Mở Đầu
Tác phẩm luyện tâm 37 Pháp Hành Bồ Tát (37 Bodhisattva Practices) đã được đại sư Togme Zangpo phái Sakya sáng tác ở Tây Tạng, vào thế kỷ thứ 14. Togme Zangpo nổi tiếng là một vị bồ tát thực thụ, và tác phẩm của ông được tất cả các truyền thống Tây Tạng khác nghiên cứu. Ông là thầy của Rendawa, một trong những vị thầy chính của Tông Khách Ba (Tsongkhapa).
Togme Zangpo đã viết một số tác phẩm khác, và tác phẩm lừng danh nhất trong số đó là luận giải về Nhập Bồ Tát Hạnh của ngài Tịch Thiên (Shantideva's Engaging in Bodhisattva Behaviour). Ông cũng sáng tác luận giải sớm nhất về Luyện Tâm Thất Điểm (Seven Point Mind Training) của Geshe Chaykawa. Các giáo lý Đại thừa đến trước này là nguồn gốc của những pháp tu mà ông phác thảo. Từ những luận giải này, cũng như từ 37 Pháp Hành Bồ Tát mà chúng ta có thể thấy ông chắc chắn là một hành giả chuyên tu tập bồ tát đạo.
Số 37 là một con số trọng đại, và chúng ta thấy nó xuất hiện nhiều lần trong kinh sách nhà Phật. Chẳng hạn như có 37 phẩm trợ đạo hay 37 yếu tố dẫn đến trạng thái tịnh hóa. Chúng gồm có tứ niệm xứ, bát chánh đạo, v.v... Đây là những pháp tu phổ biến mà tất cả mọi người đều noi theo, khi hướng về giải thoát, noi theo đường tu Tiểu thừa, hay hướng về giác ngộ, noi theo đường tu Đại thừa. Điều này giải thích tại sao số 37 được chọn cho các pháp hành Bồ tát này.
Theo phong tục Ấn Độ thì bản văn khởi đầu bằng việc biểu hiện lòng tôn kính:
Kính lễ Quán Thế Âm Bồ Tát.
Lokeshvara là tên gọi khác của Bổn tôn Avalokiteshvara (Quán Thế Âm Bồ Tát). Chư Bổn tôn đại diện cho những phẩm hạnh của một vị Phật; trong trường hợp này là lòng bi mẫn. Gần như tất cả các bản văn đều bắt đầu bằng cách thể hiện lòng tôn kính đối với chư Phật, hay một Bổn tôn. Theo nghĩa nào đó thì sự tôn kính mở đầu biểu hiện nguồn cảm hứng cho giáo huấn trong tác phẩm ấy. Vì vậy nên đối với một tác phẩm về pháp hành Bồ tát thì sự tôn kính được thể hiện đối với lòng bi mẫn. Sự tôn kính, hay tôn sùng, được tiếp tục bằng lễ lạy.
Con luôn đem thân khẩu ý chí thành đảnh lễ chư bổn sư vô thượng và Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm Bồ Tát, người thấu rõ vạn pháp không đến không đi, chuyên tâm nỗ lực vì lợi lạc chúng sinh.
Khi lễ lạy thì mình luôn làm như vậy qua ba cửa. Đây là cổng vào, hay cánh cửa, qua đó mà mình hành động, nói năng và suy nghĩ, và chúng tương ứng với thân, khẩu ý của mình.
Chúng ta lễ lạy ai? Trước tiên và quan trọng nhất là lễ lạy chư bổn sư vô thượng, các vị thầy tâm linh. Thứ hai là lễ lạy Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm Bồ Tát, và chữ "đấng bảo hộ" cho thấy theo một nghĩa nào đó thì ngài truyền cảm hứng cho chúng ta, và nguồn cảm hứng ấy sẽ bảo vệ hay giữ gìn, để mình không hành xử một cách ích kỷ, thiếu bi mẫn. Việc chư bổn sư được đề cập trước Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là điều hệ trọng. Trên thực tế thì thứ tự mà các ngôn từ được trình bày trong hầu hết các tác phẩm được chọn lựa một cách cụ thể vì một lý do. Người ta phải khá cẩn thận để dịch theo đúng thứ tự. Chư bổn sư là cội nguồn của chư Bổn tôn, và trong trường hợp này là Đức Quán Thế Âm.
Có một câu chuyện về đạo sư Ấn Độ Naropa và đệ tử Marpa, dịch giả vĩ đại của Tây Tạng. Một ngày nọ, Naropa hóa hiện toàn bộ mạn đà la của Bổn tôn Hevajra, hơi giống như một hình cung điện ba chiều lớn của Hevajra, và tất cả các nhân vật trong đó. Sau đó, ngài hỏi Marpa rằng, “Con sẽ lễ lạy ai trước, ta hay Hevajra?”. Marpa trả lời rằng, “Con gặp thầy mỗi ngày, nhưng đây là lần đầu tiên con thấy Hevajra! Con nên lễ lạy Hevajra trước.”. Thế là Naropa búng ngón tay và mạn đà la hoàn toàn biến mất. Ngài đã sửa sai cho Marpa và nói rằng, “Con đã phạm một lỗi lầm lớn, và chắc chắn sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực cho con. Con phải luôn nhớ rằng nếu như không có chư bổn sư thì không có cách nào viên thành những Bổn tôn này, nên chư bổn sư là nhân vật chính.”.
Bài tường thuật này nói rõ rằng mình không tôn thờ chư Bổn tôn như thể họ là những vị thánh, và tương tự như vậy, cũng không tôn sùng chư bổn sư như thể các thầy là thánh. Từ phía các ngài thì chư bổn sư sẽ không cứu độ mình, mà đúng hơn là nhờ cách tu tập theo chỉ giáo của thầy, và thông qua nguồn cảm hứng từ vị thầy mà chúng ta có thể đạt được giải thoát và giác ngộ cho chính mình.
Sau đó, bản văn mô tả một đặc điểm của chư bổn sư vô thượng và Đức Quán Thế Âm, đó là chư vị thấy vạn pháp không đến không đi. Điều này đề cập đến giáo huấn về Không tướng (tánh Không), mà các ngài đã hoàn toàn lãnh hội. Các ngài thấy rõ rằng không có bất cứ sự tồn tại bất khả dĩ nào, kể cả những cách đến và đi bất khả, một điểm cũng được đạo sư Long Thọ vĩ đại của Ấn Độ nêu ra, trong vần kệ tôn kính của tác phẩm Chánh Văn Kệ Tụng Trung Đạo (Root Verses on the Middle Way) của ông:
Xin đảnh lễ Đức Phật giác ngộ viên mãn, đạo sư hoàn hảo nhất trong tất cả các đạo sư, người đã thuyết pháp duyên khởi, làm lắng dịu tâm hý luận, nhờ vậy mà điều phục tâm, không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không đến, không đi, (nên) không dị biệt, cũng không đồng nhất.
Chúng ta có thể hiểu điều này về mặt phiền não của chính mình, và những nỗi khổ và vấn đề mà chúng tạo ra. Khi khảo sát những vấn đề mà tất cả chúng ta đều gặp phải thì không phải là chúng tồn tại như những thực thể tự lập cụ thể. Chúng không đến và đi như những quả bóng bàn rơi vào trong đầu óc của mình, gây rắc rối cho mình. Đúng hơn thì tất cả những phiền não và vấn đề của mình đều phát sinh và tiếp diễn phụ thuộc vào nhân duyên, nên nếu như loại bỏ những nhân duyên này, thì mình sẽ thoát khỏi phiền não. Nếu những trạng thái phiền não này chỉ tồn tại một cách vững chắc và độc lập, thì mình không thể làm gì để thay đổi chúng. Bất cứ điều gì mình có thể làm để cố loại bỏ chúng sẽ không có hiệu quả, vì chúng tự phát sinh và tiếp diễn. Để giúp đỡ tha nhân thì phải thấy rằng không chỉ phiền não, mà tất cả các pháp đều không thật sự tồn tại, đến và đi một cách tự lập.
Với sự hiểu biết này thì chư bổn sư tối thượng và Đức Quán Thế Âm chuyên tâm nỗ lực vì lợi lạc chúng sinh. Chỉ có sự chứng ngộ tánh Không, thấu hiểu thực tại, thì người ta mới có thể nỗ lực tạo lợi lạc cho tha nhân một cách hữu hiệu. Nếu như mình có sự hiểu biết không thực tế về cách mọi người và vấn đề của họ tồn tại, thì làm sao có thể thật sự giúp đỡ tha nhân? Cuối cùng thì ta sẽ có xu hướng chỉ tạo ra cho họ thêm nhiều vấn đề và hiểu lầm mà thôi.
Khi các ngài chuyên tâm nỗ lực, thì có nghĩa là việc giúp đỡ người khác là mục tiêu duy nhất của các ngài. Các ngài không nhắm vào mục tiêu ích kỷ của riêng mình, mà chỉ có chủ ý làm việc vì người khác. Đó là lý do mà chúng ta nói về các đạo sư tối thượng, không chỉ bất cứ đạo sư nào, bởi vì có thể có nhiều đạo sư quanh mình, tuy có thể họ đang giúp đỡ người khác, và cũng đang nhắm vào mục tiêu ích kỷ của riêng mình.
Trong cụm từ vì vì lợi lạc chúng sinh, thì “chúng sinh” đề cập đến tất cả chúng ta, những người đôi khi được gọi là “hữu tình”. 'Chúng ta trôi lăn một cách bất lực từ tái sinh này sang tái sinh khác, tràn đầy nỗi khổ và khó khăn. Làm việc vì lợi lạc có nghĩa là giúp họ đạt được mục tiêu tâm linh phù hợp mà họ đang nhắm đến, cho dù đó là giải thoát hay giác ngộ.
Vần kệ mở đầu thứ hai nói rằng:
Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả lợi lạc và hạnh phúc, bắt nguồn từ việc thành tựu giáo pháp thiêng liêng, nhờ sự thấu hiểu pháp tu. Vì thế, tôi sẽ giảng giải pháp tu Bồ tát.
Đây là lời nguyện sáng tác, khi mà tác giả nêu ra những gì ngài sẽ giải thích, là điều tiêu chuẩn trong bất cứ tác phẩm Ấn Độ hoặc Tây Tạng nào. Điều này khởi đầu với chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả lợi lạc và hạnh phúc. Nói cách khác là nhờ lời dạy của chư vị mà mình đạt được lợi ích một là giải thoát khỏi mọi nỗi khổ, hai là giác ngộ và hạnh phúc đi kèm với điều đó, và với giác ngộ này thì ta có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Làm thế nào mà chư Phật trở thành nguồn lợi lạc và hạnh phúc này? Nó xuất phát từ việc thành tựu giáo pháp thiêng liêng. Khi nói về giáo pháp thiêng liêng thì cần phải hiểu về Pháp Bảo, đề cập đến diệu đế thứ ba và thứ tư. Trong bối cảnh của câu kệ này thì diệu đế thứ ba đề cập đến sự chân diệt của mọi vấn đề và nguyên nhân tạo ra chúng trong dòng tâm thức của một vị Phật, trong khi diệu đế thứ tư trình bày chân đạo, hay đường tu chân thật trong tâm thức. Đó là sự thấu hiểu về thực tại, hoạt động như một đường tu, đem lại chân diệt, và cũng là trạng thái kết quả của chân diệt ấy. Ở đây, chúng ta đang mô tả một trạng thái mà trong đó, tất cả những nỗi khổ, vấn đề, phiền não và tất cả những sự hạn chế này được loại bỏ. Thêm vào đó, tất cả các chứng ngộ khả dĩ sẽ được thành tựu. Một vị Phật giác ngộ viên mãn đã viên thành điều đó, có nghĩa là đã làm cho tất cả những điều này thật sự xảy ra trong dòng tâm thức của mình.
Không phải là chư Phật luôn luôn giác ngộ ngay từ đầu, mà cũng giống như chúng ta, các ngài đã tu hành rất chăm chỉ, để đoạn trừ tất cả mê lầm, phiền não, khổ đau và vân vân, làm lu mờ tâm thức của mình. Điều quan trọng là mình biết rằng những “cấu nhiễm bất định” này đơn giản giống như những đám mây che phủ tâm ta. Chúng không hề là bản tánh của tâm, vì chúng có thể được hoàn toàn loại bỏ.
Tất nhiên là để hiểu tất cả những điều đó và vững tin về nó thì đòi hỏi rất nhiều việc nghiên cứu và quán chiếu. Nhưng phải cố gắng để vững tin rằng thật sự việc đoạn trừ mọi sự mê lầm bằng sự hiểu biết đúng đắn, và thành tựu giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ. Phải hiểu rằng không chỉ người khác có thể làm điều đó, mà chính mình cũng có khả năng phát triển sự hiểu biết đúng đắn này, và luôn luôn có nó. Mỗi người trong chúng ta có thể thoát khỏi tất cả những mê lầm này trong tâm thức của mình, giống như một vị Phật, đạt được chân diệt của tất cả những điều này, thông qua việc viên thành diệu đế thứ tư, đó là chân đạo.
Làm sao Đức Phật có thể đạt được điều này? Đầu tiên thì Đức Phật đã khám phá, nghe về và lắng nghe những pháp tu sẽ mang lại điều này. Rồi Ngài đã tư duy, suy ngẫm và phân tích cho đến khi thấu hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ, và cuối cùng thiền định về nó, để kết hợp và viên thành nó. Như Togme Zangpo có nói ở đây rằng điều này nhờ việc thấu hiểu pháp tu. Nói cách khác thì mình phải học hỏi pháp hành của bồ tát là gì, ta phải thực hành điều gì, để trở thành Phật. Vì việc thành Phật phụ thuộc vào điều này, nên Togme Zangpo nói rằng ngài sẽ giải thích chúng, để ta có thể học hỏi về chúng. Trên cơ sở đó thì ta có thể tư duy về những điều này, cố gắng thấu hiểu chúng, và sau đó thiền định về chúng, để cuối cùng, có thể áp dụng chúng.
Kiếp Người Quý Báu
Cũng giống như trong giáo lý lam-rim hay các giai đoạn tuần tự của đường tu giác ngộ, trong bản văn này, Togme Zangpo bắt đầu bằng việc sử dụng toàn bộ kiếp người quý giá, đó là cơ sở để mình có thể đạt được giải thoát hay giác ngộ viên mãn.
Do đó, Togme Zangpo khởi đầu vần kệ đầu tiên của 37 vần kệ rằng:
(1) Pháp tu Bồ tát là khi có được chiếc thuyền lớn (của tái sinh làm người) với tự do và thuận lợi khó tìm trong thời điểm này, hãy chuyên cần văn, tư, tu ngày đêm, để giải thoát tự thân và tha nhân khỏi biển luân hồi.
Nếu như bạn đang đọc điều này thì bạn đã có được sự tái sinh quý giá làm người, điều mà Togme Zangpo nói đến như một chiếc thuyền lớn; đây là một hình ảnh mà chúng ta cũng tìm thấy trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của Tịch Thiên.
(VII.14) Khi đã được ngồi trên chiếc thuyền của tái sinh làm người (trong hiện tại), vượt qua dòng sông đau khổ mãnh liệt! Vì rất khó để đón lại chiếc thuyền này, nên hỡi đồ ngốc, đây không phải là lúc để ngủ!
Giống như mình có thể sử dụng một con tàu để vượt qua đại dương rộng lớn, thì sự tái sinh làm người là một con tàu có thể giúp mình vượt qua đại dương luân hồi, sang bờ bên kia, đó là giải thoát. “Luân hồi” đề cập đến tái sinh bất tự chủ, đầy khó khăn và mê lầm. Đâu là điểm đặc trưng cho con tàu vĩ đại của tái sinh quý giá làm người? Đó là tám tự do và mười thuận lợi.
Chữ “tự do” này giống như thời gian nghỉ ngơi. Là một trong những vị thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey thường giải thích rằng việc xem mình là khách du lịch từ những trạng thái tái sinh tồi tệ nhất, và chỉ có một kỳ nghỉ phép ngắn ngủi trên cõi người. Chúng ta có một thời gian ngắn để nghỉ ngơi, nhưng sau đó thì chắc chắn sẽ quay trở lại những trạng thái tồi tệ hơn. Không cần phải liệt kê danh sách đầy đủ về tám tự do và mười thuận lợi. Tóm lại thì thuận lợi là những phẩm chất hay khía cạnh giúp cho mình trở nên phong phú, và cho ta những cơ hội to lớn với thực hành tâm linh. Nhưng nếu như mình lại tái sinh vào một trong những tái sinh tồi tệ hơn, hoặc là một con người ở một nơi không có giáo pháp, hay tất cả các pháp tu tâm linh đã bị đàn áp vân vân, thì chắc chắn mình không có sự nhàn nhã để có thể noi theo đường tu tâm linh. Nếu như sinh ra thành một con gián thì ta có thể đạt được điều gì, khi mà ai nhìn thấy mình thì chỉ muốn dẫm lên thân ta?
Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều cơ hội. Chúng ta có sẵn giáo lý, có các đạo sư tâm linh, sách vở, những người hỗ trợ các trung tâm Phật giáo, và rất nhiều điều giúp cho mình noi theo đường tu. Loại tình huống này rất, rất là khó tìm, như Togme Zangpo có nói trong bản văn. Nếu như chỉ nghĩ về số lượng côn trùng và động vật trên thế giới, thậm chí không kể những chúng sinh trong các cõi khác mà mình không nhìn thấy, thì rõ ràng là số lượng con người rất nhỏ, so với số lượng của những chúng sinh này. Ngay cả trong số con người thì có bao nhiêu người thật sự tiếp cận với Pháp? Có thể con số này đang gia tăng với Internet, nhưng trong số những người có thể tiếp cận giáo pháp trên mạng thì có bao nhiêu người quan tâm đến Pháp một cách chân thành? Có bao nhiêu người nhìn vào một trang mạng Phật pháp, và bỏ đi ngay lập tức? Ngay cả trong số những người quan tâm đến Pháp, và có thể tiếp cận nó thì có bao nhiêu người thấy nó thật sự đủ quan trọng để biến giáo pháp thành trung tâm trong đời sống của họ? Có bao nhiêu người nỗ lực rất nhiều để học hỏi, tư duy và thiền quán về nó? Sự thật thì có rất ít. Hầu hết mọi người, ngay cả khi họ quan tâm thì lại không có thời gian, và không dành cho nó sự ưu tiên mà nó cần phải có.
Cách tốt nhất để tận dụng kiếp người quý báu này, là điều rất khó tìm, là sử dụng nó để chuyên cần văn, tư, tu ngày đêm. Điều đó có nghĩa là mình cần phải thật sự học hỏi giáo pháp; phải lắng nghe Pháp rồi nghiên cứu nó. Ban đầu thì tất cả các giáo lý đã được truyền miệng, không có điều gì được viết xuống, nên mình vẫn phải sử dụng thuật ngữ này, “lắng nghe giáo pháp” trong sách vở. Tuy nhiên, trong thời hiện đại của chúng ta thì điều này cũng có nghĩa là đơn giản đọc và nghiên cứu Pháp. Đây là sự khởi đầu: chúng ta phải học hỏi giáo pháp, bởi vì như Togme Zangpo đã nói trước đó trong bản văn, rằng việc viên thành giáo pháp phụ thuộc vào việc biết các pháp tu là gì.
Không những mình cần phải học hỏi giáo pháp, mà còn phải bảo đảm rằng giáo pháp này xuất phát từ cội nguồn xác thực, đáng tin cậy. Phải phân biệt về vấn đề mình sẽ lắng nghe ai thuyết Pháp, và nghiên cứu những gì, để không bị nhầm lẫn hay lạc lối. Điều này rất khó khăn, bởi vì có rất nhiều sách vở và đạo sư không đáng tin cậy. Đức Dalai Lama luôn giải thích rằng tuy không thể thấy được những gì đang xảy ra trong tâm của bất cứ đạo sư nào, nhưng ít nhất ta có thể nhìn vào mức độ quy ước, thế gian về cách họ hành động, cách họ liên hệ với các đệ tử, và cách họ sống một cách chung chung. Một trong những bồ tát giới là không làm bất cứ điều gì khiến cho người khác mất niềm tin vào Pháp, nên nếu như một vị thầy hành động một cách khiếm nhã, thì họ đã không giữ gìn bồ tát giới.
Mình cũng phải biết cách phân biệt các sách vở và trang mạng, vì không phải tất cả đều xác thực, hay có bản dịch tốt. Nên cố so sánh những gì mình đọc với các bản văn khác, để xem liệu nó có ý nghĩa hay không, và cũng có thể hỏi ý kiến của những người mà mình tôn trọng về quyển sách này hay sách kia. Một khi đã xác định tính xác thực của nguồn giáo pháp và chư đạo sư của mình, thì phải dành thời gian để tư duy về những gì mình đã học được, để thấu hiểu chúng. Đây không phải là điều nhanh chóng, vì nó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nếu như mình cố gắng thiền quán về một điều gì đó, mà không hiểu mình đang làm gì, hoặc khi vẫn còn nhiều nghi ngờ về nó, thì sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều lầm lẫn.
Đây là lý do mà việc biện luận là một công cụ mạnh mẽ để học hỏi trong truyền thống đạo Phật; vì nó chuẩn bị cho mình thiền quán, bằng cách xóa tan mọi nghi ngờ về bất cứ chủ đề nào. Ta sẽ không bao giờ thử thách hiểu biết của chính mình một cách mạnh mẽ, trong khi người khác sẽ thách thức nó mà không nản lòng, và đó là lý do tại sao việc tranh luận với người khác rất quan trọng. Tất cả các đệ tử đều phải tranh luận, và không ai có thể ngủ gục trong lớp. Khuôn khổ tranh luận của người Tây Tạng là tất cả mọi người đều tranh luận trong cùng một lúc, nói rất lớn tiếng ở kế bên nhau. Điều này rất hay, bởi vì nó bắt buộc người ta phải tập trung tinh thần. Nếu không có sức tập trung tốt thì người ta không thể tranh luận theo kiểu Tây Tạng. Kỹ năng định tâm này là điều mà người ta có thể áp dụng trong khi hành thiền.
Ngoài ra, trong một cuộc tranh luận, việc ai đó nói điều gì ngu ngốc, và mọi người sẽ cười là điều không tránh được. Điều này rất tốt cho việc khắc phục bản ngã to lớn, cũng là một khía cạnh rất quan trọng để hành thiền. Nếu như mình thiền với một bản ngã to lớn, nghĩ rằng, “Tôi là một thiền giả vĩ đại như vậy đó”, hay là “Hãy nhìn cách tôi đang trì tụng một trăm ngàn mật chú này hay mật chú kia”, thường thì chỉ nuôi dưỡng bản ngã, thay vì đoạn diệt nó. Ngay cả khi không có cơ hội tranh biện thì mình phải tư duy về Pháp, và luôn luôn đặt câu hỏi về nó. Điều quan trọng là luôn luôn nêu ra thắc mắc! Điều mà tôi thấy là việc dịch thuật, viết lách và sao chép giáo pháp vân vân, đều là những cách tuyệt vời để buộc mình phải suy nghĩ về giáo pháp. Người ta phải hiểu nó, để có thể giải thích, hay thông dịch nó.
Thế thì ta cần phải thiền. Thiền có nghĩa là tạo dựng một tập khí ích lợi về một sự hiểu biết mới, hay một thái độ mới trong tâm, bằng cách lặp đi lặp lại nó nhiều lần. Một ví dụ đơn giản là để học cách chơi đàn dương cầm thì mình phải luyện tập. Khi thực hành đủ thì tự nhiên ta có thể chơi đàn một cách tự nhiên. Chúng ta có thể đàn mà không cần phải suy nghĩ nốt này hay nốt kia nằm ở đâu trên phím đàn. Tương tự như vậy, khi thiền quán nhiều lần về lòng từ, lòng bi, hiểu biết đúng đắn về tánh Không, vân vân, thì những phẩm chất này sẽ phát sinh trong tâm mình một cách tự nhiên.
Chúng ta cần phải làm điều này, như Togme Zangpo nhấn mạnh là không ngừng nghỉ, ngày đêm. Điều đó có nghĩa là kiên định. Ngoài ra, ta có thể hiểu chữ "không ngừng nghỉ" có nghĩa là không phóng dật. Chúng ta phải thực hiện điều này “ngày đêm”, và điều đó có nghĩa là bất cứ khi nào có cơ hội để nghe Pháp thì ta sẽ dành thời gian để làm như vậy. Phải ưu tiên cho việc này trên hết. Không cần phải ngồi một cách trang nghiêm trong một khung cảnh đặc biệt để tư duy về Pháp, mà có thể thực hiện điều này bất cứ lúc nào, hay bất cứ nơi nào. Khi mình đi tắm, khi mình ăn uống, bất kể đang làm gì thì ta luôn luôn có thể sử dụng thời gian ấy để nghĩ về điểm này hoặc điểm kia trong giáo pháp. Rõ ràng là ta không thể làm điều đó trong mỗi một giây trong đời sống, vì điều đó sẽ không tự nhiên, nhưng vấn đề là mình không phải tạo ra một thời khóa đặc biệt, với một gian phòng đặc biệt, những món trang trí và đồ tế nhuyễn kèm theo, mà nhiều người nghĩ rằng một phòng thiền phải giống như vậy. Hoàn toàn không cần điều đó. Chắc chắn là Milarepa đã không có một nơi như vậy, và chúng ta cũng vậy.
Không bao giờ nên giới hạn thời thiền của mình vào điều gì chỉ được thực hiện trên tọa cụ. Ví dụ như khi mình đang xếp hàng ở quầy mua hàng, hay bị kẹt xe, thì đó là cơ hội tuyệt vời để hành thiền và tu hạnh nhẫn. Nhiều người tu tập pháp thiền trong nhà Phật liên quan đến lòng từ và lòng bi, và chỉ hành trì đối với những chúng sinh trong quán tưởng, nhưng không có khả năng thực hiện nó với người thật. Đó là một sai lầm lớn. Phải cố gắng áp dụng tất cả những tập khí tốt mà mình đang cố gắng tạo dựng trong thời thiền vào những tình huống thật ngoài đời, với những người thật. Do đó, ta sẽ làm điều này ngày đêm, như Togme Zangpo đã khuyên.
Lý do hay mục đích để làm điều này là gì? Togme Zangpo nói rằng chúng ta làm điều đó để giải thoát tự thân và tha nhân khỏi biển luân hồi. Để giải thoát tự thân khỏi luân hồi có nghĩa là mình đang hướng đến giải thoát và giác ngộ, khi mà mình sẽ có khả năng để giải thoát tha nhân ra khỏi biển luân hồi này. Tất nhiên là biển cả kết nối với hình ảnh mà ngài đã sử dụng trong phần đầu của câu kệ, về chiếc thuyền lớn của kiếp người quý báu.
Tận Dụng Kiếp Người Quý Báu
Tiếp theo, Togme Zangpo giải thích về những tình huống thuận lợi nhất, đối với việc tận dụng kiếp người quý báu mà mình đã có được:
(2) Pháp tu Bồ tát là rời bỏ quê hương, nơi mà tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước; tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa cháy; và bóng đêm si mê bao phủ, khiến ta quên hết những điều nên làm, những điều nên bỏ.
Khi sống ở quê hương của mình, cho dù đang nói về ngôi làng, thành phố hay bất cứ nơi nào mà mình đã lớn lên, thường thì tập khí xấu và phiền não sẽ chi phối kinh nghiệm và những mối quan hệ của mình. Nếu như có thể thì ta được khuyên nên rời xa quê hương, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn, để rời xa những tập khí xấu một chút, và có được viễn ảnh về đời sống của mình. Điều đó có thể là đến một trung tâm nhập thất, tham gia chương trình học hỏi giáo pháp sâu xa, đi Ấn Độ hoặc Nepal, v.v... Có rất nhiều khả năng khác nhau.
Khi sống ở quê nhà thì như Togme Zangpo đã nói, tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước. Hãy nghĩ về hình ảnh của một chiếc lá rơi xuống đất, nơi mà nước có thể cuốn trôi nó đi, và mang nó đến bất cứ nơi nào. Tương tự như vậy, khi mình gắn bó với những người bạn mà có thể nói, “Hãy đi uống rượu”, thì mình chỉ đi theo, giống như một chiếc lá rơi xuống đất, hay bị nước cuốn trôi đi. Khi bạn bè cho ta một điếu thuốc, hay rượu thì vì tâm luyến ái mà mình nhận nó. Chúng ta không muốn làm họ thất vọng, mà muốn bạn bè yêu thích mình, và không nghĩ rằng ta là người kỳ lạ. Chúng ta muốn hòa đồng và không mất bạn. Những vấn đề như vậy sẽ xảy ra và ngăn cản ta “kiên trì với chủ ý” của mình, như người ta hay nói bằng tiếng Tây Tạng, về mặt tu tập Pháp.
Tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa cháy. Những người mà ta quen biết nhiều nhất có xu hướng làm phiền mình nhiều nhất, đúng không? Điều này xảy ra, khi họ không làm những gì mình muốn, hay làm việc khác với cách mình làm. “Bạn tôi đã không gọi điện thoại cho tôi”, hay “Xe của tôi không chạy”, những chuyện như vậy. Chúng ta rất tức giận với việc đó, bởi vì mình kỳ vọng rằng những người và đồ vật quen thuộc này sẽ luôn có mặt sẵn cho mình, và làm những gì mình muốn.
Thái độ độc hại thứ ba là bất lợi của việc sống ở quê nhà với những người quen thuộc là tâm si mê, khi ta quên hết những điều nên làm, những điều nên bỏ, và bị bóng đêm bao phủ. Cụm từ “những điều nên làm và những điều nên bỏ” nói về những thiện hạnh ta nên làm, và những ác hạnh mình nên bỏ. Khi ở gần bạn bè hay những người mà mình không thích, hay làm phiền mình thì ta có khuynh hướng quên đi tất cả những gì mình đang cố gắng áp dụng hay trưởng dưỡng. Chúng ta đang cố đoạn trừ điều gì trong tâm mình? Đó là tâm sân hận, tham ái, vân vân. Khi si mê thì ta không còn biết điều gì có lợi và có hại cho tự thân và tha nhân. Tâm si mê này khiến ta bị bao phủ trong bóng đêm, như thể có một cái bao giấy úp lên đầu.
(3) Pháp tu Bồ tát là nương tựa nơi ẩn dật. Nhờ lánh xa đối tượng bất thiện, phiền não sẽ dần giảm thiểu; nhờ không phóng dật, đức hạnh sẽ tự nhiên tăng trưởng; nhờ tu tập cho tâm sáng suốt, tâm xác tín về giáo pháp sẽ phát sinh.
Đây là hoàn cảnh thuận lợi nhất để tận dụng kiếp người quý báu này. Khi đã rời khỏi quê hương thì nên cố gắng sống ở một nơi ẩn dật, yên lặng. Nếu như chỉ rời bỏ quê hương để đến một thành phố lớn, bận rộn, ồn ào, thì điều đó có thể không có lợi cho việc tu tập của một người mới bắt đầu tu học. Chỉ khi nào đã tu tập nhiều và tu cao như chư Bồ tát thì ta mới có thể trở lại và sống ở những nơi rất bận rộn, ồn ào. Trên thực tế thì đó là một trong những cách tu tập truyền thống của Ấn Độ, sau khi người ta đã tu tập đến một mức ổn định nào đó. Vào thời điểm đó, các hành giả du già vĩ đại này sẽ “sống ở ngã tư đường”, như người ta nói, theo nghĩa đen là ở một ngã tư bận rộn. Điều đó thật ra rất khó khăn, và sẽ giúp cho họ thấy liệu hành trì và thành tựu của mình có ổn định hay không. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra về sau. Lúc đầu thì việc sống ẩn dật là điều quan trọng.
Hai vần kệ này rất gợi nhớ đến những điều mà ngài Tịch Thiên viết trong Nhập Bồ Tát Hạnh:
(VIII.37) Thế thì hãy sống ẩn dật trong khu rừng đáng yêu và thú vị, với hạnh phúc và phúc lạc, ít rắc rối, lắng dịu mọi phóng dật.
(VIII.38) Khi đã gạt bỏ tất cả những ý định khác, với chủ ý chuyên nhất, hãy nỗ lực nhập định và điều phục tâm.
Khi sống nơi ẩn dật thì ta có thể hy vọng điều gì? Nhờ lánh xa đối tượng bất thiện, phiền não sẽ dần giảm thiểu. Thuật ngữ “đối tượng bất thiện” là những điều mà ta rất quyến luyến, hay là những điều khiến cho mình rất khó chịu. Nó cũng có thể nói đến việc dư thừa thực phẩm, hoặc sự có mặt của rượu và ma túy, khiến ta rất say sưa hay hôn trầm. Khi loại bỏ các đối tượng khiến cho những phiền não này phát sinh, thì ngay cả khi đó không phải là giải pháp tối hậu để đoạn diệt chúng, nhưng nó vẫn có ích. Sau đó, dần dần thì những phiền não này sẽ bị cản trở, điều đó có nghĩa là chúng sẽ bị ngăn chận. Nhờ vậy mà chúng sẽ giảm dần.
Tôi nghĩ rằng chúng ta biết điều này từ kinh nghiệm của chính mình. Nếu mình có một cuộc hôn nhân tồi tệ và ly dị, rồi nếu như mình phải gặp lại người xưa mỗi ngày, thì sẽ rất khó khăn. Tâm sân hận và phiền não sẽ phát sinh hoài. Tuy nhiên, nếu như không gặp họ một thời gian dài thì dần dần, mãnh lực của tâm sân hận và cảm giác xấu sẽ giảm bớt, đúng không? Nó cũng giống như vậy, nếu như ta quyến luyến một người đã rời bỏ mình. Nếu như mình gặp họ hoài thì lòng quyến luyến và tổn thương ấy sẽ tiếp tục. Với khoảng cách thì dần dần những phiền não này sẽ lắng dịu.
Những lợi thế khác của việc sống ẩn dật là gì? Togme Zangpo nói rằng nhờ không phóng dật, đức hạnh sẽ tự nhiên tăng trưởng. Nếu chúng ta có thể hoàn toàn thoát khỏi e-mail, điện thoại di động, phim ảnh, giải trí, câu lạc bộ, tiệc tùng, truyền hình và tất cả những thứ này, thì sẽ không có sự phóng dật. Tự nhiên là ta sẽ sử dụng thời gian của mình một cách xây dựng hơn, nếu đó là mục tiêu để sống ẩn dật. Giống như với âm nhạc. Có rất nhiều người hoàn toàn ghiền âm nhạc, nên đi khắp nơi với iPod, và thấy khó sống khi không có âm nhạc, dù chỉ trong một vài khoảnh khắc. Trên cơ bản thì điều này sẽ ngăn cản họ tư duy nhất điểm về bất cứ điều gì. Nếu như không có những sự phóng dật này thì ta sẽ có cơ hội thật sự đối mặt với tâm mình, và cố gắng hiểu điều gì đang xảy ra.
Cũng buồn cười, khi nhìn vào hiện tượng khó tin về việc sử dụng điện thoại di động không ngừng. Bất cứ khi nào tôi quan sát những người ngồi trên xe buýt hay xe lửa, thì rõ ràng là đại đa số không thể ngồi yên, mà tất cả mọi người đều đang chơi với điện thoại di động, hay máy móc điện tử nào đó. Nó rất kỳ lạ. Nếu như thoát khỏi những phiền nhiễu này thì hành trì tích cực của mình sẽ tự nhiên tăng lên, vì ta có nhiều thời gian hơn.
Câu cuối cùng là: Nhờ tu tập cho tâm sáng suốt, tâm xác tín về giáo pháp sẽ phát sinh. Khi sống ẩn dật, rồi thì tâm thức, hiểu biết của mình sẽ trở nên minh mẫn hơn, vì đã lánh xa những đối tượng bất lợi và phiền nhiễu này. Với nhiều thời gian hơn và ít phiền nhiễu hơn thì ta có thể khảo sát tâm nghi ngờ vân vân, và thật sự chú tâm vào Pháp. Rồi thì tâm xác quyết và tự tin vào giáo pháp sẽ tăng trưởng. Đây là điều thật sự đáng giá.
Tuy nhiên, phải biết rằng nếu chỉ sống nơi ẩn dật và rời khỏi quê hương thì không có gì đảm bảo là phiền não sẽ giảm bớt. Chúng ta có thể rất quyến luyến ngay cả với điều gì nhỏ nhoi như tọa cụ của mình, hay rất bực mình vì những con muỗi, hoặc nếu như mình đang thực hiện một khóa nhập thất, thì sẽ bực bội với những người ho hen hay bồn chồn, đứng ngồi không yên. Không thể chỉ nương tựa vào việc ẩn dật, dù khả năng mà những phiền não này sẽ giảm thiểu sẽ nhiều hơn, khi những đối tượng quen thuộc kích thích chúng không còn có mặt ở đó nữa. Để đảm bảo là mình không nhượng bộ với những phiền não này, vân vân, thì ta sẽ nghĩ về cái chết và vô thường.
Cái Chết Và Vô Thường
(4) Pháp tu Bồ tát là hoàn toàn buông bỏ lo âu về kiếp sống này, vì thân bằng quyến thuộc lâu năm phải chia tay; tài sản gom góp bằng công sức phải bỏ lại; và tâm thức, là khách trọ trong căn nhà thân xác, sẽ phải ra đi.
Khi đã có được kiếp người quý báu thì nên cố gắng tận dụng nó một cách triệt để. Làm sao để làm như vậy? Phải nghĩ xa hơn kiếp này, như một sự khởi đầu. Ngay cả khi sống ẩn dật thì ta vẫn có thể suy nghĩ hoặc lo lắng về bạn bè, tài sản, và tất cả những thứ này. Togme Zangpo nói rằng phải từ bỏ việc quan tâm đến kiếp này. Điều đó có nghĩa là ta phải hoàn toàn buông bỏ lo âu về kiếp sống này. Như Đức Dalai Lama giải thích rằng việc nói rằng mình không hề quan tâm đến kiếp này 100% là điều không thực tế, và bất khả dĩ. Rốt cuộc thì chúng ta phải sinh nhai, nuôi thân, và nếu như có gia đình thì cũng phải giúp đỡ họ. Điều tốt nhất, như Đức Dalai Lama nói, là 50/50, với 50% quan tâm về những điều thế tục trong kiếp này, và 50% quan tâm đến các mục tiêu tâm linh vượt qua kiếp này.
Cách mà mình từ bỏ việc quan tâm đến kiếp này là nghĩ về cách thân bằng quyến thuộc lâu năm phải chia tay, như Togme Zangpo nói. Khi nghĩ về lẽ vô thường thì điều này rất đúng! Trong Kệ Tụng Tu Tập Về Cách Thiền Quán Về Vô Thường (Trainings, in Verse, of How to Meditate on Impermanence), vị đạo sư vĩ đại của Tây Tạng Gungtang Rinpoche đã minh họa điều này một cách rất tuyệt vời:
(11) Bạn bè, thân hữu, thị giả và tín đồ giống như những chiếc lá tụ họp với nhau nhờ một cơn gió mạnh. Sau một lúc thì chúng sẽ phân tán khắp nơi trên núi non và thung lũng. Ly tan là kết cuộc của hội ngộ.
Ta và những người thân yêu giống như những chiếc lá rơi vì bị gió thổi. Trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ cùng bay với nhau trong những cơn gió nghiệp, nhưng cuối cùng thì cơn gió khiến những chiếc lá tách ra và bay theo những hướng khác nhau.
Tài sản gom góp bằng công sức phải bỏ lại. Khi chết thì ta không thể mang theo bất cứ thứ gì. Đối với những ai đã có người thân như cha mẹ đã qua đời thì bạn sẽ thấy rằng sau khi một người qua đời, ngay cả tài sản quý giá nhất của họ cũng thường trở thành rác rến. Không ai muốn giữ chúng và họ vứt bỏ tất cả. Nếu như mình giàu có thì điều thường xảy ra là người thân của ta sẽ trở thành kẻ thù và gây gỗ với nhau về việc ai sẽ thừa hưởng tiền bạc của mình. Rõ ràng là có rất ít lý do để bỏ ra toàn bộ công sức để có được của cải và giàu sang, khi mà chúng sẽ bị ném vào thùng rác, và tạo ra sự tranh cãi cho người khác. Ngài Tịch Thiên đã nói một cách rất tuyệt vời:
(III.11cd) Vì khi (chết) thì việc bố thí sẽ xảy ra, nên tốt nhất là bố thí cho chúng sinh (ngay bây giờ).
Vì vậy, trong khi vẫn còn thời gian thì trước khi chết, nên bố thí tài sản của mình cho những người thật sự cần chúng.
Tôi đã để ý điều này ở đạo sư của mình, Serkong Rinpoche. Dường như ngài đã nhận thức khá rõ khi nào thì ngài sẽ chết, và trước khi chết, ngài đã cho đi một số tài sản khổng lồ. Thầy đã cho rất nhiều sách vở, chẳng hạn như tăng cho một tu viện những bộ sưu tập giáo pháp của Tông Khách Ba, và tất cả các loại pháp khí quý giá nhất cho người khác. Rõ ràng là Thầy đã noi theo lời khuyên này, rằng tài sản gom góp bằng công sức phải bỏ lại.
Rồi thì câu cuối cùng nói rằng tâm thức, là khách trọ trong căn nhà thân xác, sẽ phải ra đi.
(VIII.33) Giống như cách mà khách trên đường đi du lịch có một nơi trú ngụ, tương tự như vậy thì khách du lịch trên đường hiện hữu phải tái sinh ở một nơi để trú ngụ.
Cả hai câu thơ phải được hiểu một cách đúng đắn. Chúng ta không nói về một cái “tôi” rắn chắc đang ngồi bên trong cơ thể của mình, giống như một thực thể cư ngụ trong đó, sử dụng nó, tận hưởng mọi thứ nhờ nó, rồi khi nó kết thúc thì thực thể rắn chắc này sẽ bay đi. Đúng hơn thì điều này nói rằng các xung lực của nghiệp trong dòng tâm thức của mình sẽ khiến cho ta nhận lấy những loại thân thể khác nhau như nền tảng thể chất trong những kiếp khác, và thân này trong hiện kiếp chỉ là điều tạm bợ.
Ngài Tịch Thiên nói rất nhiều về điều này, về mặt khắc phục tâm luyến ái với thân mình.
Chẳng hạn như sau khi chết mà cơ thể của mình được giữ lại trong vài ngày hoặc lâu hơn thì không ai muốn giữ nó, bởi vì nó bắt đầu thối rữa và bốc mùi. Mọi người đều muốn vứt bỏ nó, vậy thì có gì tuyệt vời về thân này? Không chỉ tài sản của mình sẽ trở thành rác rến, mà chính cơ thể của mình, điều mà ta thường rất yêu quý, cũng trở thành rác. Người ta chỉ muốn chôn cất hay hỏa táng nó càng sớm càng tốt, như là rác rến. Đây là thực tại. Nó không phải là điều rất quyến rũ hay lãng mạn, nhưng đó là thực tại, bạn ơi! Như ngài Tịch Thiên đã viết:
(VIII.29) Khi đã đến một nhà xác thì tôi sẽ so sánh thân mình với đống xương của người khác, có bản chất thối rữa. (VIII.30) Chính thân này cũng sẽ (thối rữa) như thế, và vì mùi hôi thối mà ngay cả chó rừng cũng không muốn đến gần.
Khi thật sự nhận thức ra kiếp người quý báu mà mình có, và thân thể, tài sản, gia đình và bạn bè của mình đều là những điều tạm bợ và sẽ qua đi, thì ta sẽ không bận tâm với chúng. Vì vậy mà ta có thể tận dụng cơ hội có được từ kiếp người quý báu, và sử dụng bất cứ điều gì có thể tạo điều kiện cho việc tu học giáo pháp.