Có Một Đạo Sư Tâm Linh

Đối Phó Với Tình Huống Khó Khăn

Chúng ta đã nói về toàn bộ vấn đề này, về những gì tôi nên làm và những gì tôi không nên làm, và nỗi sợ hãi bắt nguồn từ đó, v.v... Chúng ta đã thấy rằng toàn bộ vấn đề xoay quanh quan niệm sai lầm về bản thân. Phải phân biệt rõ ràng giữa sự tồn tại quy ước, thông thường của bản thân và của mọi thứ xung quanh mình, và sự tồn tại vững chắc, điều mà thật ra không hề tồn tại. Hãy nhớ rằng, khi nói về Không tướng (tánh Không), thì chúng ta đang nói về sự vắng mặt của những cách tồn tại bất khả, không hề hiện hữu.

Nhưng các pháp thật sự tồn tại ra sao? Trong đạo Phật thì chúng ta nói rằng các pháp tồn tại theo cách mà sự sinh khởi của chúng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố - nguyên nhân, thành phần, sự định danh bằng tâm thức và khái niệm dành cho chúng, v.v... Hãy dừng lại ở mức độ mà các pháp sinh khởi, tồn tại và tùy thuộc vào nhân duyên. Từ quan điểm này thì ta có thể nói rằng sự vật không vững chắc - vững chắc theo nghĩa là sự vững chắc phát sinh chỉ từ một nguyên nhân duy nhất - nhưng đúng hơn thì tất cả các pháp đều phức tạp, nên chúng sinh khởi từ những sự tương tác rất phức tạp.

Ví dụ như khi đối mặt với tình huống thì sự việc không phải là đen và trắng: Bạn nên làm điều này và không nên làm điều kia”, nên chỉ có một cách hành xử đúng, và cách khác là sai. Trên thực tế thì bất kỳ tình huống rắc rối nào cũng rất là phức tạp, và giải pháp mà mình đưa ra sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vậy thì việc quyết định mình phải làm những gì sẽ đòi hỏi rất nhiều sự nhạy cảm và ý thức. Khi mình bắt đầu khắc phục hội chứng của việc “nên” và “không nên”, và việc tuân theo luật pháp một cách bừa bãi, thì không có nghĩa là điều mình quyết định hay điều gì mình làm là không có sao cả, bởi vì tất cả chỉ nằm trong trí tưởng tượng của mình thôi. Điều đó có nghĩa là thay vì cứng nhắc về khả năng giải quyết hoàn cảnh rắc rối của mình: “Đây là cuốn sách về luật lệ, nên hãy để tôi tìm ra quy luật và noi theo điều đó”, đó là cách phản ứng cứng nhắc, kiên cố về mặt “nên” và “không nên”, thì mình sẽ sử dụng trí phân biệt, trí tuệ và tất cả kinh nghiệm của mình, để tìm ra giải pháp thích hợp cho tình huống. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự linh hoạt. Càng cân nhắc nhiều yếu tố hơn, đối với việc cố gắng giải quyết vấn đề, thì mình càng có nhiều cơ hội giải quyết nó một cách khôn ngoan hơn. Khi không xem xét nhiều yếu tố, thì mình sẽ đưa ra một giải pháp không thật sự giải quyết vấn đề.

Vì vậy, khi nói rằng sự việc không phải là đen hay trắng, thì điều đó không phủ nhận thực tế là mình có thể có một giải pháp hữu hiệu hay không hữu hiệu cho một vấn đề. Điều này rất quan trọng để ghi nhớ. Ngoài ra, còn phải nhớ rằng mình không phải là Thượng Đế. Mình không thể giải quyết mọi vấn đề bằng cách búng ngón tay.

Tích Tập Công Đức Để Chứng Ngộ Tánh Không 

Liệu ta có thể tự mình chứng ngộ tánh Không trong một buổi hành thiền không, và làm cách nào để đạt được điều này? Hay điều đó chỉ có thể xảy ra, nếu như mình được một vị thầy giới thiệu về tánh Không?

Tông Khách Ba (Tsongkhapa) không phải là một người ngu ngốc. Ngài đã tu tập rất siêng năng, và chắc chắn đã có sự hiểu biết chính xác hơn về tánh Không, so với hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, ngài thấy rằng để có được hiểu biết đúng đắn vô niệm về tánh Không, thì phải tích tập thêm tiềm năng tích cực, thường được dịch là “công đức”. Ở giai đoạn rất muộn trên đường tu thì ngài quyết định là cần phải thực hiện 100,000 lạy 35 lần, và 100,000 lễ cúng dường mạn đà la 18 lần. Sau khi thực hiện tất cả những điều đó thì ngài đã có thể chứng ngộ được tánh Không vô niệm một cách chính xác. Tôi nghĩ đó là một giáo lý rất quan trọng. Cho dù ta đang ngồi một mình, cố gắng lãnh hội tánh Không, hay một đạo sư đến đây và nói rằng, “Alex, đây là tánh Không. Tánh Không, đây là Alex, hãy để tôi giới thiệu bạn”, nếu như mình không có tiềm năng tích cực đó, hay còn gọi là “công đức”, thì không có điều gì xảy ra cả.

Chúng ta luôn nghe nói về việc tích lũy hai bồ công đức và trí tuệ là điều cần thiết, hay tôi thích gọi chúng là “kho hàng” hay “mạng lưới” của “tiềm năng tích cực”, hay “năng lực tích cực” và “trí bát nhã”. Tôi nghĩ không cần biết mình gọi chúng là gì, thì việc tích lũy hai yếu tố này là điều vô cùng quan trọng, và là điều mà tôi biết là rất đúng, từ kinh nghiệm của riêng mình. Khi mình đang cố gắng thấu hiểu điều gì, hay hoàn thành điều gì, cho dù đó là hành thiền hay viết một cuốn sách, hay có thể là bất cứ điều gì như tìm hiểu một vấn đề, thì đôi khi, mình sẽ bị bế tắc. Chúng ta không thể đi xa hơn, vì đã đi đến chỗ bế tắc. Vấn đề bây giờ là năng lượng của mình quá yếu, để có thể đi xa hơn nữa. Chúng ta cần một số năng lượng tích cực, một số năng lực hay tiềm năng tích cực để tiến xa hơn. Đó là điều mà công đức đang đề cập đến. Không phải là mình cần phải lấy nhiều điểm hơn, như thể mình cần nhiều điểm hơn để thắng cuộc trong một trò chơi. Trong những tình huống như vậy thì mình đã bị bế tắc, và điều hữu ích là để việc mình đang làm sang một bên, và đi làm điều gì tích cực, ví dụ như giúp đỡ người khác.

Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách. Cách đơn giản nhất mà lúc nào tôi cũng sử dụng, khi không hiểu điều gì, mà tôi muốn hiểu nó và làm cho đầu óc minh mẫn rất nhanh - hãy cho là trong khi sáng tác mà tôi không thể nghĩ ra từ ngữ thích hợp, hay làm thế nào để diễn đạt điều gì rõ ràng - là tôi sẽ dừng lại và trì tụng mật chú Đức Văn Thù Sư Lợi, với pháp quán tưởng thích hợp. Tôi thấy điều đó rất hữu ích. Nếu như mình thúc đẩy bản thân - “Mình phải hiểu; mình phải hiểu!” - mà không làm điều gì như trì tụng một câu mật chú, thì xin hãy bỏ qua vì ví dụ này, nhưng nó hơi giống như khi mình bị táo bón và cố gắng rặn trong phòng vệ sinh, thì không có điều gì xảy ra cả. Nó chỉ rất là khó chịu.

Rồi thì điều rất quan trọng là thư giãn, để đầu óc sáng suốt hơn rất nhiều, và cách trì tụng mật chú này rất hữu hiệu cho việc thư giãn tâm trí. Đặc biệt là khi tôi muốn đầu óc của mình thật nhạy bén và sáng suốt, thì tôi sẽ phát khởi tác ý rất mạnh mẽ và ước nguyện để được như vậy, rồi thì mật chú sẽ càng hữu hiệu hơn. Và thậm chí nó còn hiệu quả hơn nữa, khi tôi kết hợp việc trì tụng với pháp quán tưởng, giúp cho tâm mình tập trung một cách bén nhạy. Trong tình huống đó, điều mà mình đang làm là bổ sung thêm điều gì vào trong công thức. Chúng ta đang bổ sung thêm công đức và năng lực tích cực từ việc trì tụng mật chú này, để giúp cho mình vượt qua chướng ngại tinh thần. Tôi thấy nó hữu hiệu. Nó khá hữu hiệu trong hầu hết các trường hợp. Sau đó, nếu như mình rất cởi mở, thì giải pháp sẽ xuất hiện, mà không cần phải cưỡng ép nó.

Đó là một tình huống mà mình cần có một giải pháp tức thời nào đó, như khi tôi không thể tìm được từ ngữ đúng cho bản dịch. Có một số tình huống khác mà năng lượng của mình hơi hôn trầm. Điều mà tôi thấy từ kinh nghiệm bản thân là khi đi du lịch khắp nơi giảng dạy, thì tôi sẽ xem đây là một hình thức nhập thất về bồ đề tâm, và điều đó cũng có ích. Tôi có thể xem nó như là, “Việc này làm cho tôi không có thì giờ để viết lách”, và theo ý nghĩa nào đó, sẽ thù hận thời gian mà tôi phải cách xa bàn làm việc và máy vi tính của mình. Hoặc là tôi có thể xem đó là một điều rất tích cực, sẽ giúp tôi viết lách một cách sáng suốt hơn.

Tôi chỉ sử dụng những ví dụ trong đời sống của riêng mình, nhưng cách tiếp cận có thể được áp dụng cho cuộc sống của bất cứ ai - cho dù mình đang giải quyết một hoàn cảnh nào đó ở nhà, trong gia đình, hay trong một mối quan hệ nào đó, và mình có chướng ngại nào đó. Nếu như mình ra ngoài làm một việc thiện nguyện tích cực nào đó trong bệnh viện, hay đại loại như vậy, bất kể là việc gì, mà có thể phù hợp với hoàn cảnh của mình, thì nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn về việc tích tập công đức.

Cách tiếp cận này để tích lũy bồ công đức không chỉ giới hạn trong thời điểm mà mình gặp chướng ngại về tinh thần. Chẳng hạn như bài viết của tôi rất suông sẻ, trước khi tôi đi xa cho chuyến diễn thuyết này. Không có chướng ngại gì cả. Nhưng tôi muốn nó tốt hơn nữa, theo ý nghĩa là tôi muốn có nhiều năng lượng hơn nữa. Tôi không nghĩ rằng ngài Tông Khách Ba đã có chướng ngại, và không thể hiểu bất cứ điều gì. Đúng hơn thì tôi nghĩ rằng ngài đã thấy rằng để thật sự trải nghiệm điều gì lỗi lạc, để có được nhận thức đúng đắn vô niệm về tánh Không, thì ngài sẽ cần nhiều công đức hơn nữa.

Việc tích tập công đức không nhất thiết đòi hỏi một khóa nhập thất về bồ đề tâm, khi mà mình đi xa như tôi đã làm, và gát việc viết lách sang một bên, khi phải đi hoằng Pháp. Chúng ta có thể kết hợp cả hai lại với nhau, hành thiền và giúp đỡ người khác. Nó không có nghĩa là mình phải ngưng việc thiền quán về tánh Không, vì gặp chướng ngại, mà phải bổ sung thêm một số năng lượng tích cực. Chúng ta có thể làm điều đó giữa hai thời thiền. Tôi nghĩ diều này thật rất là quan trọng. Nếu chỉ ngồi thiền thì không đủ, thật sự là không đủ. Mình cũng phải thật sự năng động, tích tâp thêm nhiều công đức hơn nữa, và làm việc để giúp đỡ người khác.

Tầm Quan Trọng Của Việc Có Một Vị Thầy

Video: Geshe Lhakdor — “Học Phật: Bắt Đầu Từ Đâu”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Điều đó đưa đến toàn bộ đề tài về đạo sư. Đâu là vai trò của vị thầy trong quá trình này? Tất nhiên, chúng ta có ví dụ về Độc Giác Phật (pratyekabuddhas), “những bậc tự chứng ngộ”. Chúng ta không được quên các Độc Giác Phật. Đường tu của các ngài là một đường tu mà Đức Phật đã giảng dạy. Các ngài có mặt ở đó, trên cây quy y. Độc giác Phật là những hành giả sống trong thời kỳ đen tối, khi không có chư Phật ở xung quanh, và không có đạo sư nào cả. Để hành thiền và tiến triển trên đường tu thì họ phải hoàn toàn dựa vào bản năng của mình, về mặt giáo pháp, điều mà họ đã tích tập trong những kiếp trước, khi đã gặp gỡ giáo pháp của chư Phật.

Độc giác Phật rất can đảm, nếu như mình nghĩ về điều đó. Các ngài cố gắng thực hành giáo pháp sinh khởi trong tâm thức theo bản năng, trong khi người khác thì một là không quan tâm đến việc phát triển tâm linh, hai là hoàn toàn thù địch. Và các ngài không có ai để bàn bạc, hay nương tựa vào, khi có nghi ngờ gì về bản thân. Các ngài thật sự đáng kính. Không nên nghĩ rằng, “Ồ, họ là những người ích kỷ kinh khủng, chỉ sống một mình trong hang động.”. Nhưng thời nay, khi có chư Phật và các đạo sư ở xung quanh, thì câu hỏi là, “Liệu mình có cần dựa vào các ngài hay không, và ý nghĩa thật sự của việc nương tựa là gì?” Tôi nghĩ rằng đề tài về đạo sư là một điều rất khó hiểu.

Có rất nhiều điều mình có thể nói về mối quan hệ thầy trò, từ nhiều quan điểm khác nhau, và không cần thiết phải nói về tất cả những điểm này trong dịp này. Tôi nghĩ ở một mức độ rất thực tiễn, thì một trong những điều rất quan trọng về đạo sư, trong bối cảnh vị thầy hội đủ trình độ, không chỉ là một người thích đùa giỡn và cho rằng họ là thầy, là làm cho giáo huấn có nhân tính, vì “chân thật” là một chữ hơi quá tải. Đạo sư sẽ làm cho giáo huấn có nhân tính. Nếu như không có thầy, và chỉ học hỏi từ sách vở, thì hình ảnh hay ý tưởng mà mình có về ý nghĩa của việc lãnh hội những giáo huấn này, và đưa chúng vào đời sống sẽ là điều hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Nói cách khác là mình không có một tấm gương sống động về ý nghĩa của việc không chỉ thấu hiểu giáo pháp, mà còn áp dụng chúng trong đời sống nữa. Việc nhìn một tấm gương sống động là điều sẽ tạo cho mình cảm hứng nhiều nhất, để cố gắng hiểu và thấm nhuần giáo pháp trong nội tâm.

Có hai yếu tố liên quan đến việc học hỏi giáo pháp. Một là có một sự hiểu biết kỹ thuật chính xác về một giáo lý cụ thể, như tánh Không. Đó là một việc, hai là vị thầy có thể trả lời những thắc mắc mà một cuốn sách không thể làm được. Nhưng ngoài việc có sự chính xác về mặt kỹ thuật trong cách lãnh hội, thì vị thầy còn cho mình một tấm gương sống động về việc áp dụng sự hiểu biết đó vào trong cuộc sống. Tôi nghĩ điều này thật sự rất là quan trọng.

Khi nhìn vào một người như Đức Dalai Lama, và chắc chắn mình có thể nói rằng Ngài có một sự hiểu biết rất cao về tánh Không, và chứng ngộ bồ đề tâm. Từ bất kỳ quan điểm nào thì chúng ta sẽ phải đồng ý về điều đó. Nếu như dùng một bảng chấm điểm để thử kiểm tra xem, “Có phải Ngài đang ở bồ tát địa này hay bồ tát địa kia?” thì đó là việc rất trẻ con. Ai mà cần biết? Nhưng chúng ta có thể thấy từ cách mà Ngài hành động, rằng sự lãnh hội giáo pháp không có nghĩa là trở thành một người sống lâng lâng, đầu óc ở trên mây, không thể sinh hoạt trong đời sống. Nó rất rõ ràng, từ ví dụ về Đức Dalai Lama, rằng điều này có ý nghĩa gì, khi một người có sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng bi. Đây chắc chắn là một khía cạnh rất quan trọng, khi nói về việc được giới thiệu về giáo pháp, hay cụ thể là về tánh Không.

Được Giới Thiệu Về Pháp

Có nhiều mức độ để được giới thiệu về giáo pháp. Một mức độ là vị thầy tạo ra hoàn cảnh, khiến cho mình xúc động, để mình bị sửng sốt, và có một sự chứng ngộ. Đó là phong cách của Zen mà một số vị thầy Tây Tạng đã sử dụng, nhưng không nhiều. Geshe Wangyal, một đạo sư Kalmyk Mongol ở Mỹ, đã sử dụng phương pháp này một cách rất thiện xảo. Thầy đã viên tịch nhiều năm trước, nhưng đã từng bảo các đệ tử phải xây dựng những thứ như một ngôi nhà và một ngôi đền cho thầy, và cho chính họ. Một lần nọ, một trong những đệ tử đang làm việc rất chăm chỉ để xây một ngôi nhà cho Bakshi - đó là cái tên mà các đệ tử gọi thầy, tức là “thầy” trong tiếng Mông Cổ - và đang làm việc trên nóc nhà. Một ngày nọ, Bakshi đã leo lên nóc nhà, đi đến chỗ anh ta và nói, “Con đang làm gì vậy?! Con làm sai hết rồi! Con làm hỏng tất cả mọi thứ rồi! Hãy ra khỏi chỗ này đi!!”. Và người đệ tử nói, “Thầy có ý gì khi nói là con làm sai?! Con đang làm theo đúng như cách mà Thầy bảo con làm, và con đã làm như vậy trong bao nhiêu tháng nay rồi!”. Ngay lập tức, Geshe Wangyal đã trả lời rằng, “À há! Đó là cái “tôi” phải được phủ nhận.”.

Vị thầy có thể thiết lập một tình huống như vậy, để giới thiệu tánh Không cho chúng ta, nghĩa là tạo ra một hoàn cảnh mà mình có thể thấy bằng cảm xúc, và có được tuệ giác. Tuy nhiên, nó đòi hỏi kỹ năng tuyệt vời, để có thể làm tốt điều đó. Vậy thì có mức độ này, khi mình được giới thiệu về một số điểm trong giáo pháp. Một cuốn sách không thể làm điều đó.

Cách thứ hai được giới thiệu là được ban cho một lời giải thích rất rõ ràng. Một cuốn sách có thể làm điều đó. Lời giảng giải rất rõ ràng của một vị thầy có thể được viết xuống trong một cuốn sách. Tuy nhiên, cho dù điều gì có rõ ràng đến mức nào đi nữa mà nếu như mình gặp chướng ngại về mặt tinh thần, thì sẽ không thể hiểu được nó. Thế là có một phương pháp khác: vị thầy sẽ để cho mình tự tìm hiểu đồ hình giáo pháp, bằng cách cho ta từng mảnh một, thay vì cho mình ăn giáo pháp như đút cho một đứa bé ăn.

Một phương pháp khác được giới thiệu là thông qua ví dụ về việc nhìn thấy một vị thầy thấu hiểu nó. Trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả khi đọc lời giải thích rõ ràng trong một cuốn sách, thì người nào đã phải viết cuốn sách này. Vậy thì một vị thầy cũng đã phải có mặt ở đó, cho dù mình có gặp vị thầy đó hay không. Theo một nghĩa nào đó thì mình có gặp gỡ vị thầy, ngay cả khi người đó đã viên tịch từ lâu, bởi vì ta đã gặp gỡ giáo huấn của vị thầy, bằng cách đọc sách. Trừ khi mình là một vị Độc Giác Phật, ngoài ra thì mình không phải phát minh ra Pháp luân một lần nữa; ta không phải tự mình nghĩ ra cách hiểu biết này. Nó xuất phát từ người nào đó, vị thầy nào đó. Và, nếu như mình nghĩ về nó, thì ngay cả bản năng về những giáo lý mà chư Độc Giác Phật có được, cũng đã được gieo trồng bằng cách lắng nghe chúng từ một vị thầy trong những kiếp trước.

Một vị thầy rất quan trọng về khía cạnh này. Đúng ra thì mình cần một sự tập họp tất cả những điều này trong vị thầy. Chúng ta cần một vị thầy có thể ban cho mình giáo pháp chính xác và rõ ràng, và là một tấm gương sống động về những gì mình đang cố gắng học hỏi, là người có thể truyền cảm hứng cho mình. Chúng ta cũng cần một vị thầy có thể giúp cho mình đạt được tuệ giác, là người sẽ cho mình một mảnh của đồ hình giáo pháp vào mỗi một thời điểm, theo đúng cách.

Mối Quan Hệ Riêng Tư Khách Quan 

Có nhiều điều mà ta có thể nói về mối quan hệ giữa thầy trò, nhưng một vấn đề luôn xảy ra với người Tây phương là chúng ta muốn thầy quan tâm cho riêng mình. Chúng ta có một ý thức rất mạnh mẽ về quyền lợi cá nhân. Mọi người đều nghĩ, “Tôi là người đặc biệt, và nên được chú ý một cách đặc biệt.”. Tất nhiên, theo kiểu cách thì mình sẽ đi gặp một nhà tâm lý học, hay một người nào như vậy để trả tiền, và được điều trị riêng. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng có mặt trong bối cảnh đạo Phật. Nó rất hài hước. Chúng ta đang tìm kiếm “vị thầy của mình, người sẽ đối xử với tôi một cách đặc biệt”, và bằng cách nào đó thì mình có một hình ảnh kiểu Hollywood, về việc mối quan hệ đó sẽ ra sao. Chúng ta không muốn giống như Milarepa và Marpa, nghĩa là không muốn có một vị thầy bắt mình phải làm việc quá nặng nhọc.

Tôi sẽ nêu một ví dụ về Serkong Rinpoche và bản thân mình. Tôi có đã có được đặc ân vô cùng tuyệt vời, khi được sống gần Thầy và phụng sự Thầy trong khoảng chín năm, với tư cách là thông dịch viên, thơ ký tiếng Anh, người quản lý các chuyến hoằng pháp ở nước ngoài của ngài, v.v..., và như một đệ tử. Tôi đã có mối quan hệ như vậy với Thầy, cho đến khi Thầy viên tịch vào năm 1983. Tuy nhiên, phải nói rằng toàn bộ mối quan hệ này là một “mối quan hệ riêng tư khách quan”. Thầy chẳng bao giờ hỏi tôi một câu về đời sống cá nhân của tôi, không bao giờ. Thầy chẳng bao giờ hỏi thăm về gia đình tôi, hay bất cứ điều gì như vậy. Và tôi chưa bao giờ cảm thấy cần phải nói với Thầy bất cứ điều gì về đời sống cá nhân của mình, nhưng lúc nào chúng tôi cũng có một mối quan hệ rất mật thiết, về mặt đối phó với thời điểm hiện tại.

Thế là chúng tôi đã làm việc với nhau, nhưng theo một cách rất đặc biệt. Đó là điều mà tôi gọi là “riêng tư một cách khách quan”, theo nghĩa là nó không phải là hai bản ngã lớn nói rằng, “Hãy hợp tác với nhau - tôibạn.”. Nó không phải là quan hệ cá nhân theo kiểu hãy-chia sẻ-bàn chải đánh răng, khi mà tôi nói với bạn tất cả mọi việc về bản thân mình, và bạn kể cho tôi nghe mọi điều về bạn. Đó là kiểu giống như khoe đồ lót bẩn của mình cho người nào xem. Theo khía cạnh đó thì mối quan hệ của chúng tôi rất là khách quan, nhưng cũng có tính cách riêng tư, theo nghĩa là Thầy hiểu tánh nết và nhân cách của tôi, và chúng tôi đã làm việc với nhau trên cơ sở tôn trọng điều đó. Tôi hiểu tuổi tác, cũng như nhu cầu và yêu cầu của Thầy, và theo khía cạnh này thì nó là riêng tư, nhưng lại khách quan.

Tôi nghĩ một trong những nền tảng lớn cho sự thành công của mối quan hệ này là có một sự tôn trọng lớn lao từ hai phía, và cả hai bên đều làm việc với nhau như người lớn trưởng thành. Là một người lớn, tôi đã không đến với Thầy theo cách trẻ con muốn được chấp thuận, hay muốn Thầy chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc trong đời của tôi, trao quyền kiểm soát cho Thầy. Nhưng không có nghĩa là tôi đã đi sang một thái cực khác, đó là: “Con muốn tự chủ, và Thầy không thể bảo con phải làm gì.”. Tôi đã hỏi ý kiến Thầy về những lựa chọn khó khăn trong đời sống, nhưng đã đưa ra quyết định cho riêng mình, mặc dù tôi đã hỏi ý kiến của Thầy. Giống như thay vì là một đứa trẻ và hỏi Thầy, “Con nên làm gì đây?”, điều này lại quay trở về vấn đề “nên”, thì tôi sẽ hỏi là nếu như con làm điều này hay điều kia thì việc nào sẽ có ích hơn.

Ví dụ như khi chuyến hoằng pháp trên thế giới lần thứ hai của chúng tôi kết thúc, thì tôi đã hỏi Thầy rằng, “Liệu tôi nên ở lại Mỹ và sống với gia đình, hay tốt hơn là nên quay trở lại Ấn Độ với Thầy, và tham dự Đại Lễ Cầu Nguyện Monlam đầu tiên mà Đức Dalai Lama sẽ tổ chức ở miền Nam Ấn Độ? Việc nào sẽ có lợi hơn?”. Tôi sẽ hỏi Thầy loại câu hỏi đó, nếu như tôi không thể tự mình quyết định. Rinpoche khuyên tôi nên dự Đại Lễ Cầu Nguyện, vì đó là một sự kiện lịch sử rất có ý nghĩa, và tôi đã làm theo lời khuyên của ngài. Nhưng Thầy đã không ra lệnh cho tôi, rồi tôi phải đưa tay chào và nói rằng, “Vâng, thưa ngài!”. Tôi đã không xin Thầy ra lệnh cho mình. Thầy sẽ trình bày hoàn cảnh rõ ràng hơn một chút, và theo viễn cảnh rộng lớn hơn, để tôi có thể quyết định bằng trí tuệ của mình. Trong những tình huống khác thì khi tôi có ý riêng về việc tốt nhất là nên làm gì, nhưng vẫn sẽ hỏi Thầy có thấy là tôi sẽ gặp những vấn đề gì hay không, nếu như tôi sẽ làm việc này.

Tôi nghĩ điều này rất quan trọng trong mối quan hệ với một vị thầy. Nếu như mình có kỳ vọng là mối quan hệ sẽ trở nên rất cá nhân và riêng tư, thì theo một nghĩa nào đó, ta đã tạo ra cho bản thân một tầm quan trọng nhiều hơn mức độ mà mình xứng đáng để có được. Chúng ta đang tạo cho mình tầm quan trọng lớn lao về bản thân, nếu như mình đòi hỏi thầy quan tâm đến cá nhân mình. Hơn nữa, nếu như mình đòi hỏi điều đó, thì sẽ dễ rơi vào cái bẫy tự xem mình như đứa bé, và vị thầy là cha mẹ của mình, hay mình là một thiếu niên, và đạo sư là ngôi sao nhạc pop. Một số ảo tưởng lãng mạn cũng có thể xảy ra.

Phép Ẩn Dụ Về Con Ong Và Bông Hoa

Cách tiếp cận mối quan hệ riêng tư với một vị thầy một cách khách quan thì thật là không dễ dàng. Và tầm quan trọng của việc làm như vậy không chỉ giới hạn trong mối quan hệ của mình với thầy. Nếu như cách tiếp cận này có đặc điểm của mối quan hệ của mình đối với tất cả mọi người, thì nó sẽ hữu ích. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng điều hữu ích nhất trong mối quan hệ của mình đối với người khác là giống như con ong bay từ bông hoa này sang bông hoa khác, chỉ hút mật hoa, mà không bị dính mắc với bông hoa nào.

Một lần nữa, tôi lại nhìn vào gương của Serkong Rinpoche. Thầy không có người bạn thân nào cả. Đúng hơn thì bất cứ người nào mà Thầy ở gần trong hiện tại là bạn thân của Thầy. Cách xử sự như vậy là công năng của sự cởi mở này mà chúng ta đã nói đến trong buổi nói chuyện đầu tiên, đó là việc đối xử với mọi người như thể họ là bạn thân của mình. Khi ở gần ai theo cách này thì ta sẽ hoàn toàn mở lòng ra với họ. Chúng ta hoàn toàn thân mật với họ, theo nghĩa là giao hảo thật lòng với nhau. Nhưng không cần thiết là tôi phải cho bạn xem đồ lót bẩn của tôi, và bạn phải cho tôi xem đồ lót bẩn của bạn. Không cần thiết phải đi sâu vào tất cả những chi tiết cá nhân này, theo nghĩa là mình muốn người nào vỗ đầu mình.

Nếu như đi sâu vào tất cả những chi tiết đó, thì giống như ta đang đẩy những rắc rối của mình qua người khác, để họ cũng bị vướng vào đó. Tất cả chúng ta đều có những rắc rối riêng tư nhỏ nhặt mà mình phải đương đầu trong cuộc sống, nhưng điều đó không nên trở thành gánh nặng cho người khác và mối quan hệ giữa mình với họ. Ta có thể liên hệ với người này một cách cởi mở hoàn toàn; và họ giống như người bạn tốt nhất của mình. Chúng ta có thể thật sự tiếp xúc với trái tim của người đó, mà không bị vướng mắc, để mình có thể cởi mở như thế này với mọi người, giống như con ong bay từ bông hoa này sang bông hoa khác, liên hệ với họ một cách mật thiết từ đáy lòng, mà không vướng mắc.

Đó là loại quan hệ mà mình cũng sẽ có với vị thầy. Khi ở gần thầy thì có một sự cởi mở trực tiếp trong sự giao tiếp, nhưng sau khi mình đi ra thì người kế tiếp sẽ đi vào. Nếu như mình có thái độ “tôi muốn có thầy!”, thì ta sẽ rất là ganh tỵ và muốn nắm quyền sở hữu, và đó là một cực hình: “Có một nhóm thân hữu xung quanh thầy, và tôi không thuộc về nhóm người này” và ... ôi, đau khổ như vậy đó! Nhưng tất cả chúng ta đều phải tự giặt đồ lót bẩn của mình. Chúng ta phải đối phó với rắc rối của mình. Không cần phải trông mong là thầy sẽ đối phó với điều đó.

Tránh Cực Đoan Làm Mất Nhân Cách Của Người Khác

Khi mình đang xử lý hay liên hệ với người nào theo cách này, theo cách cá nhân khách quan này, dù là đối với thầy hay bạn, thì có hai mức độ: mức độ sâu sắc nhất và mức độ quy ước, tương đối. Ở mức độ sâu sắc nhất thì tất cả mọi người đều bình đẳng và không có ai đặc biệt, nên điều này dẫn đến khía cạnh khách quan của bất kỳ mối quan hệ nào. Tuy nhiên, ở mức độ quy ước thì mọi người là những cá thể, nên điều này dẫn đến khía cạnh cá nhân.

Điều rất quan trọng là không đi đến cực đoan chỉ liên hệ với người nào ở mức độ sâu sắc nhất. Phải cố không bao giờ quên đi việc vẫn xem người đó là một cá nhân. Nói cách khác là nếu như tôi liên hệ với bạn theo một cách quá khách quan, thì theo một nghĩa nào đó, tôi không có liên hệ gì cả, ngay cả khi chúng ta thật lòng với nhau. Phải tránh cảm giác, “Bạn là dòng tâm thức số 14762 và người này là dòng tâm thức số 14763, và tôi có thể cởi mở và thân mật một cách bình đẳng với bất cứ dòng tâm thức nào của bất kỳ con số theo thứ tự nào. Đó là một sai lầm. Điều đó sẽ đưa điểm này trong giáo pháp về việc “tất cả chúng sinh”, đến cực đoan làm mất nhân cách của mọi người. Phải luôn nhớ rằng người khác, từ phía họ, đang nhìn bản thân họ theo một cách rất riêng tư, và mình phải làm việc với điều đó.

Hãy cho một ví dụ khi mẹ tôi qua đời năm ngoái. Lúc đầu, khi bà qua đời thì tôi đã tụng kinh cầu nguyện và thực hành nhiều pháp tu khác nhau cho bà, nhưng theo một cách khác quan, xem bà như dòng tâm thức số mấy đó. Để tránh nỗi đau của lòng quyến luyến thì tôi nhìn bà không chỉ như là mẹ của mình, mà như một người nào đó, tiếp tục đi từ nhiều kiếp trước đến nhiều kiếp sau, giống như tất cả những chúng sinh khác. Rốt cuộc thì đạo Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều đã là mẹ của mình, nên cách tôi liên hệ bà trong cõi trung ấm (bardo) thì khá trừu tượng.

Rồi sau khi bàn bạc về kinh nghiệm của tôi với một người bạn thân, thì tôi hiểu rằng việc xem xét tình huống theo quan điểm của mẹ tôi trong trung ấm sẽ hữu ích hơn nhiều, so với quan điểm của tôi, với tư cách là một hành giả đạo Phật, có một vài sự hiểu biết về kiếp quá khứ và hiện tại, về bản thể không vững chắc, v.v... Từ quan điểm của mẹ tôi trong cõi trung ấm thì bà vẫn bám víu vào thân phận cũ là Rose Berzin, và vẫn xem tôi như con trai của bà.

Ngay lập tức, tôi đã thay đổi pháp tu mà tôi đang thực hiện để cố giúp đỡ cho bà trong thời kỳ trung ấm đó, và đã nói chuyện trực tiếp với bà. Lúc đó, tôi đang đi dạy ở Chile, rồi tới Tahiti, nên tôi đã mời bà tham dự mỗi một buổi thuyết Pháp, và có mặt với tôi. Tôi cũng tụng những bài cầu nguyện và những điều mà bà thích, và cảm thấy thoải mái. Nói cách khác là tôi đang cố gắng cảm nhận nỗi sợ hãi mà bà có thể đang trải qua, và cố trấn tĩnh bà bằng điều gì phù hợp với bà.

Chẳng hạn như mẹ tôi thích tụng mật chú của đạo Phật. Nó giúp cho bà cảm thấy rất bình tĩnh. Và tuy đó không phải là điều mà tôi thấy hữu ích cho bản thân mình, nếu như tôi ở trong trung ấm, nhưng tôi bắt đầu tụng theo cách mà tôi biết là bà sẽ thấy rất êm dịu. Và tôi cảm thấy mình đang kết nối với bà, khi làm điều đó. Tôi đã điều chỉnh những gì tôi đang làm cho mẹ tôi. Tôi đã xem trọng kinh nghiệm của bà về thực tại, ở mức độ tương đối. Đó là điểm chánh. Nếu như mẹ tôi đã từng xem cách trì tụng bài cầu nguyện của đạo Cơ Đốc hay đạo Do Thái, hay đạo nào khác là an lành, thì tôi cũng sẽ làm điều đó. Nhưng mẹ tôi lại thích nghe người ta tụng mật chú rất chậm rãi. Như đã nói, tôi cảm thấy một sự thay đổi rất lớn, khi bắt đầu làm điều đó.

Trước đó, khi tôi chỉ làm người trừu tượng và chỉ cầu nguyện theo kiểu “Nguyện cho mẹ được hạnh phúc, và chúng ta có thể liên hệ với nhau mọi kiếp, và mẹ luôn luôn có được kiếp người quý báu, và con có thể đưa mẹ đến giác ngộ trong mọi kiếp sống”, và tất cả những lời cầu nguyện trừu tượng và tư tưởng tốt đẹp ấy, nhưng tôi không thật sự kết nối với bà như một cá nhân. Nhưng theo cách kia thì tôi thấy hiệu quả hơn nhiều. Tôi cảm thấy nó thật sự có tác dụng để làm lợi lạc cho bà, mặc dù dĩ nhiên là tôi vẫn giữ lời cầu nguyện tổng quát hơn. Nói tóm lại là khi mình liên hệ với ai theo cách cá nhân khách quan như tôi đã mô tả, thì không có nghĩa là mình phủ nhận thực tế rằng mình có liên hệ với người đó như một cá nhân, và tôn trọng kinh nghiệm cá nhân của họ, về việc họ là ai.

Nói một cách cụ thể hơn là: “Tôi hoàn toàn cởi mở với bạn và rất thân mật, nhưng không có tâm bám víu, không nói về khó khăn của cá nhân tôi, và khó khăn của bạn. Nhưng trong bối cảnh chung đó thì tôi nhạy cảm với cá tính của bạn, và quan điểm của bạn về bản thân bạn, để có thể liên hệ với bạn theo cách mà mình có thể giao tiếp với nhau.”. Rồi thì điều này đi đến toàn bộ chủ đề về việc sử dụng ngũ trí để liên hệ với người đó, nhưng hãy để dành điều này cho một thời điểm khác.

Tôi đã nêu ra tất cả những điều này vì nhiều lý do, nhưng đặc biệt là vì một khó khăn lớn mà chúng ta gặp phải trong pháp tu Phật giáo Đại thừa, khi hành thiền về bồ đề tâm, lòng bi và tất cả các bài thiền ở mức độ “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc”, trong khi mình đang nghĩ về tất cả chúng sinh một cách trừu tượng. Việc dịch chữ “tất cả chúng sinh” một cách khéo léo thành một bối cảnh cá nhân của người đang trực tiếp ở trước mặt mình, đó là bạn này, hay bạn kia, là điều rất khó khăn. Nếu như chúng ta chỉ hành trì ở mức độ của “tất cả chúng sinh”, thì đôi khi, mình có thể sử dụng nó như một cái cớ, để không có sự liên hệ cá nhân với bất cứ người nào.

Hiện tại, theo ý nghĩa nào đó thì nếu như sự giao tiếp riêng tư có nghĩa là bám víu và tất cả những rác rến đi cùng với nó, thì phải có một phương pháp nào để tránh vấn đề đó. Nhưng một khi đã giải quyết ít nhất là tham ái và sân hận, và tất cả những điều khác ở mức thô thiển, mà không phải là một thành tựu dễ dàng, thì mình phải có sự giao tiếp cá nhân, nhưng việc giao tiếp đó cá nhân theo một cách khách quan, nói cách khác là cá nhân mà không bám víu.

Tất cả những điều mà chúng ta đã thảo luận về mối quan hệ với đạo sư cho đến nay không phụ thuộc về vấn đề mình có nên xem thầy như Phật hay không. Ngay cả khi mình không xem thầy là Phật, thì những gì tôi đã mô tả là cần thiết, để có bất cứ mối quan hệ nào có ý nghĩa và thành công với vị thầy này. Chắc chắn là trong bối cảnh xem thầy là Phật thì mình vẫn phải tiếp cận mối quan hệ đó như một người lớn, và xem thầy như một người lớn, không phải là cha tôi, không phải là một ngôi sao nhạc pop, và không phải là tất cả những điều kỳ lạ mà mình có khuynh hướng phóng chiếu vào thầy, như là người nên có mối quan hệ đặc biệt này với mình, bởi vì tôi quá đặc biệt.

Sợ Hãi Về Mối Quan Hệ Sâu Sắc Với Thầy

Tôi cố xem mình như một người vô danh trong một nhóm đệ tử đông đảo, và có rất nhiều đạo sư. Đúng hơn là tôi sẽ nói mình có nhiều thầy, hơn là ở trong một mối quan hệ một-đối-một với bất cứ vị thầy nào.

Có thể có một số vấn đề ở đây. Một trong những vấn đề có thể là sợ phải cam kết và thân mật, mà chúng ta có thể nghĩ rằng: “Tôi không thật sự muốn mở lòng với một vị thầy, vì như vậy thì tôi sẽ mất quyền tự chủ.”. Rõ ràng là để có thể để khắc phục nỗi sợ này thì cần phải có một sự hiểu biết về tánh Không. Không có gì phải sợ hãi, khi bạn mở lòng với thầy, bởi vì khi mình cởi mở thì không phải là có một cái “tôi” đáng thương, không thể tự bảo vệ, sẽ bị tổn thương. Hay là “tôi sẽ bị bỏ rơi và phụ lòng”. Cũng không phải là nếu như tôi mở lòng thì không có gì ở đó hết, rồi thì tôi sẽ bị lạc lõng, và sự việc hoàn toàn hỗn loạn. Việc cởi mở với một vị thầy đòi hỏi một sự tinh tế về sự hiểu biết cách mình tồn tại. Để mối quan hệ với một vị thầy thành công thì đó phải là một mối quan hệ trưởng thành, với ý thức vững chắc về cái “tôi” quy ước, có thể phân biệt giữa điều có lợi và có hại, giữa điều đúng đắn và không đúng đắn. Nếu không thì một mối quan hệ non nớt có thể trở thành thảm họa.

Phát Triển Mối Quan Hệ Với Thầy Một Cách Chậm Rãi

Trước khi quy y với một vị thầy nào đó thì phải tìm hiểu ông ấy hay bà ấy đàng hoàng, nhưng hiện giờ, với một tâm thức bất tịnh thì làm sao tôi có thể tìm hiểu một vị thầy một cách đúng đắn? Và làm sao tôi có thể phối kiểm xem vị thầy đó có phải là Phật hay không?

Khi nói rằng để giúp cho mối quan hệ với một vị thầy thật sự tốt đẹp, thì mình phải có thái độ trưởng thành, điều đó không có nghĩa là mình sẽ không nương tựa vào thầy, trong khi vẫn còn non nớt. Nó không có nghĩa là phải đợi cho đến khi mình thật sự trưởng thành thì mới có thể liên hệ với một vị thầy. Nếu như sự tình là như vậy, thì có thể mình phải chờ một thời gian rất dài. Một vị thầy thiện xảo có thể giúp ta trưởng thành hơn. Mặt khác thì một vị thầy không thiện xảo có thể lợi dụng và lạm dụng sự non nớt của mình. Vì vậy, khi tiếp cận một người có tiềm năng làm thầy của mình, thì phải thừa nhận là mình không biết người này thật sự có hội đủ trình độ hay không. Phải tiến hành việc tìm hiểu một cách rất chậm rãi và cẩn thận.

Mối quan hệ với thầy là điều thường phải được phát triển một cách chậm rãi, theo thời gian và trải qua một số giai đoạn. Ngay cả việc xem thầy như Phật là điều không bao giờ xảy ra ở những giai đoạn đầu, cũng trải qua một số giai đoạn phát triển. Hiện nay thì tôi không muốn nói nhiều chi tiết về chủ đề này, bởi vì sẽ mất khá nhiều thời gian để trình bày nó. Nhưng mối quan hệ theo cách xem thầy là Phật thật ra chỉ thích hợp, khi mình đã ở trong các giai đoạn rất cao cấp của bộ Mật tông cao nhất, Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga).

Trong Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (Lam-rim chen-mo), ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) nói rằng mối quan hệ đúng đắn với đạo sư là cội nguồn của đường tu, và ngài đã phác thảo mối quan hệ đó về mặt xem thầy như Phật. Nhưng phải hiểu bối cảnh mà ngài đã viết điều này, và tại sao ngài lại nói như vậy. Rõ ràng là Tông Khách Ba đã viết và trình bày điểm này cho chư tăng tu tập Mật tông. Chúng ta có thể suy luận ra điều đó, bởi vì quy y theo sau điều này, trong tác phẩm về đường tu giác ngộ của ngài. Làm sao mình có thể có một mối quan hệ với một vị thầy, xem thầy như Phật, nếu như mình chưa quy y, và không biết Phật là gì? Rõ ràng là chỉ giáo xem đạo sư như Phật dành cho những người đã quy y, và đã hành trì Mật tông. Đó là vì tất cả các trích dẫn mà Tông Khách Ba đã sử dụng để ủng hộ cho tri kiến xem thầy như Phật xuất phát từ Mật điển. Nên rõ ràng là điều này chủ yếu là một đề tài Mật tông. Rồi thì nó nêu ra dấu hiệu cho thấy đối với những người trong chúng ta mà không phải là chư tăng ni đã hành trì pháp tu Mật tông cao nhất, thì không thể xem thường những điều này, chẳng hạn như quy y. Chúng ta phải bắt đầu ở giai đoạn sớm hơn.

Khi mới bắt đầu tu học với một vị thầy, đặc biệt là một người thầy Tây phương, thì việc “Liệu vị này có phải là Phật hay không?” hoàn toàn không phải là vấn đề, mà trước hết, mình phải xem đây có phải là một người thầy giỏi hay không. Họ có thể giải thích rõ ràng hay không? Họ giải thích điều gì? Liệu những gì họ giải thích có phù hợp với sách vở cổ điển hay không? Liệu nó có phù hợp với đời sống của mình hay không? Giống như cách mình sẽ tìm hiểu bất cứ loại thầy nào, ví dụ như, hãy cho là, nếu như mình sẽ học một ngôn ngữ, thì họ có thể dạy mình một cách hữu hiệu hay không?

Chúng ta cũng có cảm giác chung mà mình cảm nhận, khi ở gần người này. Chúng ta có thể nhạy cảm với mối quan hệ nào, bằng cảm giác mà mình cảm nhận, khi ở gần họ. Đây có phải là người truyền cảm hứng cho mình, hay là người chỉ làm cho mình thấy kiệt sức? Đây có phải là người thật sự giao tiếp với mình, hay là người mà mình không thể liên hệ? Ta có thể cảm nhận được điều này. Nó không đòi hỏi khả năng thấu thị, hay thậm chí một mức độ trưởng thành cao cấp.

Sau đó, hãy bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn một chút về những điều như đạo đức của người này: họ có phải là người đạo đức hay không? Họ có phải là người nổi giận dễ dàng và thường xuyên, hay rất thích sở hữu các đệ tử, và cố gắng kiểm soát cuộc sống của họ? Rồi thì mình có thể hỏi thăm người khác, để hiểu cách mà vị thầy này hành xử với các đệ tử khác. Đây là một số cách để tìm hiểu một đạo sư, thậm chí chỉ để quyết định là mình có muốn tu học với họ hay không.

Sau đó, liệu mình có sẵn sàng thiết lập mối quan hệ với người này hay không, mà trong đó, mình sẽ xem họ như Phật, là một điều rất khác biệt và tiên tiến, và không thật sự phù hợp ở mức độ khởi đầu. Nếu như mình là người đã quy y, và đã trải qua các giai đoạn cơ bản của đường tu, và đã tu tập bộ Mật điển cao nhất, nếu như mình là một người như vậy, và có mối quan hệ chặt chẽ với thầy, thì ta có thể xem thầy là Phật, trong toàn bộ bối cảnh mà điều này có nghĩa là gì. Sau đó, nếu như quay trở lại tất cả các giai đoạn từ đầu của đường tu một lần nữa, như trong trường hợp một nhà sư đang xem xét toàn bộ đường tu tuần tự khi lắng nghe Lam-rim chen-mo của Tông Khách Ba, để chuẩn bị thọ nhận một lễ điểm đạo Mật tông, thì mối quan hệ với vị thầy như là Phật sẽ là căn nguyên của sự thành công trong việc noi theo toàn bộ đường tu. Rồi thì nó sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn.

Không Đánh Mất Khả Năng Phán Xét

Cần phải hiểu sự việc trong bối cảnh thích hợp. Điều này không dễ. Nhưng đặc biệt là vào lúc đầu, tôi nghĩ điều trọng yếu là không đánh mất thái độ phê phán đối với vị thầy. Sau đó, khi mình liên hệ với một vị thầy như Phật, thì đây là một hợp đồng đặc biệt mà mình thiết lập với vị thầy này, và nó đòi hỏi một sự trưởng thành rất lớn về mặt cảm xúc. Trên cơ bản thì những điều chúng ta đang nói về loại hợp đồng này là, “Thầy là một vị Phật, có nghĩa là bất kể thầy làm gì thì con sẽ xem thầy là một vị Phật, đang cố dạy dỗ con điều gì đó.”. Hãy nhớ rằng sự tồn tại của sự vật không được thiết lập từ chính phía chúng, độc lập với tất cả những pháp khác. Vì vậy, sự tồn tại của loại quan hệ này với thầy được thiết lập trong bối cảnh “Thầy đang giúp con phát triển.”.

Rồi trên cơ bản thì ở trong đầu, mình đang nói với thầy rằng, “Không cần biết động lực của thầy là gì, và không cần biết thật ra thầy đã giác ngộ hay chưa. Đúng hơn là con sẽ sử dụng cơ hội của mối quan hệ này với thầy để phát triển và học hỏi không ngừng. Nếu như thầy bảo con làm điều gì ngu dại, thì con sẽ không trả lời là, 'Thầy là thằng ngốc' và tức giận với thầy. Đúng hơn là con sẽ xem nó là 'Thầy bảo con làm điều gì ngu ngốc, để con học bài học biết sử dụng trí tuệ và tâm thức của mình, và không làm điều đó.”. Nói cách khác là bất cứ điều gì mà thầy làm thì ta sẽ xem nó như một sự dạy dỗ, và cố gắng học hỏi điều gì từ đó. Dù cho vấn đề gì đang diễn ra từ phía vị thầy thì cũng không quan trọng.

Chắc chắn đây là ý nghĩa của việc khi nói rằng mình phải xem tất cả mọi người như Phật. Chúng ta sẽ xem tất cả mọi việc như một bài học, nên có thể học hỏi từ một đứa trẻ. Khi một đứa bé hành động một cách nghịch ngợm hay ngớ ngẩn, thì ta có thể học cách không hành động như vậy. Đứa bé là thầy của mình. Một con chó có thể dạy cho mình. Bất cứ ai cũng có thể dạy mình. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một mức độ trưởng thành về mặt cảm xúc rất lớn, đúng không, để không tức giận và không phán xét? Đó là một thực hành rất tiên tiến. Nó không phải là điều mà mình có thể làm, khi mới bắt đầu tu học.

Rõ ràng là phải tìm hiểu rất nhiều, để xem liệu mình có thể ký loại hợp đồng này với vị thầy này hay không, để có thể liên hệ với thầy ở mức độ đó. Vị thầy này có hội đủ trình độ hay không, và mình có đủ điều kiện không? Thậm chí, ta có thể có mối quan hệ như vậy với một vị thầy mà mình không liên lạc nhiều. Khi mình chỉ đi dự những buổi thuyết pháp chung chung mà một đại sư vĩ đại ban cho đại chúng, thì ta có thể làm điều tương tự: “Dù cho thầy nói và làm gì thì con sẽ học hỏi từ điều đó.”. Nhưng hãy nhớ rằng đây không phải là mối quan hệ giữa một binh nhì và một vị tướng trong quân đội: “Vâng, thưa ngài! Tôi nên làm gì? Xin cho tôi biết. Hãy ra lệnh cho tôi. Vâng, thưa ngài! Tôi sẽ làm điều đó.”, nó hoàn toàn không phải là như vậy.

Top