Nguy Cơ Đối Với Tánh Mạng Của Đức Dalai Lama
Cách viên tịch của Serkong Rinpoche còn phi thường hơn cả cuộc đời ngài. Vào tháng 7 năm 1983, Rinpoche tổ chức lễ quán đảnh Thời Luân do Đức Dalai Lama ban truyền tại Tu Viện Tabo ở Spiti. Sau đó, Rinpoche nói với một nhà sư địa phương lớn tuổi, Kachen Drubgyel, rằng theo chiêm tinh Tây Tạng thì năm nay là năm Đức Dalai Lama gặp chướng ngại. Sinh mạng của Ngài sẽ gặp nguy hiểm. Nếu Rinpoche nhận lãnh các chướng ngại này thì rất tốt. Ngài bảo vị sư già đừng nói điều này cho ai biết.
Rồi thì Rinpoche nhập thất nghiêm ngặt trong ba tuần. Sau đó, ngài đến một trại lính Tây Tạng gần đó để thuyết giảng tác phẩm Bồ Tát Hạnh. Lẽ ra, ngài sẽ dạy toàn bộ bản văn một cách chậm rãi trong một thời gian dài, nhưng lại dạy rất nhanh. Khi rời trại lính vài ngày sớm hơn chương trình dự định, ngài giải thích rằng ngài phải đi đến một nơi đặc biệt. Đó là ngày 29 tháng 8, năm 1983, ngày mà Đức Dalai Lama bay đến Geneva, Thụy Sĩ cùng một lúc với Yassar Arafat, Chủ Tịch Tổ Chức Giải Phóng Palestine (Palestine Liberation Organization), người cũng sẽ đến đó theo dự kiến. Các quan chức cảnh sát lo ngại là một vụ khủng bố chống lại Arafat có thể xảy ra. Họ cảnh báo rằng họ không thể bảo đảm an toàn cho Đức Dalai Lama.
Chuẩn Bị Gánh Lấy Chướng Ngại Nguy Hiểm Cho Sinh Mạng Của Đức Dalai Lama
Rinpoche và thầy Ngawang rời trại lính thật nhanh bằng xe jeep, chỉ ngừng lại ở Tu Viện Tabo một thời gian ngắn. Rinpoche bảo thầy Kachen Drubgyel tháp tùng theo ngài và thầy Ngawang, nhưng vị sư già giải thích là ông vừa mới giặt chiếc y. Rinpoche nói không sao, ông cứ mặc váy lót mà đi, và có thể cột chiếc y trên mui xe jeep để phơi khô. Vị sư già đã làm theo ý ngài.
Khi xe đã đi một đoạn xa vào Thung Lũng Spiti, Rinpoche nói với thầy Ngawang rằng ngài luôn luôn bảo thầy nên liên tục trì tụng mật chú bi mẫn, om mani padme hum, nhưng thầy chẳng bao giờ nghe lời ngài một cách nghiêm túc. Đó là lời khuyên trước khi chia tay của Rinpoche.
Thế rồi họ ngừng xe ở Tu Viện Kyi. Rinpoche muốn cúng dường. Thầy Ngawang nói đã trễ rồi và họ có thể đi cúng dường vào buổi sáng, nhưng Rinpoche nhất định muốn cúng dường. Hầu hết thì Rinpoche đi chậm chạp một cách khó khăn. Tuy nhiên, đôi khi ngài cũng có thể chạy khá nhanh. Ví dụ như một lần ở phi trường, khi chúng tôi sắp bị trễ chuyến bay, Rinpoche chạy nhanh đến nỗi không ai trong nhóm chúng tôi có thể theo kịp. Tương tự như vậy, một lần ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), khi Đức Dalai Lama đang tham dự buổi trì tụng một trăm bộ Kinh từ lời Phật dạy được chuyển dịch sang Tạng ngữ (Kangyur) cùng với đại chúng, Rinpoche ngồi kế bên Đức Dalai Lama và tôi ngồi ngay phía sau ngài. Khi một trang trong bài Kinh của Đức Dalai Lama bị gió thổi bay đi, Rinpoche dường như phóng ra khỏi chỗ ngồi để nhặt trang Kinh ngay lập tức. Bình thường, ngài cần có người giúp đỡ để đứng lên. Trong dịp này ở Tu Viện Kyi, Rinpoche cũng chạy thật nhanh lên con đường mòn trên dốc núi mà không cần ai giúp đỡ.
Sau khi Rinpoche cúng dường xong, chư tăng ở Kyi đã mời ngài ngủ qua đêm ở đó, nhưng Rinpoche từ chối, nói rằng ngài phải đến làng Kyibar vào tối hôm đó. Nếu muốn gặp lại ngài thì họ phải đến ngôi làng đó. Rồi ngài vội ra đi, sau khi đã gián tiếp ban cho thông điệp về những gì sắp sửa xảy ra.
Khi Rinpoche và đoàn tùy tùng đến làng Kyibar ở vùng cao nguyên, họ tới nhà của một nông dân mà ngài quen biết. Người đàn ông vẫn còn ở ngoài đồng và không hề trông đợi bất cứ người khách nào. Rinpoche hỏi ông ta có bận rộn trong một vài tuần tới hay không. Người nông dân nói không và thỉnh mời Rinpoche ở lại.
Buổi Tối Rinpoche Viên Tịch Trong Thiền Định
Sau khi tắm rửa và ăn chút ít sữa chua (yoghurt), Rinpoche tụng thuộc lòng bài Tinh Túy Của Giảng Giải Xuất Sắc về Ý Nghĩa Diễn Dịch và Tối Hậu (The Essence of Excellent Explanation of Interpretable and Definitive Meanings) của ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa), mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Khi tụng xong, ngài gọi thầy Ngawang đến và nói rằng ngài thấy không được khỏe, rồi tựa đầu lên vai thầy, một điều mà bình thường Rinpoche không bao giờ làm. Khi nghĩ lại, có lẽ đây là cách ngài nói lời từ biệt. Ngài đã gởi thầy Chondzeyla đi Simla trước khi tất cả những việc này xảy ra, vì chắc chắn là thầy khó mà chứng kiến nổi những điều sẽ xảy ra. Thầy Chondzeyla đã sống với Rinpoche từ năm sáu tuổi, và ngài đã nuôi nấng thầy như con trai của mình.
Thầy Ngawang hỏi có nên đi tìm bác sĩ hoặc mua thuốc hay không, nhưng Rinpoche nói không cần. Khi thầy Ngawang hỏi thầy còn có thể làm thêm điều gì nữa hay không thì Rinpoche nhờ thầy dìu vô phòng vệ sinh, và thầy Ngawang đã làm theo ý ngài. Sau đó, Rinpoche bảo thầy làm giường cho ngài. Thay vì dùng tấm trải giường màu vàng mà ngài luôn luôn dùng, Rinpoche bảo thầy dùng tấm trải màu trắng. Trong pháp tu Mật điển, màu vàng được sử dụng trong các nghi lễ để gia tăng khả năng giúp đỡ người khác, trong khi màu trắng dùng để điều phục chướng ngại.
Sau đó, Rinpoche bảo hai thầy Ngawang và Kachen Drubgyel vào phòng ngủ của ngài, và họ đi vào. Rồi Rinpoche nằm nghiêng mình bên mặt, theo tư thế kiết tường của Đức Phật. Thay vì để tay theo tư thế tiêu chuẩn, tay trái bên hông trái và tay mặt đặt dưới gương mặt như ngài thường làm khi ngủ, ngài bắt chéo hai tay theo tư thế ôm choàng trong Mật điển, rồi ngài bắt đầu hít thở sâu và viên tịch, rõ ràng là bằng quá trình thiền định “cho và nhận” (tonglen). Ngài thọ 69 tuổi và sức khỏe hoàn toàn tốt. Tôi vừa mới đưa ngài đi khám nghiệm sức khỏe tại Delhi hai tháng trước.
Vào đúng thời điểm đó, trong khi Đức Dalai Lama vẫn còn trên đường bay đến Geneva thì Chủ Tịch Arafat đột nhiên đổi ý và quyết định hoãn lại chuyến viếng thăm Thụy Sĩ. Nhờ vậy, nguy cơ khủng bố tại phi trường đã được ngăn chận. Dù tánh mạng của Đức Dalai Lama không còn bị nguy hiểm, nhưng đoàn xe hộ tống của Ngài đã đi lạc trên đường từ phi trường đến khách sạn. Tuy nhiên, Đức Dalai Lama đã tránh được nguy hiểm. Serkong Rinpoche đã thành công trong việc nhận lãnh chướng ngại của Đức Dalai Lama và hy sinh năng lượng sinh tồn của mình.
Pháp Thiền Cho Và Nhận Rinpoche Đã Sử Dụng Để Nhận Lãnh Chướng Ngại
Cho và nhận là pháp tu cao cấp của chư Bồ tát để nhận lãnh chướng ngại của tha nhân và trao tặng hạnh phúc cho họ. Khi dạy về pháp tu này, Rinpoche nói rằng chúng ta cần phải sẵn sàng nhận lấy nỗi khổ của người khác, thậm chí đến mức phải hy sinh đời mình. Ngài luôn nhắc đến câu chuyện mà Kunu Lama Rinpoche kể về một người trong huyện nhà của ngài đã nhận lấy vết thương trên đầu của một người khác, vì vậy mà ông đã qua đời. Khi chúng tôi hỏi Rinpoche là nếu ngài làm việc này thì không phải là điều uổng phí hay sao, Rinpoche trả lời là không. Ngài giải thích là điều này giống như một phi hành gia hy sinh mạng sống của mình vì lợi ích cho đà tiến bộ khoa học của thế giới. Giống như tấm gương và danh tiếng của phi hành gia anh hùng sẽ bảo đảm một số tiền trợ cấp đáng kể cho gia đình của ông ta, tấm gương anh hùng hy sinh thân mạng của vị lama cũng sẽ cung cấp chất liệu dinh dưỡng tâm linh cho các đệ tử của ngài.
An Trụ Ba Ngày Trong Thiền Định Vào Lúc Viên Tịch
Serkong Rinpoche an trụ ba ngày trong thiền định thanh quang vào lúc viên tịch. Những hành giả có khả năng điều khiển tái sanh của mình thường nhập định như một phần trong quá trình khơi mào hay tiếp tục dòng tái sanh của các lama. Trong suốt thời thiền định, tim của các hành giả vẫn còn hơi ấm và thân thể không bắt đầu phân hủy, dù họ đã tắt thở. Thường thì các vị lama vĩ đại trụ trong trạng thái này trong vài ngày, sau đó thì đầu họ gục xuống và máu rỉ ra từ mũi, đó là dấu hiệu cho thấy tâm thức các ngài đã rời khỏi thân thể.
Khi những dấu hiệu này xảy ra cho Serkong Rinpoche thì cầu vồng hiện ra và ánh sáng kỳ diệu xuất hiện trên ngọn đồi khô cằn, nơi được chọn để làm lễ trà tỳ cho ngài. Dù người ta đã nhắn tin đến Tu Viện Namgyal của Đức Dalai Lama tại Dharamsala để chư tăng đến làm lễ trà tỳ, nhưng phái đoàn không đến kịp thời. Chư tăng Spiti đã làm nghi lễ một cách khiêm tốn như ý nguyện của Rinpoche. Không lâu sau đó, một suối nước ngọt có năng lực chữa bệnh đã phun lên tại nơi làm lễ trà tỳ. Suối nước vẫn chảy cho đến ngày nay, và nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương. Đúng chín tháng sau, vào ngày 29 tháng 5, năm 1984, Rinpoche đã chào đời một lần nữa, cũng ở Spiti, trong một gia đình cơ hàn.
Điều Khiển Tái Sanh Của Mình
Vài năm trước đó, Rinpoche gặp một cặp vợ chồng tên là Kunzang Chodron và Tsering Chodrag, và ngài có ấn tượng rất tốt với cả hai. Là những hành giả tinh tấn, họ nói với ngài ước nguyện sâu xa nhất của họ là được trở thành tăng ni. Vị trưởng làng phản đối việc này, vì khi những người có con mọn vào chùa đi tu thì sẽ tạo ra nhiều vấn đề khác. Trước hết, họ phải nuôi con khôn lớn. Rinpoche tán thành ý kiến của vị trưởng làng. Họ chính là cha mẹ mà Rinpoche chọn cho tái sanh kế tiếp của ngài, và ngài trở thành đứa con thứ tư của họ.
Các đệ tử dùng nhiều phương pháp để xác định vị trí tái sanh của một lama vĩ đại, người đã làm chủ được công phu thiền định vào phút lâm chung. Các phương pháp này bao gồm việc tư vấn các nhà vấn linh (oracle) và giấc mơ của các đạo sư có thực chứng cao cả nhất. Ứng viên cuối cùng sẽ phải nhận đúng một vài vật sở hữu của vị lama đã viên tịch, trong số nhiều món đồ tương tự như nhau. Tuy nhiên, Đức Dalai Lama cảnh cáo rằng không nên chỉ dựa vào những phương tiện này. Đứa bé cần phải biểu lộ dấu hiệu rõ rệt về thân phận của mình trước khi được xem là một ứng viên nghiêm túc.
Nhận Ra Vị Tái Sanh Của Rinpoche
Người dân ở Spiti xem Serkong Rinpoche như một vị thánh, gần như mỗi gia đình đều có hình của ngài. Khi vị Serkong Rinpche nhỏ vừa biết nói, ngài đã chỉ vào hình của Rinpoche treo trên tường trong nhà của cha mẹ ngài và nói: “Đó là con!”. Sau đó, khi thầy Ngawang đến thăm để quan sát đứa bé thì thằng bé lập tức chạy ùa vào vòng tay thầy. Chú bé muốn trở về tu viện của mình với thầy.
Không ai có chút nghi ngờ gì về việc cậu bé là ai. Dù sao đi nữa thì một vài năm trước đó, một nhóm phụ nữ danh tiếng ở Spiti đã thỉnh cầu Rinpoche tái sanh tại thung lũng của họ vào kiếp sau. Việc xin giấy phép của chánh phủ Ấn Độ để thăm viếng vùng biên giới xa xôi của họ luôn là cả một vấn đề. Một tái sanh như vậy sẽ giúp cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Vô cùng vinh dự, cha mẹ của vị Rinpoche nhỏ đã cho phép ngài đi Dharamsala vào lúc 4 tuổi. Dù thỉnh thoảng cha mẹ ngài cũng đến thăm viếng, nhưng ngài không bao giờ hỏi thăm về họ, hay tỏ vẻ nhớ họ. Từ buổi đầu, ngài đã hoàn toàn thoải mái với các thành viên trong gia đình tiền kiếp của ngài. Họ đúng là gia đình chân thật của ngài.
Vị Thầy Tái Sanh Nhận Ra Tôi Vào Buổi Gặp Gỡ Đầu Tiên
Tôi đã rời Ấn Độ trong một chuyến thuyết pháp khi Rinpoche vừa đến Dharamsala. Một vài tháng sau, khi trở về Ấn Độ, tôi đến gặp ngài và cố gắng không có quá nhiều kỳ vọng, hay quá hoài nghi. Khi tôi bước vào phòng của Rinpoche, thầy Ngawang hỏi cậu bé có biết tôi là ai không. Cậu bé trả lời rằng: “Đừng có ngốc. Dĩ nhiên ta biết ông ấy là ai!”. Vì tấm hình chụp tôi đang thông dịch cho buổi gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Serkong Rinpoche đời trước tại tòa thánh Vatican được treo nổi bật trên tường trong phòng Rinpoche, tôi nghĩ có thể là ngài nhìn ra tôi qua tấm hình ấy. Tuy nhiên, từ phút đầu gặp gỡ, vị Rinpoche nhỏ bé đã đối xử với tôi một cách hoàn toàn quen thuộc và thoải mái, như một người thân trong gia đình. Một đứa bé 4 tuổi không thể nào giả vờ một việc như thế. Điều này, hơn bất cứ điều gì, đã thuyết phục tôi về việc đứa bé này là ai.
Năm 1998, Rinpoche Mười Bốn Tuổi
Giờ đây, vào năm 1998, vị Serkong Rinpoche trẻ được 14 tuổi. Chủ yếu là ngài sống và tu học ở tu viện của mình tại Mundgod, và mỗi năm, đến Dharamsala một hay hai lần, khi Đức Dalai Lama ban các giáo huấn quan trọng. Thầy Chondzeyla và người đầu bếp cũ của Rinpoche đã qua đời, còn thầy Ngawang thì đã hoàn tục, kết hôn và hiện đang sống ở Nepal. Rinpoche có một gia đình tăng đoàn mới để lo lắng cho ngài, tất cả đều là những người do chính ngài đã từng lựa chọn trong kiếp trước. Ví dụ như ngài đã tự chọn hai cậu bé 10 tuổi từ Spiti và Kinnaur để gia nhập vào gia đình của mình và họ đã làm thị giả cho ngài trong vài tháng cuối cùng trong đời trước của ngài.
Dù có tính khôi hài và cách tiếp cận thực tế giống như vị tiền nhiệm, vị Serkong Rinpoche trẻ có cá tính riêng của mình. Điều tiếp nối từ đời trước đến đời sau là tài năng, khuynh hướng và sự nối kết của nghiệp dĩ. Trong mối quan hệ của tôi đối với ngài, tôi có cảm giác như thể mình là một thành viên trong phi hành đoàn của Thuyền Trưởng Kirk trong bộ phim chánh Star Trek, rồi bây giờ lại gia nhập vào đội ngũ của Thuyền Trưởng Picard trong phim Star Trek: The Next Generation. Mọi việc đã đổi thay, nhưng chắc chắn là có một sự tiếp nối.
Giữ Vai Trò Thứ Yếu Trong Việc Dạy Dỗ Rinpoche
Cho đến nay, tôi giữ vai trò thứ yếu trong việc dạy dỗ Serkong Rinpoche. Tôi cảm thấy Rinpoche đời trước chủ yếu có ý muốn phục vụ người dân của ngài. Đã có quá nhiều các lama vĩ đại dấn thân giảng dạy ở phương Tây, hay các khu vực châu Á, ngoài lãnh vực văn hóa truyền thống của các vị, và điều này gây thiệt hại cho chính người Tây Tạng. Nếu hình thái của Phật giáo Tây Tạng phải sinh tồn theo hình thức trọn vẹn nhất thì việc rèn luyện thế hệ Tây Tạng tương lai là điều thiết yếu. Lý do là hiện nay, toàn bộ giáo pháp của Đức Phật chỉ có mặt trong Tạng ngữ. Rinpoche đã ban cho tôi hoàn cảnh tốt đẹp nhất để tu học và phát triển bản thân. Để đền đáp lại lòng tốt của ngài, tôi cũng tìm cách hỗ trợ ngài như những gì ngài đã giúp tôi trước đây.
Để tránh sự xung đột về văn hóa, tôi đã không tham gia vào chương trình giáo dục hiện đại của Rinpoche. Trên thực tế, tôi cố tránh liên lạc quá nhiều với ngài, dù mỗi khi gặp nhau, mối liên hệ chặt chẽ giữa hai chúng tôi là điều vô cùng hiển nhiên. Thay vì vậy, tôi đã sắp đặt các vị thầy Tây Tạng địa phương dạy cho ngài môn Anh ngữ, khoa học và xã hội học, theo đúng giáo trình được các trường học Tây Tạng tại Ấn Độ sử dụng. Kết quả là Rinpoche có thể liên hệ với người dân của mình một cách trọn vẹn. Tôi cũng không bao giờ đưa ngài sang Tây phương, hay mua cho ngài một máy vi tính, hoặc trò chơi video, và tôi đã ngăn cản người khác cúng dường cho ngài những thứ này. Có quá nhiều các vị lama tái sanh trẻ cảm thấy các trò chơi vi tính và video chiến đấu hấp dẫn hơn chương trình tu học truyền thống của mình.
Cầu Nguyện Để Được Làm Đệ Tử Của Ngài Một Lần Nữa
Tôi không biết đường hướng giáo dục của mình đã góp phần ra sao, nhưng Rinpoche biểu lộ một sự tự tin sâu sắc và hoàn toàn thoải mái với nền văn hóa của ngài. Điều này chỉ có thể tạo lợi lạc cho ngài và cho tất cả những ai mà ngài sẽ gặp gỡ trong tương lai. Ngài có thể tự học hỏi về phương Tây khi đến tuổi trưởng thành. Tôi cầu nguyện cho mình có thể được làm đệ tử của ngài một lần nữa trong kiếp sau.