Buổi Đầu Gặp Gỡ Với Serkong Rinpoche Và Lời Khuyên Đầu Tiên Của Ngài
Tôi gặp Serkong Rinpoche lần đầu tiên tại Bồ Đề Đạo Tràng vào tháng Giêng, năm 1970. Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche, hai vị lama tái sinh trẻ theo học Anh văn ở Mỹ dưới sự hướng dẫn của Geshe Wangyal, đã giới thiệu ngài cho tôi. Serkong Rinpoche có thể giới thiệu một vị thầy thích hợp cho việc tu học pháp Guhyasamaja (tập hội của các yếu tố ẩn mật). Tôi đã chọn hệ thống Mật điển phức tạp này làm đề tài luận án Tiến sĩ, sau khi so sánh các phiên bản tiếng Phạn và Tây Tạng thuộc một phần nhỏ trong bản văn chính bí mật, trong một buổi hội thảo nghiên cứu tốt nghiệp bằng đại học.
Mặc dù kinh nghiệm nghiên cứu ngôn ngữ của tôi hoàn toàn không đủ khả năng để nghiên cứu một pháp tu cao cấp như vậy, Serkong Rinpoche vẫn hết lòng giúp tôi. Ngài đề nghị tôi đến tham vấn với Kenzur Yeshey Dondrub, vị cựu trụ trì của Gyuto, Trường Mật Điển Cao Đẳng Miền Thượng (Upper Tantric College), người mà nhiều năm sau đã trở thành vị lãnh đạo của truyền thống Gelug (Cách-lỗ). Tôi cảm thấy vinh dự là Rinpoche đã chọn cho mình một đạo sư lừng danh như thế.
Tu Học Với Geshe Ngawang Dhargyey Ở Dalhousie
Vài tháng sau, tôi gặp vị cựu trụ trì trong căn chòi nhỏ bé xây bằng bùn và phân bò ở phía trên vùng Dalhousie, ngôi làng miền núi gần Dharamsala, nơi Tu Viện Gyuto tọa lạc, và tôi đã định cư ở đó. Nhà sư già khiêm cung vừa hoàn tất hai kỳ nhập thất liên tục, mỗi kỳ ba năm. Khi tôi xin ngài dạy, vị cựu trụ trì sẵn sàng đồng ý. Ngài nói là tôi đã đến đúng lúc. Ngài sắp sửa bắt đầu một kỳ nhập thất ba năm miên mật về hệ thống Guhyasamaja trong ngày hôm sau. Liệu tôi có dám tham dự kỳ nhập thất với ngài không? Dĩ nhiên tôi phải từ chối, nhưng lại học được một bài học mà Rinpoche ban cho theo cung cách Phật giáo cổ điển. Rinpoche đã tạo ra hoàn cảnh để tôi tự nhận ra sự thật. Nếu muốn tu học và hành trì pháp tu Mật điển cao cấp nhất thì tôi phải khởi sự từ đầu.
Sau đó, tôi vội đổi đề tài luận án thành một chủ đề khiêm tốn hơn, đó là truyền thống truyền khẩu lam-rim, trình tự đường tu giác ngộ, và sắp xếp việc tu học giáo pháp căn bản với thầy của Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche, Geshe Ngawang Dhargyey. Geshe là học vị Phật học tương đương với bằng Tiến sĩ, và trình độ học giả uyên bác của Geshe Dhargyey đã đưa ngài đến vai trò giáo thọ cho năm vị lama thiếu niên tái sinh. Vào thời điểm đó, Geshe Dhargyey đang sống trong một chuồng bò được sửa thành căn hộ, nhung nhúc đầy ruồi. Nơi này nhỏ đến nỗi chỉ vừa đủ kê một cái giường, và khoảng trống còn lại vừa đủ chỗ cho ba người ngồi chật chội dưới đất. Dù cảm thấy ghê sợ với điều kiện sinh sống của ngài, tôi đã ổn định việc học. Tôi còn phải học cách nói tiếng Tạng hiện đại. Ở Harvard, tôi chỉ nghiên cứu chữ viết Tạng ngữ cổ điển.
Lần kế tiếp tôi gặp Serkong Rinpoche là vào tháng 6 năm đó. Một trận dịch tả và thương hàn khủng khiếp đã lan tràn trong vùng và Đức Dalai Lama yêu cầu Rinpoche đến Dalhousie để ban lễ quán đảnh Hayagriva. Việc hành trì vị bổn tôn (Buddha-figure) đầy uy lực này, cộng với vệ sinh môi trường, sẽ giúp người dân tránh nhiễm bệnh. Dù là một trong số ít người Tây phương nhận lễ quán đảnh này, tôi đã không có dịp may gặp riêng Rinpoche, vì ngài còn phải ban lễ quán đánh này ở những nơi khác, và đã nhanh chóng rời Dalhousie.
Không Làm Giáo Sư Đại Học Và Dọn Về Dharamsala
Khi chúng tôi gặp lại lần sau thì đã có nhiều thay đổi. Vào mùa thu năm 1971, Đức Dalai Lama yêu cầu Geshe Dhargyey giảng dạy Phật pháp cho người ngoại quốc ở Thư Viện Tác Phẩm và Văn Khố Tây Tạng (Library of Tibetan Works & Archives) ở Dharamsala. Sharpa Rinpoche và Khamlung Rinpoche làm thông dịch viên cho Geshe la. Tôi thỉnh ý Đức Dalai Lama xem tôi có thể giúp gì cho thư viện, chẳng hạn như dịch sách, và Ngài đồng ý. Trước tiên, tôi nên nộp luận án, lãnh bằng Tiến sĩ rồi quay trở về Dharamsala. Cuộc chiến tranh vừa bùng nổ tại biên giới với Parkistan không xa hơn một trăm dặm đã thuyết phục tôi nên sớm rời khỏi nơi này. Tôi trở về Harvard và làm theo lời khuyên của Đức Dalai Lama. Trước sự ngạc nhiên của các giảng sư, tôi đã từ chối sự nghiệp làm giảng sư đại học và dọn về Dharamsala vài tháng sau. Đó là tháng 9 năm 1972.
Trở Thành Đệ Tử Của Rinpoche
Serkong Rinpoche vừa rời khỏi Nepal, trải qua hai năm ban lễ quán đảnh và truyền khẩu cho một số tu viện vừa được xây dựng ở đó. Cuối cùng, khi ngài trở về Dharamsala vào mùa thu năm 1974 thì tôi đã có thể nói tiếng Tạng đủ để trò chuyện trực tiếp với ngài. Dù lúc đầu, tôi không biết, nhưng dường như Rinpoche biết là tôi có duyên làm thông dịch viên cho ngài. Ngài thể hiện điều này bằng cách khuyến khích tôi viếng thăm ngài thường xuyên và ngồi bên cạnh ngài trong khi ngài gặp gỡ người khác. Rồi sau các buổi hẹn, Rinpoche nói chuyện với tôi và giải thích các từ ngữ tiếng Tạng để chắc chắn là tôi hiểu cuộc đối thoại vừa rồi.
Sau một thời gian ngắn, Rinpoche ban cho tôi một bộ ba bức tranh của Đức Văn Thù Sư Lợi Trắng (White Manjushri), Đức Sarasvati Trắng (White Sarasvati) và Đức Tara Trắng (White Tara) mà người dân ở Spiti đã cúng dường cho ngài không lâu trước đó. Đây là các vị bổn tôn chính trong việc phát triển nhân cách và thiền định của ngài từ thuở ấu thơ. Theo thứ tự, các vị bổn tôn này là hiện thân của trí tuệ sáng suốt để phổ độ chúng sanh, nội quán lỗi lạc cho sự thể hiện văn chương trong sáng và sáng tạo, cùng năng lượng thiết yếu cho một đời sống trường thọ, có hiệu năng cao. Món quà đầy ý nghĩa sâu sắc này đã khẳng định mối quan hệ giữa chúng tôi. Khi tôi hỏi ngài là tôi có thể làm đệ tử của ngài hay không, Rinpoche kiên nhẫn mỉm cười đối với thói quen thông thường của người Tây phương, cứ muốn nói ra một điều đã quá hiển nhiên,
Huấn Luyện Tôi Trở Thành Một Thông Dịch Viên Và Giảng Sư
Sau đó, Rinpoche bắt đầu huấn luyện tôi thành một thông dịch viên một cách hệ thống, mà không hề nói rằng ngài sẽ làm như vậy. Trước tiên, ngài luyện trí nhớ của tôi. Bất kỳ khi nào tôi đến viếng thăm ngài, Rinpoche sẽ bất ngờ bảo tôi lập lại từng chữ một trong những lời ngài vừa nói. Tương tự như vậy, ngài sẽ bắt tôi lập lại những gì tôi vừa nói. Một khi đã bắt đầu thông dịch cho ngài vào mùa thu năm 1975, Rinpoche thường bảo tôi dịch lại những lời của ngài thành tiếng Tạng, để chắc chắn là tôi không nói sai, thêm thắt hay thiếu sót điều gì. Thật ra, trong suốt tám năm phụng sự như một thông dịch viên cho ngài, tôi cảm thấy mỗi khi Rinpoche bảo tôi dịch lại như vậy là tôi đã hiểu lầm những gì ngài nói. Dường như Rinpoche luôn luôn cảm nhận được, mỗi khi tôi dịch sai.
Rồi Rinpoche bắt đầu đưa ra những bài tóm tắt về giáo pháp của ngài trong năn phút ở cuối các buổi giảng và bảo bây giờ đến lượt tôi phải tóm lược những bài ấy. Bằng cách này, ngài không những bắt đầu luyện cho tôi cách thông dịch những bài giảng rất dài, mà còn dạy tôi cách giảng dạy nữa. Đôi khi, ngài còn nói chuyện với thị giả trong khi tôi đang nói phần tóm tắt, để thử thách khả năng tập trung tinh thần của tôi. Một vị thầy giỏi thì không thể xao lãng hay rối trí vì tiếng động xung quanh.
Luyện Trí Nhớ
Khi dạy riêng cho tôi, Rinpoche không bao giờ cho phép tôi ghi chép bất cứ điều gì. Tôi phải nhớ tất cả mọi điều và ghi chép sau đó. Không lâu sau, ngài cho tôi nhiều việc để làm sau giờ học, để tôi chỉ có thể ghi chép lại những điều vừa học được một thời gian sau, vào buổi tối. Cuối cùng, đôi khi ngài ngừng lại giữa buổi giảng mà tôi đang thông dịch và giải thích điều gì riêng cho tôi về bài học liên quan đến một đề tài hoàn toàn khác biệt, như một chuyện ngoài lề, rồi trở lại với bài giảng trước đó mà không cho tôi một phút nào để ngẫm nghĩ về những lời ngài vừa nói, hay viết điều gì xuống giấy.
Nếu như tôi thắc mắc về điều gì mà Rinpoche đã dạy trước đó rồi thì ngài sẽ trách mắng nặng nề vì óc lãng trí của tôi. Tôi nhớ có một lần tôi hỏi ngài ý nghĩa của một từ ngữ và Rinpoche đã trả lời một cách gãy gọn, “Ta đã giải thích từ đó cho con bảy năm về trước rồi! Ta nhớ rất rõ. Tại sao con không nhớ?” Trên thực tế, ngài nhận xét rằng càng lớn tuổi thì trí óc của ngài lại càng minh mẫn hơn.
Cộng Tác Với Tôi Để Tìm Các Từ Ngữ Dịch Thuật Chính Xác Hơn
Serkong Rinpoche không chỉ quan tâm đến việc phát triển trí nhớ tốt cho tôi, mà còn lo việc dịch thuật chính xác. Từ kinh nghiệm giảng dạy cho người Tây phương, ngài nhận ra rằng nhiều sự hiểu lầm của họ phát xuất từ việc thông dịch nhầm lẫn một số từ ngữ chuyên môn. Vì vậy, ngài đã hợp tác với tôi để phát triển các từ ngữ mới trong tiếng Anh. Ngài kiên nhẫn giải thích ý nghĩa của mỗi một từ ngữ tiếng Tạng, rồi hỏi về sự liên hệ của những từ ngữ tương đương trong tiếng Anh, để cố gắng giúp cho ý nghĩa của chúng phù hợp với nhau. Ngài luôn luôn khuyến khích tôi thử nghiệm những từ ngữ mới và không bị lệ thuộc vào những quy ước khiếm khuyết. Các từ ngữ Tây Tạng tiêu chuẩn được sử dụng để chuyển dịch sách Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng đã dần dần tiến hóa sau nhiều thế kỷ. Tương tự như vậy, quá trình duyệt xét lại cũng sẽ xảy ra một cách tự nhiên, khi người ta chuyển dịch sách sang các ngôn ngữ Tây phương.
Dạy Tôi Cách Xã Giao và Tính Khiêm Tốn
Lần đầu, khi thỉnh cầu ngài nhận tôi làm đệ tử, đặc biệc là xin ngài dạy tôi phương tiện thiện xảo, cách giúp đỡ người khác một cách khôn khéo và bi mẫn. Xuất thân từ giai cấp học thức ưu tú mà tôi luôn luôn là người xuất sắc, việc phát triển cá tính của tôi chỉ xảy ra một chiều. Tôi cần phải học cách xã giao và tính khiêm tốn. Vì vậy nên Rinpoche chỉ gọi tôi bằng một cái tên, đó là “Đần Độn”, và luôn luôn nêu ra tất cả những điều sai lầm hay ngu xuẩn mà tôi đã nói hay làm. Thí dụ như khi thông dịch cho ngài, Rinpoche nhất định muốn tôi phải hiểu toàn bộ những điều ngài nói. Bất kỳ khi nào tôi ấp úng, không cần biết phải mất bao nhiêu thì giờ hay tôi sẽ ngượng ngùng cỡ nào khi bị gọi là thằng ngốc, ngài sẽ không bao giờ bỏ qua một chữ nào nếu tôi không hiểu và dịch nó một cách chính xác. Dù những phương pháp như vậy không thích hợp cho các đệ tử có lòng tự ti, nhưng cách tiếp cận không nhượng bộ của ngài lại phù hợp với tôi một cách tuyệt hảo.
Một lần nọ ở Lavaur, nước Pháp, Rinpoche ban một luận giải về một bản văn phức tạp. Khi tôi ngồi xuống để thông dịch, Rinpoche còn bảo tôi so sánh một vài phiên bản của luận giải này và hiệu đính bản văn trong khi ngài thuyết giảng nó. Tôi không có cây viết, nhưng đối diện ngay trước mặt tôi là một phụ nữ nhuộm tóc đỏ rực rỡ, thoa quá nhiều son đỏ, miệng ngậm một đóa hoa hồng trong suốt buổi giảng. Tôi hỏi có ai có dư một cây viết để cho tôi mượn và bà ấy cho tôi mượn viết của bà. Cuối buổi giảng, tôi hoàn toàn kiệt sức. Khi tôi đứng lên, người phụ nữ xòe tay ra, không nói lời nào. Vì quá bận tâm đến bản thân nên tôi nghĩ rằng bà ta muốn bắt tay tôi để chúc mừng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp. Khi tôi đưa tay ra để bắt tay bà, Rinpoche đã gầm lên, “Đần Độn, trả lại cây viết cho bà ấy!”.
Dạy Tôi Chỉ Lo Giúp Đỡ Người Khác Mà Không Mong Lời Khen Ngợi
Để kềm chế tính vị kỷ của tôi, Rinpoche còn dạy tôi chỉ làm việc vì người khác. Ngài làm điều này bằng cách không bao giờ chấp nhận ban cho tôi bất kỳ giáo huấn hay lễ quán đảnh nào mà tôi thỉnh cầu cho riêng mình. Ngài chỉ cho phép nếu người khác thỉnh cầu và tôi làm thông dịch viên. Rinpoche chỉ dạy riêng cho tôi những điều ngài cảm thấy quan trọng mà tôi cần phải học hỏi.
Hơn nữa, Rinpoche không bao giờ trực tiếp khen tôi mà luôn luôn trách mắng, đặc biệt là trước mặt người khác, để tôi không bao giờ nao núng vì những lời chỉ trích và áp lực. Trên thực tế, tôi nhớ là Rinpoche chỉ nói cảm ơn với tôi một lần, vào cuối chuyến du hành phương Tây đầu tiên mà chúng tôi cùng đi. Bằng cách sử xự cứng rắn như vậy, ngài đã luyện cho tôi chỉ có động lực muốn làm lợi lạc cho người khác, chứ không vì muốn được khen ngợi hay làm vui lòng thầy. Khi thấy rằng mong đợi lời cảm ơn của ngài cũng giống như một con chó mong được vuốt ve trên đầu, tôi không còn kỳ vọng bất cứ dấu hiệu tán thành nào từ phía ngài nữa. Thậm chí, nếu ngài có khen thưởng đi nữa thì tôi có thể làm gì được, ngoài việc vẫy đuôi!
Khuyến Khích Tôi Tự Đọc Các Kinh Sách Cao Quý Bằng Tiếng Tạng
Rinpoche luôn luôn khuyến khích người khác tự học cách đọc các Kinh sách cao quý. Bất cứ khi nào ai có thắc mắc hay đặt câu hỏi, Rinpoche sẽ bảo họ tự tìm tòi và kiểm chứng. Ngài giải thích rằng ngài không tự đặt ra những giáo huấn này mà chúng xuất xứ từ nguồn gốc có căn cứ. Ngài còn bảo rằng không ai có thể mong một lama dạy cho họ tất cả mọi điều. Hơn nữa, đối với người Tây phương, ngài lập lại lời tuyên bố của Đức Dalai Lama là trong vòng hai trăm năm tới hay hơn nữa, toàn bộ giáo huấn của Đức Phật chỉ có mặt trong Tạng ngữ. Vì vậy, ngài hết lòng khuyến khích các đệ tử Tây phương học tiếng Tạng. Ngài nói rằng mỗi một âm tiết trong tiếng Tạng mang đầy ý nghĩa. Vì vậy, khi giảng Pháp, Rinpoche thường giảng thêm ý nghĩa của các từ ngữ chuyên môn trong tiếng Tạng.
Để phù hợp với sự tiếp cận này, Rinpoche cho tôi tiếp tục việc nghiên cứu bằng cách đọc các Kinh sách và cho phép tôi đặt bất kỳ câu hỏi nào về các tài liệu này. Ngài nói rằng nếu tiếp tục theo cách này, cuối cùng, các đệ tử có thể nghiên cứu bất kỳ đoạn nào trong văn học Phật giáo, giống như bơi lội trong biển khơi hay bay lượn trên không trung. Ngài giải thích rằng các vị lama cần phải dạy cho đệ tử tập đứng trên đôi chân của riêng họ, rồi tập bay, và vị thầy sẽ hướng dẫn họ nghiên cứu và đọc những đề tài gì. Sau đó, vị thầy sẽ đẩy đệ tử ra khỏi tổ và họ phải tự lực cánh sinh.
Dạy Tôi Không Phụ Thuộc Vào Thầy
Rinpoche dùng nhiều phương pháp để dạy tôi không bao giờ phụ thuộc vào ngài. Thí dụ như dù chúng tôi có một mối liên hệ vô cùng mật thiết, nhưng ngài không bao giờ giả vờ có thể giúp tôi trong mọi trường hợp. Một lần nọ, tôi bị bệnh khá nặng và loại thuốc mà tôi dùng không có hiệu quả gì. Khi nhờ ngài bói toán xem loại thuốc nào thích hợp với tôi nhất, chẳng hạn như thuốc Tây, thuốc Ấn Độ hay Tây Tạng, và bác sĩ nào đáng tin cậy nhất, Rinpoche nói rằng hiện thời, quẻ bói của ngài không được rõ ràng. Ngài đã gởi tôi đến một vị lama cao quý khác để giúp tôi tìm cách trị bệnh hữu hiệu hơn, và tôi đã sớm lành bệnh.
Giúp Tôi Chuẩn Bị Để Thông Dịch Cho Đức Dalai Lama
Sau một vài năm, tôi nhận ra là Rinpoche đang huấn luyện để tôi có thể thông dịch cho Đức Dalai Lama. Trên thực tế, đôi khi tôi cảm thấy mình giống như một món quà mà Rinpoche đang chuẩn bị để dâng lên cho Đức Dalai Lama. Tuy nhiên, để phụng sự một cách đúng đắn, tôi không bao giờ được dính mắc hay dựa dẫm vào Đức Dalai Lama. Tôi chỉ giống như một trong số nhiều cây gậy đánh gôn (golf clubs) mà Ngài có thể chọn lựa để phù hợp với nhu cầu cần người dịch thuật. Tôi còn phải đương đầu với áp lực nặng nề và vượt qua bản ngã của mình.
Vì vậy, Rinpoche dạy tôi cách cư xử đúng đắn để phụng sự một vị Dalai Lama. Chẳng hạn như các thông dịch viên cho Ngài không bao giờ được quơ tay như múa, hay nhìn chằm chằm vào Ngài như trong sở thú. Thay vì vậy, họ phải cúi đầu xuống, hoàn toàn tập trung tinh thần và không bao giờ nói thêm điều gì theo ý riêng của họ. Họ phải liệt kê danh tánh và các điểm được nêu ra theo đúng như thứ tự Ngài đã nói, không bao giờ được thay đổi hay xem bất cứ điều gì Đức Dalai Lama nói là vô nghĩa hay không có chủ đích.
Danh xưng của các lama phải được thông dịch đúng như cách Đức Dalai Lama sử dụng, không phải như cách người ngoại quốc gần như gọi tất cả các lama là “Đức Thánh” (“His Holiness”). Thật ra, các vị lama này sẽ kinh hãi nếu biết rằng người ngoại quốc gọi các ngài bằng danh xưng tôn kính như họ gọi Đức Dalai Lama. Giống như nhà thờ Công giáo và các nghiệp đoàn ngoại giao, nghi thức và cách sử dụng danh xưng theo cấp bậc của Tây Tạng cũng theo quy định nghiêm chỉnh.
Khi tôi thông dịch cho Đức Dalai Lama, Serkong Rinpoche thường ngồi đối diện với tôi. Nhìn thấy ngài giúp cho tôi có chánh niệm về cách dạy dỗ của ngài. Chẳng hạn như trong một dịp thông dịch cho Đức Dalai Lama tại Dharamsala, trước cử tọa vài trăm người Tây phương và vài ngàn người Tây Tạng, Ngài đã kêu tôi ngưng lại và cười rộ lên, “Anh ấy vừa mới dịch sai!”. Đức Dalai Lama hoàn toàn hiểu rõ tiếng Anh. Mặc dù tôi chỉ muốn chui xuống dưới tấm thảm như một con kiến, nhờ có Rinpoche ngồi trong tầm nhìn mà tên Đần Độn đã giữ được bình tĩnh.
Dùng Phương Pháp Mạnh Để Sửa Đổi Hành Vi Dại Dột Của Tôi
Tuy nhiên, đôi khi, tôi cần sự nhắc nhở mạnh mẽ để học những bài học. Thí dụ như một trong những dịp đầu tiên tôi thông dịch cho Đức Dalai Lama là một buổi thuyết pháp mà Ngài giảng cho khoảng muời ngàn người dưới cội bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Cái micro (microphone) của tôi bị hư, nên Đức Dalai Lama bảo tôi gần như ngồi trong lòng của vị chủ lễ (chant master) để dùng chung micro với vị thầy này. Rồi cái micro này cũng bị hư luôn. Thế là Đức Dalai Lama bảo tôi ngồi dưới đất, giữa pháp tòa của Ngài và Serkong Rinpoche ở hàng đầu, và Ngài đưa micro của Ngài cho tôi mỗi lần giảng xong bằng tiếng Tạng. Tôi quá mất bình tĩnh đến nỗi không thể tự chủ, nên đã nhận và đưa micro cho Đức Dalai Lama bằng một tay, thay vì phải dâng bằng cả hai tay dang thẳng, theo tục lệ kính cẩn. Sau đó, Rinpoche gần như đánh tôi vì tôi đã lấy chiếc micro giống như con khỉ vồ trái chuối.
Cách Hành Xử Đúng Đắn Tại Các Buổi Thuyết Pháp Của Đức Dalai Lama
Nói chung, Rinpoche còn lo cho người Tây phương, để họ biết cách cư xử đúng đắn nhất đối với Đức Dalai Lama. Hành vi của họ trong các buổi thuyết pháp thường khiến cho Rinpoche hoảng sợ. Người nói rằng việc nhận thức Đức Dalai Lama là ai là điều quan trọng. Ngài không phải là một vị lama tái sinh bình thường. Mọi người phải có sự tôn trọng và khiêm cung đặc biệt trước sự hiện diện của Ngài. Thí dụ như, trong lúc nghỉ giải lao để uống trà trong một lễ quán đảnh hay thuyết pháp, việc đứng nói chuyện trong tầm nhìn của Ngài như thể Ngài không có mặt ở đó là điều vô cùng bất lịch sự. Cách hành xử đúng đắn là bước ra ngoài khi cần nói bất cứ chuyện gì.
Trong dịp một tổ chức Phật giáo Tây phương bảo trợ một buổi thuyết pháp mà tôi thông dịch cho Đức Dalai Lama tại Dharamsala, Ngài đã có phần trả lời các câu hỏi được viết xuống. Sau mỗi buổi thuyết pháp, Rinpoche bảo tôi đọc cho ngài nghe những câu hỏi được nộp vô cho ngày hôm sau, và dứt khoát bác bỏ bất cứ câu nào có vẻ ngớ ngẩn hay không đáng kể. Rinpoche thường bảo tôi viết lại hay chỉnh sửa câu hỏi để nó trở nên sâu sắc hơn. Người ta không nên phí thời giờ của Đức Dalai Lama, hay phí dịp may cho nhiều người có được lợi lạc từ câu trả lời của Ngài. Đôi khi, Đức Dalai Lama nhận xét rằng các câu hỏi tuyệt vời và sâu sắc đến dường nào. Tôi học được cách làm việc theo quá trình hiệu đính này, mỗi khi được du hành với Đức Dalai Lama.