Thời Thơ Ấu và Sự Từ Bỏ Cuộc Sống Vương Giả
Đức Vua Kalyana Hiền Đức và Hoàng Hậu Prabhavati Rạng Rỡ sống trong Cung Điện Phướn Vàng (Golden Banner Palace), tại thành phố Bangala, thuộc vùng đất Jahor, phía Đông Ấn Độ. Hoàng cung được che phủ với mười ba mái vòm bằng vàng, mái này chồng lên mái kia, và được trang trí một cách nguy nga lộng lẫy với 25.000 phướn vàng. Xung quanh hoàng cung là vô số công viên, hồ và những khu vườn xinh đẹp. Vương quốc này giàu có như những triều đại giàu sang cổ xưa của Trung Quốc.
Cặp vợ chồng vương giả có được ba người con trai, Padmagarbha, Chandragarbha và Shrigarbha. Chính hoàng tử thứ hai sau này lớn lên trở thành bậc thầy lừng lẫy của chúng ta, đó là ngài A-Đề-Sa, (Jo-bo rje dPal-ldan A-ti-sha) (982-1054 sau Công Nguyên).
Khi ngài A-Đề-Sa được mười tám tháng, song thân của ngài đã tổ chức buổi ra mắt đầu tiên của ngài với công chúng tại ngôi đền địa phương, Kamalapuri. Ngài đảnh lễ các vật thờ phụng bên trong đền mà không cần có sự hướng dẫn nào cả và tự động khấn nguyện rằng, "Nhờ lòng từ bi của song thân mà con có được thân người quý giá, có được dịp may nhìn thấy tất cả các chư vị tôn quý. Con sẽ luôn quy y với các ngài (chọn phương hướng an toàn cho cuộc đời mình bằng cách nương tựa nơi chư vị).” Khi được giới thiệu với quần thần bên ngoài, ngài cầu nguyện cho mình đạt được tiềm năng trọn vẹn, để đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Ngài cũng cầu nguyện sẽ được mặc chiếc y của người xuất gia tầm đạo, nguyện không bao giờ kiêu hãnh, luôn có lòng bi mẫn và quan tâm yêu thương người khác. Đây thật là điều lạ thường nhất đối với một đứa trẻ còn nhỏ như vậy.
Khi lớn tuổi hơn, niềm mong ước được trở thành một khất sĩ của ngài A-Đề-Sa càng mạnh mẽ hơn, nhưng phụ mẫu của ngài lại có những kỳ vọng khác. Trong số ba người con trai của họ thì ngài là người sáng dạ nhất, và những điềm lành lúc ngài sanh ra khiến họ chắc chắn rằng chính ngài sẽ là người kế vị ngôi vua. Vì vậy, khi cậu bé lên mười một tuổi, tuổi lập gia đình theo phong tục lúc đó, họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chọn một cô dâu cho ngài.
Vào đêm hôm trước lễ cưới, Đức Bổn Tôn Tara (yidam) hiện ra một cách sống động trong một giấc mơ của ngài A-Đề-Sa. Người nói rằng ngài đã từng là một khất sĩ liên tục trong 500 kiếp, vì thế ngài không nên bị lôi cuốn vào bất kỳ thú vui phù du nào của thế giới này. Đức Tara giải thích rằng người bình thường dính mắc vào những thú vui đó thì còn tương đối dễ giải cứu, họ giống như một con dê bị lọt vào vùng cát lún. Nhưng đối với một hoàng tử vương giả thì sẽ như là một con voi khó mà thoát ra được. Cậu bé không nói cho ai biết về giấc mơ này, nhưng khéo léo đưa ra những lý lẽ khác để tránh cuộc hôn nhân.
Quyết chí đi tìm một vị thầy tâm linh, nhưng lại nói với song thân là ngài muốn đi săn, bấy giờ ngài A-Đề-Sa rời khỏi cung điện với 130 kỵ sĩ. Đầu tiên, trong một khu rừng, ngài gặp vị thánh nhân Jetari, một người thuộc đẳng cấp thầy tu Bà la môn và đang sống như một Phật tử ẩn dật. Từ vị này, chú bé chính thức được quy y và thọ bồ tát giới. Sau đó, vị thánh nhân này gửi ngài đến Tu Viện Na-lan-đà (Nalanda) và vị thầy tâm linh Bodhibhadra.
A-Đề-Sa lên đường ngay tức khắc với tất cả các kỵ sĩ của mình, và ở đó, một lần nữa, ngài thọ bồ tát giới và giáo huấn từ thầy Bodhibhadra. Kế đó, ngài được hướng dẫn đến ngài Vidyakokila cao quý để thọ nhận thêm chỉ giáo, và ngài tiếp tục cuộc hành trình để đến với bậc thầy nổi tiếng Avadhutipa. Vị thầy này khuyên cậu bé A-Đề-Sa nên trở về nhà, cư xử tôn kính với mọi người, nhưng hãy cố quan sát những chướng ngại của cuộc sống xa hoa, rồi sau đó trình lại cho thầy.
Song thân của A-Đề-Sa vui mừng khi gặp lại ngài, nghĩ rằng cuối cùng rồi ngài cũng ổn định cuộc sống, lấy vợ và chuẩn bị nắm vương quyền trong tương lai. Tuy nhiên, A-Đề-Sa lại nói cho họ biết rằng thật ra là ngài đã đi tìm một người thầy tâm linh để chỉ dẫn hướng đi cho mình. Ngài thú nhận rằng tất cả những gì ngài mong muốn là có một cuộc sống yên tĩnh, trầm mặc và xin được phép rời bỏ bổn phận làm hoàng tử của mình.
Sửng sốt khi nghe những lời ngài nói, song thân ngài đã cố khuyên can ngài đừng bỏ đi. Họ bảo ngài có thể kết hợp cả hai cuộc sống, và đề nghị cho xây dựng những tu viện gần cung điện để cho ngài học tập, nuôi người nghèo và vân vân. Họ nài nỉ ngài đừng trở lại khu rừng, nhưng A-Đề-Sa nói với họ là ngài không có một chút thích thú nào với đời sống vương giả. Ngài nói: "Đối với con, cung điện vàng này không khác gì một nhà tù. Cô công chúa mà phụ vương mẫu hậu đề nghị cho con thì không khác gì con gái của ma quỷ, thức ăn ngọt ngào cũng không khác gì thịt thối rữa của một con chó, những quần áo bằng sa tanh và các châu báu này không khác gì giẻ rách trong đống rác. Từ ngày hôm nay trở đi, con quyết định sống trong rừng và học tập dưới chân thầy Avadhutipa. Những gì con muốn xin là một ít sữa, mật ong và đường nâu, và con sẽ lui gót cáo từ."
Song thân của ngài không thể làm gì hơn ngoài việc đồng ý thỉnh cầu của ngài và thế là A-Đề-Sa trở lại khu rừng với những lương thực được cung cấp và một đoàn tùy tùng đông đảo gây trở ngại mà song thân ngài một mực van nài để cho họ hộ tống ngài. Thầy Avadhutipa bấy giờ gửi vị hoàng tử trẻ đến thầy Rahulagupta ở núi Hắc Sơn, để bắt đầu thực hành mật điển. A-Đề-Sa đến đây cùng với toàn bộ kỵ sĩ của ngài và thưa với vị đạo sư kim cang là ngài đã tu học với nhiều vị thầy, nhưng vẫn chưa thể giũ sạch được sự câu thúc của cuộc sống vương giả. Thầy Rahulagupta ban cho ngài quán đảnh đầu tiên để đi vào thực hành Hevajra, một bổn tôn (yidam) để kết nối với tâm ngài. Sau đó thầy gửi ngài trở về cung điện với tám môn đồ của mình, bốn nam và bốn nữ, mặc quần áo thô sơ với đồ trang sức bằng xương của những vị đại thành tựu giả, là những vị tri thức tinh thông với chứng ngộ thật sự.
Trong suốt ba tháng, A-Đề-Sa lưu lại ở vùng ngoại ô của cung điện với những người bạn mới xa lạ có hành vi cư xử hoàn toàn trái với thông lệ và thái quá. Cuối cùng, song thân ngài buộc phải từ bỏ mọi hy vọng đối với đứa con trai quý báu của mình. Nghĩ rằng ngài đã bị mất trí, họ hoàn toàn cho phép ngài ra đi cùng với những người bạn trông rất ư là ghê tởm và đây là lần ra đi vĩnh viễn.
Tu Học ở Ấn Độ và ở Tiểu Đảo Vàng
A-Đề-Sa ngay tức khắc quay về với thầy Avadhutipa của mình, và thời gian từ hai mươi mốt đến hai mươi lăm tuổi, ngài chuyên tâm tu học quan điểm về thực tại của phái Trung Quán. Trong giai đoạn này, ngài cũng tu học với nhiều vị thầy có thành tựu cao cả khác và trở nên cực kỳ thông thạo mọi hệ thống hành trì mật điển. Trên thực tế, ngài cũng có phần tự hào về học vấn uyên bác của mình, cảm thấy mình đã tinh xảo về các bí pháp hộ tâm và cho rằng mình đã quán triệt hết mọi kinh văn của các bí pháp này. Nhưng rồi ngài nhận một linh kiến thanh tịnh của một dakini (không hành nữ), một thiên nữ có những hoạt động không bị vô minh ngăn trở. Trên tay vị dakini cầm nhiều quyển sách chứa đựng những giòng suối bất tận của các hệ thống mật điển này. Vị dakini nói với ngài, "Ở quốc thổ của ông chỉ có một vài kinh văn như vậy thôi, còn ở cõi của chúng tôi thì có rất nhiều". Sau sự kiện này, niềm kiêu hãnh của ngài đã giảm bớt.
Một ngày nọ, ngài quyết định ra đi và cống hiến tất cả năng lực của ngài cho việc hành trì mật điển để chứng ngộ được tiềm năng toàn vẹn nhất ngay trong cuộc đời này. Rahulagupta, đạo sư kim cang của ngài bèn xuất hiện trong giấc mơ và khuyên bảo ngài không nên làm như vậy, rằng ngài đừng rời bỏ mọi người mà hãy trở thành một khất sĩ. Ngài nên tiếp tục hành trì đều đặn như thế này và sẽ đạt được giác ngộ hoàn hảo khi thời hạn đến. Vì vậy, ở tuổi hai mươi chín, ngài A-Đề-Sa đã nhận từ vị trưởng lão kiên định, ngài Shilarakshita, chiếc y của người xuất gia tầm đạo và được ban cho pháp danh Dipamkara Jnana, nghĩa là "Người có Trí Tuệ Sáng Suốt như một Ngọn Đèn”.
Trong thời gian mười hai năm đầu, sau khi đắp y, ngài A-Đề-Sa tu học tại Tu Viện Odantapuri với bậc thầy vĩ đại Pháp H (Dharmarakshita), tác giả của bản văn nổi tiếng lojong (blo-sbyong, luyện tâm) về cách thuần tịnh thái độ của chúng sanh, Pháp Luân của Vũ Khí Sắc Bén (The Wheel of Sharp Weapons). Họ tập trung hết vào Tiểu thừa hay các phạm vi tâm trung bình làm cỗ xe dẫn đến sự giải thoát, nhưng ngài A-Đề-Sa luôn cảm thấy không thỏa mãn. Ngài mong mỏi tìm được con đường nhanh nhất để chứng ngộ tiềm năng toàn vẹn của mình.
Đạo sư kim cang Rahulagupta nói với ngài rằng: "Vấn đề không phải là con đã nhận được bao nhiều linh kiến thanh tịnh, mà con phải rèn luyện để phát triển lòng quan tâm yêu thương, bi mẫn, và bồ đề tâm hồi hướng hoàn toàn vì lợi ích của chúng sanh, để đạt được giác ngộ". Đạo sư khuyên ngài hãy toàn tâm toàn ý gắn bó với Đức bổn tôn Quán Thế Âm, nối kết tâm mình với bổn tôn và tu tập để giác ngộ thì ngài mới có thể giải thoát mọi người ra khỏi luân hồi, vòng tái sanh thiếu sự khống chế. Chỉ khi đạt được thành tựu này thì ngài mới chứng ngộ được tiềm năng trọn vẹn của mình.
Tại Vajrasana, Kim Cang Pháp Tòa, ở tân Bồ Đề Đạo Tràng, trong khi đi nhiễu quanh tượng đài đại bảo tháp xá lợi để bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật, ngài A-Đề-Sa nghe thấy hai bức tượng thì thầm với nhau trong một hốc tường ở phía trên đầu mình. Bức này hỏi bức kia: "Nếu ông ước muốn đạt đến giác ngộ nhanh nhất thì ông nên tu tập pháp gì?" Câu trả lời là: "Một tấm lòng tận tụy với bồ đề tâm.” Và trong khi A-Đề-Sa đi nhiễu quanh vòm của tượng đài bảo tháp, thì một bức tượng Phật, Đức Thế Tôn, nói với ngài rằng: "Này vị khất sĩ, nếu ông mong muốn chứng ngộ tiềm năng toàn vẹn của mình một cách nhanh chóng thì hãy rèn luyện lòng từ ái, bi mẫn và bồ đề tâm.”
Lúc bấy giờ, bậc thầy nổi tiếng nhất nắm giữ toàn bộ những giáo huấn về cách phát triển tâm bồ đề là ngài Pháp Xứng, Bậc Thầy Siêu Phàm ở Suvarnadvipa, Tiểu Đảo Vàng. Vì vậy, cùng với một nhóm 125 vị tăng uyên bác, ngài A-Đề-Sa bắt đầu lên đường trên một thương thuyền đi về hướng Tiểu Đảo Vàng, tân Sumatra. Vào thời đó, một chuyến du hành dài ngày trên đại dương không phải là một chuyện dễ dàng và họ đã có một chuyến đi cực kỳ khó khăn với giông tố, cá mập và bị lạc hướng. Phải mất mười ba tháng gian khổ mới hoàn tất được cuộc hải trình, nhưng ngài A-Đề-Sa không hề nản lòng trong suốt chuyến đi.
Cuối cùng thì họ cũng vào được bờ. Ngài A-Đề-Sa không đi ngay đến gặp bậc thầy nổi tiếng, thay vì vậy, trong suốt hai tuần liền, ngài lại ở cùng với nhóm môn đồ của vị thầy này. Ngài tìm cách gợi chuyện với họ để lấy thông tin về người thầy của họ và nhất là toàn bộ tiểu sử của vị thầy này. Điều đó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu thấu đáo về một bậc thầy tâm linh và phối kiểm trình độ của vị thầy ấy trước khi ta đến tu học với họ.
Trong lúc đó, Vị Thầy Siêu Phàm ở Tiểu Đảo Vàng đã nghe về chuyến đi tầm sư học đạo của vị tăng uyên bác và các khất sĩ đồng hành của ông từ Ấn Độ. Vị thầy triệu tập cộng đồng tăng chúng của mình lại để chuẩn bị đón chào và khi ngài A-Đề-Sa đến, họ đã cùng nhau thực hiện nhiều buổi lễ long trọng mang lại sự cát tường cho tương lai. Vị thầy cũng tặng cho ngài A-Đề-Sa một tượng Phật và tiên đoán rằng một ngày nào đó, ngài sẽ điều phục tâm thức của cư dân ở vùng Đất Tuyết phương Bắc.
Ngài A-Đề-Sa ở lại Tiểu Đảo Vàng mười hai năm, say sưa học tập với vị thầy này. Đầu tiên ngài nghiên cứu Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (mNgon-rtogs rgyan, Skt. Abhisamaya-alamkara), những chỉ giáo của Đức Di Lặc Toàn Thắng để thấu hiểu lời dạy của Đấng Toàn Trí trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Sher-phyin-gyi mdo, Skt. Prajnaparamita Sutra). Ngài dần dần lãnh hội toàn bộ những lời dạy về hành vi rộng lớn từ dòng truyền thừa của Đức Di Lặc và Vô Trước, cũng như những lời dạy của dòng truyền thừa đặc biệt về pháp tu hoán chuyển tâm vị kỷ thành sự quan tâm đến tha nhân mà Bồ Tát Tịch Thiên (Shantideva), người con tâm linh của Đấng Chiến Thắng, đã thọ nhận trực tiếp từ chính Đức Văn Thù Sư Lợi cao quý và toàn hảo. Sau khi chứng đắc hoàn toàn bồ đề tâm qua những phương pháp này, ngài A-Đề-Sa trở về Ấn Độ lúc bốn mươi lăm tuổi, và sau đó hầu hết thời gian, ngài đã sống ở tu viện Vikramashila.
Tổng cộng, ngài A-Đề-Sa đã được tu học với 157 bậc thầy vĩ đại. Tuy nhiên, ngài có sự kính trọng đặc biệt với vị thầy cao quý ở Tiểu Đảo Vàng và những phương pháp thầy truyền đạt đến nỗi mỗi khi ngài nhắc đến hoặc nghe tên thầy, thì nước mắt ngài lại dâng trào. Sau này, các đệ tử người Tây Tạng của ngài hỏi như vậy có phải là ngài ưa thích vị thầy này nhiều hơn với các vị thầy khác không, ngài A-Đề-Sa trả lời, “Ta không có sự phân biệt nào giữa các vị thầy tâm linh của mình, nhưng vì nhờ lòng tốt của vị thầy siêu phàm ở Tiểu Đảo Vàng mà ta đạt được tâm an lạc và lòng tận tụy với bồ đề tâm.”
Mời Ngài A-Đề-Sa đến Tây Tạng
Sau khi trở về Ấn Độ, ngài đã ba lần đánh bại những kẻ ngoại đạo cực đoan trong những cuộc tranh luận chính thức, gìn giữ và bảo vệ Giáo Pháp thiêng liêng của Đấng Chiến Thắng. Đi tới đâu ngài cũng sáng lập nhiều học viện trong cộng đồng Phật giáo, và bất cứ khi nào ngài thấy có dấu hiệu thoái hóa hoặc thực hành sai lạc, ngài sẽ chỉnh đốn những vấn đề này ngay lập tức. Danh tiếng của Ngài trải rộng khắp Ấn Độ. Nhờ lòng bi mẫn và tuệ giác của mình, Ngài được tôn kính như viên ngọc toàn hảo của các bậc thầy uyên bác. Tuy vậy, lợi ích vĩ đại nhất mà ngài đã trao tặng, lại dành cho người dân Tây Tạng của Vùng Đất Tuyết.
Mặc dù Giáo Pháp của Đức Phật đã du nhập vào Tây Tạng từ vài thế kỷ trước, với nhiều nỗ lực, chủ yếu là từ Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Gu-ru Rin-po-che Pad-ma ‘byung-gnas) và một số vị khác, nhưng thời kỳ đầu đã phải chịu rất nhiều thất bại, do sự đàn áp của Vua Langdarma (Glang-dar-ma) (863 – 906 sau Công Nguyên). Tây Tạng chỉ còn lại một số ít hành giả, rồi về sau thì nhiều điểm trong Giáo Pháp không còn được hiểu một cách đúng đắn. Nhiều người cảm thấy việc thực hành giới luật và hành trì mật điển là hai điều hoàn toàn riêng biệt, và cho rằng họ có thể đạt được giác ngộ bằng sự say sưa với rượu và các hành vi tình dục không đúng đắn. Có những người lại tin rằng những điều trái ngược như vậy là lời dạy của Tiểu thừa và Đại thừa, và sẽ tuần tự đưa họ đến giải thoát và giác ngộ.
Buồn phiền trước tình trạng thoái hóa như vậy, vị Vua Tây Tạng là Yeshey-wo (Ye-shes ‘od) hết sức mong mỏi mời được một bậc thầy uyên bác từ một trong các tu viện lớn ở Ấn Độ đến Tây Tạng để làm sáng tỏ những ngộ nhận này. Không biết gì về ngài A-Đề-Sa, nhà vua phái hai mươi mốt thanh niên sang Ấn Độ học tiếng Phạn và tìm kiếm một bậc thầy xứng đáng. Ngoại trừ hai người chết vì khí hậu nóng bức, những người còn lại tuy không mời được vị đạo sư nào, nhưng họ đã học được ngôn ngữ này, và hai nhà phiên dịch mới là Rinchen-zangpo (Rin-chen bzang-po) (958 – 1051 sau Công Nguyên) và Legshay (Legs-bshad) quay về gặp nhà vua và tấu trình lên ngài về đạo sư A-Đề-Sa.
Khi nghe tên của ngài A-Đề-Sa, nhà vua quyết định ngài chính là người mà ông cần. Không chậm trễ, nhà vua phái nhóm thứ hai gồm chín người, dẫn đầu là Gyatsonseng (rGya brtson-‘grus seng-ge), đem theo nhiều vàng để đi mời bậc thầy này. Tuy nhiên, tám người đồng hành với Gyatsonseng cũng qua đời và vì không mời được A-Đề-Sa, Gyatsonseng tiếp tục ở lại Ấn Độ. Khi tin thất bại lần thứ hai đến tai Vua Yeshey-wo, ông quyết định tự mình dẫn theo một đoàn người và thu gom thêm vàng cho một chuyến đi nữa. Tuy nhiên, trong chuyến đi này, ông bị vị Vua đối địch là Garlog (Gar-log, Qarlug) bắt giữ tại biên giới Nepal, vì Vua Garlog muốn ngăn cản việc truyền bá đạo Phật rộng rãi hơn vào Tây Tạng.
Cháu của Vua Yeshey-wo là Jangchub-wo, nhận được tin yêu cầu ông phải từ bỏ chuyến đi sang Ấn Độ, hoặc là phải chuộc con tin bằng một số vàng cùng kích thước với thân thể của ông chú. Người cháu đi khắp vương quốc nhưng chỉ thu được số vàng tương đương với phần thân và tay chân của nhà vua mà thôi. Ông không thể gom thêm đủ vàng cho phần đầu của ông chú. Khi Vua Garlog yêu cầu phải nộp đủ tiền chuộc, người cháu xin cho phép được gặp chú của mình.
Người cháu được đưa đến một xà lim tối tăm rào bằng những chấn song sắt. Ông giải thích tình hình cho người chú đang bị xiềng và rất ốm yếu, nói rằng sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đủ chỗ vàng còn lại. Người cháu bảo với người chú rằng, “Xin chú đừng từ bỏ hy vọng, vì cháu sẽ gom cho đủ tiền chuộc. Cháu có thể gây chiến với vua Garlog, nhưng rồi nhiều người sẽ bị giết. Tốt nhất là mua lại tự do cho chú.”
Vị vua già trả lời, “Cháu ơi, ta chưa bao giờ nghĩ rằng cháu giàu lòng từ bi và khôn ngoan như thế. Ta hài lòng là cháu đã hiểu tội ác của việc gây bạo động, nhưng bây giờ cháu hãy quên ta đi. Thay vì dùng vàng để cứu mạng ta, hãy dùng tất cả số vàng cháu thu góp được để lo mời cho được vị đại sư A-Đề-Sa sang Tây Tạng. Trong những kiếp trước, ta cũng đã từng chết biết bao nhiêu lần rồi, nhưng ta dám chắc rằng trước đây, ta chưa bao giờ được hy sinh thân mình cho Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng. Nay ta rất sung sướng được thực hiện điều này. Hãy nhờ người cháu gửi qua Ấn Độ nói với đại sư A-Đề-Sa rằng ta đã cống hiến cuộc đời mình vì lợi ích của thần dân của ta và vì Giáo Pháp, để đưa được ngài đến xứ Tây Tạng. Mặc dù ta chưa có may mắn gặp ngài ở đời này, nhưng ta tha thiết hy vọng rằng ta có thể gặp được ngài trong tương lai.” Người cháu đành phải quy phục mệnh lệnh của ông chú, đau buồn mà ra đi.
Giờ đây, Jangchub-wo trở thành Vua Tây Tạng. Ông quyết định người tốt nhất cho chuyến đi lần thứ ba này là nhà phiên dịch Nagtso (Nag-mtsho Lo-tsa-ba), là người đã từng qua Ấn Độ vài lần. Vị tân vương vời nhà phiên dịch vào cung, mời ông ấy ngồi trên ngai vàng và thỉnh nài ông, “Chú của ta đã phải chết để ta có thể mời được đại sư A-Đề-Sa đến Tây Tạng. Nếu không hoàn thành được nguyện ước của ngài thì dân chúng hỗn mang của đất nước này chắc chắn rồi sẽ trôi lăn mãi trong luân hồi khủng khiếp. Ta van xin ông giúp ta cứu những chúng sanh bất hạnh này”. Nhà vua trẻ khi ấy đau khổ và khóc than. Nagtso không có chọn lựa nào khác, đành phải chấp nhận và dũng cảm bắt đầu một chuyến hành trình gian khổ sang Ấn Độ lần nữa.
Nhà phiên dịch lên đường với 700 đồng tiền vàng và sáu bạn đồng hành. Nhà vua đi theo họ một vài ngày và trước khi cáo biệt, ông dặn Nagtso nhớ trình bày với đại sư A-Đề-Sa rằng, “Đây là số vàng cuối cùng của Tây Tạng và chú của ta là người Tây Tạng vĩ đại cuối cùng. Nếu đại sư có lòng từ bi thương người, ông ấy chắc chắn sẽ phải đến. Nếu người dân man rợ xứ Tây Tạng này còn biết quan tâm đến Giáo Pháp mà đại sư không quan tâm đến chúng ta, thì đạo Phật đã tới hồi suy yếu và chẳng còn hy vọng gì nữa!” Nói đoạn, nhà vua quay trở về hoàng cung.
Trên đường đến Ấn Độ, đoàn người gặp một cậu bé, cậu hỏi mục đích chuyến đi của họ. Khi được họ cho biết, cậu bé rất vui mừng và nói: “Các ông sẽ thành công trong chuyến tìm kiếm này nếu các ông thường xuyên đọc lời cầu nguyện này, ‘ Con tôn kính và quy y Đức Quán Thế Âm. Cầu xin Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng hưng thịnh tại xứ sở Tây Tạng.” Khi được hỏi cậu là ai, cậu bé trả lời là đến đúng thời khắc, họ sẽ tất biết.
Cuối cùng rồi đoàn lữ hành cũng đến được tăng viện Vikramashila vào một đêm khuya và đóng trại ngay tại cổng viện. Gyatsonseng, một người Tây Tạng đã từng hướng dẫn đoàn thứ hai của Vua Yeshey-wo sang Ấn Độ để thỉnh mời A-Đề-Sa, sống ở một căn phòng phía bên trên. Khi nghe có người nói tiếng nước mình, ông nhìn xuống, vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy đoàn cắm trại bên dưới, bèn hỏi lý do họ đến đây. Những người Tây Tạng hào hứng thuật câu chuyện của họ và còn tiết lộ cả mục đích thật sự cho chuyến đi của đoàn là để đưa đại sư A-Đề-Sa về Tây Tạng. Gyatsonseng cảnh báo họ không nên tiết lộ mục đích của họ một cách cởi mở như vậy. Ông khuyên họ nên để số tiền vàng tại chỗ cậu bé đứng gác nơi cổng và đến gặp cậu ta vào buổi sáng. Những người lữ khách làm theo lời ông, và cậu bé bảo họ hãy nghỉ ngơi và tin tưởng ở cậu.
Sáng sớm hôm sau, cậu bé đánh thức họ dậy và hỏi họ lý do tại sao họ đến nơi này. Khi họ kể cho cậu nghe hết mọi chuyện, cậu bé cáu kỉnh nói, “ Người Tây Tạng các ông nói nhiều quá! Các ông phải giấu kín chuyện này, nếu không sẽ gặp nhiều trở ngại. Đừng bao giờ làm điều quan trọng một cách vội vã, mà phải luôn hành động chậm rãi, cẩn thận và giữ bí mật.” Sau đó cậu đưa trả lại cho họ những đồng tiền vàng và dẫn họ vào khu đất vô cùng rộng lớn của tăng viện.
Đoàn gặp một ông già. Ông ta chào họ, hỏi họ từ đâu tới và lý do của chuyến đi này. Một lần nữa, họ lại chẳng dấu giếm điều gì và ông lão la mắng họ, “Nếu các ông cứ tiếp tục thiếu thận trọng như thế này thì các ông sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được mục tiêu của mình. Chỉ cần nói mục đích của các ông với ngài A-Đề-Sa thôi.” Rồi ông đưa họ đến phòng của Gyatsonseng. Mặc dù ông chống gậy đi chậm chạp nhưng không ai có thể đuổi kịp theo ông, vì ông ta, giống như cậu bé họ gặp trước đây, chính là hiện thân của Đức Quán Thế Âm, theo dõi chuyến đi của họ.
Bấy giờ, những người Tây Tạng quyết định lập kế hoạch hành động. Gyatsonseng dặn họ nên nói là họ đến để học tiếng Phạn. Ông bảo, “Hòa thượng trụ trì tu viện, trưởng lão Ratnakara là bề trên của ngài A-Đề-Sa và rất kính trọng ngài. Nếu vị trụ trì mà biết mục đích thật của chuyến đi của các ông thì chắc chắn ngài sẽ không bao giờ để các ông được gặp đại sư A-Đề-Sa”.
Sáng hôm sau, họ đến trình báo với Hòa thượng Trụ Trì và dâng lên ngài một nửa số tiền vàng của họ. Họ kể cho ngài nghe là trong quá khứ, đã có nhiều người đồng hương của họ đến Ấn Độ tìm cách mời những bậc thầy uyên bác như ngài A-Đề-Sa về Tây Tạng. Tuy nhiên, họ đến là để học và muốn trở thành người có kiến thức uyên thâm. Vị trưởng lão lấy làm nhẹ nhõm và nói: “Tất nhiên là được thôi. Xin đừng hiểu lầm ta. Không phải ta không có lòng từ bi với xứ sở Tây Tạng, mà vì ngài A-Đề-Sa là một trong những vị thầy giác ngộ cao nhất ở đây, đặc biệt là với bồ đề tâm của ngài. Nếu ngài không ở lại Ấn Độ thì không còn hy vọng gì về việc giữ gìn lời dạy của Đức Phật tại chính nơi sản sinh ra giáo huấn này.” Dù vậy, vị Trụ Trì vẫn vô cùng nghi ngờ những người ngoại quốc này, nên đã ngăn chận để họ không gặp được ngài A-Đề-Sa.
Tin rằng kế hoạch của mình đã thành công, đoàn người Tây Tạng bắt đầu tham dự các buổi học và ẩn nhẫn chờ cơ hội. Vài tháng sau đó, có một buổi lễ quan trọng được tổ chức ở tu viện. Tất cả mọi người đều phải tham dự, nên đoàn người du hành hy vọng cuối cùng rồi họ cũng được nhìn thấy ngài A-Đề-Sa. Trong lúc họ ngóng trông và chờ đợi thì nhiều vị đại sư cao cả bước vào. Một vài vị như ngài Naropa lừng danh, xuất hiện với đoàn tùy tùng đông đảo. Những vị khác có những thị giả đi trước cầm hoa và nến. Cuối cùng rồi ngài A-Đề-Sa cũng đến. Ngài mặc chiếc y cũ, rách rưới, với chùm chìa khóa tu viện và nhà kho buộc ở thắt lưng. Những người Tây Tạng hết sức thất vọng vì sự xuất hiện thiếu ấn tượng sâu sắc của ngài và hỏi Gyatsonseng là họ có nên mời một trong những vị thầy sáng chói hơn hay không. Gyatsonseng bảo họ, “Không, ngài A-Đề-Sa có sự gắn bó rất đặc biệt với xứ Tây Tạng, và dù bề ngoài của ngài ra sao đi nữa thì ngài vẫn chính là người mà các anh phải thỉnh về Tây Tạng.”
Cuối cùng, cuộc gặp gỡ bí mật đã được xếp đặt. Nagtso dâng lên ngài A-Đề-Sa những đồng tiền vàng chồng cao trên một chiếc đĩa tròn cúng dường mạn đà la và kể cho ngài nghe quá trình Giáo Pháp thiêng liêng đã bị thoái hóa như thế nào ở Tây Tạng. Ông đề cập đến câu chuyện hy sinh của Vua Yeshey-wo và lập lại cho ngài nghe lời của hai chú cháu nhà vua, rồi thỉnh cầu ngài hãy đến xứ Tây Tạng.
Ngài A-Đề-Sa bảo rằng họ là những người rất tử tế và ngài không hề nghi ngờ các vị vua Tây Tạng này thật sự là những vị bồ tát. Ngài biết rõ vấn đề và thành thật kính trọng nhà Vua vì sự hy sinh của ông, nhưng họ cũng phải hiểu là ngài đã ở tu viện nhiều năm và mang trọng trách của người giữ kho tu viện. Ngài hy vọng có thể đến được Tây Tạng và trả lại cho họ số tiền vàng để họ dùng trong chuyến trở về quê nhà. Ngài bảo họ, “Trong khi đó, ta sẽ thỉnh ý bổn tôn của mình.”
Đêm đó, Đức Tara xuất hiện trong một linh kiến thanh tịnh và báo cho ngài A-Đề-Sa biết chuyến đi Tây Tạng của ngài sẽ hoàn toàn thành công. Ngài sẽ mang lại vô số lợi lạc cho người dân Tây Tạng và trong số đó, sẽ tìm thấy một đệ tử có mối liên hệ đặc biệt với ngài. Đó là một ưu bà tắc, một nam nhân giữ giới cư sĩ và ông ta sẽ truyền bá Giáo Pháp đi xa hơn nữa. “Tuy nhiên”, Đức Tara nói, “nếu ông tiếp tục ở Ấn Độ thì ông có thể sống đến chín mươi hai tuổi, còn nếu ông đến Tây Tạng thì thọ mạng của ông sẽ là bảy mươi hai tuổi.” Bấy giờ, ngài A-Đề-Sa đã vững tin để đi cùng với những người Tây Tạng và thấy rằng việc hy sinh hai mươi năm tuổi thọ của mình rất xứng đáng, nếu ngài thực sự đem lại lợi lạc cho người khác. Ngài sẽ phải tìm cách khéo léo để được sự cho phép của vị Trụ Trì thông tuệ của mình.
Đầu tiên, ngài xin phép đi hành hương về miền Đông, Nam và Tây Vikramashila. Được chấp nhận, ngài bèn đi thăm viếng một số thánh địa. Sau đó, ngài xin đi tiếp về miền Bắc, nhưng vị Trưởng Lão cảm nhận được động cơ kín đáo của ngài, nên đã không cho ngài đi.
Đoàn người Tây Tạng rơi vào tuyệt vọng và quyết định niềm hy vọng duy nhất là kể cho vị Trụ Trì nghe toàn bộ sự thật. Khi vị Trưởng Lão kiên định giả vờ giận dữ, đoàn người Tây Tạng lập tức quỳ xuống van xin ngài tha thứ. Vị Trưởng lão bèn nói, “Lý do mà ta không muốn giao ngài A-Đề-Sa cho các người vẫn như trước đây, nhưng vì thấy nhu cầu của Tây Tạng quá lớn, ta sẵn lòng để ngài đến đó trong ba năm. Nhưng các người phải hứa là sau thời gian đó thì phải giao trả ngài về Ấn Độ.” Đoàn người Tây Tạng cam kết sẽ giữ lời hứa, lòng tràn trề hân hoan.
Cải Cách và Phục Hồi lại Giáo Pháp ở Tây Tạng
Thế là vào lúc năm mươi ba tuổi, ngài A-Đề-Sa bắt đầu cuộc hành trình dài đến vùng Đất Tuyết. Trên đường đi, nhà phiên dịch Gyatsonseng ngã bệnh và qua đời. Trong nỗi đau buồn, A-Đề-Sa thốt lên, "Giờ thì cái lưỡi của ta đã bị cắt mất rồi!" Khi đó Nagtso khiêm tốn quỳ trước mặt ngài và nói, "Xin ngài đừng buồn phiền. Mặc dù tiếng Phạn của con không được hoàn hảo, nhưng nó chắc chắn sẽ tiến bộ. Còn có những người khác có thể phiên dịch cho ngài nữa."
Ở Nepal, họ gặp Marpa, (Mar-pa Lo-tsa-ba) (1012 – 1099 sau Công Nguyên), người phiên dịch vô cùng tài giỏi, đang trên đường đến Ấn Độ lần thứ ba. Ngài A-Đề-Sa mời ông làm thông dịch, nhưng Marpa từ chối và nói rằng: "Mong ước của thầy tôi là muốn tôi đến Ấn Độ ba lần. Bây giờ tôi phải thực hiện chuyến đi cuối cùng." Họ cũng gặp người phiên dịch luống tuổi Rinchen-zangpo, nhưng ông cũng không thể giúp gì được. "Ngài thấy tóc bạc trên đầu tôi đây này," ông nói, "Tôi đã già lắm rồi. Tôi đã làm việc suốt cuộc đời mà vẫn chưa có được cơ hội để đi sâu vào hành trì." Vì vậy, A-Đề-Sa tiếp tục đi, bắt buộc phải dựa vào khả năng phiên dịch còn hạn hẹp của Nagtso.
Sau hai năm du hành, cả đoàn cuối cùng đến vùng Thượng Tây Tạng (sTod, phía tây của Tây Tạng) tại thành phố Ngari (mNga’-ri), thủ phủ vương quốc của Vua Yeshey-wo. Các thường dân và tăng sĩ tạo thành một đoàn người trang nghiêm đến mời ngài A-Đề-Sa lưu lại tăng viện gần đó. Đại Sư Ấn Độ vui mừng khôn xiết trước sự nhiệt tình của người Tây Tạng đối với giáo huấn của Đấng Chiến Thắng, ngài vô cùng ngạc nhiên về con số của những người đắp y tầm đạo. Rất nhiều học giả uyên bác đến từ khắp Tây Tạng. Ngài rất hài lòng với chiều sâu của các câu hỏi họ đã đặt ra về các kinh điển và mật điển của Đức Phật, khiến ngài tự hỏi tại sao họ phải lặn lội khó nhọc để mời ngài đến đây, trong khi nước họ đã có sẵn quá nhiều bậc thầy. Tuy nhiên, khi ngài vặn hỏi họ làm thế nào hai pháp tu phòng hộ này đã tạo thành một đường tu tổng thể trọn vẹn thì họ không trả lời được. Bấy giờ, ngài A-Đề-Sa đã hiểu được mục đích sứ mệnh của ngài.
Một ngày kia, Vua Jangchub-wo thỉnh cầu một bài pháp cho dân chúng Tây Tạng. "Chúng tôi không muốn một bài giảng về các pháp quá sâu rộng mà chúng tôi không thể nào theo nổi," đức Vua nói, "Điều chúng tôi cần là những gì thuần hóa được tâm mình và giúp chúng tôi đối phó với những hành vi xung động hàng ngày và hậu quả của chúng. Xin chỉ dạy cho chúng tôi các pháp mà chính ngài tu tập".
Lời thỉnh cầu chân thành và mộc mạc của nhà Vua làm cho đại sư quá đỗi vui mừng đến nỗi trong những năm sau đó, ngài đã nói về đức Vua như "người đệ tử xuất sắc của tôi." Nếu họ cầu xin ngài ban lễ quán đảnh của các Hộ Phật mật điển hay các hành trì mang lại những năng lực đặc biệt, ngài chắc hẳn đã không vui đến thế. Vì vậy, ngài đã lưu lại ba năm tại Ngari để thuyết những bài pháp, về sau được sưu tập thành bộ Đèn Soi Nẻo Giác [A Lamp for the Path to Enlightenment (Byang-chub lam-gyi sgron-ma, Skt. Bodhipathapradipa)], là bản nguyên mẫu cho tất cả các bản văn trong tương lai về đề tài này.
Những điểm ngài thường nhấn mạnh trong các bài thuyết pháp của ngài với dân chúng mang lại cho ngài các biệt danh như " Lama Quy Y " và " Lama Nhân Quả." Ngài rất hài lòng về điều này và nói, "Ngay cả khi ai nghe những tên này cũng có thể tạo được lợi lạc cho họ."
Trong suốt thời gian này, A-Đề-Sa vẫn chờ đợi người đệ tử hàng đầu tương lai của mình, là một cư sĩ Tây Tạng, theo lời tiên tri của Đức Tara toàn hảo và cao quý, nhưng người này vẫn chưa xuất hiện. Một ngày nọ, vị đại sư Ấn Độ được một nhà bảo trợ mời đến nhà thọ trai. Vì ngài là người ăn chay nghiêm ngặt, nên đã được mời dùng bánh lúa mạch nướng truyền thống. Khi cáo từ, ngài xin thêm vài miếng bánh và một ít bơ. Cũng chính vào lúc đó, Dromtonpa khả kính (‘ Brom-ston rGyal-ba’i ‘byung-gnas) (1004 – 1064 sau Công Nguyên), vị thiện nam cư sĩ mà ngài đang mong chờ, đi đến nhà của ngài. Ông hỏi những người thị giả, "Vị thầy Đại thừa siêu việt của tôi đâu?" Họ trả lời, " Ngài A-Đề-Sa đang thọ trai với một nhà bảo trợ. Ngài sẽ trở về ngay nếu ông chờ ở đây."
Dromtonpa không thể chờ thêm nữa. Thay vì vậy, ông chạy thật nhanh về phía nhà của người bảo trợ. A-Đề-Sa và Dromtonpa gặp nhau trên đường phố. Mặc dù trước đây họ chưa bao giờ gặp nhau, nhưng cả hai ngay tức khắc cùng nhận ra nhau, nhờ có mối quan hệ thân thiết từ những kiếp trước. Dromtonpa quỳ lạy ngài và ngài A-Đề-Sa nói, khi ban tặng cho ông những chiếc bánh lúa mạch, "Đây là bữa trưa của ông. Ông chắc phải đói bụng lắm." Vị cư sĩ ăn bánh và lấy bơ làm thành những đèn bơ để cúng dường cho vị thầy tâm linh mà ông vừa tìm được. Từ lúc đó trở đi, ông luôn cúng dường một ngọn đèn như vậy mỗi đêm.
Sau khi đã ở Ngari ba năm, ngài A-Đề-Sa bắt đầu trở về Ấn Độ với nhà phiên dịch Nagtso. Nhưng cuộc chiến ở biên giới Nepal đã cản trở con đường của họ. Nagtso vô cùng lo lắng vì giờ đây có lẽ ông không thể nào giữ được lời hứa với Vị Trụ Trì Tu Viện Vikramashila. Ngài A-Đề-Sa liền làm dịu nỗi lo sợ của ông bằng cách nói, "Lo lắng về tình cảnh vượt quá tầm kiểm soát của mình là vô ích thôi."
Cảm thấy an tâm hơn, Nagtso bèn viết một lá thư gửi đến vị Trụ Trì Tu Viện, giải thích rằng ý tốt của họ đã bị trở ngại ra sao. Để đền bù phần nào cho sự vắng mặt của mình, ngài A-Đề-Sa gửi cùng với lá thư bản sao của bản văn Đèn Soi Nẻo Giác. Ngài cũng thỉnh cầu vị Trụ Trì cho phép ngài được lưu lại Tây Tạng cho đến cuối đời mình. Sau đó, họ trở lại Ngari.
Ngày nay, việc xuất bản một cuốn sách là một giao dịch thương mại tương đối đơn giản. Tuy nhiên, vào thời của ngài A-Đề-Sa, trước khi một bản thảo được in ấn, nó phải trải qua một cuộc sát hạch khắc khe của một hội đồng của các học giả, do nhà vua nước sở tại chủ trì. Nếu tìm thấy có thiếu sót ở bất kỳ phương diện nào, tác phẩm sẽ bị buộc vào đuôi một con chó và bị kéo lê trên bụi đất. Trong khi đó thì tác giả, thay vì được tôn kính và tán dương, sẽ bị bẽ mặt vì mất danh tiếng.
Bản văn của ngài A-Đề-Sa cũng phải chịu sự khảo sát kỹ lưỡng tương tự này và hội đồng đã nhất trí đồng ý về giá trị vượt bậc của bản văn. Ngay cả vị Vua chủ trì cũng đã xúc động và nhận xét rằng không chỉ người dân Tây Tạng ấu trĩ sẽ hưởng ích lợi, mà những người Ấn Độ tâm trí nhạy bén cũng sẽ có được lợi lạc từ giáo pháp của ngài A-Đề-Sa. Khi vị Trụ Trì Tu Viện Vikramashila đọc bản văn này, ngài đã viết cho Nagtso, người phiên dịch rằng, "Tôi không còn phản đối việc ngài A-Đề-Sa ở lại Tây Tạng. Những gì ngài viết đã đem lợi lạc cho tất cả chúng tôi. Giờ đây, tôi chỉ xin ngài sáng tác và gửi cho chúng tôi bài luận giải cho bản văn." Đó là lý do vì sao những lời giải thích của ngài A-Đề-Sa về những điểm khó trong bản văn quan trọng này (Byang-chub lam-gyi sgron-ma’i dka’-‘grel) đã được sáng tác.
Chẳng bao lâu, Dromtonpa thỉnh ngài A-Đề-Sa đi xa hơn về phía Bắc đến miền Trung Tây Tạng (dBus) và viếng thăm Lhasa. Trên đường đi, họ dừng chân ở Samyay (bSam-yas), Tu Viện đầu tiên được xây dựng ở Tây Tạng. Ngài A-Đề-Sa rất hài lòng với những bản văn sưu tầm bằng Tạng ngữ và Phạn ngữ của thư viện và nói rằng ngài không hề nghĩ có quá nhiều những bản văn Phật pháp bằng tiếng Phạn như vậy vào thời đó, ngay cả ở Ấn Độ.
Tổng cộng, ngài A-Đề-Sa đã lưu lại mười bảy năm ở vùng Đất Tuyết: ba năm ở Ngari, chín năm ở Nyetang (sNye-thang) gần Lhasa, và năm năm ở những nơi khác nhau cho đến khi ngài viên tịch vào năm 1054 sau Công Nguyên, ở tuổi bảy mươi hai, đúng theo lời tiên đoán của Đức Tara. Nhục thân của ngài A-Đề-Sa được ướp và thờ phụng tại Nyetang, và hai năm sau (1056 sau Công Nguyên), cư sĩ Dromtonpa khả kính đã thành lập Tu Viện Radreng (Rva-sgreng rGyal-ba’i dben-gnas), trung tâm quan trọng nhất của truyền thống Kadam (bKa’-gdams), tiếp nối các dòng truyền thừa của vị thầy của ông.
Nagtso, nhà phiên dịch, nhớ lại trong suốt thời gian dài ở bên cạnh ngài, ông chưa bao giờ thấy ngài A-Đề-Sa nói hay làm một điều gì gây sự khó chịu. Với sự giáo huấn con đường hợp nhất của kinh điển và mật điển, vị thầy cao cả người Ấn Độ đã hoàn tất nhiệm vụ to tát trong việc cải cách, phục hồi sự truyền bá Giáo Pháp toàn hảo của Đấng Chiến Thắng tại Tây Tạng. Trên thực tế, nhờ vào lòng hảo tâm của ngài mà các giáo pháp thiêng liêng vẫn còn tồn tại ở dạng nguyên thủy cho đến ngày hôm nay.