Đối Phó Với Những Khó Khăn

Hạ Những Bức Tường Xuống Để Học Hỏi

Như đã thảo luận ngày hôm qua, những gì mình sẽ cố gắng làm là cảm thấy cởi mở, để giúp đỡ người khác, trực tiếp liên hệ với người khác, và hạ bức tường xuống. Cần phải hạ bức tường xuống không chỉ về phía con người, mà còn về phía học hỏi các việc. Nó là một quá trình tương tự. Phải hạ chúng xuống, để ta có thể cởi mở, và áp dụng những điều cho cá nhân mình, thay vì dựng lên một bức tường hay một loại rào cản nào đó, được cấu tạo bằng khả năng trí thức của mình. Nói cách khác là ta có thể dựng lên một bức tường để bảo vệ một “cái tôi” dường như rắn chắc bên trong, và nghĩ rằng, “Tôi chỉ lắng nghe mọi sự như một bài tập về mặt trí thức, để học được điều gì tò mò hay thú vị. Bởi vì nếu như phải chạm vào điều gì sâu thẳm bên trong, thì hơi đe dọa một chút, nên tôi sẽ dựng bức tường lên. Chúng ta cũng cần phải hạ những bức tường như vậy xuống.

Chúng ta sẽ cố gắng cởi mở theo cách này, để học hỏi và chuyển hóa tự thân, để đến phiên mình có thể giúp đỡ những người mà ta đã cởi mở ở mức độ cá nhân. Tương tự như những điều mình đã mô tả ngày hôm qua thì ta có thể phát triển sự cảm nhận trong lòng bằng cách trước hết nhìn những người xung quanh, hoặc những người khác trong căn phòng này, hay hình ảnh của chư Phật trên tường, rồi sau khi hạ bức tường xuống thì cảm thấy động lực cởi mở cho một sự chuyển hóa ở mức độ sâu sắc hơn, của chính mình và các mối quan hệ của mình với người khác.

Hãy làm điều này trong một khoảnh khắc. Và xin vui lòng làm điều này với ý định chú ý và tập trung. Không phải là mình chỉ muốn ngồi đó và để tâm lang thang khắp nơi.

[Tạm dừng để thực hành]

Sử Dụng “Pháp Tu” Nhà Phật Như Một Bức Tường

Khi tiếp cận đạo Phật, về cơ bản thì những điều mà mình đang tu tập là một mức độ tự chuyển hóa nào đó. Tự chuyển hóa là điều có thể đáng sợ. Chúng ta đã nói một chút về nỗi sợ ngày hôm qua. Để tránh việc phải thay đổi thì mình sẽ dựng bức tường lên. Sau đó, với những bức tường được dựng lên thì mình sẽ tiếp cận đạo Phật giáo như một cách chuyển hướng, một hình thức thể thao, hay một sở thích. Chúng ta nhìn vào pháp tu nhà Phật như điều gì hoàn toàn không liên quan đến đời sống của mình.

Rất thú vị là khi chúng tôi hỏi những người đã theo đạo Phật một thời gian rằng “Pháp tu của bạn là gì?” thì thường là họ sẽ nói pháp tu của họ là hành trì một số nghi lễ mỗi ngày, vì đã nhận một lễ điểm đạo Mật tông. Họ phải trì tụng điều gì mỗi ngày, và đó là pháp tu của họ. Có lẽ thậm chí họ còn nhìn nó theo cách của Cơ đốc giáo: “Tôi phải cầu nguyện mỗi ngày.”. Trên thực tế thì nhiều người gọi những nghi quỹ này là “lời cầu nguyện” của họ. Như chúng ta đã sử dụng phép ẩn dụ về việc vẽ một bức tranh vào cuối tuần này, thì mình có thể thêm vào đây một vài nét vẽ bên cạnh bức tranh liên quan đến ý nghĩa của chữ “nên” - “Tôi nên tụng lời cầu nguyện, vì muốn trở thành một người tốt, vì tôi đã hứa sẽ làm như vậy...” Rồi thì tất cả chúng ta đều dính líu đến ý tưởng về Thượng Đế và bổn sư (guru).

Bây giờ thì mình sẽ bắt đầu vẽ những nét nhỏ trên nhiều phần của bức tranh. Ngay cả khi không thực hiện một số nghi lễ Mật tông như thế, thì có lẽ mình đang lễ lạy, hay hành trì một số pháp tu khác theo cùng một cách. Như tôi đã nói thì khá dễ dàng để biến nó thành một môn thể thao hoặc sở thích; là điều khá tách rời với thực tại của nội tâm. Nói cách khác thì chúng ta nói rằng mình “tu tập” như một nghĩa vụ - “điều gì mà tôi nên làm, bởi vì tôi đã nói rằng mình sẽ làm điều đó” - hoặc như một môn thể thao hay sở thích không thật sự liên quan đến cuộc sống - “và đó là pháp tu của tôi!”

Đó là một sai lầm lớn trong việc tiếp cận đạo Phật. Nhiều người đã theo đạo Phật trong rất nhiều năm ở mức độ đó, tuy nhiên, vì quan điểm sai lầm ấy, nên họ chỉ có được lợi ích tối thiểu. Chắc chắn là có thể có một số lợi lạc; tôi không bác bỏ điều này, nhưng không tuyệt vời như nó có thể xảy ra. Khi mình hay ai đó - thường là người khác – nói rằng, “Hành trì của tôi là tâm bi, tánh Không và vô thường, vân vân.”, thì một số người sẽ có những phản ứng khá kỳ lạ. Nếu như ta đang hành trì các nghi lễ như pháp tu của mình, và có ai nói điều này với ta, thì mình có thể nghĩ rằng người này giả tạo và rất tự hào, và, theo một nghĩa nào đó, xem thường và chỉ trích mình về việc thực hiện những nghi lễ này. Theo một nghĩa nào đó thì mình xem nó gần như là một sự đe dọa.

Một lần nữa, nó lại quay trở lại với một quan niệm sai lầm về một “cái tôi” vững chắc bên trong các bức tường, trì tụng tất cả những nghi lễ, gần như là một cách để làm cho những bức tường đó vững chắc hơn. Chúng ta làm như vậy, bằng cách ở trong những bức tường, để không phải đối diện với chính mình và cuộc sống. Chúng ta sẽ rất là bận rộn với các nghi lễ, để không thật sự phải đối phó với người khác, hay chính mình. Bạn biết cách mà một số người bật radio hay nhạc lên khi họ vừa thức dậy vào buổi sáng, và để cho nó phát thanh cả ngày, hay thậm chí vặn truyền hình cả ngày. Bây giờ thì nhiều người đi bộ cả ngày với tai nghe (earphones) và Walkman (máy nhạc di động) chơi nhạc ồn ào trong tai họ. Tuy họ làm điều này không có ý thức, nhưng hiệu quả là họ không bao giờ phải thật sự suy nghĩ hay ở một mình. Đó là cách kỳ lạ để xử lý nỗi cô đơn, nhưng dù sao, là những người có lối sống phương Tây thì chúng ta cũng biết điều đó có nghĩa là gì. Về mặt tác dụng thì những thói quen như vậy sẽ làm cho mình mất tập trung đối với việc có một cái nhìn nghiêm túc về tâm thức và đời sống của mình.

Việc noi theo cùng một lề thói như vậy với pháp tu nhà Phật là điều khá dễ dàng. Chúng ta sẽ thực hiện một nghi lễ, hay trì tụng một câu mật chú suốt cả ngày, tương tự như nghe nhạc suốt cả ngày. Nó không thật sự chạm vào một phần sâu sắc hơn của mình. Nói cách khác là mình sử dụng hành trì đó như một bức tường khác. Nó là một lớp khác của một bức tường lớn xung quanh mình. Ngay cả khi mình đã khá tinh vi trong pháp tu - giả sử như ta đang quán tưởng đủ thứ về mạn đà la và chư Hộ Phật, và những điều như vậy suốt cả ngày – thì sẽ khá dễ dàng để sử dụng nó như một bức tường khác, nên ta không phải liên hệ với cuộc sống. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là có một cấu trúc cơ bản trong pháp tu, chứ không phải là điều gì ở bên lề của cuộc sống, mà ta sẽ thực hiện trong một tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn, tùy theo mình làm điều đó bao lâu mỗi ngày. Đời sống phải là pháp tu của mình.

Video: Geshe Lhakdor — “Nghiên Cứu Tâm Thức”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Diệu Đế Thứ Nhất – Chân Khổ 

Để biến đời sống thành việc tu tập thì phải quay trở lại cấu trúc cơ bản của giáo lý nhà Phật, đó là Tứ Diệu Đế, Bốn Sự Thật Của Đời Sống. Việc xem chúng một cách khá nghiêm túc là điều cần thiết. Diệu đế đầu tiên trong số những diệu đế này, như đã được hình thành vào tối hôm qua, là “đời sống khó khăn”. Bạn có thể nói, “Tất cả mọi việc đều đau khổ”, nhưng đó là một cách không dễ chịu để nói về nó. Nếu như mình nói rằng, “Đời sống khó khăn.”, thì sẽ thích hợp nhiều hơn.

Vấn đề là đây là điều cần thiết để đối diện với thực tế này, và chấp nhận rằng đời sống khó khăn. Đôi khi, chúng ta rơi vào tình trạng phủ nhận điều đó, hay dựng lên những bức tường, và ta chỉ nói bằng ngôn từ lý thuyết, “Đúng, có tất cả những nỗi khổ này”, nhưng ta không áp dụng thực tế đó cho chính mình, và xem nó là sự thật trong cuộc sống của mình. Chúng ta quá bận rộn với việc cố gắng tìm kiếm hạnh phúc. Một chút nữa trong ngày hôm nay, hay là ngày mai thì chúng ta sẽ thảo luận toàn bộ đề tài về hạnh phúc, và việc có được hạnh phúc trong khi làm một hành giả trong nhà Phật thì có ổn hay không. Đó là một điểm rất tinh tế khác đối với các hành giả Tây phương, và một điểm mà chúng ta gặp khá nhiều khó khăn trong việc hòa giải. Nhưng hiện giờ thì hãy để nó qua một bên.

Rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, nhưng không chỉ giới hạn cho phụ nữ, thấy mình trong hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, ví dụ như phải chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình, ngoài ra, còn có thể phải làm việc. Đôi khi, họ gặp rất nhiều khó khăn với chồng hay người đàn ông trong đời của họ, bởi vì anh ấy không giúp đỡ, hay không hiểu về hoàn cảnh khó khăn. Người đàn ông thường cảm thấy khó khăn để thông cảm cho hoàn cảnh của phụ nữ, bởi vì cách trả lời của một người đàn ông điển hình là: “Hãy nói cho tôi biết vấn đề là gì?”, rồi thì anh ấy sẽ muốn sửa chữa vấn đề, giống như nó là một cái ống bị bể. Đó không phải là điều mà người phụ nữ đang tìm kiếm trong tình huống này. Thường thì những gì cô ấy đang tìm kiếm chỉ là một sự thừa nhận về khó khăn này, và được cảm thông, không phải theo nghĩa là “Ồ, tội nghiệp cho bạn quá”, mà là một sự thông cảm theo nghĩa hỗ trợ và hiểu biết về mặt tình cảm. Đây là một hành  trì thật sự về hạnh bố thí, ba la mật hay thái độ sâu rộng đầu tiên.

Một điểm khác khá phù hợp ở đây là từ Tịch Thiên, đạo sư người Ấn Độ, đã nói, và tôi đang lập lại lời của ngài, “Không thể dựa vào chúng sinh phàm trần về bất cứ điều gì, bởi vì họ non dại và chưa trưởng thành, và sẽ luôn luôn làm cho mình thất vọng.”. Xin cảm tạ ngài Tịch Thiên. Điều này liên quan đến các tình huống trong nhiều gia đình, bởi vì người chồng thường không thể thật sự cung ứng sự hỗ trợ mà người phụ nữ muốn. Nó liên quan đến cuộc thảo luận của chúng ta ở đây về Diệu Đế Thứ Nhất, bởi vì tình trạng của một người phụ nữ duy trì nhà cửa và con cái chỉ là một ví dụ về “đời sống khó khăn”. Đời sống cũng khó khăn cho đàn ông, họ cảm thấy mình có trách nhiệm để làm cho mọi việc xảy ra về mặt cung cấp tài chánh cho gia đình, và bằng cách nào đó, bảo vệ mọi người và mọi thứ. Điều đó quá khó khăn.

Khi nói về Diệu Đế Thứ Nhất này thì làm sao có thể nói về nó, để mình không ở trong trạng thái chối bỏ, và để nó thật sự phù hợp với mình? Tôi nghĩ rằng điều mình cần là làm thỏa mãn nỗ lực để có được một sự hỗ trợ và hiểu biết về sự thật là cuộc sống của mình khó khăn, và đời sống nói chung là khó khăn.

Hướng Về Tam Bảo Để Được Hỗ Trợ

Câu hỏi là mình sẽ hướng về đâu để có được sự thông cảm và hỗ trợ đó? Nếu như mình hướng về những chúng sinh phàm trần, thì họ cũng có những vấn đề riêng, và rất khó để có được sự hỗ trợ của họ. Điều này đưa đến chủ đề quy y. Tôi không thật sự thích chữ “quy y”, vì tôi nghĩ nó quá thụ động. Tôi luôn nghĩ về nó như một quá trình năng động hơn, để đưa ra một phương hướng an toàn và tích cực vào trong cuộc sống. Nếu như ta muốn hướng về điều gì có thể thật sự đem lại cho mình sự hỗ trợ cảm thông, thì với tư cách là một Phật tử, trong bối cảnh quy y, ta sẽ hướng về Tam Bảo, đó là chư Phật, giáo lý và thành tựu của các ngài, cụ thể là Pháp, và Tăng đoàn.

Ở phương Tây, chúng ta đã bắt đầu sử dụng chữ "sangha" theo cách hoàn toàn phi Phật giáo, tương đương với một giáo đoàn của nhà thờ. Chúng ta sử dụng nó để chỉ những người đến trung tâm Phật giáo. Đó không phải là ý nghĩa nguyên thủy. Tuy nhiên, mặc dù các thành viên khác trong cộng đồng Phật giáo không phải là đối tượng quy y, nhưng chúng ta vẫn có thể có một sự đồng hành nào đó, và sự thừa nhận của họ, trong bối cảnh là cuộc sống khó khăn - đời sống của tôi khó khăn, không chỉ đời sống nói chung là khó khăn.

Ngoài ra, Diệu Đế Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư  thì giống như một cách điển hình để giải quyết sự việc của đàn ông: “Chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân, rồi sửa chữa vấn đề”, như sửa một cái ống bị bể. Nhưng cần phải làm điều đó trong bối cảnh của cách tiếp cận nữ tính hơn, đó là việc hỗ trợ và thừa nhận rằng đời sống khó khăn. Nó khó khăn thật. Cho dù là nam giới hay phụ nữ, thì mình cần có một sự kết hợp của cả hai. Không nên nghĩ rằng giới tính sẽ quyết định một quan điểm riêng biệt.

Làm sao để nhận được sự hỗ trợ đó? Ở một mức độ nào đó thì việc hướng về các thành viên khác trong cộng đồng Phật giáo có vẻ khá tốt. Nhưng ta thường thấy những người trong cộng đồng của mình không quá trưởng thành, nên mình có xu hướng phán xét, và chúng ta có xu hướng khép kín với nhau. Trong nhiều cộng đồng Phật giáo phương Tây thì người ta có những bức tường rất vững mạnh, bởi vì người ta nghĩ rằng bằng cách nào đó thì họ phải phô bày hình ảnh của một người rất thánh thiện và tiến bộ về mặt tâm linh. Vì vậy nên thông thường thì chúng ta tề tựu lại để nghe thuyết Pháp, hay hành trì một số nghi lễ với nhau, hay hành thiền với nhau, và sau đó thì mọi người ra về, và ta nghĩ rằng đó là ý nghĩa của việc tu tập trong một nhóm, chỉ cần ngồi với nhau, hay cùng nhau tụng một câu mật chú, tương tự như việc nghĩ rằng đó là ý nghĩa của việc tu tập cá nhân. Trên thực tế thì trọng tâm thật sự để tu tập trong một nhóm Phật tử là thân thiện với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, thông cảm, cởi mở và yêu thương nhau. Nếu như mình chú tâm vào đó như một pháp tu trong nhóm, thì trên thực tế, chúng ta có thể tạo ra sự tương trợ tình cảm, khi phải đối diện với thực tế là đời sống khó khăn, và tất cả chúng ta đều làm việc với chính mình trong giới hạn của sự thật đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn là những chúng sinh phàm trần, và đôi khi rất khó để thật sự cung ứng mức độ hỗ trợ đó cho người khác.

Nếu như nhìn vào Tăng Bảo thật sự, thì điều này đang đề cập đến chư thánh nhân, những người đã có chứng ngộ vô niệm về tánh Không. Điều này khá khác biệt, đúng không? Mặc dù những người như vậy vẫn chưa thoát khỏi khổ đau, nhưng họ sẽ có vấn đề bản ngã yếu ớt hơn nhiều, nên có thể hỗ trợ mình một cách dễ dàng hơn. Nhưng không có rất nhiều thánh nhân xung quanh mình, đúng không?

Rồi thì có lẽ mình có thể hướng về Phật Bảo để ban cho ta sự hỗ trợ này. Chúng ta cảm thấy rằng, “Phật hiểu mình; Phật hiểu những khó khăn của mình trong cuộc sống.”. Chắc chắn là điều đó sẽ tạo ra một sự thoải mái nào đó. Nó nhắc nhở ta về chức năng trong Cơ đốc giáo, được sử dụng trong lời tuyên bố, “Chúa Giê-su thương yêu tôi.”. Nếu như Chúa Giêsu yêu thương tôi, thì tôi không thể quá tệ. Càng thật sự tin rằng Chúa Giê-su thương mình, thì ta càng có một sự củng cố nào đó về giá trị của mình như con người, rồi thì nó sẽ cho ta sức mạnh để đối phó với đời sống. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thực tế là con chó của mình yêu thương mình thì chưa đủ!

Chúng ta có thể đưa cùng một thái độ của Cơ Đốc giáo này sang Đức Phật, “Phật thương tôi, Phật hiểu tôi.” Điều đó sẽ đem lại cho mình một sự an ủi và hỗ trợ. Bây giờ thì ta có thể vẽ một nét khác về phía của vị đạo sư trong bức tranh mà mình đang vẽ ở đây – một lần nữa, sẽ là một đạo sư  đúng đắn, không phải bất cứ ai. Tôi nhớ rất rõ về vị thầy chính của mình, Serkong Rinpoche. Một trong những phẩm chất nổi bật của ngài là ngài đã đối xử với mọi người một cách nghiêm chỉnh. Cho dù lời thỉnh cầu của người ta có ngớ ngẩn đến mức nào, ví dụ như một người hippie thật lạ lùng ở ngoài đường vô gặp ngài và nói rằng, “Xin dạy cho con Sáu Pháp Du Già của Naropa”, cho dù người này có kỳ lạ đến mức nào, thì Rinpoche sẽ đối xử với anh ta một cách nghiêm chỉnh, “Ồ, đó là điều rất tuyệt! Con thật sự có hứng thú với giáo lý tuyệt vời này, và nếu con thật sự muốn học hỏi thì phải bắt đầu bằng cách chuẩn bị nội tâm.”. Rồi thì ngài sẽ dạy cho một người như vậy điều gì phù hợp với trình độ của họ. Điều đó rất tốt cho người đó, bởi vì nếu như vị thầy nghiêm túc với họ, thì họ có thể bắt đầu nghiêm túc với chính mình.

Ta có thể thấy rằng “thầy tôi hiểu và thương tôi” sẽ hữu hiệu song song với việc “Phật hiểu và thương tôi.”. Nhưng chúng ta không luôn luôn có liên hệ cá nhân gần gũi với thầy - giống như trong trường hợp đối với Phật. Ngoài ra, đôi khi các vị thầy mà mình có liên hệ thì lại không hội đủ điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên, ta vẫn hướng về họ, bởi vì nó có vẻ hơi quá lý thuyết và xa vời để nói rằng “Phật hiểu tôi”, hay “Phật thương tôi.”.

Do đó, chúng ta phải hướng đến một mức độ quy y khác. Chúng ta có thể quy y không chỉ với Phật, Pháp và Tăng như một nguồn cảm hứng nào đó, khiến cho mình đi theo đường tu; mà còn có thể quy y với giai đoạn thành quả mà chính mình sẽ đạt được, khi noi theo đường tu ấy. Điều đó có nghĩa là cuối cùng thì ta phải đạt được sự thoải mái và hiểu biết này trong chính mình, bởi vì tất cả chúng ta đều có tiềm năng và khả năng đầy đủ, trong bối cảnh của Phật tánh, để thành tựu trạng thái giải thoát và giác ngộ của Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta cũng có mọi tiềm năng để cung ứng sự hiểu biết và hỗ trợ này không chỉ cho người khác, mà còn cho chính mình nữa. Tôi nghĩ rằng đó thật sự là một điểm rất quan trọng. Tôi thấy nó rất quan trọng, đối với sự phát triển của riêng mình.

Ngài Tịch Thiên đã nói, và mẹ tôi cũng nói như vậy, rằng “Nếu như bạn muốn làm điều gì đúng, thì hãy tự mình làm. Nếu như bạn nhờ người khác làm điều đó, thì họ sẽ không làm theo ý bạn.”. Điều tương tự cũng đúng về mặt rút tỉa sự thông hiểu, thừa nhận và thoải mái mà mình cần có để hỗ trợ bản thân mình, khi phải đối diện với thực tế là cuộc sống khó khăn. Điều đáng tin cậy nhất là cung cấp sự hỗ trợ đó cho mình, nhờ sự hiểu biết của mình về bản thân, sự chấp nhận về hoàn cảnh sống của mình, và lòng tốt của mình đối với bản thân, trong những hoàn cảnh này, và không phán xét trong suốt quá trình.

Không Phán Xét Tự Thân

Nếu như ta phán xét, thì chỉ vẽ thêm một nét nữa vào bức tranh của “Tôi nên làm điều này, và không nên làm điều kia, và tôi muốn làm người tốt, không muốn làm người xấu.”. Nếu như có thái độ đó thì thật ra mình đang nhìn vào bản thân và nói rằng, “Đời sống của tôi khó khăn. Đó là vì tôi là người 'xấu'. Có điều gì không ổn với tôi.”. Nếu như nhìn vào cuộc sống của mình theo cách phán xét rằng: “Tôi muốn làm người tốt, tôi không muốn làm người xấu”, thì mình đang phán xét bản thân về mặt đời sống của mình: “Đời sống của tôi khó khăn. Tôi đã làm điều gì sai rồi. Tôi là người xấu.”. Thay vì tạo cho mình một sự hỗ trợ về mặt tình cảm thì cuối cùng, ta lại tự mắng mình, và chỉ tay một cách phán xét. Điều này sẽ không tạo cho mình sự hỗ trợ nào, mà chỉ làm cho mình cảm thấy tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự thông cảm từ chính mình thì không có nghĩa là đối xử với bản thân mình như một đứa bé, rồi không làm gì về tình huống của mình cả. Rõ ràng là khi một người phụ nữ muốn có sự thông cảm và thấu hiểu của người chồng, thì đó không phải là tất cả những điều mà cô ấy muốn. Nếu như anh ấy rửa chén thì cũng tốt! Tương tự như vậy, ta có thể muốn ai vỗ đầu mình như một con chó, nhưng cũng muốn có sự giúp đỡ chân thật. Điều tương tự cũng đúng, đối với việc quay về với tự thân. Một mặt thì ta phải thông hiểu và nồng nhiệt với chính mình, nhưng sau đó thì cũng phải tự sửa chữa cái ống bị bể, và làm điều gì để đáp ứng nhu cầu sâu xa hơn của mình.

Toàn bộ điều này khá phức tạp. Nó là một vấn đề khá tế nhị. Tôi nghĩ về ví dụ của những người không có tuổi thơ rất tốt đẹp, hay cha mẹ không thông cảm với họ. Những người như vậy thường tìm kiếm những người đóng vai trò cha mẹ của họ, cho dù đó là một người mẹ hay người cha. Họ có một mối quan hệ, rồi phóng chiếu vai trò của người mẹ hoặc người cha vào người kia một cách vô thức, và yêu cầu người kia cho họ sự thông cảm mà họ không có được, khi còn nhỏ.

Làm thể nào để đối xử với những người có vấn đề này? Đây là những mối quan hệ khá loạn thần. Chúng ta có thể nói, “Hãy cố xem xét lề thói vô thức về những điều bạn đang làm, và nhận ra bạn ngu ngốc đến mức nào, và đang tạo ra cho mình bao nhiêu vấn đề, và chấm dứt nó!”. Giống như khi con chó làm bẩn sàn nhà thì một số người sẽ dí mũi nó vào chỗ đó và nói rằng, “Hãy nhìn vào chỗ mà mày đã làm dơ! Đừng làm bậy nữa!”. Nhưng cách này không quá hữu hiệu. Có thể nó sẽ hữu hiệu đối với con chó, nhưng không hữu hiệu với chính mình, bởi vì nó chỉ củng cố cảm giác rằng tôi là người xấu, và tạo ra cảm giác tội lỗi và khao khát, “Tôi muốn làm một cô gái tốt; tôi muốn trở thành một người con trai tốt.”. Tất cả những điều phán xét này đều xoay quanh ý tưởng về một cái “tôi” vững chắc.

Công Nhận Quyền Lợi Của Mình

Nếu như nhìn vào các phương pháp tâm lý phức tạp hơn một chút, thì điều rất hữu ích là thừa nhận với người này rằng họ có quyền có một phu huynh biết thương yêu và thấu hiểu. Mọi người đều có quyền hưởng thụ điều đó, và việc họ không có được điều này thật là một sự khó khăn. Nhà tâm lý học sẽ thừa nhận điều đó, để chính đương sự cũng có thể thừa nhận và chấp nhận nó. Việc song song với điều này là thừa nhận rằng đời sống khó khăn. và đặc biệt là cuộc sống của mình khó khăn, và chúng ta có quyền được hạnh phúc. Chúng ta có quyền trở thành Phật, bởi vì mình có Phật tánh.

Trên cơ sở của sự thừa nhận đó, điều mình thường thấy là nhu cầu có được cha mẹ tốt trong quá khứ sẽ được chuyển hóa. Nó sẽ được thỏa mãn khi cá nhân ấy làm một phụ huynh tốt đối với người khác. Tôi đã thấy từ kinh nghiệm của bản thân, rằng nó nó có hiệu quả. Bằng cách thừa nhận rằng đời sống của mình khó khăn, và tạo cho mình một sự hỗ trợ về mặt cảm xúc, bằng sự thừa nhận đó, thì điều thật sự là việc chữa lành nhất trong toàn bộ quá trình đối phó với khó khăn trong đời sống là có sự thừa nhận và hiểu biết ấy đối với người khác. Càng trao tặng điều này cho người khác một cách rất chân thành, thì mình càng có thể đối phó với những khó khăn trong đời sống của chính mình, và trên thực tế thì ta sẽ thấy những khó khăn này sẽ ít mạnh mẽ hơn nhiều. Điều này rất khác với một nhân viên xã hội làm việc tốt, luôn luôn cố gắng làm mọi việc cho người khác, nhưng không bao giờ đối diện với đời sống của chính mình. Thông thường đời sống riêng của họ là một sự hỗn loạn. Cuối cùng thì tất cả đều quy về cách mà mình quy y với chính mình.

Hãy dành một vài khoảnh khắc để thừa nhận với bản thân về những khó khăn trong cuộc sống, và không phán xét về điều đó. Hãy cố gắng chỉ thừa nhận nó. Việc thừa nhận nó hiển nhiên có nghĩa là phải đối diện với nó. Không phải với những bức tường được dựng lên. Không phải với một số hành trì bên ngoài mà mình nói rằng: “Đây là đạo Phật của tôi.”. Điều này cũng có nghĩa là làm theo cách mà mình không cảm thấy thương tiếc cho chính mình. Cũng giống như người mẹ gánh vác quá nhiều việc, nhưng không muốn chồng mình nói rằng: “Ồ, tội nghiệp cho em quá!”, và cảm thấy thương tiếc cho cô ấy, thì ta cũng không muốn làm điều đó với chính mình.

Sự thừa nhận mà mình đang nói đến ở đây là điều gì rất nhẹ nhàng. Đúng ra thì nó giống như là “có mặt ở đó” - nếu như mình có thể tưởng tượng ra cách khái niệm hóa kỳ lạ này - chỉ cần “có mặt ở đó” với chính mình. Nếu như mình bị bệnh, thì không muốn người nào nói với mình rằng, “Ồ, tội nghiệp bạn quá”, và ra vẻ kẻ cả với mình như vậy. Điều thật sự có ích là khi người nào không sợ hãi với căn bệnh của mình, là người có khả năng ngồi đó, nắm tay và bầu bạn với mình. Mặc dù khái niệm về nó hoàn toàn trái ngược với sự hiểu biết về tánh Không, nhưng ở mức độ cảm xúc thì điều mình cần phải làm là nắm lấy tay của mình, không sợ hãi và không cảm thấy mình phải thể hiện sự thông cảm hay tự thương hại đầy kịch tính. Hãy thử làm điều đó.

[Tạm dừng để thực hành]

Nuôi Dưỡng Con Quỷ

Chúng ta có thể thấy hơi khó khăn, khi hành trì pháp tu này một cách trừu tượng như mình vừa làm, nên có thể hành trì pháp tu này theo cách “nuôi dưỡng con quỷ”. Ta có thể xem xét những vấn đề khác nhau mà mình đang phải đương đầu như con quỷ trong bản thân mình. Rồi thì ta có thể cố gắng để có được cảm giác nào đó về việc con quỷ này nhìn giống như thế nào, và phẩm chất của nó - con quỷ này muốn có một chút thiện cảm, ví dụ như: “Đời sống của tôi rất khó khăn. Tôi có rất nhiều trách nhiệm. Tôi có rất nhiều việc để làm. Tôi không có đủ thời gian; tôi không có đủ năng lượng; tôi không có đủ sự hỗ trợ ...”.

Trước tiên, ta sẽ tự hỏi con quỷ đó nhìn ra sao? Khi có khái niệm về hình ảnh con quỷ đó nhìn ra sao, thì ta sẽ đưa con quỷ đó ra ngoài và để cho nó ngồi trên đệm trước mặt mình. Sau đó thì mình sẽ hỏi con quỷ này: “Bạn muốn gì?”. Chúng ta có thể ngồi trên đệm và trả lời câu hỏi đó, hay chỉ làm điều đó trong trí tưởng tượng: “Tôi muốn sự thông cảm; tôi muốn sự hỗ trợ; tôi muốn có sự thừa nhận về những khó khăn mà tôi gặp phải trong đời sống.”. Rồi từ vị trí mà mình đang ngồi, ta sẽ tưởng tượng việc cho quỷ ăn. Ta sẽ hỗ trợ; ta sẽ thông cảm; ta sẽ trao tặng sự thừa nhận không phán xét cho con quỷ, bất cứ điều gì nó muốn.

Khi làm như vậy thì ta sẽ thấy rằng đó là một phương pháp hiệu quả hơn nhiều để hỗ trợ cho chính mình, thay vì chỉ ngồi đó và cố thực hiện nó một cách trừu tượng. Việc nuôi dưỡng con quỷ cũng rất hữu ích, theo nghĩa là nó bắt đầu rèn luyện cho mình để cung ứng sự thông cảm đó cho người khác. Dần dần, ta có thể bắt đầu hiểu cách, bằng cách cung cấp sự hiểu biết và chữa lành đó cho người khác, bằng cách trở thành một phụ huynh tốt cho người khác, đó cũng là một quá trình chữa lành cho chính mình. Nó vận hành theo cùng một cách. Giống như việc cho con quỷ sự thông cảm là chữa lành cho chính mình, thì tương tự như vậy, việc hỗ trợ người khác cũng là chữa lành cho bản thân mình.

Hãy dành một vài khoảnh khắc để trao tặng sự thông cảm và thừa nhận đó cho con quỷ, rằng đời sống cũng khó khăn cho nó, và đó là những điều đang gặm nhắm mình trong nội tâm. Hãy thực hiện quá trình này, khởi sự từ đầu, nhìn thấy nhu cầu ấy trong tự thân, sau đó đưa nó ra ngoài và cho nó ăn. Hãy cho con quỷ bên trong mình những điều mà nó cần thiết, và muốn có được.

[Tạm dừng để thực hành]

Bây giờ, hãy nhìn một số người trong đời sống của bạn, và cho họ sự thông cảm và chấp nhận tương tự về sự khó khăn trong đời sống. Cho dù họ đau yếu hay già nua, hoặc làm việc quá nhiều, dù vấn đề là gì đi nữa, thì hãy thừa nhận điều đó, chấp nhận nó và cung ứng sự hỗ trợ mà họ cần. Điều này bao gồm những người gặp khó khăn về tình cảm, một người luôn luôn sân hận, hay luôn luôn xử tệ hại với người khác. Hãy công nhận rằng đời sống của họ cũng khó khăn. Hãy cho người đó ăn sự thừa nhận và thông cảm của bạn, giống như cho quỷ ăn. Hãy tưởng tượng mình có một nguồn tài nguyên vô hạn về những điều mà người kia muốn, giống như mình có nguồn tài nguyên vô hạn về những thứ mà con quỷ muốn.

Chỉ cần để cho nguồn tài nguyên vô hạn của sự thông cảm và chấp nhận này đi qua thân mình và tuôn ra cho người khác, chúng ta có thể trải nghiệm tâm bố thí theo một cách không phiền phức. Nếu như mình thấy phiền phức về điều đó, thì ta sẽ nghĩ rằng, “Ồ, tôi phải làm cái gì đối với tình huống khó khăn, nhưng không làm gì được hết. Tôi bất lực; tôi vô vọng. Toàn bộ tình huống thật là tệ hại ...”, rồi thì mình sẽ rất phiền toái vì toàn bộ sự việc. Đúng hơn thì ta sẽ để cho tâm bố thí tuôn chảy qua thân mình như một dòng nước mát vô tận.

Đó là một chút về điều được tượng trưng, khi ta tưởng tượng cam lồ từ chư Phật tuôn xuống thân mình, trong những pháp quán tưởng này. Nó là một điều tương tự, nhưng ở mức độ đơn giản hơn. Ta có thể gởi dòng cam lồ này ra ngoài, nếu như cần thiết. Không có vấn đề về việc dòng cam lồ sẽ khô cạn; nó chỉ tuôn chảy đến người khác một cách rất mát mẻ và nâng đỡ. Nó bất dụng công, chỉ tuôn chảy thôi. Làm sao để làm cho nó tuôn chảy? Hãy hạ những bức tường xuống! Không có gì phải lo sợ, và không có gì mất mát.

Top