Pháp Tu Sơ Khởi Và Luyện Tâm Bồ Đề

Điểm 1 và 2

Lojong” là từ ngữ Tây Tạng, thường được dịch là “luyện tâm”, nhưng tôi không thấy cách phiên dịch này thích hợp cho lắm, bởi vì nó có vẻ ngụ ý là một hoạt động trí thức đối với hầu hết mọi người. “Lo” có nghĩa là “thái độ”, còn “jong” nghĩa là “thanh tẩy” và “rèn luyện”, với ý nghĩa là đoạn trừ thái độ tiêu cực và tạo dựng thái độ tích cực hơn. Mục đích chủ yếu của pháp tu lojong là để thanh tẩy những thái độ tiêu cực trong tâm mình, và rèn luyện thái độ tích cực để thay thế chúng.

Pháp tu lojong ở Ấn Độ được A Đề Sa (Atisha) đưa vào Tây Tạng vào đầu thế kỷ 11, được kết hợp với truyền thống Kadam, rồi được sát nhập vào cả bốn trường phái của Phật giáo Tây Tạng. Trên thực tế thì những giáo lý này là một trong những giáo lý cơ bản, kết nối tất cả các truyền thống với nhau, với sự khác biệt đáng kể duy nhất giữa các luận giải khác nhau là việc diễn giải và giải thích về tánh Không của mỗi trường phái.

A Đề Sa đã thọ nhận truyền thống lojong từ thầy của ngài, Pháp Hộ (Dharmarakshita), là tác giả của Pháp Luân Vũ Khí Sắc Bén (Wheel of Sharp Weapon). Luyện Tâm Thất Điểm (Seven Point Mind Training) đã được Geshe Chekawa của truyền thống Kadam sáng tác khoảng một thế kỷ sau, với hai dòng truyền thừa giáo huấn xuất phát từ đệ tử của ngài, Geshe Lhadingpa. Một dòng truyền thừa đã được ban truyền đến Togme Zangpo, tác giả của 37 Pháp Hành Bồ Tát (37 Bodhisattva Practices) và được các phái Kagyu, Sakya và Nyingma noi theo. Dòng truyền thừa kia được ban truyền đến Tông Khách Ba (Tsongkhapa) gần ba thế kỷ sau đó, và được phái Gelug noi theo.

Hai dòng truyền thừa khác nhau về cách sắp xếp một vài dòng trong các vần kệ, và bao gồm một số dòng không được tìm thấy trong dòng truyền thừa kia. Ngay cả trong mỗi dòng truyền thừa còn có một vài phiên bản khác nhau của bản văn, và Đức Dalai Lama giải thích rằng những sự khác biệt này không đáng kể, bởi vì chủ ý của chúng đều giống nhau. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét phiên bản của Togme Zangpo, theo lời giải thích mà tôi đã thọ nhận từ Tsenshap Serkong Rinpoche, với một số điểm được bổ sung thêm từ Geshe Ngawang Dhargyey.

Top