Ý Nghĩa Của Quy Y

Quy Y Như Định Hướng Cơ Bản Của Cuộc Đời  

Chúng ta đã nói về những vấn đề mà đôi khi mình gặp phải trong đạo Phật, và đã tập trung vào những khó khăn mà nhiều người trong chúng ta thường gặp phải, khi áp dụng giáo lý nhà Phật trong đời sống. Một lãnh vực khác rất quan trọng để xem xét và giải quyết vấn đề này là toàn bộ chủ đề về quy y. Có nhiều điều trong các giai đoạn đầu của đường tu nhà Phật mà chúng ta hay xem thường và chỉ bỏ qua. Đối với nhiều người thì quy y là một trong những điều này. Đó là điều đáng buồn, vì khi quy y trở thành điều gì khá tầm thường và vô nghĩa đối với mình, thì ta đã tự đánh mất nền tảng của tất cả các pháp tu trong nhà Phật.

Video: Geshe Tashi Tsering — “Khi Nào Thì Chúng Ta Sẵn Sàng Để Quy Y?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Quy y không chỉ là chỉ lặp lại một công thức và cắt một nhúm tóc như một số truyền thống hay làm, và có thể nhận được một Pháp danh. Đó không phải là tinh túy của quy y. Đúng hơn thì nó là sự thay đổi toàn bộ thái độ cơ bản đối với cuộc sống. Đó là một tâm trạng mà mình chủ động đưa một phương hướng an toàn vào trong đời sống, đó là chiều hướng cải thiện tự thân, cố gắng phát triển bản thân để giúp cho kiếp luân hồi của mình tốt đẹp hơn một chút, như chúng ta đã thảo luận, hoặc để đạt giải thoát, hay thành tựu giác ngộ, để mình có thể giúp đỡ người khác một cách trọn vẹn nhất. Quy y không phải là cam kết trung thành với giáo phái nào đó. Và khi nói về giáo phái thì tôi không chỉ có ý nói về một giáo phái có tổ chức; nó cũng có thể là một giáo phái cá tính của vị thầy nào đó, nhưng đúng hơn thì việc quy y đòi hỏi một định hướng hoàn toàn mới mẻ mà mình đưa vào đời sống, để khi định hướng này trở nên ổn định cho bản thân, thì ta sẽ biết mình đang làm gì với cuộc sống, cuộc đời của mình đang đi về đâu, và mục đích trong đời sống của mình là gì. Đó là việc phát triển tự thân.

Khi có một ý tưởng về việc mình đang đi về đâu trong cuộc sống, những gì mình đang làm trong cuộc sống, thì tất cả các giáo lý sẽ dựa vào nền tảng này. Cụ thể là chúng ta đang nhìn vào giáo huấn của Đức Phật và tấm gương của Đức Phật, để tạo cho mình phương hướng an toàn và tích cực ấy. Không cần thiết phải đi vào một bài thuyết pháp dài dòng về quy y, nhưng tôi nghĩ rằng điều rất hữu ích là thái độ mà mình phát triển đối với giáo lý, dựa vào phương hướng an toàn của việc quy y trong đời sống. Điều đó có nghĩa là mình xem tất cả các giáo lý đều liên quan đến việc giảm bớt hay đoạn trừ khổ đau, và cũng liên quan đến việc giúp đỡ người khác. Chúng ta rất xem trọng giáo pháp, và tự tin rằng Đức Phật đã thuyết những pháp này, hay một đệ tử sau này đã dạy chúng, chỉ nhằm mục đích giúp mình đoạn trừ khổ đau, và có thể giúp đỡ người khác một cách tốt hơn. Đó là toàn bộ mục tiêu của bất cứ giáo pháp nào. Chúng ta sẽ cố gắng hiểu những điều trong giáo pháp, là điều giúp cho mình hoàn thành những mục tiêu này.

Xem Xét Mục Đích Sâu Xa Hơn Của Hành Trì Nghi Lễ

Hãy lấy ví dụ về những nghi lễ mà ta thường gọi là hành trì Phật pháp của mình. Tất cả những pháp tu Hộ Phật này, các nghi lễ, puja và vân vân, là lời Phật dạy. Điều đó có nghĩa là chúng có thể giúp ta đoạn trừ các vấn đề và giúp đỡ người khác. Làm sao chúng có thể thực hiện điều đó? Quy y có nghĩa là xem những nghi lễ này một cách nghiêm túc, và thật sự phân tích chúng, để cố tìm hiểu cách chúng hoàn thành những mục tiêu này. Rồi thì mình sẽ áp dụng chúng vì mục đích này. Hãy cố gắng tiếp cận các hành trì nghi lễ này theo cách đó.

Câu trả lời về cách chúng giúp mình đạt giải thoát và giác ngộ có thể không quá hiển nhiên. Tuy nhiên, điều đó chỉ có nghĩa là đó là một thử thách. Nếu như mình không có thái độ này, để có được quy y trong đời, thì tất cả những hành trì nghi lễ này đều không liên quan đến đời sống của mình, chúng không thật sự chạm vào mình, nên có ít tác dụng, hay không có tác dụng gì cả. Trên thực tế thì việc có thái độ như vậy đối với những pháp tu này, và nghĩ rằng, “Chúng chỉ là một số nghi lễ phương Đông kỳ lạ, có thể thú vị để thực hiện trong những lúc tốt đẹp, nhưng vào những lúc khác thì chúng là một sự áp đặt và kéo dài lê thê.”. Khi mình có thái độ như vậy thì chúng không có tác dụng gì. Chúng không có tác dụng tích cực nào cả. Và điều này cho thấy là đằng sau việc thiếu hiệu ứng tích cực này là mình không quá xem trọng giáo pháp. Chúng ta thật sự không có thái độ cởi mở và tôn trọng Đức Phật hay sự kiện là Ngài đã dạy những pháp tu hữu ích cho mình. Ngài không chỉ dạy những điều thú vị hay nhàm chán kinh khủng mà mình đã phải làm theo vì nghĩa vụ, hay vì cảm giác tội lỗi để làm người “tốt”.

Những điểm này không chỉ áp dụng cho những hành trì nghi lễ, mà còn cho bất cứ điều gì trong giáo lý. Chúng ta nghe đủ điều rất kỳ lạ trong giáo lý nhà Phật. Đôi khi có sự kỳ lạ là vì vấn đề dịch thuật. Có rất nhiều ví dụ về điều này, khi những từ ngữ mà mình sử dụng để dịch sang các ngôn ngữ Tây phương chỉ đưa ra cách giải thích hoàn toàn sai lầm. Những ví dụ mà tôi thích nhất là: đạo đức và vô đạo đức, công đức, tội lỗi, v.v... Tất cả những chữ này là thuật ngữ của đạo Cơ Đốc, không phải của đạo Phật. Tất cả những điều đó xoay quanh ý tưởng “nên”: “Tôi nên làm điều này và không nên làm điều kia; nếu như mình làm điều đó thì là người tốt, và nếu như không làm điều đó thì mình là người xấu.”. Tất cả đều được gắn liền với một loại nền tảng phán xét, và Thượng Đế là thẩm phán. Đó không phải là bối cảnh của đạo Phật.

Khi có sự nhầm lẫn và khó khăn với giáo lý thì điều mình phải phối kiểm trước tiên là có phải vấn đề có thể xuất phát từ việc dịch thuật hay không. Đây là một bước rất cần thiết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, có rất nhiều điều kỳ lạ trong giáo lý, chẳng hạn như giáo lý về địa ngục, hay về Núi Tu Di (Mount Meru), và những điều như vậy. Chúng ta có thể nhìn vào những điều này và nói rằng, “Đây là điều ngu xuẩn, và tôi không thích nó.”, hay có thể cố gắng tìm ra chủ ý đằng sau những điều này, khiến cho chúng trở thành một công cụ giúp cho mình có được một tái sinh tốt hơn, giải thoát hay giác ngộ? Nếu như có một phương hướng quy y vững chắc trong đời sống, thì mình sẽ cố gắng hiểu tất cả những giáo lý này, và không chỉ bác bỏ chúng.

Những Câu Chuyện Về Thuyết Pháp

Tôi nhớ bài pháp về nghiệp. Serkong Rinpoche đã từng dạy về nghiệp với những ví dụ kinh điển, chẳng hạn như ví dụ về người có một con voi đại tiện ra vàng. Mỗi lần anh ta muốn bỏ con voi này, vì nó đã thu hút đám đông và làm ồn ào như vậy, thì anh ta không thể thoát khỏi nó, vì con voi luôn quay trở lại. Là người Tây phương thì chúng ta nhìn vào một chuyện như vậy, và nói rằng: “Thôi đi! Chuyện này thật là kỳ cục.”. Chúng ta cũng hơi xấu hổ, và sẽ không muốn đưa cho cha mẹ mình xem cuốn sách về những điều mình đang học, có những điều tương tự như vậy. Họ sẽ nghĩ rằng mình đã đi đến vực thẳm của điên loạn. Khi tôi nêu ra điều đó với Serkong Rinpoche, thì câu trả lời của Thầy khá thú vị. Thầy nói rằng: “Nếu như Đức Phật muốn đặt ra một câu chuyện hay, thì Ngài đã phải đặt ra một câu chuyện hay hơn chuyện này.”.

Chúng ta có thể hiểu những điều Rinpoche nói theo hai cách. Một cách là xem câu chuyện hoàn toàn theo nghĩa đen, và tôi chắc chắn rằng có rất nhiều người từ các nền văn hóa truyền thống châu Á đã xem những câu chuyện này theo nghĩa đen. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng đó là ý nghĩa duy nhất mà chúng ta có thể rút ra từ phản ứng của Serkong Rinpoche. Một cách hiểu khác là câu chuyện không chỉ mang ý nghĩa giải trí, bởi vì Đức Phật có thể cho mình cách giải trí hay hơn như vậy nhiều. Nhưng câu chuyện có chủ ý dạy cho mình một bài học. Chúng ta cũng có một truyền thống truyền khẩu như thế ở phương Tây; có những loại truyện gọi là truyện ngụ ngôn, truyền thuyết, thần thoại được kể cho mọi lứa tuổi. Có một bài học mà mình phải rút ra từ mỗi câu chuyện, thường là về luật nhân quả, và đây là một phương pháp giảng dạy rất hợp lệ và hiệu quả. Chúng ta không cần dạy theo danh sách của những điểm đơn giản, mà cũng có thể dạy bằng những câu chuyện như vậy.

Một lần nữa, nếu như pháp quy y của mình rất mạnh mẽ, thì khi đọc tất cả những điều tuyệt vời này trong kinh sách, chẳng hạn như, “Có hàng triệu vị Phật trong hàng triệu cõi Phật, và trong mỗi một lỗ chân lông của mỗi một vị Phật thì có hàng triệu cõi Phật khác”, thì mình sẽ cố gắng hiểu vấn đề là gì. “Không nghi ngờ gì là điều này đang giúp mình, không chỉ giúp đỡ người ngu xuẩn nào ở đàng kia, người tin tưởng vào điều này. Vấn đề là giúp ta khắc phục những vấn đề của chính mình trong đời sống, giúp mình tạo ra nhiều lợi lạc hơn cho người khác. Làm sao nó có thể làm việc này? Ta phải học bài học nào? Với thái độ đó thì chúng ta có thể bắt đầu kết nối tất cả giáo lý với bản thân mình một cách dễ dàng hơn nhiều.

Ráp Nối Tất Cả Những Mảnh Nhỏ Vào Đồ Hình

Điều rất quan trọng là hiểu phương pháp giảng dạy cơ bản của đạo Phật. Phương pháp cơ bản là cho các đệ tử những mảnh nhỏ của đồ hình. Rồi thì tự người đệ tử phải ráp nối chúng lại với nhau. Và một vị thầy thiện xảo sẽ không cho mình tất cả các mảnh nhỏ trong cùng một lúc. Ta phải thỉnh cầu thêm. Nếu như không thỉnh cầu thêm thì điều đó có nghĩa là mình không thật sự quan tâm, không có động lực thật sự. Nếu như thầy cho mình nhiều hơn, thì chỉ là điều lãng phí.

Bằng cách trình bày giáo pháp theo cách này, thì nó sẽ giúp cho đệ tử phát triển tính nhiệt tình, kiên nhẫn, chăm chỉ - tất cả những điều này sẽ giúp cho giáo pháp bén rễ trong chính mình. Quá trình giảng dạy trong nhà Phật không chỉ là việc tạo một bản sao của một tài liệu trong máy vi tính, và chuyển nó sang một đĩa mềm trống. Nó không chỉ là việc truyền đạt thông tin từ một vị thầy đến một đệ tử. Toàn bộ quá trình giảng dạy là một quá trình có chủ ý phát triển tính cách của mình, là một đệ tử.

Rồi thì mình phải tiếp cận giáo huấn theo cung cách đó, không nôn nóng và phàn nàn, “Thầy đã không giải thích tất cả mọi thứ”, hay là “Nó không rõ ràng”, vân vân. Mình phải thu thập các mảnh nhỏ của đồ hình, rồi làm việc với nó, cố gắng ráp chúng lại với nhau. Hãy tìm hiểu xem chúng có ý nghĩa gì? Chúng liên hệ với đời sống như thế nào? Quy y giúp ta cởi mở, để phát triển thái độ này về quá trình học tập. Đó là một điểm về quy y.

Nguồn Gốc Quy Y Tạm Thời Và Tối Hậu

Một điểm khác về quy y là chúng ta sẽ hướng đến điều gì, khi đời sống thì khó khăn, và mọi việc trở nên tồi tệ? Khi điều gì không vui xảy ra, hay người ta bắt đầu lo lắng, thì một số người sẽ đi đến tủ lạnh. Hay họ có thể quay qua rượu hoặc ma túy, hay tình dục, hoặc thể thao. Có rất nhiều điều mà mọi người sẽ nương tựa vào. Khía cạnh nương tựa này khá thú vị, để xem xét bản thân mình. Khi mọi việc thật sự khó khăn thì mình sẽ nương tựa vào cái gì, hay vào ai? Mình có hướng về một người bạn không? Có quay qua rượu chè không? Chúng ta có thể nói, “Nhưng tôi nên hướng về Phật, Pháp và Tăng.”. Nhưng điều đó trở nên hơi khó chịu, bởi vì thái độ đó dễ bị thoái hóa thành “Thượng Đế giúp tôi, Phật giúp tôi.”.

Giáo pháp nói về quy y tạm thời và quy y cứu cánh. Hãy sử dụng ví dụ về tôi. Khi tôi lo lắng hay buồn bã về điều gì, thì xu hướng của tôi là mở tủ lạnh. Tôi sẽ ăn một món gì đó mà tôi thật là thích, và nó sẽ giúp cho tôi thấy đỡ một chút. Hãy nhớ rằng chúng ta đã nói về Diệu Đế Thứ Nhất, đó là: cuộc sống khó khăn. Việc chấp nhận điều đó một chút là điều cần thiết. Tôi biết về bản thân mình là khi khí lực của tôi trở nên hơi căng thẳng hay mất cân bằng, và nếu như tôi ăn món gì, đặc biệt là bánh mì nguyên cám (whole-meal bread), thì nó sẽ đè những luồng khí đó xuống, và giúp cho tôi ổn định hơn một chút. Giống như uống aspirin khi mình không khỏe, dù tôi biết rằng đó không phải là giải pháp cứu cánh cho vấn đề của mình. Tôi biết điều đó rất rõ. Tôi tự nói với bản thân mình là, “Tôi biết nó chỉ giúp mình ở mức độ thiển cận, nhưng tôi cũng có phương hướng sâu xa hơn để giúp mình giải quyết vấn đề.”.

Tất nhiên là mình phải có sự phân biệt ở đây, bởi vì nếu như chỉ có những yếu tố tạm thời đang giúp mình giải quyết vấn đề, thì ta có thể nói rằng, “Nếu như tôi chích thuốc phiện, thì đó cũng là thuốc aspirin tạm thời, và tôi biết giải pháp sâu xa hơn.”. Có một sự khác biệt giữa việc ăn một thanh sô cô la và chích thuốc phiện. Nên đảm bảo là bất cứ phương pháp quy y tạm thời nào mà mình áp dụng, sẽ không phải là điều gì cực kỳ có hại cho bản thân hay người khác. Nó không nên là, “Nó làm cho tôi cảm thấy vui vẻ để đi bắn một con thỏ, nên nếu như thấy lo lắng thì tôi sẽ ra ngoài để giết con gì.”.

Vậy thì mình phải làm việc một chút về vấn đề “Mình sẽ nương tựa ai khi cần thiết?”, và không phải là “Mình nên hướng về Phật, Pháp, Tăng, nên sẽ ngồi đây hành thiền. Và nếu như mình ăn bánh quy thay vì thiền thì có nghĩa là tôi là người xấu, hay là một Phật tử xấu.”. Bạn có thể uống thuốc aspirin, ăn bánh quy hoặc sô cô la, hay bất cứ thứ gì, hay nói chuyện với ai trên điện thoại thì cũng được thôi, miễn là mình hiểu rõ đó không phải là giải pháp tối hậu. Nếu như mình cho đó là giải pháp sâu xa nhất, thì sẽ thất vọng, khi nó không hữu hiệu. Bất cứ sự thoải mái nào mà nó tạo ra không thể kéo dài. Đó là điều thiển cận. Nói cho cùng thì đời sống khó khăn. Đây là một vài khía cạnh về quy y.

Đạo Đức Kinh Thánh

Nếu như tôi muốn bắn một con thỏ, thì cũng sẽ nảy ra ý tưởng “Mình không nên bắn thỏ.”. Vậy thì lại có ý tưởng “nên”.

Có lẽ chúng ta nên ngưng vẽ những nét nhỏ trên phần này của bức tranh là “nên” và “không nên”, và đi sâu hơn vào chủ đề đó.

Cuộc thảo luận về “nên” và “không nên” xoay quanh một số vấn đề: đạo đức và toàn bộ cách tiếp cận đạo đức, cũng như những lời dạy về Không tướng (tánh Không). Chẳng hạn như đạo đức Kinh Thánh là một hệ thống dựa trên quyền lực cao hơn, đã đặt ra những quy tắc và luật lệ nào đó, nên trên cơ bản thì đạo đức trong một hệ thống như vậy đòi hỏi việc tuân theo luật lệ. Một người có đạo đức trong bối cảnh này là một người ngoan ngoãn tuân theo những quy luật cao hơn. Nếu như mình tuân theo luật lệ, thì ta là người tốt. Nếu không tuân theo thì mình là người xấu, và sẽ bị trừng phạt. Thẩm quyền cao hơn này có một phản ứng cảm xúc cơ bản nào đó đối với chúng ta, nên nếu như mình tuân theo nó, thì nó sẽ yêu thích ta và ban thưởng cho mình. Nếu không tuân theo nó thì nó sẽ không ưa thích ta, không yêu thương mình nữa, và sẽ trừng phạt mình. Đó là khía cạnh cảm xúc của loại đạo đức này.

Chúng ta có thể nói về điều đó đối với Thượng Đế, hay đối với cha mẹ của mình. Chúng ta cũng phóng chiếu điều đó vào cha mẹ của mình, những người luôn nói với mình rằng, “Hãy làm một cô gái tốt; hãy làm một chàng trai tốt; đừng làm người xấu.”. Nếu như không vâng lời cha mẹ thì mình là người xấu, và cảm thấy cha mẹ không thương mình nữa, nên mình muốn làm cho họ hài lòng. Hành vi đạo đức của chúng ta dựa vào việc muốn làm cho thẩm quyền cao hơn này hài lòng, đó người đã đặt ra quy luật.

Vì vậy, đối với hầu hết chúng ta, những người đã lớn lên trong nền văn hóa theo Kinh thánh, nên toàn bộ đạo đức của mình đều dựa vào “nên” và “không nên”. Chúng ta muốn biết, “Tôi nên làm gì?” để được yêu thích, được thưởng công, và mọi việc sẽ tốt đẹp. Dù ở một mức độ nào thì có lẽ những điều tôi đang giải thích nghe có vẻ hơi đơn giản quá mức, nhưng thật là đáng kinh ngạc, khi mình lại hành động như vậy. Khi ở trong một hoàn cảnh mới mẻ thì ta muốn biết mình nên làm gì. Chúng ta muốn người nào nói cho mình biết quy luật là gì. Miễn là ta biết quy luật là gì, thì mình sẽ biết phải tuân theo những điều gì, rồi thì sẽ cảm thấy tốt đẹp và thoải mái. Rồi thì mọi việc đều có trật tự, và mình sẽ có quyền tự chủ.

Vấn Đề Tự Chủ

Điểm này đụng chạm đến vấn đề “tự chủ”. Khi mình biết tất cả luật lệ, và biết là mình phải tuân theo luật lệ, thì sẽ cảm thấy mình “kiểm soát” được tình hình, nếu như mình chịu tuân theo luật lệ. Chúng ta cảm thấy mình biết những gì sẽ xảy ra, nên điều này sẽ giúp cho mình thấy an tâm hơn một chút, khi biết luật lệ. Khi mình tiếp cận cuộc sống bằng thái độ muốn có sự tự chủ, thái độ tuân thủ này, những quy tắc này và mọi việc đi theo trật tự, thì theo ý nghĩa nào đó, ta đang dựa hạnh kiểm của mình vào cảm giác muốn làm người tốt, và muốn làm cho người khác hài lòng.

Cách tiếp cận này dựa rất nhiều vào khái niệm về một cái “tôi” vững chắc, và một cái “bạn” vững chắc, người đang nêu ra quy luật. Như vậy thì mình sẽ luôn lo lắng về việc cái “tôi” này sẽ bị từ chối hay bỏ rơi, bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, nếu như mình là người xấu. Vì mối bận tâm về cái “tôi” vững chắc, nên tất cả chúng ta đều có nỗi sợ hãi này, và tất cả những vấn đề tự chủ sẽ phát sinh, mối bận tâm về việc tự chủ. Chúng ta cảm thấy chỉ có một cách chọn lựa khác là sự hỗn loạn tuyệt đối, và điều đó tương tự với nỗi sợ hãi này, rằng nếu như mình hạ bức tường xuống, thì nó sẽ hỗn loạn, và mình sẽ không có sự phòng thủ. Chúng ta có xu hướng xem đây là di sản văn hóa mạnh mẽ của mình ở phương Tây, thái độ này đối với đạo đức, dựa trên việc “nên” và “không nên”, và tuân theo quy luật.

Nếu như có thái độ này thì mình có xu hướng nhìn vào giáo lý nhà Phật và tiếp cận chúng theo cùng một cách. Chúng ta cũng nhìn vào đạo đức nhà Phật về mặt quy tắc của những gì tôi “nên” và “không nên” làm: “Tôi không nên giết côn trùng. Tôi nên trì tụng mỗi ngày. Nếu không làm như vậy thì tôi là người xấu, và các thầy sẽ không thương tôi nữa. Các thầy sẽ không hài lòng và không thương tôi nữa.”.

Một người nào đó đã đề cập trong giờ nghỉ trưa rằng đôi khi rất khó làm theo lời dạy mà thầy ban cho mình. Nhưng chúng ta vẫn muốn làm đệ tử tốt; muốn được thầy yêu thích và làm cho thầy hài lòng. Do đó, thay vì làm theo những điều thầy đã dạy, thì ta lại áp dụng một tâm lý tôn sùng đối với vị thầy ấy, dựa trên ý nghĩ rằng, “Thầy của tôi là tốt hơn hết.”. Có lẽ trong vô thức thì mình cảm thấy điều này sẽ làm vui lòng thầy. Thay vì trung thành với thầy bằng cách áp dụng lời dạy của thầy, thì ta lại nghĩ rằng trung thành có nghĩa là tôn thờ ông thầy, hay bà thầy. Thế là mình áp dụng ý tưởng của việc “nên” và “không nên” vào việc tôn sùng thầy mình như thần tượng, giống như trong một giáo phái. Chúng ta làm như vậy, bởi vì rất khó tuân theo giáo pháp mà thầy đã dạy cho mình.

Đạo Đức Nhà Phật

Thật ra đạo đức phương Tây là sự kết hợp giữa Kinh thánh và Hy Lạp cổ đại. Trong phiên bản Hy Lạp, thay vì được một người có thẩm quyền cao hơn trên thiên đàng ban cho, thì luật lệ được cơ quan lập pháp của người dân ban hành. Các công dân tựu họp lại và đề ra pháp luật, vì lợi ích của xã hội. Rồi đó lại là một câu hỏi về việc “Nếu tuân theo luật lệ thì mọi việc sẽ êm xuôi; nếu không theo luật lệ thì bạn sẽ phải vào tù, và bị trừng phạt như một công dân xấu trong xã hội.”.

Rồi thì xã hội Tây phương kết hợp đạo đức Kinh Thánh và đạo đức dân sự theo một cách thú vị, nhưng cả hai đều không liên quan đến đạo đức nhà Phật. Trong đạo đức nhà Phật thì điểm chính là không tìm hiểu luật lệ là gì, và nếu như mình có thể tìm hiểu chúng một cách rõ ràng, thì điều mà mình phải làm là tuân theo luật lệ. Điều này hoàn toàn không phải là định hướng. Trên cơ bản thì đức Phật không hề nói chúng ta “nên” hay “không nên” làm điều gì. Đức Phật nói rằng, “Nếu như con hành động như vậy, thì kết quả này sẽ xảy ra. Nếu như con hành động như thế kia, thì kết quả nọ sẽ xảy ra.”. Nói cách khác là tùy theo mình muốn làm gì. Ta sẽ làm gì tùy theo sự chọn lựa của mình. Nếu như cứ đập đầu vào tường, thì ta sẽ tiếp tục làm tổn thương bản thân. Nếu như ngưng đập đầu vô tường, thì mình sẽ hạnh phúc hơn. Đức Phật không nói rằng, “Con nên ngưng đập đầu vào tường.”. Ngài chỉ nói điều gì sẽ xảy ra, khi bạn đập đầu vào tường, hay khi bạn không đập đầu thôi.

Vậy thì tùy theo cá nhân mình có sự phân biệt và lựa chọn. Nếu như mình muốn chấm dứt đau khổ và không tạo ra vấn đề cho bản thân, thì sẽ sửa đổi hành vi của mình theo cách này hoặc cách khác. Nếu như mình không quan tâm... thì thôi. Đừng thay đổi gì hết. Nó không phải là vấn đề tốt hay xấu. Nó chỉ là: “Nếu bạn muốn tiếp tục đau khổ thì đó là chọn lựa của bạn, đó là đặc quyền của bạn. Nếu bạn muốn chấm dứt đau khổ thì bạn phải sửa đổi hành vi của mình.”. Điều đó không phải là phủ nhận rằng việc xã hội có những luật lệ nào đó là điều cần thiết. Chúng ta vẫn phải đưa tội phạm vào tù, để họ không tiếp tục đi giết người. Đạo đức nhà Phật không mâu thuẫn với điều đó.

Vậy thì mình sẽ thực hiện việc phát triển cá nhân bằng cách phát triển cái gọi là “trí phân biệt”, hay “trí tuệ”. Phải biết phân biệt giữa điều gì có lợi và điều gì có hại cho bản thân và người khác. Việc biết điều gì sẽ làm hại cho người khác sẽ khó khăn hơn, nên điểm được nhấn mạnh là tránh những điều làm hại bản thân. Ví dụ như mình có thể tặng hoa hồng cho người nào, với ý định làm cho họ vui, nhưng họ lại bị dị ứng với hoa hồng. Rất khó biết điều gì sẽ thật sự giúp ích cho người khác. Nên sự nhấn mạnh ở đây là phân biệt giữa điều gì có hại và có lợi cho mình, vì điều này dễ phân biệt hơn. Nó không phải là vấn đề “Tôi nên làm việc này, hay không nên làm việc kia”. Tuy nhiên, thay vì nhận ra điều này thì ta thường tiếp cận với thầy mình theo cách là “Hãy cho con biết con nên làm gì. Con nên tu tập như thế nào? Con nên làm gì?” Điều này không hữu ích. 

Đối Phó Với Nỗi Sợ Bị Trừng Phạt

Nhưng một khi phát hiện ra khía cạnh này về chân lý nhân quả, thì tôi vẫn có cảm giác sợ hãi, khi làm một hành vi có hại. Tôi sợ bị trừng phạt. Tôi muốn có sự lựa chọn thật là tự do về những điều mình sẽ làm, mà không sợ hãi. Tôi muốn có sự lựa chọn một cách lành mạnh, và không cố gắng loại bỏ hành vi có hại vì sợ hãi. Đó là điều trẻ con, và tôi không thích như vậy. Vậy thì làm sao tôi có thể tự tập luyện, rèn luyện bản thân, để thoát khỏi nỗi sợ hãi và cảm giác tội lỗi này?

Sợ hãi dựa vào việc bám chấp vào một cái “tôi” vững chắc. Chúng ta nghĩ rằng có một cái “tôi” vững chắc này, và muốn có sự chấp thuận về cái “tôi” vững chắc đó, và sợ bị từ chối và trừng phạt. Chúng ta có sự sợ hãi. Ta có thể có riêng một quan niệm sai lầm đó, chỉ liên quan đến cái “tôi”, hoặc có thể làm cho nó phức tạp thêm, bằng cách tin tưởng vào một nhân vật có thẩm quyền tồn tại một cách vững chắc mà cái “tôi” vững chắc này muốn làm cho nhân vật đó hài lòng, và được họ chấp thuận. Điều đó chỉ làm cho nó phức tạp hơn nữa, vì mình sợ bị nhân vật có thẩm quyền tồn tại một cách vững chắc đó bỏ rơi.

Tôi biết là nó thật sự không công bằng, theo cách mà tôi đang giải thích điều này, bởi vì mình cần phải đi sâu hơn vào việc thảo luận về tánh Không, để không phản ứng với giáo pháp thậm thâm này trong nhà Phật, bằng cách lại nghĩ rằng, “Tôi là người xấu, tôi ngu ngốc, vì không hiểu gì về nó”, hay đi đến một cực đoan khác bằng cách nói rằng, “Tôi không tồn tại”. Vậy thì hãy để tôi giải thích một chút.

Hiện Tướng Lừa Đảo

Trên cơ bản thì tâm làm cho các pháp xuất hiện theo cách không tương ứng với thực tại. Điều này tự động xảy ra. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về một giọng nói trong đầu, và tâm trí của mình làm cho nó xuất hiện như thể có người nào ở bên trong đang nói chuyện. Có vẻ như có một tác giả của giọng nói đang nói ở trong đó, và nó nói rằng, “Tôi nên làm gì bây giờ? Ồ không, điều này sẽ xảy ra.”. Nó có vẻ như vậy, và ta nghĩ rằng tác giả của giọng nói đó là “tôi”, một cái “tôi” tồn tại một cách vững chắc.

Khi nói về cái gọi là “hiện tướng lừa đảo”, thì mình đang nói về cách xuất hiện bình thường mà tất cả chúng ta đều có, như cách này. Tâm mình làm cho nó xuất hiện như thể có một người nhỏ bé, “tôi”, ở bên trong, ngồi đằng sau phòng điều khiển trong đầu mình. Tất cả những thông tin này xuất hiện trong mắt và tai, rồi cái “tôi” nhỏ bé đó nói rằng, “Ồ, tôi nên làm gì đây? Có lẽ tôi nên làm điều này, có lẽ tôi nên làm điều kia. Ồ, tôi sẽ làm điều này...”, và nhấn một cái nút, để làm cho cơ thể nói điều này hay làm điều kia.

Đó là quan niệm về một cái “tôi” vững chắc mà chúng ta tin là có thật. Nó chỉ là cách mà tâm đang làm cho các pháp xuất hiện một cách lừa đảo, và đó là cơ sở cho nỗi sợ hãi trong toàn bộ hội chứng này, về việc “Tôi nên làm điều này và tôi nên làm gì?” và “Tôi muốn làm người tốt”, và “Tôi không muốn làm người xấu”. Nhưng sự thật là không có một người nhỏ bé nào trong đầu của mình cả. Nó ở đâu? Một người mà rất lo lắng về những gì tôi nên làm, và rất sợ làm điều sai trái. Khi bám chấp rằng bản thân ta tồn tại như một cái “tôi” như vậy - và chữ “bám chấp” này không dễ hiểu – thì mình có nỗi sợ này.

Bám Chấp 

Hãy khám phá chữ “bám chấp” này. Hình ảnh luôn luôn hiện ra trong đầu tôi là một con chuột đang chết đuối trong hồ nước, và nó sẽ bám lấy bất cứ thứ gì, để bám víu vào nó, để không bị chết đuối. Khi nói về bám chấp thì có một tình huống tuyệt vọng, và mình vô cùng bất an và bối rối, nên sẽ bám chấp vào bất cứ điều gì, như con chuột đang chết đuối, để bằng cách nào đó, làm cho tình hình ổn định. Ví dụ như khi mình ở trong hoàn cảnh khó khăn với người nào thì khi họ làm bất cứ điều gì, mình đều bám chấp vào đó và nghĩ rằng, “À! Điều đó có nghĩa là bạn không thật sự yêu tôi”, hay, “Điều đó có nghĩa là bạn không hề yêu tôi.”.

Hay là mình đang có một mối quan hệ khó khăn, và người kia luôn bỏ rơi mình, và luôn luôn làm những điều lố bịch, rất tiêu cực đối với mình. Nhưng ta không muốn thừa nhận điều đó, và sợ bị bỏ rơi, nên sẽ bám chấp vào điều gì đó. Hãy cho là hai bên ăn nằm với nhau, và ngay cả khi người này chỉ sử dụng mình để thỏa mãn nhu cầu tình dục của họ, thì mình vẫn bám chấp và suy nghĩ rằng, “Việc ăn nằm với tôi cho thấy là ít nhất người này thật sự yêu tôi.”.  Và ta giữ chặt điều đó, giống như con chuột đang bị chết đuối, bởi vì nếu như buông tay thì ta sợ là mình sẽ chết đuối, sẽ bị bỏ rơi.

Cuộc đời tương tự như vậy. Nó thật là kinh khủng! Chúng ta không biết phải làm gì. Nó rắc rối. Chúng ta muốn điều gì ổn định, nên bám chấp vào những chuyện hoang đường mà mình phóng chiếu ra. Chúng ta bám chấp vào điều gì mà mình tin rằng sẽ làm cho mình cảm thấy ổn định và an toàn hơn, điều gì sẽ cho mình cảm giác về sự tồn tại vững chắc thật sự. Ví dụ như mình bám chấp vào giọng nói trong đầu và nghĩ rằng, “Đó là tôi!”. Hay mình có thể bám chấp vào bất cứ điều gì như thân thể, nghề nghiệp, xe hơi, con chó của mình, bất cứ điều gì. Đó là một quá trình rất phức tạp, và chúng ta không có thời gian để đi sâu vào nó. Tuy nhiên, cảm giác sâu sắc có mặt ở đó, dù nó là ý thức hay vô thức, rằng nếu như không nắm giữ cái gì, thì mình sẽ chết đuối.

Chúng ta có một thái độ giống như vậy đối với pháp luật; bám chấp vào những điều mình nên làm và những điều không nên làm, bởi vì mình cảm thấy, nếu như không có cấu trúc đó, và không có sự tự chủ, thì mình sẽ chết đuối. Thực tế là chúng ta có thể bơi; sự chọn lựa là chịu bơi, và mình có thể bơi. Mình không phải tóm lấy và bám víu vào bất cứ điều gì. Mình có thể đối phó với đời sống một cách rất tự phát và cởi mở. Tất nhiên là với trí tuệ, phân biệt giữa điều gì có lợi và có hại. Nhưng kiến thức về điều gì có lợi và có hại không phải là kiến thức về điều gì là quy luật cứng nhắc, được khắc trên đá.

Tư Tưởng Khái Niệm Bằng Lời Nói

Tâm thức làm việc bằng khái niệm đối với một số người, với âm thanh của từ ngữ. Được thôi. Đó là cách nó như vậy. Không phải là chuyện lớn. Nó không phải là chuyện lớn, làm rúng động trái đất. Mặc dù có vẻ như có một người nhỏ bé ở trong đó, đang nói những câu này, nhưng không có cái gì ở trong đó hết. Âm thanh của từ ngữ trong đầu của mình chỉ là cách mà tâm thức hoạt động. Nó vận hành với những tư tưởng khái niệm mà thường có âm thanh của các từ ngữ liên quan với chúng.

Chúng ta vẫn có thể quyết định, và thậm chí làm như vậy trên cơ sở của việc suy nghĩ bằng ngôn từ, nhưng không dựa trên ý tưởng về một cái “tôi” bên trong đầu mình đang nói chuyện và lo lắng, “Tôi nên làm gì đây?”, và rất sợ làm điều sai lầm. Cứ làm đi. Chỉ cần hành động trong cuộc sống với trí phân biệt, đâu là điều có lợi và có hại. Tất nhiên là mình không muốn làm điều gì có hại, nhưng phải cố gắng không thổi phồng bản thân quá nhiều, và nghĩ rằng mình hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc xảy ra. Không phải vậy. Chúng ta có thể góp phần trong một tình huống, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Chúng ta có thể sợ việc gây ra thiệt hại, nhưng lại không sợ sự thiệt hại.

Chúng ta có thể không muốn gây ra thiệt hại, và điều đó khác với việc sợ hãi nó. Đó là một chủ ý mạnh mẽ: “Tôi không muốn gây hại; tôi sẽ cố gắng không làm hại. Tôi không muốn làm hại người khác hay bản thân mình.”. Không có cái “tôi” vững chắc nào ở bên trong, đang run rẩy vì sợ hãi về điều này. Nhưng khi nhận ra điều này thì mình phải cẩn thận để không phủ nhận cái “tôi” quy ước, “Tôi ở đây, và tôi đang làm việc này, và không muốn làm việc kia”, vân vân. “Tôi không muốn đau khổ.”. Cái “tôi” quy ước chỉ tồn tại như điều mà chữ “tôi” nói đến, được quy gán trên nền tảng của sự tương tục của những sát na trong kinh nghiệm cá nhân của mình.

Nói tóm lại là tuy nó không dễ dàng, nhưng cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là chứng ngộ tánh Không. Một mặt thì không có gì phải sợ, và không có ai để sợ. Mặt khác thì phải cẩn thận để không hoàn toàn phủ nhận bản thân, như thể mình không hề tồn tại. Điều rất cần thiết là phải có một trung đạo mà không đưa mình đến cực đoan sợ hãi, hay cực đoan của ý tưởng rằng: “Tôi có làm gì thì cũng không quan trọng, vì tôi không thật sự tồn tại.”. Khi mình quá lo lắng về vấn đề “Tôi nên làm gì đây?” và “Tôi muốn làm người tốt, không muốn làm người xấu.”, khi trải qua điều này thì mình phải cố nhận ra là nó xuất phát từ quan niệm sai lầm về việc có một cái “tôi” nhỏ bé vững chắc bên trong, đang rên rỉ,”Tôi nên làm gì đây?”

Phương Pháp Giảng Dạy Của Đức Phật

Một ví dụ về phương pháp giảng dạy của Đức Phật, dựa vào sự hiểu biết này về “tôi”, là khi một người mẹ mang đứa con đã chết đến gặp Đức Phật. Bà van nài Đức Phật rằng, “Xin Đức Phật hãy làm cho đứa con của con sống lại.”. Đức Phật trả lời rằng, “Trước hết, hãy đem cho ta hột mù tạc của một gia đình mà chưa từng có cái chết xảy ra, rồi chúng ta sẽ nói về chuyện này.”. Người mẹ đến thăm hết nhà này đến nhà khác, và chẳng mấy chốc thì bà đã nhận ra rằng cái chết đã đến với tất cả mọi người, trong mọi gia đình. Nhờ vậy mà bà đã chấp nhận cái chết của đứa con của mình. Bà tự hiểu điều này. Đức Phật đã không nói rằng, “Không nên hỏi ta một câu hỏi như vậy. Đó là điều ngu xuẩn, bởi vì tất cả mọi người đều chết. Hãy nhớ đến vô thường và cái chết. Con thật là tệ khi nói điều này.”. Và Ngài đã không nói rằng, “Ồ, không sao đâu, vì đức bé đã lên thiên đàng hay cõi Phật nào đó.”. Đúng hơn thì Đức Phật đã tạo ra hoàn cảnh để người mẹ có thể tự mình thấu hiểu về cái chết của con mình.

Tương tự như vậy, khi mình tự ghép các mảnh nhỏ của đồ hình giáo pháp lại với nhau, thì nó sẽ tạo ra một ấn tượng sâu sắc hơn nhiều. Nếu như mình đến gặp thầy và hỏi rằng: “Con nên làm gì? Xin hãy cho con câu trả lời, để con không phải tự mình suy nghĩ, hay tự mình đưa ra bất kỳ quyết định nào, vì con sợ là mình sẽ quyết định sai lầm.”, thì điều đó sẽ tạo ra hiểm họa cho toàn bộ quá trình phát triển tâm linh mà mình đang tìm cầu trong đạo Phật. Thay vì vậy, như tôi đã nói, thì phải quan tâm về những điều mình làm, và chịu trách nhiệm về hành động của mình, tự mình có được sự hiểu biết. Việc chăm sóc và cẩn thận không phải là chức năng của nỗi sợ hãi. Việc cẩn thận là một chức năng của sự quan tâm về hậu quả của hành động của mình đối với bản thân và người khác. Việc chăm sóc như vậy nằm trong bản chất của lòng bi mẫn, mong được thoát khổ. Việc chăm sóc cũng là một sự khẳng định về sự tồn tại của cái “tôi” quy ước - không phải là cái “tôi” vững chắc - sẽ trải nghiệm kết quả của những điều mà mình đã chọn lựa và thực hiện.

Top