Cải Đạo Để Theo Đạo Phật
Chúng ta đã nói về những khó khăn mà nhiều người phải đối diện, khi tu tập đạo Phật. Ta đã thấy điều rất quan trọng là có một thái độ thực tiễn. Về vấn đề này, một trong những lời khuyên mà Đức Dalai Lama luôn luôn lập lại với người Tây phương là phải hết sức cẩn thận về việc cải đạo. Lời khuyên của Ngài nêu ra toàn bộ vấn đề là khi noi theo đường tu nhà Phật, thì có phải nó có nghĩa là mình đã thay đổi tôn giáo, đã cải đạo, và bây giờ thì thay vì đeo một chiếc thánh giá trên cổ, thì mình lại đeo một sợi dây màu đỏ?
Tôi nghĩ theo nhiều cách thì việc nghĩ về cam kết của mình đối với đường tu nhà Phật, về mặt cải đạo thì không phải là điều rất hữu ích. Chắc chắn là nếu như nói rằng mình đã cải đạo để theo đạo Phật, thì điều này sẽ cô lập những người theo truyền thống đạo dòng của mình từ lúc chào đời, cho dù đó là con chiên Cơ Đốc hay Do Thái, đặc biệt nếu đó là con chiên Hồi giáo. Việc bỏ đạo dòng và theo đạo khác sẽ không được gia đình hay xã hội của mình ủng hộ cho lắm, đúng không? Họ xem đó là việc mình chối bỏ họ. Vì vậy nên Đức Dalai Lama luôn luôn nói chúng ta phải cẩn thận và rất tinh tế về toàn bộ vấn đề này, và tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu điều này từ quan điểm tâm lý học, bên cạnh quan điểm xã hội của gia đình và xã hội.
Điều rất quan trọng trong cuộc sống là có thể hội nhập toàn bộ đời sống của mình, để tất cả các thành phần của nó ăn khớp với nhau một cách hài hòa. Nhờ vậy mà ta sẽ cảm thấy thoải mái với lịch sử của đời mình. Việc có một cái nhìn thống nhất về cuộc đời của mình sẽ giúp cho đời sống quân bình hơn. Đôi khi, khi người ta cải đạo sang tôn giáo khác thì sẽ có thái độ rất tiêu cực, đối với những gì họ đã làm trước đây. Một cơ chế được mô tả trong tâm lý học sẽ hữu ích để hiểu điều này. Đây là nhu cầu cơ bản mà người ta phải trung thành với tổ tiên, hay gia đình, hoặc bối cảnh xuất thân của họ, để cảm nhận được giá trị bản thân. Nhu cầu hay sự thúc đẩy để trung thành với những điều này, để chứng minh giá trị bản thân của mình bằng cách nào đó thường là điều vô thức. Nếu như ta phủ nhận việc mình đã có bất cứ khía cạnh tích cực nào trong quá khứ – hãy cho là tôn giáo hay gia đình, hoặc quốc tịch – thì trong vô thức, mình vẫn có động lực để trung thành với nó, nên ta lại trung thành với những khía cạnh tiêu cực của nó trong vô thức. Đây là một hình thức tiêu cực của lòng trung thành.
Các Hình Thức Hủy Hoại Lòng Trung Thành
Một ví dụ điển hình về hình thức hủy hoại lòng trung thành là kinh nghiệm mà một số người từ Đông Đức trước đây đã trải qua. Toàn bộ tình hình Đông Đức được kết hợp với Tây Đức là một vấn đề mà hầu hết mọi mặt về văn hóa chính trị Đông Đức đều bị bác bỏ, và được xác định là “sai trái” và tiêu cực. Thế là mọi thứ trong hệ thống trước đó đều bị vứt vào sọt rác, và người ta có một cảm giác khủng khiếp rằng họ là người ngu ngốc, và đã lãng phí cả đời cho điều gì tiêu cực - đặc biệt là nếu họ đã tích cực trong hoạt động chính trị để hỗ trợ cho nhà nước. Hiển nhiên là điều đó tạo ra một trạng thái tâm lý rất khó khăn.
Sau đó, điều đã xảy ra là đối với một số người từ phía Đông thì trong vô thức, họ có nhu cầu phải trung thành với quá khứ của mình, để có ý thức về giá trị bản thân, nên họ đã trung thành với những khía cạnh tiêu cực như chế độ chuyên chế. Từ đó mới có hiện tượng đầu trọc và Tân-Phát xít. Chủ nghĩa Tân-Phát xít chất chứa lòng căm thù người nước ngoài rất mạnh mẽ, tôn vinh bản thân và chủng tộc của mình. Lòng trung thành với sự thiếu khoan dung đối với người ngoài là đặc điểm của xã hội Đông Đức. Mặt khác, nếu như người ta có thể chỉ vào và thừa nhận những khía cạnh tích cực trong quá khứ của họ, thì nó sẽ giúp cho họ trung thành với điều đó, và việc này sẽ giúp cho họ hội nhập tốt hơn trong suốt đời. Có nhiều khía cạnh tích cực trong xã hội Đông Đức. Một ví dụ là mối quan hệ nồng nhiệt, thân thành mà một số người đã có, những người có thể thông cảm và tin tưởng lẫn nhau. Bởi vì tất cả mọi người đều bị kiểm soát rất nghiêm ngặt ở bên ngoài, nên khi ở trong môi trường an toàn với bạn bè, thì họ có thể thiết lập những mối quan hệ ấm áp như vậy. Đó là điều rất tích cực.
Vấn đề tương tự về các hình thức hủy hoại lòng trung thành thường xuất hiện khi mình cải đạo. Nếu như ta chỉ nghĩ rằng, “Tôn giáo trước đây mà tôi đã theo là ngu xuẩn và khủng khiếp”, rồi lại nhảy vào điều gì mới mẻ như đạo Phật, rồi trong vô thức, mình lại có động lực trung thành với quá khứ. Trong những trường hợp như vậy thì chúng ta lại trung thành với những điều tiêu cực hơn là những điểm tích cực. Ví dụ, nếu như bối cảnh của mình là Cơ đốc giáo, thì ta có thể thấy là mình trở nên khá giáo điều, hay rất sợ hãi về địa ngục, và tôi nên làm gì, không nên làm gì, và đôi khi, cũng có thể có thái độ rất bè phái. Để tránh vấn đề này thì điều quan trọng là phải thừa nhận những điều tích cực trong đạo dòng của mình, tôn giáo của gia đình, cũng như những điều tích cực trong văn hóa của mình, những khía cạnh tích cực của việc làm người Đức, hay người Ý, hay người Mỹ, hoặc bất cứ giống dân nào khác.
Rõ ràng là có những điều vô cùng tích cực trong bối cảnh Cơ Đốc giáo, với sự nhấn mạnh vào tình thương và lòng từ thiện, đặc biệt là giúp đỡ người nghèo, người bệnh và thiếu thốn. Đây là điều rất tích cực. Không có gì mâu thuẫn giữa điều này và pháp tu nhà Phật. Theo ý nghĩa nào đó thì ta có thể vừa là con chiên Cơ Đốc, vừa là Phật tử, bởi vì không cần phải vứt bỏ những khía cạnh tích cực này trong bối cảnh Cơ Đốc giáo của mình. Dù có tự xem mình là Phật tử hay không, thì tôi thật sự nghĩ rằng đó là một vấn đề trong đạo Phật. Nó chưa bao giờ là một vấn đề, như ở châu Âu thời trung cổ, về vấn đề “Tôn giáo của bạn là gì?”, và chúng ta phải xác định bản thân mình trước Tòa An Dị Giáo. Đó không phải là cách của đạo Phật.
Vị Trí Của Phật Tử Tại Gia Trong Xã Hội Ấn Độ Truyền Thống
Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy điều này từ ví dụ về Ấn Độ cổ đại. Trong Ấn Độ cổ đại, khi mà đạo Phật phát triển thì không có một sự phân biệt rất rõ ràng giữa Phật tử và con chiên Ấn giáo. Chúng ta có ảo tưởng là Phật giáo ở Ấn Độ không có đẳng cấp, và Đức Phật đã chống lại hệ thống đẳng cấp. Nhưng thật ra đó chỉ là trường hợp của Tăng đoàn xuất gia. Đối với chư tăng ni thì không có đẳng cấp, nhưng điều đó không áp dụng cho các tín đồ tại gia của Đức Phật. Trong một số bản khắc trên tàn tích của các bức tường tu viện Phật giáo cổ xưa thì chúng ta thấy rằng: “Số tịnh tài này đã được Bà la môn này và Bà la môn kia cúng dường cho Tu Viện.” Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Phật tử tại gia đã không thành lập một cộng đồng tách rời với con chiên Ấn giáo; họ là một thành phần của xã hội Ấn giáo. Điều đó có nghĩa là ở Ấn Độ không có nghi lễ hôn phối riêng biệt cho Phật tử và những điều giống như vậy. Đúng ra thì Phật tử Ấn Độ đã theo phong tục Ấn giáo về vấn đề này.
Có những lợi thế và bất lợi về điều đó. Lợi thế là trên cơ bản thì mọi người ở Ấn Độ là một thành phần của một xã hội thống nhất, và mỗi người noi theo trường phái và đạo sư của riêng họ. Vì vậy nên dù bạn có theo trường phái đạo Phật, hay theo hình thức này hay hình thức kia của Ấn Độ giáo, thì cũng không tạo ra nhiều sự khác biệt, bởi vì chính xã hội đã bao gồm tất cả mọi người một cách hài hòa, mà không có ai phải nói rằng, “Tôi là con chiên Ấn giáo”, hay “Tôi là Phật tử”, theo một cách mạnh mẽ như vậy. Tất nhiên, nếu như bạn trở thành tăng hay ni, thì hiển nhiên đó là một sự cam kết mạnh mẽ đối với việc tham gia vào một cộng đồng riêng biệt. Đó là việc khác. Chúng ta đang nói về vị trí của người cư sĩ trong truyền thống Ấn Độ.
Điểm bất lợi là khi các tu viện Phật giáo không còn hoạt động ở Ấn Độ, thì hầu hết những người theo đạo Phật rất dễ dàng tiếp thu Ấn Độ giáo, đặc biệt là từ khi Ấn Độ giáo thừa nhận Đức Phật là một sắc tướng của Vishnu, vị Thần của họ. Vì vậy nên người ta rất dễ sùng mộ Đức Phật, và làm một con chiên Ấn giáo hoàn hảo.
Theo Đạo Phật Và Vẫn Đi Nhà Thờ
Vì vậy nên câu hỏi trở thành, liệu chúng ta có thể theo giáo lý của nhà Phật, và vẫn là một Kitô hữu tốt hay không? Rõ ràng là cần có một sự cân bằng, để không đi đến cực đoan chỉ tầm thường hóa đạo Phật, hay cực đoan của việc “Tôi đã cải đạo theo đạo Phật, và bây giờ thì tôi bị cấm, không bao giờ được đi nhà thờ nữa.”. Câu hỏi thật sự trở thành, “Việc quy y như một buổi lễ có nghĩa là gì, và có phải điều đó có nghĩa là bây giờ tôi đã trở thành một Phật tử theo nghĩa là một Kitô hữu cải đạo, giống như lễ rửa tội?”. Tôi không nghĩ rằng nó tương đương với một lễ rửa tội. Tôi không nghĩ cách nhìn vấn đề như vậy sẽ hữu ích.
Tôi tin rằng con đường tâm linh mà mình noi theo phải là điều khá riêng tư. Việc đi khắp nơi với những sợi dây đỏ bẩn đeo trên cổ, đặc biệt là nếu như mình có ba mươi sợi dây này, thì sẽ trông thật kỳ lạ, hơi giống một người châu Phi Ubangi, đeo những vòng dây kim loại trên cổ. Nếu như mình muốn có những sợi dây này, thì có thể giữ chúng một cách kín đáo, ví dụ như trong bóp, hay đại loại như vậy. Không cần thiết phải quảng cáo những gì mình đang làm. Không có lý do gì để cảm thấy là mình bị cấm đi nhà thờ, hay việc đi nhà thờ sẽ đe dọa lòng cam kết của mình đối với đạo Phật theo bất cứ cách nào.
Thường thì khi người ta cải đạo sang đạo Phật, thì sẽ có thái độ phòng thủ về đạo Phật vào lúc đầu. Đó là vì họ không cảm thấy an toàn, và chưa thoải mái với đạo Phật. Vì vậy, để biện minh cho sự lựa chọn của mình về con đường tâm linh, về mặt tâm lý thì người ta sẽ cảm thấy rằng, “Tôi không thể đi nhà thờ, và không thể nghĩ đến điều gì tích cực trong quá khứ.”. Đó là một sai lầm lớn. Hiển nhiên là nếu như mình noi theo đường tu nhà Phật, thì phải dồn hết năng lượng vào đó. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc tu tập lòng từ ái trong Cơ Đốc giáo, và có được nguồn cảm hứng từ những nhân vật Cơ Đốc giáo vĩ đại như Mẹ Theresa, và cố gắng phục vụ người nghèo theo cách mà Bà đã làm. Nó hoàn toàn không mâu thuẫn với đường tu nhà Phật. Làm sao mà nó có thể mâu thuẫn được?
Nếu như mình đang hành thiền và tu tập nhiều pháp tu nhà Phật trong đời sống, thì không có lý do gì khiến cho mình cảm thấy không thoải mái khi đi nhà thờ, nếu như có dịp mà mình cần phải làm như vậy. Không có vấn đề gì cả. Và khi đi nhà thờ trong tình huống này mà mình chỉ ngồi đó và cảm thấy bị đe dọa, nên phải tụng mật chú suốt thời gian này thì không có ích lợi gì cả. Nếu như mình đi nhà thờ với tư cách là một Phật tử, thì không có gì sai trái với việc tham gia lễ nhà thờ. Điều quan trọng là thái độ của mình trong lúc ở trong nhà thờ.
Hiện nay, hiển nhiên là trong bất cứ tôn giáo có tổ chức nào thì mình sẽ tìm thấy những điểm hấp dẫn, và những điểm không quá hấp dẫn. Vậy thì nếu như ở trong tình huống mà gia đình mình nói rằng, “Đó là ngày lễ đặc biệt, nên hãy đi nhà thờ, vì đây là mùa Giáng sinh mà”, hay bất cứ điều gì đi nữa, thì nếu như bạn nói rằng, “Tôi sẽ không đi nhà thờ với mọi người, vì tôi là một Phật tử”, thì bạn sẽ xúc phạm họ. Họ sẽ xem đó là một sự từ chối. Vậy thì tốt hơn là nên đi dự lễ Giáng sinh với gia đình mình. Thay vì tập trung vào những điều có thể khiến mình khó chịu trong Cơ Đốc giáo, và có thể mình đã phê phán những điều đó trong quá khứ, thì hãy tập trung vào những điều tích cực, bởi vì cũng có những điều tích cực. Nhờ vậy mà về mặt tâm lý và nội tâm thì kết quả là mình sẽ cảm thấy giống như một người hội nhập hơn nhiều. Chúng ta đã làm hòa với lịch sử cá nhân của mình. Điều đó thật sự rất là hữu ích.
Hạnh Phúc
Việc tìm kiếm sự an lạc cho chính mình sẽ đưa chúng ta đến đề tài “Hạnh phúc chiếm vị trí nào trong đạo Phật?”. Tôi nghĩ rằng một vấn đề rất lớn đối với nhiều người mới tiếp cận đạo Phật, đặc biệt là khi họ xuất thân từ một tôn giáo nhấn mạnh rằng chúng ta đều là tội nhân, là: “Tôi có được phép hạnh phúc hay không?”. Chúng ta nghe trong giáo lý nhà Phật rằng tất cả mọi việc đều đau khổ, và mình có thể chết bất cứ lúc nào, nên đừng lãng phí thời gian. Vì vậy mà ta thường có cảm giác là mình không được phép đi xem phim. thư giãn, hoặc vui chơi. Đó là một sự hiểu lầm lớn. Trước tiên là phải xem xét định nghĩa về hạnh phúc, và hiểu hạnh phúc là gì. Một số người thậm chí không biết rằng họ hạnh phúc, hay hạnh phúc là gì. Họ phải hỏi người khác, “Bạn nghĩ gì, tôi có vẻ là một người hạnh phúc hay không?”.
Có một số định nghĩa về hạnh phúc trong Phật giáo. Định nghĩa chánh là hạnh phúc là cảm giác trổ quả từ hành vi xây dựng, tích cực. Nó là quả trổ từ thiện nghiệp. Nếu như đó là định nghĩa về hạnh phúc, thì rõ ràng là mình muốn có tính tích cực trong đạo Phật, để có thể trải nghiệm hạnh phúc như kết quả. Với pháp tu nhà Phật thì cụ thể là mình đang cố gắng trở nên tích cực và xây dựng; do đó, hiển nhiên là mình sẽ trải nghiệm hạnh phúc như kết quả, và chúng ta “được phép” kinh nghiệm điều đó. Đạo Phật không thể nói rằng mình không được phép hưởng thụ hạnh phúc. Nếu như không được phép hưởng thụ hạnh phúc trong đạo Phật, thì Phật tử sẽ đi phá phách khắp nơi, bởi vì điều đó sẽ đảm bảo là họ sẽ không bao giờ được hạnh phúc!
Ngoài ra, có một giáo lý cơ bản trong đạo Phật rằng tất cả chúng sinh đều muốn hạnh phúc và không ai muốn đau khổ. Nếu sự việc là như vậy, và với lòng từ thì mình sẽ ước mong tất cả chúng sinh đều hạnh phúc, và cũng đang làm việc để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh, và hiển nhiên là mình cũng mong muốn cho bản thân được hạnh phúc, và cũng đang làm việc để tạo ra hạnh phúc cho bản thân mình.
Hạnh phúc cũng được định nghĩa là cảm giác mà khi nó phát sinh thì mình sẽ muốn nó tiếp tục; và khi nó biến mất, thì mình muốn nó quay trở lại, nhưng không phải theo kiểu bám víu. Trên cơ bản thì hạnh phúc có cảm giác tốt đẹp.
Những Điểm Lầm Lẫn Về Hạnh Phúc
Việc lầm lẫn về vấn đề hạnh phúc dường như phát sinh trên hai điểm. Một là chúng ta thường nghĩ rằng để trải nghiệm hạnh phúc, thì cảm giác phải có kịch tính. Điểm thứ hai là sự nhầm lẫn về việc hạnh phúc phải có hình thức gì, để hội đủ điều kiện là hạnh phúc. Điểm thứ hai này liên quan đến câu hỏi đâu là nguồn hạnh phúc?
Trước tiên là hạnh phúc không nhất thiết phải có tính kịch tính, để được xem là hạnh phúc. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng để tồn tại thì một cảm giác phải thật mạnh mẽ. Chúng ta có thái độ Hollywood đối với mọi việc. Nếu như một cảm xúc tích cực có cường độ thấp, thì sẽ không làm ra một bộ phim hay; nó sẽ không phải là một chương trình hay. Vì vậy, nó phải rất mạnh mẽ, thậm chí có thể có nhạc cảm động làm nền. Nó không phải là như vậy. Như tôi đã nói, hạnh phúc là cảm giác tốt đẹp mà mình cảm nhận, và muốn nó tiếp diễn, vì rất dễ chịu. Hạnh phúc không phải là một trong những kinh nghiệm “Whoopie! Wow! Hết xảy!” theo kiểu Mỹ La-tinh hay Ý, loại người nồng nhiệt, hăng hái. Nó cũng có thể là cách trầm mặc hơn của người Anh.
Về điểm thứ hai thì hãy nhớ rằng, khi nói về việc cảm nhận một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh, thì đó là cách mà mình kinh nghiệm nghiệp trổ - đó là cách mà mình trải nghiệm mọi việc trong đời sống. Vậy thì câu hỏi là ta sẽ trải qua hình thức hạnh phúc nào? Liệu hình thức mà hạnh phúc của mình biểu lộ có liên quan đến việc mình được giải trí, thích thú, tạm thời ra khỏi đời sống đơn điệu, hay vui chơi? Liệu mình có phải vui vẻ, để cảm giác này hội đủ điều kiện là hạnh phúc không? Và, ở một mức độ thậm chí cơ bản hơn, liệu việc làm điều gì để vui vẻ có phải là nguồn hạnh phúc thật sự hay không?
Vui Vẻ
“Vui vẻ” là một chữ rất thú vị. Nó rất khó định nghĩa. Một lần nọ, tôi đang ở Hòa Lan (Holland) với Serkong Rinpoche, thầy của tôi, và những người mà chúng tôi đang ở trong nhà họ có một chiếc thuyền rất lớn, một chiếc du thuyền. Một ngày nọ, họ đề nghị đưa chúng tôi lên thuyền để “vui chơi”. Chiếc thuyền ở trong một cái hồ rất nhỏ - một chiếc thuyền rất lớn trong cái hồ rất nhỏ. Có rất nhiều thuyền lớn nhỏ khác trong cái hồ nhỏ bé này. Chúng tôi đi trên chiếc thuyền này và chỉ đi một vòng quanh hồ, cùng với tất cả những chiếc thuyền khác, khiến tôi nhớ đến một công viên trò chơi, nơi có trò chơi với những chiếc xe nhỏ đi theo vòng tròn. Nó là như vậy. Sau một lúc thì Serkong Rinpoche quay sang tôi và hỏi bằng tiếng Tây Tạng, “Đây có phải là điều mà họ gọi là “vui vẻ” không?”.
Ý của tôi là nếu như nhìn vào hạnh phúc về mặt nhân quả thì nhân của hạnh phúc là gì? Theo quan điểm đạo Phật thì nhân của hạnh phúc là thiện nghiệp. Nó không phải là đi ra ngoài và làm điều gì phù phiếm để “vui chơi”, điều sẽ làm cho mình hạnh phúc. Chúng ta có thể ra ngoài và làm điều gì mà xã hội gọi là “vui vẻ”, như đi trên chiếc thuyền này, hoặc đi xem phim, hay dự một bữa tiệc, hay điều gì đại loại như vậy, và hoàn toàn khổ sở. Mặt khác, chúng ta có thể ngồi làm việc ở văn phòng mà rất vui vẻ và hài lòng. Vậy thì nếu như đã tạo ra nhân hạnh phúc, đó là hành vi có tính xây dựng, thì mình sẽ trải nghiệm hạnh phúc trong bất kỳ tình huống nào, và không nhất thiết chỉ trong các tình huống được gọi là “vui vẻ” theo truyền thống.
Khi mình có quyền lựa chọn để làm gì, và sử dụng thời gian như thế nào, thì ta có thể chọn làm việc hay thư giãn, tập thể thao, đi bơi, hay bất cứ điều gì. Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải có một sự hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc của hạnh phúc là gì, trong hoạt động đó. Chúng ta có thể chọn đi bơi hay làm việc theo tiêu chuẩn là “Tôi muốn làm việc này để được hạnh phúc”, nhưng tôi nghĩ có những tiêu chuẩn khác mà mình có thể sử dụng. Các tiêu chuẩn khác là “Tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Tôi rất mệt mỏi, và nếu như mình thư giãn ngay bây giờ thì sẽ hữu ích hơn nhiều, và trở nên nên hữu ích hơn trong đời sống của mình và người khác. Nếu như tiếp tục làm việc thì sẽ không hữu hiệu nữa.”. Nếu như mình có thể sử dụng một phép ẩn dụ thì con ngựa phải ra ngoài đồng gặm cỏ, chứ không thể chạy vòng vòng hoài.
Cuộc sống thì khó khăn, đó là Diệu Đế Thứ Nhất. Nó khó khăn vì mình có một cơ thể như thế này. Nó không có khả năng làm việc 24 tiếng một ngày hoài. Chúng ta phải thư giãn; chúng ta phải ngủ, phải ăn. Không cần phải cảm thấy tội lỗi về điều đó. Chúng ta đã xử lý vấn đề tội lỗi, khi nói về việc chấp nhận thực tế rằng đời sống khó khăn. Việc đời sống đầy rẫy vấn đề là điều thực tế. Nếu như mình có thể chấp nhận sự thật đó, thì sẽ không cảm thấy tội lỗi về điều đó. Nhưng nếu như mình có ý tưởng là: “Bây giờ thì tôi phải có niềm vui”, thì ta phải cố gắng vui vẻ và hạnh phúc, nhưng thường thì điều đó không hữu hiệu. Nếu như mình không trông mong là việc đi xem phim hay bơi lội, hoặc đi nhà hàng sẽ giúp cho mình hạnh phúc, hay kỳ vọng việc vui vẻ như thế này có nghĩa là mình hạnh phúc, thì sẽ không thất vọng. Nhưng rất có thể là những hoạt động này có thể giúp mình sạc pin, theo nghĩa là cung cấp cho mình nhiều năng lượng hơn, vân vân, bằng cách thư giãn. Chúng có thể làm điều đó, nhưng chỉ có thể thôi, không có gì chắc chắn. Dù cho mình có hạnh phúc hay không, trong khi làm những điều này, lại là một câu hỏi khác. Hơn nữa, nếu như mình cảm nhận một mức độ hạnh phúc nào đó trong hoạt động này, thì nó không nhất thiết phải là một kinh nghiệm La-tinh vô cùng mãnh liệt và nóng bỏng.
Điều này đúng không chỉ với việc đi xem phim hay đi bơi, mà cũng rất hữu ích để ghi nhớ về mối quan hệ giữa mình với người khác, như tình bạn và dành thời gian thư giãn với người khác. Một số người nghĩ rằng khi đi thăm một người bạn thì họ phải “làm điều gì” với nhau: họ phải ra ngoài và vui chơi với nhau, làm một điều gì đó. Họ không thể cảm kích một mức độ hạnh phúc và hài lòng thấp, khi chỉ ở bên cạnh người bạn đó mà không cần biết họ đang làm gì. Thậm chí, họ có thể đi siêu thị và mua đồ tạp hóa, hay giặt đồ. Tôi thấy điểm này khá hữu ích, và nghĩ rằng nói chung thì nó rất hữu ích, để xem xét việc có thể buông bỏ những kỳ vọng lạ lùng về hạnh phúc là gì, hay có cảm giác tội lỗi về nó.
Nhận Ra Mức Độ Hạnh Phúc Mà Mình Đang Cảm Nhận
Hãy tự quan sát bản thân mình một chút. Hãy ngồi và chỉ cần cảm nhận việc có mặt ở đây, và cố gắng chú ý đến cảm giác của mình. Ở đây, “cảm giác” được định nghĩa theo định nghĩa của đạo Phật về uẩn thứ hai trong ngũ uẩn - cụ thể thì cảm thọ là cách mình trải nghiệm những gì mình đang thấy, đang nghe, đang nghĩ, v.v..., về mặt biến số của hạnh phúc, bất hạnh hay trung hòa. Chỉ cần cố gắng nhận thức và xác định điều đó. Chúng ta không nói về cảm giác nóng hay lạnh, hoặc cảm thấy một số cảm giác thể chất như sung sướng hay đau đớn. Đó là mức độ hạnh phúc hay bất hạnh đi kèm với bất kỳ hoạt động thân thể hay tinh thần nào, theo nghĩa là trải nghiệm nó như tốt đẹp hay không tốt đẹp.
Ví dụ như, khi nhìn những bông hoa trong chiếc bình này, thì tôi thấy chúng đẹp. Hãy nhìn những bông hoa. Bạn cảm thấy thế nào? Làm thế nào để bạn trải nghiệm điều đó? Chúng ta không nói về việc bạn có thích hoa hay không, mà là về cách bạn cảm giác như thế nào, khi nhìn chúng. Hãy cố gắng xác định và nhận ra cảm giác của một mức độ hạnh phúc nào đó mà bạn trải nghiệm khi nhìn những bông hoa, hoặc những bức tranh trên tường, hay hãy nhìn cây cối ở ngoài vườn - bạn cảm thấy mức độ hạnh phúc nào? Chúng ta cố gắng nhận ra rằng trên thực tế thì mình có rất nhiều hạnh phúc. Nó không phải là một kinh nghiệm Brazil siêu đẳng, nhưng nó có mặt ở đó.
Hãy quan sát xem bạn có cảm giác gì. Và hãy nhớ rằng hạnh phúc là cảm giác mà khi nó xuất hiện thì mình sẽ muốn nó tiếp diễn, và nếu như nó biến mất thì mình sẽ muốn nó quay trở lại. Và bất hạnh là cảm giác mà khi mình trải nghiệm nó, thì sẽ muốn cho nó kết thúc, cho nó biến mất.
[Tạm dừng để thực hành]
Tôi nghĩ việc thực hành như thế này không cần phải là một bài thiền nghiêm chỉnh. Đúng hơn thì đó là điều gì mà chúng ta có thể thực hiện bất cứ lúc nào, để ngày càng chánh niệm hơn là mình thật hạnh phúc trong rất nhiều lúc. Đó không phải là trường hợp mà “Tôi không có cảm giác”, là điều mà một số người trong chúng ta có thể nghĩ.
Có ai có ý kiến gì không?
Khó để thay đổi từ việc trước tiên là lắng nghe ông nói, là một quá trình khá năng động, để bị ném vào việc phải cảm nhận những điều đang xảy ra. Tôi cảm thấy như mình bị ném vào việc quan sát này một chút. Sáng nay, khi đi qua một công viên, tôi có cảm giác rất cởi mở này. Tôi có cảm giác là “Vâng, mọi việc đều ổn, và tôi khá vui vẻ”, và điều này xảy ra một cách khá tự nhiên.
Tôi nghĩ một điểm rất quan trọng là có thể nhận ra chúng ta luôn luôn có cảm giác, cho dù mình đang làm điều gì với cảm giác thật là thư giãn, hay đang làm việc gì rất chăm chú. Đôi khi, mình sẽ xử dụng quá nhiều lý trí, và không thực sự nhận ra là trên thực tế, có một chất lượng nào đó đối với cách mình trải nghiệm mọi thứ, và chất lượng đó là hạnh phúc hay bất hạnh. Lúc nào nó cũng xảy ra. Điều quan trọng của việc này là mình thường đi đến cực đoan “tội nghiệp cho mình quá”, và “Tôi không thấy vui, và muốn có một chút vui vẻ. Tôi không muốn ở trong văn phòng nhàm chán này”, và chúng ta phàn nàn như vậy. Nhưng trên thực tế thì mình có thể trải qua việc kẹt xe khủng khiếp với cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện bên trong. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc không cần phải có tính chất kịch tính.
Không phải là có một sự khác biệt ở đây sao, giữa những gì đang xảy ra trong đầu bạn, và những gì xảy ra trong tim bạn? Người Tây Tạng luôn luôn chỉ vào trái tim để nói về cảm giác.
Người Tây Tạng cũng chỉ vào đó để nói về việc suy nghĩ. Theo quan điểm của người Tây Tạng thì các khía cạnh lý trí, cảm xúc và cảm giác trong kinh nghiệm về sự việc đều xuất phát từ một nơi, và họ định vị nó trong trái tim. Thật ra thì chúng được định vị ở đâu không phải là vấn đề. Chúng được nhìn như một tổng thể, thay vì phân đôi, hay phân chia giữa thân và tâm, hoặc giữa lý trí và cảm xúc, như thường được xem xét như vậy ở phương Tây. Vì vậy nên mình có thể hạnh phúc cùng một lúc với việc rất liên hệ với điều gì về mặt lý trí. Như tôi đã nói, điều này rất quan trọng để nhận ra, đặc biệt là trong mối quan hệ với người khác. Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng, “Tôi phải yêu, để thật sự có được hạnh phúc” - giống như có kinh nghiệm của tuổi dậy thì. Trên thực tế, khi ở trong một quan hệ yêu đương với người nào thì cảm giác hạnh phúc có thể không mãnh liệt, nhưng vẫn vô cùng mãn nguyện.