Lời Khuyên Của Đạo Phật Về Cái Chết Và Hấp Hối

10:49
Tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt với cái chết, vì vậy, không nên bỏ mặc nó. Việc có cái nhìn thực tế về cái chết của mình sẽ giúp ta sống một đời trọn vẹn, có ý nghĩa. Thay vì hấp hối trong sự sợ hãi thì ta có thể chết một cách hạnh phúc, vì đã tận dụng tối đa cuộc sống của mình.

Sống Một Đời Ý Nghĩa

Qua nhiều năm thì cơ thể của chúng ta đã thay đổi. Nói chung thì ngay cả đời sống tâm linh hay việc hành thiền cũng không thể ngăn chận điều này xảy ra. Chúng ta vô thường, luôn luôn thay đổi, biến đổi từng sát na; và đó là một phần của lẽ tự nhiên. Thời gian luôn luôn chuyển động. Không có lực lượng nào có thể ngăn chận điều đó, nên câu hỏi thật sự là liệu chúng ta có sử dụng thời gian một cách đúng đắn hay không. Chúng ta có sử dụng thời gian để tạo ra thêm vấn đề cho người khác hay không, cuối cùng thì đó cũng là điều khiến cho ta đau khổ trong đáy lòng? Tôi nghĩ rằng đó là một cách sử dụng thời gian sai lầm.

Cách tốt hơn là cố gắng định hình tâm thức của mình mỗi ngày với động lực đúng đắn, rồi tiếp tục phần còn lại trong ngày với động lực ấy. Và điều đó có nghĩa là, nếu như được thì hãy phục vụ người khác; còn nếu không thì ít nhất nên tránh làm hại người khác. Về khía cạnh đó thì không có sự khác biệt giữa các ngành nghề. Dù nghề nghiệp của bạn là gì thì bạn cũng có thể có một động lực tích cực. Nếu thời gian của mình được sử dụng theo cách đó qua nhiều ngày, tuần, tháng, năm, nhiều thập kỷ, không chỉ trong năm năm, thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa. Ít nhất là chúng ta đã có một sự đóng góp nào đó cho tâm trạng hạnh phúc của riêng mình. Sớm muộn gì thì sự kết thúc của mình cũng sẽ đến, và ta sẽ không hối hận vào ngày đó; vì biết rằng mình đã sử dụng thời gian một cách xây dựng.

Có Thái Độ Thực Tiễn Về Cái Chết

Tuy nhiên, đời sống hiện tại của mình không kéo dài mãi mãi, nhưng nếu như mình nghĩ rằng: “Cái chết là kẻ thù” thì hoàn toàn sai lầm. Cái chết là một phần của cuộc sống. Tất nhiên, từ quan điểm đạo Phật thì thân thể này là một kẻ thù, theo một ý nghĩa nào đó. Để phát tâm mong muốn chân thật về moksha, giải thoát, thì cần phải có thái độ như vậy, rằng chính sự chào đời này, thân thể này, bản chất của nó là khổ, nên mình muốn chấm dứt điều đó. Nhưng thái độ này có thể tạo ra rất nhiều vấn đề. Nếu bạn coi cái chết là kẻ thù, thì thân này cũng là kẻ thù, và toàn bộ đời sống là kẻ thù. Vậy thì đi hơi quá xa.

Đương nhiên, cái chết có nghĩa là không còn tồn tại, ít nhất là đối với cơ thể này. Chúng ta sẽ phải chia tay với tất cả những điều mà mình đã gần gũi trong suốt cuộc đời này. Loài thú không thích sự chết chóc, nên tự nhiên loài người cũng giống như vậy. Nhưng chúng ta là một phần của thiên nhiên, nên cái chết là một phần trong đời sống của mình. Nói theo lý lẽ thì đời sống có một sự khởi đầu và kết thúc, có sinh và tử, nên nó không khác thường, nhưng tôi nghĩ rằng cách tiếp cận và quan điểm phi thực tế của chúng ta về cái chết khiến cho mình lo lắng và bồn chồn thêm.

Vì vậy, là Phật tử thì việc nhắc nhở bản thân về cái chết và vô thường hàng ngày là điều rất hữu ích. Có hai mức độ vô thường: một mức độ thô thiển hơn [rằng tất cả các hiện tượng được sản sinh ra sẽ hoại diệt] và một mức độ vi tế [rằng tất cả các hiện tượng do nhân duyên tác động sẽ thay đổi theo từng sát na]. Thật ra thì mức độ vô thường vi tế là giáo huấn thật sự của đạo Phật; nhưng nói chung thì mức độ vô thường thô thiển hơn cũng là một phần quan trọng của việc tu tập, vì nó làm giảm bớt một số phiền não, dựa trên cảm giác là mình sẽ tồn tại mãi mãi.

Hãy nhìn vào những nhà vua hay rajahs vĩ đại này, ở phương Tây cũng vậy, với những lâu đài và pháo đài lớn của họ. Những hoàng đế này tự xem mình là bất tử, nhưng hiện nay, khi nhìn vào những cấu trúc này thì nó khá ngớ ngẩn. Hãy nhìn Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Nó đã được tạo ra từ nỗi khổ triền miên của những người dân đã xây dựng nó. Nhưng việc này được thực hiện bằng cảm giác là: “Oai lực và đế quốc của tôi sẽ tồn tại mãi mãi” và “Hoàng đế của tôi sẽ tồn tại mãi mãi”. Như bức tường Berlin, một số lãnh tụ cộng sản Đông Đức nói rằng nó sẽ tồn tại một ngàn năm. Tất cả những cảm giác này xuất phát từ việc họ chấp thủ vào bản thân và phe phái của họ, hay niềm tin của họ, và từ ý tưởng là họ sẽ tồn tại mãi mãi.

Hiện nay, đúng là mình cần có ước muốn tích cực như một phần động lực của mình, nếu không có ước muốn thì sẽ không có hoạt động. Nhưng nếu như mong muốn kết hợp với vô minh thì sẽ nguy hiểm. Chẳng hạn như việc có cảm giác về sự trường tồn thường tạo ra quan điểm là “tôi sẽ tồn tại mãi mãi.”. Điều đó không thực tế. Đó là vô minh. Và khi bạn kết hợp điều đó với mong muốn, muốn có thêm một điều gì đó, có thêm nữa, và thêm nữa, thì nó sẽ tạo ra thêm nhiều rắc rối và vấn đề. Nhưng mong muốn với trí tuệ thì rất tích cực, nên mình cần điều đó.

Chúng ta cũng thấy những lời nhắc nhở về vô thường trong pháp tu Mật tông, với sọ người và những món này, và trong một số mạn đà la, chúng ta sẽ quán tưởng các nghĩa trang, hầm mộ. Tất cả những điều này là biểu tượng để nhắc nhở mình về lẽ vô thường. Một ngày nọ, chiếc xe của tôi đi ngang qua một nghĩa trang, nên điều này rất mới mẻ trong tâm tôi, khi tôi đề cập về nó trong một buổi nói chuyện với đại chúng sau đó: “Tôi vừa đi ngang qua một nghĩa trang. Đó là nơi chốn cuối cùng của chúng ta. Chúng ta phải đến đó. Chúa Giêsu Kitô trên thập tự giá đã thể hiện cho các tín đồ của Ngài thấy rằng cuối cùng thì cái chết cũng đến. Đức Phật cũng làm như vậy. Còn A-la (Allah) thì tôi không biết, A-la không có sắc tướng, nhưng tất nhiên Muhammad đã minh họa điều đó.

Vì vậy, phải có thái độ thực tế là sớm hay muộn gì thì cái chết cũng sẽ đến. Nếu bạn phát triển thái độ đúng đắn ngay từ đầu rằng cái chết sẽ đến; thì khi nó thật sự đến, bạn sẽ ít lo lắng hơn nhiều. Vì vậy, đối với một Phật tử thì việc tự nhắc nhở mình về điều này hàng ngày là điều rất quan trọng.


Những Điều Phải Thực Hiện Vào Phút Lâm Chung

Khi ngày cuối cùng của mình đến thì cần phải chấp nhận nó, và không xem đó là điều gì kỳ lạ. Không có cách nào khác. Vào thời điểm đó, một người có niềm tin vào một tôn giáo hữu thần nên nghĩ rằng, “Đời sống này do Thượng Đế tạo ra, nên sự kết thúc của nó cũng tuân theo ý định của ngài. Mặc dù tôi không thích cái chết, nhưng Thượng Đế đã tạo ra nó, nên nó phải có ý nghĩa nào đó.”. Những người thật sự tin vào một đấng sáng tạo thì nên suy nghĩ theo cách như vậy.

Những người theo truyền thống Ấn Độ và tin vào tái sinh thì nên nghĩ về kiếp tương lai, và nỗ lực để tạo ra nhân duyên đúng đắn cho một đời sống tốt đẹp trong tương lai, thay vì lo lắng, lo lắng, lo lắng. Ví dụ như vào lúc hấp hối, bạn có thể hồi hướng mọi thiện hạnh của mình, để kiếp sau có một đời sống tốt. Rồi thì bất kể niềm tin của mình là gì, vào lúc hấp hối thì phải bình tĩnh. Sự tức giận, quá sợ hãi, đó là những điều không tốt.

Nếu được thì Phật tử nên sử dụng thời gian hiện tại để có tầm nhìn xa về những kiếp sau. Những pháp tu tập bồ đề tâm và một số pháp tu Mật tông nào đó sẽ hữu ích đối với việc này. Theo giáo pháp Mật tông thì vào phút lâm chung, có tám giai đoạn hòa tan của các đại, mức độ thô trọng hơn của các đại trong cơ thể sẽ phân giải, rồi những mức độ vi tế hơn cũng phân giải. Các hành giả Mật tông phải kết hợp điều này trong bài thiền quán hàng ngày của họ. Mỗi ngày, tôi đều thiền quán về cái chết, trong các pháp tu mạn đà la khác nhau, ít nhất là năm lần, nhưng tôi vẫn còn sống! Sáng nay thì tôi đã trải qua ba cái chết.

Thế thì đây là những phương tiện tạo ra một sự đảm bảo về một kiếp tốt đẹp trong tương lai, như vậy đó. Và đối với những người không có tín ngưỡng thì như tôi đã đề cập trước đó, điều quan trọng là phải thực tế về lẽ vô thường.

Cách Giúp Đỡ Những Người Đang Hấp Hối

Nếu những người xung quanh có một số kiến thức [về cách giúp đỡ] những người đang hấp hối thì rất tốt. Như tôi đã đề cập trước đây, đối với những người đang hấp hối mà có niềm tin vào một đấng sáng tạo thì bạn có thể nhắc nhở họ về Thượng Đế. Một đức tin chuyên nhất vào Thượng Đế ít nhất sẽ tạo ra một số lợi lạc, cũng như từ quan điểm của đạo Phật. Đối với những người không có đức tin, không có tôn giáo thì như tôi đã đề cập trước đó, hãy thực tế, và điều quan trọng là phải cố gắng bình tĩnh.

Việc người thân khóc lóc xung quanh người hấp hối có thể tạo ra khó khăn đối với việc họ phải giữ bình tĩnh, vì có quá nhiều sự quyến luyến. Và cũng vì quá quyến luyến với người thân, nên họ có khả năng nổi giận, và xem cái chết là kẻ thù. Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng giúp họ giữ bình tĩnh. Đó là điều quan trọng.

Nhiều lần, tôi đã được mời đến các dưỡng đường Phật giáo. Giống như ở Úc, có một ni viện, nơi các nữ tu tận tình chăm sóc những người hấp hối và những người mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là cách rất tốt để kết hợp việc tu tập lòng bi mẫn hàng ngày vào trong hành động. Điều đó rất quan trọng.

Tóm Tắt

Cái chết không phải là điều kỳ lạ. Nó xảy ra mỗi ngày, trên toàn thế giới. Việc thấu hiểu rằng chắc chắn là mình sẽ chết sẽ khuyến khích chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa. Khi thấy rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào thì mình sẽ ít gây gỗ và tranh cãi về những điều nhỏ nhặt hơn. Thay vào đó, ta sẽ được thúc đẩy để tận dụng đời sống một cách tối đa, bằng cách tạo lợi lạc cho người khác càng nhiều càng tốt.

Top