Không Có Bản Sắc Của “Tôi” Thường Hằng Từ Kiếp Này Sang Kiếp Khác
Dựa trên việc xem xét các điểm đã được phân tích trước đó và nhiều điểm khác có thể được bàn luận hơn, ta sẽ dần dần chấp nhận rằng mình đã có những tiền kiếp vô thỉ, và cũng sẽ có những kiếp vị lai vô chung. Dòng tâm thức của chúng ta không có sự khởi đầu và không có sự kết thúc. Do đó, để đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong ba mục tiêu lam-rim, đó là tái sinh tốt hơn; giải thoát khỏi luân hồi; và giác ngộ, thì mình phải đạt được chúng bằng cách tu tập liên tục trong dòng tâm thức, để đoạn trừ mãi mãi khía cạnh mê lầm trong Tứ Diệu Đế, và trưởng dưỡng khía cạnh tịnh hóa, ngay cả khi điều này cần một quãng thời gian thật dài và vô lượng tái sinh.
Ở mức độ thô thiển thì dĩ nhiên là dạng sắc tướng, đời sống, và loại khả năng tâm hành mà mình thể hiện sẽ khác nhau trong mỗi một tái sinh. Ví dụ như là một con trùng thì rõ ràng là tâm hành của mình sẽ không mạnh bằng hoạt động và khả năng của bộ não con người. Những loại thói quen liên quan đến những dạng sắc tướng khác nhau, chẳng hạn như mình sẽ vẫy đuôi hay làm một điều gì khác khi vui vẻ, tất cả những điều này đều chịu sự ảnh hưởng của nghiệp. Nói cách khác là nó chịu sự ảnh hưởng của những loại hành vi mà mình đã tham gia, và chủng tử nghiệp để lại sau những hành động đó. Do đó mà không có bản sắc thường hằng của “tôi”.
Bản sắc trong trường hợp này là nhận diện với một kiếp cụ thể nào của mình. Điều này khác với cá tính. Chúng ta luôn duy trì cá tính của mình, bất kể mình có sắc tướng nào: Tôi không thể trở thành bạn. Nhưng không có danh tính thường hằng là một người Mễ Tây Cơ, Đức, con người, con gà, nam, nữ, hay bất cứ điều gì. Do đó, mình có thể trải qua tái sinh dưới bất kỳ sắc tướng nào; tất cả phụ thuộc vào cách mình hành động. Tuy nhiên, tâm hành cá nhân chủ quan của mình sẽ tiếp tục.
Quý Trọng Kiếp Người Quý Báu
Hiện tại thì mình được tái sinh trong kiếp người quý báu này. Chúng ta không bị chết đói. Hầu hết chúng ta không bị khuyết tật nặng nề. Chúng ta không ở trong hoàn cảnh mà Phật pháp không có mặt, hoặc ở nơi mà giáo pháp bị ngăn cấm, hay chống lại luật pháp. Ở phạm vi sơ căn thì có những bài thiền quán về kiếp người quý báu, và điều này chỉ có ý nghĩa, nếu mình nghĩ rằng có những khả năng to lớn khác đối với những gì mình có thể đã trở thành, hoặc đã trải qua trong kiếp này. Với tất cả các loại nghiệp lực mà mình có thì như một trong những vị thầy của tôi, Geshe Ngawang Dhargyey thường nói, tốt nhất là nên nghĩ mình đang có một kỳ nghỉ phép ngắn ngủi, cách xa những cõi thấp hơn, và nghĩ rằng thời gian nghỉ phép sắp kết thúc. Vì vậy, trong khi đang có kỳ nghỉ phép ngắn này thì mình không nên dành thời gian để chụp hình trên cõi người và chỉ có vậy thôi. Nên tận dụng tối đa kiếp người vô cùng quý báu này.
Lợi ích lớn nhất mà mình có được khi làm người là gì? Đó là trí thông minh. Chúng ta có trí tuệ có thể phân biệt giữa những gì có lợi để thực hành và những gì tốt hơn là nên tránh. Chỉ là con người thì mình mới có loại trí tuệ này. Cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, nhưng nếu như không có niềm tin xác tín rằng sẽ có một kiếp tương lai sau khi chết, thì khi mình chết là hết. Vậy cũng được, mọi việc đã chấm dứt, nhưng vậy thì việc ý thức về cái chết sẽ không quá trọng đại.
Ý Thức Về Cái Chết Và Dạng Tái Sinh Có Thể Theo Sau
Phải rất nghiêm túc đối với sự kiện là ta có một cơ hội lạ thường đối với kiếp người quý báu này, và chắc chắn nó sẽ kết thúc, dù mình không biết khi nào thì nó sẽ chấm dứt. Sau khi mình chết thì mọi sự sẽ tiếp diễn, và câu hỏi là, sau đó thì sao? Nếu nghĩ về dòng tâm thức vô thỉ vô chung thì thời gian trong kiếp này rất, rất là ngắn. Mặc dù các nhà khoa học có thể thay đổi suy nghĩ của họ vài năm một lần, ngay cả khi mình nghĩ về sự sinh tồn của vũ trụ từ thời điểm vụ nổ lớn (big bang) cho đến khi vũ trụ kết thúc thì kiếp sống này chẳng là gì cả. Nó rất ngắn. Về mặt lý trí thì quãng thời gian theo sau kiếp người quý báu này sẽ dài hơn nhiều, so với thời gian của kiếp người, và điều này sẽ có ý nghĩa, khi mình quan tâm nhiều hơn về khoảng thời gian dài hơn theo sau kiếp sống này, hơn là chỉ chú ý đến đời sống ngắn ngủi này. Tất nhiên, phần còn lại của kiếp này là một phần của những điều chưa xảy ra, nên mình phải chú ý đến nó. Nhưng toàn bộ điểm chính của phạm vi sơ căn là có sự chú ý và quan tâm lớn lao đối với những kiếp tương lai.
Bây giờ, chúng ta bắt đầu quý trọng Pháp Thực Thụ. Nếu thật sự tin vào tái sinh thì mình phải nhìn điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình xem nó một cách nghiêm túc thì sự quý giá của kiếp người hiện tại sẽ nổi bật một cách to lớn. Thật lạ thường biết bao nhiêu, khi chúng ta có cơ hội và tự do này để tu tập, để cải thiện tình trạng của mình. Nếu thật sự quý trọng kiếp người quý báu này thì mình sẽ muốn gì trong tương lai? Chúng ta sẽ muốn có thêm nhiều kiếp người nữa.
Quy Y Là Phương Tiện Để Có Những Tái Sinh Tốt Đẹp Hơn
Nếu ta quy y Phật, Pháp và Tăng thì sẽ đi theo chiều hướng chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức mà mình chưa đạt được. Tuy nhiên, nếu đi theo chiều hướng đó thì nó sẽ bảo vệ mình, để thoát khỏi những tái sinh tồi tệ hơn mà mình khiếp sợ. Chúng ta sẽ nhận thức mình phải tiếp tục có những tái sinh làm người, để đi theo chiều hướng đó, và đạt được những mục tiêu thành tựu chân diệt và chân đạo, Cơ hội là mình sẽ không đạt được chân diệt và chân đạo trong kiếp này, nên phải đảm bảo là mình sẽ tiếp tục có những kiếp người quý báu. Theo cách này thì ta có thể tiến xa hơn và xa hơn nữa theo chiều hướng này.
Thành Tựu Quả Vị Thánh Nhân
Chúng ta đọc trong lam-rim là mình sẽ nhắm đến tái sinh tốt hơn như một con người, hay một vị trời. Nếu như kiếp người quý báu rất quan trọng thì tại sao nó lại được nêu ra như vậy? Nó liên quan đến một điểm rất phức tạp từ một bài kinh gọi là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Filigree of Realifying; Phạn ngữ: Abhisamayalamkara) của Đức Di Lặc. Trong đó, có một danh sách 20 vị Tăng già. Ở đây, Tăng già đề cập đến Thánh Tăng. Có nhiều mức độ tâm thức mà mình có thể đạt được một chân diệt với chân đạo, cái mà mình còn gọi là “Kiến đạo”. Tâm Kiến đạo là một tâm có nhận thức vô niệm về 16 khía cạnh của Tứ Diệu Đế. Nói cách khác là mình có thể đạt được quả vị thánh nhân ở nhiều mức độ định tâm khác nhau, nên 20 Tăng già đề cập đến 20 loại Thánh nhân được phân biệt theo mức độ định tâm mà họ có, với nhận thức vô niệm.
Trong số những tầng thiền định này là các thiền na (dhyana), là những mức độ thiền na cực kỳ cao cấp. Những mức độ khác nhau tương ứng với những tầng khác nhau ở cõi trời. Nếu bám chấp vào bất cứ trạng thái thiền na nào thì mình sẽ được tái sinh trong cõi trời tương ưng với nó, và sẽ có bản năng mạnh mẽ để đạt được dạng thiền na đó nữa. Do đó, nếu tái sinh ở một trong những cõi trời này thì trên lý thuyết, ta có thể phát triển một mức độ thiền na, giúp cho mình đạt được quả vị thánh nhân, nếu như mình tích tập những bản năng khác, từ rất nhiều pháp tu khác. Vì vậy mà chúng ta nói về việc nhắm vào một tái sinh tốt hơn như một con người hay một vị trời, chứ không chỉ vì chư thiên có một thời gian tuyệt vời và rất nhiều lạc thú!
Điểm chính là khi nghĩ về quy y thì mình đang nhắm đến quả vị thánh nhân này và xa hơn thế nữa. Chúng ta đang nhắm vào chân diệt và chân đạo, và bởi vì về mặt lý thuyết thì mình có thể đạt được điều đó bằng cách tái sinh như một vị trời, nên nó được nêu ra ở đây. Tuy nhiên, ta đang thật sự nhắm vào tái sinh làm người, bởi vì đó là nơi dễ dàng nhất và thuận lợi nhất để thành tựu thánh quả. Toàn bộ mục tiêu cho việc tái sinh tốt hơn hoàn toàn không phải là mục đích của người ngoại đạo, để đến cực lạc hay thiên đàng. Mục đích của đạo Phật là để tiếp tục có một cơ sở tu tập, để có thể đạt được giải thoát và giác ngộ.
Nghiệp: Tránh Ác Nghiệp
Bước tiếp theo là suy nghĩ, làm thế nào để có được kiếp người quý báu trong những kiếp tương lai? Điều này đưa mình đến việc bàn luận về nghiệp, bởi vì để bảo đảm mình sẽ có được tái sinh quý báu làm người thì phải kềm chế hành vi tiêu cực, và bắt đầu hành xử một cách tích cực. Chúng ta có thể thật sự quan tâm đến việc có được kiếp người quý báu trong tương lai, nhưng lại không muốn chấm dứt hành vi tiêu cực! Vì vậy nên hiện nay, mình phải có sự xác tín rằng hành vi tiêu cực dẫn đến bất hạnh, trong khi hành vi tích cực sẽ trổ quả thành hạnh phúc.
Có bao giờ bạn tự hỏi mình tại sao lại như vậy không? Ý tôi là, nếu như thật sự tin rằng hành vi tiêu cực sẽ dẫn đến bất hạnh, khổ não và đau khổ cho mình, thì ta sẽ không có hành vi tiêu cực. Vậy thì rõ ràng là mình không tin chắc vào điều này. Một khi đã tin chắc thì mình cũng phải hiểu cơ chế giúp cho hạnh phúc và bất hạnh trổ quả trong nhiều kiếp sống. Thường thì có một khoảng thời gian dài giữa hành vi tiêu cực và quả trổ, điều này quay trở lại chủ đề về dòng tâm thức vô chung.
Tóm Tắt
Không có nghi ngờ gì là mình có tự do và thuận lợi trong kiếp người quý báu. Chúng ta thông minh, có thể truy cập thông tin và có thể tự do chọn lựa. Tuy nhiên, nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Đời sống con người mà mình có được thì giống như một kỳ nghỉ phép ngắn ngủi, dễ chịu, có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
Khi thật sự hiểu rằng mình sẽ chết, và dòng tâm thức của mình sẽ tiếp tục thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghĩ đến những kiếp tương lai. Hầu hết chúng ta làm việc rất cực nhọc chỉ để lo cho tuổi già trong tương lai, vậy thì tại sao lại không nghĩ đến những tái sinh trong tương lai của mình?