Vô Minh Về Thực Tại

Diệu Đế Thứ Hai – Nguyên Nhân Thật Sự Tạo Ra Khổ 

Giống như mình đã nhìn vào Diệu Đế Thứ Nhất một cách riêng tư và chấp nhận hơn, thì tương tự như vậy, cần phải xem xét ba diệu đế kia theo cùng một cách, để pháp tu nhà Phật tiếp xúc với mình theo nhiều ý nghĩa hơn, theo cách chuyển hóa nhiều hơn.

Một khi đã thừa nhận những khó khăn trong cuộc sống và, theo ý nghĩa nào đó, được  hỗ trợ chút ít về mặt tình cảm, thì ta sẽ xem xét Diệu Đế Thứ Hai, nhân tạo khổ. Mình phải biết nguyên nhân tại sao cái ống bị vỡ không hoạt động, để sửa nó. Việc tìm kiếm nguyên nhân tạo ra vấn đề của mình rất quan trọng, để làm việc này một cách riêng tư, theo quan điểm của trung đạo. Nói cách khác thì mình không muốn đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, “Tôi là như vậy, bởi vì mẹ tôi đã làm điều đó với tôi, khi tôi ba tuổi, và xã hội đã làm điều này, kinh tế đã làm điều kia.”. Mặt khác thì mình không muốn phủ nhận hoàn toàn những yếu tố đó và nói rằng, “Tất cả là lỗi của tôi”, và đổ thừa, áp đặt cảm giác tội lỗi cho bản thân một cách nặng nề.

Khi nói về nguyên nhân sâu xa nhất tạo ra nỗi khổ và vấn đề của mình là tâm vô minh, thì rất dễ bóp méo điều đó và nghĩ rằng, “Tôi ngu ngốc; tôi xấu xa; tôi không tốt, nên tôi là người tội lỗi.”. Tất cả đều được xây dựng chung quanh việc nghĩ về cái “tôi” vững chắc, luôn luôn là kẻ ngu ngốc, làm những điều sai trái, là người xấu xa. Tôi thích sử dụng câu, “Chúng ta vô ý thức về thực tại”, hơn là, “Chúng ta vô minh”. Điều này có thể giúp cho mình giảm bớt một chút sự phán xét của Diệu Đế Thứ Hai, nguyên nhân thật sự cho những khó khăn trong đời sống.

Để thật sự đào sâu hơn và sâu hơn nữa về cách nhìn toàn diện hơn về nguyên nhân thật sự, khiến cho cuộc sống của mình trở nên khó khăn, thì phải kết hợp Diệu Đế Thứ Hai với sự hiểu biết về tánh Không. Không có cái “tôi” vững chắc nào ở bên trong, là kẻ ngu ngốc, đã làm mọi thứ rối loạn lên – cái “tôi” vững chắc, người chỉ làm rối loại mọi việc, và là thằng ngốc thật sự. Thông thường thì ta sẽ sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ hơn nhiều trong đầu mình.

Tuy có thể truy nguyên nguồn gốc của những khó khăn trong cuộc sống là vô minh, nhưng điều đó không phủ nhận lý duyên khởi. Tất cả các vấn đề của mình đã được tạo ra không chỉ vì một điều, ví dụ như một cái xô nước không tràn đầy vì giọt nước đầu tiên, hay giọt cuối cùng. Tương tự như vậy, tất cả các vấn đề trong đời sống không phải là vì một điều duy nhất gây ra, với một đường viền lớn bao quanh nó, và không có gì khác ảnh hưởng đến tình hình. Không phải như vậy. Tất cả mọi việc đã phát sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên có một sự kết hợp giữa sự thiếu hiểu biết và nhầm lẫn của mình, với xã hội, kinh tế và những gì mẹ mình đã làm. Tất cả những giọt nước này đã làm đầy cái xô của đời sống khó khăn.

Khi nói rằng nguyên nhân sâu xa của nỗi khổ là vô minh, thì điều mà mình đang đề cập đến là tâm vô minh ấy – một là không hiểu biết về thực tại, hai là biết nó một cách sai lầm - là nguyên nhân sâu xa nhất của nỗi khổ của chúng ta, và nếu như muốn thay đổi tình hình, thì đây là điều mà mình phải đoạn diệt. Đó là vì các nhân duyên khác một là xuất phát từ sự vô minh đó, hai là điều gì mà mình không thể thay đổi. Ta không thể thay đổi điều mà mẹ mình đã làm, khi mình ba tuổi. Chuyện này đã kết thúc rồi; đó là lịch sử. Điều rất quan trọng là làm việc với Diệu Đế Thứ Hai một cách không phán xét như vậy, bằng cách áp dụng giáo lý về tánh Không và duyên khởi.

Bạn đã có ý niệm tổng quát phải không? Quá trình này rất giống với quá trình mà chúng ta đã trải qua trước đây, liên quan đến Diệu Đế Thứ Nhất. Chúng ta sẽ nhìn vào bên trong và thấy rằng, “Chắc chắn là tôi đã mê lầm, và chắc chắn là tôi không biết mình đang làm gì trong đời sống”, nhưng hãy cố gắng thừa nhận điều đó mà không phán xét. Đó là một điều tế nhị. Giống như nếu như mình bị đứt tay trong khi xắt rau, thì ta có thể chấp nhận rằng mình đã bị đứt tay mà không tự trách móc một cách nặng nề về điều đó - “Mình thật là ngốc, mình rất tệ ...”. Có lẽ là mình không cẩn thận hay sao đó, nhưng sự việc đã xảy ra. Những vấn đề như vậy sẽ xảy ra. Chỉ nên chấp nhận điều đó. Hơn nữa, mình đã không bị đứt tay, chỉ vì không để ý. Sự việc cũng xảy ra dựa vào sự kiện là con dao rất bén. Nếu như con dao không bén thì mình sẽ không bị đứt tay. Nó cũng phụ thuộc vào sự kiện là mình thấy đói, và có một cơ thể của con người, nên phải ăn mỗi ngày. Nếu như không có những điều đó, thì tai nạn đã không xảy ra.

Điều tương tự cũng đúng về tất cả những vấn đề của mình trong đời sống. Chúng phát sinh từ sự kết hợp của tất cả những điều này, và giống như thực tế là mình không phải là người xấu, chỉ vì bị đứt tay. Một lần nữa, ta có thể làm điều này bằng cách sử dụng phương pháp nuôi dưỡng con quỷ. Một khi mình có thể thiết lập khía cạnh không phán xét với bản thân về nguyên nhân tạo ra vấn đề trong cuộc sống, thì cũng có thể làm điều đó với người khác. Hãy thử làm như vậy.

[Tạm dừng để thực hành]

Diệu Đế Thứ Ba – Chân Diệt Của Khổ Đau

Với Diệu Đế Thứ Ba thì mình đang đối phó với khả năng thật sự chấm dứt vấn đề. Đó là ý nghĩa của chữ “đoạn diệt”, ta có thể chấm dứt những vấn đề của mình, có thể loại bỏ chúng. Trong tiếng Anh thì chữ "đoạn diệt" không có nhiều ý nghĩa đối với đại đa số quần chúng. Nó là một chữ quá rộng lớn, ít khi được sử dụng. Nó không phải là một từ phổ biến, nên hầu hết chúng ta không biết ý nghĩa của nó. Mẹ tôi chắc chắn sẽ không bao giờ biết chữ này có nghĩa là gì, và bà cũng chưa từng sử dụng nó. Vì vậy, hãy gọi Diệu Đế Thứ Ba là “chân diệt”.

Vấn đề ở đây không chỉ là chấm dứt hay kết thúc vấn đề của mình, mà còn chấm dứt nguyên nhân tạo ra vấn đề nữa. Và mình không chỉ nói về một vấn đề cụ thể, vì rõ ràng là bất cứ vấn đề cụ thể nào cũng sẽ kết thúc. Khi mình nấu thức ăn và ăn món đó, thì vấn đề cụ thể của cơn đói sẽ chấm dứt vào lúc đó. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn là mình sẽ thấy đói bụng nữa. Vậy thì ở đây, mình muốn có được sự chấm dứt của vấn đề mà cứ tái diễn hoài, và nguyên nhân cứ tái diễn mãi, tạo ra vấn đề. Đương nhiên là nguyên nhân tạo ra cơn đói tối nay sẽ biến mất, khi mình ăn bữa tối. Nhưng cơn đói sẽ không chấm dứt mãi mãi, khi mình ăn uống vào tối hôm nay. Chúng ta không nói về việc loại bỏ nguyên nhân của một vấn đề cụ thể, như hiện giờ đang đói bụng, mà đang nói về việc loại bỏ sự phát sinh liên tục của nguyên nhân. Đó là điểm chánh ở đây.

Vấn đề là: “Liệu tôi có thật sự tin rằng mình có thể đoạn diệt dòng tương tục của nguyên nhân tạo ra những khó khăn cứ tái diễn hay không? Và nếu như mình tin rằng đó là điều khả dĩ, thì làm sao để đoạn diệt nó?”. Nói cách khác là việc thành tựu giải thoát và giác ngộ có thật sự là điều khả dĩ hay không?

Đây là những điểm rất khó. Nếu như không vững tin, ít nhất là ở mức độ nào đó, rằng mình có thể thoát khỏi những vấn đề này mãi mãi, vậy thì chúng ta đang làm gì trong đạo Phật? Chúng ta đang nhắm đến điều gì? Có phải ta chỉ nhắm vào một sự thành tựu ảo tưởng mà mình không thật sự tin tưởng là có thể đạt được? Nếu như vấn đề là như vậy, thì việc trở thành một vị Phật và đạt giải thoát chỉ là chuyện ảo tưởng của một đứa bé. Và ta đang tự lừa dối mình, chỉ lãng phí thời giờ để cố gắng đạt được điều gì mà mình không tin là có thể đạt được. Đó là một câu hỏi nghiêm túc.

Chẳng may là rất khó để hiểu được dòng lý luận làm sao mình có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Nó liên quan đến toàn bộ sự trình bày trong triết lý Cụ Duyên (Prasangika) rằng chân diệt thì tương đương với tánh Không. Nó rất khó hiểu. Vậy thì hiện nay, điều đó có nghĩa là gì đối với chúng ta? Trong bối cảnh của khóa học cuối tuần này thì nó có nghĩa là mình sẽ không hiểu ngay lập tức làm sao mà giải thoát là điều khả dĩ. Nó sẽ là một quá trình lâu dài; nhưng trừ khi mình hiểu rằng điều đó có thể xảy ra, thì ta sẽ không vững tin vào điều đó. Nếu như không tin vào điều đó, thì mình sẽ không cảm nhận được điều đó, như đã thảo luận hôm qua, thông qua toàn bộ quá trình về cách mà mình chấp nhận điều gì, một khi đã hiểu được nó. Tất cả những điều này quy về một điểm là tạm thời, mình phải chấp nhận điểm này bằng tín tâm, rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ. Đây là một cách làm việc tạm thời với nó.

Vậy thì có phải đó là “niềm tin mù quáng” không? Hallelujah!?! Làm sao để mình tin tưởng nó? Một số người có thể trả lời là, “Tôi có thể tin vào điều đó, bởi vì bổn sư của tôi là một vị Phật. Tôi thấy tâm giác ngộ nơi ngài, nên đó là điều khả dĩ.”. Điều đó không quá vững vàng đối với hầu hết mọi người, bởi vì ta có thể thấy những lỗi lầm ở nhiều đạo sư có chứng ngộ cao. Đôi khi, các ngài sẽ sai lầm. Mình phải phân biệt giữa việc, và chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau, toàn bộ cuộc thảo luận về vấn đề “Có phải vị bổn sư là một vị Phật từ chính phía ngài hay không?”, hay “Có phải việc vị bổn sư là một vị Phật là điều gì sinh khởi phụ thuộc vào mối quan hệ giữa thầy trò?”. Rõ ràng thì đó là trường hợp thứ hai. Các pháp sinh khởi phụ thuộc vào một quan điểm. Việc làm một vị Phật không phải là một điều tuyệt đối, được thành lập từ phía vị thầy, như một thực tế được hiểu theo nghĩa đen. Điều xảy ra trong việc tu tập là chúng ta thấy nhiều vị trong số các đạo sư mà mình nghĩ rằng rất tuyệt vời, đã mắc phải sai lầm. Rồi thì ta thất vọng và vỡ mộng, và có thể nghĩ rằng giác ngộ là điều bất khả dĩ.

Áp Dụng Cách Tiếp Cận Lam-rim, Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ, Để Tin Rằng Giải Thoát Là Điều Khả Dĩ

Chúng ta có thể áp dụng cấu trúc cơ bản của lam-rim, đường tu tuần tự đến giác ngộ, để giúp mình giải quyết vấn đề nan giải này, khi tin rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ. Phiên bản lam-rim của ngài A Đề Sa (Atisha) trình bày ba cấp độ động lực, ba mục tiêu. Động lực cao nhất là để giác ngộ, và động lực trung bình là để giải thoát. Cũng có một cấp độ động lực sơ khởi, đó là được tái sinh trong những cõi tốt hơn. Nếu như mình muốn miêu tả mục tiêu sơ khởi đó theo ngôn ngữ đơn giản hơn một chút, mà không phải đối phó trực tiếp với vấn đề tái sinh, thì trên cơ bản, đó là động lực để giúp cho luân hồi tốt đẹp hơn, để cải thiện sự tồn tại trong luân hồi của mình. Nhưng trước khi có thể nghĩ đến việc cải thiện những kiếp tương lai, thì phải nghĩ đến việc cải thiện kiếp này. Đây sẽ là một cấp độ động lực đi trước lam-rim; hãy gọi nó là “động lực ở cấp độ khởi đầu”. [Đây là điều mà Tiến sĩ Berzin gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng (“Dharma-Lite”) trong những năm về sau.]

Điều quan trọng ở đây là phải trung thực với chính mình. và không tự phụ về lãnh vực tâm linh. Tôi nghĩ rằng rất ít người trong số các hành giả trong nhà Phật có thể thật sự nói rằng họ đang hướng về giải thoát và giác ngộ. Nếu như đang thật sự hướng về giải thoát, thì điều đó có nghĩa là mình sẽ có tâm xả ly hoàn hảo. Hầu hết mọi người còn không muốn nghe về tâm xả ly, nói gì đến việc có được nó.

Những gì chúng ta đang từ bỏ không phải là sô cô la hay truyền hình. Những điều ta đang từ bỏ là nguyên nhân tạo ra vấn đề của mình, trên cơ bản, ở cấp độ khởi đầu, là cá tính tiêu cực của mình, và hành vi tiêu cực bắt nguồn từ đó. Đó là những điều mà mình phải từ bỏ, như tâm sân hận, ích kỷ, tham lam, những bức tường của mình. Hầu hết chúng ta không sẵn sàng từ bỏ bất cứ điều gì như thế. Chúng ta muốn bổ sung thêm một vài việc vào cuộc sống, như hạnh phúc và tất cả những điều tốt đẹp khác, mà không phải từ bỏ bất cứ điều gì. Nếu như không có tâm xả ly, thì khi mình nói rằng, “Tôi đang hướng về giác ngộ, tôi đang hướng về giải thoát”, thì nó sẽ không chân thành cho lắm.

Ở đây là chỗ mà mình phải vẽ một nét khác về vấn đề “nên” này. Điều mà nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng “Tôi nên hướng đến giác ngộ, bởi vì nếu như không làm như vậy, thì mình là một hành giả xấu, và thầy của mình sẽ không yêu thích mình.”. Điều này hơi trẻ con, đúng không? Điều mình phải cố gắng thấy ở đây là mức độ khởi đầu của động lực nhằm cải thiện kiếp luân hồi là hoàn toàn chính đáng. Nó ổn thỏa ở cấp độ khởi đầu. Trên thực tế thì việc có mặt ở mức độ khởi đầu là một thành tựu lớn. Hầu hết mọi người không có khái niệm nào về việc cố gắng cải thiện kiếp này, nói gì đến những kiếp tương lai. Và ở đây, chúng ta không nói về một đời sống được cải thiện về mặt kinh tế, mà là về việc phát triển nội tâm. Hầu hết mọi người trên thế giới này đều không quan tâm đến điều đó. Việc nhắm vào điều đó là tốt, và trên cơ sở đó, ta có thể bắt đầu thực hành Pháp, và có thể cố gắng, trong một thời gian dài, để hiểu rằng mình có thể đạt được giải thoát và giác ngộ, bởi vì nó có thể khó để cho mình thật sự vững tin vào điều đó.

Nói cách khác thì cách suy nghĩ trung thực hơn là, “Thật ra thì không thể nói rằng tôi đang nhắm vào giải thoát và giác ngộ trong hiện tại, bởi vì tôi không thật sự tin mình có thể đạt được những điều này, và không muốn tu tập với một chuyện thần thoại, nên đang cố gắng hiểu rằng đó là điều khả dĩ, bởi vì sau đó thì tôi có thể tu tập một cách chân thành, để đạt được điều này. Trong khi đó, tôi sẽ tu tập ở mức độ cố gắng cải thiện tình trạng luân hồi trong hiện tại, tình huống khó khăn của mình trong đời sống, và đối với điều đó thì tôi có một sự tự tin chắc chắn rằng ít nhất mình có thể làm suy yếu nguyên nhân tạo ra vấn đề, và loại bỏ những điều dễ dàng để loại bỏ hơn một chút, so với vô minh.”. Tôi nghĩ rằng cách suy nghĩ này sẽ giúp cho mình thật sự tu tập theo một cách lành mạnh hơn, với một đạo sư.

Hiện nay, nó không phải là một vấn đề, cho dù vị thầy đã giải thoát hay giác ngộ hay chưa. Đó không phải là vấn đề quan trọng nữa. Đúng hơn thì vấn đề là đây là một người phát triển cao hơn mình, đã thật sự làm suy giảm tâm vô minh, sân hận và vân vân của họ ở một mức độ lớn. Mình phải nghĩ rằng, “Ngay cả đôi khi, người này có thể phạm sai lầm, và đôi khi, họ có thể hơi bực bội chút xíu, nhưng điều đó ổn thôi. Sau này, khi đã tiến xa hơn trên đường tu thì tôi sẽ đối phó với cách mình tiếp cận với vấn đề đó như thế nào, về mặt 'Thầy của mình đang cố gắng dạy mình điều gì đó', và những điều như vậy. Tôi sẽ giải quyết vấn đề đó sau. Bây giờ, ở mức độ này thì nó đủ để tôi có thể thừa nhận rằng đây là một bậc chứng ngộ cao. Hiện giờ, việc thầy của mình có hoàn hảo hay không thì không thật sự quan trọng. Các ngài có thể truyền cảm hứng cho tôi, để tiến bộ theo cách mà các ngài đang tiến bộ.”.

Tuy điều này không được giải thích như thế này trong giáo lý nhà Phật, tôi nghĩ rằng với tư cách là một người Tây phương thì việc sử dụng mức động lực khởi đầu này như một giai đoạn trong sự phát triển tâm linh của mình sẽ rất hữu ích, bởi vì là người Tây phương, chúng ta thường nhìn vào mọi việc theo kiểu trắng đen. Nói cách khác thì một là vị thầy là một vị Phật hoàn hảo, hai là ta nghĩ rằng, “Hãy quên đi toàn bộ con đường tâm linh, bởi vì tôi thấy họ đã phạm sai lầm.”. Để tránh cực đoan này, và cũng để tránh cực đoan khi nói rằng mình đang tu tập để giải thoát và giác ngộ, trong khi thật ra thì không phải là mình đang làm như vậy, thì tôi nghĩ bước trung gian này rất hữu ích.

Tôi thấy trong việc tu tập của riêng mình thì điều đó không quan trọng đối với tôi, cho dù các thầy của tôi có thật sự là Phật hay không, và có tất cả những phẩm chất của Đức Phật hay không. Liệu các thầy có thể đi xuyên qua tường, bay trên không trung và tự phân thân thành mười tỷ sắc tướng hay không? Tôi thật không quan tâm đến điều đó. Không có điều gì khác biệt đối với tôi. Nhưng thực tế là các ngài đã tiến hóa cao hơn tôi rất nhiều về những điều tôi có thể thấy, và những gì tôi có thể liên hệ về cách các ngài đối xử với mọi người, đối phó với đời sống, v.v.., cho tôi thấy rằng họ đã tiến hóa cao hơn nhiều so với tôi. Điều đó mang lại cho tôi cảm hứng rằng mình có thể đạt được điều tương tự.

Đây là một mức độ mà mình có thể bắt đầu làm việc. Tôi nghĩ rằng nó dễ tiếp cận hơn nhiều. Hãy vững tin rằng mức độ chấm dứt nguyên nhân tạo ra vấn đề của mình là điều khả dĩ – tuy rằng có thể nó không phải là một chân diệt để đạt được giải thoát, thì cũng đủ để giúp cho mình tu tập như một người trong phạm vi động lực khởi đầu. Đây là một mức độ hoàn toàn chính đáng, để có được trong hành trì tâm linh, và là một mức độ cần thiết để khởi đầu. Nói cách khác là khi nhìn một vị thầy ở cấp độ như vậy, thì ta sẽ bắt đầu tin tưởng rằng mình có thể đạt được ít nhất một mức độ chấm dứt nguyên nhân tạo ra vấn đề, mặc dù có thể nó không phải là một chân diệt mà nhờ đó, mình sẽ đạt được giải thoát. Chỉ cần có sự xác tín về khả năng của mức độ chấm dứt nguyên nhân tạo ra vấn đề này, là sẽ tạo cho mình lòng tự tin, để có thể tu tập một cách chân thành như một người ở mức độ động lực đầu tiên này. Đó là giai đoạn rất cần thiết. Điều này không chỉ ổn thỏa, mà còn là một giai đoạn cần thiết mà mình phải trải qua, để có một sự phát triển tâm linh vững chãi.

Sau đó thì điều mà mình cần phải tránh là nhảy vào động lực cao nhất ngay từ đầu, rồi khi mình bị vỡ mộng, thì mọi thứ sẽ sụp đổ! Mình lại rơi xuống đất. Đây là một lề thói Tây phương rất điển hình về việc một đệ tử gặp gỡ đạo Phật. Hãy tránh điều đó bằng cách không tự phụ, và trước tiên là tu tập để cải thiện tình trạng luân hồi hiện tại của mình, mà sau cùng, thường là lý do tại sao những người chân thành theo đạo Phật, vì chúng ta không chỉ thực hành nó như một chuyến du lịch, hay một loại thể thao hoặc sở thích nào đó. Đây là mức độ đầu tiên của việc liên hệ với đạo Phật một cách chân thành; đó là điểm khởi đầu.

Rồi thì đến Diệu Đế Thứ Tư: để đem lại sự chuyển hóa này thì chúng ta phải tự mình làm điều gì. Mình phải chủ động, vì nó sẽ không xảy ra trên trời mà không có lý do nào cả, không có nỗ lực. Chúng ta phải thật sự thay đổi chính mình.

Top