Cách Trình Bày Truyền Thống Về Lam-rim, Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ

Việc tiến triển trên đường tu tuần tự để thành tựu giác ngộ sẽ khởi đầu bằng việc nhận ra cơ hội cực kỳ hiếm hoi mà mình có được, khi đã có được kiếp người quý báu. Nếu như tận dụng tối đa lợi thế của điều này thì ta có thể đạt được không chỉ những tái sinh như vậy trong tương lai, mà ngay cả giải thoát và giác ngộ. Tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào phạm vi động lực và mục tiêu của mình, cũng như việc học hỏi và thực hành các Pháp tu mà Đức Phật đã dạy.

Kiếp Người Quý Báu

Vì Sao Kiếp Người Quý Báu Lại Giống Như Ngọc Như Ý

Thân người quý giá này mà chúng ta có được còn quý hơn ngọc như ý. Nó là nền tảng cho tự do; nhưng tự do và thuận lợi mà thân này dành cho mình không phải là để lâng lâng với ma túy, mà là để thực hành Pháp. Tại sao thân người quý báu lại quý hơn ngọc như ý? Đó là vì với những viên ngọc như ý thì ta có thể có được thức ăn nước uống trong kiếp này, nhưng ngọc như ý không thể tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai. Thế thì thân người mà chúng ta có được và cho mình cơ hội để tu tập Pháp thì quý giá hơn một viên ngọc như vậy.

Tất cả chúng ta lúc nào cũng muốn được hạnh phúc, và càng lâu càng tốt. Nhưng bất cứ niềm hạnh phúc nào mình có được trong kiếp này thì rất ngắn ngủi, vì nó chỉ tồn tại trong cuộc đời ngắn ngủi này. Vì vậy, nếu muốn có hạnh phúc lâu dài thì phải nghĩ về những kiếp tương lai. Một viên ngọc như ý không thể cho mình tự do thoát khỏi tái sinh trong ba cõi tồi tệ hơn, và sự bất tử, nhưng bằng cách sử dụng thân người quý giá này làm nền tảng tu tập, ta có thể tự giúp mình thoát khỏi những tái sinh thấp hơn; và bằng cách sử dụng nó như nền tảng để tu tập Pháp, ta có thể đạt được giác ngộ trong kiếp này, giống như Jetsun Milarepa. Vì ngọc như ý không thể ban cho mình những điều mà thân người quý báu có thể ban cho ta, nên thân này còn quý giá hơn ngọc như ý.

Do đó, cần phải tu tập Pháp với thân người quý giá này. Nhưng mình lại có xu hướng giữ quan điểm ngược lại, tuy nó quý hơn ngọc như ý, nhưng ta lại sử dụng thân này để ngày càng tích lũy thêm nhiều của cải, và thậm chí còn sẵn sàng hy sinh thân mạng vì mục tiêu ngắn hạn này. Có rất nhiều người trên thế giới giàu có hơn và thông minh hơn chúng ta, nhưng khi sử dụng thân người quý giá để tu tập Pháp thì ta sẽ tích tập công đức nhiều hơn họ. Vì vậy, điều quan trọng là không lãng phí kiếp người quý giá này, mà sử dụng nó để hoàn thành ba mục tiêu hữu ích cho việc đạt được một trong những tái sinh tốt hơn trong tương lai; giải thoát; và giác ngộ.

Bất kể mình có bao nhiêu của cải vật chất thì chúng sẽ không giúp cho ta mãn nguyện. Ngay cả khi một người sở hữu tất cả những vật chất trên thế gian thì họ sẽ không hài lòng, nên rõ ràng là thậm chí tất cả những viên ngọc như ý cũng không thể tạo ra lòng mãn nguyện. Nếu như người nào tích lũy thêm nhiều của cải thì nó chỉ tạo ra thêm nhiều khổ đau. Chúng ta có thể tự mình trải nghiệm thực tế này. Nếu mình đi xe lửa hay xe buýt mà mang theo rất nhiều hành lý thì sẽ rất khó khăn, nhưng nếu không có tất cả những vật sở hữu này thì sẽ rất dễ dàng.

Vậy thì nên cố gắng tu tập Pháp như thế này. Ví dụ như khi Jetsun Milarepa sống trong hang động thì ngài không hề có của cải vật chất. Jetsun Milarepa và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhận thức rằng vật chất thì tầm thường và không cần thiết, nên các ngài đã từ bỏ chúng, để tu tập Pháp. Và các con cũng vậy, những người đã sống ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới, cũng đã nhận ra rằng vật chất không quá quan trọng, nên đã bỏ chúng lại sau lưng để đến đây và tu tập Pháp..

Nguyên Nhân Và Khó Khăn Trong Việc Có Được Kiếp Người Quý Báu  

Cần phải xem xét tại sao việc có được thân người quý giá này lại rất khó khăn. Khó mà có được thân người là vì rất khó tạo ra nhân để đem lại thân người. Có ba nhân chính:

  • Trì giới nghiêm ngặt
  • Tu tập lục độ ba la mật (sáu hạnh hoàn hảo)
  • Cầu nguyện thanh tịnh

Trì Giới Nghiêm Ngặt

Rất khó để trì giới nghiêm ngặt, và rất khó để nhận ra và đánh giá điều này ở người khác. Ngoài ra, về mặt giới luật thì có thập ác, và cần phải xem xét cách mà hầu hết mọi người trên thế giới đều không biết những điều này là gì. Và tất nhiên trong số những người biết chúng là gì thì hầu hết mọi người lại không tránh tạo tác những điều này.

Có ba hành vi tiêu cực về thân:

  • Giết hại một sinh mạng - ví dụ, ta có thể biết là không nên giết hại, nhưng khi bị một con côn trùng cắn thì mình sẽ đập nó và giết hai nó theo bản năng.
  • Lấy những gì chưa được cho - ngay cả khi không ra ngoài thực hiện việc trộm cắp thì mình có thể sử dụng phương pháp khôn ngoan để ăn cắp đồ của người khác, nên nó cũng gần giống như vậy.
  • Có những hành vi tình dục không phù hợp - có nhiều dục vọng để ăn nằm với người phối ngẫu của ai khác.

Mỗi ngày, chúng ta tích tập những hành động tiêu cực này bằng thân thể nhiều như mưa rơi, khi mình đứng ngoài mưa. 

Bốn hành vi tiêu cực của lời nói là:

  • Nói láo – lúc nào ta cũng tích lập điều này. Ví dụ, nếu như mình định đi xuống đồi, và ai đó hỏi mình đi đâu thì ta sẽ nói mình đang đi lên đồi. 
  • Nói lời chia rẽ- khiến bạn bè không thân thiện với nhau, và những người đã không thân thiện với nhau thì càng thù ghét nhau hơn. Chúng ta làm việc này hoài, khi nói xấu người khác.
  • Nói nặng lời - điều này không nhất thiết là đối với một con người. Chẳng hạn, nếu con chó vào phòng mình thì ta có thể nói rằng, “Cút đi! Hãy ra khỏi đây!” và nói nặng lời. Đó là một sai lầm rất lớn khi dùng lời lăng mạ hay thô bạo, vì ta biết khi có ai nói nặng lời với mình thì ta sẽ rất đau lòng, nên những chúng sinh khác, kể cả động vật, cũng cảm thấy như vậy.
  • Nói lời vô nghĩa – nói một cách thực tế thì mỗi một chữ mà mình thốt ra đều là lời nhảm nhí: “Tôi đã đến nước đó”, “tôi đã làm điều này và điều kia.”. Nếu bạn nói nhiều thì sẽ gia tăng cơ hội tạo ra hành vi tiêu cực về lời nói này. Vì không biết tiếng Anh nên tôi không có cơ hội nói chuyện nhảm nhí bằng tiếng Anh, nên chỉ có thể nói chuyện nhảm nhí bằng tiếng Tây Tạng!

Ba hành vi tiêu cực của tâm là:

  • Tâm tham lam - ai đó có một ngôi nhà rất đẹp, v.v..., nên bạn muốn được điều đó cho chính mình, lúc nào cũng nghĩ về nó, và âm mưu để có được nó. Điều này rất là không tốt, nhưng nó là điều mà mình có rất nhiều.
  • Ác ý - mong muốn ai đó gặp bất hạnh, hay bị gãy cổ. Đây là điều mà ta không chỉ mong muốn sẽ xảy ra cho kẻ thù của mình, mà còn có thể có ác ý với bạn bè, khi họ làm phiền mình.
  • Tà kiến - ví dụ như nghĩ rằng không có việc tái sinh trong tương lai, hay Tam Bảo không thể giúp đỡ bất cứ ai, hoặc nghĩ rằng việc làm lễ cúng dường (puja) là lãng phí thời gian, hay việc cúng dường đèn bơ là lãng phí bơ, hoặc cúng dường torma là giống như vứt bỏ tsampa (lúa mạch nướng).

Khó mà ngăn cản mình thực hiện những điều này. Và nếu không ngăn chận bản thân mình hành xử như vậy thì bạn không thể có được kiếp người quý giá. Hiện nay thì không có thời gian để đi sâu vào chi tiết, nhưng nếu muốn biết thêm thì nên nghiên cứu lam-rim.

Tu Tập Lục Độ Ba La Mật (Sáu Hạnh Hoàn Hảo)

Nguyên nhân thứ hai để có được kiếp người quý giá là tu tập lục độ ba la mật (sáu hạnh hoàn hảo):

  • Bố thí
  • Trì giới
  • Nhẫn nhục
  • Tinh tấn
  • Định
  • Tuệ

Nhưng thay vì tu tập hạnh bố thí thì chúng ta lại tu tập tánh keo kiệt và đối đãi với người khác bằng thái độ keo kiệt ấy. Thay vì có lòng nhẫn nhục thì mình lại tức giận. Thay vì có tâm tinh tấn để thể hiện lòng can đảm và hoan hỷ tu tập Pháp thì chúng ta lại lười biếng và lúc nào cũng muốn đi ngủ. Thay vì có định tâm thì lại trưởng dưỡng tâm tán loạn, ví dụ như khi trì tụng mật chú thì tâm mình lại lang thang khắp nơi, và sẽ dung túng để điều này xảy ra trong những cơ hội khác.

Có một vị thầy, trong khi đang tu tập thì lại nhớ ra có một công việc mà ông muốn đệ tử của mình làm, nhưng đã quên nói với anh ta. Ngay khi vừa nhớ ra điều này thì ông đã ngưng việc hành thiền, đứng dậy và bảo đệ tử làm điều đó. Đó là tâm ông đã đi lang thang. Bất cứ khi nào tụng niệm thì tâm trí của mình có xu hướng đi lang thang.

Về mặt trí tuệ ba la mật thì cần phải trưởng dưỡng trí tuệ chứng ngộ Không tướng (tánh Không). Nhưng thay vào đó thì chúng ta lại nghiên cứu những pháp thế tục, như vẽ tranh, nên không tích tập kiến thức đúng đắn.

Nói tóm lại thì rất khó để tạo ra nhân cho một kiếp người quý giá. Khi thấy rằng việc có được thân người là điều hiếm hoi như thế nào, thì ta nên nghĩ rằng mình chỉ có được nó một lần, và rất dễ dàng mất nó. Nếu ta không tận dụng thân người quý giá này mà mình đã có được thì sẽ rất khó để có được một thân người khác trong tương lai. 

Cầu Nguyện Thanh Tịnh

Bên cạnh việc trì giới thanh tịnh và tu tập lục độ ba la mật thì cần phải bổ sung thêm lời cầu nguyện chân thành, để có được tái sinh làm người quý báu. Điều này không có nghĩa là những lời cầu nguyện như, “Xin Đức Phật hãy ban nó cho con, nếu con là người tốt, và lúc nào cũng tán thán ngài.”. Thay vì vậy thì đó là một sự định hướng mạnh mẽ về chủ ý và năng lượng tích cực của mình, với việc hồi hướng cụ thể, để đạt được một kiếp người quý giá.

Điều quan trọng là việc hồi hướng phải cụ thể. Có một ngai vàng ở Tu Viện Ganden, đó là ngôi vị rất cao của đức Tăng Thống của phái Gelugpa, ngai vàng Ganden. Ở Tây Tạng, các tu viện luôn luôn nuôi thú vật, và một ngày nọ, một con bò bước vào chùa và nằm trên ngai vàng. Các nhà sư rất ngạc nhiên về điều này, nên họ đã hỏi một vị thầy rất cao quý ở đó, “Nhân của việc này là gì?”. Vị thầy nói rằng: “Trong một kiếp trước, chúng sinh này đã cầu nguyện được ngồi trên ngai vàng Ganden, nhưng đã không cầu nguyện rõ ràng!”.

Tạm Thời Tránh Khỏi Tám Hoàn Cảnh Thiếu Tự Do  

Bản chất của một kiếp người quý báu là được hưởng thụ tám tự do. Điều đó có nghĩa là hiện nay, kiếp người quý báu này thoát khỏi tám tình huống tạm thời mất đi tự do. Một trạng thái không có tự do là trạng thái không có cơ hội để tu tập Pháp.

Có bốn trạng thái phi nhân không có sự nhàn nhã:

  • Một chúng sinh bị đọa trong một cõi vô hỷ lạc (chúng sinh trong địa ngục) - nếu mình tái sinh trong một cõi địa ngục vô hỷ lạc thì sẽ không có cơ hội để tu tập, vì lúc nào thân ta cũng bốc cháy.
  • Một ngạ quỷ (quỷ đói, preta) - nếu tái sinh thành ngạ quỷ thì ta sẽ đói bụng liên tục, và bị ám ảnh vì những ý nghĩ về thức ăn.

Nếu buổi sáng thức dậy mà không được ăn sáng thì ta sẽ không sẵn sàng tu tập Pháp. Nếu như thức dậy mà bị nhức đầu thì ta sẽ không sẵn sàng tu tập Pháp. Vì vậy, suy diễn từ kinh nghiệm của mình thì nếu như sinh ra làm quỷ đói và không có thức ăn suốt 60 năm thì ta sẽ không thích thú với việc tu tập Pháp. Vì vậy, cần phải đánh giá cao mình đã may mắn như thế nào, khi không phải tái sinh thành một chúng sinh bị tra tấn khi bị đọa trong địa ngục vô hỷ lạc, hay như quỷ đói luôn bám lấy thức ăn.

  • Một súc sinh (thú vật) - ngay cả khi được sinh ra làm con chó của Đức Dalai Lama thì thậm chí mình không thể tụng lời quy y. Chúng ta rất may mắn đã không lâm vào cảnh này.
  • Một vị trời (chư thiên trường thọ) – chư thiên trường thọ trong các cõi trời có rất nhiều thú vui trần tục, đến nỗi họ không có hứng thú gì để tu tập Pháp.

Ngài Xá Lợi Phất có một đệ tử, người đã phó thác bản thân cho ngài một cách mạnh mẽ, với lòng “sùng mộ bổn sư”. Sau khi người đệ tử này qua đời, anh đã tái sinh trong một cõi trời. Nhờ sử dụng thần thông mà ngài Xá Lợi Phất có thể thấy rằng vị đệ tử trung thành của mình đã được tái sinh trong cõi đó. Thế là ngài nghĩ mình sẽ đến thăm anh ấy. Khi Xá Lợi Phất đến cõi trời đó thì điều duy nhất mà đệ tử của ngài đã làm là vẫy tay chào ngài! Anh này chẳng quan tâm đến đạo sư của mình, hay đến việc tu tập Pháp, vì đang vui hưởng quãng thời gian tốt đẹp như vậy.

Chúng ta có thể thấy điều này từ kinh nghiệm của chính mình. Nếu người nào rất nghèo thì họ sẽ sẵn sàng tu tập Pháp. Nhưng nếu trở nên giàu có và có đời sống rất thoải mái thì họ sẽ không quan tâm gì đến việc này. Vì vậy, chúng ta cũng rất may mắn khi không phải tái sinh làm một vị trời trường thọ.

Có bốn trạng thái làm người không có tự do, đó là khi tái sinh vào:

  • Nơi không có lời Phật dạy - ví dụ như có những người sinh ra ở các quốc gia, hay vào thời điểm mà thậm chí họ không thể nghe thấy một lời của Phật pháp. Chúng ta không rơi vào tình huống đó.
  • Trong những xã hội man rợ - những nơi mà điều duy nhất người ta quan tâm đến là có được thực phẩm và y phục.

Ở Tây Tạng, có một ngọn núi tên là Tsari. Cứ 12 năm thì người Tây Tạng lại đến đó một lần. Bộ lạc Loba sống ở đó rất man rợ, và người ta phải trả thuế để đi qua đất nước của họ. Thuế là một con yak (bò Tây Tạng), và khi người Loba có được con yak thì họ sẽ giết nó để ăn thịt và uống máu ngay lập tức. Vì vậy, ta đã may mắn không sinh ra ở một nơi như vậy, trong khi mình được làm người.

  • Có những khuyết tật lớn - nếu như sinh ra mà bị mù, điếc và câm, hay bị suy yếu về mặt thể chất, tinh thần hay xã hội thì ta sẽ gặp những trở ngại nghiêm trọng về việc tu học.
  • Ở những nơi có tà kiến - những nơi mà người ta nghĩ rằng bất cứ việc tu tập tâm linh nào, đặc biệt là Phật pháp, là việc lãng phí thời gian một cách ngu xuẩn, và điều đáng giá duy nhất là làm ra tiền, chẳng hạn vậy.

Nếu ta có được một kiếp người thoát khỏi tất cả những trạng thái thiếu tự do này, ngoài ra, còn hiểu được nguyên nhân để đạt được nó, thì mình đã may mắn gấp đôi. Nhiều người có một kiếp người quý giá như vậy, nhưng lại không nhận ra đâu là nguyên nhân của việc tiếp tục có được những tái sinh như vậy.

Ẩn Dụ

Ta có thể sử dụng các ẩn dụ để giúp mình hiểu được sự khó khăn để có được một thân người quý giá. Ví dụ, nó hiếm hoi như khi mình ném một hạt cát vào  mặt gương, và nó sẽ dính vào đó.

Nếu như chịu tư duy về những điều này thì ta sẽ nhận ra kiếp người hiện tại là một thành tựu quý giá biết bao nhiêu, và nên nghĩ rằng mình chỉ có thể có được điều này một lần thôi. Hãy nghĩ về hàng trăm triệu người ở Ấn Độ và số người đang tu tập Pháp thì ít ỏi ra sao. Vì vậy, ta có thể thấy nó hiếm hoi như thế nào.

Có một lần nọ, có một vị lạt ma thuyết giảng về việc có được tái sinh quý giá làm người thì khó khăn như thế nào. Một người Mông Cổ trong thính chúng đã nói rằng, “Nếu thầy nghĩ rằng rất khó có được kiếp người thì thầy nên đến Trung Quốc để xem có bao nhiêu người ở đó!”. Điều đó giống như nói với tôi rằng tôi nên đến Liên Xô.

Đây là những đề tài rất tốt để tư duy trong thời thiền.

Tận Dụng Thân Người Quý Báu Và Sống Một Đời Có Ý Nghĩa

Nếu như nghĩ rằng mình đã nhọc công như thế nào trong những kiếp trước để đạt được thân người quý giá này, thì ta sẽ rất hăng hái với ước vọng khiến cho đời sống này có ý nghĩa. Một ví dụ là nếu bạn đã mang một gánh nặng lên lưng chừng ngọn núi, rồi buông nó ra thì nó sẽ rơi xuống chân núi. Công việc chúng ta đã làm để có được tái sinh làm người quý giá trong kiếp này thì giống như việc mang một gánh nặng lên núi nửa chừng; và nếu như mình buông nó ra thì sẽ lãng phí tất cả những công lao đó.

Thế thì hiện nay, khi đã có được thân người quý giá thì không nên chỉ mong ước để có một thân người khác trong tương lai. Vì hiện đang có nó, nên mình phải sử dụng nó ngay bây giờ, để đạt được trạng thái giác ngộ viên mãn của một vị Phật. Nếu ta không làm điều đó thì sẽ giống như có một túi gạo ở ngay đây mà mình lại không ăn, mà chỉ cầu nguyện để có một túi gạo khác trong kiếp sau. Cần phải tận dụng tối đa kiếp người của mình trong hiện tại.

Chánh Niệm Về Cái Chết

Cái Chết Là Điều Chắc Chắn

Nếu như xem xét loại thân người quý giá mà mình có được là gì, thì nó không được làm bằng đá hay kim loại. Nếu nó được cấu tạo bằng những chất liệu này thì có thể tồn tại rất lâu. Trên thực tế, nếu ta mổ xẻ cơ thể của mình ra, để xem mình có những gì ở bên trong thì có rất nhiều máu và ruột, giống như bộ đồ lòng của thú vật mà mọi người treo trong nhà, sau khi họ đi mua thịt ngoài chợ. Nội tạng của chúng ta mỏng manh như những bộ phận bên trong của chiếc đồng hồ.

Nếu như nghĩ đến cái chết và bao nhiêu người đã chết thì ta sẽ phải dùng nhiều chuỗi tràng hạt để đếm số người chết. Nếu tôi nghĩ về việc có bao nhiêu người Tây Tạng đã chết, từ khi họ đến Dharamsala thì tôi có thể đếm hết cả chuỗi tràng hạt của mình rất nhanh.

Không có ai có một thân người mà lại không chết. Và nếu như nghĩ về cách cây cối chết như thế nào thì bạn có thể thấy việc bạn sẽ chết chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Kết cuộc tự nhiên của việc sinh ra là chết. Không có gì khác người ta có thể làm. Kết cuộc của việc chúng ta tụ họp với nhau ở đây là để giải tán, và chung cuộc của việc đi lên là đi xuống. Khi nhận thức ra rằng không có điều gì khác để làm, ngoài việc chết, thì mình phải cố gắng tu tập Pháp càng nhiều càng tốt, trước khi cái chết đến.

Vì vậy, nên nghĩ về việc mình sẽ chết như thế nào. Hãy tưởng tượng bạn đang bị bệnh nặng, và da thịt của bạn chuyển sang màu sắc khủng khiếp, và bạn rất yếu ớt. Tất cả người thân của bạn đều khóc, nói rằng điều này thật là kinh khủng, và bác sĩ sẽ đến để cho bạn thuốc men, nhưng sau đó thì ông chỉ chắc lưỡi và nói rằng tình trạng quá tệ hại.

Chúng Ta Có Thể Chết Bất Cứ Lúc Nào

Ngoài ra, khi nào bạn sẽ chết thì không chắc chắn. Ta có thể thấy cha mẹ rất già với mái tóc bạc phơ lại đi chôn xác con mình, và nhiều người nghẹt thở đến chết, trong khi ăn một bữa ăn bình thường.

Chẳng hạn như bạn có thể nghĩ về ví dụ này ở Tây Tạng. Một người đàn ông đặt những tảng thịt lớn sang một bên và nói rằng sáng mai, anh sẽ ăn chúng, nhưng những miếng thịt đã tồn tại lâu hơn anh ta. Trong một ví dụ khác, tôi biết một người nông dân trồng khoai tây từ Simla sẽ làm bánh mì chiên cho bữa trưa, nhưng ông đã chết trong khi bánh mì vẫn đang được nấu.

Cách tốt nhất để xem trọng lẽ vô thường và cái chết không phải là đọc về những điều này từ sách vở, mà là nghĩ về những người mà mình quen biết và đã qua đời.

Chỉ Có Pháp Mới Có Thể Giúp Ta Vào Phút Lâm Chung

Tầm quan trọng của việc thiền quán về cái chết là gì? Nó cho thấy rằng điều đáng giá duy nhất để làm là thực hành Pháp.

Nếu như nghĩ về mặt vật chất thì bạn sẽ thấy rằng mình không thể mang theo bất cứ thứ gì. Ví dụ, nếu bạn là một thương nhân giàu có, người đã kiếm được nhiều tiền, nhưng tất cả những gì bạn có thể có được là một mảnh vải đắt tiền hơn để bọc cơ thể của bạn, để hỏa táng nó. Xét về số những hành vi tiêu cực mà thương gia này đã thực hiện để tích lũy của cải khi anh ta đi từ nước này sang nước khác thì có thể là rất nhiều.

Nếu bạn có nhiều người hầu hay nhân viên, hay bạn là vị tướng chỉ huy 100,000 người lính, nhưng khi bạn chết thì không ai có thể đi cùng với bạn. Ngay cả một đất nước đầy họ hàng cũng không thể giúp đỡ bạn. Điều duy nhất mà họ có thể làm là đứng xung quanh khi bạn chết, làm phiền bạn rất nhiều và tạo rất nhiều chướng ngại cho một cái chết bình an và tái sinh của bạn.

Điều duy nhất có thể giúp ích cho bạn vào lúc chết là tu tập Pháp, vì nếu bạn tích tập đủ công đức từ những thiện nghiệp thì chúng có thể giúp ích rất nhiều cho những tái sinh trong tương lai của mình; nhưng nghiệp xấu ác sẽ làm cho chúng tồi tệ hơn. Đây là điều bạn có thể hiểu, mà không cần nghĩ về cái chết. Nhiều người Tây Tạng rất giàu có ở Tây Tạng, nhưng họ phải ra đi mà chỉ mang theo kiến thức và những phẩm chất bên trong của họ, vào thời điểm đó. Vì vậy, chúng ta cần phải thực hành Pháp một cách thanh tịnh trong đời này, và không lãng phí thời gian vào các hoạt động thế tục.

Nên xem tất cả các hoạt động thế tục của cuộc sống này là không quan trọng, giống như vỏ trấu của lúa mì. Hoạt động thế tục không có thực chất. Nên xem những sinh hoạt thế gian giống như trẻ em xây lâu đài bằng cát. Khi đã chơi xong thì chúng sẽ bỏ đi. Đây là cách ta nên xem các hoạt động thế tục.

Nếu như nghĩ về tất cả những điều này thì nó sẽ giúp ích cho việc tu tập Pháp của bạn rất nhiều.

Hai Phạm Vi Động Lực Thấp Hơn

Phạm Vi Sơ Căn

Nếu như xem tất cả các hoạt động thế tục là không cần thiết và không có tầm quan trọng lớn, thì ta sẽ nhận ra rằng điều quan trọng duy nhất là tu tập Pháp. Tu tập Pháp là làm một điều gì ích lợi cho những tái sinh trong tương lai của mình. Chẳng hạn, để có thái độ: “Hiện nay, mình đã đạt được một kiếp người quý giá. Mình sẽ sử dụng nó để không đọa vào những cảnh giới tệ hại hơn trong những kiếp tương lai.”. Đây là mức độ thấp nhất để tận dụng kiếp sống quý giá của chúng ta.

Điều sẽ giúp ta không đọa vào ba cõi tồi tệ hơn là việc trì giới nghiêm ngặt. Nhưng ngay cả khi mình muốn trì giới một cách rất kiên định thì nó sẽ dần dần suy thoái. Vì vậy, cần phải đoạn diệt phiền não, để giúp mình không rơi vào những tái sinh tồi tệ hơn. Điều này giống như giặt một bộ quần áo cực kỳ dơ bẩn. Lúc đầu, bạn sẽ dùng một chút sức lực, rồi từ từ tăng sức mạnh lên. Để đoạn trừ phiền não thì bạn sẽ bắt đầu một cách chậm rãi và nhẹ nhàng, rồi dần dần nỗ lực hết mình. Vì vậy, nếu muốn trì giới thì bạn phải áp dụng nó một cách chậm rãi, rồi nhờ việc áp dụng dần dần mà bạn có thể diệt trừ phiền não; nếu không thì những nỗ lực của bạn có thể suy giảm một cách dễ dàng.

Nếu như bạn tuân theo việc trì giới để tránh tái sinh trong ba cõi thấp hơn thì đây là mức độ tối thiểu của việc tu tập Pháp.

Phạm Vi Trung Căn

Ngay cả khi thoát khỏi việc tái sinh trong ba cõi tồi tệ hơn, và kiếp sau sinh ra trong những thú vui và hỷ lạc của những cõi trời, hay thậm chí làm một con người, thì nên cố nhận thức rằng tất cả những tái sinh trong luân hồi đều đau khổ. Điều này được bàn luận rộng rãi trong các giáo pháp lam-rim, nhưng có thể được mô tả bằng ví dụ này: Bạn đang đứng dưới ánh nắng mặt trời và thấy rất nóng, nên đi vào bên trong. Sau đó, bạn đã thoát khỏi nỗi khổ vì nóng, nhưng lại khổ vì lạnh. Không có trạng huống luân hồi nào mà mình thoát khổ.

Phiền não khiến ta phải trôi lăn trong luân hồi, tức tái sinh vô tự chủ. Gốc rễ, giống như rễ cây, là tâm chấp thủ vào những bản ngã độc lập. Vòng lẩn quẩn của chúng ta trong luân hồi giống như chơi trò ngựa gỗ quay vòng, và chẳng đi đến đâu cả. Cách duy nhất để thoát khỏi luân hồi là thăng hoa tự thân, vượt qua khỏi nó, vượt lên trên nó. Để làm được điều này thì phải trở thành thánh nhân, một bậc chứng ngộ cao, có trí tuệ vô niệm chứng ngộ vô ngã, sự vắng bóng của một “linh hồn” bất khả. Đây là trí tuệ chứng ngộ Không tướng (tánh Không).

Để trưởng dưỡng thực chứng tánh Không trong dòng tâm thức thì cần phải đạt được Tam Ma Địa (shamatha), một trạng thái định tĩnh trong tâm thức; và để có được điều này thì cần phải giữ giới. Vậy thì tam vô lậu học, tam vô lậu của giới, định, tuệ, sẽ giúp mình vượt thoát vòng tái sinh vô tự chủ. Nếu như tu tập những điều này thì ta có thể chấm dứt vòng lẩn quẩn trong luân hồi.

Có ba loại người đã tự thăng hoa lên trạng thái thánh nhân:

  • Những người đã đạt được tâm kiến tánh (kiến đạo)
  • Những người đã đạt được một đạo lộ tâm thức quen thuộc (tu tập đạo)
  • Những người đã đạt được vô học đạo.

Những người có tâm kiến đạo mới vừa chứng ngộ tánh Không vô niệm. Những người có đạo lộ tâm thức quen thuộc sẽ hành thiền nhiều hơn nữa, và làm quen, hay tích tập thói quen nhận thức vô niệm về tánh Không này. Nếu bạn đã hành thiền miên mật và hoàn toàn quen thuộc với nhận thức về tánh Không này, và đã hoàn toàn đoạn trừ phiền não chướng, ngăn chận giải thoát thì bạn là một A la hán, một bậc giải thoát.

Động Lực Phạm Vi Thượng Căn

Lòng Từ Và Lòng Bi

Nhưng nếu chỉ giải thoát tự thân thì không đủ, bởi vì tất cả chúng sinh đều đồng cảnh ngộ. Tất cả chúng sinh đều giống nhau ở chỗ tất cả đều đau khổ, và đều mong muốn thoát khổ. Nếu ta phát tâm mong ước tất cả chúng sinh đều thoát khổ thì nó được gọi là lòng “bi mẫn”. Nhưng để trưởng dưỡng ước nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khổ thì bạn phải thiền quán về nỗi khổ của chính mình trong một thời gian dài, rồi khi nhận thức được là nó kinh khủng như thế nào thì bạn có thể phát tâm xả ly - quyết tâm để được tự do. Một khi đã có được ý niệm về nỗi khổ khủng khiếp ra sao, và mong muốn tự mình thoát khổ, thì bạn có thể áp dụng ý nghĩ đó cho tất cả chúng sinh. Đó là lòng bi mẫn.

Do đó, tâm xả ly là ước nguyện cho mình thoát khổ, trong khi lòng bi mẫn là ước nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khổ. Sự khác biệt giữa lòng bi và lòng từ là với lòng bi thì ta nghĩ rằng, “Thật tuyệt vời biết bao, nếu tất cả chúng sinh đều xa lìa nỗi khổ và nhân tạo khổ”; trong khi đó thì lòng từ là ước nguyện tất cả chúng sinh có được hạnh phúc và nhân hạnh phúc.

Cách Phát Tâm Bình Đẳng Và Bồ Đề Tâm

Vì lý do gì mà ta không có lòng từ bi? Tại sao chúng ta không mong muốn tất cả được thoát khổ và có  được hạnh phúc? Đó là vì tâm ta không được phẳng lặng - nó thô nhám, có chỗ cao chỗ thấp. Sự không đồng đều trong tâm mình là gì? Thật khó khăn khi mình quá quyến luyến với người thân và bạn bè, và khi nhìn thấy kẻ thù hoặc những người mà mình không thích thì ta có rất nhiều ác cảm.

Vậy thì làm sao để khiến cho một con đường gồ ghề trở nên bằng phẳng? Chúng ta có thể hiểu bằng cách nghĩ về ví dụ này: Một người đã cho bạn 100 rupee ngày hôm qua và một người khác đã cho bạn 100 rupee ngày hôm nay. Người đã cho bạn 100 rupee ngày hôm qua đã đấm vào mặt bạn sáng nay, và người đã cho bạn 100 rupee hôm nay đã đấm vào mặt bạn ngày hôm qua. Thế thì bạn nên thích ai và không ưa thích ai?

Thế thì giống như vậy, chúng ta phải nghĩ về cách kẻ thù của mình đã giúp ích cho mình rất nhiều trong quá khứ và tương lai, có thể sẽ giúp ích cho ta rất nhiều. Tương tự như vậy, bạn bè của mình đã gây ra nhiều sự tổn hại lớn cho ta trong quá khứ, và sẽ lập lại điều này trong tương lai. Đó chỉ là vấn đề thời gian.

Một ví dụ khác là có nhiều người ăn thịt người, hoặc thậm chí là người sói hay ma cà rồng. Ta có thể thấy họ rất hấp dẫn, và cưới một trong những người này, nhưng một đêm nọ, họ sẽ nhe nanh ra và ăn thịt chúng ta.

Khi bạn đánh một con chó thì nó sẽ sủa và cắn bạn. Vì vậy, nếu như tức giận với kẻ thù thì mình sẽ phản ứng giống như một con chó. Cần phải loại bỏ tâm bất bình đẳng này, đó là lòng quyến luyến và ác cảm, và đạt được tâm bình đẳng. Dựa trên trạng thái bình đẳng đó, ta có thể phát tâm từ bi - giống như bạn phải làm phẳng một con đường gồ ghề, để một chiếc xe hơi có thể chạy qua đó.

Phải có những ý tưởng mạnh mẽ như thuốc nổ, làm nổ tung và san bằng con đường. Đó là những loại ý tưởng nào? Nghĩ về lòng tốt của những chúng sinh khác. Chẳng hạn như mình uống sữa. Sữa xuất xứ từ những con bò và trâu nước. Chúng ra ngoài ăn cỏ và uống nước, và điều mà mình chỉ cần làm là vắt sữa của chúng. Thỏ và chuột được sử dụng trong các thí nghiệm y tế, vì vậy, các loại thuốc mà mình có được là nhờ những con chuột và thỏ đã hy sinh mạng sống vì chúng ta.

Có một số chúng sinh mà mình xem là kẻ thù, và những người làm hại chúng ta. Nhưng nếu so sánh tác hại mà họ đã gây ra cho mình với lòng tốt của họ, thì điều thứ nhì sẽ vượt xa điều thứ nhất. Và tác hại mà họ tạo ra cho mình thật ra có thể rất hữu ích. Nếu muốn trở thành một vị Phật thì phải phát tâm nhẫn nhục, vì vậy mà mình cần phải gặp những người khó chịu. Nếu tất cả mọi người đều rất tử tế thì mình không thể phát tâm nhẫn nhục. Những người nổi giận với ta là những chúng sinh, không phải là Phật, nên đó là những người dạy ta tính nhẫn nhục. Chẳng hạn như khi A Đề Sa (Atisha) đến Tây Tạng, ngài đã mang theo một người Ấn Độ bất trị, luôn luôn thử thách lòng kiên nhẫn của ngài. Khi được hỏi tại sao ngài lại dẫn anh này đi cùng thì ngài nói là để giúp ngài luyện tâm nhẫn nhục. Vì vậy, nếu như nói về lòng tốt đối với chúng ta thì chúng sinh và chư Phật đều bình đẳng. Điều này được chứng thực trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva's Behaviour) của  ngài Tịch Thiên (Shantideva).

Có một lý do tại sao một vị Phật không sân hận. Đó là vì ngài luôn luôn nhập định, thoát khỏi mọi phiền não. Bởi vì một vị Phật có định tâm, nên không sân hận. Vì vậy, chúng ta cần phải phát triển điều này. Buổi sáng, nên thức dậy với hai ý nghĩ:

  • Hôm nay, tôi sẽ không làm người khác tức giận.
  • Tôi sẽ không để cho người khác làm cho mình sân hận.

Nếu như đã quen thuộc với điều này, thì mình có thể giảm bớt phiền não, và cuối cùng, phát triển được trạng thái thoát khỏi phiền não mãi mãi, để thành Phật.

Nếu ta thắc mắc là mình có thể làm gì để làm chư Phật hài lòng, thì đó là giúp đỡ và tử tế với chúng sinh. Điều này sẽ thật sự làm hài lòng chư Phật. Chẳng hạn, nếu như mình gặp cha mẹ và con cái của họ thì ta có thể làm cho cha mẹ vui vẻ hơn, bằng cách đối xử tốt với con của họ, hơn là tử tế chỉ với họ. Tương tự như vậy, một vị Phật sẽ vui lòng hơn, nếu mình tử tế với chúng sinh, cũng như với chư Phật. Thế thì trên cơ sở của tất cả những điều này, ta phải cố gắng phát bồ đề tâm: “Tôi sẽ đạt được Phật quả, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.”.

Thành Tựu Giác Ngộ Trong Kiếp Này

Thậm chí, cần phải có một ý định rất mạnh mẽ để đạt được trạng thái này của một vị Phật, vì lợi ích của tất cả chúng sinh trong kiếp này, ngay bây giờ. Đức Phật nói có một cách để đạt được giác ngộ trong đời này. Vậy thì cách đó là gì? Đó là đường tu Mật tông. Nếu bạn noi theo đường tu này, thì có thể đạt giác ngộ trong kiếp này.

Mặc dù chúng ta có chủ ý rất mạnh mẽ để đạt được giác ngộ trong đời này, nhưng không nên nghĩ rằng điều đó dễ dàng, bởi vì từ vô thỉ, mình đã tích tập rất nhiều ác nghiệp. Mật tông có thể rất nhanh, nhưng nó lại là một đường tu rất khó khăn. Không nên nghĩ rằng việc tu tập đường tu Mật tông là nhanh chóng như đi máy bay, vì nó không dễ dàng. Ví dụ như Jetsun Milarepa đã trải qua nhiều khó khăn với đạo sư của mình, Marpa. Ngài đã phải xây dựng các tòa tháp, bị đánh đập, và trải qua rất nhiều đau khổ. Vì vây mà ngài có thể đạt được giác ngộ trong kiếp đó. Nhưng chúng ta không sẵn sàng trải qua một chút gian khổ, so với những gian khổ mà Milarepa phải trải qua.

Nếu có chủ ý mạnh mẽ để đạt được giác ngộ trong kiếp này, và sẵn sàng trải qua những khó khăn lớn, thì mình có một cơ hội, nếu chúng ta tu hành đều đặn, và trên thực tế thì mình có thể đạt được Phật quả.

Tóm Tắt

Khi đã được sinh ra với một thân người quý báu, thì ta có thể sử dụng nó để tu tập Pháp, và đạt được những tái sinh tốt hơn, thành tựu giải thoát và giác ngộ. Để thực hiện được điều này thì phải noi theo đường tu tuần tự. Việc này đòi hỏi việc phải tránh thập ác, đoạn trừ phiền não, và với quyết tâm thoát khỏi luân hồi và bồ đề tâm, ta sẽ đạt được định tâm nhất điểm và chứng ngộ tánh Không.

Top