Serkong Rinpoche: Một Vị Chân Tu

Diện Kiến Đức Dalai Lama Truớc Khi Dọn Sang Đức

Vào tháng 4 năm 1998, tôi trở về nhà ở Dharamsala, Ấn Độ, sau hành trình giảng dạy dài và khoản thời gian miệt mài viết lách tại Mông Cổ và phương Tây. Tôi đã sống ở chân đồi Hy Mã Lạp Sơn từ năm 1969 để tu học và làm việc với cộng đồng tỵ nạn Tây Tạng tụ họp xung quanh Đức Dalai Lama. Giờ đây, tôi đã dời mọi thứ sang Munich ở Đức, nơi mà tôi có thể viết sách một cách đắc lực hơn và giảng dạy Phật pháp thường xuyên hơn. Tôi muốn thưa với Đức Dalai Lama về quyết định này và xin lời khuyên của Ngài. Là vị thầy tâm linh của tôi, trước đây, Đức Dalai Lama đã khuyên tôi hãy tự lượng xem cách sử dụng thời gian như thế nào và ở đâu là hữu hiệu nhất để đem lại sự đóng góp đầy ý nghĩa cho tha nhân. Kinh nghiệm bản thân sẽ là kim chỉ nam đáng tin cậy nhất đối với tôi.

Lần đầu tiên được gặp Đức Dalai Lama gần hai mươi chín năm về trước, tôi đã đến Ấn Độ như một học giả của chương trình Fulbright để viết luận án Tiến Sĩ cho Bộ Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Viễn Đông, Phạn Ngữ và Ấn Ngữ tại Đại Học Harvard. Vào những ngày tháng đó, Phật giáo Tây Tạng được giảng dạy trong chương trình học vấn như một môn học đã chết đi, tương tự như môn Khảo Cứu Cổ Học Ai Cập (Egyptology). Tôi không thể chấp nhận điều này và đã trải qua nhiều năm trời suy đoán mọi việc sẽ ra sao nếu mình sống và suy nghĩ như một Phật tử. Khi gặp gỡ Đức Dalai Lama, tôi bị choáng ngợp với nhận thức là truyền thống cổ xưa này vẫn còn sống động, và đây là một vị thầy hoàn toàn thấu hiểu và thể hiện truyền thống này.

Một vài tháng sau, tôi dâng hiến đời mình cho Đức Dalai Lama, với lời khẩn cầu là Ngài sẽ ban cho tôi cơ hội tu học các giáo huấn chân chính. Tôi mong muốn được phụng sự Ngài và biết rằng chỉ có cách nỗ lực làm việc hết mình thì tôi mới có thể thực hiện được điều này. Đức Dalai Lama từ bi chấp nhận lời khẩn cầu của tôi. Cuối cùng, tôi có được vinh dự lớn là thỉnh thoảng làm thông dịch viên cho Ngài và thiết lập các mối quan hệ giữa Ngài với các lãnh tụ tâm linh, cũng như với các viện nghiên cứu trên khắp thế giới.

Đức Dalai Lama hài lòng với quyết định dọn sang Âu châu của tôi và hỏi thăm về quyển sách kế tiếp mà tôi sẽ viết. Tôi thưa với Ngài là tôi muốn viết về mối quan hệ với một vị thầy tâm linh. Sau khi tham dự ba buổi họp của Hệ Thống Giảng Sư Phật Giáo Người Tây Phương với Đức Dalai Lama tại Dharamsala, tôi đã hiểu rõ quan điềm của Ngài về các vấn đề mà người Tây phương phải đương đầu đối với chủ đề này. Lời bình phẩm duy nhất mà Đức Dalai Lama nêu ra thêm là có quá ít giảng sư thật sự có đầy đủ khả năng, và đây là vấn đề chính.

Phản Ảnh Về Lời Khuyên Của Serkong Rinpoche Về Việc Trở Thành Một Giảng Sư Phật Giáo

Khi rời phòng diện kiến với Đức Dalai Lama, phản ứng đầu tiên của tôi là tự đặt câu hỏi về khả năng làm giảng sư Phật giáo. Qua nhiều năm, tôi đã có cơ hội đặc biệt để tu tập với một số trong các đạo sư Tây Tạng lưu vong nổi bật nhất ở Ấn Độ, trong số đó không chỉ có Đức Dalai Lama, mà còn có ba vị cố trợ giáo của Ngài, và các đại sư là lãnh tụ của một vài truyền thống Phật giáo Tây Tạng. So với các vị này, tôi chẳng có chút trình độ nào cả. Tuy nhiên, tôi nhớ một lời khuyên mà vị thầy chính của tôi, Tsenshap Serkong Rinpoche, vị Thầy Đối Tác Tranh Biện của Đức Dalai Lama, đã ban cho tôi từ năm 1983.

Tôi đã du hành với Rinpoche như một thông dịch viên và thơ ký của ngài trong chuyến hoằng pháp khắp thế giới lần thứ hai, và mới vừa trở về sau một chuyến công du nhỏ tới Caracas, Venezuela. Với sự khuyến khích của Rinpoche, tôi đã chấp nhận lời mời đi thuyết pháp cho một nhóm Phật tử vừa được thành lập ở đó, và đó là việc giảng dạy đầu tiên của tôi. Rinpoche ở tại Tu Viện của Geshe Wangyal ở New Jersey để nghỉ ngơi một vài hôm. Geshe Wangyal, một người Mông Cổ Kalmyk ở nước Nga, là vị thầy đầu tiên của truyền thống Phật giáo Tây Tạng mà tôi gặp được từ năm 1967, dù tôi không bao giờ có cơ hội tu học nhiều với thầy.

Sau khi tôi trở về, Rinpoche không hề hỏi tôi mọi việc ra sao. Đó là phong cách thường ngày của ngài, nên tôi không lấy làm ngạc nhiên. Tuy nhiên, một tuần sau, khi đang ngồi ở bàn ăn sau bữa ăn tối ở Luân Đôn (London), Rinpoche nói rằng, “Trong tương lai, khi con trở thành một giảng sư nổi tiếng và các đệ tử của con xem con như một vị Phật, nhưng con biết rõ là mình chưa giác ngộ thì đừng để điều này làm lung lạc niềm tin rằng các vị thầy của con là Phật.”. Đó là tất cả những gì ngài đã nói và rồi cả hai chúng tôi đều giữ yên lặng. Tôi đã mất nhiều năm để hiểu ra sự thâm thúy trong lời khuyên của ngài.

Chứng Thực Của Lama Zopa Về Việc Tsenshap Serkong Rinpoche Là Một Vị “Chân Tu”

Có một lần Lama Zopa Rinpoche, một đại sư Tây Tạng lừng danh ở phương Tây, đã nói rằng nếu bạn muốn gặp một lama chân chính thì ví dụ tốt nhất là Tsenshap Serkong Rinpoche. Lama Zopa không dùng chữ lama trong tiếng Tây Tạng theo một trong những ý nghĩa lỏng lẻo hơn như đơn thuần là một vị sư hay một vị chủ lễ đã hoàn tất ba năm nhập thất miên mật. Ngài cũng không sử dụng danh từ này theo ý nghĩa là một “vị lama tái sanh”, người có khả năng kiểm soát việc tái sanh của mình và mang danh hiệu Rinpoche, “Bậc Tôn Quý”. Ngài có ý nói về một vị lama theo ý nghĩa nguyên thủy của danh từ này, đó là một vị thầy tâm linh có đầy đủ phẩm hạnh cao quý. Vì vậy, có lẽ cách hữu hiệu để khởi sự giải thích về việc một vị thầy như vậy có nghĩa là gì và một đệ tử sẽ liên hệ với một bậc thầy như thế ra sao là vẽ ra một chân dung bằng ngôn từ về Serkong Rinpoche và sự liên hệ giữa tôi với ngài. Xin cho phép tôi làm điều này bằng nghệ thuật cắt dán các hình ảnh và kỷ niệm.

Top