Tâm Xả Ly, Tâm Ái Ngã So Với Tâm Ái Tha

Giới Thiệu Tổng Quát Và Bình Luận

Phạm vi của giáo pháp thì vô hạn, và đã được ban cho chúng sinh với vô lượng căn cơ khác nhau. Tất cả giáo pháp có thể được tóm gọn trong tam thừa: Tiểu thừa, Kinh điển Đại thừa và Mật điển Đại thừa. Tất cả những thừa này và giáo pháp liên quan đến chúng đều được bảo tồn ở Tây Tạng. Và khi các dòng truyền thừa được ban truyền ở Tây Tạng, thì có thể phân biệt giữa truyền thống cựu dịch và tân dịch: Nyingma và Sarma. Trong Sarma hay các truyền thống tân dịch, thì có Sakya, Kagyu và Kadam. Phái cuối cùng này, tức Kadam, bắt nguồn từ A-đề-sa (Atisha), sau này trở thành truyền thống Gelug.

Truyền thống Kadam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các giáo pháp bồ đề tâm. Truyền thống Gelug chuyên ban truyền tất cả các giáo pháp sâu rộng về đề tài này, xuất phát trực tiếp từ dòng của ngài Long Thọ (Nagarjuna) vĩ đại, và những đứa con tâm linh của ngài từ Ấn Độ.

Như đã nói, điều cực kỳ quan trọng là tâm thức và tất cả mọi thứ trong bản thân mình phải hoàn toàn phù hợp với giáo pháp. Việc giữ gìn giáo pháp không chỉ là việc đầu môi chót lưỡi, mà phải được kết hợp với tâm thức của mình, hài hòa với căn cơ của mỗi hành giả. Điều rất quan trọng là không rơi vào cực đoan bộ phái, cho rằng chỉ có một trong những truyền thống này của đạo Phật mới chứa đựng giáo pháp chân thật. Là vị Panchen Lama thứ Tư vĩ đại, ngài Lozang Chokyi Gyaltsen đã nói trong Một Bản Chánh Văn Của Đại Thủ Ấn (A Root Text for Mahamudra, Phyag-chen rtsa-ba) rằng: “Từ quan điểm của những tên gọi được quy gán một cách riêng rẽ, thì có rất nhiều truyền thống... Tuy nhiên, khi được một hành giả du già uyên bác về kinh điển, luận lý học và có kinh nghiệm (hành thiền) nghiên cứu cẩn thận, thì ý nghĩa rốt ráo của chúng đều xuất phát từ chủ ý của một điểm.”. Vì vậy, việc cực kỳ quan trọng là tiếp cận với giáo pháp một cách vô tư, không thiên vị.

Chúng ta đang nghiên cứu tác phẩm của Namkapel, một đệ tử của Tông Khách Ba vĩ đại, có tựa đề là Luyện Tâm Như Tia Sáng Mặt Trời, là một luận giải về Luyện Tâm Thất Điểm của Geshe Chekawa. Bảy điểm đó là:

  • Pháp tu sơ khởi
  • Phương pháp tu tập hai tâm bồ đề 
  • Chuyển hóa nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ
  • Pháp hành một đời 
  • Đo lường tâm điều phục
  • Pháp tu cam kết
  • Những điểm luyện tâm

Hoàn Tất Pháp Tu Sơ Khởi

Cho đến nay, chúng ta đã nói về pháp tu sơ khởi. Với lòng sùng mộ toàn tâm toàn ý với một vị đạo sư, như đã giải thích trước đây, chúng ta sẽ tu tập những điểm trong trình tự đường tu giác ngộ. Khi nghĩ về kiếp người quý giá, thì phải nhận ra tất cả những khía cạnh tự do hay nhàn nhã, và tất cả những thuận lợi mà mình có được. Một khi đã nhận ra chúng, thì mình có thể tận dụng những điều này. Đó là vì một khi xem trọng những điều mình có, thì tự nhiên, ta sẽ muốn tận dụng nó.

Việc nghĩ về cách mình có thể dễ dàng đánh mất cơ hội này như thế nào sẽ khiến cho mình lưu tâm đến cái chết và vô thường. Chúng ta sẽ nhận thức rằng ngoại trừ Pháp và những biện pháp ngăn ngừa, mà mình đã tích tập trong dòng tâm thức ra, thì không có điều gì khác sẽ giúp ích cho mình vào phút lâm chung. Nếu muốn thật sự kết hợp các biện pháp và hành trì tâm linh vào trong tâm thức, thì phải có chánh niệm về cái chết. Nếu không thì nỗ lực của mình sẽ không hoàn toàn nghiêm túc. Chúng ta có thể ngưỡng mộ tất cả các bậc thầy vĩ đại trong quá khứ ở Tây Tạng, và tất cả những bậc thầy vĩ đại ở Ấn Độ. Hiện giờ, cũng có rất nhiều các hành giả cao cả, thật sự cống hiến cả đời cho việc tu tập - một số ở Mysore, một số trong các hang động ở đây, tại Dharamsala, một số ở Ladakh và những nơi khác trong Ấn Độ - nhưng không ai có thể bất tử, không ai sẽ sống mãi.

Dù có ở trong hoàn cảnh nào, thì điều cực kỳ quan trọng là lập kế hoạch cho cách tốt nhất để tận dụng nó, để có được sự tiến triển tâm linh to lớn nhất. Có thể nghĩ về những cộng đồng mà mình có thể tham gia, về mặt Tăng thân và v.v..., nhưng dù cho mình dấn thân đến mức nào đi nữa, thì điều quan trọng là phải toàn tâm toàn ý hướng về giáo pháp. Điều cực kỳ quan trọng là các cư sĩ cũng có học thức và tu tập tốt. Ta có thể thấy điều này là đúng, từ bất cứ quan điểm nào mình sẽ sử dụng, để khảo sát nó. Nếu như có người kiêu căng và tự đắc, bóc lột và lợi dụng người khác, thì chỉ khiến cho mọi người khinh miệt và khó chịu với họ thôi. Ngay cả khi không phải là người mộ đạo, thì việc trưởng dưỡng tự thân như một người tốt vẫn là điều cực kỳ quan trọng. Rồi nếu như mình thật sự trở thành một người tâm linh, thì sẽ không chỉ nghĩ về kiếp này, mà phải nghĩ về tất cả những kiếp tương lai, và cách mà mình có thể tạo lợi lạc cho chúng.

Dù đang tu tập ở mức độ nào - dù chỉ cho kiếp này hay những kiếp tương lai – thì mình phải nỗ lực hết sức để cải thiện bản thân, tu tập cho chính mình để phát triển, trở thành một người tốt hơn và tử tế hơn. Nhờ vậy mà đời sống sẽ trở nên hạnh phúc hơn, và xã hội mà mình đang sống trong đó cũng sẽ hạnh phúc hơn. Nếu như đã tu tập cả đời để trở thành một người tốt hơn, và phát triển những tiềm năng tích cực, thì vào phút lâm chung, ta sẽ không qua đời với cảm giác hối tiếc lớn lao, rằng mình đã lãng phí cuộc đời. Điều khá quan trọng là phải chú trọng vào điều này, để không hối tiếc, khi mình qua đời, và cách tốt nhất để chết với tâm an lạc là tích tập công đức trong dòng tâm thức trong suốt kiếp này. Nếu như đã tích lũy công đức một cách mạnh mẽ trong kiếp này, thì trong những kiếp sau, ta sẽ gặp những hoàn cảnh dễ chịu, mọi việc sẽ tiếp tục được cải thiện, và mình có thể tiếp tục phát triển, có sự tiến triển về mặt tâm linh.

Dù mình có thể chứng ngộ bất cứ đường tu nào trong kiếp này hay không, chẳng hạn như ngũ đạo, thì từ việc tích lũy công đức trong kiếp này, mình có thể qua đời với hy vọng rằng trong những kiếp tương lai, ta sẽ chứng ngộ một trong những đường tu này, và trở thành một bậc chứng ngộ, một thánh nhân.

Tâm Xả Ly

Trong tác phẩm này, chúng ta đã đi đến điểm pháp tu sơ khởi, mà đề tài tâm xả ly, hay quyết tâm thoát khổ, được bàn luận đến. Nếu như không nghĩ về tất cả những khó khăn và nỗi khổ của mọi tình huống cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi, thì mình sẽ không phát triển quyết tâm này, để thoát khỏi tất cả những điều này, đó là tâm xả ly. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là phải tư duy về tất cả những hoàn cảnh này, để phát tâm hoàn toàn chán ghét chúng, và quyết tâm mạnh mẽ từ đáy lòng, để được tự do.

Các sách về Giới luật (Vinaya) nói rằng: “Kết cuộc của việc lên cao là rơi xuống thấp. Kết cuộc của việc tụ họp là phân tán, chia lìa.”. Đó là bản chất của thực tại. Không cần phải nói là trong những kiếp vô thỉ, tất cả những chúng sinh đã sống gần gũi với mình đều đã chia tay với mình, và điều này cũng đã xảy ra trong kiếp này. Không cần biết mình đã tận hưởng sự huy hoàng nào trong hiện hữu thế gian, thì cuối cùng, tất cả sẽ hoại diệt và tan vỡ. Khi nghĩ về những kiếp vô thỉ mà mình đã sinh ra, rồi chết đi hết lần này đến lần khác, thì những điều liên tục tái diễn là sinh và tử, và dường như mình luôn luôn trải qua những điều này một mình. Khi ghi nhớ điều này, thì rõ ràng điều quan trọng là phải tích tập những loại công đức khác nhau, bằng cách cố gắng phát triển các ba la mật, như trì giới, bố thí, v.v...

Phải nhận thức rằng dù có được những pháp biến hoại nào, thì không có pháp nào trong số những pháp này là điều đáng tin cậy. Không thể nương tựa vào cơ thể của mình, vì nó không ổn định. Cũng không thể dựa vào địa vị hay sự giàu sang và tài sản của mình, vì những điều này không phù hợp, để có được sự an toàn. Trong tác phẩm Bằng Hữu Thư (Letter to a Friend, bShes-phreng), Long Thọ đã nêu ra đề tài về những nỗi khổ mà chúng ta phải trải qua, như bệnh, lão, tử, không có được những điều mình muốn (cầu bất đắc), có được những gì mình không muốn (oán tằng hội), vân vân.

Những điểm này được bàn luận rất chi tiết trong Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ của Tông Khách Ba (Grand Presentation of the Graded Stages of the Path,  Lam-rim chen-mo), về sáu loại khổ, tám loại khổ và ba loại khổ, nên có nhiều cách để trình bày về nó. Nói tóm lại thì một khi mình được sinh ra vì ảnh hưởng của nghiệp và phiền não, thì không có điều gì, ngoài những nỗi khổ và vấn đề, sẽ xảy ra. Chúng ta có tất cả các nguyên nhân đã được thu thập trong bản thân mình, sẽ tạo ra những vấn đề và khổ đau. Những hoàn cảnh bên ngoài chắc chắn có thể giúp cho những nhân này trổ, nhưng chính chúng đã có sẵn ở trong tâm thức của mình. Vì vậy nên mình mới khổ, chẳng hạn như những vấn đề của chân khổ, như mình bị bệnh, bị tổn thương, đau đớn và vân vân.

Khi nghĩ về cơ thể con người, là điều bắt nguồn từ những chất trong thân thể của cha mẹ, những thứ buồn nôn như tinh cha, huyết mẹ. Khi xem xét một cách khách quan, thì chúng không có gì thú vị hay hấp dẫn. Đặc biệt, nếu như nghĩ về thân người, và lột lớp da bên ngoài ra, thì không có gì hấp dẫn. Không ai thấy những bộ phận bên trong của cơ thể có gì là đặc biệt hấp dẫn.

Bản chất này của thân người như điều gì bất tịnh và không có gì hấp dẫn, thì không xuất phát từ bên ngoài, mà bắt nguồn từ bản chất thật sự của nó. Nếu như thấy một vũng tinh trùng và máu trên sàn nhà, thì ta sẽ không thấy nó rất là hấp dẫn, hay đẹp đẽ. Tất cả mọi người sẽ thấy nó khá buồn nôn và kinh tởm, nhưng đó là những nguyên nhân thật sự, hay những chất mà từ đó, cơ thể đã được tạo ra. Vậy thì bản chất thật của nó không có gì hấp dẫn. Nhưng sự phán xét về cơ thể như là rất hấp dẫn - cách nhận xét thân mình một cách sai lầm – đóng vai trò như hoàn cảnh cho tất cả những phiền não trong dòng tâm thức của mình bùng lên, như tham, sân và si. Tất cả những điều này phát sinh từ việc chấp thủ vào những chất bất tịnh này, chấp nó như là “tôi”, “thân của tôi”, v.v... Cách nhận diện này đóng vai trò như cơ sở cho đủ loại phiền não phát sinh.

Nếu như không sử dụng thân này một cách tích cực, thì thật ra, nó sẽ làm được gì? Trước tiên, nó đã khiến cho mẹ của mình khó ở, khi phải cưu mang nó trong bụng, rồi phải chịu đau đớn khi sinh ra nó. Sau đó, nó đã tạo ra nhiều vấn đề và đau khổ cho tất cả những người hỗ trợ cho nó. Nó đã tạo ra, và tiếp tục tạo ra nhiều rắc rối và sự bận tâm về việc chăm sóc nó, nên nếu như không tạo ra điều gì có tính xây dựng từ thân này, thì nó chỉ là một kẻ gây rối. Và chúng ta đã có loại thân thể này từ vô thỉ.

Hãy lấy một ví dụ mà luôn được sử dụng, đó là đại dương luân hồi. Đại dương là điều gì không thể thấu hiểu được, vì không thể đo lường chiều sâu của nó. Tương tự như vậy, khi nghĩ về tất cả những thân người mà mình đã có được, và tất cả những vấn đề đã phát sinh, tất cả những nỗi khổ liên quan đến việc già nua. Cho dù mình có kinh doanh hay làm việc gì, thì sẽ làm việc với sức sống giảm dần, tâm trí sẽ buồn phiền và yếu đuối hơn, các giác quan cũng sẽ yếu dần, cơ thể sẽ bắt đầu suy yếu và rã rời. Đây là điều mà tất cả mọi người đều trải qua, đúng không? Vấn đề lão hóa là điều rất đau đớn. Và tất cả mọi người đều biết những nỗi khổ liên quan đến bệnh tật. Chúng ta phải trị liệu bằng những phương pháp thường rất tốn kém và cực kỳ khó chịu. Nếu nghĩ về nó từ những quan điểm khác nhau, thì thân này thật sự là điều tạo ra rắc rối, vì nó bị bệnh, già nua, vân vân. Cho dù mình có chăm sóc cơ thể nhiều đến mức nào, dù mình có thể lực hay không, thì cuối cùng, thân này cũng sẽ tan rã. Vì vậy, phải nghĩ về tất cả những vấn đề liên quan đến việc già nua, và mình không thể có thể lực mãi mãi.

Tứ Diệu Đế

Đối với thành tựu giải thoát, thì chắc chắn đó là điều mình phải đạt được. Nhưng nếu như ta chỉ nghĩ rằng: “Chỉ cần thành tựu giải thoát, là mình có thể nghỉ ngơi rồi!”, thì điều này sẽ không đem lại giải thoát.

Tất cả mọi người đều muốn đạt được chân diệt, một sự chấm dứt thật sự của tất cả những vấn đề và rắc rối này, nhưng không thể chỉ ngồi đó mà mong cho chúng biến mất, bằng cách ước mong chúng sẽ biến mất, mà phải xem xét những nguyên nhân tạo ra rắc rối cho mình: tất cả các uẩn cứ tái diễn một cách bất tự chủ, tạo ra mỗi sát na trong kinh nghiệm của mình. Những uẩn này phát sinh từ phiền não, vì tâm không được điều phục. Nó không được điều phục, vì vô minh và chấp thủ vào sự tồn tại được thật sự thiết lập. Vì tà kiến về thực tại mà tâm chấp thủ mới phát sinh.

Nếu như xem xét các quan điểm về thực tại mà mình có thể có, thì một số là phiền não, và một số thì xác thực. Vì phiền não dựa trên quan điểm sai lầm và lệch lạc về thực tại, nên nếu như mình có quan điểm đúng đắn và xác thực về thực tại, thì căn nguyên của những phiền não này sẽ bị đoạn diệt. Khi chánh kiến về thực tại trở nên mạnh mẽ hơn trong tâm thức,  khi hoàn toàn quen thuộc với việc luôn nhìn các pháp bằng quan điểm đúng đắn về thực tại, thì tà kiến của mình, điều hoàn toàn dựa trên ảo tưởng, sẽ ngày càng yếu đi.

Khi thành tựu được một chân diệt hoàn toàn, chấm dứt tâm chấp thủ, xem các pháp tồn tại như được thiết lập một cách chân thật, bất khả thi, thì ta sẽ đoạn trừ những cấu uế, khiến cho mình không thấy bản tánh của tâm. Những cấu uế này bất định, không phải là chân tánh của tâm. Có những giai đoạn tiến triển của các chân diệt, chấm dứt tâm chấp thủ vào sự tồn tại thật sự được thiết lập. Khi tiến tu và thành tựu các giai đoạn của những chân diệt này, ta có thể loại trừ tất cả những cấu uế bất định, và chứng ngộ chân tâm. Nếu như không thể giải quyết được vấn đề này, thì không cần phải khổ công tu tập. Nhưng vì có thể loại trừ các cấu uế đã tạo ra cho rất nhiều đau khổ và vấn đề cho mình, nên việc tư duy về những vấn đề cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi là điều rất thích hợp. Nhờ vậy mà mình sẽ phát tâm mạnh mẽ để được tự do, và tu tập để thành tựu chân diệt, và chấm dứt vấn đề.

Hãy xem xét những loại khổ khác nhau: khổ vì đau khổ (khổ khổ), khổ vì thay đổi (hoại khổ), và nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ). Loại thứ ba là nỗi khổ của việc có các uẩn, ảnh hưởng đến mỗi một sát na trong kinh nghiệm của mình. Đó là bản chất của thân, cùng với các uẩn của mình, chỉ tạo ra vấn đề. Các uẩn bắt nguồn vì nghiệp lực và những phiền não đi kèm với nó. Nếu như có thể đoạn trừ những điều này, thì ta có thể thoát khỏi những vấn đề khó khăn, xảy ra từ các uẩn. Vậy thì đây là loại khổ thứ ba, các uẩn đi kèm với phiền não và nghiệp, trên cơ bản là những thứ tạo rắc rối. Chúng tạo ra luân hồi, nên chắc chắn là mình phải nghĩ về khuyết điểm của luân hồi từ nhiều quan điểm khác nhau. Nếu như nghĩ rằng một khi mình xuất gia, thì sẽ thoát khỏi luân hồi, trong khi nếu như lập gia đình và có con cái, thì sẽ ở trong luân hồi, thì đó là thái độ hoàn toàn sai lầm.

Diệu đế thứ hai - nguồn gốc thật sự, hay nguyên nhân của mọi vấn đề - là phiền não và nghiệp. Hãy xem xét liệu mình có thể đoạn trừ những điều này hay không. Ta sẽ thấy rằng trên thực tế, thì có thể đoạn diệt chúng mãi mãi, có thể có sự chân diệt, hay chấm dứt chúng thật sự, và nếu muốn đạt được điều này, thì phải phát triển các chân đạo trong tâm thức. Đây là những điểm sâu sắc nhất.

Cách sâu sắc nhất để có được tự do, thoát khỏi mọi vấn đề và đau khổ là phát bồ đề tâm. Có nhiều cách để dẫn dắt đến việc phát bồ đề tâm. Ở đây, chúng ta đang nói về việc phát bồ đề tâm, chỉ trong bối cảnh không bận tâm với kiếp này, và quan tâm đến những kiếp tương lai. Chúng ta không nói về việc giới hạn tâm ý của mình vào giải thoát, và không bận tâm đến những kiếp tương lai. Trong tác phẩm này, bất cứ chứng ngộ nào liên quan đến kiếp này mà mình có được, thì ta sẽ hướng về khát vọng phát bồ đề tâm ngay lập tức. Đây là cách nó được giải thích trong bản văn này.

Phát Triển Hai Loại Bồ Đề Tâm

Tầm Quan Trọng Và Lợi Ích Của Việc Phát Bồ Đề Tâm

Hiện giờ, chúng ta đã hoàn thành pháp tu sơ khởi. Điểm thứ hai trong bảy điểm là làm thế nào để phát bồ đề tâm. Phải phát triển hai loại bồ đề tâm: tương đối và tuyệt đối. Bồ đề tâm tương đối được nhắm vào chân lý tương đối (quy ước, thiển cận, bề ngoài, rõ ràng) của mọi người và mọi thứ, trong khi bồ đề tâm tuyệt đối nhắm vào chân lý sâu sắc nhất, tánh Không của vạn pháp. Trong tác phẩm này, chúng ta sẽ phát bồ đề tâm tương đối trước, và rồi đến bồ đề tâm tuyệt đối. Trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (A Filigree of Realifying, mNgon-rtogs rgyan, Phạn ngữ: Abhisamayalamkara), Đức Di Lặc nói rằng một người có trí thông tuệ rất nhạy bén sẽ phát triển sự hiểu biết về thực tại trước hết, rồi trên cơ sở đó, mới phát bồ đề tâm tương đối. Đôi khi thì việc phát triển hay phát bồ đề tâm tuyệt đối trước tiên sẽ hữu hiệu hơn. Đó là vì khi mình nhận ra rằng có thể đạt được một chân đạo, nhờ việc phát bồ đề tâm tuyệt đối, thì mới có khả năng thành tựu giải thoát khỏi luân hồi, và hơn thế nữa để, thành tựu giác ngộ. Khi thấy rằng đây là một mục tiêu thực tế, thì mình có thể quan tâm đến việc thành tựu giác ngộ vì tha nhân.

[Ghi chú: Trong phiên bản của Togme Zangpo về chánh văn của Geshe Chekawa, thì bồ đề tâm tuyệt đối được trình bày trước bồ đề tâm tương đối, với vần kệ: “Hãy xem vạn pháp như huyễn mộng. Quán sát bản tánh của tánh giác vốn vô sinh. Ngay pháp đối trị cũng tự nó giải thoát. Tinh túy đường tu là nghỉ ngơi trong A lại da thức. Khi xuất thiền, hãy hành động như người tạo ảo.”. Trong phiên bản của Pabongka thì dòng bổ sung sau đậy sẽ đi trước vần kệ về bồ đề tâm tuyệt đối này: “Điều gì ẩn giấu sẽ được biểu hiện sau khi đạt được sự ổn định (trong đó)”, ngay sau những vần kệ về bồ đề tâm tương đối. Dòng bổ sung này hoàn toàn không xuất hiện trong phiên bản của Togme Zangpo. Trong phiên bản Namkapel thì câu này, cùng với dòng bổ sung đi trước nó, đã xuất hiện ở cuối bản văn.]

Đại thừa được chia ra thành đường tu Kinh điển và Mật điển, và không cần biết mình sẽ noi theo hướng nào, thì lợi điểm của việc phát bồ đề tâm tương đối là nó là cửa ngõ thể nhập Đại thừa. Không cần biết mình có thể có những phẩm chất nào khác - ngay cả chứng ngộ về tánh Không - nếu như không có bồ đề tâm trong dòng tâm thức, thì không thể được xem là một hành giả Đại thừa, một người có tâm thức của thừa quảng đại. Nhưng nếu như có bồ đề tâm, thì ngay cả khi không có phẩm chất nào khác, mình vẫn được xem là con cái của chư Phật, một hành giả Đại thừa, có tâm thức của thừa quảng đại. Nhưng  yếu tố phân biệt thật sự, để làm một hành giả Đại thừa, là liệu mình có bồ đề tâm hay không. Chúng ta sẽ thấy điều này trong sách vở của Kinh điển và Mật điển. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Tịch Thiên nói rằng bồ đề tâm là cửa ngõ duy nhất để thể nhập Đại thừa. Mật Điển Kim Cang Thủ (The Tantra of Vajrapani) cũng nói rằng nếu như có bồ đề tâm, thì mới có đủ điều kiện để đi vào mạn đà la, và nhận quán đảnh (điểm đạo). Nhưng nếu không có bồ đề tâm, thì không có đủ tư cách, hay được phép nhận lễ quán đảnh.

Tất cả những trích dẫn này cho thấy bồ đề tâm là cội nguồn của mọi phẩm chất tốt đẹp. Và thật sự, khi nhìn vào nó, thì lợi ích của việc phát bồ đề tâm là vô hạn. Nó được bàn luận rất đầy đủ trong Nhập Bồ Tát Hạnh. Khi quán chiếu về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và tại sao Ngài là một bậc tôn quý và quan trọng như vậy, đó là vì ngài có lòng nhân từ, và dựa vào đó, đã phát bồ đề tâm, để thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Khi xem xét ưu điểm của việc có lòng nhân từ, làm người tốt, thì ta có thể thấy những điều này, ngay cả với thú vật. Nếu mình có một con mèo chỉ ngồi ngoan ngoãn và rừ rừ, thì mình sẽ cho nó ăn, và đối xử với nó rất đàng hoàng. Nhưng nếu con mèo luôn nhảy lên và hành động điên cuồng, cào cấu, cắn xé và làm những điều tương tự, thì không ai sẽ hài lòng với một con vật như vậy, và có thể không cho nó ăn. Đối với con người, nếu như mình tử tế và nồng nhiệt, thì mọi việc sẽ xảy ra như ý. Nhưng nếu như mình rất thô bạo và xấu tính, thì không có ai muốn ở gần mình.

Điều cực kỳ quan trọng là phải tu tập để phát triển tất cả những tâm thái tích cực này: lòng từ ước nguyện tất cả chúng sinh được hạnh phúc, lòng bi mong muốn cho tất cả chúng sinh thoát khổ, và tình thương dành cho tất cả chúng sinh. Nếu như dựa trên cơ sở của những điều này mà mình đã phát bồ đề tâm, thì chỉ dựa vào điều đó, ta sẽ tích lũy vô lượng công đức. Vì vậy, chính bồ đề tâm sẽ tạo ra những tiềm năng để bảo vệ mình, và đoạn trừ chướng ngại.

Chỉ cần nói chữ bồ đề tâm, hay nghe nó được thốt ra, thì đã là điều tích cực, và có tính cách giáo dục một cách sâu xa. Đây là phần đầu của đoạn này, lợi lạc của việc phát bồ đề tâm.

Phần thứ hai giải thích về cách tu tập trước tiên là bồ đề tâm tương đối, rồi đến bồ đề tâm tuyệt đối. Bồ đề tâm tương đối nhắm vào tất cả chúng sinh, với mục đích giải thoát họ khỏi sinh tử, và nhắm vào giác ngộ, với mục tiêu thành tựu nó. Khi nói về việc tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, đó là vấn đề thay đổi thái độ của mình về tự thân và tha nhân, nên phải nhớ rằng bồ đề tâm là tấm lòng có chủ ý để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh một cách mạnh mẽ, mở rộng vô hạn cho tất cả chúng sinh, và cũng là một chủ ý mạnh mẽ để thành tựu giác ngộ, mở rộng hoàn toàn về hướng này.

Hai Phương Pháp Phát Bồ Đề Tâm Tương Đối

Những phương pháp để phát bồ đề tâm tương đối là bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha, và bảy điểm nhân quả. Cả hai phương pháp này đều có cơ sở để phát triển tình thương với tha nhân. Tình thương là một cảm giác tự động gần gũi và nồng nhiệt, khi mình gặp gỡ bất cứ ai: ta sẽ trân quý và quan tâm đến họ một cách sâu sắc, và sẽ thấy buồn phiền, nếu như họ gặp điều gì bất trắc. Theo phương pháp bảy điểm nhân quả, nếu như muốn phát triển tình thương này, thì trước tiên, phải phát tâm bình đẳng đối với tha nhân, mà không có lòng luyến ái, ghét bỏ, hay dửng dưng với bất cứ chúng sinh nào. Ta sẽ nhận thức tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, thừa nhận và có chánh niệm về lòng tốt của họ, biết ơn và mong muốn đền đáp lòng tốt của họ, nên mới phát tâm từ với họ.

Hoán chuyển ngã tha xuất phát từ truyền thống của ngài Tịch Thiên. Không cần phải tin vào quan điểm rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình, mà chỉ cần nghĩ chung chung về cách mà tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn khổ hay gặp khó khăn, giống y như mình. Ở mức độ này thì tất cả chúng ta đều bình đẳng. Chúng ta sẽ thấy tâm ái ngã là căn nguyên của mọi vấn đề, trong khi tâm ái tha là căn nguyên của mọi phẩm chất tốt đẹp. Phải nghĩ rằng: “Vì không muốn khổ, và muốn được hạnh phúc, nên tôi phải buông bỏ tâm ái ngã, và phát tâm ái tha.”. Vậy thì trên cơ sở nhận thức tánh bình đẳng của ngã và tha, mình sẽ phát tâm từ cho tha nhân, và thay đổi thái độ đối với họ. Đây là một phương pháp rất sâu rộng. Cả hai cách phát bồ đề tâm – hoán chuyển ngã tha, và bảy điểm nhân quả – đều đưa mình đến điểm này về lòng từ đối với tha nhân.

Tùy theo căn cơ của mỗi người, mà việc phát triển thái độ nhận thức tất cả chúng sinh là “mẹ tôi”, đôi khi có thể gặp vấn đề. Chúng ta có thể phát triển nó về mặt xem bản thân mình rất quan trọng: “Tôi thật sự là người rất quan trọng, và vì tôi là người quan trọng, nên mẹ tôi cũng rất quan trọng.”. Nên mình có cảm giác này, rằng “Tôi muốn giúp mẹ của mình, vì bà là mẹ của tôi”, rồi mình muốn phát triển và giúp đỡ tất cả chúng sinh, vì họ đã từng là mẹ của mình. Có một sự nhấn mạnh lớn về “tôi” và “của tôi”, trong cách phát bồ đề tâm này. Đây là điều nguy hiểm trong chỉ giáo này.

Mặt khác, nếu như nghĩ về pháp hoán chuyển ngã tha, muốn giúp đỡ người khác, không chỉ đơn giản vì họ đã là “mẹ của mình”, mà là vì “họ không muốn khổ, và muốn hạnh phúc, cũng giống như tôi”, thì ít nguy hiểm hơn nhiều. Chúng ta không còn nghĩ về “tôi” và “của tôi”, nên nó trở thành một cách rộng lớn hơn, để tiếp cận với tất cả chúng sinh, và phát bồ đề tâm. Mình không chỉ nghĩ về lòng tốt của người khác, khi họ là mẹ của mình, mà còn nghĩ về lòng tốt của tất cả mọi người, cách mà họ luôn tử tế với mình. Vì vậy, trên cơ bản thì đây là việc bàn luận về cách thực hiện cả hai phương pháp với nhau, tu tập bảy điểm nhân quả, và bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha.

Khuyết Điểm Của Tâm Ái Ngã

[Ghi chú: Trong tác phẩm của Namkapel thì câu trong phiên bản của Togme Zangpo về tác phẩm của Geshe Chekawa, “Đoạn diệt một điều [tâm ái ngã] và đổ lỗi cho nó” được mang đến đây, và khuyết điểm của tâm ái ngã được nêu ra như luận giải cho dòng này. Pabongka cũng noi theo thứ tự này.]

Đối với đến việc hoán chuyển thái độ về tự thân và tha nhân, thì bản văn giải thích cách mà tất cả những vấn đề và khó khăn của mình bắt nguồn từ tâm ái ngã, trong khi mọi lợi lạc và hạnh phúc thì bắt nguồn từ tâm ái tha. Việc chư Thanh văn và Duyên giác không có khả năng đạt được mức độ tâm linh cao nhất, mục tiêu tâm linh tối thượng nhất, là vì tâm ái ngã. Vì vậy, từ đó trở xuống, việc đổ lỗi cho mọi sự bất lợi, mọi khó khăn mà mình trải qua, có thể được hướng về tâm ái ngã, nói cách khác là tâm ích kỷ. Thường thì khi không vui, người ta muốn chỉ vào người khác và buộc tội họ: “Tôi không vui, vì người này đã làm điều này hay điều kia.”. Trên thực tế thì mọi nỗi bất hạnh xuất phát từ lòng vị kỷ, tự xem mình quá lớn lao và quan trọng, đến mức ta sẽ chỉ tay vào người khác, như là người chịu trách nhiệm cho nỗi bất hạnh của mình. Thật ra thì tất cả các vấn đề và bất hạnh của mình bắt nguồn từ ác nghiệp phát sinh từ tâm mình, nói cách khác là nghiệp và phiền não.

Có hai điều ở đây: thái độ ái ngã và chấp thủ vào một bản ngã thật sự tồn tại. Nếu như mình hiểu biết về thực tại, rằng không có cái gọi là bản thể được thiết lập một cách chân thật, thì ta sẽ đoạn trừ cả hai, đó là tâm chấp thủ vào một bản ngã thật sự tồn tại, và tâm ái ngã. Ở đây, chúng ta đang tạo ra sự phân biệt, nói rằng vấn đề xuất phát từ tâm ái ngã, nhưng trên thực tế thì phải nghĩ về cả hai điều này: tâm ái ngã và tâm chấp thủ vào một bản ngã thật sự được thiết lập, thật sự tồn tại.

Những khuyết điểm của tâm ái ngã, hay thái độ ích kỷ, được bàn luận trong những đoạn khác nhau trong Nhập Bồ Tát Hạnh. Khi đề cập đến cả tâm ái ngã và chấp thủ vào một bản ngã thật sự được thiết lập, thì Tịch Thiên nói rằng, “Dù cho có bạo lực nào trên thế gian, và cũng có nhiều nỗi sợ hãi và đau khổ như vậy, thì tất cả đều phát sinh từ tâm chấp ngã. Thế thì con quỷ kinh khiếp ấy có lợi gì cho mình?”. Trong những đoạn khác trong tác phẩm này, Tịch Thiên nêu ra rằng tâm ái ngã xuất phát từ tâm mình và vô minh ở trong tâm, chấp thủ vào một cái 'tôi' thật sự tồn tại.”. Đây là kẻ thù thật sự của chúng ta. Ngài đã viết rằng: “Những kẻ thù lâu dài, tiếp diễn như thế này là nguyên nhân duy nhất, khiến cho hàng loạt những sự tác hại gia tăng hơn bao giờ hết. Làm sao tôi có thể hoan hỷ và không sợ hãi trong luân hồi, nếu như đã dành một nơi an toàn (cho chúng) trong tim mình?”

Nói cách khác là ta nghĩ về “tôi, tôi, tôi” một cách mạnh mẽ, rồi nghĩ rằng “Mình phải hạnh phúc, phải thoát khỏi những khó khăn. Hãy quên mọi người đi. Việc mình sẽ đối xử với người khác như thế nào, để có được hạnh phúc cho bản thân thì không quan trọng.”. Chính vì sự ảnh hưởng của tâm vô minh này, mà mình bóc lột người khác, và làm bất cứ điều gì trong khả năng, chỉ để có được hạnh phúc. Tất cả những sự phức tạp, rắc rối và vấn đề xuất phát từ loại hành vi này, có thể được truy nguyên về thái độ ái ngã và chấp thủ vào sự tồn tại thật sự được thiết lập.

Đức Phật và chúng ta đều như nhau, từ quan điểm rằng dòng tâm thức của chúng ta đã tồn tại từ vô thỉ. Nhưng trong thời gian đó thì Đức Phật đã thành tựu điều gì? Khi đã đoạn trừ tâm ái ngã, dựa vào lòng quan tâm đến tha nhân, Ngài đã thành tựu giác ngộ, trong khi chúng ta vẫn dính mắc vào tâm ích kỷ, nên vẫn còn thống khổ, và có đủ mọi sự rắc rối và vấn đề. Vì cả Đức Phật và chúng ta đều đã trải qua cùng một khoảng thời gian, nên nguyên nhân của sự khác biệt này là yếu tố mình có tâm ái ngã hay không, có lòng ích kỷ và chấp ngã hay không. Vì vậy, điều này liên hệ rất tốt với khuyết điểm của luân hồi. Tất cả những vấn đề cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi bắt nguồn từ cùng một nguồn gốc. Bất cứ lúc nào mình khao khát những sự huy hoàng của luân hồi, thì điều này cũng phát sinh từ tâm ích kỷ, và ta đã lường gạt và lừa dối chính mình.

Chính tâm chấp ngã và ái ngã đã tạo cho ta lòng can đảm để ra chiến trường, và làm tất cả những điều như vậy, vì lợi ích của bản thân. Rồi nếu có điều gì sai trái, thì ta sẽ đổ lỗi cho đạo sư, hay cha mẹ của mình, v.v... Phải áp dụng lòng can đảm ấy, để khắc phục tâm ái ngã của mình.

Những đoạn trích dẫn trong bản văn đều nói rằng, về cơ bản thì tất cả những tác hại đều bắt nguồn từ tâm ái ngã. Nếu như mình chỉ tay vào người nào phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều xấu xa đã xảy ra cho mình, thì sẽ phải chỉ vào tâm ích kỷ, thái độ ái ngã của mình. Do đó, đây là lúc phải đoạn trừ tâm ái ngã, kẻ thù thật sự của mình. Như ngài Tịch Thiên đã viết: “Trước đây thì khác, khi ta đã bị mi tàn phá. Nhưng (bây giờ) thì ta đã nhìn thấy mi, vậy thì mi có thể đi đâu? Ta sẽ đánh cho lòng kiêu căng văng ra khỏi mi. Bây giờ thì hãy vứt bỏ bất cứ hy vọng nào, rằng 'Tôi vẫn quan tâm cho bản thân mình'. Ta đã bán mi cho tha nhân, nên đừng nghĩ về sự mệt mỏi của mi, vì ta đã trao tặng năng lượng của mi (cho họ). Nếu như vì không quan tâm, mà ta không trao tặng mi cho chúng sinh, thì chắc chắn là mi sẽ trao ta cho những người bảo vệ cõi địa ngục vô hỷ. Nhiều lần, ta đã bị mi trao ra như thế, và bị dằn vặt rất lâu, nhưng giờ đây, nhớ lại mối thù ấy, ta sẽ đập mi tan tành, mi là sinh vật chỉ quan tâm đến tự thân.”. Tất cả lỗi lầm của tâm ích kỷ được bàn luận rất kỹ trong Nhập Bồ Tát Hạnh, và cả trong Cúng Dường Đạo Sư (The Guru Puja (Bla-ma mchod-pa, Lama chopa).

Một trong những Kadampa Geshe đã từng khuyên rằng trong khi chặt khối trà (brick tea), thì nên nghĩ rằng: “Tôi đang bổ vào đầu của tâm ái ngã và chấp ngã.”. Những người luôn hoàn toàn bận tâm về bản thân, hay tự thương hại bản thân khi bị bệnh, thì phải xem xét tất cả những vấn đề của họ xuất phát từ đâu. Họ phải nhận ra rằng chúng bắt nguồn từ việc luôn quan tâm đến mối bận tâm ích kỷ của mình, “Tôi phải hạnh phúc, tôi phải thoát khỏi mọi vấn đề.”. Dù ở trong tình huống nào, thì loại người này không bao giờ thấy toại nguyện. Mọi thứ luôn luôn quá nóng hay quá lạnh, không có gì là vừa ý của họ. Nguồn gốc căn bản về vấn đề của họ là mối bận tâm ích kỷ cho tự thân. Nếu có thể buông bỏ điều đó, thì họ có thể thư giãn. Họ luôn luôn căng thẳng, không bao giờ thư giãn, vì luôn bận tâm cho bản thân mình.

Chúng ta có thể học hỏi và tham dự các puja bao lâu tùy theo ý muốn, nhưng nếu như luôn nuôi dưỡng tâm ái ngã, thì sẽ hoàn toàn lãng phí thời gian. Nếu như đừng bận tâm đến bản thân mình trong mọi lúc, với lòng quan tâm ích kỷ, thay vì vậy thì lại mở lòng với người khác, thì ta có thể có được tâm quảng đại của Đại thừa. Nhưng vì lòng mình quá hẹp hòi và quá quan tâm đến bản thân, nên không thể là tâm Đại thừa. Nếu như ta bận tâm cho bản thân, ngay cả khi đã tuyên bố rằng mình noi theo tâm lượng Đại thừa, thì đó chỉ là dịp để cho mình tự hào và kiêu căng hơn.

Điều này đã hoàn tất việc bàn luận về khuyết điểm của tâm ái ngã.

Ưu Điểm Của Tâm Ái Tha

Điểm tiếp theo liên quan đến ưu điểm của tâm ái tha. [Ghi chú: Namkapel giải thích điểm này bằng cách thêm vào đây một dòng từ phiên bản của Togme Zangpo về tác phẩm của Geshe Chekawa, “Thiền Quán Với Lòng Tốt, Hướng Về Tất Cả Mọi Người”. Pabongka cũng làm như vậy, trong phiên bản của ngài.]

Cúng Dường Đạo Sư (An Offering Ceremony to the Spiritual Masters) nói rằng tâm ái tha là cửa ngõ của mọi phẩm chất tốt đẹp, nên đó là sự thật. Điều này được bàn luận trong Nhập Trung Quán Luận (dBu-ma-la 'jug-pa, Phạn ngữ: Madhyamakavatara) của ngài Nguyệt Xứng, nói rằng nguồn gốc của những hành tựu vĩ đại của chư Phật là lòng bi. Lòng bi này bắt nguồn từ đâu? Nó bắt nguồn từ tâm ái tha, và lòng quan tâm sâu sắc với tha nhân. Vì vậy, cội nguồn của mọi hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp đều bắt nguồn từ tâm ái tha. Lòng ái tha khiến cho mình phát tâm từ bi, điều này khiến cho mình phát bồ đề tâm, và bồ đề tâm đưa ta đến giác ngộ. Tất cả những tâm thái Đại thừa quảng đại này - lòng từ, lòng bi, quyết tâm phi thường và bồ đề tâm - đều nhắm vào những chúng sinh khác, nên cội nguồn của mọi phẩm chất tốt đẹp đều xuất phát từ tất cả những tâm trạng ái tha này.

Còn về việc những phẩm chất này tiếp tục cải thiện và không thoái hóa, cũng là nhờ vào việc chú trọng vào tha nhân và thương yêu họ. Tương tự như vậy, việc thành tựu kết quả, cụ thể là Phật quả, xuất phát từ mối quan tâm bền vững dành cho người khác. Do đó, việc phát khởi, tiếp tục và thành tựu kết quả của những tâm thái tích cực này đều bắt nguồn từ tâm ái tha. Ngay cả sức mạnh của ảnh hưởng giác ngộ của chư Phật cũng xảy ra vì tha nhân, vì lòng quan tâm và thương yêu họ.

Như những trích dẫn này đã giải thích, nếu muốn thành tựu giác ngộ, thì cần phải có cả hai yếu tố, lực gia trì của chư Phật, và ruộng phước của tất cả chúng sinh. Dựa trên cơ sở của cả hai điều này, mà mình sẽ thành tựu giác ngộ. Việc thành tựu Phật quả không thể xảy ra độc lập với người khác, mà phải dựa trên mục tiêu là tạo lợi lạc cho họ càng nhiều càng tốt. Vì vậy, nếu chỉ tôn kính chư Phật thì chưa đủ, mà còn phải tôn trọng tất cả chúng sinh, vì thành tựu giác ngộ của mình phụ thuộc vào chư Phật và tất cả chúng sinh một cách đồng đều. Vậy thì lòng nhân từ của chư Phật và tất cả chúng sinh đều bình đẳng.

Tất cả những phẩm chất tốt đẹp của đường tu và kết quả của tâm Đại thừa đều phát sinh từ tâm ái tha. Một trích dẫn nói rằng mọi thành tựu của những tái sinh tốt hơn bắt nguồn từ việc giúp đỡ chúng sinh, trong khi những tái sinh tồi tệ hơn bắt nguồn từ việc làm hại chúng sinh. Điều này cho thấy rằng kinh nghiệm của hạnh phúc xuất phát từ lòng tốt. Đối với những người noi theo tâm lượng khiêm tốn của Tiểu thừa, thì vì không có tâm ái tha mãnh liệt, mà họ không thể đạt được thành tựu cao nhất. Trong khi chư Bồ tát thì có lòng quan tâm mãnh liệt đối với tha nhân, nhờ vậy mà các ngài có thể thành tựu giác ngộ tối thượng.

Một trích dẫn ở đây nói về cách mình làm tổn thương người khác. Về phía mình, thì tâm ta tràn đầy tập khí ái ngã. Về phía những chúng sinh khác, thì tâm họ chưa được điều phục, đầy phiền não, vì mãnh lực của vô minh. Phiền não này sẽ đưa họ đến đủ loại tình huống nhiễu loạn, rồi thái độ ái ngã và ích kỷ của mình khiến cho ta muốn làm hại họ. Chúng ta có thể thấy điều này, với ví dụ về người Trung Quốc. Có thể thấy tâm ái ngã hoạt động từ cả hai bên, tạo ra tổn hại. Đây là kết quả của việc tích lũy ác nghiệp trong quá khứ của cả hai bên, và hiện nay, ta đang tích lũy thêm ác nghiệp, từ những hành vi xấu ác của mình. Những hành vi này chỉ tạo ra thêm những tình huống sẽ sinh khởi trong tương lai, mà kết quả của nó sẽ tạo ra thêm tổn hại cho mình. 

Hạnh Nhẫn

Nếu muốn đoạn trừ tất cả những điều có hại cho bản thân, thì bản văn hướng dẫn mình phát hai tâm bồ đề và lục độ ba  la mật (sáu hạnh hoàn hảo, sáu paramitas). Nếu muốn phát bồ đề tâm, thì phải quan tâm đến người khác một cách chân thành, và có lòng nhẫn nhục lớn lao. Nếu muốn tu hạnh nhẫn, thì phải có kẻ thù. Nếu không có những người khó chịu, không có kẻ thù, thì không có cách nào để phát triển hạnh nhẫn và lòng khoan dung.

Khi nhìn vào những điều sẽ đưa mình đến giác ngộ, cụ thể là những chân diệt và chân đạo, và không có điều nào trong số này có thái độ mong muốn tạo lợi lạc hay làm hại mình. Chân diệt là pháp thường hằng, nên không có thái độ nào. Chân đạo chỉ là những tâm trạng của mình, và chúng không có động lực hay ước nguyện đặc biệt nào để đưa ta đến giác ngộ. Bây giờ, hãy nhìn vào kẻ thù, bạn bè và vân vân: đây là những điều thật sự đem lại cho mình hạnh phúc hay khổ đau, nhưng không chỉ là nỗi đau thể xác. Chúng ta có bác sĩ chích thuốc, giải phẫu và làm những điều tương tự, và dù họ sẽ khiến cho mình đau đớn, nhưng ta sẽ không gọi bác sĩ là kẻ thù. Đó là vì họ có thái độ muốn giúp ích, chứ không muốn hãm hại mình. Thế thì kẻ thù được gọi là kẻ thù, không phải dựa vào việc họ có dao hay súng trong tay, mà dựa vào thái độ muốn làm hại mình. Nếu như muốn tu hạnh nhẫn và khoan dung, thì phải đối diện với một người có chủ ý hãm hại mình. Trên cơ sở của lòng khoan dung, ta có thể phát triển tự thân, và thành tựu giác ngộ.

Trong những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật, có một chuyện về Minag Dungdung, người chèo thuyền cho một chiếc thuyền có 500 thương nhân, người có ý định giết hết tất cả những người trên thuyền. Thuyền trưởng của chiếc thuyền, là hóa thân trước đây của Đức Phật, đã nghĩ rằng nếu như để cho người này giết tất cả mọi người thì sẽ không xong. Nếu như bảo anh ta đừng giết hại mọi người thì vô ích, vì anh ta sẽ không nghe lời khuyên. Vì vậy, vị thuyền trưởng đã nghĩ rằng:  “Nếu như mình giết người này, thì dĩ nhiên đó là hành vi xấu ác, và ta sẽ tích tập ác nghiệp. Nhưng nếu như không giết anh ta vì tâm ái ngã, và không muốn tích tập ác nghiệp nào cho tự thân, thì anh ta sẽ tích lũy ác nghiệp to lớn hơn nhiều, khi giết hại 500 người, và tất cả những người này sẽ mất mạng.”. Vì vậy, với lòng bi mẫn và quan tâm cho 500 người trên thuyền, cũng như cho người chèo thuyền, nên Đức Phật đã giết anh ta. Một ví dụ có liên quan là việc trợ tử mà các bác sĩ và thú y có thể thực hiện, để giúp cho một số chúng sinh trong tình trạng đau đớn không thể chịu đựng được, bằng cách chích thuốc cho họ chết. Các bác sĩ và thú y không có thái độ giận dữ khi cướp đi mạng sống ấy, mà phải nhận lấy hậu quả của hành vi tiêu cực, để giúp đỡ người khác.

Bất cứ loại hành vi mạnh mẽ nào như vậy thì không nên được thực hiện với tâm sân hận hay muốn hãm hại, mà nên có lòng bi mẫn và ước muốn giúp đỡ. Trong một số tình huống nào đó, thì phải có hành vi mạnh mẽ, để ngăn chận việc mình bị người khác lợi dụng. Nếu như mình đang tu tập bồ đề tâm, thì không có nghĩa là phải để cho mọi người chà đạp mình.

Vì vậy, phải có hành vi thích hợp từ động lực bi mẫn, thanh tịnh, không để người khác lợi dụng tình hình. Không được hành động trong khi mình đang tức giận, trong khi hoàn toàn say sưa trong vọng tưởng sân hận. Những điều mình làm trong khi tức giận, chắc chắn sẽ tràn đầy lỗi lầm, và sẽ khiến cho mình hổ thẹn, và gặp rắc rối sau này.

Có một câu chuyện mà Kyabje Ling Rinpoche thường kể cho tôi nghe, về một người đàn ông Trung Quốc rất dễ nổi giận, và khi bị kích động, thì sẽ đập vỡ những món mà ông yêu thích. Rồi trong một khoảnh khắc, khi tâm sân lắng xuống, và ông sẽ nhặt những mảnh vụn của những món đồ ấy lên, rồi khóc.

Vấn đề là việc sử dụng phương tiện mạnh mẽ để gây hại, chẳng hạn như hóa thân trước đó của Đức Phật đã giết hại một người có ý định giết 500 người, nhưng hành động ấy không được hỗ trợ bằng tâm thù hận, mà là lòng bi mẫn. Điều này không được thực hiện trong cơn giận dữ, trong khi mình sẽ hối hận về sau, vì đã làm những việc điên rồ. Như đã nói trước đây, hành vi này được thực hiện với thái độ sẵn sàng chấp nhận ác nghiệp. Có rất nhiều trích dẫn từ Nhập Bồ Tát Hạnh, để minh họa cho hạnh nhẫn, khoan dung và định tâm đối với kẻ thù. Kẻ thù sẽ giúp ta phát triển lòng khoan dung, lòng từ bi, v.v...

Có một số pháp tu nào đó, sẽ giúp mình phát tâm xả, hay tâm bình đẳng với người khác. Điểm rắc rối chủ yếu là kẻ thù, người thật sự khiến cho mình tức giận và căng thẳng, một người thật là khó chịu, và khiến cho mình làm việc thật chăm chỉ, để không bị họ làm phiền. Thế thì phải hướng về một người thật sự là kẻ thù của mình, một người mà mình ghét, và cố phát triển thái độ yêu thương người này. Phải có lòng quan tâm và cảm thông với người này, vì họ chỉ muốn được hạnh phúc, và cố gắng phát lòng từ chân thật cho người mà ta đã thù ghét. Nếu như có thể làm được điều này, thì đó là điều gì cực kỳ sâu rộng và mạnh mẽ. Vì vậy, Nhâp Bồ Tát Hạnh thật sự là một giáo pháp tuyệt vời, bởi vì nó cung cấp một phương pháp sâu rộng như vậy. Nếu như có thể phát lòng từ ái và quan tâm đối với một người mà trước đây, mình đã ghét bỏ và xem là thù địch, thì ta thật sự đang phát triển một công cụ rất mạnh mẽ trong tâm thức.

So Sánh Lợi Lạc Của Tâm Ái Tha Với Bất Lợi Của Tâm Ái Ngã

Nói tóm lại thì có thêm một vài điều để nói về những ưu điểm và khuyết điểm của tâm ái ngã và ái tha, theo đúng thứ tự như vậy, ngoại trừ bài Cúng Dường Đạo Sư  nói rằng sự khác biệt giữa chư Phật và chúng ta là chư Phật luôn ái tha, trong khi chúng ta thì chỉ ái ngã.

Hãy nhìn xem chúng ta đang ở đâu, về mặt lịch sử, hay về mặt bằng hữu của mình, những người mà ta quen biết. Những người mà mọi người ngưỡng mộ là những người có mối quan tâm lớn lao về người khác. Quan điểm của việc này là để hoán chuyển thái độ của mình, để vấn đề “Tôi phải được hạnh phúc”, cảm thấy thương hại cho bản thân mình, tất cả những sự quan tâm và thương yêu này, sẽ được được áp dụng cho một đối tượng khác. Thay vì “Tôi phải hạnh phúc”, thì ta phải nghĩ rằng, “Người khác phải được hạnh phúc”. Và thay vì nói “Tôi cảm thấy bất hạnh” và nghĩ rằng, “Tôi phải loại bỏ điều đó”, thì phải thay đổi đối tượng, và nghĩ rằng người khác phải thoát khỏi vấn đề của họ. Đó là cách thay đổi quan điểm, hoán chuyển thái độ của mình về tự thân và tha nhân. Việc thực hiện điều này liên quan đến việc đem lại hạnh phúc cho người khác, thật sự thương yêu và quan tâm đến họ, và nhận lấy nỗi khổ của họ với lòng bi mẫn. Trong một số tác phẩm thì mình sẽ phát tâm bi mẫn, nhận lấy nỗi khổ của người khác trước, rồi trao tặng hạnh phúc cho họ. Trong bản văn này thì ta sẽ trao tặng hạnh phúc cho chúng sinh trước, rồi mới nhận lấy nỗi khổ của họ. Thật ra việc mình sẽ làm điều nào trước thì không quan trọng, nhưng như bản văn nói, thì mình sẽ luân phiên thay đổi thứ tự của việc cho và nhận.

[Ghi chú: Câu được luận giải ở đây là: “Luân phiên tu tập pháp cho và nhận.”

Nếu như người nào làm tổn thương hay làm hại ta, thay vì nghĩ cách để trả đũa, làm sao để hãm hại họ, thì việc nghĩ mình sẽ sử dụng loại chất độc nào sẽ không giúp ích cho ai, nên phải nghĩ rằng mình đang tìm cầu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, chắc chắn là kể cả chúng sinh này ở đây. Chúng ta đang cố phát triển và cải thiện bản thân, để đạt được lợi ích tối hậu, và điều đó bao gồm cả lợi lạc của người này.

Trao Tặng Hạnh Phúc Cho Tha Nhân

Còn về việc trao tặng cho người khác, thì gồm có việc bố thí thân thể, tài vật và thiện căn của mình, để chúng sẽ trổ quả cho họ. Cội nguồn của điều này là Nhập Bồ Tát Hạnh. Khi nó là pháp tu bố thí thân thể, thì trước tiên, hãy cầu nguyện để có nguồn cảm hứng, rồi nghĩ đến chúng sinh ở nhiều cõi vô hỷ, như Đẳng Hoạt địa ngục, hay những nơi khác trong địa ngục nóng, vân vân, và nghĩ về việc biến đổi thân mình thành cơn mưa mát mẻ, chẳng hạn vậy. Trên cơ bản thì ta sẽ nghĩ về bất cứ điều gì mà những chúng sinh này cần thiết, để giảm bớt nỗi khổ của họ: đối với những người đang khát nước, thì ta sẽ biến thành thứ gì để giúp cho họ giải khát; đối với những chúng sinh đang đói bụng, thì sẽ biến thành thứ gì giúp họ hết đói. Ta sẽ biến đổi thân mình thành bất cứ điều gì cần thiết cho chúng sinh trong những cõi vô hỷ, và nhận lấy nỗi khổ trong hoàn cảnh thảm hại của họ. Để ổn định điều này, thì ta  sẽ biến đổi thân thể thành tất cả những phẩm chất thiện hảo khác nhau mà họ cần có, để thành tựu giác ngộ, chẳng hạn như bảy bảo châu.

Đối với cõi ngạ quỷ, thì ta sẽ giải tỏa mọi khó khăn và đau khổ của họ, và bố thí mọi chứng ngộ mà họ cần có, để đưa họ đến giác ngộ. Rồi thì ta cũng làm điều này cho loài súc sanh và những người không có tự do để thực hành Pháp. Ta sẽ biến đổi cơ thể của mình thành tất cả cơ hội và giáo pháp mà họ cần. Rồi cũng làm như vậy cho chư Thiên, và những vị sẽ trở thành A tu la. Nói chung, ta sẽ bố thí nhà cửa và quần áo cho những người cần chúng. Tương tự như vậy, đối với những người có tâm lượng Tiểu thừa khiêm tốn, thì ta sẽ biến đổi thân mình thành những chứng ngộ, để họ có thể thành tựu giác ngộ.

Tiếp theo, ta sẽ biến đổi thân mình thành nhiều loại môi trường, để giúp đỡ tha nhân. Bản văn mô tả đủ loại hình ảnh từ các cõi tịnh độ, cây châu báu, vân vân. Nếu chưa bao giờ nhìn thấy những cảnh trí này, thì có thể hơi khó hình dung ra chúng, nhưng chỉ cần nghĩ về nơi tuyệt đẹp nhất mà mình có thể tưởng tượng, và quán rằng mình đang trao tặng nó cho tất cả chúng sinh. Việc bố thí thân thể của mình bao gồm việc bố thí tất cả tài sản và những thứ mà mình sử dụng. Ta sẽ chuyển hóa chúng thành hình thức đẹp đẽ nhất, và quán tưởng mình trao tặng chúng cho những người cần có những thứ này. Khi nói đến việc bố thí công đức, thì ta sẽ bố thí tất cả những công đức mình đã tích tập trong quá khứ, những gì mình đang tích tập trong hiện tại, và bất cứ công đức nào mình có thể tích tập trong tương lai. Ta sẽ trao tặng tất cả những công đức này cho chúng sinh, với ước nguyện rằng chúng sẽ trổ quả cho họ.

Bây giờ, khi nói về những bài thiền này, thì ta có thể nghĩ rằng thật ra chúng không giúp đỡ cho ai một cách thiết thực, rằng ta chỉ tưởng tượng việc cho đi tất cả tài vật và thiện căn của mình cho người khác. Nếu như mình thắc mắc, liệu nó thật sự có ứng dụng thực tế nào hay không, thì câu trả lời là nếu như không tạo dựng điều này như một tập khí ích lợi trong tâm thức, thì nó sẽ không thật sự xảy ra trong tương lai, khi mà mình ở trong địa vị có thể thật sự bố thí thân thể và tài sản cho người khác. Vì vậy, bằng cách tích tập công đức và tập khí tốt trong hiện tại, mà nghiệp lực sẽ tích lũy trong dòng tâm thức của mình, và sẽ trổ quả trong tương lai, thành khả năng thật sự, để trao tặng mọi thứ cho chúng sinh.

Bài luận giải cho biết rằng khi mình có một truyền thống gia đình làm một điều gì đó trong bảy thế hệ, thì việc này sẽ tăng thêm sức mạnh cho sự tiếp nối của truyền thống ấy. Tương tự như vậy, nếu như hiện giờ, ta đang tạo dựng một truyền thống nào đó, như bố thí cho chúng sinh, thì sau một thời gian, chẳng hạn như sau bảy kiếp trong tương lai, nó sẽ tích lũy một lực mạnh mẽ, như một truyền thống gia đình. Nên hành trì việc bố thí cho chúng sinh với từ lòng từ, và quan tâm đến hạnh phúc của họ. Vì họ nghèo nàn và thiếu thốn thứ gì, nên vì lòng quan tâm và chăm sóc cho họ, mà ta mới sử dụng bất cứ thứ gì mình có, để làm vơi đi nỗi khổ của họ, hay cho họ bất kỳ điều gì mà họ cần. Phải bố thí cho tất cả chúng sinh, kể cả chư đạo sư và chư Phật. Nhưng khi nói đến việc nhận lấy nỗi khổ, thì không cần phải nhận bất cứ điều gì từ chư Phật và chư đạo sư. Đó là vì các ngài không có lỗi lầm và nỗi khổ nào, để mình phải nhận lãnh. 

Nhận Lấy Nỗi Khổ Của Chúng Sinh Với Lòng Bi Mẫn

Điểm thứ hai là có lòng bi mẫn với người khác. Nếu như mình có lòng bi mẫn với tha nhân, thì tất cả những phẩm chất và những điều tốt đẹp sẽ đến với ta, ngay cả khi mình không cầu nguyện để có được chúng. Ngược lại, nếu như không có lòng bi mẫn và cảm thông, thì ngay cả khi cầu nguyện để có được những điều này, mình sẽ không có được chúng. Nếu như thấy nản lòng, thì ta có thể nghĩ đến việc gánh lấy tất cả những nỗi khổ trong tương lai của tất cả chúng sinh cho mình. Để quen thuộc với điều này, thì hãy nghĩ về những vấn đề và nỗi khổ của chính mình trong kiếp này và những kiếp tương lai. Có thể bắt đầu bằng cách nghĩ rằng: “Tốt hơn là nên trải nghiệm chúng bây giờ, khi mình có thể đối phó với chúng một cách dễ dàng hơn. Nếu không thì ta sẽ phải trải nghiệm chúng sau này, khi mình có ít khả năng đối phó với chúng hơn nhiều.”. Nhờ vậy mà ta sẽ quen thuộc với điều này, giúp cho mình nhận lấy khó khăn của chúng sinh. Hãy tu tập theo từng giai đoạn, nhận lấy những vấn đề của ngày mai, vấn đề của năm tới, v.v..., để mình phát triển lòng can đảm, để tiếp nhận khó khăn và nỗi khổ của chúng sinh.

Toàn bộ vấn đề là để tiêu diệt lòng ích kỷ của mình, và ta sẽ làm điều đó bằng cách mở lòng ra, để giải quyết và nhận lấy nỗi khổ của người khác. Bản văn tiếp tục giải thích cách mình nhận lãnh khổ đau của người khác, những người đang tu tập trên những đường tu khác nhau, từ dưới lên trên, nhưng không tính đến chư Phật và chư đạo sư.

Hãy làm quen với quá trình này, rồi có thể kết hợp hơi thở vào việc nhận lãnh nỗi khổ của chúng sinh. Hãy hít vào, nhận lấy nỗi khổ, rồi thở ra, trao tặng hạnh phúc của mình cho chúng sinh.

[Ghi chú: Lời giải thích này và những điều tiếp theo thì nằm trong phần bình luận về những dòng trong bản chánh văn: “Luân phiên tu tập pháp cho và nhận, phối hợp cả hai vào hơi thở. (Đối với) ba đối tượng, thì hãy (nhận) ba độc tố, và (cho) ba thiện căn, tóm lại, chỉ giáo cho thời hậu thiền là hãy chánh niệm về điều này, bằng cách tu tập với ngôn từ trong mọi hành vi.”. Trong phiên bản của Togme Zangpo, thì dòng: “Đối với thứ tự tu tập, hãy khởi đầu từ bản thân mình”, the sao câu “tu tập với ngôn từ trong mọi hành vi”. Phiên bản của Pabongka noi theo thứ tự trong tác phẩm của Namkapel, như trên.]

Bản văn nói về việc đối phó với ba đối tượng và ba độc tố. Ba đối tượng là những đối tượng dễ chịu, khó chịu và trung hòa, khiến cho mình phát triển ba độc tố của tham ái, ác cảm, hay thờ ơ. Hơn nữa, hãy nghĩ về cách mà tất cả những chúng sinh khác cũng phát tâm tham ái, ác cảm và thờ ơ, rồi nói rằng: “Nguyện cho tất cả tâm tham ái, ác cảm và thờ ơ của họ đến với con. Con sẽ đối phó với chúng, và đoạn trừ chúng cho họ. Nguyện cho họ hoàn toàn thoát khỏi mọi tâm tham ái, ác cảm và thờ ơ”, và ta sẽ trao tặng cho họ tất cả những tuệ giác này.

Vì vậy, như đã nói trong Cúng Dường Đạo Sư, “Do đó, xin chư bổn sư bi mẫn, cao quý và hoàn hảo gia trì cho con, để mọi ác nghiệp, chướng ngại và đau khổ của chúng sinh trôi lăn trong luân hồi, những bà mẹ của con, trổ trên mình con ngay lập tức, và con có thể trao tặng hạnh phúc và công đức của mình cho chúng sinh,  an vị tất cả chúng sinh trong cực lạc.” Đây cũng là cách để tu tập bằng lời nói, nên ta sẽ lặp lại những lời cầu nguyện này, “Nguyện cho nỗi khổ của họ trổ trên mình con; nguyện cho thiện căn của con trổ quả cho chúng sinh.”.

Vấn đề ở đây là mình phải tu tập, để cố phát triển những ý nghĩ tốt lành, để tất cả chúng sinh có được hạnh phúc, và điều này bao gồm cả người Trung Quốc. Nếu như mình ở trong hoàn cảnh mà người khác đặt hết hy vọng vào chúng ta, rằng ta có thể giúp đỡ họ, ngay cả khi về phía bản thân, thì có thể mình không có khả năng làm điều đó. Điều này rất khó khăn, nên phải nhận thức rằng cách duy nhất mà mình có thể thật sự giúp đỡ tất cả chúng sinh là tự mình phải thành Phật.

Chúng ta có thể nghĩ rằng: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Đã có tất cả những vị Phật này trong quá khứ, và tất cả các Ngài đã giác ngộ. Các Ngài có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, vậy thì tại sao tôi phải thành Phật? Tại sao tôi phải giác ngộ, trong khi đã có tất cả những người khác đã giác ngộ rồi?”. Điều này có thể khiến cho mình chán nản. Nhưng thay vì nghĩ như vậy, thì ta sẽ xem xét rằng có rất nhiều chúng sinh có duyên nghiệp đặc biệt với mình, những người không có duyên nghiệp đặc biệt với chư Phật trong quá khứ, nên các Ngài đã không thể trực tiếp giúp cho họ giải thoát vào thời điểm đó. Vậy thì phải nghĩ về tất cả những chúng sinh có mối liên hệ đặc biệt với mình, rồi thì mình sẽ phát triển thêm lòng can đảm, để thành tựu giác ngộ, để giúp đỡ họ. Chúng ta phải tạo ra càng ngày càng nhiều mối giao hảo tốt đẹp với những chúng sinh có quan hệ với mình.

Top