Vai Trò Trợ Giáo Cho Đức Dalai Lama
Tsenshap Serkong Rinpoche là một người đàn ông vạm vỡ, một nhà sư cạo đầu, đắp y đỏ, khuôn mặt hằn nếp nhăn, khiến cho ngài trông già cỗi hơn tuổi tác. Tính cách khiêm cung, thông tuệ và khôi hài hiền hòa khiến cho ngài xuất hiện như mẫu người hiền triết trong chuyện ngụ ngôn. Cá tính này không tránh được sự chú ý của người Tây phương khi gặp gỡ ngài. Ví dụ như khi gặp ngài ở Dharamsala, nhà sản xuất của bộ phim Star Wars (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao) đã quyết định dùng ngài làm mô hình cho Yoda, nhà hướng dẫn tâm linh của thiên sử thi. Rinpoche chưa bao giờ xem phim này, nhưng chắc chắn sẽ thích thú với hý họa về ngài. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất của Rinpoche là mối quan hệ với Đức Dalai Lama.
Đức Dalai Lama là lãnh tụ tâm linh và thế tục của Tây Tạng. Giòng kế nhiệm của Ngài nối tiếp bằng sự tái sinh. Khi một Đức Dalai Lama thị tịch, người cộng sự thân cận nhất của Ngài sẽ dựa vào một quá trình phức tạp để xác định tái sinh kế tiếp của Ngài như một đứa bé và tìm ra địa điểm của vị tái sinh. Sau đó, mỗi một vị Dalai Lama mới sẽ được giáo dục bằng cách tốt nhất, từ các vị thầy hội đủ mọi phẩm hạnh cao quý nhất. Các vị thầy cố vấn bao gồm một vị giáo thọ chính và một giáo thọ phụ, bảy vị tsenshap, thường được dịch là “các vị trợ giáo”.
Phật giáo Tây Tạng có bốn truyền thống lớn, được truyền từ Ấn Độ qua các dòng truyền thừa khác nhau, nhưng không hề có mâu thuẫn lớn trong các giáo huấn căn bản. Chín vị thầy chính của Đức Dalai Lama xuất thân từ truyền thống Gelug (Cách-lỗ), là truyền thống lớn nhất trong bốn truyền thống. Ngài tu học với các đạo sư của ba dòng truyền thừa khác, Nyingma (Ninh-mã), Kagyu (Ca-nhĩ-cư) và Sakya (Tát-ca), một khi Ngài đã hoàn tất chương trình tu học căn bản. Mỗi một vị trong bảy vị tsenshap xuất thân từ bảy tu viện lớn của Gelug gần Lhasa, thủ đô của Tây Tạng. Các vị này được tuyển chọn dựa vào trình độ tu học, thành tựu thiền định và trên hết là nhân cách. Serkong Rinpoche là vị tsenshap được bổ nhiệm từ Ganden Jangtsey, một tu viện do chính ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa) thành lập, người đã sáng lập truyền thống Gelug. Khi đảm nhận chức vụ này vào năm 1948, Serkong Rinpoche đã 34 tuổi và Đức Dalai Lama 13 tuổi. Rinpoche là người duy nhất trong bảy vị tsenshap có thể lưu vong sang Ấn Độ với Đức Dalai Lama vào năm 1959.
Các Lãnh Vực Chuyên Môn
Cho đến ngày viên tịch vào tháng 8, năm 1983, Rinpoche đã hết lòng phụng sự Đức Dalai Lama. Nhiệm vụ chính của người là tham dự tất cả các lớp học của Đức Dalai Lama, rồi tranh biện với Ngài để bảo đảm là Ngài thấu hiểu các giáo huấn một cách đúng đắn. Thật ra, Đức Dalai Lama đã nài nỉ Rinpoche có mặt trong mọi lớp học của Ngài, để ít nhất là có một vị lama chia sẻ toàn bộ chương trình tu học với Ngài. Vì vậy, Rinpoche là bậc thầy của cả bốn truyền thống Tây Tạng, giống như Đức Dalai Lama. Lãnh vực chuyên môn của người bao gồm toàn bộ hai phần chính của chương trình tu học Phật pháp, Kinh điển và Mật điển. Kinh điển truyền đạt các giáo pháp căn bản, trong khi Mật điển chứa đựng những phương pháp sâu rộng, nhằm chuyển hóa bản thân.
Rinpoche còn có thành tựu xuất sắc trong truyền thống nghệ thuật và khoa học Phật giáo. Ví dụ, ngài là chuyên gia về việc đo đạc và tạo dựng các mạn đà la (mandala) hai chiều và ba chiều được sử dụng trong nghi lễ Mật tông, và các loại bảo tháp (stupa) được sử dụng để an vị xá lợi. Hơn nữa, ngài là bậc thầy về thi phú, sáng tác và ngữ pháp Tây Tạng. Phong cách giảng dạy của ngài mang tính cách tao nhã và nhạy bén, quân bình với sự quan tâm về chi tiết kỹ thuật.
Serkong Rinpoche còn là một chuyên gia về môn bói toán Tây Tạng (mo). Trong hệ thống này, người ta nhập định rồi thảy ba hột xí ngầu vài lần, rồi phân tích kết quả để giúp người khác quyết định những vấn đề khó khăn. Hơn nữa, ngài còn biết môn chiêm tinh Tây Tạng, bao gồm việc tinh thông môn toán học phức tạp để định vị các hành tinh. Tuy nhiên, cách ngài tiếp cận các lãnh vực bí truyền luôn luôn thực dụng và thực tế. Việc sử dụng các phương pháp này là cách bổ sung cho óc phán đoán thông thường, không phải để thay thế nó.
Rinpoche Luôn Khiêm Cung, Dù Là Thầy Của Đức Dalai Lama
Rinpoche luôn luôn khiêm tốn, dù ngài giữ một vị trí quan trọng và có sở học uyên bác. Dù là một trong những vị thầy chính của Đức Dalai Lama, đặc biệt là về Kalachakra (Thời Luân), hệ thống Mật điển phức tạp nhất, dù đã ban cho vị đệ tử đặc biệt nhiều lễ quán đảnh, ngài không bao giờ thích được gọi là “Vị Trợ Giáo” bằng tiếng Anh. Ngài chỉ muốn danh hiệu tsenshap được chuyển dịch theo nghĩa đen là “Hầu Cận Tranh Biện”, nhưng cuối cùng đã đồng ý với danh từ “Đạo Sư Đối Tác Tranh Biện”.
Serkong Rinpoche phụng sự cho Đức Dalai Lama theo hai cách, chính thức và không chính thức. Ví dụ, Đức Đalai Lama thường thực hiện các pháp hành thiền đặc biệt và lễ cúng dường (puja) vì phúc lợi của thế giới nói chung và cho dân chúng của Ngài nói riêng. Ngài thực hiện một số nghi lễ này riêng tư, một số thì có sự tham gia của các nhà sư được tuyển chọn, và số khác thì trước đông đảo quần chúng. Theo lệ thường, Ngài sẽ yêu cầu Rinpoche tham dự các nghi lễ này, hoặc thực hiện hay chủ trì chúng thay cho Ngài, nếu Ngài quá bận rộn với những công việc khác. Hơn nữa, khi Đức Dalai Lama thuyết pháp, Rinpoche sẽ ngồi phía bên phải của Ngài, nêu ra bất kỳ từ ngữ nào khi Ngài cần, hoặc trả lời bất cứ câu hỏi hay nghi vấn nào mà Ngài thắc mắc. Khi các vị lama khác quá ngại ngùng trực tiếp trao truyền các giáo huấn hay dòng truyền thừa cho Đức Dalai Lama, các ngài sẽ trao truyền chúng cho Rinpoche, rồi Rinpoche trao truyền lại cho Đức Dalai Lama, như cái phễu tâm linh.
Khả Năng Ngoại Giao
Đức Dalai Lama thường gọi Serkong Rinpoche là nhà cố vấn và đại úy của mình, người đưa chính sách của Ngài đến các tu viện và công chúng. Đó là vì Rinpoche là một nhà ngoại giao bậc thầy trong cả hai lãnh vực tôn giáo và thế tục. Ngài thường làm trung gian cho việc giàn xếp các vụ tranh chấp địa phương và cố vấn cho văn phòng của Đức Dalai Lama về nghi thức ngoại giao địa phương ở các vùng mà ngài biết rõ.
Tính khôi hài nồng nhiệt làm nổi bật tài ngoại giao của ngài. Người ta thường kể chuyện tếu cho ngài nghe, không chỉ vì ngài cười đùa và rất thích chuyện vui, mà ngài còn kể lại cho người khác một cách rất tài tình. Toàn thân ngài sẽ rung lên vì tiếng cười, và không khí vui vẻ lan rộng đến tất cả mọi người xung quanh. Sự kết hợp giữa trí tuệ thực tiễn và tính khôi hài nồng nhiệt khiến bất cứ ai gặp ngài đều yêu quý ngài.
Tái Thiết Tu Viện Và Đào Tạo Người Vấn Linh Cho Hộ Pháp Quốc Gia
Ở Ấn Độ, Rinpoche có công trong việc tái thiết nhiều tu viện và ni viện đã bị phá hủy ở Tây Tạng, sau khi quê hương ngài bị Trung Quốc xâm chiếm. Ngài thực hiện điều này bằng cách ban các lễ quán đảnh và thuyết pháp, để chư tăng ni có thể tiếp nối các nghi lễ truyền thống. Điều này đặc biệt đúng đối với tu viện của hai vị hộ pháp quốc gia, Nechung và Gadong, nơi mà ngài đã giữ mối quan hệ chặt chẽ suốt đời. Giống như Rinpoche đã phụng sự Đức Dalai Lama trong vai trò cố vấn chính về phía con người, các vị hộ pháp là các nhà tư vấn truyền thống về mặt siêu nhiên của Đức Dalai Lama. Họ nói chuyện với Ngài qua người vấn linh trung gian trong trạng thái hôn mê. Rinpoche giám sát việc đào tạo lãnh vực tâm linh cho các vị vấn linh, để họ trở thành nguồn truyền tin thanh tịnh cho trí tuệ cao cả hơn.
Rinpoche không bao giờ tránh né khó khăn vì lợi ích trao truyền hay tiếp nhận Phật pháp. Ví dụ trong một mùa hè, ngài đã chịu đựng cái nóng khắc nghiệt ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) đề thọ nhận chỉ giáo Thời Luân từ Kunu Lama Rinpoche. Vị Thầy cao quý từ Kinnaur, một khu vực văn hóa Tây Tạng thuộc về phía Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas), là bậc thầy tại thế duy nhất trong thời hiện đại mà tất cả người dân Tây Tạng đều công nhận là một vị Bồ tát. Bồ tát là người hoàn toàn quên mình, dấn thân đề đạt giác ngộ vì lợi lạc của chúng sanh. Bồ Đề Đạo Tràng là vùng thánh địa, nơi Đức Phật đã đạt giác ngộ dưới cội bồ đề. Nơi này thuộc về khu vực nghèo nàn nhất và nóng bức nhất ở Ấn Độ. Vào mùa hè, nhiệt độ thường lên đến 120 độ F (Fahrenheit), là gần 50 độ C (Centigrade). Với tình trạng thường bị cúp điện, thiếu nước và không có máy lạnh, việc cư ngụ ở đó hoàn toàn là một sự thử thách. Kunu Lama thường sống ở đó, trong một gian phòng nhỏ không có cửa sổ, không có cả một máy quạt.
Cải Cách Phật Giáo Tại Thung Lũng Hy Mã Lạp Sơn, Vùng Spiti
Rinpoche đã vân du khắp nơi để thuyết pháp ở Ấn Độ, hai lần ở miền Đông Âu châu và Bắc Mỹ. Dù có viếng thăm các trung tâm lớn, ngài luôn luôn thích những trung tâm nhỏ, ở vùng hẻo lánh, nơi hiếm có thầy và các vị thầy khác không thích đến. Ví dụ, đôi khi ngài du hành bằng trâu yak để thuyết pháp cho những người lính thuộc đơn vị Tây Tạng trong quân đội Ấn Độ, ở biên giới Ấn-Tạng. Ngài sẽ cắm trại ở độ cao và không bao giờ quan tâm đến sự khó khăn.
Trong các vùng cận biên giới hẻo lánh này, Rinpoche đặc biệt có mối liên hệ gần gũi với Spiti, vùng thung lũng cao Hy Mã Lạp Sơn của Ấn Độ, kế bên Kinnaur, nơi ngài đã viên tịch và tái sanh. Một ngàn năm trước, vùng đất khô cằn, đầy bụi bặm của quận này đã thuộc vào Tây Tạng, và là trung tâm phục hưng của Phật giáo. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tiêu chuẩn tu tập đã suy giảm, như đã từng xảy ra trong một thiên niên kỷ trước. Các nhà sư bỏ bê giới nguyện về đời sống độc thân và kiêng cữ rượu. Họ rất ít tu học và hành trì giáo pháp của Đức Phật.
Sau năm lần viếng thăm thung lũng này, Rinpoche cố tìm cách tạo ra thời kỳ phục hưng thứ hai. Ngài đã thực hiện điều này bằng cách dồn năng lực vào tu viện cổ kính nhất, Tabo Gonpa, ở Spiti một lần nữa. Ngài đã ban lễ quán đảnh và truyền khẩu về các nghi lễ truyền thống của tu viện này cho các nhà sư. Ngài du nhập các vị thầy uyên bác và sáng lập một trường học cho trẻ em địa phương. Cuối cùng, vào tháng 7 năm 1983, Rinpoche tổ chức việc thỉnh mời Đức Dalai Lama ban lễ quán đảnh Thời Luân tại Tabo. Việc giáo huấn Thời Luân được đưa từ Ấn Độ sang Tây Tạng năm 1027 đã trở thành sự kiện đánh dấu sự tái thiết của Phật giáo sau một thời kỳ rối loạn lâu dài. Ngài hy vọng rằng lễ quán đảnh hiện tại cũng sẽ giúp ích cho cùng một mục đích.
Cúng Dường Rộng Rãi Cho Các Tu Viện
Serkong Rinpoche cũng là một nhà bảo trợ lớn cho các buổi thuyết pháp. Ví dụ như khi nhận được bất kỳ sự cúng dường nào ở Spiti, ngài đều cúng dường lại cho tu viện. Với sự hiến tặng rộng rãi này, Tabo Gonpa đã có thể bắt đầu một lễ cầu nguyện thường niên để người dân địa phương tụ họp và trì tụng om mani padme hum trong ba ngày. Những âm tiết thiêng liêng này (mantra, chú) liên hệ đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara), vị bổn tôn (yidam) hiện thân của lòng bi mẫn và đặc biệt gần gũi với tất cả tín đồ Phật giáo Tây Tạng. Việc trì tụng minh chú này giúp ta quán tâm từ với tất cả chúng sanh.
Rinpoche đã dùng số tịnh tài cúng dường cho Ngài trong chuyến hoằng pháp đầu tiên ở Tây phương để đặt làm một bức tranh bổn tôn Thời Luân thật lớn. Ngài dâng tặng bức tranh cho Đức Dalai Lama để tiện việc sử dụng khi Đức Dalai Lama ban lễ quán đảnh Thời Luân ở khắp nơi. Với số tịnh tài này, Ngài còn đặt làm một bộ tranh minh họa cuộc đời của Tông Khách Ba (Tsongkhapa), và dâng tặng cho tu viện của ngài, Ganden Jangtsey. Nhiều năm về trước, ngài đã giúp tái thiết tu viện này tại Mundgod, Nam Ấn. Với số tịnh tài nhận được trong chuyến hoằng pháp ở Tây phương lần thứ hai, ngài đã cúng dường rộng rãi cho hơn 4000 tăng ni tụ họp tại Tu Viện Drepung, Mundgod, vào tháng 3 nắm 1983, cho đại lễ cầu nguyện (Monlam) đầu tiên tại Ấn Độ. Monlam là đại lễ cầu nguyện truyền thống được tổ chức tại Lhasa, là thời gian mà toàn thể chư tăng ni tề tựu suốt một tháng để thực hiện đại lễ.
Không Ưa Hình Thức Và Thực Hành Giản Dị
Dù là một bậc thầy chuyên về nghi lễ và nghi thức, Rinpoche vẫn khiêm tốn và không thích hình thức bề ngoài. Ví dụ như khi du hành sang phương Tây, ngài không bao giờ mang theo các pháp khí hành lễ trang trí công phu hay tranh vẽ. Khi nào cần ban lễ quán đảnh thì ngài tự tay vẽ bất cứ hình ảnh gì cần thiết, dùng bánh ngọt hay bánh quy thay cho bột nhào được điêu khắc để cúng dường (torma), và dùng bình hoa hay cả bình sữa để thay thế cho tịnh bình trong nghi lễ. Khi không có sự chuẩn bị đặc biệt nào cho tsog, một buổi lễ cúng dường rượu, thịt, torma, trái cây và kẹo đã được tịnh hóa mỗi tháng hai lần, trong lúc đang du hành, ngài sẽ lẳng lặng cúng dường bất kỳ món thịt nào trong bữa ăn.
Hơn nữa, Rinpoche luôn luôn thuyết pháp phù hợp với căn cơ của người nghe. Một lần nọ, ngài được mời đến Thiền Viện Mount Tremper gần Woodstock, New York. Các thành viên của Thiền Viện khẩn cầu ngài ban lễ cho phép hành trì (jenang) pháp tu Đức Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), bổn tôn hiện thân cho trí tuệ. Để phù hợp với tính giản dị trong truyền thống Zen, Rinpoche đã ngồi trên sàn nhà, thay vì trên ngai, và ban lễ jenang mà không có một pháp khí hay nghi lễ chuẩn bị công phu nào.
Không Tự Phụ Và Khiêm Tốn Thật Lòng
Đức Dalai Lama mô tả Tsenshap Serkong Rinpoche như một Kadampa Geshe thực thụ. Kadampa Geshe là các vị đạo sư của Phật giáo Tây Tạng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, được biết đến qua cung cách chân thành, khiêm cung và hành trì trực tiếp. Ví dụ như trong một buổi nói chuyện, khi đề cập đến Rinpoche, Đức Dalai Lama nói rằng người duy nhất ngồi tại đây một cách khiêm nhường là người không cần phải khiêm cung, trong khi những người còn lại thì lại kiêu hãnh. Một lần nọ, khi được thỉnh cầu ban cho một lời khuyên chính, Rinpoche nói rằng hãy luôn luôn khiêm cung, không tự phụ, có nhiệt tâm và nghiêm túc với tất cả mọi người.
Rinpoche đã sống một cuộc đời hoàn toàn phù hợp với lời khuyên này. Một lần nọ, Rinpoche ở trong một căn hộ lớn của một gia đình tốt bụng tại Milan, nước Ý. Phần đông các vị lama cao quý đều ở tại căn hộ này khi đến thành phố Milan. Bà ngoại trong gia đình này nói rằng trong tất cả các vị lama, bà thích Serkong Rinpoche nhất. Các vị lama khác sẽ ngồi trong phòng riêng rất trịnh trọng và thọ trai một mình, trong khi Serkong Rinpoche thì mặc y và váy lót vô nhà bếp vào sáng sớm. Ngài sẽ ngồi uống trà một cách khiêm tốn ở bàn ăn trong bếp, tụng chú với chuỗi tràng hạt, hoàn toàn thoải mái và tươi cười, trong khi bà chuẩn bị đồ ăn sáng.
Khả Năng Dạy Dỗ Tính Khiêm Cung Và Nghiêm Túc Với Mọi Người
Rinpoche còn dạy người khác xả bỏ tính tự phụ. Một lần nọ, các vị sư Tây phương ở Tu Viện Nalanda tại Lavaur, nước Pháp, thỉnh mời Rinpoche thuyết pháp ở đó ba ngày. Các sư khẩn cầu ngài giảng giải chương sách vô cùng khó khăn với đề tài trí tuệ trong tác phẩm Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior, Bodhicharyavatara) của đại sư Tịch Thiên (Shantideva) người Ấn, ở thế kỷ 18. Rinpoche bắt đầu buổi thuyết pháp bằng cách giảng giải về tánh Không ở mức độ vô cùng tinh vi và phức tạp, đến nỗi không ai có thể hiểu nổi, rồi ngài ngừng lại và mắng các nhà sư đã quá tự phụ. Ngài nói rằng nếu như Tông Khách Ba đã mất bao nhiêu công sức cho hành trì sơ khởi (preliminary practice) thì làm sao họ có thể nghĩ rằng đề tài này dễ hiểu và họ sẽ hoàn toàn thấu hiểu nó trong ba ngày. Sau đó, ngài tiếp tục dạy bản văn ở một trình độ đơn giản hơn. Bấy giờ thì các nhà sư mới có thể theo dõi kịp.
Một lần nọ, Rinpoche nói rằng phương Tây không có điều gì gây ấn tượng đối với ngài, ngoại trừ việc có nhiều người chân thành quan tâm đến Phật pháp. Vì vậy, không cần biết ai thỉnh cầu giáo pháp, ngài sẽ tôn trọng nhu cầu của họ. Dù thuyết pháp ở mức độ họ có thể hiểu được, ngài luôn luôn dẫn dắt họ xa hơn khả năng của họ chút ít. Là người yêu thích xiếc, Rinpoche nói rằng nếu một con gấu có thể được huấn luyện để lái xe đạp thì với phương tiện thiện xảo và lòng kiên nhẫn, con người có thể được dạy bất cứ điều gì.
Một lần nọ, một anh chàng hippy người Tây phương mới biết đạo Phật và ghiền thuốc phiện đã xin Rinpoche dạy Sáu Pháp Naropa. Bình thường, người ta chỉ tu học đề tài vô cùng cao cấp này sau nhiều năm thiền định thâm sâu. Thay vì gạt bỏ yêu cầu của thanh niên này vì nó quá phi lý và ngạo mạn, Rinpoche đã đồng ý và nói với anh rằng yêu cầu của anh rất hay. Tuy nhiên, trước hết, anh cần phải tự chuẩn bị, nên Rinpoche sẽ dạy anh hành trì sơ khởi. Bằng cách đáp ứng nhu cầu phát triển của người Tây phương một cách nghiêm túc, Rinpoche đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người học cách nghiêm túc với bản thân. Điều này đã giúp họ tiến triển trên con đường tâm linh.
Tôn Trọng Mọi Người Một Cách Bình Đẳng
Khi gặp bất cứ người nào, dù là Đức Giáo Hoàng, một người say rượu trên đường hay một nhóm trẻ em, Rinpoche sẽ đối xử với họ bằng tâm bình đẳng và tôn trọng họ như nhau. Ngài không bao giờ xem thường ai, mong cầu đặc ân hay cố tạo ấn tượng mạnh đối với bất cứ người nào. Một lần nọ, các thành viên của Trung Tâm Wisdom's Golden Rod ở Ithaca, New York, thỉnh cầu Rinpoche nói chuyện với các con của họ. Ngài nói với những đứa trẻ rằng ngài rất tôn trọng chúng, vì chúng còn trẻ và cởi mở. Chúng có tiềm năng vượt trội hơn cha mẹ. Ngài đã tạo nguồn cảm hứng cho trẻ con tự tôn trọng bản thân bằng cách nói như vậy.
Khả Năng Nhận Ra Các Mối Quan Hệ Tiền Kiếp Đặc Biệt
Dù Serkong Rinpoche có thể thường xuyên thấy được mối quan hệ tiền kiếp giữa ngài và những người mà ngài gặp gỡ, ngài không bao giờ giả vờ có khả năng giúp đỡ họ quá sức của mình. Một lần nọ, một người đàn ông Thụy Sĩ (Swiss) đến gặp ngài ở Dharamsala và giải thích rằng ông gặp rắc rối với các vong linh. Rinpoche nói rằng ngài không có duyên để giúp ông trong vấn đề này, rồi hướng dẫn ông gặp một vị lama khác có đủ nhân duyên để giúp ông. Tuy nhiên, với những người khác, Rinpoche có vẻ nhận ra họ ngay lập tức từ buổi gặp gỡ đầu tiên, và bảo thị giả của ngài ghi lại địa chỉ của họ. Y như thế, những mối quan hệ sâu đậm đã phát triển giữa ngài và những người này. Tôi là một trong những người may mắn đó, mặc dù Rinpoche thấy không cần thiết phải lấy địa chỉ của tôi, nhưng tôi vẫn quay trở lại với ngài.