Động Lực
Hôm nay, có nhiều người từ những nơi khác nhau tề tựu ở đây, thậm chí những người đến từ Tây Tạng, và tất cả quý vị đều đến vì mục đích để nghe giáo pháp. Vì vậy, đối với đề tài phát bồ đề tâm và vân vân thì tôi sẽ giảng 37 Pháp Hành Bồ Tát (37 Bodhisattva Practices) của Togme Zangpo và Ba Điểm Tinh Yếu Của Đường Tu Giác Ngộ (The Three Principle Aspects of the Path) của Je Tsongkhapa ở đây, tại Bồ Đề Đạo Tràng. Vì chúng ta đang ở một nơi rất linh thiêng, nên lực tích cực hay công đức được tích tập ở đây mạnh mẽ hơn nhiều so với những nơi khác. Tuy nhiên, để cho công đức này hữu hiệu nhất thì mình phải có một động lực và thái độ rất bao la và sâu rộng. Đây là điều cần thiết không chỉ cho người lắng nghe thuyết pháp, mà còn cho cả vị Lạt ma hay Đạo sư nữa.
Đức Phật giác ngộ viên mãn, Đấng Bi Mẫn, có 32 tướng tốt và 80 tướng phụ, và khả năng thuyết giảng với 60 đặc tính giác ngộ. Hơn nữa, tâm Ngài đã thoát khỏi mọi phiền não và ám chướng, đến mức mà Ngài luôn luôn có nhận thức vô niệm về tánh Không, và đồng thời về tất cả các pháp chính xác như thị. Một vị Phật từ bi, giác ngộ viên mãn như vậy đã minh chứng sự giác ngộ của Ngài ở đây, tại Bồ Đề Đạo Tràng 2,500 năm trước, và hiện nay, tất cả chúng ta đều ở tại nơi này.
Thời điểm hiện tại rất khó khăn với nhiều chiến tranh, nạn đói, thảm họa và vân vân. Tuy nhiên, nhờ vào công đức mà mình đã tích tập trước đây, nên chúng ta đã sinh ra vào một thời điểm và địa điểm như vậy, ngay cả trong những điều kiện khó khăn như vậy mà vẫn có được cơ hội quý giá để gặp gỡ giáo pháp và chư đạo sư. Do đó, phải cố gắng thực hành những gì mình đã lắng nghe càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, không thể xem Pháp đơn giản như việc cầu nguyện để nhận được điều gì. Đúng hơn thì Pháp là điều mà chính mình phải áp dụng vào hành động. Nó không chỉ là noi theo phương hướng an toàn (quy y) bằng miệng, trì tụng một số ngôn từ, mà là áp dụng những gì mình nói vào hành vi hàng ngày. Vì vậy, cần phải thiết tha quan tâm đến giáo pháp, và dấn thân kết hợp việc tu học tập và hành trì. Nhưng trước tiên thì phải biết cách làm như vậy.
Pháp là điều mà càng dấn thân vào thì mình càng hạnh phúc hơn. Điều này sẽ xảy ra như kết quả của việc tích tập công đức từ thiện hạnh mà mình đã tạo tác. Đây là lý do tại sao chúng ta phải là tín đồ của Đức Phật không chỉ bằng miệng, mà còn bằng cách tu tập của mình. Nó sẽ tạo ra nhiều hạnh phúc hơn. Do đó, trong khi ở đây, tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi chúng ta có cơ hội gặp gỡ Pháp, và đặc biệt là Pháp Đại thừa, thì điều quan trọng là phải cố gắng tích tập càng nhiều công đức càng tốt. Điều quan trọng nhất đối với điều này là có động lực đúng đắn. Nếu như có động lực rộng lớn và rất tích cực, thì mình sẽ gặt hái được lợi lạc lớn. Nhưng nếu tu tập mà không có động lực như vậy thì sẽ không hữu hiệu bằng, vậy thì không xong.
Đối với vị Lạt ma thì cũng phải như vậy. Lạt ma không được giảng dạy với lòng kiêu hãnh, hay để có được danh tiếng và lòng kính trọng, cũng không phải vì lòng ganh tị, hay muốn cạnh tranh với người khác. Đúng hơn thì động lực duy nhất của người thầy là phải tạo lợi lạc cho người khác càng nhiều càng tốt, tôn trọng mọi người ở đây, tất cả chúng sinh, mà không khinh khi bất cứ người nào. Thính chúng cũng không được kiêu căng, mà phải lắng nghe chăm chú với lòng tôn trọng, để thọ nhận giáo huấn quý báu của Đức Phật. Nếu cả hai bên Lạt ma và đệ tử đều hành xử đúng đắn và cẩn thận như vậy thì sẽ cực kỳ lợi lạc, và tất cả chúng ta đều có thể tích lũy công đức.
Dù có phiền não gì thì phải áp dụng pháp đối trị, và không được nản lòng. Nếu như làm được như vậy thì từ từ, ta có thể giải quyết những vấn đề của mình, và cuối cùng, đoạn diệt chúng mãi mãi. Mỗi năm, chúng ta sẽ thấy mình cải thiện dần dần. Vì bản tánh của tâm không bị cấu nhiễm vì phiền não, nên nếu như giúp tâm thanh tẩy phiền não thì mình có thể thành công. Vì nỗi khổ mà ta nếm trải là do tâm vô kỷ luật, hay không được điều phục, đây là điều mà mình phải khắc phục. Nhưng nó sẽ không xảy ra trong cùng một lúc.
Ví dụ, nếu mình đang cố gắng giúp cho một người rất hoang đàng và ngang bướng trở nên an lạc và tu dưỡng hơn, thì chỉ có thể thành công một cách từ từ và dần dà qua nhiều năm. Tâm trí của mình cũng giống như vậy. Tuy mình có lỗi lầm, nhưng có thể từ từ cải thiện nó. Ta có thể thấy hiện tượng tương tự như vậy đối với trẻ em. Lúc đầu thì chúng không biết gì cả; hoàn toàn không có học thức, nhưng khi trải qua các lớp học ở trường, lớp một, lớp hai vân vân, và cuối cùng, qua quá trình này mà các em sẽ học hỏi và được giáo dục. Điều tương tự cũng đúng, khi xây dựng một ngôi nhà, chúng ta sẽ xây từng tầng một, từng cái sàn nhà. Chúng ta sẽ làm như vậy dần dần mà không phải lo lắng là sẽ mất bao lâu, và chỉ cần tiến triển qua các giai đoạn liên quan đến công việc, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi đối phó với tâm mình thì phải áp dụng cùng một thái độ như vậy, .
Để phát khởi động lực thì phải cố gắng làm điều này bằng cách tốt nhất theo khả năng, ở mức độ của mình, và từ từ, có thể cải thiện nó qua các giai đoạn như đã được mô tả trong Lam-rim, hay “Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ”. Hầu hết bạn biết về điều này, nhưng đối với những người mới ở đây thì tôi sẽ giải thích một chút về một số điểm chính trong đó.
Điều Phục Tâm
Tu tâp Pháp không phải là một quá trình đơn giản thay đổi y phục, địa vị hay số của cải mà mình có. Đúng hơn thì nó có nghĩa là thay đổi thái độ và điều phục tâm mình. Bất kể mình là ai - ngay cả bản thân tôi, Dalai Lama - tôi không thể được xem là hành giả của giáo pháp, trừ khi tâm thức tôi đã được điều phục. Và không bao giờ có thể nói người nào có một tâm thức như vậy, đơn giản chỉ vì danh tánh của họ, hay quần áo mà họ mặc; mà chỉ vì tình trạng tinh thần và cảm xúc của họ. Do đó, điểm quan trọng và chủ yếu nhất là điều phục tâm mình.
Tất cả các bạn ở đây cần phải tự quán sát bản thân. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ. Không có ai trong chúng ta, nếu như bị nhức đầu, mà không muốn hết đau. Có phải vậy không? Điều này đúng với cả hai nỗi đau thể xác và tinh thần. Nhưng có nhiều giai đoạn liên quan đến việc đoạn trừ nỗi khổ mà không ai mong muốn, và có được hạnh phúc mà mình ước mong. Nó không phải là điều gì xảy ra trong cùng một lúc. Ngay cả khi cố gắng giúp đỡ hay thuần hóa một con vật, và đem lại cho nó một chút hạnh phúc, thì ta phải làm điều đó theo các giai đoạn phù hợp với con thú đó. Chẳng hạn như trước tiên, ta cố gắng cho nó ăn và không làm cho nó sợ, không ngược đãi nó và vân vân. Điều tương tự như vậy cũng áp dụng đối với mình, chúng ta phải tự giúp mình theo từng giai đoạn.
Trước hết, hãy cố nghĩ đến việc tạo lợi lạc cho bản thân trong năm nay, hoặc năm sau. Rồi cuối cùng thì gia tăng phạm vi để nghĩ về hai mươi năm tới, rồi có thể cố gắng để có được tái sinh làm người trong kiếp sau, hy vọng mình sẽ có hạnh phúc và không phải đau khổ trên cơ sở lâu dài hơn. Chúng ta sẽ tiến triển qua các giai đoạn như vậy. Do đó, hiện nay, chúng ta là con người, điều rất quan trọng là phải nghĩ xa, chứ không chỉ làm như vậy ở mức độ tạm thời, thiển cận, mà là cố gắng để đạt được hạnh phúc cứu cánh.
Để theo đuổi hạnh phúc thông thường hơn thì chúng ta sẽ tìm kiếm thức ăn, quần áo, chỗ ở và vân vân cho thân mình. Nhưng lý do để làm người không chỉ có vậy. Ngay cả khi mình giàu có thì ta sẽ thấy những người giàu có vẫn có thể khổ nhiều về mặt tinh thần. Ta có thể thấy điều này rất rõ ở phương Tây. Có nhiều người có nhiều tiền và thoải mái về vật chất, nhưng cũng có nhiều vấn đề về tinh thần như trầm cảm, đầu óc không sáng suốt và nhiều trạng thái khổ não khác. Trên thực tế thì chúng ta thấy có rất nhiều người ở đó sử dụng thuốc phiện và thuốc men để cố cải thiện tình trạng này. Điều này chứng tỏ là dù họ có sự thoải mái về vật chất và giàu có, nhưng trên hết thì họ vẫn muốn có hạnh phúc tinh thần, ngoài những thú vui vật chất, và sự giàu có không mang lại cả hai. Ngay cả khi chúng ta rất khỏe và mạnh mẽ, nhưng nếu tâm mình không vui thì điều này sẽ không đủ. Do đó, chúng ta cần có hạnh phúc về thể xác lẫn tinh thần. Trong số những điều này thì tâm quan trọng hơn, bởi vì nó cai trị mình. Do đó, điểm nhấn mạnh phải là đem lại hạnh phúc cho tâm thức.
Đem Lại Hạnh Phúc Tinh Thần
Nhưng điều gì sẽ đem lại hạnh phúc trong tâm? Nó xảy ra qua tư tưởng. Nếu không sử dụng trí óc và suy nghĩ, thì không thể mang lại hạnh phúc cho bản thân. Nó vận hành cả hai chiều. Chẳng hạn như bất kể phiền não nào là điều mạnh nhất, cho dù đó là sân hận, dục vọng, tự hào, ganh tỵ, hay bất cứ điều gì, càng nghĩ về chúng thì mình càng hành động theo chúng, và càng đau khổ hơn. Chẳng hạn nếu như sân hận là phiền não mạnh mẽ nhất thì càng tức giận, mình sẽ càng đau khổ hơn.
Ví dụ, nếu như mình cay cú và tức giận về vấn đề của Tây Tạng, thì ta sẽ vui vẻ hay không vui? Rất rõ ràng là mình sẽ không vui. Do đó, phải nghĩ về lòng từ bi như một pháp đối trị. Điều này sẽ đối trị tâm sân của mình, và mang lại an lạc cho tâm thức. Thế thì một tấm lòng nhân hậu và ý nghĩ tốt lành sẽ đem lại cho mình hạnh phúc. Vì tất cả chúng ta đều muốn có được hạnh phúc và đoạn trừ nỗi khổ của mình, nên phải cố gắng để thấy cội nguồn của điều này là tâm.
Nói ngắn gọn thì tâm tham và sân càng mạnh mẽ hơn thì khổ đau của mình cũng sẽ mãnh liệt hơn. Những điều này càng yếu hơn thì mình sẽ càng hạnh phúc hơn. Vì vậy nên phải nghĩ về những điều mình cần loại bỏ, những gì mình phải đoạn diệt trong tâm thức. Nếu như mình đố kỵ hay ganh tỵ, chẳng hạn vậy, thì điều gì sẽ xảy ra? Cuối cùng thì tất cả chúng ta đều phải chết, nên không bao giờ có thể giữ được mục tiêu của tâm đố kỵ. Vì không bao giờ có thể hoàn toàn làm thỏa mãn những ham muốn, ganh tỵ của mình, nên ngày nào mình còn ganh tỵ hay đố kỵ thì sẽ không bao giờ được hạnh phúc. Điều tương tự cũng đúng với lòng tự hào. Không ai có thể ở trong cùng một tình trạng mãi mãi, chúng ta không thể trẻ trung hoài. Cuối cùng thì ta sẽ mất đi điều khiến mình tự hào. Do đó, tự hào cũng là một tâm trạng rất không vui. Nếu mình ở trong nhà hàng, chẳng hạn vậy, và ganh tỵ với bữa ăn ngon mà người khác đang ăn, thì điều này mang lại cho chúng ta điều gì? Nó chỉ đem lại cho ta niềm bất hạnh; chắc chắn là nó không làm cho mình no nê!
Nếu chúng ta nghĩ về chính mình, những người Tây Tạng, nếu như tức giận và đố kỵ với người Trung Quốc thì mình có hạnh phúc hay không? Đó có phải là tâm trạng hạnh phúc không? Chắc chắn là không. Hãy nghĩ về người nào mà hoạt động chính trong đời họ là hành động theo tâm tham và sân. Một người như vậy có thể trở nên rất mạnh mẽ, rất nổi tiếng; thậm chí họ có thể đi vào lịch sử. Nhưng một người như vậy sẽ đạt được những gì? Chỉ có tên tuổi của họ sẽ đi vào lịch sử. Khi chưa được vui vẻ thì người này đã chết rồi. Vì vậy, nếu như dành cả đời để hành xử theo phiền não thì dù ta có giàu có và nhiều quyền lực đến đâu, nó sẽ không mang lại cho mình hạnh phúc.
Chẳng hạn như, nếu như nghĩ về tình hình của mình ở Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay thì ta có thể hiểu điều này rõ ràng hơn nữa. Ngay cả với Đức Dalai Lama ở đây, nếu bạn đang ở một nơi linh thiêng như vậy mà lại tức giận với một người ăn xin, hay nổi giận với điều kiện vật chất khó khăn thì bạn có hạnh phúc hay không? Mặt khác, khi phiền não của mình yếu đi, và bạn đang làm điều gì có tính xây dựng ở đây, thì bạn có hạnh phúc hay không? Hãy nghĩ về điều này.
Thậm chí, tâm trạng của bạn sẽ ảnh hưởng đến hàng xóm, bạn bè và các con của mình. Hãy xem xét tình huống trong gia đình, chẳng hạn vậy. Nếu bạn rất tức giận và bực dọc với con cái, rồi đánh nó, và nó khóc, thì điều đó sẽ làm mọi người không vui, phải không? Nhưng nếu bạn không tức giận, nếu bạn rất thoải mái, thì sẽ để bọn trẻ chơi đùa, và mọi người đều rất hạnh phúc và bình yên. Ở một đất nước cũng vậy, ta sẽ thấy nếu tâm vô tham và khoan dung được áp dụng rộng rãi, thì mọi người đều cảm nhận được hạnh phúc ở nơi đó. Điều này đúng cho từng người, gia đình và các quốc gia. Càng có nhiều phiền não thì càng nhiều bất hạnh; trong khi đó, càng ít phiền não thì càng nhiều hạnh phúc.
Đối với bản thân thì tôi nghĩ khá nhiều về những bất lợi của phiền não, tất cả những điều tồi tệ mà chúng mang lại cho mình, cũng như những lợi thế của việc không còn phiền não nữa. Điều này giúp tôi rất nhiều, để đặt trọng tâm vào việc có ít phiền não hơn trong đời sống. Rồi thì ta sẽ thấy mình có thể tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, như một phần thưởng; thức ăn sẽ ngon hơn và mọi việc diễn ra một cách rất tốt đẹp. Nhưng nếu như tâm trí đầy phiền não thì ngay cả khi mình đang hành thiền, trì tụng hay bất cứ điều gì thì ta sẽ không có chút hạnh phúc nào từ những việc này. Do đó, phải luôn cố nghĩ về cách mà phiền não bất lợi ra sao.
Nói tóm lại, nếu tâm được điều phục và không còn phiền não, thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Do đó, điều tốt nhất có thể xảy ra như kết quả của việc điều phục tâm mình là phiền não sẽ không bao giờ phát sinh nữa. Nhưng ngay cả khi chúng còn xuất hiện thì điều tốt đẹp tiếp theo là mình không còn hành động theo chúng nữa. Chẳng hạn như, tốt hơn hết là không bao giờ tức giận; nhưng nếu cơn giận phát sinh thì ta sẽ thấy rằng nếu mình đã điều phục tâm thức thì sẽ không hành động vì nóng nảy. Ta sẽ không đấm vào mặt ai đó, chẳng hạn vậy, hay gọi người đó bằng một cái tên xấu, hay có bất cứ phản ứng thô lỗ nào.
Do đó, từ từ, qua một quá trình tiệm tiến, ta sẽ thấy các pháp đối trị trở nên mạnh mẽ hơn và hơn nữa, tâm mình sẽ ngày càng được điều phục hơn, nhờ vậy mà mình sẽ hạnh phúc hơn. Do đó, là người mới khởi sự tu tập thì chúng ta phải cố gắng không bao giờ để cho những phiền não như sân hận, tham ái và vân vân phát sinh. Nhưng ngay cả khi chúng phát sinh thì mình phải cố gắng không hành động theo chúng. Quý vị hiểu không? Nếu chúng ta điều phục tâm mình thì đây là việc tu tập Pháp, nhưng nếu không làm như vậy thì đó không phải là Pháp. Nếu như mình đoạn trừ tất cả phiền não, đạt được trạng thái chân diệt hay tịch tĩnh, thì trên thực tế, đó mới là Pháp.
Tứ Diệu Đế
Có Tứ Diệu Đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Đối với chân khổ thì ta có thể nghĩ về những nỗi khổ khác nhau như khổ vì cái chết, bệnh tật, tuổi già và vân vân. Đức Phật nói điều rất quan trọng là ý thức về khổ. Căn nguyên của nỗi khổ này là gì? Căn nguyên là một tâm thức chưa được điều phục, và cụ thể hơn thì đó là phiền não. Do đó, phiền não được cho là nguyên nhân thật sự, hay nguồn gốc thật sự của khổ, cũng như nghiệp phát sinh dưới mãnh lực của những phiền não này. Vì vậy, chính phiền não và nghiệp là nguyên nhân thật sự tạo ra khổ. Do đó, vì tất cả chúng ta đều không mong muốn bất kỳ nỗi khổ nào, và chỉ muốn loại trừ chúng, nên phải thấy rằng nguyên nhân của nỗi khổ này là mình có một tâm thức chưa được điều phục.
Vì muốn khổ đau thật sự chấm dứt, để nó không bao giờ phát sinh nữa, điều mà mình phải làm là khiến cho phiền não chấm dứt trong pháp giới (dharmadhatu), hay tánh Không. Điều này được gọi là niết bàn của chân diệt.
Vì có nhiều giai đoạn trong quá trình đoạn trừ phiền não, hay khiến chúng chấm dứt mãi mãi, nên quá trình này đòi hỏi những gì được gọi là chân đạo của Thánh nhân, hay những Bậc Cao Quý. Nói một cách chính xác hơn là vì trong quá trình đoạn trừ phiền não thì mình cũng nỗ lực để đạt được ngày càng nhiều phẩm hạnh hơn, những tâm thức đoạn diệt phiền não và lỗi lầm ở một mặt, và thành tựu những phẩm chất thiện hảo ở mặt bên kia, được biết như chân đạo.
Tóm lại thì có chân khổ, và nó có một nguyên nhân chân thật; chúng ta mong muốn sự chân diệt của chúng; và để thực hiện điều này thì phải viên thành chân đạo. Rồi thì kết quả của điều này là thành tựu một sự tịch diệt, tịch tĩnh, hay niết bàn, “trạng thái vượt thoát khổ đau”, và điều này đem lại cho ta hạnh phúc lâu dài. Đây là những gì Đức Phật đã chứng minh ở đây, tại Bồ Đề Đạo Tràng, bằng ví dụ của mình, và sau đó, Ngài đã thuyết Tứ Diệu Đế. Hai chân đế đầu, khổ đế và tập đế, là mặt mê lầm hay bất tịnh, và hai chân đế sau, chân diệt và chân đạo, là mặt giải thoát hay thanh tịnh.
Ví dụ, ta có thể thấy động lực của việc tu tập Pháp không giống như một đứa trẻ lắng nghe cha mẹ nói, và làm theo lời dạy, đơn giản vì cha mẹ bảo nó làm điều đó. Dấn thân vào Pháp không cần chỉ vâng lời cha mẹ như một đứa trẻ ngoan ngoãn. Đúng hơn thì mình sẽ tu tập Pháp, vì muốn đoạn diệt nỗi khổ của chính mình, và vì lý do đó, ta sẽ noi theo chỉ giáo mà một vị thầy khuyên mình nên làm, để điều phục tâm thức. Quý vị hiểu chứ?
Tam Bảo Tối Thượng
Nhiều yếu tố liên quan đến việc đoạn trừ nỗi khổ. Chẳng hạn như, có những nỗi khổ của đói, lạnh và vân vân, và để loại bỏ mỗi một điều này thì ta sẽ dựa vào những loại phương pháp hay công việc khác nhau. Do đó, nhờ công lao của nông dân, thương nhân và vân vân, mà ta có thể tiêu trừ đói và lạnh. Đối với nỗi khổ vì bệnh tật thì mình phải dựa vào bác sĩ và thuốc men. Nhưng đây chỉ là những phương pháp tạm thời, không phải là cách chữa trị rốt ráo. Nếu như mình bị bệnh thì có thể uống thuốc để khỏe mạnh, nhưng những thứ này sẽ không loại trừ tuổi già và cái chết của mình. Nói tóm lại là nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử không thể được đoạn diệt một cách rốt ráo bằng những cách thông thường, ngay cả khi một số phương pháp có thể giúp cho mình tạm thời thuyên giảm chút ít.
Nhiều tôn giáo, chẳng hạn như một số giáo phái Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, v.v..., chấp nhận Thượng Đế là đấng sáng tạo hạnh phúc và đau khổ. Nếu như ta cầu nguyện với Thượng Đế này thì ngài sẽ ban cho mình hạnh phúc. Nhưng đây không phải là cách Đức Phật giải thích. Đức Phật nói rằng khổ đau và hạnh phúc của chúng ta không nằm trong tay Thượng Đế, mà chỉ nằm trong tay mình.
Không giống như các tôn giáo chỉ chấp nhận Nhất Bảo Quy Y, cụ thể là Thượng Đế, thì chúng ta chấp nhận Tam Bảo Tối Thượng. Phật là người vạch ra con đường về những gì phải được chấp nhận và những gì phải được từ bỏ. Do đó, Phật giống như một vị thầy, không phải là Thượng Đế sáng tạo. Nghiệp hay hành vi của chúng ta là những gì tạo ra hạnh phúc và đau khổ của mình. Hạnh phúc bắt nguồn từ những hành động tích cực hay có tính xây dựng. Do đó, cần phải cố gắng hành động theo cách này càng nhiều càng tốt, theo khả năng của mình. Mặt khác, vì bất hạnh xuất phát từ những hành động tiêu cực, phá hoại, nên phải cố gắng loại bỏ chúng càng nhiều càng tốt.
Sau đó, những điều Đức Phật đã dạy là luật nhân quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay của chính mình, không phải trong tay Thượng Đế, cũng không phải vì vậy mà ở trong tay của Phật. Do đó, chốn quy y thật sự, hay phương hướng an toàn là Pháp, đó là điều mà chúng ta phải phát triển trong dòng tâm thức của mình. Nói cách khác là chúng ta sẽ đoạn trừ nỗi khổ và có được hạnh phúc, bằng cách đoạn diệt phiền não trong tâm mình.
Thêm vào đó, để phát triển Pháp Bảo này trong dòng tâm thức thì cần có trợ thủ để làm gương và hỗ trợ mình trong quá trình này. Những người như vậy được gọi là Tăng Bảo.
Nói tóm lại thì Đức Phật đã dạy cho mình pháp quy y để đưa vào cuộc sống; Pháp là nơi quy y thực thụ; và Tăng đoàn làm gương cho mình. Không có một Thượng Đế hay Quy Y Bảo nào sẽ đem lại cho ta hạnh phúc và đoạn trừ nỗi khổ của mình.
Đạo Phật Dựa Trên Lý Lẽ Và Tu Tập
Trong tiếng Anh thì “tôn giáo” thường được sử dụng như một từ để dịch chữ Pháp trong tiếng Tây Tạng. Chữ tôn giáo này có ý nghĩa của một hệ thống mà Thượng Đế Sáng Tạo được chấp nhận trong đó. Do đó, người ta thường nói đạo Phật là vô thần, và không phải là một tôn giáo thật sự. Tuy nhiên, người Trung Quốc nói rằng họ là người vô thần, Phật tử thì theo tôn giáo, và đạo Phật là một tôn giáo. Nhưng thật ra, theo định nghĩa trên thì chúng ta cũng là người vô thần.
Hơn nữa, chúng ta chấp nhận lời Phật dạy không phải vì đức tin mù quáng, mà chỉ sau khi đã khảo sát chúng một cách cẩn thận. Nếu như chúng hợp lý thì mình sẽ chấp nhận, còn không thì mình không chấp nhận. Chẳng hạn như, chúng ta có nhiều bằng chứng hợp lý đối với các hiện tượng như tái sinh, và chỉ sau khi đã khảo sát vấn đề thì mình mới chấp nhận chúng. Nếu như điều gì có thể được thành lập bằng lý lẽ, thì nó có thể được chấp nhận. Nhưng nếu nó chỉ dựa trên niềm tin mù quáng thì không bao giờ có thể chấp nhận được. Do đó, đừng chỉ nói rằng “Tôi tin tưởng”. Điểm chính là phân tích bằng luận lý và lý lẽ. Nếu điều gì không phù hợp với lý lẽ và thực tại thì đừng chấp nhận nó. Niềm tin của mình phải luôn luôn dựa vào lý luận.
Khi Đức Phật thuyết pháp trong quá khứ, Ngài đã ban toàn bộ giáo lý. Không cần phải duyệt lại những gì Ngài đã nói, bổ sung thêm, hay cải thiện nó. Vấn đề của mình là thực hành những gì Đức Phật đã dạy. Nó không phức tạp lắm. Có thể hiểu điều này từ ví dụ của y học. Bác sĩ sẽ khám từng bệnh nhân, sau đó sẽ kê toa thuốc phù hợp với mỗi người. Nếu việc điều trị không hữu hiệu thì chỉ có một thằng ngốc mới nói là sai lầm thuộc về khoa học y khoa. Một người thông minh sẽ nhận ra rằng lý do thuốc không có tác dụng là vì bác sĩ, chứ không phải vì khoa học y khoa. Giống như vậy, điều này cũng đúng đối với đạo Phật. Tam Tạng (Tripitaka), kinh sách của lời Phật dạy trực tiếp thì không có lỗi lầm gì. Nếu như khảo sát chúng thì ta sẽ thấy rằng sự nhầm lẫn không nằm trong tự thân nguồn gốc. Do đó, những gì mình phải làm là tu tập đúng như những điều được nêu ra trong những nguồn gốc này. Quý vị hiểu chứ?
Xác Định Lại Động Lực Đại Thừa
Vậy thì hành trì chánh là điều phục tâm. Đối với điều này thì phải lắng nghe giáo pháp, và phải có đúng động lực để làm việc này một cách đúng đắn. Đức Phật đã ban cho cả hai giáo pháp Tiểu thừa và Đại thừa. Điểm chính trong Đại thừa là giúp đỡ tha nhân. Trong Tiểu thừa thì điểm nhấn mạnh là nếu không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất đừng làm hại họ. Thế thì điểm nhấn trong cả hai thừa là làm thế nào để giúp đỡ và tạo lợi lạc cho tha nhân. Chúng ta phải học hỏi từ điều này. Nếu có thể giúp đỡ người khác thì phải làm như vậy, và nếu không thể giúp đỡ thì chắc chắn không bao giờ nên làm hại họ. Giáo pháp không bao giờ nói trong bất cứ điểm nào là mình cần phải tức giận với ai, đúng không?
Giáo lý Đại thừa cũng nói rằng mình phải cố dẹp bỏ mục tiêu ích kỷ của tự thân, và làm việc vì lợi lạc của số đông quần chúng. Đây là thông điệp của đạo Phật, không phải hay sao? Vậy thì phải có tấm lòng thanh tịnh, nồng nhiệt và tử tế. Rồi phải cố gắng phát bồ đề tâm làm động lực. Bồ đề tâm là tu tập để thành tựu giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Với một động lực như vậy thì giờ đây, hãy lắng nghe 37 Pháp Hành Bồ Tát mà Bồ tát Togme Zangpo đã viết ở đây.
Những Điểm Nổi Bật Về Tác Giả
Togme Zangpo sống vào thời Buton Rinpoche, hai thế hệ trước Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Ngài là một Lạt ma tu tập hầu hết theo truyền thống Sakya (Tát-ca), và lúc nhỏ, đã nổi tiếng chủ yếu vì lòng quan tâm giúp đỡ người khác. Là một đứa trẻ, thậm chí ngài sẽ bực bội với người khác, nếu họ không giúp đỡ người khác. Cuối cùng, ngài trở thành một nhà sư và tu học, cũng như nương tựa vào nhiều Lạt ma khác nhau, chủ yếu là hai vị thầy. Ngài đã hành trì cả Kinh điển và Mật điển, và trở thành một hành giả rất uyên bác, có chứng ngộ.
Ngài lừng danh nhất nhờ việc phát bồ đề tâm, và đã thực hiện điều này hầu hết qua giáo huấn Bình Đẳng Hóa và Hoán Chuyển Ngã Tha. Trên thực tế, nếu ta cố gắng nghĩ về một vị bồ tát thì Togme Zangpo là người mà mình sẽ nghĩ đến ngay lập tức như một ví dụ, phải không? Ngài là một người vĩ đại như vậy, thật sự là một người đặc biệt. Ví dụ như khi người nào lắng nghe Ngài thuyết pháp thì họ sẽ tỏ vẻ rất quy phục, im lặng và bình tĩnh.
Vì ngài đã sáng tác 37 pháp hành này để giúp đỡ tất cả chúng ta, nên mình phải cố gắng khảo sát giáo pháp này nhiều lần. Chúng ta nói rằng mình là hành giả Đại thừa, nhưng nếu không luôn luôn khảo sát pháp tu Đại thừa thì mình sẽ không bao giờ thật sự là hành giả Đại thừa. Do đó, phải cố gắng quán xét tự thân theo 37 pháp hành này, và xem xét liệu hành vi của mình có phù hợp với chúng hay không trên thực tế. Trong số đó, chúng ta sẽ thấy giáo pháp cho các hành giả thuộc ba phạm vi động lực khác nhau, như đã được giải thích trong Lam-rim, Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ.
Tác Phẩm
Bây giờ, tôi sẽ đưa ra một luận giải ngắn về tác phẩm này. Tôi đã thọ nhận dòng truyền thừa của bản văn này từ Kunu Lama Rinpoche, Tenzin Gyaltsen, và ngài đã thọ nhận nó từ Dzogchen Rinpoche đời trước ở tỉnh Kham. Đây chỉ là một chút bối cảnh lịch sử và trên thực tế thì tôi đã mang theo bản sao của bản văn này từ Lhasa.
Nguồn tài liệu của giáo pháp này là Nhập Bồ Tát Hạnh (sPyod-'jug, Phạn ngữ: Bodhisattvacharya-avatara) của Tịch Thiên, Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận của Đức Di Lặc (mDo-sde rgyan, Phạn ngữ: Mahayanasutra-alamkara), và Bảo Hành Vương Chính Luận (Rin-chen ’phreng-ba, Phạn ngữ: Ratnavali) của Long Thọ.
Bản văn được chia ra thành ba phần:
- Khởi đầu, tích tập công đức
- Chánh văn
- Kết luận
Ở phần đầu thì tích tập công đức được chia ra thành hai phần:
- Kính lễ
- Lời nguyện sáng tác
Kính Lễ
Vần kệ đầu tiên trình bày phần đầu tiên của hai phần này, đó là lời kính lễ.
Chí tâm đảnh lễ Quán Thế Âm Bồ Tát.
Con luôn đem thân khẩu ý chí thành đảnh lễ chư bổn sư vô thượng và Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm Bồ Tát, người thấu rõ vạn pháp không đến không đi, chuyên tâm nỗ lực vì lợi lạc chúng sinh.
Lời kính lễ được dâng lên Đức Avalokiteshvara (Đức Quán Thế Âm), ở đây được gọi là Lokeshvara. Vì cội nguồn của giác ngộ là tâm đại bi, và vì Đức Quán Thế Âm là hiện thân của tâm đại bi, nên Ngài là đối tượng lễ lạy. Ngoài ra, để tạo tác chủng tử và tập khí, để chúng ta có thể gặp gỡ và nghiên cứu tiếng Phạn trong tương lai, tác giả đã ghi quý danh của Đức Quán Thế Âm là Lokeshvara theo tiếng Phạn. Việc đảnh lễ hướng về Đức Quán Thế Âm bất khả phân với chư bổn sư, và được thực hiện bằng ba cửa thân, khẩu, ý. Lý do để đảnh lễ như vậy là vì những phẩm chất tốt đẹp của đối tượng được tôn kính như vậy.
Những phẩm chất tốt đẹp này là gì? Căn nguyên của Đại thừa là tâm bồ đề. Đây là tâm hướng về giác ngộ với ý định thành tựu nó, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Phải tu tập Lục độ ba la mật, hay sáu hạnh hoàn hảo, để thành tựu những mục tiêu này. Kết quả là có thể đạt được giác ngộ mà có cả hai khía cạnh thể chất và tinh thần, cụ thể là Sắc thân và Pháp thân, hay Pháp Thân Trí, tâm toàn trí của một vị Phật. Để đạt được hai điều này thì phải tích tập nhân tương ứng với quả. Vì vậy nên phải tích tập công đức để thành tựu các Sắc thân Phật, và tích tập trí tuệ để thành tựu tâm Phật. Cơ sở cho những điều này là nhị đế.
Đức Quán Thế Âm là bậc thấu rõ vạn pháp không đến không đi. Khi quán chiếu chân lý quy ước của các pháp thì trên thực tế, các pháp đến và đi. Tuy nhiên, nếu như quán chiếu chân lý tuyệt đối của vạn pháp thì việc đến và đi của chúng không được thiết lập như việc đến và đi một cách chân thật và có tự tánh. Ví dụ như có một pháp như nhân quả. Vì nhân không hiện hữu bằng tự tánh - chúng không có sự tồn tại cố hữu – nên quả của nó cũng không thể tồn tại theo cách bất khả như vậy. Cả nhân lẫn quả đều không có tự tánh; chúng được thiết lập phụ thuộc vào nhau. Nói cách khác là bản tánh duyên sinh của vạn pháp được thiết lập như không tồn tại bằng tự tánh.
Như ngài Long Thọ đã nói, vạn pháp không đến, đi, an trụ và vân vân một cách thật sự. Do đó, cụm từ "thấu rõ vạn pháp không đến không đi" đề cập đến tánh Không, và thực tế rằng đối tượng nhận đảnh lễ ở đây là một người chứng ngộ, hay thấy tánh Không bằng nhận thức vô niệm. Bởi vạn pháp do duyên sinh, nên không có tự tánh. Và vì vạn pháp không có tự tánh, nên chúng đều do duyên khởi, qua quá trình nhân quả.
Vì phiền não làm nhân mà khổ phát sinh như quả, và từ thiện nghiệp làm nhân mà hạnh phúc phát sinh như quả. Vì khổ phát khởi do duyên sinh, từ phiền não và nghiệp, và đối tượng nhận đảnh lễ ở đây thấy rằng đây là trường hợp của tất cả chúng sinh, nên lòng bi của ngài chỉ nhắm vào mục tiêu duy nhất là chỉ cho họ cách đoạn trừ nỗi khổ, khiến cho nó chấm dứt. Do đó, cả hai mặt trí tuệ và phương tiện đều được nêu ra ở đây, vì mình cần có cả hai kết hợp với nhau, không thể thiếu một điều nào.
Từ vần kệ kính lễ, ta có thể thấy hai mặt này. Đức Quán Thế Âm thấy vạn pháp đều không có tự tánh, và vì vạn pháp đều giai không, nên Ngài thấy vạn pháp sinh khởi từ nhân quả. Nói một cách cụ thể thì Ngài thấy rằng nỗi khổ của tất cả chúng sinh phát sinh hay bắt nguồn từ phiền não, nên nhắm vào mục tiêu đoạn trừ nỗi khổ ấy, hay làm cho nó chấm dứt, với lòng bi mẫn. Do đó, hai phương diện trí tuệ và phương tiện được tán thán ở đây liên quan đến Đức Quán Thế Âm. Vì Ngài xem vạn pháp giai không, thấy tất cả là nhân quả. Vì vậy nên Ngài phát tâm đại bi cho tất cả chúng sinh, để giúp họ thoát khổ. Quý vị hiểu không?
Lời Nguyện Sáng Tác
Vần kệ tiếp theo là lời nguyện sáng tác.
Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả lợi lạc và hạnh phúc, bắt nguồn từ việc thành tựu giáo pháp thiêng liêng, nhờ việc thấu hiểu pháp tu. Vì thế, tôi sẽ giảng giải pháp tu Bồ tát.
Trước tiên, Đức Phật đã phát tâm bồ đề để đạt giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Sau đó, khi đã thành tựu giác ngộ thì mục tiêu duy nhất của Ngài là tạo lợi lạc cho muôn loài. Sau khi nhận thức rằng mọi phiền não phải được đoạn trừ thì Ngài đã điều phục tâm mình, và đây là điều mà mọi người nên làm, để đạt được chân hạnh phúc. Do đó, Đức Phật đã dạy những phương tiện khác nhau để thực hiện điều này, và chúng ta cũng phải tu tập theo cách giống như Ngài đã làm. Nếu như tu tập theo lời Ngài dạy thì chúng ta cũng có thể có được hạnh phúc. Do đó, vần kệ này nói về chư Phật như cội nguồn của tất cả lợi lạc và hạnh phúc.
Đức Phật đã không giác ngộ ngay từ đầu. Ngài đã nương tựa các vị thầy, thực hành giáo pháp của họ và điều phục tâm mình. Ngài đã giác ngộ nhờ quá trình đoạn trừ mọi phiền não. Do đó, Ngài đã đạt được thành tựu bằng cách tu tập và thành tựu giáo pháp thiêng liêng.
Cần phải hiểu làm thế nào mà chúng ta có thân và tâm. Khi nhãn thức nhìn thấy một cái gì đó, chẳng hạn vậy, thì ta không nói rằng nhãn thức của mình thấy nó, mà là tôi thấy nó. Nếu cơ thể của mình bị bệnh, ta sẽ nói rằng tôi bị bệnh. Ẩn ý của những biểu hiện này là tôi là một tâm thức, hoặc tôi là một cơ thể. Nhưng thân ta được hình thành trong bụng mẹ, và chấm dứt khi nó phân hủy theo cái chết của mình. Thế thì “tôi” không thể chỉ là một cơ thể.
Vậy thì có lẽ tôi là một tâm thức, phụ thuộc vào một thân thể. Tuy nhiên, “tôi” không phải là một sắc tướng, một hình dạng, cũng không phải là màu sắc. Tuy nhiên, khi nhìn thấy một cơ thể ở xa và dựa vào đó thì mình nói rằng, “Ồ, tôi thấy bạn của tôi”, và rất vui mừng. Nhưng nếu như mình quán chiếu rõ ràng thì người đó không chỉ là cơ thể của họ. Ví dụ, khi mình đi bác sĩ thì bác sĩ sẽ nói, “Cơ thể của bạn có khỏe không?”, nhưng rõ ràng là ta không chỉ là cơ thể của mình. Ở Mỹ, tại một số bệnh viện nổi tiếng, chúng ta thấy các bác sĩ thậm chí còn cho bệnh nhân hành thiền để cải thiện sức khỏe. Thế thì rõ ràng là cần có mối quan hệ nào đó giữa thân và tâm, để họ kê toa thuốc phi vật chất đó.
Nhưng nếu cái “tôi” này chỉ là tâm thức thì sao? Hãy nhìn vào bản tánh của tâm. Khi mình biết điều gì đó, hay rõ ràng về nó, hay nhận thức điều gì, thì ta sẽ nói, “Tôi biết điều đó.”. Nhưng rất khó để xác định tâm là gì một cách chính xác. Định nghĩa của nó chỉ là tánh quang minh và tánh giác. Nó không phải là vật chất mà có bất cứ màu sắc hay hình dáng nào. Nếu nghĩ về nó thì nó giống như không gian trong trẻo, một không gian rất trống rỗng, trong đó mọi hiện tướng đã chấm dứt, và nhận thức về bất cứ điều gì có thể phát sinh, hay hé lộ như tánh quang minh và tánh giác trong không gian trong trẻo đó
Thế thì tâm, điều phát sinh đồng thời với các khí, giọt và thân vi tế ở thời điểm đầu tiên của việc thụ thai, là cái gì có bản tánh quang minh và tri giác đơn thuần. Để cho một hiện tượng như vậy phát sinh thì nó cần có điều gì tồn tại cùng một bản tánh, hay cùng thể loại như chính nó, như là cận nhân (immediate cause) của nó. Do đó, cần có một sát na trước của tánh quang minh và tánh giác, để làm nhân cho sát na đầu tiên của tánh quang minh và tánh giác ở thời điểm thụ thai. Nhờ vào cách lý luận như vậy mà ta có thể thiết lập hay chứng minh sự tồn tại của những kiếp trước. Và nếu kiếp trước tồn tại thì có thể suy ra là kiếp sau cũng hiện hữu.
Vì tánh quang minh và tánh giác đơn thuần này mà chúng ta sở hữu là điều gì có tính tương tục, và sẽ tiếp nối trong những kiếp tương lai, nên điều rất quan trọng là phải đoạn trừ các ám chướng hay che chướng trong đó, tạo ra những phiền não và khổ đau. Khi đã đoạn trừ chúng thì mình có thể trở về với nền tảng tự nhiên của ý thức, đó chỉ là tánh quang minh và tánh giác không ngăn ngại, biệt biện vô ngại. Đó là điều có thể trở thành tâm toàn trí của một vị Phật, Đấng Giác Ngộ Viên Mãn. Do đó, là nền tảng trong tâm mình và trong tâm của một Bậc Giác Ngộ, hay trong tâm toàn trí, chúng đều như nhau, nên loại tâm thức thứ nhì là cái mà mình chắc chắn có thể đạt được. Phật không phải là người giác ngộ ngay từ đầu, và đã giác ngộ bằng cách dựa vào nhiều nhân duyên. Ngài đã đoạn trừ những gì cần phải đoạn trừ, và thành tựu những gì cần phải thành tựu. Do đó, nếu cũng làm như vậy thì chúng ta có thể thành tựu giống như vậy.
Do đó, bản văn nói rằng, “Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả lợi lạc và hạnh phúc, bắt nguồn từ việc thành tựu giáo pháp thiêng liêng.”. Làm sao mình có thể thực hiện điều này? Vần kệ nói rằng, “nhờ việc thấu hiểu pháp tu”. Vì vậy, nếu chỉ hiểu biết Pháp thôi thì không đủ. Cần phải áp dụng nó trong việc tu tập và viên thành nó, một khi mình đã biết pháp tu là gì.
Hôm nay, tôi sẽ ngừng lại ở đây. Quý vị đã hiểu hết chưa? Chúng ta cần phải tu tập càng nhiều càng tốt. Những gì mình cần tu tập là tâm xả ly, bồ đề tâm và tánh Không. Cần phải quán sát tự thân một cách cẩn thận và trung thực, để xem thiên hướng của mình là gì, khuynh hướng và căn cơ của mình là gì, rồi rèn luyện bản thân theo đường tu thích hợp với mình.