Giới Thiệu Tổng Quát Và Bình Luận
Các truyền thống Tây Tạng bắt nguồn từ Đức Phật - Kadam, Sakya, Kagyu và Nyingma - đều noi theo cách khai thị về pháp luyện tâm, xuất phát từ một nguồn chung, đó là tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Tịch Thiên. Rồi khai thị của ngài Tịch Thiên lại bao gồm tất cả những điểm được thấy trong Lam-rim của trình tự đường tu giác ngộ, có nghĩa là trình tự đạo lộ tâm thức đưa đến giác ngộ. Không có điều gì trong trình tự đường tu này mà không được xem là pháp luyện tâm. Tuy nhiên, những điểm đặc biệt mà chúng ta đang bàn luận thì áp dụng vào một dòng giáo pháp cụ thể, gọi là “lojong”, “luyện tâm”. Chúng được cô đọng trong Luyện Tâm Thất Điểm, như được trình bày trong tác phẩm của Geshe Chekawa, và trong luận giải gọi là Tia Sáng Mặt Trời (The Rays of the Sun), của Namkapel, một đệ tử của Tông Khách Ba.
Bảy điểm luyện tâm là:
- Pháp tu sơ khởi
- Phương pháp tu tập hai bồ đề tâm – tương đối và tuyệt đối
- Chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ
- Pháp hành một đời
- Đo lường tâm điều phục
- Pháp tu cam kết
- Các điểm luyện tâm
Cái Chết Và Vô Thường
Hiện nay thì tất cả chúng ta đã có được một nền tảng của thân người quý giá, tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc, và không ai mong muốn bất cứ nỗi khổ hoặc vấn đề nào. Niềm hạnh phúc mà mình mong muốn không xuất phát từ hư không, mà bắt nguồn từ những nguyên nhân, nên phải tư duy rất sâu sắc về những nguyên nhân đem lại hạnh phúc và loại bỏ những vấn đề của mình. Nếu muốn theo đuổi đường tu, thì phải tận dụng kiếp người quý giá mà mình có được. Tất nhiên, chúng ta phải kiếm sống và làm những việc cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, để sinh tồn, nhưng không thể đặt trọng tâm chính vào việc kiếm tiền và tích lũy của cải vật chất. Hơn nữa, tiền bạc và vật chất không phải là nguyên nhân duy nhất mang lại hạnh phúc. Không phải ai giàu có cũng hạnh phúc. Khi nhận thức rằng có rất nhiều người giàu có, sở hữu nhiều của cải, nhưng lại khốn đốn và khổ tâm, nên không thể nói rằng nguyên nhân duy nhất của hạnh phúc là của cải vật chất.
Nếu muốn có được hạnh phúc, thì phải có một số nguyên nhân đi trước. Hạnh phúc chủ yếu dựa vào tâm trạng của mình. Nếu như người nào hạnh phúc trong tâm thức, thì dù hoàn cảnh bên ngoài của họ ra sao, họ vẫn thấy hạnh phúc. Nếu như người nào về cơ bản là một người vui vẻ, lịch sự, ân cần với người khác, là hạng người tốt, có tu dưỡng, thì dù họ có tin vào tôn giáo hay giáo pháp hay không, cũng không có sự khác biệt nào. Nếu như mình tinh tế và quan tâm đến người khác, thì sẽ tích lũy công đức trong bất cứ trường hợp nào. Nếu như thêm vào đó mà chúng ta còn tu học, tu tập các phương tiện của giáo pháp, thì thậm chí, sẽ có lợi lạc nhiều hơn, và tích lũy công đức từ việc làm một người tốt bụng và hữu ích. Điều này sẽ tạo ra lợi lạc không chỉ cho kiếp này, mà cả những kiếp tương lai.
Vì vậy, đây là một sự theo đuổi rất đáng giá, liên quan đến việc sử dụng nền tảng mà mình có được một cách tốt đẹp nhất. Phải nhận thức rằng thân người quý báu này sẽ không tồn tại mãi mãi, dù cho hoàn cảnh của mình có thể hoàn hảo ra sao, thì đời sống này vẫn sẽ trôi qua. Đó là vì mọi người đều phải trải nghiệm lẽ vô thường và cái chết. Điểm chính là đừng lãng phí thời gian. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là tư duy về vô thường, và tất cả các tình huống đều sẽ trôi qua.
Có nhiều cách để nói về vô thường. Có một sự bàn luận về điều này, trong bối cảnh vô thường là một trong mười sáu thuộc tính của Tứ diệu đế, hoặc chúng ta có thể nói về nó như vô thường chung chung, và những mức độ của nó: thô và vi tế. Ở đây, chúng ta đang nói về khía cạnh thô thiển hơn của vô thường, loại mà mình nhìn thấy, khi có người nào qua đời.
Khuyết Điểm Của Việc Thiếu Chánh Niệm Về Cái Chết Và Vô Thường
Nếu như chúng ta xem xét lợi ích của việc hành thiền, có ý thức về lẽ vô thường, và khuyết điểm của việc không ý thức về nó, thì đó là việc tốt. Trước tiên, kinh sách có nói về những khuyết điểm này, rồi về tính cực kỳ quan trọng của việc duy trì việc ý thức về vô thường và cái chết. Điều này rất quan trọng, bởi vì dù cho có tin rằng có tái sinh trong tương lai hay không, thì ta có thể rơi vào một trong những tái sinh tồi tệ hơn, hay một trong những tái sinh tốt hơn. Vậy thì điều quan trọng nhất là phải nhận thức rằng ác nghiệp có thể đưa đến một tái sinh tồi tệ hơn, rồi quan tâm đến hành động và những việc mình đang làm hiện nay, vì chúng sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình.
Nếu như không thật sự chánh niệm về cái chết trong mọi lúc, ngay cả khi mình có tu tập, thì chúng ta sẽ không dấn thân vào giáo pháp một cách trọn vẹn, hay hoàn toàn nghiêm túc với Pháp. Nếu như mình thật sự ý thức về cái chết và vô thường, và cách mà điều gì xảy ra trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những điều mình đang làm hiện nay, thì không cần phải có cảnh sát kiểm soát chúng ta. Ý thức về nhân quả sẽ đóng vai trò như người bảo vệ, và không cho phép mình tạo ra những hành vi không thích hợp.
Dù mình là ai đi nữa, khi nhìn sự việc dưới ánh sáng của sự thật rằng tất cả chúng ta đều sẽ chết, thì điều này sẽ giúp cho mình nhận ra rằng không có lý do gì để lừa gạt người khác, hay hành động một cách vô tình. Ít nhất, ta sẽ thấy rằng việc tự lừa dối mình bằng cách tự hủy hoại bản thân là điều phi lý, vì trong tương lai, ta sẽ phải đối mặt với hậu quả của những điều mình đã làm. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là phải nhận thức được lẽ vô thường và cái chết trong mọi lúc.
Phải tu tập như thế nào, để có được ý thức về cái chết và vô thường? Trước tiên, chúng ta sẽ làm điều này bằng cách nhận ra thực tế là vào phút lâm chung thì không có tài sản nào, bạn bè, người thân nào của mình, v.v..., có thể giúp được gì cho mình. Sau đó, phải quán chiếu về tất cả những tình huống sẽ xảy ra vào phút lâm chung, rằng tất cả những thứ mà mình có được - có thể là bằng việc lừa dối, hay gian lận, hoặc phải trải qua nhiều rắc rối để có được nó - sẽ không giúp ích gì, khi mình chết, mà ta phải chịu đựng hậu quả của những việc lừa đảo mà mình đã làm.
Chắc chắn là tất cả chúng ta sẽ chết, bởi vì tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của phiền não và nghiệp trong dòng tâm thức của mình. Ngay cả các vị vua cũng phải chết, và một số còn bị xử tử. Nếu như hoàn toàn phớt lờ với sự thật này, lừa gạt bản thân, nói dối, làm đủ mọi cách để lừa đảo, thì ta sẽ gặp bất ngờ vào phút lâm chung, vì sẽ rất ăn năn và hối hận. Nếu như có chánh niệm và ý thức được thực tế rằng mình sẽ chết, thì ta sẽ hành xử tốt hơn nhiều khi còn sống, và không phải chết với lòng ăn năn, hối hận.
Dù không thể ngăn ngừa cái chết, nhưng có thể chuẩn bị, để khi lâm chung thì không phải chết trong sợ hãi. Khi nào mình chết chỉ là vấn đề thời gian thôi, nên cũng đáng để chuẩn bị ngay bây giờ
Những điểm này được trình bày trong bản văn như sau:
- Cái chết chắc chắn sẽ đến
- Thời điểm mà cái chết đến thì không chắc chắn
- Ngoài Pháp ra, không có điều gì có thể giúp ích cho mình vào phút lâm chung
Đây là ba điểm mà chúng ta phải nghĩ đến.
Tính Xác Quyết Về Cái Chết
Đối với thực tế rằng cái chết là điều chắc chắn, thì người ta nói rằng nếu ngay cả vô số chư Phật và A la hán cũng phải chết, nói gì đến phàm nhân như chúng ta? Cho dù mình là ai, một khi đã được sinh ra, thì chắc chắn 100% là mình sẽ chết. Không có ai không phải chết, nên không có cách gì để tránh vấn đề này. Và nếu như nhìn vào chư Phật, trước khi giác ngộ, các ngài đã thành tựu huyễn thân, rồi sau đó thành tựu giác ngộ trong trạng thái đó, mà không thật sự qua đời, thì có rất ít trường hợp như vậy. Hầu hết các vị đã biểu hiện việc thể nhập vô dư niết bàn (parinirvana). Nếu như lấy ví dụ trong lịch sử, như các vị vua và hoàng đế, v.v..., thì không thấy ai đạt được trạng thái bất tử.
Chúng ta không thể đi đến nơi nào để thoát chết, và dù thân mình có thể rất mạnh mẽ, nhưng không có cơ thể nào đủ mạnh để chống lại cái chết. Giống như ở một nơi có những ngọn núi bao bọc xung quanh, bị mắc kẹt trong đó, và không có cách nào để ra khỏi đó, thì tương tự như vậy, khi nói về cái chết, thì không có nơi nào mình có thể trốn trong đó, để thoát chết.
Việc tưởng tượng điều gì có thể xảy ra, mà không có cách nào để trốn thoát, chẳng hạn như chiến tranh hạt nhân, thì không có ích lợi gì. Trong bất cứ trường hợp nào thì cái chết là điều mình không thể thoát khỏi. Không thể đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, có thể tạo ra cái chết của mình, rồi luôn sống trong sợ hãi về những điều như chiến tranh hạt nhân. Nhân tạo ra cái chết đã được tích lũy trong dòng tâm thức của mình, đó là phiền não, nghiệp và vân vân, là những nguyên nhân bên trong, sẽ đưa đến cái chết của mình, cùng với hoàn cảnh bên ngoài góp phần vào đó. Điểm chính là một khi đã được sinh ra với một cơ thể, cộng với phiền não và nghiệp trong dòng tâm thức, thì chắc chắn là mình sẽ chết. Đó là vì vào thời điểm thân này được hình thành, thì đồng thời, nhân tạo ra cái chết cũng được hình thành.
Nói về vô thường và nỗi khổ của tất cả chúng sinh, là những điều sẽ được bàn luận rộng rãi hơn sau này, thì một trong những nỗi khổ mà tất cả chúng ta có thể thấy được, là tuổi già. Chẳng hạn như khi già nua, thì những giác quan của mình bắt đầu mất đi sức mạnh, đó là dấu hiệu cho thấy chắc chắn là cái chết sắp đến.
Có những lý do tại sao cái chết chắc chắn sẽ đến. Trước hết là có nhiều việc có thể xảy ra với mình, những nguyên nhân bên trong, như mình già nua, và mọi thứ trong thân thể bị thoái hóa, thuốc men chữa trị cho mình cũng có hiệu quả yếu ớt, rồi thì mình chết. Thứ hai là thọ mạng của mình không tăng thêm, mà liên tục giảm thiểu. Tất nhiên là có những bài cầu nguyện và lễ cúng dường trường thọ (long-life puja), và những pháp tu để kéo dài thọ mạng, nhưng việc kéo dài thọ mạng là điều khó khăn.
Thọ mạng cơ bản mà chúng ta có được bắt nguồn từ công đức, nghiệp lực và vân vân, mà mình đã tích tập trong những kiếp trước. Giống như những ngày không ngừng trôi qua, nếu như năm ngoái mình có 100 năm tuổi thọ, thì năm nay chỉ còn 99 năm thôi. Và không cần biết thọ mạng mà mình tưởng tượng là dài bao nhiêu, nhưng ta có thể thấy rằng giữa thời gian sáng nay và hiện thời, thì một phần của thọ mạng đã trôi qua. Tuổi thọ của mình trôi qua theo từng hơi thở, từng khoảnh khắc. Thời gian không ngừng trôi qua. Nó sẽ không chờ ai. Chúng ta không thể khiến cho tuổi thọ ngưng lại, dù chỉ trong khoảnh khắc. Không có nơi nào mình có thể đi, không có điều gì ta có thể làm, để tránh việc mất đi thời gian để sinh tồn.
Có nhiều ẩn dụ về đời sống trôi qua. Chẳng hạn, giống như nước ở trên thác nước, một khi nó bắt đầu chảy đến ghềnh đá, thì không có cách nào để ngừng lại, mà phải tiếp tục rơi xuống. Hoặc giống như một dòng suối chảy không ngừng, thì hãy nghĩ rằng đời sống trôi qua nhanh như thế nào. Giống như một tia sấm chớp lóe lên trên bầu trời, không dừng lại một giây nào, mà chỉ lóe lên như thế.
Về điểm tiếp theo, thì trong một cuộc đời, cho là một trăm năm, thì có lẽ một nửa thời gian này mình dùng để ngủ, đặc biệt nếu như tính ra mình đã ngủ bao nhiêu tiếng đồng hồ trong năm nay. Tất nhiên, trong trường hợp của người bị chứng mất ngủ thì khác, nhưng nói chung thì hầu hết chúng ta sẽ sử dụng một thời gian lớn để ngủ. Nếu như xem xét khoảng thời gian sáu mươi năm trong cuộc đời này, thì hai mươi đầu đã bị lãng phí, vì những việc ngớ ngẩn. Hãy nghĩ về thời gian mà người ta thật sự có thể chuyển hướng, và sử dụng nó: nếu như cộng toàn bộ thời gian ăn, ngủ và bị bệnh trong sáu mươi năm, rồi trừ tất cả thời gian đó ra, có lẽ chỉ còn lại khoảng sáu năm thôi. Hãy nghĩ xem bao nhiêu thời gian trong suốt một ngày sẽ bị lãng phí cho tất cả những sinh hoạt tầm thường, để chăm sóc cơ thể của mình.
Một vị Lạt ma vĩ đại đã nói trong tiểu sử của ngài rằng: “Tôi đã trải qua hai mươi năm đầu không bao giờ thật sự tu tập, và bỏ ra hai mươi năm tiếp theo để nói: 'Một ngày nào đó, tôi sẽ tu tập', và đã bỏ ra mười năm cuối cùng để nói 'Ồ! Ước gì tôi có thể tu tập sớm hơn!'. Đó là cách mà tôi đã lãng phí kiếp người hoàn hảo.”.
Tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, có những người đã thích tu học và cải thiện bản thân ngay từ nhỏ, nhưng hầu hết chúng ta đều không cảm thấy điều này, khi còn là một đứa bé, trong hai mươi năm đầu tiên, hầu như mình chẳng bao giờ làm một việc nghiêm túc nào để cải thiện bản thân. Trong hai mươi năm tiếp theo thì mình lo tạo dựng cuộc đời và kiếm sống, rồi luôn luôn trì hoãn việc tu tập, và nói rằng, “Trước hết, tôi phải tạo dựng cuộc đời và làm nhiều công việc.”. Thế là mười năm trôi qua, rồi ba mươi, rồi bốn mươi năm. Rồi chúng ta bắt đầu suy nghĩ: “Bây giờ thì mình đã già, không thể làm được điều gì. Tôi không thể nhìn thấy rất rõ nữa, nên không thể làm mệt mắt. Tôi không thể nghe rõ, và phải lắng nghe rất kỹ, để hiểu điều gì mà người khác nói.”. Thế là chúng ta từ bỏ ước nguyện tu học.
Điều này cho thấy việc thành tựu đời sống tâm linh khó khăn ra sao. Nếu chỉ sống đời thế tục thì dễ hơn nhiều. Nên nếu như mình thật sự sẽ có một cuộc sống tâm linh, thì không thể luôn trì hoãn nó, hay trì hoãn nó cho đến khi mình lớn tuổi hơn. Ta sẽ thấy rằng mình không thể làm những điều mình đã hy vọng sẽ thực hiện được, và chỉ hối hận, ước gì mình đã tu tập sớm hơn. Nếu như muốn có đời sống tâm linh, đời sống theo tôn giáo, thì đây là điều mà mình phải thực hiện với quyết tâm và cương quyết cao độ từ lúc này, ngay bây giờ.
Phải nghĩ rằng: “Trong kiếp này, mình đã gặp giáo pháp Tiểu thừa và Đại thừa, và trong Đại thừa thì mình đã gặp được cả Kinh điển và Mật điển.”. Phải thấy rằng trách nhiệm thuộc về mỗi một người trong chúng ta. Đức Phật đã chỉ cách ta phải làm gì, đi theo con đường nào. Không thể đổ trách nhiệm cho người khác. Dù cho mình có noi theo điều này hay không thì hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta.
Bản chất của đời sống là bất ổn, biến đổi từ sát na này đến sát na khác. Sinh lực của con người thì khá yếu ớt, và không thể nương tựa vào đó. Vì vậy, là những chúng sinh trôi lăn trong luân hồi, với thọ mạng liên tục trôi qua và hoạt diệt, khi nhận thức được tình trạng của mình, thì ta sẽ thấy mình sắp sửa rơi xuống vực thẳm, xa rời kiếp sống này. Nếu như mình sống một cuộc đời, mà hoàn toàn bỏ qua thực tại này, thì thật là thảm hại.
Tất cả những điều này đều nêu ra thực tế là cái chết chắc chắn sẽ đến. Nếu như xem xét tất cả mọi người trên thế giới này, dù có bao nhiêu tỷ người đi nữa, thì không ai trong số họ sẽ tồn tại trong vài thế kỷ nữa, mặc dù dân số trên trái đất có thể tăng lên rất nhiều. Và nếu chúng ta xem xét những người ở đây, trong đại chúng này, thì một trăm năm nữa, có thể một vài đứa bé vẫn còn sống, nhưng những người còn lại thì chắc chắn sẽ qua đời! Nếu như mình nghĩ điều gì sẽ xảy ra với tòa nhà này, và phần còn lại của các tòa nhà quanh đây, thì trong vài thế kỷ nữa, có lẽ chúng cũng sẽ biến mất. Lấy ví dụ về một cái cây: một cây sớm rụng lá có thể mọc đầy lá, nhưng khi mùa đông đến, thì lá sẽ rụng xuống đất. Thế giới không ngừng chuyển động. Nếu như mình thức dậy vào buổi sáng sớm, trước bình minh, thì ngày rất tươi mới. Sau đó, mặt trời sẽ mọc, và đi qua bầu trời, mà không dừng lại một khoảnh khắc nào. Cuộc sống của chúng ta chỉ như vậy: ngày và đêm tiếp tục trôi qua, mà không bao giờ dừng lại.
Thời Điểm Mà Cái Chết Đến Thì Bất Định
Trong lịch sử, có những truyền thuyết về những người bất tử, trong quá khứ xa xôi. Họ đã có thọ mạng dài vô lượng, nhưng ngày nay, chắc chắn là không có ai sống như thế nữa. Nếu như mình đặt câu hỏi, vì tất cả chúng ta sẽ qua đời, rằng khi nào thì cái chết sẽ đến, thì đó là điểm thứ hai. Điều rất rõ ràng là dù có đi đâu trên thế giới này, thì cũng không chắc chắn khi nào thì cuộc đời của mình sẽ chấm dứt. Ở đây, chúng ta không đề cập đến những lục địa khác, như được trình bày trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận. Ngay tại đây, trên trái đất này thì thực tại là không có thọ mạng nhất định.
Nếu như nhìn vào nhiều người trên thế giới này, thì họ sẽ không sẵn sàng đối mặt với thực tại về cái chết. Có rất nhiều nơi mà những người già đã về hưu hoàn toàn không chấp nhận sự thật là họ sẽ chết. Họ sẽ dành tất cả thời gian để đi du lịch khắp nơi trên thế giới, ăn mặc rất cầu kỳ, trang điểm nhiều và cố gắng nhìn trẻ trung, với nỗ lực trốn chạy thực trạng về đời sống của họ. Nhưng họ phải chuẩn bị tinh thần về thời điểm và nơi chốn mà cái chết sẽ đến.
Một lần nọ, sau khi kiểm tra sức khỏe, thì bác sĩ nói với tôi rằng: “Bảo đảm 100% là Ngài sẽ sống đến 60 tuổi.”. Nhưng tôi không dám nhận lời bảo đảm này. Điều chắc chắn là không ai có thể đảm bảo những gì sẽ xảy ra, hoặc sẽ không xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó.
Một điểm quan trọng là nhiều hoàn cảnh sẽ tạo ra cái chết, hơn là những trường hợp duy trì sự sống, như nhiều bệnh tật, v.v... Không cần phải tìm kiếm nguyên nhân tạo ra cái chết ở bên ngoài, bởi vì chúng đều ở trong dòng tâm thức của mình. Ngay cả những hoàn cảnh thường duy trì sự sống cũng có thể tạo ra cái chết. Chẳng hạn như mình ăn để sống, nhưng việc ăn uống có thể tạo ra vấn đề với dạ dày, tiêu hóa, gan và vân vân. Khi ăn món gì để duy trì sự sống, thì nó có thể dẫn đến cái chết.
Điểm kế tiếp là cơ thể yếu đuối như thế nào, cực kỳ mong manh, có thể tan rã bất cứ lúc nào. Cơ thể của chúng ta không mạnh mẽ, cứng rắn, hay có khả năng chống lại mọi thứ. Nếu như xem xét những cấu trúc được những yếu tố khác nhau tạo nên, như các tòa nhà, núi non, v.v..., tuy đối với mình, chúng có vẻ rất mạnh mẽ, nhưng chúng cũng hoại diệt. Gió và nước làm cho chúng hao mòn, nên không cần phải nói đến việc cơ thể của mình bị hao mòn và hoại diệt. Trái tim đang đập liên tục, nhưng nếu như nó ngừng đập trong một phút, thì mình sẽ chết. Bộ xương được da bao phủ lên thì trông đẹp đẽ, nhưng ở bên trong thì nó rất yếu đuối và mỏng manh. Nếu như nhìn vào sự tinh tế và phức tạp của cơ thể con người, và thật sự tìm hiểu về nó, thì việc nghĩ rằng nó thật lạ thường, nên chỉ có Thượng đế mới có thể tạo ra nó được là điều khá dễ hiểu. Nhưng nếu thật sự nhìn vào cơ thể con người, thì nó là điều rất mong manh và dễ tan rã. Vì cuộc sống có thể trôi qua rất nhanh, và chắc chắn nó sẽ trôi qua nhanh, nên mình phải tu tập.
Vào Phút Lâm Chung, Không Có Gì Hữu Ích, Ngoài Giáo Pháp
Điểm tiếp theo trong đại cương là vào phút lâm chung thì không có điều gì hữu ích, ngoại trừ Pháp. Phải hiểu rất rõ là vào lúc chết, không có gì giúp ích cho mình, ngoại trừ việc tu tập giáo pháp. Vật chất và những thứ mà mình đã thu thập sẽ không giúp ích cho mình vào phút lâm chung, vì mình phải để lại tất cả những thứ đó. Nếu như ta là người giàu nhất thế giới, cho dù có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, hay bao nhiêu mối đầu tư, thì khi qua đời, chắc chắn mình không thể đem chúng theo. Hoàn toàn không có hy vọng gì cả.
Điều tương tự cũng xảy ra với người thân và bạn bè, những người không thể giúp ích gì cho mình, khi ta qua đời. Có những người có vẻ rất tận tụy, và sẵn sàng bỏ mạng vì mình, nhưng thật sự không thể làm điều đó. Nếu như tất cả mọi người đều phải chết, thì những người này có ích lợi gì? Khi cuộc đời chấm dứt, nếu như tôi nói rằng: “Tôi là một nhà sư” hay “Tôi là Đức Dalai Lama”, thì cũng không lánh xa cái chết của mình được, mà phải đối diện với cái chết một mình. Vì đã được sinh ra, nên không có điều gì khác để mọi người phải làm, ngoài việc ra đi một mình, vào phút lâm chung. Với tất cả những người bao quanh Mao Trạch Đông, quân đội khổng lồ mà ông đã tạo dựng, tất cả oai lực mà ông đã có, nhưng vào lúc ông qua đời thì không một người lính nào có thể giúp đỡ ông, hay cùng chết với ông, và ông phải hoàn toàn đối diện với cái chết một mình.
Cơ thể mà mỗi một người chúng ta đã kết nối rất mật thiết với nó, trải qua nóng, lạnh, đói và khát, cuối cùng sẽ phải tách rời tâm thức. Chúng ta xem thân thể của mình rất quan trọng, nhưng nó sẽ biến thành xác chết. Xác chết thì thường khiến cho mình cảm thấy rất buồn nôn. Chúng ta xem nó là bẩn thỉu và ô nhiễm, nhưng một xác chết xuất phát từ đâu? Nó bắt nguồn từ chính cơ thể của mình. Bạn nghĩ sự bẩn thỉu của một xác chết đến từ đâu? Khi mình qua đời thì cơ thể biến thành xác chết, và sẽ không giúp ích gì được cho mình. Vậy thì rất rõ ràng là thân thể, tiền của, bạn bè và người thân, không có điều gì sẽ giúp ích cho mình vào phút lâm chung.
Khi không nghĩ đến cái chết, thì người ta tiếp tục tích lũy và để dành các thứ, bỏ chúng vào những chiếc hộp rỗng bằng nhựa, rồi bỏ nó vào trong hộp gỗ. Khi nhìn thấy một hộp thiếc rỗng đẹp đẽ, thì họ sẽ để dành nó, và tiếp tục thu thập chúng, mà chẳng làm gì cả, rồi chỉ để lại tất cả những thứ này, khi họ qua đời.
Chúng ta đã thiết lập việc dòng tâm thức của mình tiếp tục từ những kiếp quá khứ đến những kiếp vị lai, và trên cơ sở đó mà mình đã gọi nó là “tôi”, và vân vân. Thế thì dòng tâm thức là điều gì tiếp nối, không thể mang theo vật chất. Tất cả những gì có thể đi theo dòng tâm thức đó là những tiềm năng được tích lũy trong kiếp này. Nếu như mình tích tập công đức, những loại công đức khác nhau, thì điều này sẽ có lợi cho những kiếp tương lai. Công đức là điều mà mình có thể tích tập, nhờ tu tập Pháp.
Hãy xem xét những trường hợp có thể xảy ra vào lúc chết. Chúng ta có thể bị bệnh gì đó, và đến gặp các bác sĩ, và họ đều nói rằng: “Hiện tại thì không thể làm gì với căn bệnh này cả, vì nó sẽ kéo dài.”. Hãy nghĩ xem ta sẽ cảm thấy khó chịu như thế nào, mọi việc sẽ trở nên tuyệt vọng hơn như thế nào, khi nhận ra mình sẽ chết. Vào ngày cuối cùng của cuộc đời, chúng ta chỉ nằm trên giường và kinh hoàng, khi những dấu hiệu tập họp lại, và nhìn đời sống suy sụp. Chúng ta không thể làm gì cả, vì không thể làm chủ quá trình này. Chúng ta sẽ dùng bữa ăn cuối cùng, và thuốc men không có khả năng giúp đỡ gì cho mình. Mọi việc càng ngày càng thảm hại. Chúng ta muốn nói, nhưng không nói được, vì môi đã khô. Khả năng để nhìn, nghe và ngửi sẽ chấm dứt, rồi khả năng hít thở cũng chấm dứt, và mình sẽ qua đời. Dù mình đã có cái tên đẹp đẽ nào trong đời, thì giờ đây, nó sẽ trở thành Tashi quá cố, hay Kunzang quá cố, hay bất cứ điều gì.
Nếu như nghĩ về cảnh ngộ của cái chết sắp xảy ra cho mình, và nó sẽ xảy ra như thế nào, thì phải có tín tâm vững vàng rằng chỉ có một số hành trì tâm linh có thể giúp ích cho mình, khi cái chết đến. Hành trì tâm linh hiệu quả nhất là phát hai bồ đề tâm, tương đối và tuyệt đối. Vì vậy, khi nghĩ về cách mà cái chết và vô thường sẽ xảy ra, thì phải quyết tâm rất mạnh mẽ rằng mình sẽ phát bồ đề tâm.
Nghiệp: Luật Nhân Quả
Điểm tiếp theo trong pháp tu sơ khởi là bàn luận về nghiệp, luật nhân quả. Sau khi qua đời, thì chỉ có hai phương hướng mà mình có thể đi, một là đi lên, hai là đi xuống – một là có một tái sinh tốt hơn, hai là có một tái sinh tệ hơn. Bởi vì dòng tâm thức có tính tương tục, nên chắc chắn nó sẽ tái sinh, và nó sẽ làm như vậy bằng mãnh lực nào? Điều này sẽ diễn ra bằng tác động của nghiệp, nói cách khác là những nguyên nhân đã được tích tập.
Nghiệp Luật
Có nhiều trích dẫn khác nhau từ Bảo Hành Vương Chính Luận của ngài Long Thọ, về tính xác quyết của nghiệp. Nếu mình đã tích lũy công đức, vì đã tạo thiện nghiệp, thì kết quả duy nhất có thể xảy ra từ đó là hạnh phúc. Nếu như đã tạo ra ác hạnh và tích tập ác nghiệp, thì khả năng duy nhất có thể xảy ra từ việc này là nỗi bất hạnh và khó khăn. Đây là điều quả quyết và chắc chắn. Kết quả sẽ phù hợp với bất cứ loại nghiệp lực nào mà mình đã tích tập.
Điểm tiếp theo là sự tăng trưởng của nghiệp quả. Từ một hành động nhỏ mà ta có thể gặt một quả to lớn. Thiện hạnh có thể đem lại những kết quả tuyệt vời về mặt tích cực, và ác nghiệp có thể đem lại kết quả cực kỳ tiêu cực. Từ một ác hạnh rất nhỏ, mà một thảm họa lớn có thể xảy ra. Chúng ta đã thấy điều này trong những bài tường thuật trong kinh sách, khi mà người nào gọi một nhà sư bằng một cái tên xấu xa như khỉ hay con lừa đực, và kết quả là họ đã tái sinh thành loài thú mà họ đã gán cho nhà sư ấy. Đây là tất cả những ví dụ về yếu tố tăng trưởng.
Lấy ví dụ về hạt giống của cây. Nếu nó là hạt giống của một cây thuốc, hay dược thảo, thì chính hạt giống sẽ có những phẩm chất dược liệu này. Nếu nó là hạt giống của một cây độc, thì hạt giống cũng có độc. Do đó, một cây độc sẽ mọc ra từ hạt giống có độc, và một cây thuốc sẽ mọc ra từ một hạt giống có dược liệu. Tương tự như vậy, điều gì to lớn như một cây sồi, sẽ mọc từ một hạt nhỏ như hạt sồi. Đây là những ví dụ thích hợp cho những đặc tính của nghiệp.
Như ngài Tịch Thiên đã nói trong Giáo Tập Yếu (Compendium of Trainings): “Nếu như điều gì ích lợi về lâu về dài, nhưng lại có hại trong hoàn cảnh ngay trước mắt, thì điều đó đáng làm. Đó là vì ta phải nghĩ về ảnh hưởng lâu dài. Nhưng nếu như điều gì chỉ có ích trong thời gian ngắn, mà lại có hại về lâu về dài, thì đó là điều mình không thể làm.”. Tất nhiên là không cần phải đề cập đến việc nếu như điều gì có hại cho cả lâu dài và ngắn hạn.
Hãy nghĩ về ví dụ khi mình giết một con vật vì muốn ăn thịt nó, hoặc giết kẻ thù vì tức giận. Trong một thời gian ngắn thì ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, và có thể cảm nhận một niềm hạnh phúc thoáng qua. Nhưng về lâu về dài, thì ta có thể phải đối diện với hậu quả của tội giết người. Vì vậy, chắc chắn nó sẽ tạo ra rất nhiều nỗi bất hạnh và đau khổ. Mặt khác, nếu như mình bảo vệ và cứu mạng một sinh vật nào sắp bị giết hại, thì điều này chỉ đem lại hạnh phúc, là kết quả lâu dài và ngắn hạn. Một cây lớn sẽ mọc lên từ một hạt giống nhỏ, và tương tự như vậy, một hành động nhỏ có thể tạo ra kết quả to lớn. Vì vậy, việc hạnh phúc hay nỗi khổ lớn có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ là điều rất đúng.
Đây là một câu trích dẫn cho thấy nghiệp và những tiềm năng khác nhau sẽ đi theo mình như thế nào: “Giống như bóng của con chim đi theo nó ở bất cứ nơi nào, dù nó có thể bay rất cao, và mình có thể không thấy rõ bóng của nó trên mặt đất, nhưng nó luôn luôn đi theo con chim. Khi con chim đáp xuống, thì bóng của nó sẽ hiện ra rõ ràng.”. Tương tự như vậy, tiềm năng của nghiệp mà mình đã tích tập sẽ đến và đi cùng với mình, dù ta sẽ đến bất cứ nơi nào, trong dòng đời của mình.”. Dù cách mà nghiệp trổ có thể không rõ rệt lắm, nhưng vào lúc nào đó, khi mình tiếp tục sống, thì những tiềm năng này lại trở nên rõ rệt.
Hãy xem xét nhưng loại hành vi khác nhau mà mình có thể thực hiện, hãy cho là việc gọi ai bằng là cái một tên xấu, khiến cho họ không vui. Không ai thích bị gọi bằng một cái tên xấu, vì nó tạo ra nỗi bất hạnh. Điều này sẽ tích tập ác nghiệp cho những hành vi tiêu cực hơn nữa. Nó sẽ không biến mất. Vấn đề là nghiệp sẽ không mất đi, mà việc khi nào nó sẽ trổ chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Có một số lực đối trị mà mình có thể áp dụng, và những phương pháp khác nhau, để không phải trải nghiệm những hậu quả tiêu cực từ hành động của mình. Chúng ta có thể tạo thiện nghiệp như một pháp đối trị. Đây là điều mà mình sẽ tích tập dần dần, không chỉ là những hành vi ngoạn mục như bố thi thân thể của mình, và những điều như thế. Như tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh đã nói, thì phải bắt đầu với những hành vi nhỏ bé, và tạo dựng những hành vi sâu rộng hơn. Vậy thì không cần phải nản lòng, khi chúng ta đọc về công hạnh của những vị anh hùng tâm linh vĩ đại, những vị Bồ tát đã bố thí thân thể của họ và vân vân. Có thể nghĩ về cách mà các vị đã khởi đầu, giống như chúng ta, bằng cách thực hiện những thiện nghiệp nhỏ. Điều tương tự cũng xảy ra, khi từ bỏ ác nghiệp và những tập khí sai lầm. Ta sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ, và tăng cường việc này, bằng cách từ từ buông bỏ những tập khí xấu. Điều này kết luận quan điểm của mình về cách kết quả sẽ tăng trưởng, so với hành động của mình.
Điểm kế tiếp là, nếu đã thực hiện một hành vi nào đó, thì ta sẽ gặp quả của nó, và nếu như chưa thực hiện một hành vi nào đó, thì sẽ không gặp quả của nó. Nếu như không hề thực hiện một hành vi, thì ta sẽ không gánh hậu quả, bất kể kết quả có thể là hạnh phúc hay bất hạnh. Trừ khi mình đã tạo ra nguyên nhân, còn không thì sẽ không trải nghiệm kết quả. Và nếu như đã thực hiện một hành vi, thì nó sẽ không vô ích. Dù mình đã tích tập thiện nghiệp hay ác nghiệp, thì nó sẽ không trổ, cho đến khi mình gặp các trợ duyên khiến cho nó trổ, và tạm thời thì nó sẽ không biến mất. Trước sau gì nó cũng sẽ trổ, chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Điểm tiếp theo nói cho ta biết, nếu như mình đã tích tập công đức từ thiện nghiệp, rồi lại rất sân hận, thì nó sẽ tàn phá và làm suy yếu sức mạnh của công đức ấy. Do đó, trừ khi điều gì sẽ xảy ra, để hoàn toàn tiêu diệt mãnh lực của những điều mình đã tích tập, còn không thì khi các trợ duyên có mặt và tề tựu lại, thì nghiệp mà mình đã tích tập sẽ trổ, vì ta đã tạo ra chúng.
Hoàn cảnh bên ngoài trong hiện tại của người Tây Tạng mất nước thì tương ứng với nguyên nhân bên trong. Một sự tích lũy ác nghiệp lâu dài đã khiến cho chúng ta mất nước, phải sống lưu vong và trải qua những khó khăn. Hãy xem tình hình ở Châu Phi, với vấn đề hạn hán và nạn đói khủng khiếp đang xảy ra, hay hàng triệu người bị nhiễm bệnh và chết vì vi rút. Điều này liên quan đến nghiệp trên toàn thế giới, xuất phát từ những mãnh lực khác nhau trong dòng tâm thức của nhiều người. Tất nhiên, có thể kể cả động vật, nhưng chủ yếu thì tất cả đều dựa vào tiềm năng trong dòng tâm thức của con người, thuộc về thể loại cộng nghiệp, hay nghiệp chung. Những điều này tạo ra sự thay đổi trong nghiệp của thế giới, tạo ra những sự kiện như hạn hán và nạn đói khủng khiếp ở Châu Phi.
Ngay cả trong những tình huống như vậy, khi có một thảm họa trên quy mô lớn, thì ta sẽ thấy rằng có một số người sống sót, cũng như không gặp nhiều khó khăn, và điều này xuất phát từ tiềm năng và nghiệp lực của họ. Nên khi trải qua những tình huống tồi tệ, thì ta phải nghĩ làm thế nào mà điều này đã xảy ra, như kết quả của những điều mà mình đã làm trong quá khứ, những tiềm năng mà mình đã tích tập. Khi nghĩ như vậy, thì mình có thể thoải mái hơn một chút, bớt căng thẳng và xáo trộn vì tình huống khó khăn mà mình gặp phải.
Phát Triển Kỷ Luật Nội Tâm
Sau đó, ta có thể phản ảnh rằng: “Giống như hiện giờ, tôi muốn có hạnh phúc, và không muốn đau khổ và gặp khó khăn, thì trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục có cùng bản tánh ấy, sẽ không muốn gặp khó khăn. Tôi cũng sẽ muốn được hạnh phúc trong tương lai, vì vậy, tôi nên làm điều gì ngay bây giờ.”. Nếu như mình suy nghĩ như vậy, thì sẽ không cần có nhà tù, luật dân sự và cảnh sát, để giúp cho mình không làm người ngang ngược. Khi biết rằng mình sẽ phải gánh lấy hậu quả từ những hành vi của mình, thì ta sẽ thấy tinh thần trách nhiệm của mình sẽ kềm hãm mình, để không cướp bóc, lừa dối và giết chóc, và thực hiện những loại hành động chỉ tạo ra cho mình những nỗi khổ lớn trong tương lai.
Nếu như có kỷ luật bên trong, thì những hạn chế bên ngoài sẽ không cần thiết. Vẫn còn nhiều nơi ở Ấn Độ mà mọi người không cần phải khóa cửa, và nếu như có trộm cắp, thì họ sẽ cảm thấy đó là một sự sỉ nhục đối với cả cộng đồng, bởi vì kỷ luật bên trong về việc kềm chế những hành vi bất hợp pháp có ý nghĩa rất lớn đối với họ. Cách tốt nhất là có kỷ luật tự giác, mà không phải phụ thuộc vào người khác, để kiểm tra hành động của mình. Nếu như nhìn vào những nơi ở phương Tây, có lực lượng cảnh sát tinh vi với máy bộ đàm (walkie-talkie) và đủ các loại thiết bị điện tử, thì ta sẽ thấy rằng, dường như lực lượng cảnh sát ở những nơi đó càng mạnh, thì tỷ lệ tội phạm lại càng cao. Người ta không thể ngăn ngừa việc phạm tội của những người thiếu kỷ luật bên trong, nên rõ ràng là những sự hạn chế và lực lượng bên ngoài không ngăn ngừa được việc phạm tội, mà chính những mãnh lực bên trong lại tạo ra những hành vi chống đối xã hội.
Người Trung Quốc thật sự phải dựa vào việc củng cố luật pháp và kiểm soát sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nếu như không có sự nhiệt tình và hợp tác bên trong, thì rất khó để đưa luật pháp và trật tự vào trong xã hội. Có vẻ như việc cố gắng kiểm soát bằng lực lượng cảnh sát và những điều tương tự sẽ trở thành nguyên nhân cho việc lạm dụng các hệ thống nhiều hơn. Đó là vì chính các cảnh sát và tù nhân sẽ phạm tội nhiều hơn. Nên điều cực kỳ quan trọng là phải nhấn mạnh ý thức trách nhiệm nội tâm, đối với hành vi của mình, cũng như kết quả sau cùng của những hành vi ấy.
Phân Loại Nghiệp: Thập Ác
Trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, có nhiều phân loại khác nhau về nghiệp: nghiệp được tạo tác từ các hành vi của thân, khẩu và ý; những hành vi mà quả của nó chắc chắn sẽ được trải nghiệm, và những hành vi mà quả không chắc chắn sẽ được trải nghiệm. Có những quả chắc chắn sẽ được trải nghiệm trong kiếp này, hoặc trong kiếp kế tiếp, hay trong kiếp sau đó, hoặc trong những kiếp về sau. Đây là một số trong nhiều cách phân chia trong cách trình bày về nghiệp.
Tuy có nhiều loại hành vi liên quan đến vô hạn chúng sinh, nhưng chúng có thể được cô đọng thành mười loại chính. Chúng bao gồm ba hành vi của thân, bốn hành vi của ngữ, và ba hành vi của ý. Khi nhìn vào mười điều này từ quan điểm của ác nghiệp, thì có thập ác, và việc kềm chế bản thân để không tạo tác chúng, là thập thiện. Điều cực kỳ quan trọng là phải có tín tâm xác tín vào luật nhân quả, và quá trình theo sau, về mặt thiện nghiệp và ác nghiệp. Đây là một trong những điểm chính trong giáo lý nhà Phật.
Hãy xem xét ác nghiệp của việc giết hại. Nó được chia ra thành chủ ý; nhận thức đối tượng; phiền não liên quan đến đối tượng, chẳng hạn như dục vọng hay sân hận; và hành vi hoàn tất. Việc giết hại là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà ta có thể làm. Ngay cả côn trùng nhỏ bé cũng trân trọng đời sống của nó hơn bất cứ điều gì khác. Hầu hết người Tây Tạng, ngay cả trong thời thơ ấu, đều nói rằng việc giết một côn trùng nhỏ là điều rất xấu xa và tiêu cực. Mặc dù trẻ nhỏ có thể không biết những từ ngữ này có nghĩa là gì, nhưng từ lúc nhỏ, chúng đã biết câu này: “Giết hại một côn trùng nhỏ là việc xấu xa.”. Nên khi những đứa bé nói những điều như vậy là điều rất tốt.
Đối với việc giết thú vật để lấy thịt, thì nên tránh ăn thịt mà mình đã có được bằng những cách khác, ngoài những cách được đề cập trong tam tịnh nhục. Theo giới luật (vinaya) của tu viện thì chư Tăng Ni bị bệnh có thể dùng thịt, nếu nó được cúng dường, miễn là chư vị phải có ba nhận thức hay thừa nhận rằng (1) không nhìn thấy con vật bị giết để cúng dường riêng cho mình; (2) không nghe nói rằng con vật bị giết riêng cho mình; và (3) không nghi ngờ gì rằng thịt được lấy từ một con vật đã chết tự nhiên, hay được mua từ chợ một cách đúng đắn. Chúng ta sẽ không đặt mua thịt của một con vật được giết mổ riêng cho mình. Ở một nơi có sẵn rất nhiều thịt thì là một chuyện, nhưng nếu đang ở nơi không có sẵn thịt, hoặc nếu như nghĩ rằng nó có thể bị giết vì lợi ích cụ thể của mình, thì có thể cố gắng dùng bớt thịt càng nhiều càng tốt. Đối với tôi thì năm 1965, tôi đã hoàn toàn ngưng ăn thịt trong hai năm, nhưng tôi đã gặp khó khăn với bệnh viêm gan, và không thể tiếp tục tránh ăn thịt. Nhưng nếu nó không ảnh hưởng đến sức khỏe, thì việc ngưng ăn thịt là tốt nhất.
Trộm cắp cũng rất tiêu cực, cũng như tà dâm, chẳng hạn như có quan hệ tình dục với bạn đời của người khác. Điều này vô cùng tiêu cực, đặc biệt khi có trẻ em ra đời trong sự kiện này, gây ra rất nhiều rắc rối. Phải tránh dính líu vào loại quan hệ này, ngoại trừ với người bạn đời của mình.
Sau đó là khẩu nghiệp, đó là nói dối, nói lời chia rẽ, nói nặng lời, và nói chuyện phiếm. Điều cuối cùng này không có vẻ quá tệ, nhưng sẽ làm cho mình mang tiếng, và lãng phí rất nhiều thời gian. Sau đó là những ác nghiệp về ý, gồm có tham lam, ác ý, và tà kiến.
Đối với tham lam thì rất khó kiểm soát. Người hàng xóm của một người kia có một cái radio và máy thâu âm tuyệt đẹp. Anh ta đã hỏi mượn nó: “Ồ, hãy cho tôi xem nó một chút”, rồi rất muốn sở hữu nó. Ác ý với người khác là ý tưởng thâm độc, chẳng hạn như nếu như mình không thích ai đó, và khi anh ta đi ngang qua, thì mình mong cho họ vấp té. Tà kiến là những quan điểm bác bỏ những gì thật sự tồn tại trên thực tế, và ôm ấp những quan điểm tạo ra những điều không tồn tại.
Chẳng hạn như Trung Quốc không chấp nhận nhiều điều thật sự tồn tại, và có quan điểm hoàn toàn duy vật. Một số người không chấp nhận ý thức, và ngay cả khi họ chấp nhận điều đó, thì cũng không chấp nhận rằng ý thức có tánh tương tục trong những kiếp trước và kiếp sau. Trên cơ sở đó, họ phủ nhận giá trị của thiện nghiệp, và phủ nhận sự tồn tại của giải thoát, v.v...
Ví dụ, đối với thiện nghiệp, thì khi tình huống thực tế xảy ra, mà mình sắp sửa giết hại, rồi lại nghĩ về sự bất lợi của việc này và tự kềm chế, không làm việc đó, thì đó là thiện nghiệp kềm chế việc giết hại. Thiện nghiệp của việc tự mình ngăn chận việc giết hại không chỉ xảy ra nói chung, khi không có hoàn cảnh mà mình có thể giết hại ai. Đó phải là lúc mà mình thật sự có thể giết một chúng sinh nào đó, và ý tưởng xảy ra, khiến cho mình chấm dứt hành động đó. Thập thiện là những loại hành vi như vậy.
Đối với việc vu khống và nói dối, thì có một số người luôn thích nói dối, hoặc chỉ nói thêm một vài lời. Nhưng ngay cả khi không quan tâm đến việc tu tập Pháp, thì vẫn phải quan tâm đến uy tính của mình. Thêm và đó, điều quan trọng là không lừa dối người khác, nên việc có thói quen nói dối là điều rất tiêu cực. Trong trường hợp đó, không cần biết mình làm gì, thì điều cực kỳ quan trọng là phải cẩn thận với hành vi của mình, phải tiết chế và bình tĩnh, làm người tốt bụng và giúp đỡ người khác. Hãy xem ví dụ về kiến và ong, trong tiếng Anh thì chúng được gọi là “côn trùng xã hội”, vì chúng sống trong những cộng đồng lớn. Phải nói rằng con người cũng là động vật xã hội. Chúng ta sống trong xã hội, nên phải quan tâm đến người khác.
Khi phải đối diện với kẻ thù, thì động vật xã hội và côn trùng sẽ tự vệ. Chúng sẽ cãi vã với nhau, và khi việc này xảy ra, thì chúng sẽ giải quyết vấn đề ngay lập tức. Phải cố gắng tu tập lòng khoan dung từ bên trong, rồi mở rộng điều này đến những cộng đồng khác. Khi tất cả chúng ta phải làm việc và sống với nhau, thì việc lừa dối và lường gạt nhau không có ích gì, đúng không? Nếu như chúng ta hoàn toàn độc lập, nếu như mình có thể sống như những con dê núi, mà không phải phụ thuộc vào nhau để sinh tồn, thì đó là điều tuyệt vời. Nhưng ngày nào mình vẫn phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ và lòng tốt của người khác, thì phải học cách sống với họ. Chúng ta phải học cách chung sống trong hòa bình.
Khi sống trong xã hội, và mọi người đều muốn hạnh phúc, thì cách duy nhất để có được hạnh phúc là mọi người hợp tác với nhau, để có sự gần gũi và hòa hợp chặt chẽ giữa mọi người. Khi điều này không tồn tại, khi không có mối liên hệ chặt chẽ và hòa thuận, thì thì ngay cả một gia đình cũng không vui vẻ. Nó sẽ tạo ra rất nhiều nỗi khổ và bất hòa. Nếu mọi người hòa thuận với nhau, thì có khả năng là cả nhóm sẽ được vui vẻ.
Đây là sai lầm tồi tệ nhất mà những người cộng sản Trung Quốc đã mắc phải, đối với việc khuyến khích sự hoài nghi và ngờ vực giữa những người thân thích, giữa trẻ em và cha mẹ, giữa mọi người. Đây là điểm mà họ đã thất bại, đối với việc truyền bá mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người Trung Quốc thật khá đáng thương. Họ phủ nhận tôn giáo, phủ nhận những điều khác, hoàn toàn vì vô minh, và không biết họ đang làm gì. Trên thế giới này, không có ai mà không chăm sóc và trân quý bản thân mình. Tuy nhiên, khi chánh phủ cộng sản cố gắng áp dụng chủ nghĩa xã hội, bằng cách chĩa súng hay dùy cui vào người dân, thì điều đó cho thấy họ không biết tôn trọng hay quan tâm đến người dân, và rất ít quan tâm đến người khác một cách chân thành. Vậy thì làm sao họ có thể đạt được mục tiêu của mình?
Điều quan trọng là thật sự nghiên cứu và khảo sát về nhân quả một cách cẩn thận. Có rất nhiều người uyên bác ở đây, các Geshe và những người khác, những người có liên quan đến công việc này. Họ có thể rất quan tâm và khảo sát mối liên hệ giữa các đại bên ngoài và các đại bên trong, quá trình nhân quả bên ngoài và quá trình nhân quả bên trong. Tất cả những điều này phải được khảo sát rất cẩn thận. Điều này đã hoàn tất việc bàn luận về nhân quả.
Khuyết Điểm Của Luân Hồi
Bây giờ, pháp tu sơ khởi thứ tư là về nỗi khổ hay vấn đề trong luân hồi, tái sinh bất tự chủ. Trong hai loại khổ, nỗi khổ cá nhân của các dạng sống, và nỗi khổ chung, thì điều này đề cập đến kinh nghiệm chung về khổ. Nó có thể được chia ra thành sáu loại khổ và vấn đề.
Điểm đầu tiên là không có gì chắc chắn trong luân hồi. Tình trạng của mình luôn có thể thay đổi. Chúng ta đã có vô lượng kiếp, nên bằng hữu từ kiếp trước sẽ trở thành kẻ thù trong kiếp này, và kẻ thù từ kiếp trước sẽ là bằng hữu trong kiếp này. Ta cũng có thể thấy điều tương tự xảy ra trong một kiếp. Vì vậy, phải nghĩ về những người tử tế và những người khó chịu với mình, và xem cách mình gán cho họ cái tên bạn bè và kẻ thù, dựa trên cơ sở đó. Không có gì chắc chắn là người nào sẽ đối xử tốt hay khó chịu với mình, vì sự việc có thể thay đổi. Điều này rất dễ thấy, khi người mà mình xem là bằng hữu thân thiết nhất nói điều gì với mình, và dựa vào đó, cảm giác của mình về người đó sẽ thay đổi khá nhanh. Trước tiên, mình nghi ngờ cảm xúc của họ thật sự là gì, và sau đó, bắt đầu có nhiều định kiến về người đó. Người này sẽ biến thành kẻ thù mà ta có thể ghét bỏ rất nhanh. Vậy thì phải nhận ra rằng không có ai là một người bạn tuyệt đối, hay kẻ thù tuyệt đối, sẽ luôn luôn thuộc về phạm trù đó.
Điểm tiếp theo là không có sự toại nguyện trong luân hồi. Một trong những loại hoa quả tuyệt vời nhất mà mình có thể có, là sự mãn nguyện hay hài lòng. Nhưng điều đó rất hiếm hoi. Người nào có thể có một khoản tiền khổng lồ, hay của cải vật chất, nhưng nếu như họ không hài lòng với điều đó, thì sẽ cảm nhận cùng một nỗi khổ như thể là họ nghèo nàn. Không cần biết họ có bao nhiêu tiền của, nhưng họ nghĩ rằng mình nghèo khó, nên đau khổ.
Chúng ta cũng phải tư duy về tất cả những kiếp sống và thân thể khác nhau mà mình đã có. Hãy nghĩ nếu như mình luôn luôn có được kiếp người, từ thời Đức Phật cho đến bây giờ, thì mình đã có bao nhiêu thân thể? Khi nghĩ về điều đó, thì mình được sinh ra, cố gắng tích lũy một lượng tài sản khổng lồ, rồi lại chết. Rồi mình lại được sinh ra một lần nữa, lại tích lũy nhiều thứ hơn, rồi lại chết. Rồi mình lại được sinh ra, tích lũy nhiều thứ hơn, và lại chết một lần nữa. Nó cứ tiếp tục như vậy hoài. Nếu nghĩ về tất cả các loại sữa mà mình đã uống, thì đại dương sẽ không đủ rộng để chứa tất cả những loại sữa này. Nếu như đã 50 tuổi, thì hãy thử tưởng tượng tất cả những thực phẩm mà mình đã ăn trong 50 năm đó - có lẽ là sẽ đủ để lấp đầy ngôi chùa này. Và nó đã đi ra ngoài như phân. Quý vị đã thải ra bao nhiêu phân trong kiếp này?
Nếu như mình chưa có khả năng tận dụng sự hiện hữu này, thì nó giống như lãng phí năng lượng và răng của mình, và đã khiến cho quai hàm phải chịu nhiều đau đớn, vì phải nhai thức ăn. Vậy thì quý vị thấy điều khá quan trọng là phải cố nhìn thấy thực trạng của hoàn cảnh mà chúng ta đang sống trong đó, bởi vì khi không nhận thức được thực tại, thì nó sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề. Nếu như mình được sinh ra như một con lợn trong kiếp này, thì nó sẽ có những phẩm chất tốt đẹp gì? Người ta nói rằng lợn được sinh ra là để làm thịt, và điều này có vẻ khá đúng. Ngay cả khi nó không bị làm thịt, thì có thể nuôi cho nó cho vui, nhưng mình sẽ làm gì với những con lợn, hay lợn con? Hình dáng của chúng không có gì đẹp đẽ, và chúng rất bẩn thỉu, nên nó chỉ thê thảm và rất đáng thương. Khi mọi người nhìn thấy một con chó con hay mèo con, thì họ nói: “Ồ, thật dễ thương!”. Nhưng khi thấy những con heo nhỏ ăn rác và phân, thì họ không nói: “Thật dễ thương!”, mà chỉ bịt mũi lại. Vậy thì nếu như không sử dụng đời sống của mình, mà chỉ dành cả đời để ăn một lượng rác khổng lồ như lợn, thức ăn hay bất cứ thứ gì, thì tất cả những điều chúng ta đã làm là gì? Và chúng ta đã làm điều này từ vô thỉ.
Hãy xem tất cả những lần mà người Tây Tạng đã đánh nhau với người Trung Quốc. Đôi khi, người Tây Tạng sẽ bắt người Trung Quốc, buộc tóc của họ lại với nhau, và ngồi lên người họ. Họ cũng sử dụng nhiều cách tra tấn tàn bạo khác. Những điều này có trong sách lịch sử. Nếu như nhìn vào một vài bài tường thuật về quá khứ, thì ta có thể thấy những điều đáng kinh ngạc và kinh hoàng đã xảy ra.
Trong bộ sưu tập các tác phẩm của Đức Dalai Lama thứ Năm thì có bài tường thuật về một thị giả đặc biệt của Đức Dalai Lama thứ Nhất, đã tái sinh thành một con chim. Nếu như mình có thể tin vào một vài câu chuyện, thì sau đó, người này đã tái sinh thành một vị đạo sư rất vĩ đại Suchicho qua những lần tái sinh khác nhau. Vậy thì từ loại ví dụ này, ta có thể thấy rằng mình đã được sinh ra ở đây, rồi ở nơi kia, trong đủ loại tình huống, giống như trong trò chơi trẻ em, sẽ hạ cánh ở những nơi khác nhau trên tấm bảng của trò chơi. Hoặc là như trong ván cờ bạc với xúc xắc, khi xúc xắc được thảy nhiều lần, và ta sẽ liên tục sinh ra vì vọng tưởng và nghiệp lực của mình.
Nếu tình huống này giống như một cây trên cánh đồng, khi mình chặt nó, thì nó sẽ mọc lại, rồi lại chặt nó nữa, và nó lại mọc lên nữa, thì đó là điều vô ích. Không có điều gì cái cây có thể làm, ngoại trừ việc liên tục mọc lên và bị chặt, mọc lên và lại bị chặt nữa. Trong khi ở đây, trong trường hợp của mình, thì ta có thể làm điều gì đó, vì hoàn cảnh tái sinh của mình sẽ biến đổi theo tác động của dòng tâm thức, và dòng tâm thức thì lại chịu ảnh hưởng của các xung lực và nghiệp lực được tích lũy trong đó. Thế thì chúng ta thật sự có thể làm điều gì về việc thay đổi nghiệp lực, để phá vỡ vòng lẩn quẩn đó. Chúng ta không chỉ là những con rối.
Chúng ta đã có nhiều loại tái sinh khác nhau, nhưng mình có thể rút tỉa tinh túy của một tái sinh có ý nghĩa như vậy bao nhiêu lần, và làm cho nó đáng giá; và đã lãng phí bao nhiêu kiếp sống? Chúng ta đã có hàng triệu và hàng tỷ tái sinh, mà không tận dụng được lợi ích nào trong những kiếp này, thì đó là điều thật thảm hại. Phải nghĩ làm thế nào mà mình đã có được vô số thân thể, nhưng cho đến nay thì chưa bao giờ tận dụng lợi thế thật sự của chúng, vậy thì phải phát tâm ghê tởm với chính mình.
Việc được sinh ra hết lần này đến lần khác mà không có thời gian nghỉ ngơi, có vô số thân thể, tốt và xấu, hết lần này đến lần khác – hãy cố tìm hiểu vòng tái sinh vô tận này, tư duy về nó, có thể là cơ sở để phát tâm xả ly, quyết tâm thoát khỏi chu kỳ sinh tử bất tự chủ này.
Điểm tiếp theo liên quan đến việc mọi người có thể mất đi một tái sinh, và đi từ tái sinh ở cõi cao xuống cõi thấp, hoặc từ cõi thấp lên cõi cao. Chúng sinh được sinh ra như con người có thể là những nhà cai trị vĩ đại, quan chức cao cấp và v.v... Rồi vì hoàn cảnh, lại trở thành nô lệ. Hoặc những chúng sinh tái sinh thành chư Thiên, có thể rơi vào những cõi tệ hại hơn. Chúng ta có thể thấy rất rõ từ những ví dụ của những người xung quanh mình, về cách người ta có thể rơi từ địa vị cao xuống địa vị thấp, hoặc có thể đi từ địa vị thấp lên cao, nên phải nhìn lại tự thân, và xem xét tình huống của mình: chúng ta có một nền tảng thân thể của một tái sinh cao hơn, và trong những tái sinh cao hơn làm người hay một vị trời, thì mình đã có được tái sinh làm người, đó là điều tốt nhất.