Hạ Những Bức Tường Xuống

Cách Tiến Hành

Tôi muốn điều hành hội thảo này như là cho bạn một hộp sô cô la hàng mẫu. Điều đó có nghĩa là một chút hương vị của chủ đề này, và một chút hương vị của chủ đề kia trong đạo Phật. Vì vậy nên hội thảo sẽ không được tổ chức một cách hợp lý. Hãy để tôi cho bạn một cảm giác về những gì tôi có trong đầu. Chẳng hạn như cách tiêu chuẩn để bắt đầu bất cứ buổi thuyết Pháp nào là thiết lập hay phát khởi động lực. Thật ra thì điều đó không dễ lắm. Tôi không nhận thấy điều đó rất dễ thực hiện, bởi vì chúng ta phải cân bằng cẩn thận giữa việc chỉ nói những lời trong đầu, và thật sự cảm nhận điều gì trong thân tâm của mình.

Tôi nghĩ đối với nhiều người trong chúng ta thì thật khó xác định rõ ràng ý nghĩa của việc cảm nhận điều gì, đặc biệt là một động lực. Ý tôi là chúng ta có thể cảm thấy buồn, và mình biết cảm giác đó ra sao. Nhưng để cảm nhận một động lực thì không dễ biết nó đang nói đến điều gì. Đó là những vấn đề mà tôi nghĩ rất thú vị để giải quyết trong cuối tuần này. Chúng là những vấn đề khá khó khăn, không dễ dàng. Tôi nghĩ điều đó sẽ có ích hơn là “Đức Phật có bao nhiêu tướng giác ngộ?”, rồi thì tôi sẽ đưa ra một con số, không phải là loại thắc mắc như vậy. Nhưng một lần nữa, như tôi đã nói vào lúc đầu, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi chỉ cố đưa ra loại vấn đề như vậy theo một trật tự hợp lý. Tôi thích mọi việc xảy ra một cách khá thứ tự, nhưng điều này không đơn giản như vậy.

Điều này nêu ra một điểm rất thú vị, mà tôi nghĩ có lẽ phù hợp với nhiều người, đó là thường thì chúng ta không chỉ có định kiến chung chung, giống như mọi thứ cần phải đi theo một trật tự hợp lý, nhưng sâu thẳm hơn thì mình muốn có quyền tự chủ. Khi có quyền tự chủ và mọi việc “đi theo trật tự”, hoặc ít nhất là khi nghĩ rằng mình có thể kiểm soát sự việc, thì dù sao đi nữa, ta sẽ thấy an toàn hơn một chút. Chúng ta nghĩ rằng mình biết những gì sắp xảy ra, nhưng cuộc đời không như thế. Chúng ta không thể luôn luôn kiểm soát vấn đề, và mọi việc không thể luôn luôn đi theo “trật tự”. Mặt khác là mình thích trao quyền kiểm soát cho người khác, để họ kiểm soát mình, hay kiểm soát tình hình mà mình đang ở trong đó. Nó cũng là một vấn đề tự chủ.

Nhưng không ai, không phải chúng ta hay bất kỳ ai khác, có thể kiểm soát những gì xảy ra trong cuộc sống. Điều gì xảy ra sẽ chịu tác động của một triệu yếu tố, không chỉ của một người. Do đó, việc buông bỏ là điều cần thiết, theo nghĩa là buông bỏ sự bám chấp mạnh mẽ này đối với một “cái tôi” vững chắc, tồn tại một cách độc lập với tất cả những thứ khác, và muốn có sự tự chủ, bất kể điều gì xảy ra quanh nó. Nó là “cái tôi” vững chắc, nghĩ rằng nó sẽ thiết lập sự tồn tại an toàn của mình bằng cách có tự chủ. Nó thích nghĩ rằng, “Nếu như có quyền tự chủ thì mình sẽ tồn tại. Nếu như mất quyền kiểm soát thì mình không thật sự hiện hữu. Khi tu tập theo đường tu nhà Phật thì điều cần thiết là từ bỏ ý tưởng làm người “tự chủ”. Điều đó cũng có nghĩa là từ bỏ mặt kia của vấn đề, đó là trao quyền kiểm soát cho người khác, đặc biệt là cho vị bổn sư, đạo sư, để họ giữ quyền kiểm soát. Nó cũng là một vấn đề giống nhau. Phải khắc phục cả hai mặt của việc kiểm soát.

Tôi nghĩ điều rất cần thiết vào cuối tuần này, vì chúng ta sẽ xử lý các vấn đề của con người, là nói chuyện với nhau như những con người. Thế thì tôi sẽ nói với bạn như một con người nói chuyện với một người khác. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ luôn nói với tư cách là một con người với một người khác, chứ không phải là một người có thẩm quyền đứng sau bục giảng, như thể là tôi có tất cả câu trả lời.

Tôi nghĩ rằng thay vì cố gắng kiểm soát và có một chương trình đi theo thứ tự hợp lý, thì tốt hơn là nên để cho thời gian của cuối tuần này mở ra như vẽ một bức tranh. Chúng ta sẽ chấm phá một nét nhỏ ở đây và một nét nhỏ ở kia, thay vì cố gắng trình bày rất thứ tự. Vì rất nhiều chủ đề mà chúng ta có thể thảo luận vào cuối tuần này sẽ trùng lập và tương quan với nhau, nên tôi nghĩ đó là cách hợp lý nhất mà chúng ta có thể tiến hành buổi hội thảo.

Động Lực

Hãy quay trở lại miếng sô cô la đầu tiên trong hộp mẫu của mình. Tôi chưa nhai nó xong, nên nhiều người trong số các bạn có thể cũng chưa nhai nó xong. Đó là câu hỏi làm thế nào để cảm nhận một động lực. Tôi nghĩ là, vì tôi biết tôi đã trải qua điều này trong sự phát triển của chính mình, rằng chúng ta nghĩ rằng cảm xúc thì phải có kịch tính để tồn tại. Nếu như chúng có tính chất kịch tính thì sẽ được xem là cảm xúc, và chúng tồn tại; nếu như không có kịch tính thì chúng sẽ không được kể đến, và không thật sự tồn tại. Tôi nghĩ điều này đã được điều kiện hóa một chút vì phim ảnh và truyền hình. Nó không phải là bộ phim thú vị, nếu như nó có điều gì rất tinh tế, phải không? Nó phải có kịch tính, với âm nhạc cảm động ở phía sau!

Đôi khi, chúng ta đọc một cuốn sách của đạo Phật, và sách nói rằng, “Lòng bi mẫn của mình phải rất cảm động, đến nỗi tất cả lông tóc trên người đều dựng đứng lên, và nước mắt lưng tròng.”. Nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó để sống một đời sống liên tục như vậy. Khi nghĩ về việc phát khởi động lực thì đôi khi, chúng ta có cảm giác là “Mình nên cảm nhận điều gì đó”, và đó là một chủ đề mà chúng ta sẽ quay trở lại khá nhiều trong cuối tuần này, toàn bộ chữ “nên” này. Chúng ta nghĩ rằng “Mình nên cảm thấy điều gì mạnh mẽ. Nếu không thì mình sẽ không thật sự phát khởi động lực, nếu như điều đó không xảy ra.”. Tuy nhiên, khi phát khởi động lực, nói chung thì nó là một cảm giác rất ít ỏi, ít nhất là từ kinh nghiệm của tôi. Nó thường tinh tế hơn nhiều, so với việc lông tóc dựng đứng trên tay. Tôi nghĩ có lẽ nếu như chỉ nói với bạn như vậy thì sẽ ích lợi hơn, chứ không nói như là tôi đang đứng ở đàng sau bục giảng, mà là chia sẻ với bạn kinh nghiệm của riêng mình, khi tu tập những điều trong đạo Phật, và cách tôi đối phó với những vấn đề điển hình này, mà hầu hết chúng ta là người Tây phương đã có. Vậy thì hãy làm như vậy.

Chúng ta luôn nghe những lời dạy rằng mình phải cố gắng liên hệ với người khác như thể họ là mẹ của mình: “Nhận thức tất cả mọi người là mẹ của mình.”. Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn trong mối quan hệ với mẹ của họ, nên ta có thể thay thế điều đó bằng ý tưởng hay hình ảnh của người bạn thân thiết nhất của mình. Đó là vì vấn đề không phải là “mẹ”, mà vấn đề là bất cứ người nào mà mình có quan hệ tình cảm mạnh mẽ và tích cực.

Khi phát khởi động lực thì chẳng hạn như tối nay, điều mà tôi cố gắng làm là nghĩ đến mọi người trong số khán giả như là những người bạn thân nhất của tôi. Khi ở gần người bạn thân thiết nhất thì mình sẽ chân thành. Ta sẽ không phải đóng kịch, hay trốn đằng sau loại mặt nạ hay vai trò nào. Đúng không? Và khi ở gần người bạn thân nhất thì mình sẽ cảm nhận điều gì đối với người đó một cách chân thành. Nó không phải là luôn luôn xúc động, nhưng đó là điều có mặt ở đó.

Khi bắt đầu áp dụng những lời dạy như, “Hãy xem mọi người như mẹ của bạn”, theo nghĩa là “Hãy xem tất cả mọi người như người bạn thân nhất của mình”, thì chúng ta sẽ bắt đầu có một động lực nào đó. Chúng ta sẽ có động lực chân thành. Chúng ta sẽ muốn làm điều gì có lợi cho người này một cách chân thành. Ta sẽ muốn thời gian mà mình ở gần người đó có ý nghĩa và hữu ích cho họ, trừ khi mình là một người rất ích kỷ, và chỉ muốn lợi dụng người kia vì niềm vui hay lợi ích của mình.

Tầm Quan Trọng Của Việc Mở Mắt

Tôi cũng thấy rằng khi thực hành các pháp tu nhà Phật như bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha thì tôi không thật sự thấy xúc động, khi thực hành chúng theo hình thức quán tưởng, trong khi nhắm mắt lại. Vâng, tôi có thể nhắm mắt và hình dung người bạn thân nhất của mình, nhưng điều đó không giống như việc liên hệ với những người ở trước mặt tôi, hay với các bạn trong hiện tại. Tôi thấy những pháp tu này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều, khi tôi thực hành chúng trong khi mở mắt, và nhìn thấy người ta.

Tuy nhiên, khi tu tập một mình thì đương nhiên, đó là một việc khác. Chúng ta có thể nhìn vào ảnh của người khác, nếu như khó tưởng tượng ra họ. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng ngay cả khi mình đang quán tưởng người khác thì tôi thấy việc cố gắng quán tưởng từng người cụ thể sẽ ích lợi hơn, thay vì chỉ hình dung “tất cả chúng sinh” một cách trừu tượng. Và tôi sẽ cố gắng làm điều này trong khi mở mắt, không khép kín bản thân mình với thế giới xung quanh, khi nhắm mắt lại.

Khi xem xét chỉ giáo liên quan đến việc quán tưởng trong pháp tu Mật tông, chẳng hạn như ở giai đoạn phát khởi của Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga tantra), thì một điểm cực kỳ quan trọng là nó phải được thực hiện với ý thức, chứ không được thực hiện bằng các thức của giác quan. Việc có thể quán tưởng bằng các thức của giác quan là điều gì chỉ xảy ra trong giai đoạn viên mãn. Giai đoạn viên mãn rất là cao cấp, và đòi hỏi hành giả phải điều khiển các luồng khí của các tế bào cảm giác, để chúng tạo ra hình ảnh của pháp quán tưởng. Điều đó có nghĩa là ở giai đoan phát khởi thì không có sự thay đổi cách mình nhận thức sự việc; mà đang thay đổi cách mình khái niệm hóa hay nhận biết về những gì mình nhận thức. Thay vì nhận thức về những gì mình thấy như tồn tại trong sắc tướng bình thường của họ, thì mình nhận thức họ là chư Hộ Phật, chẳng hạn vậy.

Tôi hy vọng rằng bạn có được ý niệm là để tu tập Pháp theo cách nào có ý nghĩa thì phải kết hợp tất cả những điều mà mình đã học hỏi ngay từ đầu với nhau. Điều đó có nghĩa là khi mình quán tưởng người nào như là một Hộ Phật, hoặc trong ví dụ cụ thể này, khi mình đang quán tưởng tất cả mọi người là người bạn thân thiết nhất, hay là mẹ của mình, thì lúc đầu, ta sẽ không thay đổi nhận thức về người đó, mà chỉ thay đổi cách mình khái niệm hóa người đó, khi nhìn thấy anh ấy hoặc cô ấy.

Tuy nhiên, nếu như mình nhìn thấy người đó và hỏi, “Khái niệm hóa người đó có nghĩa là gì? Nhận thức bằng khái niệm là gì?”, thì phải quay qua giáo lý về lorig, những cách tri thức. Ở đó, ta sẽ học hỏi rằng một nhận thức khái niệm là một nhận thức mà trong đó, mình trộn lẫn đối tượng trước mặt, hãy cho là một đối tượng vật chất, với một ý tưởng về một phạm trù. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ về ý tưởng của phạm trù “bạn thân nhất” được trộn lẫn với tâm ảnh của người nào đó, thì không có nhiều mãnh lực trong đó, như khi mình nghĩ về ý tưởng này, trong khi thật sự nhìn thấy người đó trong cùng một lúc

Vì vậy mà điều có mãnh lực là thực hành tất cả những bài thiền này trong khi mở mắt, và thật sự nhìn vào người khác. Tôi không thể nhấn mạnh điều này nhiều hơn nữa! Điều này thật sự tạo ra cả một sự khác biệt trong tất cả các pháp tu. Nó được nói khá rõ trong giáo lý Đại thừa của Tây Tạng, “Hãy mở mắt trong khi thực hành các bài thiền.”. Nhiều người không xem điều đó một cách nghiêm túc, vì không dễ thực hiện. Đối với một số người thì việc nhắm mắt hành thiền một mình lại rất có lợi. Đặc biệt là khi họ dễ bị phân tâm, thì việc có người khác ở bên cạnh sẽ khiến họ mất tập trung. Nhưng nếu như tâm mình ổn định hơn một chút, thì các pháp tu sẽ trở nên rất có ý nghĩa, khi áp dụng chúng vào đời sống, trong thực tế.

Điều đó có nghĩa là, trong ví dụ cụ thể về việc phát khởi động lực - từ ví dụ của riêng tôi, ở đây trong căn phòng này - tôi nhìn thấy các bạn ở trước mặt, và nhận thức về các bạn, về cách mà tôi liên hệ với các bạn, như thể bạn là người bạn thân nhất của tôi. Nếu như các bạn thật sự là người bạn thân nhất của tôi, thì tôi không thể nghĩ ra một chữ hay ho, nhưng theo từ ngữ thông tục, thì tôi không thể nói xạo với các bạn. Tôi phải chân thành. Rồi tự nhiên là tôi sẽ có động lực để làm lợi lạc cho bạn. Chắc chắn là chúng ta cũng có thể lặp lại một số từ ngữ trong đầu mình, như là “Tôi thật sự hy vọng rằng điều này sẽ có ý nghĩa và hữu ích cho bạn.”. Nhưng điều này chỉ giúp cho mình có ý thức thêm một chút về những gì mình đã tạo lập rồi, bằng cách xem những người xung quanh mình như những người bạn thân thiết nhất.

Khi tôi làm điều đó, thì tôi thấy lông tay của mình không dựng đứng lên. Đó là sự thật. Tuy nhiên, vẫn có điều gì hữu ích đối với quan hệ của chúng ta. Tôi nghĩ rằng đây là cách chung chung mà mình có thể tạo ra một số cảm giác, chỉ cho những điều rất đơn giản mà mình xem thường: “Blah blah blah. Tôi đã phát khởi động lực rồi.”. Thông thường thì mình chỉ tụng nó bằng tiếng Tây Tạng, nên đối với hầu hết chúng ta thì ngay cả những chữ mà mình đọc cũng không có ý nghĩa gì cả.

Có lẽ chúng ta có thể thực hành những điều này một chút. Tôi không muốn dành riêng cuối tuần này để tôi nói chuyện. Vì đây không phải là một nhóm lớn, nên hãy ngồi theo vòng tròn. Khi ngồi theo hàng, người này ngồi đằng sau người kia, thì chúng ta có xu hướng cảm thấy lúng túng, khi nhìn chằm chằm vào gối, hoặc gáy của người ở đàng trước, và sau một thời gian thì cảm giác sẽ thật là kỳ cục. Nếu như ngồi theo vòng tròn thì tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy mặt nhau.

Hiện nay, điều mà mình có thể cố gắng làm là thiết lập động lực. Một lần nữa, khi nói “thiết lập động lực” thì nghe rất giả tạo, đúng không? Nhưng những gì mà chúng ta làm, nếu như nói theo từ ngữ khác – vì là một dịch giả, nên tôi thích thay đổi từ ngữ - là “tạo ra tâm trạng” cho mình, và tâm trạng đó là một trong những người bạn thân nhất của mình. Khi ở bên cạnh người bạn thân nhất thì cảm giác của mình sẽ ra sao? Khi ở gần người bạn thân thiết nhất thì mình sẽ hoàn toàn thư giãn. Mình không phải “diễn kịch”; không “ở trên sân khấu”; không phải giả vờ là bất cứ điều gì. Chúng ta không phải đóng vai trò nào, đúng không? Có một cách nói rất hài hước theo ngôn ngữ phương Tây, điều này thực sự rất không giống đạo Phật, nhưng chúng ta sẽ nói, “Chúng ta có thể là chính mình”, dù cho điều đó có nghĩa là gì. 

Hạ Những Bức Tường Xuống

Tất cả các bức tường có thể được hạ xuống. Mọi sự phòng thủ có thể được buông bỏ, khi mình ở gần người bạn thân nhất. Việc hoàn toàn cởi mở, để chỉ chia sẻ và ở gần người này mà không cần bám chấp vào họ là điều khả dĩ. Có một niềm vui nào đó, không phải là niềm vui có kịch tính, mà là niềm vui nào đó có mặt ở đó, và chúng ta không cảm thấy là mình phải làm bất cứ điều gì. Nhưng mình cũng muốn giúp ích cho họ một cách chân thành. Chúng ta yêu thích người này một cách rất thành thật, có tình người.

Sau đó, điều mà mình sẽ cố gắng làm là xem mọi người trong phòng như vậy. Chúng ta đang pha trộn một ý tưởng với một nhận thức trực quan. Đừng chỉ làm điều đó khi nhắm mắt lại, bởi vì sẽ có hiểm họa là mình không có cảm giác gì về điều này. Phải mở mắt ra, vì mình phải nhìn mọi người xung quanh theo một cách nào đó. Điều đó không có nghĩa là nhận thức trực quan của mình đã thay đổi theo bất cứ cách nào. Chúng ta bị lẫn lộn rất nhiều vì chữ “quán tưởng”, và nghĩ rằng mình phải thay đổi nhận thức thị giác bằng cách nào đó. Chúng ta không phải làm điều đó. Đó là một câu hỏi về nhận thức nói chung. Chúng ta có ý tưởng gì, hay tâm trạng nào, khi nhìn thấy người kia?

Tôi nghĩ rằng cảm giác khởi đầu là cảm giác thư giãn và ổn định. Để thực hiện điều này thì bức tường phải được hạ xuống, đúng không? Khi những bức tường được hạ xuống thì mình có thể chân thành. Hãy cố gắng làm điều đó, trong khi nhìn nhau.

[Tạm dừng để thực hành]

Rồi thì chúng ta sẽ bổ sung thêm một chút giai điệu cho nó, với cảm giác, “Nguyện cho tôi có thể giúp đỡ.”. Đây là một cảm giác sẵn sàng giúp đỡ. Đó là thành phần quan trọng. Nó không phải là “Ồ, mình phải giúp đỡ, tôi nên làm gì đây? Tôi không biết phải làm gì, tôi không đủ khả năng”, hay bất cứ điều gì như vậy. Thay vì có thái độ tiêu cực này, thì nó sẽ là việc sẵn sàng giúp đỡ và cởi mở.

[Tạm dừng để thực hành]

Học Cách Thư Giãn

Đó là điều mà tôi nghĩ là đầu mối, sự hướng dẫn, cho cách bắt đầu cảm nhận sự việc một cách chân thành. Hướng dẫn đầu tiên là phải hạ những bức tường xuống. Đôi khi, chúng ta sợ phải cảm nhận điều gì, bởi vì thật sự không biết điều gì sẽ xảy ra - như thể mình sẽ mất tự chủ. Đó là “cái tôi” to lớn vững chắc này bên trong bức tường. Chúng ta phải thư giãn. Đó là điều thiết yếu.

Thư giãn không có nghĩa là chỉ thư giãn bắp thịt của mình, hay là thư giãn sự căng thẳng ở mức độ thể chất, mặc dù hiển nhiên, đó là một phần của nó. Đúng hơn thì nó có nghĩa là thư giãn đầu óc; và điều này xuất phát từ sự hiểu biết, ít nhất là ở một mức độ nào đó, giáo pháp về Không tướng, thường được dịch là “tánh Không”. Không tướng có nghĩa là sự vắng mặt của những cách tồn tại bất khả dĩ đối với chính mình, người khác và tất cả mọi việc xảy ra quanh mình. Không có ai và không có điều gì tồn tại “một cách vững chắc”, một mình nó, độc lập với tất cả các pháp khác, và cô lập với những điều đang diễn ra.

Ở mức độ đơn giản nhất, nếu như mình có thể thư giãn ý thức về bản thân, sự bất an, bận tâm về bản thân, thì điều này sẽ cho ta manh mối về việc khi có một mức độ hiểu biết nào đó về việc này thì nó sẽ ra sao. Vậy thì một lần nữa, mọi việc luôn luôn phải ăn khớp với nhau trong giáo pháp. Chúng ta có thể có một chút manh mối về điểm này đối với tánh Không, ngay cả khi chưa nghiên cứu sâu về nó, bởi vì mình có trải nghiệm nó ở một mức độ nào đó với người bạn thân nhất của mình. Nếu như mình đi vào các tình huống trong đời sống, thiết lập động lực theo cách này, thì nó sẽ hữu hiệu.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đi vào tình huống một cách rất chân thành, thay vì diễn một màn kịch. Chúng ta sẽ không cố gắng bán bản thân mình, như khi đi xin việc. Ta sẽ không đóng kịch. Đúng hơn là mình hoàn toàn thoải mái với mọi người, hay bất cứ ai. Đó là vì trên cơ bản thì ta thoải mái với chính mình. Đương nhiên là điều này đều xoay quanh sự hiểu biết của mình về bản ngã một cách hiển nhiên. Nó kết nối với sự hiểu biết của mình về cách bản ngã tồn tại, nói cách khác là tánh Không. Bản ngã tồn tại, nhưng không bằng bất cứ cách nào bất khả dĩ. “Tôi” tồn tại mà không bằng cách nào bất khả dĩ. Bạn cũng vậy.

Bạn có thể phản đối rằng, “Nếu như tôi hạ tất cả rào cản xuống, thì không phải là tôi dễ bị tổn thương hay sao?”. Tôi không nghĩ đó là vấn đề. Nếu chúng ta sử dụng một ví dụ trong võ thuật thì nếu như có ai lao vào mình thì ta không thể phản ứng nhanh lẹ, nếu như đang bị căng thẳng. Nhưng nếu rào cản về ý thức bản thân được hạ xuống, thì mình sẽ hoàn toàn chú ý đến những gì đang xảy ra. Rồi thì mình có thể phản ứng rất nhanh, đối với bất cứ điều gì đang xảy ra.

Một lần nữa, đó là vấn đề đối phó với yếu tố sợ hãi này, đúng không? Đó là nỗi sợ mà mình phải vượt qua, vì chính sự lo sợ này đang ngăn cản mình hạ rào cản xuống. Chúng ta lo sợ rằng “Nếu như hạ rào cản xuống, thì tôi sẽ bị tổn thương.”. Đó là vì chúng ta giữ rào cản ngay từ đầu, và khi làm như vậy thì thật ra mình đang làm tổn thương bản thân. Tuy nhiên, mình phải học hỏi những sự kiện này bằng kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân. Điều đó đưa chúng ta đến một chủ đề quan trọng khác, đó là chủ đề về sự “hiểu biết”.

Video: Tenzin Wangyal Rinpoche — “Kỹ Thuật Hành Thiền Ba Viên Thuốc”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Tạo Ra Cảm Giác, Dựa Trên Sự Hiểu Biết Bằng Suy Luận

Rất nhiều người mất hứng vì một vài cách tiếp cận trong đạo Phật, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng, và đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng, phái Gelugpa. Ở đây, tôi đang đề cập đến việc nhấn mạnh vào lý lẽ và sự hiểu biết bằng suy luận. Nhưng không có gì phải lo sợ ở đây, bởi vì lúc nào mình cũng sinh hoạt theo cách hiểu biết đó. Việc hiểu biết không nhất thiết là một quá trình trí thức nặng nề. Ta sẽ nghe đồng hồ báo thức reo vào buổi sáng, và hiểu rằng đó là lúc phải thức dậy. Tại sao lại đến giờ dậy? Đó là vì đồng hồ báo thức đã reo. Có một dòng lý luận theo ý thức, và nó cũng là cách mà bộ não làm việc một cách vô thức. Lý luận hợp lý để hiểu rằng đã đến giờ thức dậy là: “Nếu như đồng hồ báo thức reo, thì đã đến giờ thức dậy. Đồng hồ báo thức đã reo. Vậy thì đã đến giờ để thức dậy.”. Chúng ta có thể đưa nó vào một tam đoạn luận hợp lý như vậy. Không cần phải là một bài tập trí năng nặng nề mà mình phải tập luyện, để thấy được từ dấu hiệu đó - đó chính là từ ngữ mà chúng ta sử dụng trong tiếng Tây Tạng - đó là dấu hiệu hay chỉ dấu cho thấy đã đến lúc thức dậy. Đồng hồ báo thức reo là dấu hiệu mà mình dựa vào, để hiểu rằng đó là lúc phải thức dậy.

Tương tự như vậy, việc xem người nào là bạn thân nhất của mình là dấu hiệu, hay chỉ dấu đáng tin cậy, giúp cho mình hiểu rằng không cần phải giữ kẽ. Đó là vì không có gì phải lo sợ, và không phải đóng kịch với người này. Làm thế nào để biết điều đó? Đó là vì mình đã thấy một dấu hiệu, và từ đó, suy luận ra nó một cách hợp lý. Dấu hiệu là ta xem người này là bạn thân nhất của mình, nên có được một sự hiểu biết bằng suy luận, và rút ra nó bằng suy luận đơn giản, thay vì bằng một quá trình lý lẽ nặng nề.

Việc có thể tạo ra cảm xúc thì có liên quan đến sự hiểu biết. Rất nhiều người thật sự bối rối về cách đi từ điều gì thuộc về lãnh vực trí thức, đến điều gì được cảm nhận. Đó là một vấn đề lớn mà nhiều người trong chúng ta gặp phải, với lối suy nghĩ phương Tây, tách rời trí tuệ và cảm giác thành hai điều riêng biệt, hầu như không liên hệ với nhau.

Cách để vượt qua khó khăn này là trước hết, nhận ra việc cảm nhận điều gì có hai khía cạnh - cảm nhận điều gì là sự thật, nói cách khác là tin vào điều gì là đúng, rồi có một cảm xúc dựa vào niềm tin đó. Việc hiểu điều gì, tin rằng nó là sự thật và có một cảm xúc về nó tuần tự xảy ra như vậy. Việc ba điều này không liên quan với nhau là cách hiện hữu bất khả dĩ.

Ví dụ như mình sẽ hiểu biết về điều gì bằng cách dựa vào một số dấu hiệu. Chúng ta có thể diễn tả quá trình theo hình thức hợp lý: “Nếu như ở bên cạnh người bạn thân nhất của mình, thì tôi không phải phòng thủ. Người này là người bạn thân thiết nhất của tôi. Do đó, tôi không phải phòng thủ.”. Bởi vì sự hiểu biết đó dựa trên một tam đoạn luận hữu lý, nên có lẽ ta có thể gọi nó là một sự hiểu biết trí tuệ, nhưng như vậy thì mình lại không hiểu vấn đề. Vấn đề là dựa trên sự hiểu biết này mà mình tin rằng mình không phải phòng thủ với người này. Dựa vào niềm tin đó mà những bức tường có thể bắt đầu hạ xuống, và ta có thể cảm thấy thư giãn hơn. Nếu như bức tường không hạ xuống, và mình không thư giãn, thì lỗi lầm thường thuộc về sự hiểu biết và niềm tin của mình. Tuy nhiên, đương nhiên là có thể có những yếu tố khác bên ngoài đang ảnh hưởng đến mình, chẳng hạn như căng thẳng tinh thần vì những việc khác đang xảy ra trong đời sống, ở thời điểm đó. Nhưng tôi nghĩ bạn hiểu ý tôi.

Điều mà ta phải nhận ra là ý nghĩa của việc thấu hiểu điều gì đó. Nếu như mình có thể nhận thức được ý nghĩa của việc thấu hiểu điều gì, thì mối liên hệ giữa điều đó, cảm thấy một sự kiện là chân thật, và cảm nhận một cảm xúc, dựa trên việc tin vào sự kiện đó sẽ dễ thực hiện hơn nhiều. Hãy cố nghĩ về một ví dụ. Một ví dụ là đồng hồ báo thức sẽ reo. Chúng ta hiểu “về mặt trí thức”, bằng quá trình suy luận, rằng điều đó có nghĩa là đã đến lúc phải thức dậy.

Bây giờ, hãy cố gắng tập trung vào việc hiểu rằng đã đến giờ để thức dậy có cảm giác ra sao. Bạn nhận ra những phẩm chất nào ở đây?

Bằng cách nào đó thì tôi đã học là khi đồng hồ báo thức reo thì mình phải thức dậy, và nhận thức rằng nếu như thức dậy sớm đủ thì tôi sẽ đi làm dễ dàng hơn; nếu không thì sẽ bị trễ giờ.

Đúng, nhưng bây giờ hãy đi sâu hơn. Nó không chỉ là ý thức về nghĩa vụ hay những điều như vậy. Đó là chuyện thứ yếu. Ở mức độ sâu hơn thì mình phải làm việc với hai vấn đề chánh về cảm xúc, liên quan đến niềm tin về những điều mình đã hiểu, khi nghe thấy đồng hồ báo thức reo lên. Trước tiên là ta không sẵn sàng chấp nhận điều mà mình nghe thấy, những gì mình hiểu, rằng mình thật sự phải thức dậy. Đó là vấn đề lớn đầu tiên. Thứ hai là có quyết định chấp nhận sự thật, và ra khỏi giường. Sau đó thì có thể có những khía cạnh thứ yếu của lý do tại sao mình có quyết định đó, vì ý thức về nghĩa vụ, vì cảm giác tội lỗi, hay bất cứ điều gì. Chúng ta có thể đưa ra quyết định vì nhiều lý do, và sau đó là điểm mà bạn đã đề cập.

Nó không chỉ là một nghĩa vụ mà tôi cảm nhận. Nhưng dựa vào kinh nghiệm thì tôi biết rằng nếu như mình dậy sớm thì sẽ có thời gian để thư giãn và bắt đầu ngày mới dễ dàng hơn. Vì vậy nên cảm giác mà tôi có khi ra khỏi giường sẽ tích cực hơn.

Điều này rất quan trọng, bởi vì điều đang xảy ra ở đây là, dựa trên sự hiểu biết thì ta sẽ chấp nhận lý lẽ là mình phải thức dậy, khi chuông báo thức reo, và mình quyết định thức dậy. Chúng ta hiểu rằng nếu như mình thức dậy bây giờ thì sẽ thoải mái hơn một chút khi ra khỏi nhà, thay vì cuống cuồng, vì chỉ có hai phút để làm mọi việc, rồi chạy ra khỏi nhà. Thế thì vì có những ưu điểm nào đó để dậy sớm hơn một chút, và mình hiểu những ưu điểm đó, nên sẽ cảm thấy thoải mái khi thức dậy. Trong bất kỳ trường hợp nào thì thực tế là mình phải thức dậy, cho dù cảm xúc mà mình cảm nhận về nó là bực bội hay thoải mái. Chúng ta bực bội, khi nghĩ đến những bất lợi của việc thức dậy, vì mình không thể nằm trên giường thoải mái và ấm áp nữa. Và chúng ta sẽ thấy thoải mái, khi nghĩ về những lợi thế của việc thức dậy ngay bây giờ.

Khi nhìn vào cấu trúc của giáo lý nhà Phật thì nó luôn luôn nêu ra lợi thế cho mỗi một điểm. Có những lợi thế để hạ bức tường xuống; có những ưu điểm khi xem mọi người như mẹ, chánh niệm về việc có một kiếp người quý báu, chánh niệm về vô thường, v.v... Cần phải hiểu ưu điểm của việc chấp nhận và tin vào sự thật về điều gì. Một lần nữa, trước tiên là việc thấu hiểu. Tuy nhiên, một khi đã hiểu điều gì, thì mình vẫn phải làm việc với vấn đề chấp nhận nó. Cảm xúc mà mình cảm nhận sẽ được tô màu bằng việc ta có chấp nhận sự thật về sự hiểu biết hay không, và bằng cách chấp nhận nó.

Chấp Nhận Điều Mình Hiểu

Thật ra chấp nhận là một vấn đề rất khó khăn. Chúng ta có thể gặp khó khăn khi chấp nhận rằng mình phải thức dậy mỗi sáng, với ví dụ về đồng hồ báo thức. Chúng ta có thể biết khó khăn này từ những ví dụ khác trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như muốn ăn một miếng sô cô la. Ta sẽ nhìn quanh nhà, và không thể tìm thấy miếng sô cô la nào cả. Do đó, kết luận hợp lý là không có sô cô la trong nhà. Bây giờ thì điều đó có thể khó chấp nhận.

Ví dụ: nếu như mình ở bên ngoài, và cánh cửa vô nhà bị khóa, và ta đi tìm chìa khóa trong tất cả các túi và giỏ xách của mình, nó phải ở trong một trong những chỗ này. Nhưng nếu như không tìm ra chìa khóa ở chỗ nào hết, thì đó là một dấu hiệu hợp lệ để kết luận một cách hợp lý là mình đã mất chìa khóa, hay đã quên đem chìa khóa. Mình đã bị kẹt ở ngoài, vì cửa đã khóa. Điều đó rất khó chấp nhận, phải không? Ta sẽ cuống cuồng tìm kiếm nhiều lần. Đó là những ví dụ khá dễ dàng. Nhưng khi mình phải chấp nhận rằng không có một cái “tôi” vững chắc, bởi vì chúng ta đã tìm kiếm khắp nơi, và không thể tìm thấy nó, thì điều này không quá dễ dàng.

Toàn bộ vấn đề từ việc hiểu điều gì đó, đến cảm nhận nó bằng cảm xúc thì rất khó khăn, vì cách mình nhận thức quá trình. Chúng ta nhìn nó như thể nó đi từ điều gì trí thức đến điều gì bằng cảm xúc, rằng hai điều này hoàn toàn không liên quan với nhau. Nhưng ngay cả để nhận thức quá trình như một việc đi từ sự hiểu biết, mà tôi nghĩ là một cách nhìn có tính xây dựng hơn, đến một cảm giác, thì không phải là quá dễ dàng, bởi vì vấn đề là chấp nhận điều mình đã hiểu.

Có Can Đảm Để Hạ Bức Tường Xuống

Vậy thì bây giờ câu hỏi là làm thế nào để học cách chấp nhận? Hãy trở lại ví dụ dễ dàng hơn. Làm sao để bạn chấp nhận hạ bức tường xuống? Có ai có ý kiến gì không?

Khi mình hiểu rằng nó hữu ích, thì sẽ dễ chấp nhận hơn. Càng hiểu rằng nó có thể là điều hữu ích, thì càng dễ chấp nhận nó hơn.

Tốt. Chúng ta chấp nhận hạ bức tường xuống, và cố gắng làm điều đó, khi hiểu và chấp nhận những lợi thế của việc hạ chúng xuống là sự thật. Có ai khác có ý kiến không?

Để chấp nhận điều gì thì bạn phải trải nghiệm nó. Vậy thì trước hết, bạn chỉ cần thử nó. Có lẽ khi bạn nhảy xuống nước thì sẽ bị chìm, nhưng trước hết thì bạn phải có can đảm để thử làm việc này, để có kinh nghiệm bị chìm. 

Điều đó đúng. Mình phải có rất nhiều can đảm, để thật sự hạ bức tường xuống. Nhưng thậm chí, để biết rằng việc hạ bức tường xuống là việc khả dĩ, cũng đòi hỏi một sự hiểu để nào đó vào lúc đầu. Sự hiểu biết đó xuất phát từ kinh nghiệm bị tổn thương rất nhiều trong các mối quan hệ, khi mình không hạ bức tường xuống. Dựa trên kinh nghiệm đó, và sau đó, nhờ có người nào nói cho mình biết, và nhìn thấy nơi họ sự thể sẽ ra sao, khi hạ những bức tường xuống, thì mình mới có đủ can đảm để tự thử làm việc này.

Vậy thì bây giờ, chúng ta có thể vẽ một nét nhỏ trên một phần của bức tranh, đó là vị bổn sư ở đây, bởi vì chúng ta có được nguồn cảm hứng đó, khi nhìn thấy một ví dụ về người nào hạ những bức tường xuống, đó là vị thầy đúng đắn - hãy nhớ rằng có rất nhiều vị thầy không đúng đắn. Với một vị thầy đúng đắn thì ta sẽ thấy một tấm gương sống động về sự việc sẽ ra sao, khi bức tường được hạ xuống. Nó cho ta nguồn cảm hứng, và can đảm để thử làm việc này.

Học Cách Hạ Những Bức Tường Xuống

Lúc còn nhỏ thì bạn không có những bức tường này, nhưng vì những kinh nghiệm xấu, vì bị ngược đãi, nên bạn đã xây dựng những bức tường này, nên nếu như bây giờ bạn hạ những bức tường này xuống, thì nỗi sợ hãi vẫn còn đó. Nhưng bây giờ, vì đã liên hệ với đạo Phật, nên tôi cố gắng hạ những bức tường này xuống, nhưng vẫn còn lo sợ rằng người khác có thể lạm dụng sự cởi mở của tôi. 

Đây chính là điểm mà tôi muốn nêu ra. Làm sao để học hỏi rằng việc hạ những bức tường xuống là có lợi? Làm cách nào để học cách cảm nhận nó, hay tạo ra nó? Nó xuất phát từ sự kiện là khi trải nghiệm việc hạ bức tường xuống, thì mình có một kinh nghiệm trực tiếp về những lợi ích này. Đó là cách mà mình biết điều đó. Nhưng, lợi ích không luôn luôn xảy ra ngay lập tức. Vì vậy nên cách học hỏi đầu tiên này không quá dễ dàng.

Cách thứ hai mà mình có thể học hỏi là đôi khi, mình hạ bức tường xuống, rồi bị tổn thương. Điều đó cũng xảy ra từ kinh nghiệm trước đó. Đôi khi, ta bị tổn thương, bị lợi dụng. Rồi thì mình phải cố gắng hiểu sự sai lầm nào đã xảy ra. Nhiều khi, nếu như có thể hiểu điều gì đã sai lầm, thì mình có thể sửa nó. Trong tình huống này thì có phải vấn đề là bức tường đã hạ xuống, hay vấn đề là có điều gì không phù hợp trong cách mình xử lý tình huống, về cách mình nhận thức bản thân?

Hãy lấy một ví dụ. Mình đang ở gần người nào, và họ tức giận với mình. Bây giờ, ta có thể tiếp cận tình huống này bằng hai cách, một là dựng bức tường lên, hai là hạ nó xuống. Ta có thể nghĩ rằng, “Tôi đã hạ bức tường xuống, tôi dễ bị tổn thương, và họ đã nói lời sân hận, làm tôi tổn thương.”. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng, “Nếu như mình dựng bức tường lên ngay từ đầu, thì đã không phải đau lòng.".

Phải rất rõ ràng về điều này, bởi vì cách mà mình vừa suy nghĩ về nó thật là khá điên rồ. Làm sao mà mình lại không bị tổn thương, nếu như đã dựng bức tường lên? Sự việc sẽ ra sao?

Thật ra thì mình sẽ bị tổn thương, dù cho bức tường có được dựng lên hay hạ xuống. Tất cả mọi việc phụ thuộc vào cách mình nhận thức về bản thân. Nếu như có người ném một cục bùn lớn vào người mình, và nếu như ta chỉ đứng đó, nhận lấy nó và để bùn văng vào mặt, thì điều đó giống như nhìn bản thân mình một cách rất vững chắc. Nhưng nếu như mình rất linh hoạt, và ai đó ném bùn vào mình, thì ta sẽ né qua một bên, và không để nó văng vào mặt mình. Những lời sân hận sẽ đi xuyên qua mình. Người đó đang có tâm trạng tồi tệ, nên mình sẽ không vì vậy mà buồn phiền.

Đó là chìa khóa, việc linh hoạt và không ôm ấp những lời sân hận ấy, không để cho chúng đập vào mặt mình. Nhưng nếu như mình có cái nhìn rất vững chắc về bản thân, cứng nhắc, và rất buồn lòng vì tất cả mọi việc, thì khi bức tường hạ xuống, mình rất dễ bị tổn thương, và mọi thứ sẽ đập vào mặt mình.

Nhưng nếu như mình có cùng một cảm giác vững chắc về cái “tôi”, xem tất cả mọi chuyện là đụng chạm tới cá nhân mình, thì việc dựng bức tường lên sẽ không bảo vệ được mình. Ta vẫn xem tất cả mọi chuyện là đụng chạm đến cá nhân mình. Một là như vậy, hai là mình trốn sau bức tường với nỗi sợ hãi và bất an. Chúng ta bị tổn thương một cách vô thức, hay tự ngăn chận mình để không có cảm giác bị tổn thương, nhưng bên trong thì mình thấy bị tổn thương. Đó là một trạng thái phủ nhận, nhưng trên thực tế thì mình rất đau lòng. Đó là cái “tôi” vững chắc co rúm lại đằng sau bức tường. Vậy thì mình phải hiểu rất rõ về những gì đang diễn ra. Đâu là nguyên nhân tạo ra sự tổn thương? Nguyên nhân tạo ra việc tổn thương không phải là vì bức tường đã hạ xuống. Điều khiến mình bị tổn thương là quan niệm sai lầm về một cái “tôi' vững chắc.

Có lẽ tôi có thể hiểu được vấn đề về mặt trí thức, và đạo Phật nói về tánh Không của cái “tôi” vững chắc. Nhưng nếu như tình huống này có mặt ở đó, nếu như cảm giác bị tổn thương có mặt ở đó, thì tôi không thể áp dụng điều này vào cảm giác ấy, rồi không thể kết hợp sự hiểu biết này vào cảm xúc của tôi. Ví dụ như, nếu như tôi đau lòng, thì tôi có biết rằng “Được, không có bản ngã”, nhưng dù sao đi nữa thì tôi vẫn thấy đau lòng. Thế thì cảm giác bị tổn thương này không tan biến, chỉ vì tôi nghĩ về nó về mặt vô ngã.

Điều này đúng. Có những giai đoạn trên đường tu. Đau đớn, khổ đau và những điều này không chấm dứt ngay lập tức. Ngay cả khi mình đã trực tiếp chứng ngộ tánh Không vô niệm thì điều đó không có nghĩa là nỗi khổ của mình đã chấm dứt. Nhận thức vô niệm đó phải thẩm thấu từ từ vào trong bản thân mình; nó phải lắng xuống trong một khoảng thời gian dài, với rất nhiều kinh nghiệm, trước khi thật sự đoạn trừ khổ đau. Có một khoảng cách lớn giữa việc trở thành một thánh nhân - một người có nhận thức vô niệm về tánh Không - và một A la hán, người đã hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. Vấn đề là mình không nên kỳ vọng nhiều hơn những điều thường xảy ra trong tiến trình về cách mà mỗi một cá nhân thành tựu giải thoát. Nó sẽ trải qua các giai đoạn; đó là một quá trình tiệm tiến.

Ở đây, cần phải nhớ đến Diệu Đế Thứ Nhất. Đời sống khó khăn! Đó là Diệu Đế Thứ Nhất. Ngay cả khi chứng ngộ tánh Không, thì vấn đề của mình sẽ không kết thúc ngay lập tức. Cuộc sống khó khăn! Nỗi khổ sẽ không biến mất ngay lập tức. Đó là một quá trình tiệm tiến. Lúc đầu thì mình sẽ cảm thấy đau lòng, nhưng điều khác biệt là ta sẽ không ôm ấp cảm giác này. Nếu như có thể làm như vậy thì điều đau lòng sẽ trôi qua nhanh hơn nhiều. Đó là sự khác biệt đáng chú ý. Rồi thì mình nên hài lòng với kết quả đó, và cuối cùng, khi đã quen thuộc nhiều hơn, thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Không nên nản lòng với bấy nhiêu đó; mà nên được khuyến khích.

Nói “Không”

Có một điểm khác mà tôi muốn nêu ra, liên quan đến việc hạ bức tường xuống. Đây là kinh nghiệm mà nhiều người trải qua, khi hạ bức tường xuống, họ cảm thấy là họ luôn luôn phải nói “vâng” và không thể nói “không” với ai cả. Thay vì bị người khác làm tổn thương một cách trực tiếp, thì vô tình, họ lại không chăm sóc nhu cầu của bản thân, vì không bao giờ có thể nói “không”. Họ bị tổn thương một cách gián tiếp. Bạn có nhận ra điều đó không?

Trong tình huống đó thì phải cố gắng nhận ra rằng khi mình nói “không”, và quan tâm đến nhu cầu của bản thân, thì điều đó không tương đương với việc dựng bức tường lên. Rõ ràng là mình có thể dựng bức tường trở lên, nhưng điều đó không có nghĩa là dựng bức tường lên trở lại. Chúng ta vẫn có thể hoàn toàn cởi mở, hoàn toàn tiếp thu và chỉ nói rằng “Rất đáng tiếc, nhưng tôi không thể làm điều đó”, hay là “Hiện giờ thì tôi phải nghỉ ngơi”, và mình vẫn cởi mở. Nhưng khi có ý tưởng về “cái tôi” vững chắc này, rồi thì ý tưởng “Tội nghiệp cho mình, đã bị người ta lợi dụng” sẽ phát sinh, và mình sẽ rất bực bội. Hay ta cảm thấy rằng, “Nếu như mình nói 'không', thì người kia sẽ bỏ 'mình', nên tốt hơn hết là nên giữ im lặng.”. Rồi thì chúng ta hướng tất cả lòng thù địch, cảm giác tội lỗi và tức giận vào bên trong, vào “cái tôi” này. Điều này lại xoay quanh ý tưởng về một “cái tôi” vững chắc, đó là quan niệm sai lầm mà mình phải từ bỏ.

Phản Ứng Với Những Người Dựng Lên Bức Tường Của Họ

Tôi thấy một điều khác xảy ra hoài trong đời sống của tôi.   Tôi có những kỳ vọng như là, “Nếu như tôi đã hạ bức tường của mình xuống, thì người khác cũng nên hạ bức tường của họ xuống. Không có gì phải sợ, vậy thì tại sao họ không làm như vậy?” Và nếu họ dựng nó lên, thì tôi rất tức giận.

Hai điều phát sinh trong đầu tôi, khi bạn nói điều này. Đầu tiên là buổi trò chuyện mà tôi có với một người phụ nữ trên một chuyến tàu gần đây, khi mà tôi nói cô ấy rằng tôi dạy về đạo Phật, và cách khắc phục tâm ích kỷ, thì cô ấy nói, “Có gì sai trái với việc ích kỷ sao? Nếu như tất cả mọi người đều ích kỷ, và nếu như tôi không ích kỷ, thì tôi thật là ngu ngốc!”. Đó là điều tương tự bạn đang nói ở đây: “Nếu như tất cả những người khác dựng tường của họ lên, và nếu tôi không dựng tường của tôi lên, thì tôi là người ngu ngốc.”. Câu trả lời của tôi với cô ấy là, “Theo lý luận đó thì nếu như ai cũng đi bắn giết người khác, và bạn không làm như vậy, thì bạn là người ngu ngốc.” Vậy thì rõ ràng là mình phải khách quan hơn một chút về lợi ích và lỗi lầm của việc bắn người, và việc dựng lên bức tường.

Điều thứ hai xuất hiện trong đầu tôi là ví dụ về mẹ tôi. Mẹ tôi thường rất buồn, khi xem tin tức trên truyền hình. Bà sẽ xem tin tức và nghe về tất cả những vụ giết người, cướp của và hãm hiếp xảy ra ngày hôm đó, và rất tức giận, “Tại sao người ta lại hành động như vậy?”

Hiện nay, tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là vấn đề tự cho là mình đúng. Chúng ta có thể tự cho là mình đúng một cách rất thẳng thắn. Mẹ tôi không phải là người như vậy. Nhưng chúng ta cũng có thể sở hữu nó bằng một cách tinh tế hơn nhiều. Đây là điều mà tôi nghĩ mẹ tôi đã có, một hình thức tinh tế hơn về việc “Tôi rất tuyệt vời, và tất cả những người khác đều rất tệ.”. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng tất cả đều xoay quanh quan niệm sai lầm này về một cái “tôi” vững chắc. Nói cách khác thì chúng ta đang xác định cách hành xử ích lợi, như hạ bức tường xuống, hoặc không đi giết người và cướp của. Chúng ta nhận diện một “cái tôi” vững chắc với điều đó. Chúng ta sử dụng nó để củng cố bản sắc của mình, với nỗ lực để làm cho cái “tôi” này được an toàn. Rồi thì ta sẽ sử dụng toàn bộ cơ chế bác bỏ người khác một cách mạnh mẽ, những người không hành động giống như mình, để cố gắng làm cho cái “tôi” đó ít bị đe dọa, thậm chí còn an toàn hơn.

Ta có thể hiểu về cách mà mình có thể trả lời theo cách khác nhau, với ví dụ sau đây. Mình uống nước từ một cái ly, theo cách này. Con chó của mình không uống nước như thế. Vậy thì nếu như có rất nhiều chó, và chúng đều uống nước bằng cách liếm nước từ cái chén trên sàn nhà, liệu điều đó có khiến cho mình tự cho rằng mình uống nước đúng cách, và những con chó đều xấu xa, bởi vì chúng uống nước không đúng cách hay không? Không. Tại sao điều đó không làm cho mình căng thẳng?

Mặt khác thì tại sao nó lại làm cho mình căng thẳng, nếu như mình cởi mở, và tất cả mọi người xung quanh mình không cởi mở? Đâu là sự khác biệt giữa điều này và cách mình uống nước khác với thú vật? Tôi nghĩ rằng sự khác biệt là về mặt nhận diện một cái “tôi” vững chắc với một vị trí nào đó. Cách mình uống nước thì không quan trọng, vì đó là chuyện tầm thường, nên mình không quan tâm đến cách con chó uống nước. Nhưng cái “tôi” vững chắc này - “Tôi đang cố hết sức để cởi mở và làm người 'tốt' ...

Bây giờ thì mình phải vẽ một nét nhỏ khác trên một phần khác của bức tranh ở đây, liên quan đến điều khiến cho mình bực bội, khi người khác không cư xử như mình. Đây là nét vẽ liên quan đến toàn bộ câu hỏi này về việc “nên” - “Tôi nên làm điều này.”.

Không Bận Tâm Về Những Điều Người Khác Nói Hay Làm

Tôi nghĩ có một cách tiếp cận khác. Nếu bạn muốn làm một người được kính trọng, và có người nói với bạn rằng, “Bạn là một thằng ngốc”, thì bạn sẽ nổi giận. Nhưng nếu như bạn không muốn làm người được kính trọng, và có ai nói với bạn mười lần là, “Bạn là thằng ngốc”, thì nó không phải là vấn đề đối với bạn. Ngoài ra, nếu như có người muốn dẫn vợ bạn đi xa vì lý do nào đó, và bạn muốn giữ vợ lại, thì sẽ bắt đầu gây gỗ. Nhưng nếu như bạn nghĩ rằng, “Được thôi, nếu như vợ mình muốn đi xa, thì cũng được thôi. Tôi chấp nhận điều này”, nên sẽ không gây gỗ, vì không muốn giữ vợ của mình lại.

Phải phân biệt nhị đế ở đây. Chúng ta gọi chúng là chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Từ quan điểm của chân lý tuyệt đối thì đúng, mình sẽ cố gắng không quyến luyến mọi thứ, bằng cách thấy rằng chúng không có sự tồn tại vững chắc. Nhưng theo quan điểm của chân lý tương đối thì có “những điều phải được chấp nhận, và những điều phải bị bác bỏ.”. Từ quan điểm tương đối thì việc cởi mở sẽ lợi lạc hơn là khép kín, và việc bảo vệ vợ mình sẽ có lợi hơn là để cho người nào xâm phạm cô ấy và đưa cô ấy đi. Điều đó không mâu thuẫn với chân lý tuyệt đối, rằng mình sẽ không sinh tâm tham luyến. Phải cẩn thận để không nhầm lẫn giữa hai chân lý này.

Bài Tập Kết Thúc

Đã đến lúc kết thúc buổi thảo luận của tối hôm nay. Hãy kết thúc với một chút kinh nghiệm thực hành, và một lần nữa, hãy làm việc này bằng cách nhìn xung quanh và mở lòng ra. Chúng ta muốn cởi mở, không phải theo nghĩa về một cái “tôi” vững chắc, với những bức tường được hạ xuống, và nếu như có ai ném bùn thì nó sẽ dính vô mặt mình, mà đúng hơn là bức tường đã hạ xuống, và không có gì vững chắc để mình phải lo lắng về việc nó sẽ bị tổn thương. Tuy nhiên, rõ ràng là mình đang ở đây. Chúng ta sẽ phản ứng với bất cứ điều gì đang xảy ra, mà không cần phải phòng thủ theo kiểu bám chấp chặt chẽ, với nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi xuất phát từ đâu? Nỗi sợ hãi xuất phát từ ý nghĩ rằng có một cái “tôi” vững chắc, có thể bị tổn thương. Rồi thì đương nhiên là mình sẽ lo sợ.

Chân lý tương đối là, nếu như có ai ném thứ gì vô người mình, thì ta sẽ né sang một bên. Nếu như họ đòi hỏi quá đáng thì mình sẽ nói “không”. Thông thường thì mình sẽ xử lý những điều này với trí tuệ, hoặc khả năng phân biệt khách quan, hơn là đánh giá chủ quan, tự cho là mình đúng.

Nếu như bạn hạ bức tường xuống thì liệu điều này có liên quan đến sự linh hoạt không, để dù cho có nghe những điều tốt hay điều xấu, thì mình vẫn muốn giúp đỡ? Liệu việc có khả năng để làm điều này có nghĩa là mình có sự linh hoạt không?

Chính xác. Chỉ khi hạ bức tường xuống thì mình mới có thể thật sự linh hoạt, tự phát và thể hiện tất cả những điều khác. Nếu như dựng bức tường lên thì mình không thể phản ứng một cách tự do. Rồi thì mình rất cứng nhắc. Chúng ta đang đi bộ vòng quanh với tất cả những bức tường xung quanh mình.

Việc hạ bức tường xuống có nghĩa là rất linh hoạt. Nhưng nó không chỉ có nghĩa là linh hoạt, phải không? Việc hạ những bức tường xuống không chỉ có nghĩa là linh hoạt? 

Chính xác. Nó không chỉ có nghĩa là linh hoạt. Nó cũng có nghĩa là có thể thật sự liên hệ một cách thích hợp. Nó có nghĩa là nhiều thứ. Tất cả mọi việc đều tương quan với nhau. Chúng ta cũng có thể nhạy cảm hơn khi hạ bức tường xuống. Nếu như mình nhạy cảm hơn, thì sẽ linh hoạt hơn. Nếu như mình chân thành hơn, thì nó sẽ giúp cho người kia cảm thấy thoải mái hơn với mình. Nó là nhiều thứ. Tất cả đều tương quan với nhau. Nếu như bức tường hạ xuống, và mình nhìn thấy những gì đang xảy ra với người khác, thì đó là cách dễ dàng hơn để cho trí tuệ thấy rõ mình phải làm gì. Trí tuệ và phương tiện thiện xảo được cho là phát sinh một cách tự nhiên, khi bức tường được hạ xuống. 

Ngay cả khi không thể tạo ra cảm giác về việc hạ xuống bức tường, dựa trên sự hiểu biết về tánh Không, thì mình có thể phát khởi nó, trên cơ sở xem mọi người là bạn thân của mình. Tại sao? Đó là vì các phương pháp du lịch khác nhau có thể dẫn đến cùng một nơi chốn, những nguyên nhân khác nhau có thể đưa đến cùng một kết quả mà mình muốn đạt được, chẳng hạn như hạ những bức tường xuống. Điều đó xuất phát từ giáo lý về tánh Không của nhân quả. Vì vậy, có nhiều cách khác nhau để đạt được một sự hiểu biết, và có nhiều mức độ hiểu biết khác nhau, tất cả đều có thể hữu ích.

Vậy thì hãy cố tạo ra sự cởi mở này, dưới ánh sáng của lòng bi mẫn, xem mọi người là bạn thân nhất của mình. Rồi nếu như ta cũng có thể tạo ra sự cởi mở này, dưới ánh sáng của sự hiểu biết chính xác về tánh Không, thì điều đó còn hữu ích hơn nữa. Cả hai luôn kết nối với nhau, lòng bi và trí tuệ. Các bạn nhớ không? Đó là hình ảnh của hai chiếc cánh.

Gánh Trách Nhiệm Cho Người Khác

Nhưng nếu bạn xem người kia là bạn thân của mình, thì có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho người kia, vì vậy mà tôi lo sợ, từ quan điểm này. 

Tại sao mình sợ? Bởi vì cái “tôi” vững chắc, “Tôi sẽ thất bại.”. Vậy thì nó có nghĩa là ta phải vẽ một nét khác trên bức tranh, cũng ở bên tánh Không của nhân quả. Ví dụ tiêu chuẩn mà Đức Phật đã sử dụng là một xô nước sẽ không tràn đầy vì giọt nước đầu tiên hay giọt cuối cùng, mà được đổ đầy nhờ sự kết hợp của tất cả các giọt nước. Khi mình cố giúp ai khắc phục nỗi khổ của họ, thì việc này không hoàn toàn phụ thuộc 100% vào những gì mình làm. Đó là một sự phóng đại quá mức về cái “tôi”. Kết quả bắt nguồn từ sự kết hợp của rất nhiều, rất nhiều nguyên nhân.

Một mặt thì ta sẽ không nói mình là người duy nhất chịu trách nhiệm, theo ý là nếu như hoàn cảnh của họ không cải thiện thì mình có tội, vì đã thất bại. Nhưng mặt khác, cũng không thể đi đến một thái cực khác, đó là không làm gì cả. Ta sẽ đóng góp theo cách tốt nhất mà mình có thể làm. Nhưng việc họ có khắc phục được nỗi khổ của họ hay không thì phần lớn phụ thuộc vào những gì họ làm.

Một lần nữa, đó là một đề tài cho phép ta vẽ những nét nho nhỏ lên bức tranh mà mình đang thực hiện. Nhưng chúng ta sẽ đi sâu hơn và sâu hơn nữa vào đề tài này - toàn bộ ý tưởng về ngày mai thì “tôi nên”. “Tôi nên làm điều này. Tôi nên giúp họ. Tôi nên có khả năng giải quyết tất cả những vấn đề của họ, và vân vân. Và nếu như nó không hữu hiệu, và tôi không giải quyết được vấn đề của họ, thì tôi tội lỗi, vì đã làm điều gì sai lầm.”.

Và điều đó sẽ tự nhiên dẫn đến việc thảo luận về Thượng Đế, từ đó mà toàn bộ cách suy nghĩ của mình về “nên” sẽ phát sinh. Chúng ta tưởng tượng rằng, giống như Thượng Đế thì mình nên toàn năng, và có thể hoàn thành bất cứ điều gì mà mình muốn, bằng oai lực của riêng mình. Chúng ta sẽ nói về điều này vào ngày mai.

Vậy thì hãy kết thúc với một vài phút cởi mở lòng ra, không sợ hãi, rồi thì tiếp theo là ước nguyện, “Nếu như mọi người có thể cởi mở và không sợ hãi thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Nguyện cho mọi người đều được như vậy. Nguyện cho tôi có thể giúp mọi người đều được như vậy.”.

Hãy nhớ rằng, phải luôn tự hỏi mình sợ hãi điều gì, tại sao mình sợ và tất nhiên là ai là người đang sợ ?

[Tạm dừng để thực hành]

Top