Thiện Tri Thức, Quy Y, Đạo Đức Và Giải Thoát

Kệ Số 5 - 9

Bình Luận Ngắn

Chúng ta đã thấy Togme Zangpo khởi đầu bài thơ với sự trình bày những điểm chánh mà mình thấy trong lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ. Sau khi tỏ lòng tôn kính Đức Quán Thế Âm và lời nguyện sáng tác, ông đã nói về tầm quan trọng của kiếp người quý báu và nhu cầu tận dụng nó. Togme Zangpo giải thích các hoàn cảnh thuận lợi nhất cho việc này, cụ thể là rời bỏ quê hương và nương tựa vào đời sống ẩn dật. Rồi vì kiếp người quý báu này không tồn tại lâu dài, nên việc tận dụng nó là điều cấp bách lớn lao. Ông đã nói về cái chết và vô thường, để giúp ta nhận ra sự cấp bách này.

Tầm Quan Trọng Của Thiện Tri Thức

Bây giờ chúng ta đã đọc đến câu kệ số 5, giới thiệu chủ đề về tầm quan trọng của việc có những người bạn tốt. Việc có được sự hỗ trợ đúng đắn cho việc tu hành là điều rất quan trọng. Về vấn đề này thì phải nhận ra loại bạn bè nào là sai lầm, được xem là “những người bạn xấu”, và loại bạn bè nào thật sự có thể giúp ta trên đường tu.

(5) Pháp tu Bồ tát là từ bỏ bạn xấu, vì khi giao hảo với họ thì tam độc sẽ gia tăng; thực hành văn, tư, tu sẽ giảm thiểu; và lòng từ bi sẽ bị hoại diệt. 

Những người bạn xấu, hay những người bạn lầm lạc, là những người với tất cả thiện chí, sẽ khiến mình xa rời việc tu tập. Họ nói rằng, “Hãy đến để vui chơi”, hay nói rõ hơn là, “Tại sao lại lãng phí thời gian để lễ lạy, hành thiền hay nghe thuyết Pháp?” Trên cơ bản thì họ không phải là người xấu, tôi không nghĩ đó là chủ ý ở đây, nhưng họ là những người thật sự không coi trọng hay đánh giá cao những gì ta đang làm với đường tu của mình, có thể sẽ trêu chọc ta, và cố níu kéo mình xa rời nó.

Như Togme Zangpo nói, khi giao hảo với họ thì tam độc sẽ gia tăng. Khi ở gần họ thì họ sẽ khuyến khích cảm xúc độc hại đầu tiên của mình, có thể trong hình thức dục vọng và tham ái, đối với việc ra ngoài để nhậu nhẹt say sưa, hay phi ma túy, tham gia những việc giải trí vô nghĩa, v.v... Dĩ nhiên là đôi khi, mình phải thư giãn và vui chơi, nhưng nếu như người nào khuyến khích ta làm như vậy hoài, khiến cho mình không có thời gian để tu tập, thì đó là một người bạn không tốt.

Tôi có một đệ tử rất ghiền ma túy, và anh này ở chung với một người khác trong một căn hộ, cũng ghiền ma túy. Anh đã cố gắng cai ma túy, nhưng vì ảnh hưởng của người bạn ở chung nhà lúc nào cũng hút ma túy, và không ngừng khuyến khích anh cùng hút, nên anh luôn quay trở lại thói cũ, vì không muốn từ chối bạn ở chung nhà.

Do đó, việc chọn bạn là điều rất quan trọng, đặc biệt là khi mình sẽ dành nhiều thời gian cho họ. Khi họ đi ra ngoài, rồi nổi giận và đánh lộn thì ta cũng nổi giận và tham gia vào hành động ấy, làm gia tăng cảm xúc độc hại thứ hai, đó là sân hận. Họ cũng tạo ra sự gia tăng của cảm xúc độc hại thứ ba trong ta, khi mà mình trở nên si mê, bởi vì đã quên đi những ảnh hưởng mà hành vi của mình có thể tạo ra, nên sẽ đi theo và làm bất cứ điều gì họ sẽ làm. Do đó, như Togme Zangpo nói, thực hành văn, tư, tu sẽ giảm thiểu. Càng ngày, ta sẽ càng có ít thời gian hơn để nghe thuyết Pháp, văn, tư, tu, và lòng từ bi sẽ bị hoại diệt.

Có nhiều loại bạn bè sai lầm, hư hỏng. Chẳng hạn như có những người dẫn dắt ta vào những việc như vẽ bậy trên tường của các tòa nhà, hay làm trầy xe hơi và những điều đại loại như vậy. Có những người khác có thể luôn nói những điều không hay về người khác, rồi thì ta cũng có thể bị ảnh hưởng một cách dễ dàng vì điều đó. Khi ở gần người nào nói liên tu bất tận, rồi phấn khích và tức giận về vấn đề chánh trị và chánh phủ tồi tệ ra sao, thì mình cũng có xu hướng trở nên như vậy.

Đặc biệt là khi mình không vững vàng trong việc tu tập, thì loại bạn bè mà mình giao tiếp sẽ trở nên cực kỳ quan trọng. Nếu như có những người bạn sai lầm như vậy, thì như câu kệ nói, cần phải từ bỏ bạn xấu. Điều đó không có nghĩa là mình nghĩ xấu về họ. Chúng ta vẫn mong muốn họ được hạnh phúc và không khổ đau, nhưng không phải đi chơi với họ.

Điều này bắt đầu trở thành một vấn đề rất phức tạp, khi chẳng hạn như mình kết hôn với một người được xem là một người bạn không tốt, đặc biệt là nếu như mình có con cái với họ. Tình huống đó không dễ dàng chút nào. Trong mối quan hệ này thì mình phải quyết định là việc tiếp tục sẽ có lợi hơn, hay chấm dứt mối quan hệ sẽ ích lợi hơn? Điều chính để ghi nhớ, nếu như mình quyết định chia tay, là hãy cố làm điều này một cách hòa nhã, không có ý xấu hay hận thù. Ngay cả khi người phối ngẫu rất thù hằn và oán hận ta, thì ít nhất là không nên trả đũa họ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng là ít nhất nên cố duy trì mối quan hệ như vậy. Có thể không phải lúc nào mình cũng thành công, nhưng ta có thể cố gắng giải thích và chứng minh rằng việc sinh hoạt Phật pháp không phải là chối bỏ người kia. Tuy nhiên, nếu như phần lớn thời gian dành cho người kia được sử dụng một cách tiêu cực, khi mà bạn chỉ tranh cãi và la hét với nhau hoài, thì có lẽ nên xét lại. Điều này không đơn giản. Ví dụ như còn những đứa trẻ thì sao, nếu như chúng đổ lỗi cho Phật pháp về việc cha mẹ chia tay? Điều đó có thể có một ảnh hưởng rất tiêu cực đối với chúng, về thái độ của chúng đối với giáo pháp, nên phải coi chừng vấn đề này.

Nếu như việc tranh cãi xảy ra về việc dành thời gian cho đạo Phật, thì tôi nghĩ nếu có thể thì nên xoa dịu điều đó, bằng cách không đổ lỗi cho đạo Phật, và việc này có thể hữu ích. Việc giải thích sự chia tay vì hai người có những giá trị khác nhau, khi mà mình không nêu ra vấn đề là đạo Phật, thì sẽ có tính cách xây dựng hơn. Như tôi đã nói, điều này có thể có một tác động khá tiêu cực, không chỉ đối với trẻ em, mà còn đối với thái độ của người bạn đời của mình đối với giáo pháp. Nếu như mình tạo ra tình huống cho người khác có thái độ rất tiêu cực đối với Pháp, thì thật ra điều đó rất tai hại cho họ. Trên thực tế, sẽ không có sự khác biệt nào, cho dù mình theo đạo Phật, Ấn Độ giáo, hay tôn giáo phương Tây nào, hay bất cứ tôn giáo nào. Thật ra đó không phải là điểm đáng tranh cãi. Nó không phải là giáo lý cụ thể mà mình đang noi theo, mà cơ bản là sự khác biệt về giá trị về tầm quan trọng của đời sống tâm tinh.

(6) Pháp tu Bồ tát là trân quý chư thiện tri thức hơn cả thân mình. Nhờ phó thác bản thân mà lỗi lầm sẽ được tiêu trừ, đức hạnh tăng trưởng như trăng tròn dần.

Chữ được dịch ở đây là “chư thiện tri thức” có nghĩa đen là một “người bạn tâm linh”, hoàn toàn trái ngược với bạn xấu. Ngoài ra, đúng ra thì chữ “tâm linh” không có mặt ở đó. Cụm từ này là một “người bạn có hành vi xây dựng”, và chữ “xây dựng” đôi khi được dịch là “đạo đức”, nghĩa là nhờ có người bạn đó mà hành vi xây dựng của mình sẽ tăng trưởng thêm. Toàn bộ mối quan hệ có tính xây dựng. Người bạn này có tính cách xây dựng, và nhờ liên hệ với họ mà ta sẽ trở nên tích cực, và có tính xây dựng hơn. 

Điều này thường đề cập đến một đạo sư tâm linh vĩ đại, người dẫn dắt ta trên đường đi tu, hướng dẫn và truyền cảm hứng, để mình có hành vi thiện hảo theo giáo pháp. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng nên bao gồm những người bạn đạo thường xuyên. Điều này không có nghĩa là những người đến trung tâm Phật giáo, đi học chung với mình, rồi đi uống bia với nhau. Đúng hơn là điều này đề cập đến một người đề nghị, ví dụ như hãy hành thiền với nhau, hoặc nghiên cứu hay thảo luận về chủ đề này hoặc chủ đề kia trong Phật pháp. Đây là người khuyến tấn ta làm việc thiện nguyện, để giúp đỡ bệnh viện hay nhà bếp nấu súp, đại loại như thế.

Trong bất cứ tình bạn nào thì phải có một mối duyên nghiệp nào đó, để người ta cảm thấy thoải mái với người kia. Có thể có những người đến với mình và nói rằng, “Này, hãy để ngồi xuống và hành thiền”, hay “Hãy lễ lạy”, và mình cảm thấy không xong. Có lẽ mình có cảm giác là họ nghĩ rằng họ thánh thiện, và điều này chỉ khiến mình cảm thấy rất khó chịu. Người bạn tâm linh chân thật là người mà mình cảm thấy hoàn toàn thoải mái và thư giãn khi ở gần họ. Mọi việc sẽ tự nhiên và trôi chảy một cách tốt đẹp, khi chúng ta cùng nhau làm những điều thiện hảo.

Tất nhiên, trong câu kệ này thì điểm nhấn là vị thiện tri thức, hay đạo sư tâm linh. Về phía vị thầy này, như Đức Dalai Lama luôn nêu ra thì mình không chỉ dựa vào danh tánh của một vị thầy. Có rất nhiều đạo sư có danh hiệu lớn, và có rất nhiều tín đồ, v.v..., nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ là những đạo sư hội đủ trình độ, vì mình phải luôn luôn xem xét trình độ của vị thầy. Ở đây, chủ yếu là Đức Dalai Lama đang đề cập đến các vị Tulku, hay Lạt ma tái sinh mang danh hiệu “Rinpoche”. Tất nhiên là có rất nhiều người trong số họ rất lừng danh nhờ danh tiếng của vị tiền nhiệm của họ, nhưng lại không tu học rất nhiều trong kiếp này.

Rồi thì ngay cả khi một vị thầy có trình độ rất cao, nhưng không nhất thiết có nghĩa là họ thích hợp với mình. Một lần nữa, ta phải xem xét mối duyên nghiệp mà mình có với vị thầy đó. Chúng ta có cảm thấy thoải mái với họ hay không? Tuy một đạo sư tâm linh cung cấp cho mình thông tin về giáo pháp, nhưng ta cũng có thể tìm tòi điều đó từ sách vở. Thầy có thể giải đáp thắc mắc mà một cuốn sách không thể làm như vậy, nhưng điểm chính mà đạo sư tâm linh đem lại cho mình là cảm hứng. Thực tế thì ngày nay, hầu hết các đạo sư vĩ đại đi vân du để hoằng Pháp rất nhiều. Các ngài có nhiều đệ tử, và rất khó để mỗi một đệ tử có được nhiều sự chú ý. Ngay cả khi không được tiếp xúc gần gũi với một đạo sư vĩ đại, thì ta vẫn có thể có được nguồn cảm hứng lớn lao từ vị thầy. Thêm vào đó, phải nỗ lực cố gắng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ ấy. Không nên chỉ chờ đợi cho vị bổn sư (guru) từ trên trời rơi xuống. Chắc chắn là một vị bổn sư như vậy sẽ không xuất hiện và nói rằng, “Con yêu, hãy đến đây, ta đã đợi con đến. Hãy đến với ta.".

Khi phó thác bản thân cho một vị thiện tri thức thiêng liêng, như Togme Zangpo nói, thì lỗi lầm sẽ được tiêu trừ. Chữ “thiêng liêng” đơn giản có nghĩa là người rất được tôn trọng, và ở đây, chữ "phó thác" là điều quan trọng, nhưng không dễ hiểu. Thường thì nó được dịch là “lòng sùng mộ”, như trong sùng mộ bổn sư, nhưng tôi thấy thuật ngữ đó cực kỳ lầm lạc, bởi vì ít nhất trong tiếng Anh thì trên cơ bản, nó ngụ ý là tôn thờ đạo sư một cách thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, đúng ra thì thuật ngữ này là một động từ, và được sử dụng không chỉ với chư đạo sư tâm linh, mà còn với các bác sĩ. Nói cách khác là mình giao phó thân mình, để họ chăm sóc ta. Nó ngụ ý là ta tin tưởng họ, sau khi đã tìm hiểu trình độ của họ, và cảm thấy họ có đủ khả năng, và có thể giúp mình. Khi ta bị bệnh và tin tưởng bác sĩ, thì sẽ phó thác bản thân, để vị bác sĩ đó chăm sóc cho mình. Nói cách khác thì ta sẽ làm những gì bác sĩ bảo mình nên làm, để hồi phục sức khỏe. Thái độ này cũng giống như thái độ với đạo sư tâm linh. Giống như mình không tôn thờ bác sĩ, thì ta cũng không tôn thờ đạo sư.

Điều này trở thành một tình huống tế nhị, bởi vì thường thì đủ loại cảm xúc sẽ xuất hiện về vị thầy, và tuy mình rất thương thầy, nhưng không có nghĩa là mình đã có tình yêu thầy. Khi có một mối quan hệ lành mạnh với một vị thầy tâm linh thì cảm xúc sẽ rất thăng hoa. Một khía cạnh của tín tâm với vị thầy là nó giúp cho tâm ta không phiền não. Đây là một điểm rất thú vị. Theo nhiều cách thì cảm xúc của mình sẽ trong sáng hơn, với ý nghĩa là phiền não sẽ lắng dịu, giống như nước bùn lắng xuống, để cảm xúc không vẩn đục. Nhưng ta không quyến luyến với vị thầy. Ta sẽ không có sự khát khao, cảm thấy mình phải ở bên cạnh thầy. Ta sẽ không ganh tỵ với các đệ tử khác. Không có tâm sân hận và thất vọng khi thầy không có thời gian cho mình. Chúng ta không ngây thơ rằng thầy là một vị trời nào đó, không cần nghỉ ngơi hay thoải mái, hay đại loại như vậy.

Như có nói ở đây trong bản văn, lỗi lầm sẽ được tiêu trừ. Khi làm theo lời thầy dạy thì phiền não sẽ lắng dịu, vậy thì ta có thể dần dần loại bỏ những lỗi lầm của mình. Đương nhiên là tất cả những điều này ngụ ý rằng mình đã rất trưởng thành, khi có mối quan hệ với một đạo sư. Không nên tưởng tượng rằng vào lúc đầu thì vị thầy sẽ đột nhiên thực hiện một số phép thuật, và phiền não của mình sẽ lắng dịu. Chính mình phải nỗ lực trong mối quan hệ này, điều này rõ ràng phụ thuộc vào việc có đủ sự trưởng thành để thiết lập mối quan hệ lành mạnh với thầy. Một mối quan hệ không lành mạnh có thể tạo ra nhiều hật quả đáng tiếc.

Dòng cuối cùng mô tả cách mà đức hạnh sẽ tăng trưởng như trăng tròn dần. Khi dành thời gian với thầy thì ta sẽ bắt đầu phát triển những phẩm chất tốt đẹp. Tính cách của ta sẽ bắt đầu cải thiện, bằng cách giúp đỡ thầy, phát tâm bố thí và những điều đại loại như vậy. Những phẩm chất tốt đẹp của mình sẽ ngày càng phát triển thêm. Tự nhiên là khi càng làm theo lời dạy của thầy thì lòng từ bi và sự hiểu biết của mình cũng càng tăng trưởng thêm.

Về mặt đạo sư của mình thì bản văn nói rằng nên trân quý chư thiện tri thức hơn cả thân mình, nhưng điều đó có nghĩa là gì? Ở một mức độ thì ta sẽ nghĩ về sự thoải mái của thầy nhiều hơn sự thoải mái của mình về mặt thể chất. Ta sẽ sẵn sàng giúp đỡ thầy, và đặc biệt là giúp thầy để thầy có thể giúp cho người khác, ngay cả khi mình rất mệt mỏi, và rất bất tiện cho mình. Đối với Serkong Rinpoche, là thầy của tôi, thì tôi phải đi từ Dharamsala đến Delhi rất thường xuyên, để có được giấy thị thực nhập cảnh (visa) cho chuyến đi của Thầy. Đây là một công việc rất khó chịu, nhưng tôi đã vui vẻ làm, bởi vì nó sẽ giúp cho Thầy có thể giúp đỡ người khác. Khi làm những việc như vậy thì ta sẽ coi thường sự khó chịu của chính mình.

Phương Hướng An Toàn (Quy Y)

Trong kệ số 7, Togme Zangpo mô tả cách mình có thể tận dụng kiếp người quý báu. Trong bối cảnh động lực của phạm vi sơ căn trong lam-rim thì mục tiêu của mình là cải thiện những kiếp tương lai. Trước hết, ta sẽ đưa một phương hướng an toàn vào đời sống của mình, còn được gọi là quy y. Đây là nền tảng cho tất cả các mức độ tu hành trong nhà Phật.

(7) Pháp tu Bồ tát là quy y Tam Bảo, tìm cầu sự bảo hộ chẳng bao giờ sai chạy, vì làm sao chư Thiên thế tục có thể bảo hộ cho ai, khi chính họ vẫn còn trong ngục tù luân hồi sinh tử? 

Tôi thích sử dụng thuật ngữ “phương hướng an toàn” hơn là “quy y”, vì quy y có vẻ hơi quá thụ động. Khi quy y thì có vẻ như mình đang lấy thứ gì từ người khác, nhưng thật ra thì không phải vậy. Thật ra thì mình đang làm điều gì rất chủ động, bằng cách đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống, và phương hướng an toàn này được Tam Bảo Tối Thượng nêu ra. Khi nghĩ về Tam Bảo, hay Ba Viên Ngọc Quý Hiếm và Tối Thượng, thì ta đang nghĩ về Phật, Pháp và Tăng.

Pháp là điều chính mà mình đang hướng đến. Pháp Bảo kết hợp diệu đế thứ ba và thứ tư vào dòng tâm thức của bất cứ bậc chứng ngộ nào, hay thánh nhân nào, cho đến một vị Phật. Đây là những gì thật sự đem lại cho mình phương hướng này. Các ngài đã thành tựu trạng thái mà phiền não chướng đã được đoạn trừ trong dòng tâm thức, trong trường hợp của một bậc giải thoát, hay trong trường hợp của một vị Phật thì mọi ám chướng, phiền não và vô minh đều được đoạn trừ mãi mãi. Đó là chân diệt, diệu đế thứ ba. Diệu đế thứ tư trình bày chân đạo đưa ta đến giải thoát và giác ngộ. Những tâm trạng này là sự chứng ngộ về Tứ Diệu Đế nói chung, hay tánh Không nói riêng. Nó đem lại chân diệt, và cũng là kết quả của chân diệt. Đây là phương hướng mà mình muốn noi theo. Chúng ta muốn đạt được chân diệt và chân đạo. Đó là quy y.

Thật ra Tăng đoàn không đề cập đến thành viên của một trung tâm Phật giáo, đó là phát minh của phương Tây về cách sử dụng chữ này. Tăng Bảo nói về chư thánh nhân, những người có nhận thức vô niệm về tánh Không, nên đã đạt được một số, tuy không nhất thiết là tất cả những chân diệt và chân đạo. Việc họ là tăng ni hay cư sĩ thì không quan trọng. 

Tam Bảo tác nhân là Phật, Pháp và Tăng (causal Three Jewels) như chúng ta đã giải thích ở đây. Một lần nữa, đó là những người đã đạt được những chân diệt và chân đạo, và điều đó đóng vai trò như tác nhân truyền cảm hứng cho mình noi theo phương hướng này. Nhưng ta cũng có thể có được cái gọi là “phương hướng thành quả”, đó là phương hướng an toàn từ Tam Bảo mà chính mình sẽ đạt được, khi ta trở thành thánh nhân, và tiếp tục tu tập để thành Phật.

Khi Togme Zangpo nói về tìm cầu sự bảo hộ, thì điều này đề cập đến Tam Bảo. Tam Bảo chẳng bao giờ sai chạy, nhưng thật ra thì Tam Bảo bảo vệ mình như thế nào? Một lần nữa, điểm nhấn ở đây không phải là về một đấng toàn năng bảo vệ mình, và điều mà ta phải làm là mở lòng ra và đầu hàng trước sự bảo vệ của họ, rồi thì ta đã được cứu rỗi. Thay vì vậy, khi mình nỗ lực để đạt được những chân diệt và chân đạo này thì ta sẽ thoát khổ. Nói cách khác là sau cùng thì ta sẽ bảo vệ chính mình. Chúng ta sẽ không bao giờ bị lừa dối, bởi vì nếu như mình đạt được những chân diệt và chân đạo, giống như chư Phật và chư thánh nhân đã thành tựu, thì những trạng thái này sẽ giúp ta thoát khổ. Ta sẽ thật sự thoát khỏi nhân tạo khổ mãi mãi.

Ngược lại thì chư Thiên thế gian không thể giúp đỡ mình như vậy. Như bản văn đã nêu ra thắc mắc, vì làm sao chư Thiên thế tục có thể bảo hộ cho ai, khi chính họ vẫn còn trong ngục tù luân hồi sinh tử? Khi nghĩ về chư Thiên thế tục, hay thậm chí thần tài trong thời hiện đại thì những vị này không thể bảo vệ mình về bất cứ điều gì. Chúng ta thấy những người rất giàu có, khi càng có nhiều tiền thì càng khổ hơn nhiều. Họ sẽ lo lắng về cách đầu tư số tiền đó, và làm thế nào để không phải trả nhiều thuế, và có thể luôn lo sợ người khác sẽ ăn cắp số tiền đó. Họ nghi ngờ những người yêu thích họ thì chỉ vì tiền của họ, chứ không phải vì bản thân họ. Cách mà nhiều người rất giàu có lại rất không vui là điều đáng kinh ngạc. Rõ ràng là chư Thiên thế gian không thể bảo vệ mình, khi chính họ vẫn còn trong ngục tù luân hồi sinh tử. Họ vẫn còn bị ràng buộc và dính líu với đủ loại phiền não, khiến cho phiền não của mình gia tăng.

Ở phạm vi động lực sơ căn thì mục tiêu chính của mình là cải thiện những kiếp tương lai. Không phải là mình muốn lên thiên đàng hay điều gì tương tự như vậy, mà là tiếp tục có được tái sinh quý báu làm người, cho đến khi đạt được giải thoát hay giác ngộ. Người ta luôn nói rằng ranh giới giữa một người có đời sống tâm linh và một người không có đời sống tâm linh, là liệu họ có đang tu tập cho những kiếp tương lai hay không. Đây là ranh giới phân chia về mặt giáo pháp, nhưng tất nhiên nhiều tôn giáo dạy con người tu tập cho đời sống sau khi chết, để được tái sinh lên thiên đàng, nên nó không phải là đạo Phật một cách cụ thể. Để biến nó thành đạo Phật thì phải nghĩ về những kiếp tương lai, trong bối cảnh quy y.

Những gì mình đang hướng đến là giải thoát và giác ngộ, hay nói chính xác hơn là chân diệt và chân đạo. Chúng ta muốn tiếp tục có kiếp người quý báu như một bước đệm, để có thể đạt được những chân diệt và chân đạo này, để cuối cùng, sẽ thành tựu giải thoát và giác ngộ. Nó không chỉ là tu tập để lên thiên đàng. Trừ khi mình có động lực ban đầu này, còn không thì không thể thật sự chân thành về ước muốn giác ngộ, bởi vì rất khó để đạt được giải thoát hay giác ngộ trong đời này. Điều này sẽ cần một thời gian dài, nên cần có rất nhiều tái sinh quý báu làm người.

Để tu tập cho tái sinh quý báu làm người thì rõ ràng mình phải tin là có tái sinh, bởi vì nếu như không tin thì làm sao ta có thể nhắm đến việc thoát khỏi tái sinh, là toàn bộ mục tiêu của giải thoát? Vì muốn thoát khỏi luân hồi, nên mình phải tu tập siêng năng, để hiểu giáo lý của nhà Phật về tái sinh. Nó không đơn giản, mà thật ra rất tinh vi. Tất cả phụ thuộc vào sự hiểu biết của mình về cách bản ngã tồn tại, và cách nhân quả vận hành. Nếu như không có sự hiểu biết, ít nhất là ở một mức độ nào đó, về Không tướng (tánh Không) của “tôi” và nhân quả, thì sẽ rất khó hiểu được giáo lý của Đức Phật về tái sinh là gì.

Không Tạo Ác Nghiệp

Để đảm bảo mình sẽ có những kiếp người quý báu trong tương lai, thì phải chú ý đến nhân quả, đặc biệt là hành vi của mình. Để giải quyết vấn đề này thì Togme Zangpo đã nói về việc kềm chế ác hạnh:

(8) Pháp tu Bồ tát là không bao giờ làm điều ác, dù có mất mạng, vì Đấng Hiền Thánh đã dạy những nỗi thống khổ vô cùng khó chịu trong các cõi thấp là quả báo của ác nghiệp. 

Vần kệ này nói về nghiệp, và đương nhiên là một chủ đề rất phức tạp, nhưng chúng ta có thể nói chung chung ở đây. Khi ta hành động một cách tiêu cực, thì sẽ đem lại bất hạnh, và khi có hành động tích cực, thì sẽ mang lại hạnh phúc. Nói một cách cụ thể thì điều ta phải làm, để đảm bảo mình sẽ không tái sinh trong những cõi giới tồi tệ hơn, là kềm chế ác hạnh. Hành vi tiêu cực sẽ tạo ra rất nhiều nghiệp lực tiêu cực trong dòng tâm thức của mình, và nghiệp lực tiêu cực hay tiềm năng ấy sẽ đưa ta đến những tái sinh tồi tệ hơn, mà một khi đã rơi vào thì rất là khó để thoát ra.

Ở đây, khi nói đến ác nghiệp hay hành vi tiêu cực thì nó có nghĩa gì? Đâu là pháp đối ngược với điều này? Đâu là thiện nghiệp? Cách mà nó được giải thích là thiện nghiệp là khi mình kềm chế việc tạo tác ác nghiệp, điều mà ta phải hiểu rõ. Chúng ta có thể hoàn toàn không thích săn bắn hoặc câu cá, nên sẽ không bao giờ đi săn hay câu cá, ví dụ vậy. Trong ví dụ này thì việc chỉ không đi săn hay câu cá không thật sự là kềm chế một loại hành vi tiêu cực, ngay cả khi mình không thực hiện hành động ấy. Đúng hơn là những gì đang được đề cập ở đây là khi con muỗi đó vo ve quanh đầu mình, và ta sẽ muốn giết nó, nhưng sẽ không làm như vậy, bởi vì mình muốn tránh nghiệp quả. Chúng ta sẽ nghĩ về nghiệp lực bất thiện được tạo tác bằng cách phản ứng với điều gì làm mình khó chịu, nên chỉ muốn tiêu diệt nó. Thiện nghiệp là việc kềm chế để không giết con muỗi, và tìm cách đem nó ra khỏi phòng mình một cách êm thắm hơn.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể hiểu rằng loại hành vi tích cực này khó khăn hơn nhiều so với loại kia, chẳng hạn nếu như mình không thích bánh chút nào, hoặc ai đó mời mình ăn một cái bánh mà mình không thấy hấp dẫn. Việc không ăn nó không phải là vấn đề lớn, bởi vì dù sao thì mình cũng không muốn ăn nó. Nhưng nếu như người ta đem một cái bánh mà mình thấy rất ngon, cái bánh mà mình yêu thích nhất, thì việc không ăn nó, bởi vì mình đang ăn kiêng hay gì đó, sẽ khó khăn hơn nhiều, và cũng có tính tích cực hơn nhiều, nếu như mình có thể làm điều đó.

Thế thì hành vi tích cực là kềm chế hành vi tiêu cực, khi mình muốn hành động một cách tiêu cực, vì đó là thói quen, hoặc xu hướng của mình. Chúng ta sẽ không làm điều đó, vì nghĩ về những hậu quả tiêu cực về mặt nghiệp dĩ, kinh nghiệm trong tương lai của mình, không chỉ bởi vì “tôi muốn trở thành một Phật tử tốt”, mà còn vì việc nghĩ về những hậu quả mà chính mình sẽ phải gánh chịu trong tương lai.

Hiện nay, chúng ta thường thấy loại cụm từ này trong các bản văn, không bao giờ làm điều ác, dù có mất mạng, nhưng tôi phải nói rằng đây là một điều khó chấp nhận! Nếu như nghĩ về việc này, thì ta sẽ đối phó với tình huống như vậy bằng cách nào? Tôi sống ở Đức, và đôi khi thảo luận điều này với bạn bè người Đức. Chúng ta sẽ làm gì, ví dụ như, nếu như bạn đến tuổi nhập ngũ trong thời Hitler, và nếu như không nhập ngũ thì bạn sẽ bị bắn? Bạn sẽ làm gì? Đây là vấn đề nghiêm trọng của việc sống chết. Nó không giống như Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam, khi người ta có thể trốn sang Canada để tránh việc nhập ngũ. Đối với Đức Quốc Xã thì họ sẽ bắn bạn, nếu như bạn không nhập ngũ, vậy thì bạn sẽ làm gì? Tôi nghĩ rằng chúng ta thật sự phải suy nghĩ về những điều như vậy một cách nghiêm túc, khi vần kệ nói rằng dù có mất mạng. Đó là một lý tưởng tuyệt vời, nhưng thật ra thì mình có thể làm điều đó hay không? Tôi không biết.

Đương nhiên là một số người rất may mắn, vì khi vào quân đội Đức Quốc Xã thì họ đã làm đầu bếp. Phải có người làm đầu bếp hay giặt quần áo, và những việc như vậy. Dĩ nhiên là khi bắn vào kẻ địch thì một người lính không cần phải nhắm rất kỹ, và có thể bắn hụt. Nhưng rồi thì người lính sẽ gặp nguy hiểm, vì những người đang nhắm vào anh để bắn sẽ không có cùng chủ ý, và sẽ nhắm vào anh rất kỹ. Một lần nữa, dù đây là lý tưởng tuyệt vời, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải đánh giá bản thân mình một cách khá nghiêm túc về vấn đề này. Nếu như có thể tránh được những hành động tiêu cực nặng nề, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của mình, thì điều đó có nghĩa là ta sẽ sẵn sàng hy sinh mạng sống, và điều đó thật sự là một thành quả lớn.

Chắc chắn là ta sẽ thấy những người sẵn sàng chết, và sẵn sàng bị tra tấn vì nguyên tắc của họ. Tôi nghĩ rằng nhiều chư tăng ni ở Tây Tạng sẵn sàng chịu đựng việc tra tấn, và sống 20 hay 30 năm trong các trại tập trung, vì họ sẽ không lên án Đức Dalai Lama. Đây là điều nói đến những gì đang được đề cập ở đây. Liệu chúng ta có sức mạnh của nguyên tắc để hành động như vậy hay không? Đây là một câu hỏi cho điều mà chúng ta gọi là “tự vấn lương tâm” ở phương Tây!

Tu Tập Để Giải Thoát

Câu kệ số 9 đưa ta đến động lực trung căn trong lam-rim, đó là tu tập để hướng đến giải thoát:

(9) Pháp tu Bồ tát là hết lòng quan tâm đến trạng thái bất biến tối thượng của giải thoát, vì lạc thú trong ba cõi là các pháp biến hoại trong khoảnh khắc, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ. 

Thuật ngữ “hiện hữu cưỡng bách” nói về luân hồi: sự tồn tại liên tục bằng tái sinh vô tự chủ mà mình phải gánh lấy một cách cưỡng bách. Có ba cõi mà ta có thể tái sinh trong đó: (1) dục giới, là cõi giới của đối tượng giác quan, (2) sắc giới, cõi giới của sắc tướng thanh tao, hay sắc tướng rất vi tế, và (3) vô sắc giới, những chúng sinh không có thân thô trọng, và nhập định rất sâu.

Đối với hầu hết chúng ta thì rất khó nghĩ về tất cả những cõi này, và những hình thức tái sinh khác nhau. Chúng ta sẽ gặp khó khăn để hiểu những chúng sinh bị mắc kẹt trong các cõi bất hỷ, nói cách khác là những chúng sinh trong địa ngục, hay ngạ quỷ. Những cõi khác bao gồm những chúng sinh bò sát, hay các loài thú, chư Thiên, rồi đến A tu la, được gọi là những chúng sinh “chống lại chư Thiên”, là những chúng sinh ganh tỵ, đấu tranh và muốn trở thành chư Thiên. Tôi nghĩ một cách làm cho tất cả những điều này trở nên dễ hiểu hơn một chút là nghĩ về quang phổ của những kinh nghiệm mà chúng ta có thể trải qua.

Chẳng hạn như về tầm nhìn thì khi là con người, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần nào đó của quang phổ ánh sáng. Chúng ta không thể nhìn thấy tia cực tím, tia hồng ngoại, vân vân, nhưng những chúng sinh khác thì có thể nhìn thấy. Chẳng hạn như nhiều loài động vật có thể nhìn thấy trong bóng tối, ngay cả khi mình không thể thấy. Về thính giác thì chúng ta chỉ có thể nghe một số tầng số âm thanh nào đó, trong khi loài chó có thể nghe những âm thanh cao hơn nhiều, so với khả năng của mình. Theo phép ẩn dụ thì nếu như nhìn vào quang phổ của hạnh phúc và bất hạnh, đau đớn và khoái cảm, thì ta sẽ thấy rằng nếu như là con người, khi mức độ đau đớn hay đau khổ đi đến một mức độ nào đó thì mình sẽ bất tỉnh, và khi lạc thú đi đến đỉnh cao nhất thì ta sẽ hủy diệt nó. Nó giống như khi đang tiến đến cảm giác cực khoái thì bạn sẽ vội vàng để kinh nghiệm điều đó, trên cơ bản là sẽ phá hủy, hay kết thúc nó. Khi tìm hiểu cơn ngứa và phân tích nó một cách khách quan thì ta sẽ thấy rằng thật ra nó là lạc thú, chứ không phải là đau đớn. Đó là một lạc thú rất mãnh liệt, nhưng vì nó chứa đựng quá nhiều lạc thú và quá mãnh liệt, nên mình phải gãi nó. Chúng ta phải hủy diệt nó.

Nếu có những dạng sống có thể trải nghiệm những phần khác của quang phổ ánh sáng và âm thanh, thì tại sao lại không thể có những dạng sống có thể trải nghiệm thêm những điểm khác trên quang phổ đau đớn và khoái cảm, hạnh phúc và bất hạnh? Trên thực tế thì dòng tâm thức của mỗi một chúng sinh hoàn toàn có khả năng trải nghiệm toàn bộ quang phổ hạnh phúc và bất hạnh, khoái cảm và đau đớn. Vấn đề là mình sẽ tái sinh thành loại chúng sinh nào, mà nó sẽ quyết định ta sẽ trải nghiệm phần nào của quang phổ trong kiếp đó. Tôi nghĩ rằng điểm chính về các dạng sống khác không phải là chúng được định vị ở đâu và nhìn giống như thế nào, là những điều thuộc về thứ yếu và khá tầm thường. Điểm quan trọng không chỉ là giảm thiểu chúng thành trạng thái tâm lý của con người, mà là nhận ra rằng tâm thức có khả năng trải nghiệm nhiều hơn trên thước đo của lạc thú và nỗi đau, hay hạnh phúc và bất hạnh, so với bộ máy của con người có thể cho phép mình trải nghiệm.

Vấn đề ở đây là chúng ta muốn được giải thoát khỏi tất cả những điều đó, bởi vì bất kể phần nào của quang phổ khoái cảm và đau đớn, hay hạnh phúc và bất hạnh mà mình cảm nhận sẽ không bền lâu. Trừ khi ta là một vị A la hán, còn không tất cả những dạng sống và kinh nghiệm này đều phát sinh từ vô minh, và đơn giản là sẽ tạo ra nhiều sự mê lầm hơn. Vì bản chất tự tồn tại mãi mãi này của luân hồi mà kinh nghiệm của chúng ta về khoái cảm và đau đớn, hạnh phúc và bất hạnh này thăng trầm liên tục, mà không có gì là an toàn và chắc chắn cả. Điều mà mình muốn nhắm vào là trạng thái giải thoát bất biến, khi sẽ không có sự thay đổi. Rồi thì ta sẽ luôn có loại hạnh phúc không trộn lẫn với vô minh, và sẽ không trải qua sự thăng trầm.

Nó sẽ giúp ta hướng đến giải thoát, khi nhận ra rằng bất kỳ thú vui nào mình tìm thấy trong ba cõi của sự hiện hữu cưỡng bách này, như Togme Zangpo đã nói, là các pháp biến hoại trong khoảnh khắc, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ. Những thú vui này không bao giờ bền lâu, nên mình không bao giờ biết kế tiếp thì điều gì sẽ xảy ra, và không bao giờ cảm thấy toại nguyện. Để đạt được giải thoát thì phải đoạn trừ tâm vô minh này, sự mê lầm này mà lúc nào mình cũng có. Nếu như đoạn trừ được điều này thì ta sẽ thoát khỏi những phiền não phát sinh từ đó, và sẽ không còn kích hoạt những tập khí nghiệp và nghiệp lực của mình nữa. Ta sẽ không tạo tác thêm nghiệp mới nữa, vì không còn hành động một cách cưỡng bách hay bốc đồng, và không còn trải nghiệm cái gọi là “hạnh phúc cấu nhiễm”, và nỗi bất hạnh phát sinh từ nghiệp lực. 

Để đoạn trừ vô mình này và thành tựu giải thoát thì phải tu tập tam vô lậu học. Trước tiên là tu tập về giới vô lậu học. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách kềm chế thân và khẩu một cách cụ thể, bởi vì việc kềm chế tâm ý thì khó khăn hơn một chút. Tuy nhiên, nếu như ít nhất mình có thể kềm chế thân và khẩu của mình, để không tạo ra hành vi tiêu cực, thì việc này sẽ cho ta sức mạnh để có khả năng kềm chế tâm ý bằng định vô lậu học. Với định vô lậu học thì ta sẽ tu tập để khống chế tâm tán loạn, hôn trầm, vân vân.

Tất nhiên, điều cũng quan trọng là cố kềm chế những ý nghĩ tiêu cực như ham muốn, “Tôi đã phải có được những thứ mà người khác có.”. Ham muốn bao gồm việc âm mưu làm cách nào để có được nó. Cũng phải kềm chế việc suy nghĩ với ác ý, âm mưu làm sao để trả thù. Tất nhiên, nếu như có thể kềm chế những điều này thì nó cũng giúp ta kềm chế tâm tán loạn. Tuy nhiên, phương diện tâm ý thì khó khăn hơn nhiều, so với phương diện thân và khẩu. Trên cơ sở tu tập về định vô lậu học thì ta có thể áp dụng định tâm này cho tuệ vô lậu học. Nói cách khác là sau đó thì ta có thể chú tâm vào Không tướng (tánh Không), điều sẽ đoạn trừ vô minh mãi mãi.

Câu Hỏi

Tại sao theo đạo Phật thì từ kiếp này sang kiếp khác, chúng ta không thể nhớ những gì mình đã học từ những kiếp trước, về mặt nghiên cứu tâm linh và vân vân, để điều này giúp cho việc tu tập của mình hiệu quả hơn?

Thứ nhất là thật ra có một số người nhớ những điều nào đó. Điều chủ yếu mà mình mang theo là những khuynh hướng rất mạnh mẽ, nên nếu như mình tu tập nhiều thì sẽ tạo ra những tập khí mạnh mẽ mà trong một kiếp tái sinh làm người quý báu trong tương lai, sẽ giúp cho mình rất dễ gặp lại Phật pháp. Khi học hỏi thì ta chỉ cần gợi nhớ về những điều đó thôi. Nói cách khác là mình chỉ cần được nghe điều gì một lần thôi, và sẽ biết ngay,. Thầy của tôi là Serkong Rinpoche, là một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama, và Thầy nói với tôi rằng trong bất cứ bài học nào thì không có điều gì phải được lặp lại lần thứ hai với Đức Dalai Lama. Bạn chỉ cần nói với Ngài một lần thôi là Ngài đã biết rồi.

Chúng ta có thể liên hệ với kinh nghiệm này, nếu như mình học ngôn ngữ khi còn là một đứa trẻ, hay thanh niên, nhưng không sử dụng nó trong hầu hết cuộc đời của mình. Chẳng hạn như tôi đã học tiếng Hoa khi còn trẻ, nhưng đã không sử dụng nó trong khoảng 40 năm. Tôi đã từng nói khá trôi chảy, nhưng bây giờ thì không còn nhớ chữ nào hết. Nhưng người nào chỉ cần nói với tôi một chữ tiếng Hoa về một điều gì đó, thì tôi sẽ nhớ ra và biết ngay. Đối với hầu hết chúng ta thì đó là điều tốt nhất mà mình có thể hy vọng. Rõ ràng là có một số Lạt ma vĩ đại tuy không được dạy bất cứ điều gì, nhưng có thể nhớ và trì tụng điều gì mà các ngài đã ghi nhớ từ những kiếp trước, nhưng điều này rất hiếm.

Nhiều người Tây phương  chúng ta dường như gặp Phật pháp khi đã khá già. Tất nhiên là nếu như có thời gian để trước tiên học hỏi và thấu hiểu các chủ đề và những lời giải thích khác nhau, rồi thiền quán về chúng thì rất lý tưởng, nhưng chúng ta thường có nhu cầu cấp bách đối với việc đối phó với sự rối loạn cảm xúc, và thiếu khả năng đối phó với tất cả những điều này. Rồi thì chúng ta không thật sự hiểu những điều khác nhau được trình bày trong các giáo lý, và không thể liên lạc với các vị thầy. Làm thế nào để ta có thể đối phó với tình huống này?

Hiện nay thì có nhiều sách hơn nhiều, so với 40 hay 50 năm trước. Ngay cả khi không có thầy thì vẫn có những cuốn sách hay để đọc. Bên cạnh đó, mình còn có Internet (mạng lưới điện tử toàn cầu) và các trang mạng giống như trang mạng này, có nhiều bài Pháp và Pháp âm để nghe bằng nhiều ngôn ngữ.

Tất nhiên là số lượng tài liệu lớn nhất có mặt bằng tiếng Anh, nên nếu như bạn không hiểu tiếng Anh thì có lẽ nên học hỏi một chút tiếng Anh. Tuy nhiên, còn có nhiều tài liệu hơn bằng tiếng Tây Tạng, nên những người nói tiếng Anh cũng đang mất cơ hội tu học. Tất nhiên, nếu như mình thật sự nghiêm túc, thì phải nỗ lực rất nhiều để thành tựu giác ngộ. Một trong những khía cạnh của nỗ lực này có thể là học một ngôn ngữ khác.

Với giáo pháp thì chúng ta đang cố gắng rèn luyện nhân cách của mình, và một trong những điều lớn lao mà mình phải tạo dựng là chịu khó tu tập một cách tinh tấn. Giải thoát và giác ngộ không phải là việc dễ dàng, và chúng cũng sẽ không được đút vào miệng của mình. Bất kể mình đọc tiểu sử nào về các đạo sư vĩ đại của Tây Tạng và Ấn Độ, thì ta đều biết rằng tất cả các ngài đều trải qua rất nhiều gian khổ để tu học Pháp. Vậy thì tại sao vấn đề lại khác biệt đối với mình?

Người Tây phương có khuynh hướng có lòng tự ti, nên chúng ta sẽ chán nản. Vì vậy mà việc khích lệ họ là điều hữu ích, giống như “Bạn có thể làm điều đó!” trong giáo lý về Phật tánh. Nhưng nếu như nó giảm thiểu tối đa công phu tu tập gian khổ cần thiết cho việc giải thoát và giác ngộ, thì sẽ không hữu ích. Nó là như vậy! Những phiền não và tập khí tiêu cực của mình rất là mạnh mẽ, và chúng ta có thể tự mình nhìn thấy chúng, nếu như mình xem xét một cách trung thực. Không có cách nào dễ dàng để thoát khỏi chúng. Hiện nay thì chúng ta thật là may mắn, vì không cần phải đi bộ từ Tây Tạng đến Ấn Độ để có được giáo lý; thay vì vậy thì tất cả những gì mình cần phải làm là bật máy vi tính lên và vào Internet. Khi bạn nhìn vào sự việc như thế này, thì thật sự là không thể viện cớ gì nữa!

Một trong những câu chuyện có nhiều cảm hứng nhất là tiểu sử của dịch giả Marpa. Đó là lần đầu tiên ngài đến Ấn Độ, nên đã học ngôn ngữ nước Ấn Độ, và đã dịch hàng loạt kinh sách. Khi đang trên đường trở về Tây Tạng với các bản dịch, và đang đi qua sông Hằng thì chiếc thuyền của ngài bị lật. Ngài đã mất tất cả các bản dịch, và phải quay lại để dịch lại tất cả các kinh sách, nên ngài đã làm như vậy. Khi ổ cứng của mình bị hư thì ta có thể nghĩ về Marpa!

Top