Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Nhiếp Tụng

Kính lễ Bổn Sư Văn Thù Sư Lợi!

(1) Kính lễ bậc Chúa Tể (dòng họ) Thích Ca. Thân Ngài đản sanh từ vô lượng công đức, tướng hảo thù thắng. Lời Ngài làm thỏa mãn hy vọng của vô lượng chúng sanh. Tâm Ngài thấu rõ vạn pháp như thị.                                                                                     

(2) Kính lễ Đức Di Lặc và Văn Thù Sư Lợi, trưởng tử tối thượng của Đức Bổn Sư vô song. Gánh vác trách nhiệm (ban truyền) toàn thể công hạnh của Đấng Chiến Thắng. Thị hiện hóa thân trong vô lượng thế giới.       

(3) Kính lễ ngài Long Thọ và Vô Trước, lừng danh khắp ba cõi như (ngọc quý) trang nghiêm Nam Thiệm Bộ Châu: luận giải những điểm khó lãnh hội nhất (Bát Nhã Ba La Mật), Mẹ của Đấng Chiến Thắng, theo đúng ý nghĩa giáo pháp.                               

(4) Kính lễ ngài Dipamkara (Atisha), bậc nắm giữ gia tài chỉ giáo, thâu nhiếp tinh túy viên mãn, không lầm lỗi của hai đạo lộ tri kiến thậm thâm và công hạnh quảng đại trong dòng truyền thừa xuất sắc, từ hai bậc tiên phong xuất chúng.                           

(5) Kính lễ chư bổn sư, mắt thấy Kinh điển quảng đại vô biên, khúc sông tối thượng cho chúng sanh may mắn sang bờ giải thoát. Thầy đã làm sáng tỏ (tất cả), bằng phương tiện thiện xảo, vì lòng từ thúc đẩy.                                                                                

(6) Đường tu tuần tự đến giác ngộ đã được trao truyền đến các thế hệ sau, từ Long Thọ và Vô Trước, vương miện châu báu của chư đạo sư uyên bác ở Nam Thiệm Bộ Châu. Ngọn phướn thanh danh của chư vị phất phới bay trên đầu chúng sanh trôi lăn trong luân hồi. Vì (việc noi theo các giai đoạn của đường tu) có thể hoàn thành mục tiêu của chín loại tái sinh, nên gọi là Oai Lực Vương của chỉ giáo quý giá. Vì nó gom tụ tất cả các dòng kinh điển xuất sắc vào bên trong, nên cũng được mệnh danh là biển thiện thuyết.

(7) Khi thấu hiểu giáo pháp không mâu thuẫn. Lời Kinh điển tuyên thuyết tỏ rạng (trong tâm) như chỉ giáo bất ngoại lệ. Dễ dàng lãnh hội tôn ý Đấng Chiến Thắng. Sẽ thoát khỏi vực thẳm đại ác nghiệp (từ bỏ Pháp). Vì những (lợi ích) này, nên kẻ trí trong các bậc thầy Ấn Tạng uyên bác, đều theo học đạo lộ thứ đệ của ba hạng hành giả, chỉ giáo tối thượng mà nhiều hành giả may mắn đã phó thác tự thân.

(8) Dù (công đức sẽ tích tập) từ việc trì tụng hay lắng nghe (bản văn) của Atisha dù chỉ một lần, bao gồm đầy đủ những điểm trọng yếu trong lời tuyên thuyết của Kinh điển. Tuy nhiên, vì còn có nhiều lợi ích lớn hơn, được tích tập bằng việc giảng dạy hay tu học Pháp thiêng liêng (chứa đựng bên trong), hãy suy xét những điểm (để thực hiện đúng điều này).                                                                                                                                                                                                                                                    

(9) Trước tiên, tinh cần nương tựa Đạo Sư, thiện tri thức. Như lý tư duy và hành trì, là nguồn cội duyên sinh mọi điều lành, trong kiếp hiện tại và tương lai. Y giáo phụng hành là cúng dường tối thắng. Không từ bỏ Đạo Sư, dù phải mất mạng.

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.                                                                                                                                     

(10) (Kiếp người  quý báu) với (tám) tự do, quý hơn ngọc như ý. Duy chỉ một lần trong đời này mới có được. Khó tìm, dễ mất như sấm chớp giữa hư không. Tư duy biết pháp thế gian phù du như bọt nước. Cả ngày lẫn đêm, phải rút tỉa tinh túy kiếp người. 

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.                                                                                                                                                                 

(11) Sau khi chết, không có gì bảo đảm ta chẳng rơi vào ác đạo, chỉ có Tam Bảo mới có khả năng bảo hộ ta thoát khỏi điều kinh hãi này, Thế nên xin chơn chánh quy y, không làm suy giảm việc tu hành. Dựa vào tư duy luật nhân quả đen trắng, rồi tu tập theo điều gì nên làm, điều gì nên bỏ.

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.                                                                                                                                                          

(12) Cẩn trọng tư duy thiện ác nghiệp quả, Nên như lý tu, đoạn cần phân minh. Đạo lộ thù thắng không thể thành, khi chưa hội đủ mọi nhân duyên (kiếp người quý báu). Vì vậy nên học nhân không thiếu sót, Ba nghiệp nhiễm ô vì ác nghiệp, phạm giới và nghiệp chướng. Sám hối nghiệp chướng từ ba cửa, bằng cách nương theo bốn lực đối trị.

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.

(13) Nếu không tư duy những khó khăn và bất lợi, tức khổ đế, thì tâm cầu giải thoát chân thật không sinh khởi. Nếu không tư duy tiến trình đi vào luân hồi, tức tập đế, thì không biết cách chặt đứt gốc luân hồi. Vì vậy, hãy quyết tâm thoát luân hồi, chán chê sinh tử, thấu rõ nguyên nhân trói buộc mình trong sinh tử.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.

(14) Phát tâm bồ đề là cốt lõi của Đạo lộ Đại thừa, là nền tảng của mọi đại hạnh của (chư Bồ tát). Hai tư lương chuyển hóa vàng, kho tàng công đức chứa muôn vàn thiện hạnh. Chư Bồ tát nhận ra điều này, nên giữ gìn tâm tối thượng như lời cam kết tận đáy lòng.

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo. 
 
(15) Bố thí là ngọc như ý, làm thỏa mãn hy vọng của chúng sanh, là gươm báu chặt đứt gút thắt của lòng bỏn xẻn. Chư Bồ tát phát tâm dũng mãnh không khiếp sợ, làm vang danh khắp mười phương. Biết thế, người trí hoàn toàn bố thí thân thể, tài sản và công đức. 
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.                                                                                                                                                          

(16) Giới luật như nước rửa sạch ác hạnh ô nhiễm. Như ánh trăng làm vơi nóng bức phiền não. Ở giữa chín loài chúng sanh, tỏa rạng uy nghiêm như núi Tu Di. Nhờ oai lực của giới mà chúng sanh kính sợ. Biết thế, người trí bảo hộ giới như tròng mắt.                                                                                                                                                                                     

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo. 

(17) Nhẫn lực là trang sức đẹp nhất, đứng đầu các pháp khổ hạnh, cho những ai bị phiền não dày vò. Như chim xí điểu hàng phục con rắn sân, là áo giáp kiên cố ngăn khí giới lời thô ác. Biết thế, nên (người trí) mặc giáp nhẫn, dùng nhiều phương tiện hành trì.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.
                         
(18) Một khi mang áo giáp tinh tấn kiên cố bất thối chuyển, thì Kinh điển thành thạo và thực chứng tăng trưởng như trăng non tròn dần, Mọi đạo hạnh trở nên đầy ý nghĩa, vạn sự thành tựu như ý. Biết thế, chư Bồ tát đoạn trừ mọi giãi đãi, tinh tấn chuyên tu.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.             
 
(19) Định là Vua nắm quyền làm chủ tâm. An trụ bất động sừng sững như Chúa Tể các Ngọn Núi. Khiến tâm chuyên vào đối tượng thiện. Khéo dẫn thân tâm đạt đại an lạc. Biết thế, hành giả du già thường tu định, để điều phục giặc tán loạn.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.             
 
(20) Mắt tuệ thấy chân như thậm thâm, Con đường đoạn diệt gốc hiện hữu. Là kho tàng thiện hạnh được tán thán trong mọi Kinh điển, xứng danh ngọn đèn tối thắng, đoạn trừ bóng tối si mê. Biết thế, bậc trí cầu giải thoát, phát tâm nỗ lực dấn thân trên lộ trình giải thoát.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.                                                                                                                                                         

(21) Nếu chỉ tu định mà thiếu tuệ, thì không thể đoạn diệt gốc luân hồi. Nếu chỉ tu tuệ mà thiếu định, thì không thể đoạn trừ phiền não. Với kiếm bén luận lý Trung Quán, hãy cỡi tuấn mã định tâm bất động, chặt đứt mọi biên kiến cố chấp. Trí tuệ quảng đại như lý quán sát, làm tăng trưởng trí chứng ngộ bản tánh thực tại. 

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo. 
 
(22) Do chuyên tâm nhất điểm dẫn đến định, nên như lý chánh quán sát, tư duy để chứng như thật nghĩa, Trụ kiên cố bất động. Biết thế, nên kết hợp cả hai định tuệ, pháp phi thường.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo. 

(23) Lúc nhập định, thiền tánh Không như hư không. Khi xuất thiền, xem vạn pháp như huyễn. Phương tiện trí tuệ hợp nhất được xưng tán, như “bồ tát hạnh sang bờ bên kia”. Biết thế, người trí không toại nguyện với thành tựu phiến diện một đạo lộ, là truyền thống của những người may mắn (để thành tựu giác ngộ).

Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo. 
 
(24) Đại thừa, nhân (Ba La Mật thừa) và quả (Mật thừa) có hai. Đạo lộ thù thắng, trước nên tu cộng đạo hành. Không phí phạm thân người khó được, hãy nương tựa Đạo Sư, rồi thể nhập (bốn bộ) Mật tông, đại dương sâu rộng. Nương tựa tu tập chỉ giáo viên mãn.
 
Lạt ma cao quý, hoàn hảo tu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo. 
 
(25) Để tự tâm mình tu tập, cũng vì lợi lạc cho những người may mắn, tôi đã giải giảng toàn bộ đường tu làm hài lòng Đấng Chiến Thắng. Nguyện đem công đức này, hồi hướng khắp chúng sanh, mãi mãi không xa lìa thanh tịnh đạo.                   

Lạt ma cao quý, hoàn hảo nguyện cầu như thế. Người muốn giải thoát hãy hành theo.

Bồ Đề Đạo Thứ  Đệ Nhiếp Tụng đã được nhà sư thoát tục (Tsongkhapa), Lozang-dragpa, người đã lắng nghe nhiều (giáo pháp), biên soạn tại Tu Viện Ganden Namgyel trên Núi Drog Vĩ Đại (Tây Tạng), để giáo pháp này không bị lãng quên.

Top