Cần Có Phạm Vi Sơ Căn Lam-rim Trong Mật Tông

Lời Mở Đầu

Nếu đã nhận một lễ điểm đạo Mật tông, thì chúng ta thường có cam kết sẽ hành trì pháp tu liên quan đến lễ điểm đạo này mỗi ngày, cho đến cuối đời. Nhiều người Tây Tạng xem những quán đảnh này như động lực gieo hạt giống cho những kiếp tương lai, mà không nhắm vào việc đi sâu và hành trì Mật tông trong kiếp này - ngoài việc trì tụng vài câu mật chú mỗi ngày. Là người Tây phương thì hầu hết chúng ta không tin vào tái sinh, nên chỉ nghĩ về kiếp này. Nhưng ngay cả khi đang tu tập pháp tu hàng ngày, thì ta có thể cảm thấy như việc này không đi đến đâu. Nó có thể dễ dàng trở thành một nghi thức trống rỗng, khi chỉ lặp lại một số từ ngữ nhất định bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Tạng, là một ngôn ngữ mà mình chẳng hiểu gì cả.

Nếu như đã cam kết tu tập một pháp tu hàng ngày, thì phải cố gắng làm cho nó có hiệu quả càng nhiều càng tốt, và thật sự hết lòng với hành trì ấy.

Tương truyền rằng nhờ có hành trì Mật tông, đặc biệt là bộ Mật tông cao nhất, mà hành giả có thể đạt giác ngộ ngay trong kiếp này. Trên thực tế, thậm chí người ta có thể làm việc này trong vòng ba năm và ba mùa trăng. Điều này nghe có vẻ hấp dẫn, và mặc dù nó khả thi trên lý thuyết, nhưng mình phải nhận ra là điều này rất khó xảy ra. Hành trì Mật tông cực kỳ khó khăn, và tuy có thể không đòi hỏi vô lượng a tăng kỳ kiếp mà các pháp tu theo Kinh điển Đại thừa đòi hỏi, việc thành tựu giác ngộ với Mật tông vẫn đòi hỏi một số lượng lớn thời gian hành trì miên mật. Hành trì miên mật có nghĩa là 24 tiếng một ngày, không có ngày lễ, nên việc tu tập Mật tông không phải là lý do để lười biếng!

Ở hầu hết các lễ điểm đạo thì đạo sư Mật tông sẽ giải thích lý thuyết Mật tông cơ bản, và cách nó hoạt động để đem lại giác ngộ, nhằm khuyến tấn và giúp cho lòng tôn kính sâu sắc thấm nhuần trong tâm hành giả, về cách mà những phương tiện này tinh vi như thế nào. Thật ra thì nên tôn trọng nó, nếu như nhìn vào bảng liệt kê hàng ngàn vị Phật trong thời đại của thế giới này, thì chỉ có một vài vị sẽ dạy Mật tông. Điều này sẽ thúc đẩy mình dấn thân vào pháp tu này một cách nghiêm túc.

Việc dấn thân “một cách nghiêm túc” có nghĩa là gì? Đó không chỉ là việc theo kịp những cam kết hàng ngày, điều mà nhiều người đã bỏ cuộc sau một thời gian, vì thấy nhàm chán, hoặc không có thời gian. Nếu như nhận lễ điểm đạo khi còn trẻ thì chúng ta thường có lý tưởng, không nghĩ đến thời gian và trách nhiệm mà việc lập gia đình và sự nghiệp sẽ đòi hỏi. Nếu như ta có thể duy trì pháp tu hàng ngày suốt đời, rồi thì nên tu tập tất cả những bước trong lam-rim. Cần phải có khả năng hội nhập mỗi một giai đoạn tiệm tiến vào đời sống một cách chân thành.

Không nên nghĩ rằng điều này dễ dàng. Bước thứ hai dựa trên bước thứ nhất, và bước ba dựa vào bước thứ hai. Không thể tu tập những bước xa hơn mà không thiết lập những bước đầu tiên một cách vững chắc, nếu không thì toàn bộ hành trì của mình sẽ hoàn toàn không ổn định. Tầm quan trọng của những bước này là chúng sẽ tạo lợi lạc cho pháp tu hàng ngày, và giúp ta tu tập Mật tông một cách hiệu quả.

Video: Tsenshap Serkong Rinpoche đời thứ Hai — “Nghi Lễ Quan Trọng Như Thế Nào?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Đạo Sư Tâm Linh

Lam-rim khởi đầu bằng lời giải thích về tầm quan trọng của vị thầy tâm linh. Hiển nhiên là cần có một vị thầy để ban lễ quán đảnh. Thầy sẽ kết nối ta với một dòng truyền thừa của chư đạo sư, đi ngược về quá khứ, đến Đức Phật, cho mình niềm tin vào tính xác thực và hiệu quả của pháp tu. Thầy cũng bổ sung thêm một khía cạnh cá nhân, khi mình thọ giới và cam kết. Việc hứa nguyện sẽ quán tưởng một vị Phật thường không tạo ra cùng một cảm xúc như khi ta làm như vậy với một người ngồi trước mặt mình.

Đạo sư tâm linh phải là người truyền cảm hứng, và khiến cho mình xúc động. Càng tôn trọng và cảm kích vị thầy thì kỷ luật và cam kết của mình sẽ càng sâu sắc hơn. Kinh điển hướng dẫn việc quán tưởng thầy trong hình ảnh thu nhỏ lại, an tọa trên đỉnh đầu hay trong tim mình. Nếu như cứ giữ chánh niệm về đạo sư của mình như thế này suốt ngày, thì sẽ khó mà hành động một cách vô trách nhiệm trước mặt thầy!

Cảm xúc sâu sắc mà mình có được từ lòng tôn trọng và cảm kích không nên làm phiền ta, hay khiến ta bám víu. Nó sẽ đem lại cho ta lòng tự tin, khi không phản ứng với lòng sân hận hay buồn bã, khi được yêu cầu làm điều gì mà mình không thích làm, cũng như không kiêu căng, khi nghĩ rằng mình hiểu rõ nhất. Cũng không nên hạ thấp bản thân, nghĩ rằng mình là một kẻ khốn khổ, thấp kém, không có phẩm hạnh, trong khi đạo sư là đối tượng hoàn hảo của việc tôn sùng. Đức Dalai Lama thứ Năm nói rõ rằng nên phân biệt giữa những phẩm hạnh và khuyết điểm của vị thầy, nhưng vì thầy có nhiều phẩm chất tốt hơn là xấu, nên ta sẽ có nhiều lợi lạc và cảm hứng hơn nhiều, bằng cách tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp của thầy.

Kiếp Người Quý Báu

Bước tiếp theo là nghĩ về kiếp người quý giá. Chúng ta có cơ hội tạm thời này để thực hành điều mà có thể tận dụng thời gian của mình trên trái đất một cách hữu ích nhất. Đặc biệt quan trọng là điểm đặc thù mà con người có được là hệ thống năng lượng vi tế và các luân xa cần thiết cho giác ngộ trong Mật tông, đó là điều không được đề cập trong danh sách lam-rim tiêu chuẩn. Điều này khiến cho tái sinh làm người vô cùng quý giá.

Một trong những Mật giới là không lạm dụng các uẩn – thân tâm của mình - bởi vì chúng rất quý giá, và phải sử dụng chúng trên đường tu. Việc ép buộc mình quá đáng và làm tinh thần căng thẳng sẽ tạo ra vấn đề cho hệ thống năng lượng. Nhưng phải tìm ra trung đạo giữa điều này và tính lười biếng tột cùng. Chúng ta nên ngủ ngon, ăn uống đàng hoàng và tập thể dục đầy đủ. Đặc biệt là nên tránh làm ô nhiễm tâm trí bằng bạo lực, sách báo khiêu dâm và vân vân.

Nếu như không xem trọng kiếp người quý giá mà mình có được, thì ta sẽ có nguy cơ lãng phí nó và bỏ lỡ cơ hội hiếm có để tu tập Mật tông một cách hữu hiệu. Chúng ta có thể bỏ qua việc nghĩ về động lực của mình, và chỉ tụng đọc ngôn từ như một nghi thức trống rỗng, múa chày kim cang và chuông một cách vô hồn. Lúc nào thì chúng ta cũng tưởng tượng mình là những hành giả Mật tông vĩ đại!

Tôi muốn nêu ra một điểm, đó là việc hành trì nghi thức hàng ngày trống rỗng này không phải là hoàn toàn lãng phí thời gian. Nó vẫn giúp mình phát triển ý thức kỷ luật và trách nhiệm. Nếu như trì tụng bằng tiếng Tây Tạng thì có một nhịp điệu đặc biệt cũng giúp cho mình bình tĩnh lại, và kết nối ta với dòng truyền thừa Tây Tạng. Nhưng mình sẽ không tận dụng tối đa lợi thế của việc tu tập, đó là điểm nói về kiếp người quý giá này.  

Cái Chết Và Vô Thường

Một khi đã xem trọng kiếp người quý báu, thì hãy quán chiếu về cái chết và vô thường. Đời sống thì vô thường, và chắc chắn mình sẽ chết. Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, bởi vì cái chết không phân biệt giữa người già hay trẻ, bệnh hoạn hay khỏe mạnh. Khi cái chết đến thì không có điều gì sẽ giúp cho ta, ngoại trừ những tập khí tích cực mà mình đã tạo ra bằng việc tu tập Pháp.

Mục đích của pháp tu Mật tông là để thoát khỏi cái chết và tái sinh, đó là cơ sở để kinh qua tất cả những nỗi khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Bộ Mật tông cao nhất  bao gồm các hành trì được mô phỏng theo những gì xảy ra trong quá trình chết, giai đoạn trung ấm và tái sinh. Chúng ta sẽ thực hiện những pháp tu này, để có thể thay thế cái chết, trung ấm và tái sinh tầm thường bằng thành tựu Phật quả thật sự.

Khi mình chết thì thức thô trọng sẽ phân giải, nhường chỗ cho một tâm thức cực kỳ vi tế. Nếu vẫn còn vô minh và nghiệp lực từ phiền não, thì có thể chúng sẽ hiển lộ, và đưa mình đến một tái sinh thấp hơn. Thay vì để cho hiện tướng và sự tồn tại trong luân hồi phát sinh thì nhờ Mật tông, ta sẽ làm cho một sự tồn tại giác ngộ sinh khởi, nhờ có chứng ngộ về tánh Không và động lực bồ đề tâm.

Trong giai đoạn đầu tiên của bộ Mật tông cao nhất thì ta sẽ quán rằng mình đã đạt đến mức độ tâm vi tế nhất, và từ đó, phát khởi sắc tướng của Đức Phật giác ngộ, thay vì sắc tướng luân hồi bình thường của mình. Sắc tướng ấy có thể đơn giản như sắc tướng trung ấm, tương tự như hiện tướng Báo thân của một vị Phật, hay có thể giống như hiện tướng Hóa thân phức tạp hơn, tương tự như tái sinh.

Ta sẽ tu tập với những quán tưởng như vậy ở “giai đoạn phát khởi” ban đầu, rồi ở cái gọi là “giai đoạn viên mãn”, khi mà mọi việc đã hoàn tất, thì mình có thể thật sự tu tập với hệ thống năng lượng vi tế. Từ năng lượng vi tế nhất, ta có thể phát khởi một sắc tướng vi tế, chứ không phải là sắc tướng luân hồi, gọi là “thân huyễn”. Hành trì này được thực hiện trong thời thiền, và không được duy trì sau thời thiền. Tuy nhiên, việc quán tưởng các sắc tướng thanh tịnh qua việc tu tập với hệ thống năng lượng vi tế bằng cách này là nhân trực tiếp để mình tự sinh khởi như một vị Phật giác ngộ ở thời điểm cuối cùng.

Nếu như không tin vào cái chết, trung ấm và tái sinh, và không coi trọng vô thường thì pháp tu của mình sẽ trở nên vô nghĩa. Phải nghĩ một cách mạnh mẽ rằng, “Một ngày nào đó, tôi sẽ chết, và không muốn nó chỉ là một cái chết, trung ấm và tái sinh bình thường.”. Ở mức độ cơ bản nhất thì cái chết của mình có thể đưa đến tái sinh tồi tệ hơn, khi mà ta không có được kiếp người quý giá này, cũng như những yếu tố tự do mà nó đem lại cho mình. Việc hoàn toàn tin tưởng rằng mình sẽ chết vào một thời điểm bất định nào đó, sẽ thúc đẩy ta không tạo ác nghiệp. Nếu như nghĩ về cái chết, trung ấm và tái sinh về mặt cấu trúc của Tứ Diệu Đế, thì bằng cách thiền quán nghiêm túc về hai diệu đế đầu tiên, khổ đế và tập đế, ta sẽ muốn tu tập để đoạn trừ nỗi khổ của mình.

Càng nhận thức rõ hơn về cái chết và vô thường thì pháp tu hàng ngày của ta càng hữu hiệu hơn. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến cái chết, như bị xe hàng đụng, đau tim, trúng thực, và có những cõi thấp hơn mà ta có thể tái sinh trong đó, và vô số chúng sinh đang thống khổ ở đó. Đời sống vô thỉ của mình có nghĩa là gần như chắc chắn là mình đã tạo ra ác nghiệp để tái sinh thành một con gián, hay tệ hơn nữa. Tuy khó mà hiểu được đời sống của một ngạ quỷ hay chúng sinh trong địa ngục sẽ ra sao, nhưng ta vẫn có thể xem xét cuộc đời của một số người sống ở các nước nghèo nhất. Có những người ở khắp nơi trên thế giới đang chết đói, phải đi bộ hàng dặm để hứng nước bẩn, và đang bị bóc lột. Nếu như mình tư duy sâu sắc về những loại kinh nghiệm này, thì ý muốn tránh né những điều này sẽ phát sinh mạnh mẽ.

Quy Y

Chủ đề tiếp theo trong lam-rim là quy y, hướng đời sống về một phương hướng an toàn. Ở đây, chúng ta đang nhắm vào hai diệu đế cuối cùng, khi mà ta hoàn toàn đoạn trừ tất cả các ám chướng, tạo ra tái sinh và khổ đau xảy ra sau đó. Đồng thời, cũng có sự hiểu biết chính xác về thực tại, và chứng ngộ viên mãn tất cả các phẩm chất tốt đẹp của mình. Đây là Pháp Bảo sâu sắc nhất.

Phải hiểu tánh thanh tịnh cơ bản của dòng tâm thức, là Phật tánh của mình, và tất cả các yếu tố ám chướng đều thoáng qua. Bởi vì chúng chỉ có tính chất tạm thời, nên có thể được đoạn diệt hoàn toàn, mãi mãi. Nếu như ta không tin rằng điều này khả thi, thì sao lại còn muốn thử loại bỏ kinh nghiệm về cái chết, trung ấm và tái sinh? Nếu như không tin chắc rằng Đức Phật và một số Thánh Tăng đã đạt được điều này, thì làm sao có thể hy vọng chính mình sẽ đạt được nó?

Khi hiểu được cách mà chư Phật đã thành tựu giác ngộ viên mãn, và chư Thánh Tăng đang tu tập hướng về giác ngộ viên mãn, thì điều này sẽ tạo nguồn cảm hứng đáng kinh ngạc cho ta, để hướng về cùng một mục tiêu. Chúng ta sẽ đi đến quyết định rằng những gì chư vị đã làm đã tạo ra sự thay đổi, và chọn cách noi theo cùng một phương hướng ấy. Đó là quy y.

Tránh Ác Nghiệp 

Điểm cuối cùng trong phạm vi động lực sơ căn là tránh tạo ác nghiệp, bởi vì nó sẽ đưa đến những tái sinh thấp hơn. Việc xem điều này một cách nghiêm túc sẽ cho mình thêm sức mạnh để giữ giới và các cam kết. Hãy tưởng tượng nếu như mình có thể nhìn thấy những nỗi khổ và tái sinh khủng khiếp mà ác nghiệp sẽ tạo ra, thì sẽ khó mà tạo ra ngay cả ác nghiệp nhỏ nhoi nhất.

Đương nhiên, cũng có những ác nghiệp thô bạo, như giết chóc, trộm cắp và nói dối. Tuy vậy, nghiệp nặng nhất trong số này là tà kiến, khi nghĩ rằng việc tránh ác nghiệp và hành trì Mật tông là ngu xuẩn và lãng phí thời gian. Kiểu suy nghĩ này sẽ khiến ta từ bỏ chính những phương tiện giúp mình tránh khổ.

Tóm Tắt

Nếu như chưa tạo dựng một nền tảng vững chắc trong phạm vi sơ căn của lam-rim, thì hành trì Mật tông sẽ có nguy cơ trở thành nghi thức trống rỗng, và mối quan tâm tu tập của mình cũng dần dần biến mất.

Việc hiểu rằng đời sống này quý giá ra sao, và có thể kết thúc bất cứ lúc nào, sẽ thúc đẩy mình tận dụng nó một cách tối đa. Vào phút lâm chung thì bạn bè, thân thể và sự giàu sang không có ích lợi gì, chỉ có những thói quen tích cực mà mình đã tạo dựng qua việc tu tập Pháp mới giúp ích cho ta. Việc nhận thức được điều này sẽ thôi thúc ta quy y Tam Bảo, và giúp mình hoan hỷ với việc tu tập Pháp.

Top