Trưởng Dưỡng Tín Tâm Và Hết Lòng Sùng Mộ Đạo Sư
Hết lòng sùng mộ đạo sư là một trong những hành trì Phật pháp khó khăn và tinh tế nhất. Chúng ta cần phải thận trọng để yếu tố này được thiết lập và duy trì một cách đúng đắn. Một khi đã được đặt trên nền tảng vững chắc, không một điều gì có thể làm nó tan vỡ. Serkong Rinpoche đã bỏ nhiều công sức để bảo đảm mối quan hệ của chúng tôi luôn luôn vững bền. Một buổi chiều, vào cuối buổi Đại Lễ Cầu Nguyện (Monlam) ở Mungod, Rinpoche kể cho tôi nghe chuyện rắc rối vể mặt tài chánh liên quan đến bất động sản của ngài ở đó. Mặc dù vị thị giả kia của ngài cảm thấy việc này không cần thiết, nhưng Rinpoche nói rằng việc cho tôi biết là điều quan trọng. Dù sau này tôi có nghe tin đồn sai trái về việc này từ những người ganh tỵ thì ngài muốn bảo đảm là tôi sẽ không bao giờ có một chút nghi ngờ về sự thanh liêm của ngài, hay về lòng sùng mộ hết lòng của tôi đối với ngài.
Sự sùng mộ hết lòng với một đạo sư đòi hỏi sự tìm hiểu kỹ càng và lâu dài giữa những người có khả năng trở thành thầy trò trong tương lai. Mặc dù sau khi đã xem xét kỹ, người đệ tử cần phải xem vị lama như một vị Phật, điều này không có nghĩa là vị đạo sư không thể sai lầm. Đệ tử phải luôn luôn kiểm chứng những gì thầy nói. Nếu cần thì đưa thêm đề nghị một cách nhã nhặn. Nếu bị báo động, họ phải kính cẩn sửa sai bất cứ điều gì mà vị thầy nói hay hành động một cách khác thường.
Một lần nọ, Rinpoche đã tìm cách chứng minh điều này cho các nhà sư Tây phương tại Tu Viện Nalanda ở Pháp. Trong buổi thuyết pháp, ngài cố ý giải thích điều gì một cách hoàn toàn sai lầm. Mặc dù điều ngài nói kỳ quặc một cách phi lý, nhưng chư tăng đều kính cẩn ghi chép những lời của ngài trong tập vở. Vào buổi thuyếp pháp kế tiếp, Rinpoche đã mắng các nhà sư rằng trong một tiếng đồng hồ sau cùng đó, ngài đã giải thích điều gì hoàn toàn lố bịch, sai lầm, nhưng tại sao không có ai thắc mắc gì cả? Ngài nói rằng như Đức Phật đã khuyên, họ không bao giờ nên chấp nhận những gì vị thầy nói một cách mù quáng và thiếu sự phán đoán. Thậm chí các đạo sư vĩ đại thỉnh thoảng cũng nói lầm lẫn; thông dịch viên thường chuyển dịch sai và đệ tử thì luôn ghi chép bài giảng một cách lộn xộn và thiếu độ chính xác. Nếu bất cứ điều gì nghe có vẻ lạ lùng, họ phải luôn đặt câu hỏi và phối kiểm từng điểm một, dựa theo các bản văn cao quý.
Phân Tích Và Đặt Câu Hỏi Với Cả Những Bản Văn Do Các Đạo Sư Cao Quý Nhất Sáng Tác
Cá nhân Rinpoche còn đặt câu hỏi đối với các luận giải Phật pháp tiêu chuẩn. Khi làm như vậy, ngài đã theo tiền lệ của Tông Khách Ba. Nhà cải cách vào thế kỷ 14 này đã lưu ý nhiều bản văn đáng kính của các đạo sư Ấn và Tạng mâu thuẫn nhau, hay chứa đựng những điều khẳng định vô lý. Ngài Tông Khách Ba đã phát hiện và xem xét những điểm này kỹ lưỡng, rồi bác bỏ các vị trí không thể đứng vững bằng lý do, hay đưa ra những diễn dịch sâu sắc mới cho các đoạn văn đã bị hiểu lầm trước đây. Chỉ những hành giả có kiến thức rộng về Kinh điển và kinh nghiệm hành thiền sâu sắc mới có đủ khả năng để khám phá những điều mới mẻ như vậy. Serkong Rinpoche là một trong những vị này.
Thí dụ, không lâu trước khi viên tịch, Rinpoche gọi tôi và nêu ra một đoạn trong một trong những sáng tác triết học khó khăn nhất của Tông Khách Ba, Cốt Tủy của Giảng Giải Xuất Sắc về Ý Nghĩa Diễn Dịch và Ý Nghĩa Tối Hậu (The Essence of Excellent Explanation of Interpretable and Definitive Meanings, Drang-nges legs-bshad snying-po). Rinpoche tụng thuộc lòng bài luận vài trăm trang này mỗi ngày trong thời công phu hàng ngày. Đoạn văn nói về các giai đoạn diệt trừ vô minh trong tâm thức, đặc biệt là vấn đề “chủng tử” của vô minh. Nhằm truyền đạt điểm này, tôi đã dịch danh từ này là “khuynh hướng”, thay vì là “ chủng tử”. Sau khi trích dẫn lý lẽ, kinh nghiệm và các đoạn văn khác trong bản văn, Rinpoche giải thích rằng một hạt giống của lúa vẫn là lúa. Vì vậy, một chủng tử vô minh là một “dấu vết” của vô minh. Sự diễn dịch mang tính cách mạng này có sự phân nhánh sâu sắc về cách hiểu biết và làm việc với vô thức.
Lối Sống Giản Dị Của Rinpoche
Bất kể tài ba lỗi lạc đầy tính sáng tạo của mình, lúc nào Rinpoche cũng nhấn mạnh tính khiêm cung và không khoe khoang bằng mọi cách. Vì vậy, dù là vị lama cao cấp nhất trong tu viện nhà ở Mundgod, Rinpoche không xây một ngôi nhà phô trương đồ sộ mà chỉ có một căn chòi giản dị. Căn nhà của ngài ở Dharamsala cũng vô cùng khiêm tốn, chỉ có ba phòng cho bốn người, các khách khứa thường xuyên, hai con chó và một con mèo.
Không những Rinpoche tránh biểu lộ bất cứ đức tính cao cả nào mà ngài còn tìm cách ngăn chận các đệ tử tâng bốc về thầy của mình. Ví dụ như một vài pháp thiền chú trọng đến mối quan hệ với vị thầy của mình, chẳng hạn như pháp quán tưởng công phu Guru-yoga (Bổn sư du già) và trì tụng minh chú có tên tiếng Phạn của vị lama trong đó. Trong pháp tu Guru-yoga, Rinpoche luôn luôn dạy các đệ tử quán tưởng Đức Dalai Lama. Khi có ai xin minh chú tên (name mantra) của ngài, Rinpoche luôn luôn cho tên cha của ngài để họ trì tụng. Cha của ngài, Serkong Dorjey-chang, là một trong những đại hành giả và bậc thầy vĩ đại nhất trong đầu thế kỷ 20. Ông là người nắm giữ giòng truyền thừa Kalchakra trong thời của mình, điều này có nghĩa là ông là vị thầy được thừa nhận mang trọng trách trao truyền toàn bộ kiến thức và kinh nghiệm hành thiền của pháp Thời Luân (Kalachakra) cho thế hệ sau.
Noi Gương Mahatma Gandhi Bằng Cách Tránh Mọi Sự Lãng Phí
Lối sống khiêm nhường của Rinpoche được biểu lộ qua nhiều cách. Chẳng hạn như khi đi xa, ngài noi gương của Mahatma Gandhi. Ngài khăng khăng chọn toa hạng ba trên xe lửa Ấn Độ, trừ khi có nhu cầu đặc biệt. Đó là sự thật, thậm chí khi ngài phải ngủ gần phòng vệ sinh hôi thối, và việc này đã xảy ra khi chúng tôi rời Dharamsala để đến Delhi trong chuyến du hành phương Tây đầu tiên. Rinpoche bảo đi du lịch theo cách bình dân như vậy là tuyệt hảo, vì nó giúp cho ta phát triển lòng bi. Cả ba hạng ghế đều đến đích cùng một lúc, thế thì tại sao lại lãng phí tiền? Rinpoche thật sự không thích ai tốn tiền để mua vé xe lửa toa hạng nhất cho ngài, hay mời ngài đến các nhà hàng mắc tiền.
Một lần nọ, khi Rinpoche trở về Dharamsala từ Spiti, một số đệ tử và tôi đi đón ngài ở khu chợ Ấn Độ. Sau khi thấy nhiều xe cộ và xe buýt chạy ngang mà không có Rinpoche, một chiếc xe tải dơ bẩn và cũ kỹ ngừng lại ở chợ và Serkong Rinpoche ngồi trong buồng lái, với xâu chuỗi hạt trong tay. Ngài và các thị giả đã du hành ba ngày từ Spiti đến đây bằng phương tiện vận chuyển này, hoàn toàn không lo lắng gỉ về tiện nghi hay bề ngoài.
Khi Rinpoche trở về Dharamsala từ Đại Lễ Cầu Nguyện (Monlam) ở Mundgod với các thị giả và tôi, chúng tôi phải chờ xe lửa cả ngày ở Poona. Ngài vui vẻ ở trong phòng khách sạn hạng ba cực kỳ ồn ào và nóng nực mà một người Tây Tạng địa phương buôn bán áo len đã mời chúng tôi đến trú ngụ. Trên thực tế, Rinpoche thường đề nghị chúng tôi đi xe buýt qua đêm khi du lịch trong nước Ấn, vì nó rẻ tiền và dễ dàng hơn. Ngài không bao giờ ngại chờ đợi ở các trạm xe buýt đông người. Ngài nói với chúng tôi là ngài có nhiều pháp thiền để công phu. Tiếng ồn, sự hỗn loạn và rác rưới xung quanh chẳng bao giờ quấy nhiễu định tâm của ngài.
Rinpoche không bao giờ ở một nơi quá lâu mà thường xuyên đi đây đi đó. Ngài nói điều này tốt cho việc xả bỏ tâm tham luyến. Vì vậy, trong các chuyến đi xa, chúng tôi không bao giờ ở nhà ai nhiều hơn vài ngày, vì e rằng mình sẽ ở lâu hơn thời hạn chủ nhà muốn đón tiếp và trở thành gánh nặng cho họ. Bất cứ lúc nào chúng tôi trú ngụ ở một trung tâm Phật giáo mà vị thầy ở đó là một nhà sư Tây Tạng cao tuổi hơn Rinpoche, ngài sẽ đối xử với vị sư ấy như một người bạn thân. Ngài không bao giờ hạn chế mối quan hệ chân thành với chỉ một người đặc biệt.
Tu Tập Liên Tục Và Khiêm Tốn, Uyển Chuyển Theo Hoàn Cảnh
Dù đi đâu, Rinpoche vẫn duy trì công phu miên mật suốt ngày và ít khi ngủ vào ban đêm. Ngài sẽ trì tụng chú và các nghi quỹ (sadhana), không chỉ trong thời gian rảnh rỗi sau các buổi hẹn, thậm chí ngay cả lúc chờ tôi thông dịch xong lời ngài nói, khi có khách ngoại quốc viếng thăm. Ngài thực hiện các nghi quỹ hành thiền trong xe, trên xe lửa và máy bay, vì ngoại cảnh không quan trọng. Ngài nhấn mạnh rằng việc công phu miên mật hàng ngày mang lại tính tương tục cho đời sống, dù ta đi đâu hay làm bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ đạt được tính uyển chuyển cao độ, lòng tự tin và vững chãi.
Rinpoche không bao giờ khoe khoang công phu của mình. Ngài bảo nên làm mọi việc một cách âm thầm và riêng tư, chẳng hạn như gia trì thức ăn trước khi ăn hay cầu nguyện trước buổi thuyết pháp. Tụng những câu kệ long trọng dài dòng trước mặt người khác chỉ khiến họ khó chịu hoặc làm cho họ cảm thấy mình đang cố gắng gây ấn tượng, hay làm cho họ xấu hổ. Hơn nữa, ngài không bao giờ đặt để bất cứ hành trì hay tục lệ nào với ai mà chỉ tụng những lời cầu nguyện hay thực hiện các nghi lễ trước và sau buổi thuyết pháp do trung tâm đó thỉnh cầu ngài thực hiện.
Dù Rinpoche cúng dường rộng rãi cho Đức Dalai Lama và các tu viện Tây Tạng cũng như Tây phương, ngài không bao giờ khoe khoang hay nói về điều này. Ngài dạy không bao giờ nên làm như vậy. Một lần nọ, một người đàn ông trung niên khiêm tốn ở Villorba, nước Ý, đến gặp Rinpoche. Khi rời phòng của ngài, ông lặng lẽ để một một bao thơ cúng dường hậu hỷ trên một cái bàn nhỏ chứ không phải ở nơi dễ thấy. Sau đó, Rinpoche nói rằng đó mới là cách cúng dường một vị lama.
Tuy nhiên, Rinpoche nhấn mạnh là mình phải khiêm tốn một cách chân thật, không giả dối. Ngài không thích những người giả vờ khiêm tốn, nhưng thật ra thì tự phụ và kiêu căng, hay những người nghĩ rằng mình là hành giả du già (yogi) vĩ đại. Ngài đã kể chuyện một hành giả tự đắc, xuất thân là dân du mục và vị này đã đến gặp một lama vĩ đại. Ông này hỏi vị lama các pháp khí trên bàn là cái gì, ra vẻ như chưa hề thấy bất cứ thứ gì thuộc về xã hội văn minh. Khi ông chỉ con mèo của vị lama và hỏi đó là mãnh thú kỳ lạ nào thì vị lama đã đuổi ông đi.
Giữ Công Phu Tu Tập Riêng Tư
Rinpoche đặc biệt không thích khi người ta kiêu căng khoác lác về công phu tu tập của mình. Ngài nói nếu chúng ta có ý định nhập thất hay thậm chí đã hoàn tất một kỳ nhập thất rồi thì không nên công bố cho người khác biết. Tốt hơn hết là giữ riêng những việc này và không để ai biết mình đang làm gì. Nếu không, việc người ta bàn tán về mình sẽ tạo ra nhiều chướng ngại, chẳng hạn như lòng kiêu hãnh, hay người khác ganh tỵ và cạnh tranh với mình. Không ai biết hành trì Mật điển chánh của Tông Khách Ba là vị bổn tôn nào, cho đến khi Kaydrubjey, đệ tử của ngài, quan sát trước khi ngài viên tịch và cúng dường 62 lần bằng chén cúng dường nội tại (inner-offering cup) thì ông mới suy ra đó là Chakrasamvara, bổn tôn hiện thân cho tâm cực lạc. Tương tự như vậy, không ai biết hành trì chánh của Serkong Rinpoche là gì, dù ngài được ca ngợi là một chuyên gia về Thời Luân.
Rinpoche thường kể rằng các Kadampa Geshe giấu kín công phu Mật điển đến nỗi chỉ sau khi các vị này viên tịch và người ta tìm ra một chày kim cương và chuông nhỏ xíu được may trong chéo y áo của các ngài thì họ mới biết các ngài đã tu tập. Rinpoche sống một cuộc đời noi gương của các vị này. Ngài thường đi ngủ nửa tiếng trước khi tất cả mọi người trong nhà đi ngủ và thức dậy sau mọi người một chút vào buổi sáng. Tuy nhiên, các thị giả của ngài và tôi thường để ý là sau khi mọi người đi ngủ thì đèn trong phòng ngài lại bật lên và chỉ tắt một thời gian ngắn trước khi mọi người thức dậy.
Một lần nọ, ở Jägendorf, nước Đức, Chondzeyla, thị giả chánh của Rinpoche ở chung phòng với ngài. Trong khi giả vờ như đang ngủ, Chondzeyla thấy Rinpoche ngồi dậy giữa đêm khuya và luyện tập các tư thế công phu, liên quan đến sáu pháp tu của Naropa. Mặc dù ban ngày, Rinpoche cần người giúp đỡ để ngồi dậy và đi lại khắp nơi, nhưng trên thực tế, ngài có sức mạnh và sự dẻo dai để tập các bài thể dục du già này.
Giữ Kín Phẩm Chất Cao Quý
Rinpoche luôn luôn cố gắng giữ kín các phẩm chất cao quý của mình. Thật ra, ngài còn không muốn tiết lộ danh tánh cho người lạ biết. Một lần nọ, một cặp vợ chồng già người Nam Dương (Indonesia) mời chúng tôi đi từ Paris đến Amsterdam bằng xe của họ. Sau khi đến Amsterdam, hai vợ chồng này mời Rinpoche đến nhà họ thọ trai. Chỉ về sau, khi những người ở trung tâm Phật giáo địa phương gọi điện thoại đến nhà hai người này để mời họ dự buổi thuyết pháp của Rinpoche thì họ mới biết vị khách của họ là ai. Họ nghĩ ngài chỉ là một nhà sư bình thường và thân thiện.
Cũng với tinh thần đó, đôi khi Rinpoche đánh cờ với trẻ con khi ngài đi ngoại quốc, hay ngài để Ngawang, vị thị giả trẻ hơn chơi cờ và ngài sẽ giúp cả hai bên. Trẻ em chỉ nghĩ ngài là một người ông lớn tuổi tốt bụng. Một lần nọ, vào mùa Giáng Sinh, khi Rinpoche đang đi trên đường ở Munich, nước Đức, trẻ em đã đi theo ngài, vì chúng nghĩ ngài là Ông Già Noel, trong chiếc y đỏ.
Thậm chí, Rinpoche còn giấu việc ngài biết khá nhiều tiếng Anh. Sau lễ quán đảnh Thời Luân ở Spiti, một tháng trước khi Rinpoche viên tịch, tôi tạm biệt ngài ở Tu Viện Tabo để trở về Dharamsala. Tôi đã thuê một chiếc xe buýt cho một nhóm người Tây phương và đến lúc phải đi. Tuy nhiên, vào phút cuối, một trong những người ngoại quốc đã viếng thăm Tu Viện Kyi, 20 dặm phía trên thung lũng, và không trở lại đúng giờ hẹn. Trong khi tôi đến Kyi để tìm bà thì một đệ tử người Ý đến gặp Rinpoche, nhưng không có thông dịch viên. Là người không bao giờ nói một chữ tiếng Anh với bất kỳ người ngoại quốc nào trước đó, Rinpoche đã quay qua nhìn người Ý này và hỏi bằng tiếng Anh hoàn hảo, “Alex đâu rồi?”. Khi người đàn ông kêu lên, “Nhưng ngài không biết nói tiếng Anh mà, Rinpoche.”, Rinpoche chỉ cười.