Ôn Lại Những Điểm Chính Của Lam-rim
Lam-rim được chia thành ba phạm vi, mỗi phạm vi có những tâm thái khác nhau, đóng vai trò như những đường tu giúp mình đạt giác ngộ. Cấu trúc này được vị thầy Ấn Độ A-Đề-Sa (Atisha) vĩ đại ở thế kỷ thứ 11 soạn ra, ngài là người đã đưa Phật pháp từ Ấn Độ đến Tây Tạng lần thứ hai. Ông đã trình bày giáo huấn của mình trong một quyển sách với tựa đề Đèn Soi Nẻo Giác (Phạn ngữ: Bodhipatha-pradipa).
Chúng ta có thể theo dõi truyền thống Kadam đi ngược về A-Đề-Sa. Theo thời gian thì truyền thống này trở nên rời rạc, và đã được Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cải cách, rồi trở thành truyền thống Gelug. Truyền thống Kadam cũng ảnh hưởng những truyền thống khác, bởi vì lojong, hay giáo pháp luyện tâm, được giảng dạy rộng rãi, và chủ yếu là xuất phát từ các dòng truyền thừa Kadam. Một ví dụ khác về ảnh hưởng của Kadam có thể được nhìn thấy với Gampopa, người đã phát triển rất nhiều truyền thống Kagyu, được biết đến như một bậc thầy vĩ đại, đã kết hợp các dòng Kadam và Đại Thủ Ấn (Mahamudra) lại với nhau.
A-Đề-Sa đã nảy sinh ý niệm về sơ đồ cho lam-rim, từ một dòng trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (I.4), (Engaging in Bodhisattva Behavior) của Tịch Thiên (Shantideva), mà trong đó, ngài Tịch Thiên đã viết rằng:
Khi đã có được thân này với tự do và thuận lợi rất khó tìm, có thể đáp ứng ước nguyện của tất cả chúng sinh, nếu ta không hoàn thành lợi lạc của nó trong kiếp này, thì bao giờ mới có được nó lần nữa?
"Tất cả chúng sinh," như Atisha khai triển, đề cập đến ba loại hành giả trong ba phạm vi.
Phạm vi sơ căn bao gồm các chủ đề về mối quan hệ lành mạnh với vị thầy tâm linh, kiếp người quý báu, cái chết và lẽ vô thường, những nỗi khổ của ba cõi thấp hơn, quy y hay phương hướng an toàn, những phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng, việc bàn luận về nghiệp và tránh tạo ác nghiệp.
Phạm vi trung căn trình bày những nỗi khổ của ba cõi tái sinh cao hơn, và nỗi khổ trong luân hồi, hay tái sinh bất tự chủ. Nó bao gồm sự trình bày về những phiền não, các tâm sở trong bối cảnh của Tứ Diệu Đế, và nguyên nhân thật sự tạo ra khổ (tập đế). Chúng ta cũng có một giải thích cụ thể, chi tiết hơn về thập nhị nhân duyên, và cách phiền não tạo ra diệu đế đầu tiên, tức chân khổ. Sau đó là trình bày về tam vô lậu học về giới, định, tuệ, như phương tiện để thoát khỏi luân hồi và thành tựu giải thoát. Thêm vào đó, còn có bàn luận về giới xuất gia và cư sĩ, bao gồm giới vô lậu học. Tất cả những điều này nằm trong toàn bộ khuôn khổ của tâm xả ly (quyết tâm được tự do) và tạo thành động lực của phạm vi trung căn.
Đối với phạm vi thượng căn thì có các giáo lý về những phương pháp khác nhau để phát bồ đề tâm. Có bài thiền 7 điểm nhân quả, bắt đầu bằng cơ sở của tâm bình đẳng, và trước hết là nhận thức tất cả chúng sinh đã từng là mẹ của mình. Phương pháp thứ hai là bình đẳng hóa và hoán chuyển ngã tha, bao gồm pháp tu “tonglen”, cho và nhận. Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã trình bày một bài thiền quán gồm 11 phần để kết hợp hai phương pháp phát bồ đề tâm này. Ngoài ra, còn có phần trình bày về thọ Bồ tát giới, và giải thích về chúng. Có pháp tu Lục độ ba la mật, với một bài trình bày rất sâu rộng về cách thành tựu thiền định ba la mật, hay định tâm, nhờ việc đạt được shamatha (thiền chỉ), một tâm trạng tĩnh lặng và ổn định. Sự khai triển về trí tuệ ba la mật được trình bày theo các giáo huấn về cách phát triển vipashyana (thiền quán), tuệ giác đặc biệt của tâm thức. Tất cả những điều này thuộc về giáo pháp của phạm vi thượng căn.
Chúng ta có thể thấy từ điều nghiên nhanh gọn này là giáo pháp lam-rim bao gồm một số lượng tài liệu khổng lồ, tất cả đều nằm trong phạm vi Kinh điển, nếu phân chia theo Kinh điển và Mật điển. Đối với việc tu tập Mật tông thì một mức độ thuần thục nào đó đối với tất cả các lãnh vực này là điều kiện tiên quyết tuyệt đối, là điểm mà tất cả các truyền thống Tây Tạng đều đồng ý.
Những Điểm Được Đề Cập Trong Lam-rim Đều Được Tìm Thấy Trong Tất Cả Các Truyền Thống Tây Tạng
Không thể nào đi sâu vào chi tiết về từng điểm, khi tôi chỉ liệt kê chúng, và có nhiều sách vở khác trình bày tài liệu này ở những chiều sâu khác nhau, và với số lượng trích dẫn kinh điển khác nhau, từ các nguồn tài liệu của Ấn Độ, để hỗ trợ cho các giáo huấn và chỉ giáo. Phiên bản lớn nhất được Tông Khách Ba sáng tác, được gọi là Lam-rim chen-mo, hay Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (Grand Presentation of the Graded Stages of the Path), mà ngài đã cung cấp số lượng chi tiết chính xác một cách đáng kinh ngạc, liên quan đến thiền chỉ và thiền quán. Phiên bản của Đức Dalai Lama Thứ Năm cung cấp rất nhiều chỉ giáo cá nhân về các pháp tu thiền. Có nhiều biến thể, và mỗi một tác phẩm sẽ có những điểm đặc trưng riêng biệt.
Điều quan trọng là phải biết rằng tất cả các tài liệu được đề cập trong lam-rim đều được tìm thấy trong tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Sự khác biệt duy nhất là cách trình bày được cấu trúc như thế nào. Chẳng hạn như Gampopa có hai cách trình bày tài liệu. Trong Giải Thoát Trang Nghiêm Bảo Châu (Jewel Ornament of Liberation), ngài đã chia nó ra về mặt nguyên nhân, cụ thể là thảo luận về Phật tánh, và rồi tiếp tục trình bày kiếp người quý báu làm cơ sở hỗ trợ, dựa vào vị thầy tâm linh là trợ duyên, và chỉ giáo của thầy là phương tiện. Tất cả đều hướng đến những điều tương tự có mặt trong lam-rim, với mục tiêu cải thiện việc tái sinh, giải thoát và giác ngộ. Sau đó, Gampopa cấu trúc các phương tiện để khắc phục bốn chướng ngại, gợi lại cách trình bày của phái Sakya về cùng một tài liệu trong tác phẩn “Thoát Khỏi Bốn Sự Bám Chấp” (“Parting From The Four Clingings”). Trong cách cấu trúc giáo pháp khác, Gampopa đã khai thị điều được gọi là “Bốn Pháp Của Gampopa” (“Four Dharmas of Gampopa”).
Truyền thống Drigung Kagyu có những bài pháp sắp xếp tài liệu theo nền tảng, đường tu và kết quả, và ta cũng thấy điều tương tự trong truyền thống Sakya, gọi là “Ba Thị Kiến” (“The Three Visions”). Có thị kiến bất tịnh, thị kiến kinh nghiệm và thị kiến thanh tịnh. Một số bài pháp kết hợp Bốn Pháp của Gampopa với ba phạm vi, và một số khác kết hợp nó với bốn sự bám chấp. Một ví dụ khác là tác phẩm của Patrul Rinpoche, Lời Vàng Của Thầy Tôi (The Words of My Perfect Teacher), khi ngài nói về những pháp tu sơ khởi bên ngoài và sơ khởi bên trong. Tất cả đều bao gồm cùng một tài liệu, nên chúng ta không nên có quan điểm bè phái nào, nghĩ rằng phiên bản mà mình nghiên cứu là bản duy nhất, hoặc tốt nhất. Một số trích dẫn từ nguồn tài liệu của Ấn Độ có thể hơi khác nhau, và một số chỉ giáo riêng về thiền có thể hơi khác nhau, nhưng chủ yếu thì chúng đều giống nhau.
Ba Loại Niềm Tin Vào Sự Thật
Chúng ta đã thấy rằng mình có thể hiểu lam-rim theo bối cảnh của Tứ Diệu Đế, và việc tin chắc vào các mục tiêu là điều vô cùng hệ trọng, nếu mình có thể phát triển bản thân theo Pháp Thực Thụ (Real Thing Dharma). Chúng ta có thể rút ra sự xác quyết này từ hai điều. Một là ba loại thường được dịch là “niềm tin”. Tôi nghĩ cách dịch tốt hơn là “niềm tin vào sự thật”, vì chúng ta không nói về niềm tin là ngày mai thì thị trường chứng khoán sẽ khá hơn, hoặc điều gì khác mà mình không thể tiên liệu. Chúng ta đang nói về niềm tin vào điều gì là sự thật, không chỉ niềm tin vào điều gì không thể nào hiểu được.
Trước tiên là niềm tin tịnh hóa, là điều tịnh hóa hay làm lắng dịu bất kỳ thái độ phiền não nào. Chẳng hạn như nó làm lắng dịu tâm do dự, nghi ngờ và sợ hãi. Nỗi sợ hãi có thể liên quan đến giác ngộ, khi mình cảm thấy, “Ai có thể làm điều này?”, hay có thể quyến luyến và nghĩ rằng, “Ồ, điều này thật tuyệt vời, tôi muốn nó cho tôi, tôi, tôi!”. Niềm tin tịnh hóa làm lắng dịu tất cả những điều này, và phát khởi dựa vào loại niềm tin thứ hai, đó là niềm tin dựa trên lý lẽ. Nói cách khác thì mục tiêu để đạt giải thoát và giác ngộ là hợp lý. Nó hợp lý và có ý nghĩa, không phải là vô lý hay bất khả dĩ. Loại thứ ba là niềm tin với ước nguyện, khi mình tin rằng nó khả dĩ, và có khả năng đạt được nó, nên mong đạt được nó.
Từ ba loại niềm tin này, ta có thể thấy chúng rất cần thiết để tin chắc là các mục tiêu hợp lý, rằng việc thành tựu những mục tiêu này là điều khả dĩ, và mỗi một người trong chúng ta đều có thể đạt được chúng. Khi có lòng tự tin này thì tâm ta sẽ bình tĩnh, không còn sợ hãi hoặc nghi ngờ, hay phóng đại, cũng không ganh tỵ với những người đã đạt được mục tiêu, hay kiêu ngạo về thành tích của mình.
Mười Sáu Thuộc Tính Của Tứ Diệu Đế
Một khía cạnh khác của giáo huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm xác tín là việc nghiên cứu về mười sáu thuộc tính của Tứ Diệu Đế. Chúng ta đã nói về thánh nhân (arya), hay một “bậc cao quý”, đó là người có chứng ngộ vô niệm về Không tướng (tánh Không). Thật ra, nó không chỉ là Không tướng, mà là nhận thức vô niệm về mười sáu thuộc tính của Tứ Diệu Đế. Tôi sẽ không liệt kê chúng ở đây, có bốn thuộc tính cho mỗi diệu đế, nhưng điều quan trọng là phải nghiên cứu và tin tưởng vào chúng. Phải có niềm tin rằng chân diệt là điều khả dĩ, rằng nguyên nhân thật sự tạo ra khổ là vô minh, và chân đạo sẽ đoạn trừ nhân tạo khổ mãi mãi. Mười sáu thuộc tính giải thích tất cả những điều này, và giúp mình có tự tin.
Tâm Xác Tín Vào Chân Diệt Và Chân Đạo Như Nền Tảng Của Phương Hướng An Toàn (Quy Y)
Tôi đang đề cập đến tất cả những chi tiết này để minh họa tầm quan trọng và lợi ích của việc cố gắng kết hợp các khía cạnh của giáo pháp vào đời sống. Việc này sẽ củng cố và đào sâu sự hiểu biết của mình về bất cứ điểm nào trong giáo pháp. Nếu như thật sự quy y, nói cách khác là nếu mình thật sự đưa phương hướng an toàn vào trong đời sống, là điều đã được Tam Bảo (Ba Viên Ngọc Quý) Phật, Pháp và Tăng nêu ra, thì mình sẽ thật sự muốn đi theo phương hướng đó.
Phương hướng của Pháp Bảo là gì? Đó là diệu đế thứ ba và thứ tư, hay chân diệt và chân đạo trong dòng tâm thức của một thánh nhân. Chúng ta nên biết định nghĩa này. Diệu đế thứ ba và thứ tư không chỉ tồn tại trên trời, chúng thật sự dựa vào cơ sở của dòng tâm thức. Đó là việc chấm dứt, vĩnh viễn đoạn trừ nỗi khổ và nhân tạo khổ trong một dòng tâm thức, và hy vọng đó là dòng tâm thức của mình. Chân đạo là sự chứng ngộ đem lại điều này. Chư Phật (Phật Bảo) là những bậc đã thành tựu viên mãn các chân diệt và chân đạo. Thánh Tăng (Tăng Bảo) đã thành tựu chúng một phần nào, nhưng chưa viên mãn.
Thật ra thì mình quy y nghiêm túc đến mức nào? Có phải chỉ là blah blah blah, khi mình cắt một nhúm tóc và nhận một pháp danh Tây Tạng? Hay chúng ta đang quy y với cái gì, có phải là chú thỏ Phục sinh? Quy y là một phương hướng an toàn, nên phải quy y điều gì mà mình tin là có tồn tại. Cần phải tự tin rằng có những điều như chân diệt và chân đạo, rằng có những người đã thành tựu chúng, và mình cũng có thể đạt được chúng. Phải tự tin rằng có những giai đoạn về cách thành tựu chúng, và Đức Phật thật sự đã dạy những điều này. Ta sẽ quyết định đi theo phương hướng đó, khi chắc chắn rằng đó là điều gì thật sự hiện hữu. Sau đó, mình sẽ bổ sung thêm bồ đề tâm, nhắm vào việc tu tập trọn đường tu để tự mình thành Phật, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.
Trước tiên, quy y nằm trong bối cảnh giải thoát. Khi lặp lại vần kệ phát khởi động lực theo tiếng Tây Tạng thì trước hết là quy y, hay noi theo phương hướng an toàn từ Phật, Pháp và Tăng suốt cả đường tu đến giải thoát; rồi thì nhờ công đức của hạnh bố thí và vân vân, để đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Phần đầu tiên liên hệ với mục tiêu giải thoát. Phần thứ hai, bồ đề tâm, nhắm đến giác ngộ. Cần phải trải qua các giai đoạn này.
Thế thì toàn bộ cơ sở để trở thành một hành giả trong phạm vi cơ săn, rồi trung căn, rồi đến thượng căn, phụ thuộc vào niềm tin rất tự tin rằng mình có thể đạt được những mục tiêu này. Đây là con đường dẫn đến lòng tự tin vào điều đó. Tất cả các pháp lam-rim phải được hiểu theo bối cảnh này, nhắm vào giải thoát hay giác ngộ. Đây là điều khiến cho bất kỳ pháp tu nào trở thành một pháp tu nhà Phật, trong bối cảnh quy y, bởi vì điều phân biệt giữa đạo Phật và tôn giáo ngoại đạo là quy y. Nếu không có quy y thì phạm vi sơ căn sẽ gần giống như bất cứ tôn giáo nào khác. Chúng ta muốn có được tái sinh tốt hơn, hay muốn lên thiên đàng. Đó không phải là đạo Phật đặc thù!
Quy Y Tam Bảo Giúp Cho Đạo Phật Khác Biệt Với Những Tôn Giáo Khác
Có nhiều pháp tu trong nhà Phật cũng thông dụng trong các truyền thống ngoại đạo. Tâm xả ly, quyết tâm thoát khỏi hiện hữu thế tục, cũng nằm trong các truyền thống khác, và có những chỉ giáo đầy đủ để đạt được chỉ và quán trong nhiều truyền thống ngoại đạo ở Ấn Độ. Có thể họ không tập trung vào tánh Không, nhưng chắc chắn có phương pháp để đạt được chỉ và quán. Rồi có các phiên bản Mật tông của Ấn Độ giáo, tu tập với các luân xa, kênh mạch và năng lượng, giống như trong Phật giáo.
Điều gì làm cho bất cứ pháp tu nào trong các pháp này là một pháp tu của đạo Phật? Có phải đó là lòng từ bi? Không, bởi vì mình cũng thấy những điều này trong hầu hết các tôn giáo khác. Có phải nó dựa vào vị thầy tâm linh? Không, vì điều đó cũng được tìm thấy trong nhiều truyền thống khác. Có phải là việc giữ giới? Không. Có phải là việc trở thành một vị tăng hay ni? Không. Có phải là việc hành trì các nghi lễ hay puja (lễ cúng dường)? Không, những điều này cũng được thấy trong các hệ thống tôn giáo khác.
Vậy thì điều gì làm cho nó trở thành đạo Phật? Chúng ta có thể đọc câu trả lời trong mỗi một kinh sách, đó là quy y. Đó không phải là một lời tuyên bố tầm thường. Đó không phải là việc cho rằng “Phật của tôi tốt hơn Thượng đế của bạn”, mà là về quy y và diệu đế thứ ba và thứ tư, sự chân diệt của khổ, dựa trên việc đoạn trừ nhân tạo khổ mãi mãi, và chân đạo dẫn đến điều này. Nói cách khác là giải thoát thật sự.
Mặc dù các tôn giáo Ấn Độ khác có thể nói về giải thoát, nhưng theo quan điểm của đạo Phật thì nó không hoàn toàn là giải thoát, vì hành giả của các hệ thống này vẫn còn một số phiền não và vấn đề chưa được đoạn trừ với sự hiểu biết của họ. Chúng ta tin rằng những gì Đức Phật dạy là đúng không thể đơn thuần dựa vào tín tâm với Đức Phật: những điều này đúng, vì Phật nói là đúng. Niềm tin của mình phải dựa trên sự xác tín hợp lý rằng giải thoát mà Đức Phật nêu ra là chân giải thoát. Sự xác tín này phải dựa trên lý lẽ đến mức phiền não trong tâm mình sẽ được tịnh hóa. Không phải là giải thoát của mình tốt hơn giải thoát của họ. Không kiêu hãnh về nó hay chấp thủ với nó. Chúng ta không có nghi ngờ gì về điều đó, không phải là cứng đầu và hẹp hòi, mà cũng không có thái độ phe phái hay ganh tỵ với người khác, hay cố cạnh tranh với ai. Chúng ta có loại niềm tin thứ ba, đó là niềm tin vào sự thật với ước nguyện rằng nó là điều khả dĩ, và mình sẽ thực hiện nó. Sau đó thì tất cả các điểm trong lam-rim sẽ bắt đầu có ý nghĩa.
Quán Xét Động Lực Của Mình
Cần phải quán xét động lực của mình, để xem mình có theo cách tiếp cận Pháp Nhẹ Nhàng hay không. Chúng ta đang cố gắng cải thiện kiếp này bằng các phương tiện giáo pháp, hay đang nghĩ về những kiếp tương lai? Liệu mình có ý niệm gì về việc giác ngộ thật sự có nghĩa là gì, và đó là điều khả dĩ hay không?
Nếu Pháp Nhẹ Nhàng là nước uống của mình thì không có cảm giác tội lỗi hay phán xét về điều đó. Nó hoàn toàn tốt. Đó là vị trí mà hầu hết những người Tây phương sẽ khởi đầu, và phải bắt đầu, với bối cảnh xuất thân của mình. Nếu như đang tu tập Pháp Nhẹ Nhàng thì điều thật quan trọng mà mình phải biết là Pháp Thực Thụ là điều khác biệt, và nên tôn trọng nó. Nên hy vọng rằng trong tương lai, mình có thể tu tập Pháp Thực Thụ. Nếu quay trở lại việc phân tích động lực thì cần phải xác quyết về ba mục tiêu Thực Thụ.
Một bước xa hơn nữa là ta sẽ có một số cảm xúc, khiến mình muốn đạt được những mục tiêu này. Ta có thể tin rằng những tái sinh tốt đẹp hơn, giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ, nhưng lại kháng cự với việc tu tập bất cứ điều nào trong số những điều này. Một khi hiểu rằng mình có thể đạt được cả ba điều này thì phải cải thiện lực thúc đẩy bằng cảm xúc, khiến mình đứng lên và làm một cái gì đó để đạt được chúng. Để chuyển hóa Pháp Nhẹ Nhàng thành Pháp Thực Thụ thì phải làm việc trên hai chiều. Một chiều là sự hiểu biết và chiều kia là khía cạnh cảm xúc, không thể bỏ qua bất cứ chiều nào. Cả hai đều quan trọng như nhau.
Ta Là Ai Và Muốn Gì?
Thuật ngữ được sử dụng trong lam-rim rất có ý nghĩa, khi nói về “con người”. Mình là loại người nào? Có phải ta là người chỉ quan tâm đến sự giàu có, tình yêu và vân vân trong đời này? Mình có phải là người thật sự nghĩ về những kiếp tương lai và đảm bảo là chúng sẽ không tồi tệ hơn, để mình có cơ hội tiếp tục phát triển tâm linh? Có phải ta là người tu tập để khắc phục mọi khổ đau và đạt giải thoát?
Hãy nhớ rằng giải thoát là giải thoát khỏi tái sinh bất tự chủ, trong khi giải thoát của Pháp Nhẹ Nhàng chỉ là giải thoát khỏi những vấn đề tái diễn một cách bất tự chủ trong kiếp này. Có phải ta đang hướng đến giác ngộ để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh một cách tuyệt đối, mỗi một chúng sinh trong vũ trụ? Điều này bao gồm tất cả côn trùng, một cách bình đẳng! Đó là điều rất rộng lớn. Đó là điều mà mình gọi là “Đại thừa”, cỗ xe tâm thức rộng lớn. Những mục tiêu này xác định mình là loại người nào, và đó là điều quan trọng. Việc tu tập hướng về những mục tiêu này chắc chắn sẽ định hình cuộc sống của mình một cách trọn vẹn hơn nhiều, so với quốc tịch, nghề nghiệp hay giới tính của mình. Những điều lam-rim đề cập đến liên quan đến việc mình là loại người nào.
Vì vậy, ta phải tự hỏi mình những loại câu hỏi này, để xem điều gì đang định hình đời sống của mình. Nếu không thì việc học hỏi giáo pháp sẽ giống như học hỏi bất cứ điều gì, và nó sẽ trở thành điều gì thú vị và có thể hữu ích chút ít, như học cách sửa xe. Điều đó đôi khi có thể thú vị và hữu ích, nhưng nó sẽ không định hình toàn bộ đời sống. Điều sẽ định hình cuộc sống là việc tu tập để trở thành ba hạng người theo cách tiệm tiến.
Trung Thực Với Chính Mình
Tôi nhớ đến một dòng từ giáo pháp lojong, Thất Điểm Luyện Tâm (Seven Point Mind Training), mà trong đó, Geshe Chaykawa liệt kê là một trong những cách để đo lường sự thành công của mình trong việc luyện tâm, “Nếu, trong hai nhân chứng, tôi là chứng nhân chính.”. Nó có nghĩa là những người có thể chứng kiến và đánh giá mức độ động lực và phát triển tâm linh của chúng ta, cụ thể là người khác hay chính mình, thì người thật sự biết là chính mình. Ta sẽ biết mình có trung thực với bản thân hay không. Chúng ta có thật sự tu tập để giải thoát tất cả côn trùng trong vũ trụ hay không, khi mình tụng câu này một cách rất dễ dàng, “Con nguyện đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.”. Chúng ta đang đùa với ai đây? Có ai thật lòng nói như vậy, hay nghĩ rằng điều này thật sự có nghĩa là gì không? Ta là người có khả năng đánh giá bản thân mình tốt nhất. Một mặt thì cần phải làm điều này mà không có cảm giác tội lỗi hay phán xét, và mặt khác thì không tự mãn, khi mình nghĩ rằng, “Được rồi, đó là vị trí hiện tại của mình, và nó là như vậy. Tôi là một người hay nổi giận và nóng tánh, nên mọi người nên làm quen với việc này.”. Thay vì vậy thì hãy cố trưởng dưỡng thái độ, “Đây là vị trí hiện tại của mình, nhưng tôi muốn thử đi xa hơn.”
Nhưng điều gì xảy ra khi mình có những câu hỏi như “Liệu tôi có sẵn sàng để thực hiện pháp tu này không?”; “Đây có phải là điều thích hợp để hỏi thầy của mình không, hay ta có thể tự mình đánh giá nó?”. Tất nhiên là có thể xin lời khuyên của thầy, và không ai nói rằng không nên thọ giáo với thầy mình. Nhưng, “Liệu tôi đã khắc phục lòng ích kỷ của mình chưa?” Liệu mình sẽ hỏi ai khác, hay sẽ tự đánh giá bản thân mình?
Sau đó, sự việc trở nên phức tạp hơn một chút. Đôi khi, ta không thật sự ý thức được cách mình giao tiếp với người khác, nên phải nghe nhận xét của người khác, ngay cả khi khó tìm được người nào có cái nhìn khách quan. Ta có thể hỏi, “Liệu mình có hành xử một cách ích kỷ trong mối quan hệ với người khác không?” và người khác có thể có nhu cầu tình cảm riêng của họ. Cuối cùng thì mình là thẩm phán tốt nhất, dù mình có hành động ích kỷ hay không. Dựa trên cảm giác của mình, hay nhận xét của người khác, rồi mình tự đánh giá bản thân. Mình dễ khách quan với bản thân hơn là người khác, vì mình hiểu rõ bản thân hơn.
Khắc Phục Cảm Xúc Kháng Cự Với Việc Thay Đổi
Nhưng, như đã đề cập, ngay cả khi mình muốn thay đổi và cải thiện bản thân thì thường gặp phải sự kháng cự bằng cảm xúc. Để khắc phục điều này thì phải đi sâu hơn vào phân tích về tâm vô minh đằng sau sự kháng cự này, và cố gắng tìm ra điều gì tạo ra nó. Nếu sự phân tích của mình dừng lại ở mức độ phổ biến đối với tất cả các trường phái Phật giáo Ấn Độ, thì vô minh là niềm tin của mình đối với một cái “tôi” được xem là tự túc. Tâm vô minh này là điều tạo ra sự phản kháng, nên mình phải bắt đầu giải tỏa cái “tôi” này. Đây là một cái “tôi” có thể được biết bằng tự thân nó, như là, “Tôi không muốn đạt giác ngộ. Tôi không muốn giúp đỡ người khác.”. Nó có vẻ như có một cái “tôi” tự nó không muốn tu hành.
Có phải đó là một tâm thức không muốn tu tập? Hay có phải nó là sự lười biếng? Nói một cách chính xác thì nó là gì? Chúng ta nghĩ về mặt “tôi”, như là trong, “Tôi không muốn tu hành”, nhưng cái “tôi” này chỉ được quy gán vào một tâm thức chứa đựng sự lười biếng, sợ hãi, bất an và các tâm sở khác. Nếu muốn nói đến toàn bộ phức hệ của tâm và các tâm sở, cảm xúc và sự bất an thì mình có thể nói về nó về mặt cái “tôi”. Nó thật sự có cảm giác như “tôi” không muốn tu hành.
Nhưng cái “tôi” này không tự nó tồn tại, mà chỉ có thể được biết trong bối cảnh của những điều khác. Để thay đổi tình huống và khắc phục sự phản kháng để tu tập, nếu như mình nghĩ về bản thân như một cái “tôi” được xem là tự túc, thì phải ngăn chận việc cái “tôi” đó phản kháng. Như thể ta có thể tự mắng mình, “Thôi đi, hãy ngưng hành động như vậy”, hay trừng phạt và ép buộc mình phải tu tập. Điều đó không hữu hiệu. Điều đó dựa trên một khái niệm lầm lạc về “tôi”.
Thế thì điều quan trọng là phải dùng pháp đối trị của mình một cách chính xác, chứ không nhắm vào cái “tôi” được xem là tự túc, vì nó không tồn tại. Cần phải hướng pháp đối trị vào các tâm sở và những phiền não mà “tôi” được dán nhãn vào đó. Thế thì phải sử dụng các phương tiện giáo pháp hoàn hảo để đối trị tâm sợ hãi, lười biếng, bất an của mình và vân vân, là những điều đã trở thành cơ sở để dán nhãn một cái “tôi” không muốn tu tập. Một khi đã tiêu trừ chúng thì ta sẽ tìm một nền tảng để dán nhãn một cái “tôi” muốn tu hành một cách nhiệt tình, v.v... Đây là cách mình có thể áp dụng việc phân tích về tánh Không. Điều này không quá trí thức hay khó khăn, mà chỉ là vấn đề hiểu những gì người ta đang nói đến, và cách áp dụng nó một cách thực tiễn.
Tóm Tắt
Chúng ta là ai và muốn gì? Thật ra đó không phải là một câu hỏi dễ, và nó đòi hỏi mình phải dành thời gian quán sát tự thân một cách trung thực. Dù mình sẽ vui vẻ với Pháp Nhẹ Nhàng, hay phấn đấu để đạt được phạm vi động lực sơ căn, trung căn hay thượng căn, thì ít nhất ta sẽ biết mình đang ở đâu. Cuối cùng thì mình là nhân chứng tốt nhất cho bản thân ta.
Như chúng ta đã thấy, quy y hay phương hướng an toàn là điều thật sự khiến cho đạo Phật khác biệt với những truyền thống tâm linh khác. Trên thực tế, quy y là cửa ngõ cho tất cả giáo lý nhà Phật, và là sự khởi đầu của một hành trình giải tỏa phiền não, dấn thân vào việc cải thiện bản thân, và du hành trên đường đến Phật quả.