Tu Tập Thêm Bồ Đề Tâm Hành

Năm Pháp Tu Từ Việc Phát Bồ Đề Tâm Hành

Bản văn tiếp tục như sau:

(8) Nhưng nếu phát bồ đề tâm mà không giữ ba loại giới, thì không thành chánh quả. Nhận thức rõ điều này, xin hộ trì cho con hết lòng tu tập bồ tát giới.  

Khi có ước muốn hay ước nguyện đạt được giác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh thì điều này được gọi là “bồ đề tâm nguyện”. Khi nguyện rằng mình sẽ không bao giờ buông bỏ ước nguyện ấy, thì có năm điểm để tu tập.

Điều đầu tiên là quán chiếu nhiều lần về lợi lạc của việc dấn thân vì tha nhân, và để đạt được giác ngộ vì lợi ích của họ. Ngay cả lợi ích của việc dấn thân chỉ một sát na như thế này được xem là to lớn hơn nhiều, so với công đức cúng dường cả thế giới đầy châu báu cho toàn thể chư Phật trong mười phương. Tất cả những lợi lạc của việc dấn thân vì tha nhân và giác ngộ đã được mô tả trong Kinh điển.

Tiếp theo thì mình sẽ phát tâm dấn thân vì tha nhân và giác ngộ ba lần mỗi ngày và ba lần mỗi đêm. Nếu như mình trì tụng bốn câu này: “Xin quy y Phật, Pháp, Tăng, cho đến ngày giác ngộ. Nhờ hành trì hạnh thí, và các hạnh hoàn hảo khác, Nguyện thành tựu Phật quả để phỗ độ chúng sinh.”, thì vậy là đủ.

Thêm vào đó, chúng ta sẽ tu tập để “tích lũy công đức”, bằng cách cúng dường Tam Bảo, tham gia vào hoạt động từ thiện cho người nghèo, v.v... Từ một khía cạnh khác của điểm này thì mình cũng phải “tích lũy trí tuệ”, bằng cách quán chiếu nhiều lần về chánh kiến về thực tại.

Điểm kế tiếp để tu tập là hứa nguyện sẽ không bao giờ từ bỏ bất cứ chúng sinh nào.  Đừng bao giờ nói rằng bất cứ người nào hay chúng sinh nào là quá sức chịu đựng của mình, hay mình không thể làm việc vì lợi lạc của họ. Đó là điểm tiếp theo: không bao giờ từ bỏ bất cứ ai.

Sau đó, điểm tiếp theo là từ bỏ bốn ác hạnh và nương tựa vào bốn thiện hạnh. Điều đầu tiên trong bốn ác hạnh là lừa dối, đánh lừa hay lường gạt đạo sư hay cha mẹ của mình, ngay cả khi chỉ làm điều đó như một trò đùa. Thay vì vậy thì phải thực hành  thiện hạnh, luôn luôn trung thực với họ, đặc biệt là đối với việc giúp đỡ tha nhân và động lực của mình.

Ác hạnh thứ hai là nói những điều xấu xa, khắc nghiệt hay tức giận với một vị Bồ tát. Vì không thể biết ai thật sự là Bồ tát, nên đừng bao giờ nói nặng lời với bất cứ ai. Thiện hạnh là điều trái ngược với điều đó, là cố gắng nhìn mọi người qua hiện tướng thanh tịnh, và xem họ như thầy.

Loại ác hạnh tiếp theo là khiến cho người nào hối hận về những điều thiện hảo mà họ đã làm. Thiện hạnh đối ngược với điều đó là, nếu như gặp người mà mình có thể giúp đỡ hay điều phục, thì hãy khuyến tấn và dạy họ theo cách của tâm Đại thừa quảng đại.

Ác hạnh thứ tư là có ẩn ý với những chúng sinh khác. Nói cách khác là thay vì có một quyết tâm phi thường đối với họ, thì lại hành động một cách giả dối, có đạo đức giả, phô trương và khoe khoang là có thể giúp đỡ họ, trong khi không có khả năng làm điều đó. Thiện hạnh trái ngược lại là luôn trung thực với người khác, và thừa nhận giới hạn của mình.

Bồ Đề Tâm Tâm Hành

Một khi đã thật sự phát bồ đề tâm nguyện, thì phải cố gắng đi đến giai đoạn tiếp theo, đó là phát bồ đề tâm hành. Đó không chỉ là đơn thuần ước muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh và đạt giác ngộ, để có thể thực hiện điều đó, và cam kết không bao giờ bỏ cuộc với những mục tiêu đó, mà còn thật sự dấn thân vào các pháp tu sẽ đưa mình đến trạng thái ấy, và thật sự giúp đỡ tha nhân. Điều này liên quan đến việc tu tập để có lục độ ba la mật (sáu hạnh hoàn hảo) – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ - và cũng để tu tập bốn cách tụ họp người khác bằng ảnh hưởng tích cực như rộng lượng, nói năng êm ái, khuyến tấn về các điểm trong giáo pháp, và dùng bản thân mình để nêu gương, bằng cách hành động phù hợp với những điểm này.

Không chỉ vậy, mà còn cần phải tu tập trong ba loại giới. Đầu tiên là giới luật làm việc vì lợi ích của tha nhân. Hãy cố làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ người khác. Tiếp theo là giới luật kềm chế tất cả các hành vi sai lầm. Đây là việc giữ những giới nguyện mà mình đã thọ nhận. Thứ ba là giới luật mà mình cố gắng tu tập, làm tất cả những việc tích cực và có tính xây dựng mà mình có thể làm, chẳng hạn như tu học và hành thiền. Đây là ba loại giới luật.

Khi nhìn vào ý nghĩa của các âm tiết của chữ Bồ tát trong tiếng Tây Tạng, là chang-chub-sem-pa - theo nghĩa đen là “bậc có tâm thức tịnh hóa tăng trưởng” - mỗi một trong số ba âm tiết chính cho thấy một trong ba loại giới luật này. “Tịnh hóa” chỉ việc trì giới về việc kềm chế mọi hành vi sai lầm. “Tăng trưởng” chỉ giới luật làm tất cả những điều có tính xây dựng; trong khi “bậc có tâm thức” nói về giới luật giúp đỡ chúng sinh. Như vậy thì cả ba có thể được hiểu từ các âm tiết của chữ bồ tát trong tiếng Tây Tạng.

Khi thật sự phát bồ đề tâm hành thì điều này đòi hỏi việc thọ bồ tát giới. Có mười tám giới trọng để tránh mười tám hành vi tạo ra việc phạm trọng giới, và bốn mươi sáu giới khinh để tránh bốn mươi sáu loại hành vi sai lầm. Bốn mươi sáu được chia theo tôn chỉ để tu tập lục độ ba la mật. Chủ đề của giới nguyện này được bàn luận trong chương nói về giới luật trong tác phẩm Bồ Tát Địa (Bodhisattvabhumi; Byang-chub sems-dpa'i sa, Bodhisattva Stages of Mind) của Vô Trước (Asangha). Đây là điều mà quý vị có thể học hỏi với thầy của mình, các Geshes uyên bác ở đây, vì đề tài này quá rộng để đi vào chi tiết trong lúc này.

Nói tóm lại thì nếu như chỉ phát bồ đề tâm nguyện, ước mong có thể giúp đỡ chúng sinh và đạt giác ngộ thì không đủ, mà còn phải dấn thân vào các hành trì, để giúp ta đạt được những mục tiêu này. Cách để thực hiện điều này là cống hiến hết mình để tu tập ba loại giới, và đặc biệt là lục độ ba la mật. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Lục độ ba la mật (sáu hạnh hoàn hảo) là pháp tu cần thiết để rèn luyện bản thân, và đó là bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, và trí tuệ ba la mật. Điều đặc biệt cần thiết là tu tập hai ba la mật cuối cùng, thiền định ba la mật và trí tuệ ba la mật. Điều này được thực hiện bằng cách cố gắng phát triển định (shamatha, tâm tĩnh trụ) và tuệ (vipashyana, tuệ giác đặc biệt), nhờ đó mà ta sẽ thấy rõ và hiểu rằng không có cái gì là bản sắc chân thật đối với bất cứ pháp nào. Cụ thể là mình phải cố phát triển một đường tu kết hợp cả hai - một tâm thức chú trọng vào tánh Không, và là cả hai yếu tố định và tuệ. Đây là những điều được bàn luận ở đây trong vần kệ tiếp theo:

(9) Khi tâm không còn chạy theo những đối tượng sai lầm, và phân tích ý nghĩa thực tại một cách đúng đắn (về tánh Không), xin hộ trì cho con mau chóng khai mở đường tu định tuệ hợp nhất trong dòng tâm thức.

Tâm Tĩnh Trụ Của Shamatha

Để phát triển tâm tĩnh trụ của shamatha thì phải tu tập chín tầng thiền định. Để làm điều này thì phải dựa vào sáu lực và bốn sự chú tâm v.v... Đây là những điểm và chi tiết mà mình phải nghiên cứu.

Để có thể thật sự giúp đỡ chúng sinh một cách tốt nhất thì phải có thần thông. Khi có những loại thần thông khác nhau thì mình mới có thể giúp đỡ chúng sinh một cách hữu hiệu nhất. Nếu muốn phát triển những loại thần thông này thì phải thành tựu tâm tĩnh trụ, bởi vì chúng xuất phát từ thành tựu tuyệt vời này. Để phát triển trạng thái tĩnh trụ này thì phải tập họp tất cả những nhân duyên thuận lợi nhất để phát triển nó. Một khi đã tập họp tất cả những nhân duyên này, thì có thể đạt được định tâm này trong vòng sáu tháng.

Nếu chỉ có định và tuệ thôi thì chưa đủ. Đó là bởi vì tâm thái này có thể được hướng vào bất cứ đối tượng nào. Cần phải phát triển một tâm trạng kết hợp cả hai, tập trung vào chánh kiến chứng ngộ tánh Không. Với một tâm trạng như vậy thì mình sẽ có trí tuệ đúng đắn về thực tại, rằng không có cái gì là bản ngã chân thật - nói cách khác là một sự lãnh hội đúng đắn về Không tướng (tánh Không), hoàn toàn không có những cách tồn tại bất khả dĩ.

Tánh Vô Ngã

Tất cả đều vô ngã. Điều này bao gồm cả hữu tình và tất cả các pháp. Vì vậy nên nói chung thì có những khai thị về nhân vô ngã và pháp vô ngã.

Thông thường thì mình chấp vào bản ngã chân thật tự động phát sinh. Điều này là một tri kiến sai lầm về thực tại. Cụ thể hơn là nó hiểu lầm rằng điều gì tồn tại, khi mà nó chưa bao giờ tồn tại. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là xác định đối tượng của tri kiến sai lầm đó – điều mà nó đang hiểu sai, điều mà nó tưởng tượng là có tồn tại - và nhận ra đó chính là đối tượng phải được bác bỏ. Một đối tượng bất khả dĩ như vậy không hề tồn tại.

Có hai loại đối tượng liên quan đến tâm bám chấp vào bản sắc chân thật của “bản ngã” của mình, hay “tôi”, và điều quan trọng là phải phân biệt chúng một cách rõ rệt. Có đối tượng mà ý thức nhắm vào, và đối tượng hiện ra với ý thức ấy. Đối tượng mà ý thức nhắm vào là cái “tôi” thật sự tồn tại – cái “tôi” quy ước và ngũ uẩn mà “tôi” được dán nhãn lên đó. Tuy nhiên, điều hiện ra là sự xuất hiện của một bản sắc chân thật của cái “tôi” như vậy. Trên thực tế thì điều hiện ra không hề tồn tại. Đó là điều phải được phủ định - một bản sắc thật sự của “bản ngã” của mình, hoặc “tôi”.

Mặc dù các uẩn không tồn tại từ phía chúng, nhưng ta vẫn chấp như thể chúng tồn tại theo cách này. Ví dụ, nếu như mình đang đi trên một con đường khi trời sẫm tối, và có một sợi dây sọc nằm trên mặt đất, thì nó có thể nhìn giống con rắn, trong khi trên thực tế thì không có con rắn nào cả. Nó không phải là con rắn, nhưng nó hiện ra như là một con rắn. Trên cơ sở của sự xuất hiện đó mà mình mới sợ hãi. Từ phía của sợi dây sọc thì không có con rắn, nó không tồn tại như một con rắn. Vì vậy, hiện tướng sai lầm hay khái niệm sai lầm là có một con rắn ở đó là điều phải được phủ định. Cũng giống như vậy, khi mình tưởng tượng có một cái “tôi” với một danh tính thật sự tồn tại, và được thiết lập từ phía các uẩn của mình – thì cái “tôi” đó cũng là đối tượng phải được phủ định.

Khi muốn nói vắn tắt về tất cả các uẩn thì có thể tóm tắt chúng thành thân và tâm. Chẳng hạn như ta có thể tưởng tượng thân mình là “tôi”, thân ta là “bản ngã” của ta. Tuy nhiên, nếu như thân là “tôi”, thì khi thân không còn tồn tại, thì “tôi” cũng không còn tồn tại nữa. Rồi suy ra là “tôi” sẽ không tái sinh; sẽ không có cái gì là “tôi” được tái sinh trong một cõi trời như một vị trời, hay bất cứ điều gì tương tự. Tất cả những điều đó sẽ không xảy ra.

Nhưng, thay vào đó, nếu như “tôi” là tâm thức, thì bởi vì tôi ngồi, tôi đi và làm nhiều việc khác nhau, thì không thể nói là, “Tâm ăn và đi bộ”. Vậy thì nếu như “tôi” đơn thuần là tâm thì cũng sẽ vô lý. Hơn nữa, bởi vì chúng ta có câu “tâm của tôi”, nên điều này ám chỉ rằng “tôi” và “tâm” khác nhau. Chúng không thể giống nhau, giống như khi tôi nói “quần áo của tôi”, có nghĩa là có hai thứ, “tôi” và “quần áo”.

Nếu như “tôi” là cả thân lẫn tâm, thì “tôi” phải là hai thứ. Nếu như “tôi” là một tập hợp của thân và tâm gộp chung lại với nhau, thì một vấn đề khác lại phát sinh. Tập hợp của thân tâm chỉ là nền tảng cho sự định danh “tôi”, trong khi “tôi” tự nó chỉ là cái mà từ ngữ hay nhãn hiệu “tôi” nói đến, khi nó được dán nhãn trên nền tảng định danh ấy. Nếu như điều mà nhãn hiệu đề cập đến - cụ thể là “tôi” thật sự tồn tại - và nền tảng để dán nhãn cái “tôi” ấy lên đều giống hệt nhau, thì sẽ có nhiều sai lầm. Cái mà nhãn hiệu “tôi” đề cập đến không thể giống như nền tảng nhận lấy cái nhãn hiệu đó.

Nếu như phân tích như vậy thì ta có thể kết luận, “Tôi không hề tồn tại!”, rồi rất sợ hãi. Nhưng nếu như nói, “Tôi không hề tồn tại” thì không được. Đó là vì đối tượng mà ý thức của mình nhắm vào, khi ta nghĩ về bản thân – cái “tôi” trong “tôi đang đi bộ” và “tôi đang ăn” chắc chắn có tồn tại, không có thắc mắc gì về điều đó. “Tôi” tồn tại như thế nào? Nó chỉ đơn thuần trên cơ sở của một tập hợp gồm thân và tâm mà mình mới có thể nói về “tôi”. “Tôi” chỉ đơn thuần là một từ ngữ hay nhãn hiệu mà “tôi” đề cập đến, khi nó được dán nhãn vào nền tảng định danh: cụ thể là thân và tâm phối hợp với nhau.

Cần phải thiền quán và tạo dựng tập khí tích cực, để thấy cả hai chân lý tương đối về các pháp (chân lý thiển cận, ẩn giấu điều gì sâu sắc hơn), cũng như chân lý tuyệt đối phải được liễu ngộ (chân lý tối hậu). Cần phải thấy rằng hai chân lý về vạn pháp – tương đối và tuyệt đối - không mâu thuẫn, hay tác hại lẫn nhau. Tương tự như vậy, chúng ta phải hiểu tri kiến trung đạo, để không rơi vào hai biên kiến của thường và đoạn. Nói cách khác là phải có chánh kiến về tánh Không. Đây là những điều mà dòng cuối cùng của vần kệ đề cập đến, “phân tích ý nghĩa thực tại một cách đúng đắn về (tánh Không).” 

Đây là tu tập trong hai ba la mật cuối cùng, trong số lục độ ba la mật: định và tuệ. Điều quan trọng là phát triển tất cả những điểm này. Chủ đề này, đặc biệt là chánh kiến về tánh Không, được bàn luận một cách sâu xa trong chương về tuệ giác đặc biệt, trong tác phẩm Lam-rim chen-mo của Tông Khách Ba. Trong đó, chúng ta có thể thấy điều này được giải thích rộng rãi trong phần có tựa đề riêng là, Đại Luận Tuệ Giác Đặc Biệt (Exceptionally Perceptive State of Mind, Lhag-mthong chen-mo). Thật ra, nếu như nghiên cứu bốn tác phẩm sau đây của Tông Khách Ba thì ta sẽ hiểu rất rõ về chánh kiến về thực tại:

  • Đại Luận Tuệ Giác Đặc Biệt
  • Đại Luận Trung Quán 'Trí Bát Nhã' (rTsa-shes tik-chen)
  • Minh Giải Tư Tưởng (về Phụ Lục Trung Quán Luận của Nguyệt Xứng) (dBu-ma dgongs-pa rab-gsal)
  • Giảng Giải Trọng Yếu Về Ý Nghĩa Diễn Dịch Và Tối Hậu (Drang-nges legs-bshad snying-po)

Nhờ nghiên cứu bốn tác phẩm này mà ta có thể lãnh hội chánh kiến về tánh Không hay thực tại, mà không có sự lầm lẫn nào.

Thể Nhập Mật Tông

Phải tu tập để phát triển những đường tu chung với hành giả ở cấp độ động lực sơ căn và trung căn, rồi cũng phát triển luôn đường tu là những điểm chính ở đây. Đây là đường tu của một hành giả của phạm vi thượng căn - chủ yếu là bồ đề tâm và trí tuệ chứng ngộ tánh Không, rồi đến cả hai kết hợp thành một cặp. Đương nhiên, dù điều tốt nhất để thực hiện là phát triển những đường tu này trong dòng tâm thức, nhưng ngay cả khi không thể làm điều đó thì ít nhất là có sự hiểu biết tổng quát về những điều mà những đường tu này đòi hỏi.

Một khi đã hoàn thành điều này thì tâm ta sẽ được chuẩn bị một cách đúng đắn để thể nhập pháp tu Mật tông, các pháp tu ẩn mật để hộ trì tâm thức. Lối vào thông qua việc nhận lễ quán đảnh (một sự khởi đầu) từ một vị đạo sư hội đủ điều kiện. Không có lễ quán đảnh thì không có cách nào để thể nhập các pháp tu này, để hộ trì tâm thức. Điều này được đề cập ở đây, trong vần kệ tiếp theo của bản văn:

(10) Khi đã trở thành pháp khí thanh tịnh bằng cách tu tập theo đường tu chung, xin hộ trì cho con để bước vào cánh cửa thánh thiện Kim Cang thừa tối thượng của những chúng sinh may mắn.

Giữ Mật Giới

Một khi đã chuẩn bị với pháp tu sơ khởi đúng đắn, và đã thể nhập Mật tông, qua việc nhận lễ quán đảnh đúng đắn từ một đạo sư hội đủ điều kiện, thì ta sẽ được dạy trong lễ quán đảnh rằng điều quan trọng nhất là giữ gìn Mật giới - những giới nguyện của những  pháp tu ẩn mật. Chúng gồm có mười bốn giới trọng, để tránh vi phạm mười bốn điều, và tám giới khinh, để tránh tám hành vi sai lầm.

Phải duy trì và giữ gìn những giới nguyện này và tam muội da giới (dam-tshig, Phạn ngữ: samaya) một cách thanh tịnh, nếu không thì không có cách nào để đạt được hai loại quả vị thành tựu (siddhi), nhờ các pháp tu Mật tông ẩn mật này. Có tám thành tựu thông thường, và thành tựu tối thượng của giác ngộ. Vì vậy, để đạt được những thành tựu này thì việc giữ giới và tam muội da giới là điều vô cùng thiết yếu.

Điều đó đã được giải thích trong vần kệ tiếp theo:

(11) Lúc bấy giờ, nền tảng hoàn thành hai thành tựu, là giữ gìn giới luật và tam mui da gii thanh tịnh. Khi con đã vững tin vào những điều này, xin hộ trì cho con bảo vệ giới nguyện và cam kết, như bảo vệ mạng sống của mình.

Hai Giai Đoạn Của Hành Trì Mật Tông

Mỗi trong bốn bộ Mật điển hành trì pháp tu Hộ Phật có hai giai đoạn tu tập. Ba bộ Mật điển thấp hơn có các giai đoạn thực hành hữu tướng và vô tướng. Bộ Mật điển cao nhất, tức Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga), có giai đoạn phát khởi và giai đoạn viên mãn. Đối với mỗi bộ Mật điển thì điều quan trọng là phải tiến tu qua hai giai đoạn này, theo đúng thứ tự của chúng, tuân theo mọi quy trình thực tế của bộ Mật điển đó, để đạt được kết quả. Điều này được đề cập trong vần kệ tiếp theo:

(12) Rồi khi đã nhận thức tầm quan trọng của hai giai đoạn, tinh túy của Kim Cang thừa, bằng cách hành trì tinh chuyên, không từ bỏ bốn thời công phu, xin hộ trì cho con thực chứng giáo huấn của bổn sư thánh thiện.

Thỉnh Cầu Cuối Cùng Và Hồi Hướng

Sau đó, hãy thỉnh cầu lực gia trì, và cầu nguyện để toàn thể chư đạo sư đã nêu ra đường tu cao cả, cũng như tất cả các bạn đạo, những người giúp ta tu tập, sẽ có thọ mạng lâu dài và vững chãi. Tương tự như vậy, hãy cầu nguyện cho chướng ngại trong ngoài đều được an định. Chướng ngại bên ngoài phát sinh từ bệnh tật và bạn bè mê muội, trong khi chướng ngại bên trong bắt nguồn từ phiền não của mình. Điều này được đề cập ở đây trong vần kệ:

(13) Nguyện cho chư bổn sư chỉ dẫn đường tu cao quý, cùng các thiện tri thức tu tập theo đường tu ấy luôn trường thọ, xin hộ trì cho con điều phục hoàn toàn mọi chướng ngại trong ngoài.

Bản văn kết luận với lời hồi hướng. Xin hồi hướng mọi công đức tích tập được nhờ điều này, để không bao giờ rời xa chư bổn sư thanh tịnh và hoàn hảo trong mọi kiếp sống. Cũng xin hồi hướng công đức, để có thể sử dụng các giáo pháp và hành trì hoàn hảo một cách đúng đắn, để đạt được mọi phẩm chất tốt đẹp của tâm thức ở những mức độ khác nhau, và nhanh chóng đạt được quả vị giác ngộ của Kim Cang Trì (Vajradhara), Bậc Nắm Giữ Các Pháp Mạnh Mẽ Như Kim Cương – sắc tướng mà Đức Phật đã hiển lộ trong Mật điển. Vần kệ viết rằng:

(14) Cho con không xa lìa chư bn sư hoàn ho, trong mi kiếp v sau, nguyn luôn vui hưng giáo pháp vinh quang. Nh thành tu phm cht ca các giai đon và đưng tu, nguyn cho con chóng thành tu qu v Kim Cang Trì.

Đọc và nghe bản chánh văn “Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp” của Tông Khách Ba.

Top