà ta có thể làm điều gì về những điều sẽ xảy ra với mình.

Nếu như thân người quý giá này, với tám tự do và mười thuận lợi, là điều dễ có được nhiều lần, thì sẽ không quá đau buồn. Giống như một đứa trẻ, chúng ta có thể nghĩ rằng: “Nếu mình không có được nó ngay hôm nay hoặc ngày mai, thì sớm muộn gì cũng sẽ có được nó thôi.”. Nếu như vấn đề là như vậy, thì lại là một chuyện khác. Nhưng thực tế là kiếp người quý giá vô cùng hiếm hoi, và khó mà có được. Nếu muốn hiểu điều này, thì trước tiên, mình phải xem xét nhân và quả - nếu như nhân không hiếm hoi, thì quả cũng không hiếm hoi. Nhưng bản thân các nguyên nhân thì rất hiếm hoi.

Triết lý cơ bản và quan điểm của đạo Phật là vạn pháp sinh khởi phụ thuộc vào những pháp khác: tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ những nguyên nhân. Một kiếp người quý báu không phải là điều gì bắt nguồn từ không khí mỏng manh, mà là kết quả của các nguyên nhân. Con người bắt nguồn từ tinh trùng và trứng của cha mẹ của họ, và những người này cũng bắt nguồn từ tinh trùng và trứng trước đó, và cứ thế, tất cả đều đi trở lại, xuyên qua quá trình tiến hóa. Chúng sinh được phát triển trong một môi trường phôi thai, trong một vũ trụ đang sinh khởi, mà chính nó cũng đã bắt nguồn từ một thời kỳ trước, khi một vũ trụ như vậy chưa tồn tại. Do đó, trải qua các chu kỳ tiến triển từ những chu kỳ thậm chí đã có mặt sớm hơn, thì tất cả những kết quả này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phù hợp với nghiệp lực đa dạng của những chúng sinh khác nhau. Giống như những dạng sống đa dạng trong vũ trụ bắt nguồn từ những nguyên nhân, thì điều tương tự cũng áp dụng đối với những dòng tâm thức riêng rẽ của chúng ta, và những dạng sống mà chúng khoác lấy. Những hành vi mà mình đã thực hiện trong quá khứ, đã tạo ra những lần mà mình đã sinh ra, như kết quả của những hành động ấy. Và những gì ta làm trong kiếp này, sẽ quyết định những tái sinh trong tương lai của mình.

Dòng tâm thức của mình không luôn luôn giống nhau. Nó sẽ khác biệt, khi mình là một cư sĩ, là một vị Tăng hay Ni đã thọ giới. Chư Tăng Ni có một mối quan tâm đặc biệt đối với việc cống hiến cả đời cho giáo pháp. Và điều gì sẽ tạo ra một vị Tăng hay Ni? Đó là ảnh hưởng của giới nguyện trong dòng tâm thức của họ, những pháp tu, việc kềm chế những hành vi khác nhau v.v..., bắt nguồn từ chư Phật. Điều này xảy ra qua một quá trình của các nguyên nhân. Chẳng hạn như một vị Tăng có thể nghĩ rằng: “Dù là một nhà sư, mình đang noi theo một số giới luật nào đó, nhưng nếu như tâm bị mê muội vì phiền não, thì ta sẽ lãng phí cơ hội này.”. Do đó, phải sử dụng thời gian và cơ hội mà mình có được một cách đúng đắn. Ngay khi vừa thức dậy vào buổi sáng, thì hãy cầu nguyện và trì tụng. Nếu như tâm bắt đầu sao lãng, thì hãy cố gắng đưa nó trở lại với pháp tu. Không thể đánh mất cơ hội - ngay cả khi mình phải tát vào mặt, để trở lại đề tài thiền quán!

Điều mà chúng ta đặc biệt muốn thoát khỏi là việc sân hận. Như ngài Tịch Thiên đã nói trong Nhập Bồ Tát Hạnh, nếu như mình tức giận với người khác, thì sẽ phá  hủy tất cả công đức mà ta đã tích tập trong dòng tâm thức của mình. Ngài Tịch Thiên cũng nói rằng có rất nhiều nguyên nhân tạo ra sân hận, bởi vì ta không chỉ tức giận với người làm mình khó chịu, mà còn thiếu kiên nhẫn với tiếng chim hót lớn! Chúng ta dễ bực bội một cách không cần thiết, đến mức phải cẩn thận, để nhận ra xu hướng này đối với tâm sân hận. Khi hấy điều gì không cát tường, thì mình sẽ bực bội! Những con chó làm cho ta giật mình thức dậy giữa đêm, và mình sẽ tức giận với chúng, vì đã không để cho mình ngủ yên! Tuy nhiên, so với những người cộng sản Trung Quốc, những người cố gắng biện minh cho việc giết chóc, tra tấn và gây đau khổ cho mọi người, thì chúng ta không quá tệ hại. Ít nhất là mình đã nỗ lực để theo đạo, làm việc tốt, và noi theo chánh đạo.

Chúng ta có thể đã tu học, rồi cảm thấy rất kiêu hãnh, nghĩ rằng “Tôi hiểu kinh sách rất rõ ràng, tôi là một giảng sư tuyệt vời, và có thể gánh vác mọi sự - tôi sẽ giảng dạy cho tất cả mọi người.”. Nếu như có lòng tự hào như vậy, đặc biệt là nếu động lực thuyết Pháp là để kiếm thật nhiều tiền và được nổi tiếng, thì sẽ hoàn toàn lãng phí việc tu học của mình. Tất cả những điều này sẽ vô nghĩa. Những người không noi theo đường tu một cách đúng đắn thì giống như một con lừa kiệt sức, nên dừng lại dọc đường, và không thể di chuyển, hay tiến bộ hơn nữa.

Người Trung Quốc là những người không theo tôn giáo nào, và chỉ trích lẫn nhau, không tệ hại như một số người trong chúng ta, tuy đang đắp y, và đáng lẽ phải là người hành trì các pháp tu, nhưng lại tốn thời giờ chỉ trích nhà sư ở bên trái đã làm việc này hay việc kia, và nhà sư ở bên phải đã làm việc nọ. Việc hành xử như vậy tạo ra nhiều ác nghiệp hơn nhiều, so với người Trung Quốc, những người cũng làm những điều như vậy, nhưng không theo một tôn giáo nào.

Nếu không tích tập nhân trong kiếp này, để có được kiếp người quý giá trong tương lai, thì sẽ khó mà có được một tái sinh như vậy nữa. Chúng ta có thể xem xét tính hiếm hoi của nó về cả bản chất và số lượng, chẳng hạn như thực tế là có nhiều côn trùng hơn con người, ví dụ vậy. Ngay cả khi không tính những chúng sinh trong địa ngục và ngạ quỷ, vì mình không thể nhìn thấy chúng, nhưng vẫn không thể đếm đúng số động vật và côn trùng trên thế giới này. Thế thì từ quan điểm về số lượng của chúng sinh trong mỗi dạng sống, ta có thể thấy rằng số lượng những người có kiếp người quý báu thì rất nhỏ nhoi.

Dân số toàn cầu được ước đoán là 4.8 tỷ người. Có bao nhiêu người trong số này có được kiếp người quý giá hội đủ điều kiện, cả về số liệu thống kê và nguyên nhân? Phải tự hỏi rằng liệu mình có thật sự có đầy đủ nhân duyên, để đạt được một kiếp người quý giá hay không. Khi tư duy như vậy, thì ta có thể đánh giá cao thử thách về việc có rất ít tái sinh làm người quý giá, và việc tích lũy các nguyên nhân để đạt được một kiếp người như vậy thì khó khăn như thế nào.

Đối với việc thiết lập giáo pháp, thì nó đã được tạo ra, không phải vì lợi ích của chư Phật, mà vì lợi lạc của những người muốn được hạnh phúc, và không muốn khổ đau, những chúng sinh như chúng ta. Và giáo pháp đã được giảng dạy, để giúp ta khống chế và điều phục tâm thức của mình. Đâu là những tình huống thuận lợi cho việc này? Nếu như mình có được hoàn cảnh bên ngoài, như có một đạo sư hội đủ trình độ, và hoàn cảnh bên trong của một kiếp người quý giá, thì sẽ có khả năng tiến bộ, và đạt được những mục tiêu này. Nếu như nghĩ xa hơn, từ mức độ sâu sắc hơn, về mặt Phật tánh, thì quả thật chúng ta có tất cả những yếu tố thiết yếu, sẽ cho phép mình phát triển đầy đủ thành Phật. Với tất cả các nền tảng, nguyên nhân và hoàn cảnh có mặt ở đây, thì không có lý do gì chúng ta lại không thể đạt được mục tiêu của mình. Lời khuyên răn không nên lãng phí thời gian này là điều mình phải chú ý ngay bây giờ, không phải là “năm tới”, hay trong tương lai mơ hồ nào đó. Chúng ta không thể lãng phí khoảnh khắc này! Đó là vì đời sống có thể khá ngắn ngủi, và cách tốt nhất để tận dụng kiếp người quý báu của mình là phát bồ đề tâm.

Vậy thì hãy quán chiếu một cách sâu sắc về kiếp người quý giá và hiếm hoi như thế nào. Hãy quyết tâm và dứt khoát sử dụng nó một cách tốt nhất theo khả năng của mình, cầu nguyện và thỉnh cầu, để ta có thể thực hiện điều này, bằng cách phát bồ đề tâm. Điều này đã hoàn tất pháp tu sơ khởi đầu tiên.

Top