Lời Khuyên Chung Của Rinpoche Cho Phật Tử

Quan Tâm Đến Vị Thầy Của Mình

Serkong Rinpoche luôn luôn nhấn mạnh về việc quan tâm đến tất cả các lama và không làm tốn thì giờ của các ngài. Ngài đề nghị mọi người không nên hành động như những người mộ đạo ở vùng Spiti. Khi xếp hàng để dâng khăn lễ (kata), các tín đồ của ngài ở Spiti chờ cho đến khi họ đứng trước mặt ngài mới lễ lạy, mỗi một người lần lượt làm như vậy. Một thông lệ như vậy thường có thể mất hàng giờ. Hơn nữa, khi nêu ra thắc mắc với một vị lama, Rinpoche khuyên ta đừng bao giờ kể chuyện dông dài, hay ra vẻ phô trương. Trên thực tế, ngài dặn tôi đừng bao giờ thông dịch những câu hỏi như vậy theo nghĩa đen, mà chỉ cần đề cập đến điểm chánh.

Hơn nữa, Rinpoche không muốn khách thăm viếng luôn dâng kata cho ngài và cúng dường những món mà ngài thường gọi là những hộp bánh quy “không ra hồn”. Ngài nói nếu ai muốn cúng dường cho một vị lama thì nên dâng cúng món gì thật tốt đẹp mà vị thầy ưa thích, hay có thể sử dụng được. Hơn nữa, nếu có ai gặp ngài thường xuyên, chẳng hạn như tôi thì ngài bảo đừng mang đồ cúng dường nữa, vì ngài không muốn hay cần bất cứ thứ gì.

Nếu Điều Gì Không Xảy Ra Theo Dự Tính Thì Dùng Lý Lẽ Thông Thường Để Giải Quyết Vấn Đề Và Chuẩn Bị Kế Hoạch Khác

Rinpoche luôn khuyên người khác dùng lý lẽ thông thường để giải quyết vấn đề. Vì vậy, ngài không thích người ta nhờ ngài bói toán về những việc thế tục. Trường hợp duy nhất thích hợp cho việc bói toán là khi người ta không thể giải quyết vấn đề bằng các giải pháp bình thường, đặc biệt là vấn đề liên quan đến phương diện tâm linh. Có một lần, tôi gặp khó khăn về tiền mướn nhà và nhờ Rinpoche xem một quẻ bói để cho lời khuyên tôi phải làm gì. Rinpoche đã đuổi tôi đi và bảo tôi đi gặp luật sư.

Hơn nữa, khi dự tính bất cứ việc gì, lời khuyên của Rinpoche là luôn luôn chuẩn bị ít nhất ba kế hoạch. Sự uyển chuyển như vậy sẽ giúp ta không hoảng hốt và cảm thấy bất lực, nếu như kế hoạch bị thất bại. Nếu có sẵn một vài phương pháp khác nhau thì ta sẽ cảm thấy an toàn, vì tin tưởng là ít nhất một trong những kế hoạch này sẽ hữu hiệu.

Tuy nhiên, đôi khi các đệ tử trở nên phụ thuộc vào bói toán, nên họ không muốn tự mình suy tính. Những người như vậy muốn người khác quyết định mọi việc cho họ, để trốn tránh trách nhiệm trong đời sống. Dù việc tư vấn với thầy về những quyết định lớn lao thường là điều hữu ích, cách chắc chắn nhất để làm việc này là tiếp thu giá trị của riêng mình. Thậm chí nếu vị lama có vắng mặt thì những giá trị này sẽ luôn luôn có mặt để giúp ta chọn lựa cách hành động khôn ngoan nhất.

Đặc biệt là Rinpoche khuyên người khác đừng bao giờ đem một câu hỏi đến thỉnh cầu nhiều vị lama khác nhau bói toán, cho đến khi họ nhận được câu trả lời vừa ý. Việc thỉnh cầu một quẻ bói ngụ ý là ta đã tin tưởng vị lama đó. Điều này có nghĩa là ta sẽ phải làm bất cứ điều gì vị lama khuyên bảo. Thêm vào đó, Rinpoche cảnh cáo về việc đến với một lama và nói rằng một vị thầy khác bảo con làm điều này hay điều kia, nhưng thầy nghĩ sao? Con có nên làm như vậy hay không? Đặt vị lama vào tình trạng khó xử khi phải nói rằng lời khuyên của một vị thầy khác không đúng là một điều thiếu tế nhị.

Học Cách Đặt Câu Hỏi Một Cách Đúng Đắn

Trên thực tế, phần đông người Tây phương không biết cách đặt câu hỏi đúng đắn với các vị lama. Khi họ tới để hỏi ngài những điều ngớ ngẩn, thường thì Rinpoche sẽ sửa sai. Thí dụ, nếu một người nào đó không biết có nên tham dự một lễ quán đảnh hay không thì cách hỏi “Tham dự lễ quán đảnh này có tốt hay không?” là một điều kỳ quặc. Dĩ nhiên là tốt, bởi vì không thể nói tham dự lễ quán đảnh là xấu. Và nếu có ai hỏi, “Con có nên dự lễ quán đảnh hay không?”, ngụ ý là “Con có bắt buộc phải tham dự hay không?”. Không ai bắt buộc phải dự lễ quán đảnh. Khi xin lời khuyên của một vị thầy về những vấn đề như vậy, tốt hơn hết là nên đặt câu hỏi như vầy, “Ngài khuyên con nên làm gì?”

Hơn nữa, khi đến tìm vị lama và xin phép để nhận lễ quán đảnh mà ngài sẽ ban cho thì câu hỏi, “ Con có thể nhận lễ quán đảnh hay không?” là điều dại dột. Câu này ngụ ý là, “Con có khả năng hay không?” và điều này hoàn toàn ngớ ngẩn. Cách đúng đắn để đặt câu hỏi là “Con xin nhận lễ quán đảnh được không, thưa Thầy?”, bởi vì khi xin gia hạn giấy nhập cảnh (visa) để ở ngoại quốc lâu hơn, chỉ có một thằng ngốc mới hỏi “Tôi có thể ở lại lâu hơn hay không?”. Cách xin phép một cách chín chắn là “Tôi muốn ở lại đây lâu hơn, xin ông/bà vui lòng phê chuẩn giùm.”.

Một lần nọ, Turner liên tiếp làm phiền Rinpoche suốt vài tháng về việc ban cho anh lễ cho phép khấn nguyện Hộ Pháp Mahakala Lục Thủ (Six-armed Mahakala). Cuối cùng, khi Rinpoche đồng ý, Turner lại hỏi ngài hành trì cam kết trì tụng mỗi ngày là gì. Rinpoche gần như đánh anh ấy và mắng là anh nên sẵn sàng làm bất cứ điều gì được nêu ra như hành trì cam kết.

Tìm Hiểu Hành Trì Cam Kết Trước Khi Chấp Nhận Cam Kết

Rinpoche rất không hài lòng khi người Tây phương cố thương lượng về cam kết trì tụng (recitation commitment) sau lễ quán đảnh. Ngài luôn nhấn mạnh người ta chỉ nhận lễ quán đảnh của một vị Bổn Tôn đặc biệt nào đó vì ước nguyện chân thành muốn tu tập pháp tu đó để đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Nếu như người ta chỉ dự lễ quán đảnh để có được “cảm giác thiêng liêng”, hay tại vì mọi người xung quanh đều tham dự, thì ngài thấy đó là điều lố bịch. Việc dự lễ quán đảnh với chủ ý chỉ làm một kỳ nhập thất ngắn hạn, rồi quên đi hành trì thiền quán cũng là điều không đúng đắn. Hành trì cam kết đối với một pháp tu Mật điển là công phu cho suốt cả cuộc đời.

Rinpoche nhấn mạnh việc quán xét pháp tu và vị thầy một cách kỹ càng, trước khi dấn thân tu tập, chứ không phải chờ đến sau khi tu tập rồi mới tìm hiểu. Rinpoche thấy rằng đây là sai lầm chánh mà người Tây phương mắc phải. Chúng ta có khuynh hướng chạy theo mọi việc quá sớm. Rinpoche cảnh báo chúng ta không nên giống như người điên chạy trên mặt hồ đóng băng, rồi dùng cây thọt vào tảng băng sau lưng để xem nó có đủ cứng để chịu đựng sức nặng của mình hay không.

Rinpoche nói rằng người ta có thể tham dự buổi thuyết pháp của bất cứ vị thầy nào, và vì phép lịch sự, thậm chí còn đảnh lễ chiếc áo cà sa của vị thầy hay bức tranh Phật treo trong phòng nữa. Tuy nhiên, việc trở thành đệ tử của một vị thầy là một chuyện khác. Ngài còn nói với tôi là tôi có thể thông dịch cho bất kỳ vị lama nào, nhưng làm việc với một người nào đó không có nghĩa là nhận người đó làm thầy. Ngài giải thích rằng điều này đúng, ngay cả nếu tôi có thông dịch cho một lễ quán đảnh Mật điển. Điều cốt yếu là thái độ của mình đối với vị thầy.

Đừng Vội Trở Thành Tăng Ni


Rinpoche cũng cảm thấy nhiều người Tây phương trở thành tăng ni quá vội vàng mà không tìm hiểu xem đây có thật sự là cách sống mà họ muốn có được trong suốt quãng đời còn lại hay không. Thường thì họ không nghĩ tới việc xuất gia sẽ ảnh hưởng cha mẹ mình như thế nào, hay họ sẽ làm sao để tự sinh sống trong tương lai. Dĩ nhiên, nếu giống như các hành giả xuất thế vĩ đại trong quá khứ thì người ta không cần phải nghĩ về những yếu tố gia đình hay tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta phải tự biết mình có phải là Milerepa hay không.

Trong bối cảnh này, Rinpoche thường xuyên nêu gương của Drubkang Geleg-gyatso. Vị đại sư Tây Tạng vĩ đại này muốn trở thành một nhà sư từ lúc trẻ, nhưng gia đình của ông không chấp nhận và rất buồn rầu. Vì vậy, ông đã phụng sự cha mẹ chu đáo khi ông bà còn sanh tiền, và khi họ qua đời, ông đã hiến tặng của cải thừa hưởng được cho các công trình xứng đáng, rồi mới xuất gia.

Rinpoche luôn luôn nhấn mạnh việc tôn kính và phụng sự cha mẹ. Là Phật tử Tây phương, chúng ta hời hợt nói đến việc nhận thức tất cả chúng sanh đã từng là cha mẹ của mình trong tiền kiếp và muốn đền đáp công ơn của họ, nhưng ở mức độ riêng tư, nhiều người trong chúng ta thậm chí còn không thuận thảo với cha mẹ của mình trong kiếp này. Rinpoche dạy rằng việc phụng sự và hiếu thảo với cha mẹ thật sự là một pháp tu cao cả trong Phật pháp.

Nếu người ta tìm hiểu kỹ càng trước rồi mới trở thành tăng ni, hay nếu đã nhận giới xuất gia thì Rinpoche giải thích là đừng đi nửa đường như một con dơi. Khi một con dơi ở trong đàn chim và không muốn làm theo những gì những con chim đang làm thì nó sẽ bảo rằng, “Ồ, tôi không thể làm như vậy. Tôi có răng mà.”. Khi ở trong đàn chuột, dơi nói rằng, “Ồ, tôi không thể làm như vậy. Tôi có cánh mà.”. Hành động như thí dụ này chỉ là lợi dụng sự tiện lợi của chiếc áo cà sa. Khi một người không muốn làm bất cứ hoạt động nào của giới cư sĩ, chẳng hạn tự lo cho mình về mặt tài chánh, họ sẽ viện cớ vì chiếc áo cà sa để thoái thác công việc. Khi không quan tâm đến một hình thức hay buổi lễ nào, chẳng hạn như tham dự một buổi lễ dài hay du hành trong chiếc áo tu, người ta sẽ viện lý do là người Tây phương. Như Rinpoche có nói, “Bạn đang lừa phỉnh ai đây?”

Dấn Thân Tu Tập Không Phải Là Một Cái Cớ Để Khỏi Tìm Việc Làm

Rinpoche giải thích rằng điều này không có nghĩa là các hành giả Phật giáo không nên đi làm. Dù là cư sĩ hay người xuất gia, tất cả mọi người cần phải thực tế. Ngài dạy là cách giữ gìn tâm ý và lời nói quan trọng hơn việc bận tâm đến thân thể. Vì vậy nên ngài ban những lời khuyên tu tập thuộc về khía cạnh tinh thần cho các hành giả có công phu sâu dày mà phải tự nuôi thân. Trong lúc làm việc, chúng ta có thể tụng chú và trải rộng cảm giác ấm áp, tâm từ bi. Nếu đã nhận lễ quán đảnh Mật điển và khó tư duy về các giáo pháp trong lúc làm việc thì ít nhất, ta có thể chuyển hóa hình ảnh về bản thân. Trong cả ngày, ta có thể cố gắng tưởng tượng mình là Bổn Tôn, và môi trường xung quanh là tịnh độ hoàn hảo, thuận lợi cho việc phát triển tâm linh, rồi vào sáng sớm và buổi tối, ta có thể hành trì pháp quán tưởng chi tiết trong nghi quỹ. Rinpoche luôn luôn nhấn mạnh ta không nên xem Phật pháp là điều gì tách biệt với đời sống.

Qua nhiều năm, Turner thất nghiệp, sống với vợ con và nhận tiền trợ cấp ở Anh quốc. Anh dùng gần toàn bộ thời gian để nhập thất miên mật. Anh nghĩ tại sao phải phí thì giờ đi làm, khi có thể thực hành giáo pháp? Gần đây, Rinpoche ban cho anh lễ cho phép hành trì Đức Mahakala Trắng (White Mahakala), một Hộ Pháp liên quan với sự thịnh vượng, và anh cầu nguyện hàng ngày để có thể giải quyết khó khăn về tài chánh. Rinpoche không hài lòng chút nào. Ngài nói làm như vậy thì giống như một người bệnh cầu nguyện với Đức Phật Dược Sư để hết bệnh, nhưng chẳng bao giờ chịu uống một thứ thuốc nào. Ngài bảo Turner nên tìm một công việc và chỉ thực hành thời công phu ngắn vào buổi sáng và buổi tối, rồi việc thỉnh nguyện Đức Mahakala Trắng sẽ giúp công việc của anh thành công về mặt tài chánh.

Luôn Luôn Thực Tế Và Có Năng Lực

Rinpoche thích người khác có năng lực và đầu óc thực tế, chứ không mơ hồ. Vì vậy, ngài thích việc hành trì và tụng niệm một cách nhanh chóng. Một lần nọ, các đệ tử ở Ghepheling Centre (Trung Tâm Ghepheling) ở Milan, nước Ý thỉnh cầu ngài hướng dẫn một thời thiền để kết thúc khóa thuyết pháp về trình tự đường tu giác ngộ (lam-rim) và pháp tu Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), Rinpoche đồng ý và bảo họ phát khởi quán tưởng tự thân là Quán Thế Âm bằng một quá trình gồm sáu bước, rồi thiền quán vài chục điểm về lam-rim và thực hiện tất cả các điều này trong hai phút. Khi các đệ tử tỏ vẻ hoài nghi và phản đối là ngài đã cho quá ít thời giờ để thực hành tất cả các pháp tu này, Rinpoche dịu giọng và nói rằng, “Được rồi, các con hãy thực hành trong ba phút.”, rồi ngài giải thích rằng một hành giả giỏi có thể thiền quán về toàn bộ lam-rim trong lúc gát chân qua yên ngựa, khi lên ngựa. Khi cái chết đến, chúng ta sẽ không có thì giờ để ngồi ngay ngắn và quán tưởng theo một quá trình chậm rãi, từng bước một.

Thực Tiễn Trong Việc Tu Hành

Rinpoche nhấn mạnh nhu cầu có đầu óc thực tế trong mọi khía cạnh tu hành Phật pháp. Đây là điểm đặc biệt quan trọng, nếu chúng ta là những vị bồ tát muốn làm lợi lạc cho người khác. Dù từ phía mình, chúng ta luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ, nhưng cần phải nhớ rằng người khác có cởi mở để nhận sự hỗ trợ của mình hay không, và cuối cùng, nỗ lực của mình có thành công hay không còn tùy thuộc vào nghiệp của họ, đó là những tập khí trong quá khứ tạo ra tình trạng tâm thức của họ. Vì vậy, Rinpoche phản đối việc giúp đỡ người khác về những vấn đề không liên quan đến bản thân mình, hay khi người khác không muốn nhận sự giúp đỡ. Can thiệp vào những việc như vậy chỉ sẽ gây ra sự bất bình và bị đổ thừa, nếu ta giúp đỡ mà không thành công.

Không Hứa Hẹn Quá Khả Năng Của Mình

Tốt hơn hết là luôn luôn khiêm hạ. Chúng ta có thể cho người khác biết là mình sẵn sàng giúp đỡ họ và nếu họ cần thì chắc chắn là mình có thể can thiệp vào vấn đề của họ. Tuy nhiên, nên tránh tự quảng cáo mình là “bồ tát cho thuê”. Tốt nhất là chỉ lo việc tu tập hàng ngày và sống một cách khiêm nhường. Rinpoche đặc biệt cảnh cáo về việc hứa hẹn nhiều hơn những gì mình có thể thực hiện, hay công bố rằng mình sẽ thực hiện hay hoàn thành điều gì đó trong tương lai. Điều này chỉ tạo thêm nhiều chướng ngại và cuối cùng, nếu không thực hiện được điều mình tuyên bố, ta sẽ biến mình thành trò hề cho thiên hạ và mất hết uy tín.

Việc không hứa hẹn nhiều hơn những gì mình có thể làm đặc biệt liên quan đến mối quan hệ giữa bản thân và vị thầy tâm linh. Rinpoche nói ta nên luôn luôn noi theo tôn chỉ trong tác phẩm Bổn Sư Ngũ Thập Kệ Tụng (Fifty Stanzas on the Guru) của Mã Minh (Ashvaghosha) mà ngài trì tụng hàng ngày như một thành phần của công phu tu tập. Nếu thầy bảo ta làm điều gì mà vì lý do nào đó, ta không thể làm theo thì cần phải giải thích với thầy một cách khiêm tốn nhã nhặn lý do tại sao ta không thể làm theo lời thầy. Rinpoche nhấn mạnh là việc hết lòng sùng mộ một đạo sư không phải là để trở thành nô lệ hay một người máy (robot), mà là để học đứng vững bằng đôi chân của mình, tự suy nghĩ và giác ngộ. Nếu không thể làm theo điều thầy đề nghị thì việc mang cảm giác tội lỗi vì đã làm thầy thất vọng và mình là đệ tử hư hỏng là điều hoàn toàn không thích hợp. Một vị thầy tâm linh không phải là một bạo chúa vô lý.

Nếu ta đồng ý làm một điều gì cho người nào, dù là làm cho thầy mình hay người nào khác, Rinpoche khuyên ta nên làm sáng tỏ sự việc ngay từ đầu. Chúng ta sẽ rước họa vào thân nếu như đã đồng ý làm việc như một người làm việc giỏi ngây thơ, rồi trong khi đang làm hay sau khi toàn tất công việc mới tuyên bố là mình muốn có sự đền đáp. Rinpoche dạy rằng nếu chúng ta có đầu óc thiết thực, thực tế và thông suốt mọi việc trước khi bắt tay vào việc thì công việc của cả hai phương diện thế tục và tâm linh đều sẽ được suông sẻ. Ta sẽ không thành công trong cả hai phương diện, nếu không có đầu óc thiết thực và thực tế mà vội vã làm mọi việc một cách thiếu suy nghĩ.

Lời Khuyên Cho Các Trung Tâm Phật Giáo

Rinpoche có lời khuyên tương tự như vậy đối với các trung tâm Phật giáo phương Tây. Ngài khuyên họ nên tránh phát triển quá lớn đến nỗi tự tạo gánh nặng cho mình với nợ nần và hứa hẹn về những đề án mà họ không có khả năng thực hiện hay hoàn thành. Ngài nói nên khởi đầu bằng việc nhỏ và khiêm tốn, và tránh ý muốn đặt trung tâm ở vùng quê hẻo lánh. Các trung tâm Phật giáo cần phải tiện lợi cho người dân thành phố đi lại và những người sinh sống trong trung tâm có thể tìm được công việc gần đó. Nếu có nhu cầu, nhóm Phật tử có thể bán trung tâm hiện tại và mua một trung tâm lớn hơn, nhưng tất cả đều phải được thực hiện vào thời điểm thích hợp.

Mục tiêu của các trung tâm Phật giáo không phải là để lôi cuốn đám đông với quảng cáo khoác lác như một gánh xiệc. Rinpoche luôn luôn ưa chuộng những nhóm nhỏ có các đệ tử chân thành hơn. Hơn nữa, đối với việc chọn lựa thầy, điểm chính không phải là vị thầy đó thú vị ra sao, hay những câu chuyện mà thầy kể buồn cười như thế nào. Nếu muốn vui cười hay xem điều gì kỳ lạ thì ta có thể đi xem hề diễn xuất trong gánh xiệc, hay các buổi trình diễn khác.

Top