Dẫn Nhập
Trong phần đầu của loạt bài này, chúng ta đã xem xét động lực ở phạm vi sơ căn, khi nhắm vào việc tránh những tái sinh thấp hơn, và có được tái sinh cao hơn. Đặc biệt là muốn có được tái sinh làm người quý giá, để có thể cải thiện việc tu tập.
Phạm vi trung căn là khi nhắm đến việc đoạn trừ không chỉ những tái sinh tồi tệ hơn, mà còn cả tái sinh bất tự chủ nữa. Mục tiêu của chúng ta là giải thoát.
Cấp độ động lực thượng căn là có mục tiêu thành tựu trạng thái giác ngộ của một vị Phật, khi mà ta có thể tạo lợi lạc cho chúng sinh một cách đầy đủ. Tuy vẫn tiếp tục nỗ lực để cải thiện bản thân từ kiếp này sang kiếp khác, nhưng mối quan tâm hàng đầu của mình là tạo lợi lạc tối đa cho chúng sinh.
Phạm Vi Trung Căn
Diệu Đế Thứ Nhất: Khổ
Điều đầu tiên để xem xét ở đây là tầm quan trọng của việc quán chiếu về nỗi khổ, và những khó khăn mà mình phải đương đầu, ngay cả trong những tái sinh cao hơn, như cõi người và cõi trời. Trong phạm vi trước, mục tiêu của chúng ta là thoát khỏi những nỗi khổ thô trọng, được thấy ở những cõi thấp. Bây giờ thì phải nhận ra cách mà hạnh phúc bình thường của mình chỉ là một hình thức khổ đau khác mà thôi.
Hạnh phúc mà chúng ta trải nghiệm trong đời sống của con người và chư thiên thì không đáng tin cậy và tạm bợ. Nó bất toại nguyện, và không bền lâu, vì ta chẳng bao giờ biết mình sẽ cảm thấy ra sao trong khoảnh khắc kế tiếp. Chúng ta luôn muốn có thêm hạnh phúc, và nếu như mình có được nó thì kinh nghiệm này sẽ trở thành bất hạnh. Nó giống như sô cô la: mình sẽ thấy sung sướng nếu như ăn một chút, nên muốn ăn nhiều hơn và nhiều hơn nữa, cho đến khi cảm thấy đau bụng. Thật không may là hạnh phúc bình thường luôn thay đổi thành khổ đau và bất hạnh.
Trong mỗi nghi quỹ Mật tông có một phần về cúng dường. Ta sẽ quán tưởng việc cúng dường cho người khác, và đem lại cho họ hạnh phúc, hay cúng dường cho chính mình, trong khi ta mang sắc tướng của một vị Phật nào đó, rồi chấp nhận các phẩm vật này và tận hưởng chúng với niềm hoan hỷ. Đây là hạnh phúc không vướng phiền não, phiền não chướng và sở tri chướng, chứ không phải là hạnh phúc thông thường, luôn thay đổi và bất toại nguyện.
Khi nhân tạo khổ được đoạn trừ mãi mãi, thì hạnh phúc mà mình trải nghiệm cũng sẽ kéo dài mãi mãi, và không suy thoái. Nếu như hạnh phúc dựa vào một điều kiện không bền lâu, như có được thức ăn ngon, thì đương nhiên niềm hạnh phúc ấy không thể bền lâu. Nếu như tu tập Mật tông để nhắm vào việc có được hạnh phúc thông thường, thì đó là những gì mình sẽ nhận được: một lối thoát tạm thời và thiển cận đối với nỗi bất hạnh của mình. Ta có thể ngồi thiền và nghĩ rằng mọi thứ đều hoàn hảo, nhưng khi thời thiền kết thúc thì ta lại cảm thấy không vui.
Trong bộ cao nhất của Mật tông thì mình cũng cố tập trung vào Không tướng (tánh Không) với tâm cực lạc, nhưng điều này có nghĩa là gì? Một lần nữa, điều quan trọng không chỉ là xem điều này tương đương với hạnh phúc thông thường, khi có được thức ăn ngon hay được xoa bóp, mà là cực lạc khi hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não và ám chướng. Nó nên là một cảm giác không tham ái, trái ngược hoàn toàn với hạnh phúc thông thường, khi mà ta thường luyến ái mạnh mẽ với đối tượng này hay đối tượng khác.
Đôi khi, người ta có thể nhầm lẫn chư Bổn tôn với “chư thiên siêu phàm”, hay các vị thánh, nên điều quan trọng phải nhớ là các cõi trời cũng phải chịu khổ. Khi chú tâm vào chư Bổn tôn trước mặt mình thì phải nhận ra rằng các vị này đã vượt qua việc trở thành một vị trời. Nhiều nghi quỹ dài có nhiều lời tán thán chư Hộ Phật, và điều này dễ bị nhầm lẫn, nghĩ rằng mục đích của việc này là để chư vị ban cho mình những điều mình mong muốn. Chủ ý của những lời tán thán là để mình nhớ đến những phẩm chất tích cực của chư vị, để truyền cảm hứng cho mình, để ta muốn đạt được quả vị tương tự. Chư Phật có phẩm chất bình đẳng hoàn hảo, nên nếu như mình cởi mở đối với sự giúp đỡ của các ngài, thì ta sẽ nhận được nó, dù có cúng dường hay không.
Diệu Đế Thứ Hai: Phiền Não Và Vô Minh
Một khi đã tư duy về nỗi khổ trong lục đạo luân hồi thì hãy xem xét nhân tạo ra khổ, từ Diệu Đế thứ hai, là phiền não.
Phiền não tạo ra đau khổ, vì chúng khiến cho mình có hành vi tiêu cực, tạo thêm ác nghiệp, rồi dẫn đến tái sinh tồi tệ hơn. Ngược lại, thiện nghiệp từ hành vi tích cực sẽ đem lại tái sinh tốt hơn trong luân hồi.
Chúng ta tạo ác nghiệp vì phiền não, dựa vào tâm vô minh về thực tại và luật nhân quả. Ngay cả khi tạo ra thiện nghiệp trong bối cảnh luân hồi thì ta vẫn không biết cách mình tồn tại như thế nào, và điều này có thể xen lẫn với phiền não, hay không xen lẫn với phiền não. Vào phút lâm chung thì tâm vô minh sẽ kích hoạt thiện nghiệp lực hay ác nghiệp, dẫn đến tái sinh trong luân hồi. Ở mức độ này thì phải quán chiếu về những bất lợi của phiền não, và tâm vô minh tiềm ẩn đàng sau phiền não.
Trước khi tu tập Mật tông thì điều rất quan trọng là làm cho mãnh lực phiền não của mình suy yếu đi. Điều này không có ý nói rằng mình đã hoàn toàn thoát khỏi sân hận hay tham ái, mà đã cải thiện những cảm xúc này một phần nào đó. Tuy sẽ sử dụng những phiền não như dục vọng, sân hận, si mê, tự hào như một phần của đường tu, nhưng nếu như chưa có tiến triển với việc khắc phục chúng, thì mình sẽ có nguy cơ bị chúng lôi cuốn, bị rối loạn cảm xúc, hành xử một cách tiêu cực, và tạo ra nhiều ác nghiệp hơn nữa.
Một ví dụ là dục vọng. Có rất nhiều hình ảnh Mật tông có vẻ mang bản chất tình dục, và ta thường quán mình là một đôi hợp nhất trong khi hành trì. Ở đây, cặp hành giả này không đại diện cho một nam và nữ bình thường. Thay vì vậy, đó là hình ảnh của phụ mẫu: người mẹ đại diện cho chứng ngộ về tánh Không, trong khi người cha đại diện cho phương tiện. Sự hợp nhất của mẹ (trí tuệ) và cha (phương tiện) sinh ra đứa bé, đại diện cho Phật quả. Các kinh sách Mật tông nói rằng nên sử dụng dục vọng để đoạn trừ dục vọng. Vì vậy, nếu như không có nguy cơ bị lôi cuốn vì dục vọng, thì ta có thể sử dụng nó để làm cho tâm cực lạc phát sinh, và khi kết hợp với chứng ngộ về tánh Không thì điều này sẽ hoàn toàn đoạn diệt mọi dục vụng. Đó là điều tinh tế, thậm chí nếu chỉ có một chút tâm luyến ái, xem kinh nghiệm ấy là vững chắc, thì sẽ ngăn chận bất kỳ cơ hội nào để chứng ngộ tánh Không.
Một ví dụ khác là sân hận. Trong nhiều pháp tu Mật tông, ta sẽ quán tưởng mình là một nhân vật mạnh mẽ, khi mà ta sử dụng tâm sân của chính mình như vũ khí để tiêu diệt thái độ tiêu cực của mình. Điều này đặc biệt hữu ích đối với việc khắc phục thái độ quá mềm yếu đối với bản thân, hay nghĩ rằng mình không thể đạt giác ngộ. Một lần nữa, nếu như chưa có nhiều tiến triển đối với việc khắc phục tâm sân trước khi bắt đầu những pháp tu này, thì ta sẽ tự làm khổ bản thân, và rất thiếu kiên nhẫn đối với phiền não của người khác.
Diệu Đế Thứ Ba: Tâm Xả Ly
Một khi đã hiểu về khổ và nhân tạo khổ, thì phải thấy mình có thể đạt được chân diệt của cả hai. Nếu như hiểu được điều này, thì ta sẽ có tâm xả ly, lòng quyết tâm thoát khổ, dựa vào tự tin rằng đó là điều khả dĩ. Nếu như không có yếu tố này, thì tất cả sẽ trở thành mơ ước viễn vông.
Còn phải quyết tâm từ bỏ hiện tướng tầm thường, khi mà mình thấy các pháp như những đối tượng độc lập, như thể chúng được bọc bằng nhựa, cách biệt với những pháp khác. Tâm ta liên hệ với những hiện tướng này một cách mê lầm, cho rằng chúng thật sự tồn tại theo cách chúng hiện ra đối với mình. Ta sẽ cảm thấy bị lôi cuốn vì một số đối tượng, có ác cảm với những đối tượng khác, và vô cảm đối với những đối tượng còn lại. Việc muốn thoát khỏi cách nhận thức thế giới theo cách bình thường của mình là điều cực kỳ khó khăn, nhưng bám chấp vào những hiện tướng này sẽ khiến cho mình đau khổ, và phải phát tâm để thoát khỏi điều này.
We should be careful not to go to the extreme of thinking that because the ordinary way in which our minds make objects appear is deceptive, nothing exists at all. This type of nihilism is dangerous because it could cause us to ignore those who suffer, thinking that they’re not real at all.
Nên cẩn thận, để không có tư tưởng cực đoan là không có điều gì tồn tại, vì tâm thức khiến cho các pháp xuất hiện một cách lừa đảo. Loại đoạn kiến này rất nguy hiểm, vì có thể khiến ta bỏ mặt những người đang đau khổ, nghĩ rằng họ không có thật.
Diệu Đế Thứ Tư: Tam Vô Lậu Học
Khi đã có tâm xả ly làm động lực, thì ta sẽ tu tập tam vô lậu học:
- Giới, là điều mà khi nó như không có mặt, thì không thể duy trì việc tu hành.
- Định, là điều mà khi nó không có mặt, thì không thể tu tập các pháp quán tưởng phức tạp.
- Tuệ, để thấu hiểu sự khác biệt giữa thực tại và ảo tưởng.
Giới khởi đầu bằng việc cố gắng xem xét hành vi, lời nói, rồi đến tâm thức của mình. Định đề cập đến tâm thức không tán loạn, trạo cử, hôn trầm và vân vân – điều mà ta có thể phát triển bằng hành trì Mật tông, nhưng nếu như thiếu định tâm thì sẽ khó tu tập vào lúc đầu. Lý tưởng nhất là mình đã có định tâm hoàn hảo, gọi là “shamatha”, có thể được duy trì trong bốn tiếng đồng hồ liên tục, mà không bị gián đoạn hay suy giảm.
Ở giai đoạn phát khởi, khi tu tập với trí tưởng tượng, thì phải chú tâm vào số lượng chi tiết to lớn, vì mình phải có khả năng quán tưởng tất cả các Bổn tôn và đặc điểm của toàn bộ mạn đà la như kích thước của vũ trụ, và tất cả những điều này nằm trong một giọt nhỏ ở chóp mũi của mình, hoàn hảo trong bốn tiếng đồng hồ. Khi đã tinh thông với việc này thì ta có thể bắt đầu thực hành giai đoạn viên mãn, tu tập với hệ thống năng lượng vi tế của mình. Nếu như không thể quán tưởng các chi tiết riêng biệt của mỗi một thành phần trong mạn đà la một cách chính xác thì việc muốn điều khiển các luồng khí và năng lượng trong các kinh mạch là điều vô vọng. Nếu như cố kiểm soát năng lượng mà không có định tâm như tia laser thì ta có thể làm cho chúng rối loạn, và khiến cho hệ thống thần kinh và tâm trí bị tổn hại trầm trọng. Điều quan trọng là phải tôn trọng điều này, và không cho rằng đó là điều mà ai cũng có thể tự làm được.
Trí tuệ là điều cần thiết, để có thể thấy đâu là thực tại, đâu là ảo tưởng. Nếu như không có chứng ngộ về tánh Không thì sẽ có nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt hoàn toàn, và tự xem mình là Hộ Phật một cách vững chắc. Đây là nhân của việc tái sinh thành ma quỷ, trong sắc tướng của vị Hộ Phật.
Phạm Vi Thượng Căn: Tâm Bình Đẳng, Lòng Từ Và Bồ Đề Tâm
Ở cấp độ thượng căn thì trước tiên, phải phát tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh. Đây là một điểm rất quan trọng, bởi vì trong các nghi quỹ (sadhanas), khi mình quán tưởng ánh sáng tỏa ra để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, có nghĩa là mỗi một chúng sinh, không loại trừ một ai. Giống như mặt trời có những tia sáng chiếu sáng khắp nơi mà không thiên vị.
Trên cơ sở của tâm bình đẳng thì ta sẽ phát lòng từ, ước muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc và có nhân hạnh phúc; và lòng bi, mong muốn tất cả chúng sinh đều thoát khổ và nhân tạo khổ. Hãy quán ánh sáng tỏa ra, diệt trừ nỗi khổ và đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Đó là một pháp tu vô cùng sâu sắc, khi mà việc phát tỏa ra tia sáng đại diện cho năng lượng mà mình đang tạo lợi lạc cho chúng sinh, và việc các tia sáng quay trở lại thân mình đại diện cho sự hòa tan của năng lượng khí đi vào kinh mạch trung ương. Nhưng nếu như không có tâm từ bi đi kèm mà chỉ quán tưởng ánh sáng tỏa ra từ thân mình và hòa tan trở lại trong thân thì không có ích lợi gì.
Cuối cùng thì ta sẽ phát tâm bồ đề, nhắm vào thành tựu giác ngộ cho tự thân, để làm lợi lạc cho vô lượng chúng sinh, càng nhiều càng tốt. Tuy chưa giác ngộ, nhưng pháp tu Mật tông sẽ giúp ta tự quán tưởng mình là một vị Bổn tôn, tượng trưng cho tâm giác ngộ mà mình đang hướng đến. Nếu không thì việc tự quán tưởng mình trong sắc tướng như vậy sẽ có ích lợi gì? Nhưng một khi đã tu tập với những pháp quán tưởng như vậy, rồi nhờ cách tu tập thêm với hệ thống năng lượng vi tế và tâm vi tế nhất thì cuối cùng, ta có thể phát khởi sắc tướng của một vị Phật giác ngộ.
Tóm Tắt
Để tu tập Mật tông một cách hiệu quả thì phải có nền tảng của ba giai đoạn động lực như đã được mô tả trong loạt bài này, gồm có hai phần. Ở phạm vi sơ căn, ta sẽ nương tựa vào một đạo sư, người khiến ta xúc động, và xem trọng kiếp người quý báu một cách sâu sắc, là nền tảng để tu tập Mật tông. Sự hiểu biết về cái chết và vô thường là cơ sở cho quá trình về cái chết, trung ấm và tái sinh trong hành trì Mật tông, và thúc đẩy ta sử dụng cơ hội mà mình đang hiện có.
Phạm vi trung căn, khi mà mình muốn hoàn toàn từ bỏ luân hồi, và theo đuổi hạnh phúc thanh tịnh, được hỗ trợ bằng sự lãnh hội sâu sắc hơn về Tứ Diệu Đế. Ở giai đoạn này, mình cũng học cách làm cho phiền não suy yếu đi, sử dụng chúng để củng cố hành trì Mật tông, và từ bỏ nhận thức thông thường. Với tâm xả ly thì mình sẽ tu tập tam vô lậu học giới, định và tuệ. Chúng ta có thể chú tâm vào thực tại về những điều mình đang quán tưởng trong thời thiền, và không bị mê lầm.
Cuối cùng, ở phạm vi thượng căn thì ta sẽ phát tâm bình đẳng cho tất cả chúng sinh. Thứ hai là phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh, để họ được hạnh phúc và hết khổ. Thứ ba là phát bồ đề tâm hướng về mục tiêu giác ngộ, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Chúng ta sẽ sử dụng tất cả những điều này trong pháp quán tưởng, và quán rằng giờ đây, là một vị Phật, ta sẽ mở rộng lòng thương yêu quan tâm đến tất cả chúng sinh một cách bình đẳng.