Sợ Hãi: Đối Phó Với Phiền Não

17:44
Sợ hãi là một trong những trở ngại mạnh mẽ nhất, ngăn cản ta thành tựu bất cứ điều gì tích cực trong cuộc sống. Là một trạng thái mê lầm, sợ hãi dựa trên vô minh, đặc biệt là về ý nghĩa của cảm giác an toàn. Tuy nhiên, ta có thể thoát khỏi gọng kềm của nỗi sợ hãi bằng nhiều phương pháp đối trị khẩn cấp và tạm thời.

Các Phương Pháp Khẩn Cấp để Đối Phó với Nỗi Sợ

Trong Phật giáo Tây Tạng, nữ bổn tôn Tara tượng trưng cho khía cạnh của một vị Phật bảo hộ, để chúng ta thoát khỏi sự sợ hãi. Tara thực sự tượng trưng cho năng lượng khí trong cơ thể và hơi thở. Khi ta đã tịnh hóa, ngài cũng tượng trưng cho khả năng hành động và hoàn thành các mục tiêu của chúng ta. Biểu tượng này nêu ra một vài phương pháp khẩn cấp để thực hành với hơi thở và các năng lượng tinh tế, nhằm đối phó với sự sợ hãi.

Các phương pháp khẩn cấp xuất phát từ các hành trì chuẩn bị (hành trì sơ khởi) mà chúng ta thực hiện trước khi hành thiền, tu học, hoặc lắng nghe giáo huấn. Các thực hành này giúp ta bình tĩnh hơn trong các tình huống khẩn cấp, khi ta cảm thấy vô cùng sợ hãi, hoặc bắt đầu hoảng sợ. Chúng cũng đóng vai trò như những bước thực hành đầu tiên, trước khi áp dụng các phương pháp sâu sắc hơn.

  1. Nhắm mắt và đếm các chu kỳ hơi thở. Một hơi thở vào và hơi thở ra là một chu kỳ. Tập trung vào cảm giác của hơi thở đi vào, đi xuống, bụng dưới phồng lên, rồi xẹp xuống, và hơi thở đi ra.
  2. Đếm các chu kỳ hơi thở với mắt mở hé, nới lỏng tầm nhìn, hướng xuống sàn nhà, một chu kỳ là hơi thở ra, tạm dừng, và hơi thở vào, với sự tập trung giống như trên, và sau một lúc, chú ý thêm cảm giác bàn tọa chạm vào ghế, hoặc sàn nhà.
  3. Tái khẳng định động lực hay mục tiêu của điều ta muốn đạt được và lý do tại sao.
  4. Tưởng tượng rằng tâm và năng lượng trở thành trọng tâm của sự chú ý, giống như các ống kính của máy ảnh.
  5. Không cần đếm hơi thở, chỉ tập trung vào vùng bụng dưới phồng lên và xẹp xuống trong khi thở và cảm giác rằng tất cả các năng lượng trong cơ thể đang luân chuyển một cách hài hòa.

Sợ Hãi Là Gì?

Sợ hãi là sự bất an về thể chất và tình cảm mà ta cảm nhận về một điều mình đã biết hoặc chưa biết, điều mà ta cảm thấy không có khả năng kiểm soát, đối phó, hay đem lại một kết quả như mình mong muốn. Vì không muốn gặp những điều đáng sợ, ta sẽ phản kháng một cách mạnh mẽ. Cho dù nỗi sợ là một sự lo lắng chung chung, không có một đối tượng cụ thể, ta vẫn rất muốn thoát khỏi “điều gì đó,” dù không xác định được đó là điều gì.

Sợ hãi không chỉ đơn giản là sân hận. Tuy vậy, tương tự như sân hận, nó đưa đến sự thổi phồng các phẩm chất tiêu cực của đối tượng mà chúng ta sợ hãi, và thổi phồng cái “tôi.” Sợ hãi đem thêm cho sân hận một tâm sở phân biệt ('du-shes, công nhận), rằng chúng ta không thể kiểm soát hay giải quyết tình huống này. Rồi thì ta chú tâm vào (yid-la byed-pa) bản thân mình và những gì mình sợ hãi bằng sự phân biệt này. Sự phân biệt và chú tâm này có thể đúng hoặc không đúng.

Sợ Hãi Đồng Hành với Vô Minh

Sợ hãi luôn đồng hành với sự thiếu hiểu biết (vô minh, mê lầm) về một số sự kiện về thực tại mà ta không biết hay biết theo cách trái ngược với thực tại. Chúng ta sẽ xem xét sáu trường hợp có thể xảy ra.

(1) Khi lo sợ mình không thể kiểm soát hay giải quyết một tình huống, tâm vô minh về nhân quả và phương cách sự vật tồn tại có thể đi kèm với sợ hãi. Các đối tượng khái niệm (zhen-yul, đối tượng ngụ ý) mà ta lo sợ khi chú ý tới bản thân và những điều mình sợ hãi là:

  • một cái “tôi” tồn tại một cách vững chắc, với sức mạnh của một mình nó, có khả năng kiểm soát mọi thứ, chẳng hạn như con của mình sẽ không bị thương,
  • một sự vật tồn tại một cách vững chắc, tự hiện hữu và không bị bất cứ điều gì khác ảnh hưởng, có thể chịu sự kiểm soát của ta, bằng nỗ lực của riêng mình, nhưng ta không thể làm được điều này, vì những sự thiếu sót của bản thân.

Không thể nào có những phương cách tồn tại như thế này và nhân quả không thể nào vận hành như vậy.

(2) Khi lo sợ rằng mình không thể giải quyết một tình huống, tâm vô minh đi kèm có thể là vô minh về bản chất của tâm và lẽ vô thường. Chúng ta sợ mình không thể xử lý các cảm xúc, hay khi mất mát một người thân. Chúng ta không biết rằng kinh nghiệm về nỗi đau và nỗi buồn chỉ là sự phát sinh và nhận thức về các hiện tướng. Chúng vô thường và sẽ qua đi, như cái đau khi nha sỹ khoan những chiếc răng của mình.

(3) Nỗi sợ hãi về việc không thể giải quyết một tình huống có thể là sự lo sợ rằng ta không thể giải tự quyết nó. Nó cũng có thể đưa đến sự sợ hãi về tình trạng cô độc và cảm giác cô đơn. Chúng ta nghĩ rằng mình có thể tìm thấy một người nào khác có khả năng cải thiện tình hình. Các đối tượng khái niệm ở đây là:

  • một cái “tôi” tồn tại một cách vững chắc, người thiếu khả năng, thiếu sót, chưa đủ tốt, và là người không bao giờ có khả năng học hỏi,
  • một sự tồn tại vững chắc của một “người nào khác”, một người tốt hơn mình và có thể cứu giúp mình.

Đây là một hình thức khác của tâm vô minh về cách mà người khác và chúng ta tồn tại, và vô minh về nhân quả. Việc chúng ta không có đủ kiến thức trong hiện tại để có khả năng giải quyết một việc gì đó, chẳng hạn như xe của mình hư, và người khác có thể có kiến thức về vấn đề này và có thể giúp ta, có thể là một điều đúng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể học cách giải quyết vấn đề bằng sự vận hành của nhân quả.

(4) Khi sợ một người nào đó, ví dụ như người chủ công ty, ta không nhận thức được các bản chất thông thường của họ. Chủ của ta cũng là con người có cảm xúc như mình. Họ cũng muốn được hạnh phúc, không muốn khổ, cũng muốn được yêu thích và không muốn bị ghét bỏ. Họ có cuộc sống bên ngoài văn phòng và nó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. Nếu có thể liên hệ với người chủ công ty từ khía cạnh con người, trong khi vẫn ý thức về vị trí riêng của mình, ta sẽ ít sợ họ hơn.

(5) Tương tự như vậy, khi sợ rắn hoặc côn trùng, chúng ta cũng không ý thức được chúng là những chúng sinh, cũng giống như mình, muốn được hạnh phúc và không muốn khổ. Từ quan điểm của Phật giáo, có thể trong hiện tại, ta không có ý thức về chúng như sự biểu hiện của một dòng tâm thức cá thể, không có đặc tính cố hữu như loài này hay loài khác. Ta không biết rằng thậm chí, chúng có thể đã từng là mẹ của ta trong những kiếp trước.

(6) Khi sợ thất bại hay bệnh tật, chúng ta không nhận thức được bản chất thông thường của mình là những chúng sinh trong luân hồi. Chúng ta không hoàn hảo và tất nhiên là sẽ mắc lỗi lầm, đôi khi thì thất bại, hay bệnh tật. “Bạn mong rằng luân hồi sẽ đem lại điểu gì cho bạn?”

Cảm Giác An Toàn

Từ quan điểm Phật giáo, cảm giác an toàn không đòi hỏi ta phải:

  • hướng về một đấng toàn năng, người sẽ bảo hộ ta, bởi vì không thể nào có một đấng toàn năng;
  • dù cho một đấng quyền năng có thể giúp mình bằng cách nào đó, ta cần phải làm cho vị này hài lòng bằng cách cúng dường hay hy sinh điều gì đó để có được sự bảo hộ hay giúp đỡ;
  • tự mình trở thành toàn năng.

Để cảm thấy an toàn, chúng ta cần phải:

  1. biết mình sợ hãi điều gì, nhận thức sự mê lầm và vô minh đằng sau nỗi sợ đó;
  2. có một ý tưởng thực tế về ý nghĩa của việc đối phó với nỗi sợ, đặc biệt là thoát khỏi sự mê lầm tiềm ẩn bên trong;
  3. đánh giá khả năng của bản thân trong việc xử lý điều làm ta sợ hãi, trong hiện tại và lâu dài, mà không đánh giá thấp hoặc quá cao về bản thân mình, và chấp nhận sự phát triển của mình ở giai đoạn hiện tại;
  4. thực hiện điều mình có thể làm trong lúc này. Nếu như ta đang thực hiện nó, thì hãy tùy hỷ; nếu chưa làm được, thì hãy quyết tâm rằng mình sẽ thực hiện nó bằng khả năng tốt nhất, rồi thực sự cố gắng thực hiện nó;
  5. hiện giờ, nếu như không thể xử lý vấn đề một cách trọn vẹn, ta phải biết cách để phát triển bản thân đến mức ta có thể xử lý nó một cách trọn vẹn;
  6. nhắm vào mục tiêu và hành động để đạt được giai đoạn phát triển này;
  7. cảm thấy rằng mình đang quy y Tam Bảo.

Bảy bước nói trên diễn tả điều mà Phật giáo gọi là “nương tựa vào phương hướng an toàn” (quy y). Nó không phải là một trạng thái thụ động, mà là một trạng thái chủ động, hướng đời mình theo một chiều hướng an toàn – chiều hướng của việc hành động một cách thực tế, để tiêu diệt nỗi sợ của mình. Nhờ vậy, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn và có sự bảo hộ, bởi vì ta biết mình đang đi theo chiều hướng tích cực và đúng đắn trong cuộc sống, và cuối cùng, nó sẽ giúp ta tiêu diệt tất cả các vấn đề và khó khăn.

Quan Điểm Thực Tiễn về Cách Xử Lý Những Tình Huống Đáng Sợ

Chúng ta cần phải nhớ rằng:

  • Bất cứ điều gì xảy ra với người thân hay chính mình là sự chín muồi của một mạng lưới nghiệp lực to lớn của mỗi cá nhân, cũng như các lực tác động của lịch sử, xã hội và kinh tế. Tai nạn và những điều không ai mong muốn sẽ xảy ra, và chúng ta không thể bảo vệ người thân của mình, dù ta có thận trọng như thế nào đi nữa, và đã khuyên họ nên cẩn thận ra sao. Tất cả những gì ta có thể làm là cố gắng đưa ra những lời khuyên hợp lý và cầu mong họ được bình an.
  • Để khắc phục tai nạn và nỗi sợ, ta cần phải đạt được nhận thức vô niệm của tánh Không. Tuy nhiên, hoàn toàn nhập định trong tánh Không không giống như đút đầu vào một cái lỗ trên mặt đất. Nó không phải là sự bỏ chạy để trốn tránh nỗi sợ hãi, mà là một phương pháp loại bỏ tâm vô minh và mê lầm, những điều khiến cho nghiệp xấu của ta trổ thành những điều không mong cầu, khiến ta sợ hãi.
  • Trong lúc hành động với nhận thức vô niệm về tánh Không để tịnh hóa nghiệp xầu ác, chúng ta vẫn sẽ gặp tai nạn và lo sợ trong suốt hành trình tu tập, cho đến khi đạt được giải thoát, thoát khỏi luân hồi sinh tử (quả vị A-la-hán), bởi vì bản chất của luân hồi là sự thăng trầm. Sự tiến bộ không phải là một đường thẳng. Đôi khi, sự việc tiến triển tốt đẹp và đôi khi thì không.
  • Dù đã đạt được giải thoát, trở thành một A-la-hán, chúng ta vẫn sẽ gặp tai nạn và những điều mà mình không mong muốn. Tuy nhiên, ta sẽ kinh nghiệm chúng mà không thấy đau đớn hay khổ não, và bởi vì đã thoát khỏi tất cả những cảm xúc và thái độ phiền não, ta sẽ không sợ hãi nữa. Chỉ khi nào đạt được quả vị A-la-hán thì chúng ta mới có thể hoàn toàn giải quyết tất cả những nỗi sợ của mình một cách sâu sắc nhất.
  • Chỉ khi nào đạt được giác ngộ thì ta mới không còn gặp tai nạn hay bất kỳ điều gì mình không mong cầu. Chỉ có một vị Phật là không hề sợ hãi khi tuyên bố sự chứng ngộ về tất cả các phẩm chất và kỹ năng thiện hảo, về sự chân diệt của tất cả các che chướng ngăn trở giải thoát và giác ngộ, những che chướng mà chúng sinh cần phải khắc phục để đạt được giải thoát và giác ngộ, những lực đối trị mà chúng sinh cần phải sử dụng để tiêu diệt những che chướng này.

Phương Pháp Tạm Thời để Đối Phó với Nỗi Sợ

  1. Tái khẳng định việc quy y Tam Bảo, dựa vào bảy bước liệt kê ở trên.
  2. Khi phải đối diện với một tình huống đáng sợ, chẳng hạn như một thử nghiệm về bệnh ung thư. Hãy thử hình dung nếu như tình huống tệ hại nhất xảy ra thì điều gì sẽ xảy ra với ta, và ta sẽ giải quyết nó như thế nào. Điều này sẽ giúp ta xóa tan sự sợ hãi về những điều mình không thể tiên liệu.
  3. Trước khi thực hiện một việc gì đó, chẳng hạn như đến phi trường để bắt một chuyến bay, nên có một số giải pháp chuẩn bị trước, để phòng hờ nếu một phương án nào thất bại, thì ta không phải đối diện với tình huống khó khăn mà không có cách nào khác để đạt được mục đích.
  4. Như ngài Tịch Thiên (Shantideva) đã dạy, nếu như gặp một tình huống hoảng sợ và chúng ta có thể làm điều gì đó để giải quyết vấn đề thì tại sao lại lo lắng, chỉ cần thực hiện điều đó thôi. Nếu không thể làm được điều gì để giải quyết vấn đề, thì tại sao lại lo lắng, vì có lo cũng không giúp ích được gì.
  5. Bởi vì chúng ta sẽ trải qua nỗi sợ hãi và bất hạnh trên suốt đường tu để đạt được giải thoát, ta phải hình dung tâm thức mình sâu rộng như đại dương. Khi sự sợ hãi hay đau khổ phát sinh, hãy để chúng qua đi như một con sóng trên biển cả. Con sóng này không hề ảnh hưởng đến chiều sâu tĩnh lặng của đại dương.
  6. Nếu như đã tích tập đủ thiện nghiệp từ các hành động có tính cách xây dựng, chúng ta có thể tự tin rằng mình sẽ tiếp tục tái sinh vào một thân người quý báu trong những kiếp tương lai. Thiện nghiệp là sự bảo hộ tốt nhất, giúp ta thoát khỏi sợ hãi, mặc dù ta phải nhớ rằng bản chất của luân hồi là sự thăng trầm.
  7. Khi phải đối diện với một tình huống đáng sợ, chúng ta có thể xin một lễ cúng dường, hoặc tự mình thực hiện nghi lễ thỉnh cầu sự trợ giúp của một vị Hộ Pháp hay bổn tôn, chẳng hạn như Tara, hay Đức Phật Dược Sư. Các vị này không phải là những đấng toàn năng có thể cứu độ mình. Chúng ta chỉ cầu xin và cởi mở đối với hoạt động giác ngộ của chư vị (‘phrin-las), để nó có thể tác động như một hoàn cảnh, giúp cho nghiệp lực từ những thiện nghiệp ta đã thực hiện trước đây trổ quả, những thiện nghiệp mà có thể sẽ không trổ quả, nếu không có đúng trợ duyên. Một hiệu quả an toàn hơn là để cho hoạt động giác ngộ của chư vị tác động như một hoàn cảnh, làm cho nghiệp lực từ những ác nghiệp mà ta đã thực hiện trước đây trổ quả thành những sự khó khăn không đáng kể, thay vì trở thành những chướng ngại nghiêm trọng, ngăn chận sự thành công. Vì vậy, thay vì sợ khó khăn, chúng ta sẽ hoan nghênh chúng như một cách “thiêu đốt” nghiệp lực tiêu cực.
  8. Tái khẳng định Phật tánh của mình. Chúng ta đang ở mức cơ bản đối với trí tuệ thấu hiểu được những hoàn cảnh khó khăn và đáng sợ (đại viên cảnh trí), để nhận ra các tập khí (bình đẳng tánh trí), để thấy rõ tính cách riêng rẽ của hoàn cảnh (diệu quán sát trí), và biết cách hành động như thế nào (điều này có thể bao gồm cả việc nhận thức rằng ta không thể làm gỉ được để thay đổi tình huống) (thành sở tác trí). Chúng ta cũng có năng lượng hành động ở mức cơ bản.
  9. Tái khẳng định rằng có Phật tánh nghĩa là chúng ta có nền tảng cho tất cả các phẩm chất tốt đẹp hoàn thiện trong tự thân. Trong thuật ngữ tâm lý phương Tây, các phẩm chất này có thể thuộc về phạm vi của ý thức hoặc tiềm thức (chúng ta có thể có chánh niệm về chúng hay không, và chúng có thể được phát triển ở mức độ khác nhau). Thông thường, ta phóng chiếu các phẩm chất trong tiềm thức như một "cái bóng." Bởi vì ta không biết được những điều thuộc về tiềm thức, khi ý thức được nó, ta sẽ biểu lộ sự căng thẳng bằng nỗi lo sợ về những điều ta không lường trước được. Vì vậy, nó trở thành sự sợ hãi đối với những phẩm chất của tiềm thức mà ta không ý thức được. Vì vậy, có thể ta sẽ đồng hóa mình với khía cạnh trí thức thuộc về phạm vi ý thức, và làm ngơ hay chối bỏ khía cạnh cảm xúc mà ta không biết đến trong tiềm thức. Ta có thể phóng chiếu khía cạnh cảm xúc như một cái bóng và cảm thấy sợ những người quá giàu tình cảm. Chúng ta có thể sợ chính cảm xúc của mình và lo âu khi không tiếp xúc được với những cảm giác ấy. Nếu ta đồng hóa mình với khía cạnh cảm xúc thuộc về ý thức và chối bỏ mặt trí thức trong tiềm thức, ta có thể phóng chiếu khía cạnh trí thức như một cái bóng và cảm thấy bị đe dọa vì những người có trí thức. Ta có thể sợ hãi khi cố gắng thấu hiểu bất kỳ điều gì và cảm thấy lo âu vì sự đần độn của mình. Vì vậy, ta cần phải tái khẳng định cả hai mặt trọn vẹn trong bản thân mình, như các khía cạnh của Phật tánh. Ta có thể quán tưởng hai khía cạnh này ôm lấy nhau, trong hình thức một đôi nam nữ, như trong pháp quán tưởng Mật điển, và cảm thấy rằng mình chính là một đôi trọn vẹn, không chỉ là một thành viên trong một cặp.
  10. Tái khẳng định một khía cạnh khác trong Phật tánh của mình, chẳng hạn như bản chất của tâm theo tự nhiên thì hoàn toàn không có những sự sợ hãi. Vì vậy nên kinh nghiệm sợ hãi chỉ đơn thuần là một sự kiện hời hợt thoáng qua.
  11. Tái khẳng định thêm một khía cạnh khác của Phật tánh, đó là chúng ta có thể nhận được nguồn cảm hứng từ những người khác, để có can đảm đối diện với những tình huống đáng sợ.

Tóm tắt

Khi bị choáng ngợp vì sợ hãi mà nhớ ra phương pháp đối trị nỗi sợ thì ta có thể giúp tâm lắng dịu và đối phó với bất cứ hoàn cảnh đáng sợ nào một cách thực tiễn.

Top