Giới Thiệu Cấu Trúc Của Ba Cấp Độ Động Lực
“Lam-rim” là một thuật ngữ Tây Tạng, thường được dịch là “đường tu tuần tự đến giác ngộ”, nhưng không nói về con đường mình đi trên đó. Thật ra, “đường tu” ở đây nói về một tâm trạng vận hành như một con đường đưa mình đến một nơi nào đó, trong trường hợp này là trọn đường tu đến giác ngộ. Tôi thích gọi nó là một “đạo lộ tâm thức”, và đó là điều mình phải phát triển, theo một trình tự được phân loại, để đạt giác ngộ.
Theo truyền thống thì lam-rim được chia thành ba cấp độ chính, rồi được phân chia thành những phần nhỏ hơn. Nó trình bày những tâm thái mở rộng dần dần, mỗi tâm thái bao gồm một cơ cấu tinh thần lớn. Một hạng người khác nhau đại diện cho mỗi cấp độ, và mỗi loại người trong số này có một động lực nào đó trong đời sống. Chúng ta cố gắng phát triển tự thân dần dần để trở thành những hạng người này, với động lực tinh thần liên quan đến chúng.
Tôi không sử dụng từ "động lực" ở đây một cách đơn giản, bởi vì trong đạo Phật thì việc bàn luận về động lực nói về những cơ cấu tinh thần thúc đẩy, gồm có hai phần. Một phần là mục tiêu của mình trong đời sống, và phần khác là những gì người Tây phương chúng ta thường xem là động lực, bao gồm nền tảng cảm xúc, dẫn dắt mình đến mục tiêu này.
Mỗi một trong ba cấp độ lam-rim được tạo dựng dựa trên cấp độ thấp hơn và đi trước nó, nên chúng được tích lũy. Điều đó có nghĩa là trước tiên, mình sẽ phát triển động lực của cấp độ đầu tiên, rồi gộp chung động lực của cấp độ thứ nhất và thứ hai với nhau. Mình sẽ không đơn giản quên đi cấp độ đầu tiên, khi đạt được cấp độ thứ hai. Cuối cùng thì kết hợp cả ba động lực lại với nhau. Việc phát triển tự thân bằng cách trưởng dưỡng ba cấp độ theo thứ tự cụ thể của chúng thật ra là điều rất quan trọng. Nếu bỏ qua một cấp độ thì mình sẽ thiếu tâm trạng có chủ ý đó.
- Với động lực của phạm vi sơ căn thì mình sẽ nhắm vào việc cải thiện những tái sinh trong tương lai. Cảm xúc thúc đẩy là nỗi kinh sợ và không muốn có những tái sinh tồi tệ hơn.
- Với phạm vi trung căn thì mình sẽ nhắm vào việc hoàn toàn thoát khỏi luân hồi. Cảm xúc thúc đẩy đằng sau điều này là hoàn toàn chán ngán mọi nỗi khổ liên quan đến nó, vì đã chịu đựng đủ rồi. Điều này thường được dịch là “tâm xả ly”, quyết tâm thoát khỏi mọi nỗi khổ. Điều này ngụ ý là mình sẵn sàng từ bỏ nỗi khổ một cách tự nhiên.
- Với phạm vi thượng căn thì mục tiêu của mình là giác ngộ viên mãn, khi có tâm từ bi và bồ đề tâm làm động lực thúc đẩy. Ta sẽ nghĩ về tất cả những chúng sinh khác, cách họ khổ đau và gặp khó khăn như mình, nên ta sẽ mong muốn đạt được giác ngộ, để có thể giúp họ khắc phục khổ đau một cách trọn vẹn.
Câu Chuyện Về Cách Tôi Tu Học Lam-rim, Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ
Để giới thiệu chủ đề này thì tôi sẽ nói một chút về chuyện riêng của mình, về cách tôi tu học lam-rim.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với chủ đề này là năm 1968, khi đang học tiếng Tây Tạng trong lớp tốt nghiệp của Đại học Harvard. Nó là một phần của khóa học, và chúng tôi đã đọc một vài trang từ tác phẩm lam-rim lớn của Tông Khách Ba (Tsongkhapa), Lam-rim chen-mo, Đại Luận Đường Tu Tuần Tự Đến Giác Ngộ, nhưng vào thời điểm đó, tôi không biết gì về toàn bộ giáo pháp chứa đựng trong đó. Điều này xảy ra trước khi bất cứ tác phẩm Lam-rim nào được dịch ra tiếng Anh, thậm chí trước khi tác phẩm Giải Thoát Trang Nghiêm Bảo Châu (Jewel Ornament of Liberation) của Gampopa được dịch. Vào thời đó, nó vẫn còn là chủ đề chưa được biết đến.
Năm sau thì tôi 24 tuổi, và đã sang Ấn Độ với học bổng Fulbright để làm làm luận án tiến sĩ, mà lúc đầu, tôi đã dự định viết về một chủ đề Mật tông rất cao cấp. Dù điều này đã được giáo sư của tôi đề nghị, nhưng tôi đã sớm thấy đó là điều vô lý, và các vị thầy Tây Tạng ở Ấn Độ đề nghị là thay vì vậy thì tôi nên nghiên cứu lam-rim. Tôi quyết định làm điều đó và nghiên cứu lam-rim trong 18 tháng, viết luận án về truyền thống lam-rim truyền khẩu, vì thậm chí tôi còn không biết là có nhiều sách vở lam-rim đã tồn tại vào lúc đó. Tất cả đều được Geshe Ngawang Dhargyey giải thích bằng miệng cho tôi, nên tôi gọi nó là “truyền thống lam-rim truyền khẩu”.
Đó là thời gian thật thú vị ở Ấn Độ, trước khi đợt sóng hippy xảy ra. Lúc đó, Carlos Castaneda đang viết những cuốn sách của ông, và với cùng một sự nhạy cảm, một số ít người Tây phương sống với người Tây Tạng ở Ấn Độ cũng cảm thấy mình đang ở trong một cuộc phiêu lưu tương tự. Giống như Castaneda, chúng tôi đang khám phá một số giáo pháp bí mật, đặc biệt và kỳ diệu. Nó thật sự là một chuyến phiêu lưu!
Tôi đã nghiên cứu lam-rim theo một cách rất truyền thống, nghĩa là một chủ đề hoặc một điểm trong lam-rim được trình bày, mà tôi không biết tiếp theo thì điều gì sẽ xảy ra. Tôi đã phải tập trung vào từng điểm riêng lẻ khi nó được nêu ra, và hấp thụ nó trước khi học điểm tiếp theo. Tôi được dạy rằng đây là một chủ đề phải được học hỏi nhiều lần, và mỗi lần quay lại từ đầu thì bạn có thể bắt đầu ráp nối những gì mình đã học được từ những giai đoạn sau vào đó. Càng có thể ráp nối toàn bộ bức tranh lại với nhau thì việc phát triển những tâm trạng được bàn luận càng rõ ràng và dễ dàng hơn.
Kết Hợp Giáo Pháp Vào Một Mạng Lưới Và Vào Đời Sống
Dựa trên thực tế này, tôi bắt đầu phát triển ý tưởng giải thích giáo lý theo mạng lưới, bởi vì toàn bộ lam-rim là một mạng lưới, theo nghĩa là mỗi điểm đều liên hệ với mỗi một điểm khác trong giáo pháp. Mạng lưới mà nó tạo ra thật sự rất phức tạp, và càng khám phá và tạo ra nhiều sự liên hệ thì hiểu biết của mình càng trở nên sâu sắc hơn. Hình thức tạo dựng mạng lưới này không chỉ liên quan đến lam-rim, mà còn liên quan đến tất cả mọi thứ trong giáo lý nhà Phật, tức là Pháp.
Khái niệm kết hợp là một khía cạnh khác, giúp mình hiểu được điểm này. Tất cả các giáo lý và các điểm kết hợp với nhau, nhưng mình cần phải tự kết hợp chúng. Và điều đó không phải là chỉ kết hợp các giáo lý với nhau, mà phải thật sự kết hợp chúng với tất cả các phương diện của bản thân và đời sống của mình. Ở đây, mạng lưới được áp dụng một lần nữa, bởi vì tất cả các điểm trong lam-rim cần phải kết nối với tất cả các phương diện trong đời sống của mình. Khi đã thực hiện điều này một cách thành công thì ta đã thật sự kết hợp Pháp vào trong chính bản thân mình.
Pháp Nhẹ Nhàng
Nhu cầu của việc kết hợp Pháp vào đời sống đặc biệt liên quan đến ba cấp độ động lực. Trước khi có được bất cứ cấp độ nào trong ba cấp độ thì cách tiếp cận ban đầu của mình có thể là cái mà tôi gọi là “Pháp Nhẹ Nhàng” (“Dharma-Lite”), điều tương phản với “Pháp Thực Thụ” (“Real Thing Dharma”). Nó giống như Coca-Cola thật và Coke Lite (Coke Ít Đường), bởi vì Pháp Nhẹ Nhàng là một phiên bản của giáo pháp, chỉ được hiểu trong phạm vi cải thiện đời này. Chúng ta chỉ cố gắng để làm cho cuộc sống hiện tại của mình tốt hơn một chút, bằng cách sử dụng Pháp. Pháp Thực Thụ là thực hành Pháp trong bối cảnh của ba phạm vi truyền thống.
Việc học hỏi và thực hành Pháp Nhẹ Nhàng hơi giống với việc sử dụng đạo Phật như một hình thức trị liệu, và trên thực tế, các giáo lý có thể rất hữu ích trong vấn đề này. Hoàn toàn không có gì sai trái với Pháp Nhẹ Nhàng, miễn là đừng nhầm lẫn với Pháp Thực Thụ, vì nó không bao gồm toàn bộ những điều mà Pháp đề cập đến. Nếu như mình trung thực với bản thân thì có lẽ hầu hết chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào Pháp Nhẹ Nhàng. Chắc chắn là trong những ngày đầu thì đó là nước uống của tôi!
Phiên Bản Pháp Nhẹ Nhàng Của Lam-rim
Nương Tựa Vào Vị Thầy Tâm Linh
Phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng của lam-rim là gì? Nếu ta nhìn vào giáo huấn nói rằng trước tiên, cội nguồn của đường tu là việc nương tựa vào một vị thầy tâm linh. Trong những ngày đầu, tôi đã may mắn có được một vị thầy tâm linh, người đã được đào tạo theo truyền thống ở Tây Tạng trước năm 1959, và sau đó được đào tạo thêm trong thời gian lưu vong - đó là Geshe Ngawang Dhargyey. Tuy nhiên, tôi thật sự phải mất nhiều năm, trước khi hiểu ra chữ "cội nguồn" có nghĩa là gì. Tôi luôn luôn hiểu lầm nó có nghĩa là “ban đầu”, đặc biệt là vì đó là chỗ mà mình khởi sự, ở lúc đầu của lam-rim.
Nhưng đó không phải là hình ảnh của một “cái rễ”, giống như rễ cây, bởi vì một cây không mọc từ rễ, mà từ một hạt giống. Rễ là bộ phận mà cây hút chất dinh dưỡng, nhờ đó mà nó có thể phát triển. Nó giúp cho cây đứng vững, bằng cách bám vào đất. Tương tự như vậy, việc nương tựa một cách đúng đắn vào một vị thầy tâm linh sẽ giúp ta vững chãi, để không đi lạc vào những chuyến du lịch ảo tưởng kỳ lạ về Pháp. Vị thầy cũng giúp cho mình phát triển thẳng thóm, để không lạc khỏi giáo lý thật sự, giống như rễ cây neo thân cây, để nó không bị gió thổi bay đi. Từ vị thầy tâm linh mà mình tiếp nhận nguồn cảm hứng, cung cấp năng lượng để mình có thể phát triển trên đường tu, và dĩ nhiên là người mà mình thật sự thọ nhận giáo huấn và giảng giải. Tất nhiên, chúng ta có thể học hỏi về đạo Phật qua sách vở, nhưng những cuốn sách đó được các vị thầy sáng tác, mà chỉ một vài người trong số họ là Phật tử, và thậm chí ít hơn nữa là những bậc thầy đã chứng ngộ.
Khi tôi học ở Harvard thì cách tiếp cận Phật giáo Tây Tạng như thể nó là một chủ đề chết, giống như tôn giáo Ai Cập cổ đại. Nhưng khi đến Ấn Độ và gặp các Lạt ma Tây Tạng vĩ đại và bắt đầu tu học với thầy của mình thì tôi nhận ra rằng Pháp có thật, rằng đạo Phật còn sinh tồn, và chúng ta có những ví dụ sống động, tuyệt vời về giáo pháp. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng mà tôi thọ nhận từ thầy của mình là ở cấp độ Pháp Nhẹ Nhàng, và nó cho tôi sự hỗ trợ để cố gắng thực hành Pháp, để cải thiện kiếp này.
Phạm Vi Sơ Căn
Trước hết, phạm vi sơ căn của giáo pháp lam-rim nói về việc quý trọng kiếp người quý báu mà mình có, với lời khuyên hãy nhìn vào bản thân. Vì vậy, tôi đã tự quán sát và thấy mình rất may mắn khi có được, và vẫn còn rất nhiều cơ hội để tu học với các vị thầy và đạo sư vĩ đại. Sau đó, trọng tâm chuyển sang cái chết và lẽ vô thường, để giúp cho ta nhận ra rằng những cơ hội mà mình có được sẽ không kéo dài mãi mãi. Chắc chắn là tôi có thể liên hệ với điều này trong thời điểm đó, và rất muốn sử dụng khả năng của mình. Tôi còn trẻ, có sức mạnh và trí thông minh và vân vân để phát triển. Tôi có thể liên hệ với điều này một cách dễ dàng.
Sau đó, giáo pháp nói về những trạng thái tái sinh tồi tệ hơn, như các cõi địa ngục, có thể xảy ra trong những kiếp sau. Bây giờ thì tôi tiếp cận nó như một nhà nhân chủng học nghiên cứu văn học dân gian, nghĩ rằng, “Ồ, điều đó thú vị, vì đây là những gì mà họ tin tưởng”. Sau đó, tôi lật qua trang khác để tiếp tục với điều gì phù hợp với mình hơn.
Sau đó là giáo huấn về quy y, và cuối cùng, tôi nhận ra rằng đây không phải là một kinh nghiệm thụ động. Trong đạo Phật không có tâm lý “Hãy cứu tôi, hãy cứu tôi!” Thay vì vậy, mình phải quy y Tam Bảo. Tôi biết rằng chúng ta noi theo Phật, Pháp và Tăng, và mặc dù có một danh sách dài về những phẩm chất của Tam Bảo, nhưng tôi đã không thật sự hiểu ý nghĩa của nó. Tôi biết nó không chỉ đơn thuần là đeo một sợi dây đỏ trên cổ, nhưng tôi đã không hiểu được sự phân nhánh sâu sắc. Tuy nhiên, tôi đã quy y theo hướng này.
Sau đó, lam-rim trình bày những giáo huấn về nghiệp, trên cơ bản là tránh hành vi tiêu cực. Mặc dù nó được trình bày theo dạng tránh hành vi tiêu cực để tránh những tái sinh tồi tệ hơn trong tương lai, nhưng đó không phải là điểm mạnh. Tuy nhiên, việc làm người tốt thì có ý nghĩa. Đừng làm tổn thương người khác, đừng hành động một cách phá hoại, và đừng hành động vì lòng sân hận, tham lam và vân vân. Tất cả những điều này đều tốt, và tôi có thể chấp nhận tất cả, vì tôi cũng có thể thấy nó sẽ giúp cho mình hạnh phúc hơn trong cuộc sống này ra sao. Đó là một phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng hoàn hảo của phạm vi sơ căn. Tất nhiên, vào thời điểm đó, tôi đã không nhận ra đó là Pháp Nhẹ Nhàng, và thật sự nghĩ rằng nó chính xác là những điều mà giáo pháp đang nói đến.
Phạm Vi Trung Căn
Giáo huấn của phạm vi trung căn bắt đầu bằng việc mô tả những nỗi khổ của các trạng thái tái sinh tốt hơn, cũng như những nỗi khổ chung của luân hồi. Một lần nữa, phần về các cõi trời dường như là một bài học khác về nhân chủng học, nhưng sự mô tả về nỗi khổ trong luân hồi thì phù hợp với tôi nhiều hơn vào thời điểm đó. Nó mô tả chi tiết về cách mình luôn luôn thất vọng, và không bao giờ thật sự có được những gì mình muốn. Khi nghĩ về điều này thì nó khá tuyệt vời và sâu sắc.
Sau đó, phạm vi trung căn tiếp tục đưa ra một sự phân tích về tất cả các tâm sở và cảm xúc phiền não, và nó giải thích cách những cảm xúc này tạo ra vấn đề của mình như thế nào. Tôi thật sự xem đây là phần thú vị nhất của việc bàn luận về lam-rim, làm thế nào mà những vấn đề cảm xúc và khó khăn phát sinh, nguyên nhân của chúng, các tâm sở liên quan trong đó, và cách mình phát triển vấn đề. Điều này thật tuyệt vời và tốt hơn nhiều, so với bất kỳ khóa tâm lý học nào mà tôi đã từng theo học. Tôi không thật hiểu là nó đang nói rằng đây là điều thúc đẩy việc tái sinh bất tự chủ, nhưng tôi hiểu nó ở cấp độ Pháp Nhẹ Nhàng, coi đây là cách mà những vấn đề tâm lý nảy sinh trong đời sống của mình. Nó rất hữu ích.
Tiếp theo trong lam-rim là thập nhị nhân duyên, điều rất phức tạp. Nó trình bày theo chi tiết một cách rất thẳng thắn về cách tái sinh hoạt động, nhưng điều đó không thẩm thấu vào tâm trí của tôi, nên tôi đã cố hiểu nó nhiều hơn về mặt kiếp sống này, bởi vì vào thời đó thì khó mà xem những kiếp tương lai và tái sinh một cách nghiêm túc. Nó đơn giản không phải là một phần của truyền thống văn hóa của chúng ta, và chắc chắn là tôi đã không lớn lên cùng với nó. Nhưng tôi là người cởi mở, nên đã không từ chối ý tưởng này, và đã cho nó chút ít nghi ngờ. Nếu những điều tiếp nối sau đó có ý nghĩa và hữu ích, thì có lẽ tái sinh là điều khả dĩ và thật sự tồn tại. Nhưng thành thật mà nói thì tôi không biết.
Sau đó là tâm xả ly, và tôi hiểu nó theo cách nhiều hơn mức độ đơn giản là từ bỏ mọi thứ và sống trong hang động. Tâm xả ly là quyết tâm thoát khỏi luân hồi và đau khổ. Chắc chắn tôi sẵn sàng từ bỏ đau khổ và những vấn đề mà tôi đã trải qua ở tuổi đó, bởi vì giống như bất kỳ người trẻ nào khác, tôi có một vài vấn đề về mặt cảm xúc. Chắc chắn là tôi muốn thoát khỏi những nguyên nhân tạo ra vấn đề của mình, nhưng có lẽ tôi hiểu nó ở mức độ khá hời hợt, như nghĩ rằng nếu như không bao giờ tức giận hay tham lam nữa thì sẽ tuyệt vời như thế nào. Có phải điều đó có nghĩa là khi món ăn mà tôi thích nhất đang ở trên bàn thì tôi sẵn sàng từ bỏ lòng tham lam muốn ăn càng nhiều càng tốt? Đó là một câu hỏi khác!
Sau tâm xả ly thì chủ đề tiếp theo đào sâu về tam vô lậu học như là cách để thoát khỏi luân hồi, bao gồm việc tu tập giới, định, tuệ vô lậu, hay trí phân biệt. Điều cuối cùng là trí tuệ để phân biệt giữa thực tại và ảo tưởng, và tôi có thể liên hệ với điều này mà không gặp khó khăn.
Trên cơ bản thì điều này mô tả phạm vi trung căn như tôi đã hiểu, ở mức độ Pháp Nhẹ Nhàng, muốn thoát khỏi vấn đề tình cảm của mình. Đạo Phật đã giải thích rất hay về cách những vấn đề này phát sinh, và nó cung cấp phương hướng tốt về cách khắc phục chúng.
Phạm Vi Thượng Căn
Với phạm vi thượng căn thì trước tiên, tôi đã học cách tất cả chúng ta đều phải phát tâm bình đẳng đối với tất cả mọi người, điều này rất phù hợp với các phong trào dân quyền và giải phóng phụ nữ thời đó. Tất cả mọi người đều bình đẳng, nên tâm bình đẳng đối với tôi là tốt. Nhưng việc mở rộng điều này cho muỗi và gián có vẻ là một vấn đề hoàn toàn khác biệt!
Thật ra thì tôi thích gọi Ấn Độ là “Xứ Côn Trùng”, và luôn nói đùa về quảng cáo du lịch cho Ấn Độ, nói rằng, “Nếu thích côn trùng thì bạn sẽ yêu thích Ấn Độ!”. Là người rất hâm mộ tiểu thuyết khoa học giả tưởng, đặc biệt là Star Trek, tôi sẽ xem những loài côn trùng này như những người ngoài hành tinh từ một thế giới khác. Nếu như tôi gặp những người ngoài hành tinh, và họ có sáu chân, một đôi cánh và bất cứ điều gì thì thật là kinh khủng, nếu như tôi chỉ muốn dẫm lên chúng. Nhờ vậy mà tôi đã cố gắng tạo ra một chút hòa bình với côn trùng, miễn là chúng không ở trong phòng ngủ của tôi!
Nếu chúng vào phòng ngủ của tôi thì tôi gọi chúng là “những sinh vật không chấp nhận được”, và chúng phải bỏ đi. Đến lúc này thì tôi đã khá thành thạo trong việc loại bỏ chúng, bằng cách bắt chúng vào cốc và đặt một tờ giấy bên dưới, và ném chúng ra ngoài. Thậm chí tôi còn học được cách bắt một con ruồi giữa không trung từ những người bạn Tây Tạng, điều mà họ thường làm cho vui. Họ bắt một con ruồi và lắc nó, rồi thả nó ra, và cười rộ lên khi con ruồi chóng mặt bay một cách rất hỗn loạn. Tôi thì không được cao cấp như vậy, nên chỉ đem con ruồi ra ngoài.
Sau khi giới thiệu tâm bình đẳng thì lam-rim hướng dẫn mình nghĩ đến tất cả mọi người như đã từng là mẹ mình. Điều này có thể khá kỳ lạ, nhưng tôi có một mối quan hệ khá tốt với mẹ tôi, nên điều đó không quá khó khăn. Nó tiếp tục đi đến những giai đoạn khác nhau và nói về lòng từ, lòng bi và ước nguyện tất cả chúng sinh đều hạnh phúc và không khổ đau. Lòng từ là toàn bộ chủ đề của thời đại hippie, nên điều này tốt thôi. Ý tưởng gánh trách nhiệm giúp đỡ tha nhân cũng có vẻ tốt với tôi.
Tôi đã học được cách tốt nhất để gánh lấy trách nhiệm giúp đỡ tha nhân là trở thành một vị Phật, nhưng thật ra, tôi không biết điều đó có nghĩa gì. Có một danh sách những phẩm chất đại diện cho “những điều tốt nhất”, nên ý tưởng là nhắm vào những điều tốt nhất. Vâng, có lẽ việc trở thành một vị Phật có thể giúp mọi người nhiều hơn là đi biểu tình cho dân quyền. Điều này không cho những cuộc biểu tình là vô ích, nhưng ở đây, chúng ta có một tầm nhìn lớn hơn nhiều về cách mình có thể giúp đỡ. Vào thời điểm đó, có lẽ tôi đã trộn lẫn một chút giữa hình ảnh của một vị Phật và Siêu nhân!
Sau đó là những giáo lý về lục độ ba la mật, mà bây giờ, tôi gọi là “những thái độ sâu rộng”, là cách để trở thành một vị Phật. Tất cả những điều này có ý nghĩa rất tốt. Hãy bố thí quảng đại, hành động có đạo đức, nhẫn nhục, tinh tấn, ai có thể lầm lỗi với tất cả những điều này? Nó thật hoàn hảo. Giáo huấn về định tâm đã được giới thiệu một cách rất chi tiết, chi tiết đến mức thật tuyệt vời. Nó đưa đến khai thị về Không tướng (tánh Không), tất nhiên là rất khó hiểu, nhưng rất hấp dẫn, và là điều mà tôi muốn khám phá sâu hơn. Tôi thấy rằng càng khám phá tánh Không sâu hơn thì tôi càng có thể thoát khỏi những ảo tưởng về cách tôi và người khác tồn tại.
Tôi yêu Bồ tát giới, bởi vì chúng nêu ra rõ ràng tất cả những điều cần tránh, có thể tạo ra khó khăn đối với việc liên hệ với người khác. Tôi nghĩ điều đó rất tuyệt, vì thật ra, tôi gặp khó khăn khi liên hệ với người khác, nên nó giống như một cuốn sách hướng dẫn về những điều cần tránh một cách hoàn hảo. Tôi hiểu bồ đề tâm là mục tiêu để trở thành một vị Phật, để giúp đỡ mọi người, nhưng vào thời điểm đó, không có gì sâu sắc hơn thế, và nó có vẻ đủ đơn giản. Trên cơ sở này, với loại hiểu biết này ở cấp độ thượng căn của lam-rim thì tôi sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người. Tôi sẽ yêu mến tất cả mọi người, bởi vì chúng ta đều bình đẳng, và tôi sẽ cố gắng trở thành người tốt nhất với khả năng của mình, đó là một vị Phật.
Tiếp theo, tôi đã được giới thiệu chút ít về Mật tông, là điều nói rằng mình có thể thực hiện điều này trong kiếp này. Tôi cảm thấy điều này đã xác nhận rằng tôi không thật sự phải suy nghĩ rất nhiều về những kiếp tương lai vân vân, bởi vì tất cả đều nằm trong kiếp này. Đây là Pháp Nhẹ Nhàng hoàn hảo, và tôi nghĩ có bao nhiêu người trong chúng ta kết thúc ở đâu sau khi mới vừa nghiên cứu về lam-rim. Chúng ta thường nghĩ nghiên cứu sâu có nghĩa là học hỏi về danh sách tám điều này và mười điều kia, và nếu như mình học hỏi là đã thật sự đào sâu sự hiểu biết của mình. Việc học hỏi tất cả các chi tiết này là tốt, nhưng mình vẫn ở cấp độ Pháp Nhẹ Nhàng.
Tứ Diệu Đế
Tôi đã ở lại Ấn Độ hai năm để học Pháp, sau đó quay trở lại Mỹ chỉ để nộp luận án. Sau đó, tôi trở về Ấn Độ và xem nơi này là nhà thêm 27 năm nữa, và nghiên cứu thêm, rồi bắt đầu kết hợp tất cả vào việc hành thiền, như các thầy của tôi đã khuyên. Điều luôn được nhấn mạnh là cách Đức Phật giảng dạy thật sự là cách tốt nhất để truyền đạt giáo pháp. Ngài đã dạy thế nào? Đức Phật đã thuyết Tứ Diệu Đế và dạy theo cấu trúc của Tứ Diệu Đế. Tốt hơn hết là không nên quá kiêu mạn khi nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn Đức Phật, nên tôi đã cố gắng làm theo lời khuyên và kết hợp lam-rim với Tứ Diệu Đế.
Bạn có thể quen thuộc với Tứ Diệu Đế, nhưng nói ngắn gọn thì chúng là những chân lý mà bậc thánh nhân, hay “những bậc cao quý” thấy được, người có nhận thức vô niệm về tánh Không. Chúng là những sự kiện chân thật; tuy nhiên, những ai chưa đã nhìn thấy thực tại vô niệm thì có thể không coi chúng là sự thật.
Diệu đế đầu tiên là có nỗi khổ. Đức Phật đã nêu ra vấn đề ở những mức độ khác nhau mà tất cả chúng ta phải đối diện trong cuộc sống, và đây thật sự là những nỗi khổ. Tuy nhiên, những người bình thường thì không thường xem một số mức độ, như hạnh phúc thông thường, là một vấn đề. Nhưng nếu bạn nhìn sâu hơn thì đó thật là một dạng khổ, bởi vì mình chẳng bao giờ có đủ hay mãn nguyện với hạnh phúc bình thường, và nó không bao giờ kéo dài.
Thứ hai, Đức Phật đã nêu ra nhân tạo khổ là tâm vô minh và mê lầm về thực tại, và Ngài nói đó là nguyên nhân thật sự (tập đế). Thông thường thì có thể mình không thấy sự liên hệ này. Trong diệu đế thứ ba, Ngài đã nêu ra khổ đau có thể thật sự chấm dứt, và điều này thường được dịch là “chân diệt”. Trên cơ bản thì khổ có thể chấm dứt mãi mãi. Có lẽ mình không nghĩ rằng có thể có một sự chân diệt của khổ, nhưng đó là sự thật. Cuối cùng, với diệu đế thứ tư thì Đức Phật đã giải thích đạo lộ trong tâm thức mà nếu mình noi theo và phát triển thì sẽ thật sự đoạn trừ khổ đau và nhân tạo khổ. Nó thật sự có thể đưa đến một sự chân diệt của mọi khổ đau. Đây là Tứ Diệu Đế theo hình thức đơn giản.
Ba Phạm Vi Của Lam-rim “Thực Thụ” Về Mặt Tứ Diệu Đế
Phạm Vi Sơ Căn
Việc xem xét ba phạm vi Lam-rim “Thực Thụ” về mặt Tứ Diệu Đế có thể khá hữu ích. Ở đây, chân khổ sẽ là nỗi khổ của những tái sinh tồi tệ hơn. Có ba loại chân khổ. Loại đầu tiên là khổ vì đau khổ (khổ khổ), đó là bất hạnh chung chung. Nỗi bất hạnh này có thể đi kèm với bất cứ nhận thức giác quan nào như nhìn, nghe hoặc cảm nhận cái đau; hay có thể đi kèm với một tâm trạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh phạm vi lam-rim sơ căn thì đau khổ vì nỗi khổ rộng lớn bao trùm này được minh họa bằng nỗi khổ trong những cõi giới thấp hơn. Nguyên nhân của nỗi khổ trong những tái sinh như vậy là ác nghiệp, và chân diệt của điều này là không bao giờ có những tái sinh tồi tệ như vậy nữa, mà chỉ có được tái sinh tốt đẹp hơn. Chân đạo đưa đến chân diệt là quy y, hay noi theo phương hướng an toàn trong đời sống. Ngoài ra, chân đạo là noi theo giáo pháp và theo gương của Đức Phật và chư thánh Tăng, tránh tạo nghiệp xấu ác.
Điều này kết hợp phạm vi sơ căn với Tứ Diệu Đế. Chúng ta sẽ nghiên cứu và tìm hiểu rằng nguyên nhân thật sự tạo ra phiền não và ác nghiệp là vô minh về luật nhân quả, tiềm ẩn đàng sau hai yếu tố này. Khi hiểu được điều đó thì ta sẽ áp dụng tính tự chủ, khi thấy mình muốn hành động theo ảnh hưởng của tâm sân hận, tham lam, hoặc bất cứ điều gì, và không hành động như vậy. Ví dụ, tôi vẫn có thể tức giận với ai đó, nhưng sẽ giữ im lặng và không la hét hay nói điều gì xấu xa, vì hiểu rằng nếu mình làm như vậy thì chỉ tạo ra thêm khổ đau và rắc rối.
Đây là sự hiểu biết sâu sắc hơn về phạm vi sơ căn, so với phiên bản Pháp Nhẹ Nhàng.
Phạm Vi Trung Căn
Tiếp theo là phạm vi trung căn, đối phó với hai loại khổ mà Đức Phật đã nêu ra. Khổ vì thay đổi (hoại khổ) là về loại hạnh phúc thông thường, giống như bất hạnh, cũng đi kèm với nhận thức giác quan hoặc tinh thần. Nó là một vấn đề, vì không bao giờ bền vững, hay thật sự mãn nguyện. Nó thay đổi thành nỗi khổ, và mình không bao giờ biết khi nào thì điều này sẽ xảy ra. Một ví dụ đơn giản là ăn món mà mình thích. Nếu điều này thật sự là hạnh phúc thì càng ăn nhiều, mình sẽ càng hạnh phúc hơn. Nhưng rõ ràng là đến một lúc nào đó thì việc càng ăn nhiều món đó chỉ khiến cho mình chán ngán và không vui.
Quan trọng hơn là loại chân khổ thứ ba, được trình bày ở phạm vi trung căn, mà chúng ta gọi là “nỗi khổ thâm nhập khắp nơi” (hành khổ). Theo tiếng Anh thì nó nghe hơi rắc rối, nhưng nó nói về mỗi một khoảnh khắc trong sự tồn tại của mình, ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ mà mình trải qua, và đem đến hai loại khổ đầu.
Đúng ra thì nỗi khổ thâm nhập khắp nơi nêu ra các uẩn cứ tái diễn một cách vô tự chủ qua kinh nghiệm của mình, ngũ uẩn trong từng sát na kinh nghiệm của mình. Nói một cách đơn giản là nó nói về thân tâm, và tất cả các tâm sở khác nhau, liên tục thay đổi và cứ thế, tạo ra từng sát na trong kinh nghiệm của mình. Sự tương tục của chúng diễn ra từ sát na này qua sát na khác, không chỉ trong kiếp này, mà còn trong mọi kiếp. Chúng xuất phát từ phiền não và nghiệp, được tạo dựng bằng cách hành động theo tác động của chúng. Tâm mình tiếp tục chứa đựng nhiều phiền não và nghiệp hơn nữa, mà chính chúng sẽ tạo ra nhiều sát na hơn nữa của cái gọi là “các uẩn cấu nhiễm”.
Các uẩn này, là thân và tâm của mình, tạo ra nền tảng và bối cảnh để mình trải nghiệm hai loại khổ đầu: bất hạnh và hạnh phúc thông thường. Đó là điều mà lúc nào mình cũng cảm thấy thăng trầm trong từng khoảnh khắc, liên tục thay đổi thất thường giữa hạnh phúc và bất hạnh. Nó cứ tái diễn và rõ ràng là mình chẳng bao giờ biết chắc mình sẽ thấy vui vẻ hay buồn rầu trong những khoảnh khắc tiếp theo. Điều đó thật sự là chân khổ ở cấp độ trung căn.
Như đã đề cập, nguyên nhân của điều này là phiền não và nghiệp mà chúng tạo ra, và ở mức độ sâu hơn, nguyên nhân thật sự là vì vô minh về cách mình tồn tại, cách người khác tồn tại, và cách vạn pháp tồn tại. Điều này thường được dịch là “vô minh”, nhưng tôi không thích thuật ngữ này, bởi vì theo cách nào đó thì nó ám chỉ mình ngu ngốc. Có hai cách diễn dịch về ý nghĩa của từ này. Chúng ta không ý thức được, theo nghĩa đơn giản là không biết cách mình tồn tại, hoặc mình hiểu nó theo cách ngược lại, nhưng điều đó chắc chắn không có nghĩa là mình ngu ngốc. Đó là nguyên nhân thật sự của tái sinh vô tự chủ, “luân hồi” của chúng ta. Đây là ý nghĩa chính xác của luân hồi. Chân diệt của nó là giải thoát và chân đạo đưa đến chân diệt là tam vô lậu học của giới vô lậu học, định vô lậu học và tuệ vô lậu học.
Đó là phạm vi trung căn, được trình bày trong cấu trúc của Tứ Diệu Đế.
Phạm Vi Thượng Căn
Trong phạm vi thượng căn thì chân khổ được đề cập đến là luân hồi không chỉ của tôi, mà là của tất cả mọi người. Toàn bộ ba loại khổ xảy ra cho tất cả mọi người. Ở đây, chúng ta cũng phải bao gồm cả sự bất lực của mình, đối với việc giúp tha nhân khắc phục nỗi khổ. Tất nhiên, nguyên nhân thật sự tạo ra nỗi khổ của người khác cũng giống như nguyên nhân thật sự của chính mình, như đã giải thích ở phạm vi trung căn. Khi nghĩ về việc mình không có khả năng giúp đỡ người khác thì ở một mức nào đó, ta có thể xác định nguyên nhân thật sự của nó là lòng vị kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân mình. Nhìn sâu hơn thì mình đã có thể bao gồm lòng vị kỷ ấy ở phạm vi trung căn, về mặt phiền não.
Phải nói là rất khó hiểu, làm thế nào mà mình vẫn còn lòng vị kỷ, quan tâm đến bản thân, khi đã đoạn trừ phiền não. Nếu đã đoạn diệt tâm luyến ái với bản thân, và si mê về người khác, thì làm sao mình vẫn còn lòng vị kỷ? Ngay cả khi mình nói, “Tôi chỉ quan tâm đến bản thân mình, vì tôi không nghĩ là mình có thể giúp đỡ mọi người, hay trở thành một vị Phật”, thì có thể nói rằng đây là một loại si mê. Nếu mình nghĩ theo cách này, chỉ quan tâm đến việc tự giải thoát bản thân, thì có thể lập luận rằng đây là một hình thức si mê về Phật tánh.
Trong bất cứ trường hợp nào thì ta có thể xem tâm ái ngã là nguyên nhân thật sự, và ở thời điểm này thì phải bao gồm sự kiện là tâm mình khiến cho các pháp xuất hiện theo những cách bất khả. Tâm ta làm cho các pháp xuất hiện như thể chúng thật sự được thiết lập, thật sự tồn tại như tự lập từ phía chúng, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác. Điều này có vẻ giống như sáo ngữ, nên nói một cách đơn giản là tâm mình khiến cho các pháp xuất hiện như thể chúng tự tồn tại, được bọc bằng nhựa. Vì vậy mà mình không thể thấy được sự tương quan của vạn pháp, đặc biệt là về nhân và quả. Vì vậy, mình không thể thấy được nguyên nhân tại sao một người nào đó thể hiện theo cách như vậy trong hiện tại, và tại sao họ có những vấn đề mà hiện giờ, họ phải đương đầu. Chúng ta không thể đoán trước tất cả những kết quả có thể xảy ra đối với việc giảng dạy người này. Tất cả là vì khi nhìn vào người đó, và điều hiện ra với mình chỉ là người đứng trước mặt mình, và ta nghĩ nó là như vậy. Mình nghĩ rằng họ tự tồn tại, độc lập với tất cả những mối quan hệ của họ, với tất cả các nhân duyên. Đây là nguyên nhân của việc mình không có khả năng giúp đỡ mọi người.
Chân diệt của điều này sẽ là trạng thái toàn tri của một vị Phật, bởi vì một vị Phật có thể nhìn thấy sự tương quan của vạn pháp, nên biết rõ mỗi một chúng sinh có những vấn đề gì, những yếu tố nào đã xảy ra trong đó, và đâu là cách tốt nhất để giúp đỡ họ. Chân đạo dẫn đến chân diệt là trí tuệ chứng ngộ tánh Không, với cả hai lực của tâm xả ly và bồ đề tâm ở đằng sau. Mình cần cả hai điều này. Đương nhiên, nếu muốn phát tâm bồ đề thì phải phát tâm bình đẳng, lòng đại từ, đại bi và lục độ ba la mật, cái gọi là “sáu hạnh hoàn hảo”, là tất cả những điều mà mình thấy được trong phạm vi thượng căn.
Vững Tin Rằng Giác Ngộ Là Điều Khả Dĩ
Ta có thể nghĩ rằng, “Rất thông minh, bây giờ thì mình đã kết hợp Tứ Diệu Đế với ba phạm vi động lực.”. Tuy vậy, có phải mình đã thật sự vượt qua Pháp Nhẹ Nhàng chưa? Là những người mới tu tập, có lẽ là chưa, ít nhất là không ở mức độ cảm xúc. Chúng ta đã thấy Pháp Nhẹ Nhàng có thể hoạt động như thế nào trong kiếp này, nhưng để có thể kết hợp ba mức độ động lực vào cuộc sống, để thật sự tu tập Pháp Thực Thụ thì cần phải trở lại với định nghĩa về động lực.
Chúng ta đã nói rằng có hai khía cạnh đối với động lực. Có một mục tiêu, mục tiêu mà mình muốn đạt được, và đi kèm với nó là cảm xúc thúc đẩy mình đạt được mục tiêu này. Để nhắm vào một mục tiêu thì điều bắt buộc là nếu đó là điều thành thật, thì mình không chỉ cần có ý niệm rõ ràng về mục tiêu đó thật sự là gì, và có nghĩa là gì, mà còn phải tin chắc mình có thể đạt được nó. Không nên nghĩ rằng Đức Phật có thể đạt được mục tiêu ấy, nhưng mình không thể. Phải vững tin rằng không chỉ người khác đã đạt được nó trước đây, mà mình cũng có thể thành tựu nó.
Khi thật sự vững tin là mình có thể đạt được mục tiêu này thì ta có thể hướng về nó một cách chân thành. Nếu không thì chỉ giống như một trò chơi hay mơ tưởng, và không ổn định lắm. Ngài Long Thọ đã nêu ra điều này trong tác phẩm Bồ Đề Tâm Luận (Commentary on Bodhichitta; Phạn ngữ: Bodhichitta-vivarana), trong đó, ngài đã nói rằng những người có trí thông tuệ nhạy bén sẽ phát tâm bồ đề tuyệt đối trước, tức chứng ngộ về tánh Không. Sau đó, họ sẽ phát tâm bồ đề tương đối, nhắm đến giác ngộ để tạo lợi lạc cho tha nhân. Đó là vì khi chứng ngộ tánh Không thì mình sẽ tin chắc rằng giải thoát và giác ngộ là điều khả dĩ. Trên cơ sở này, ta có thể phát tâm bồ đề tương đối, ước nguyện đạt được giải thoát và giác ngộ, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Cách tiếp cận này được áp dụng cho những người có căn cơ nhạy bén nhất.
Đối với những người có khả năng bình thường hơn thì thứ tự sẽ được đảo ngược, và trước tiên, mình phải phát tâm bồ đề tâm tương đối, mong muốn đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tha nhân. Sau đó, dần dần, ta sẽ phát tâm bồ đề tuyệt đối, chứng ngộ tánh Không như là cách để đi đến giải thoát hay giác ngộ. Tuy nhiên, tâm xác tín rằng mình có thể đạt được mục tiêu thì mạnh mẽ hơn nhiều, so với giả định đó là điều khả dĩ, bởi vì người khác đã thực hiện nó. Tuy nhiên, tác phẩm Bồ Đề Tâm Luận của Long Thọ được giải thích từ tri kiến của những hành giả có trí thông tuệ nhạy bén nhất, đó là lý do mà ngài khởi đầu với tánh Không trước tiên.
Phải Vững Tin Vào Ba Sự Thật
Để có thể thật sự tu tập Pháp Thực Thụ thì trên thực tế, mình phải vững tin về ba điểm. Ở cấp độ sơ căn thì phải tin rằng việc tái sinh tồn tại, để hiểu rằng dòng tâm thức của mình vô thỉ vô chung. Dựa vào sự xác tín ấy, ta sẽ nhắm vào những tái sinh tốt đẹp hơn trong tương lai. Dòng tâm thức này sẽ tiếp nối, ta hoàn toàn tin tưởng vào điều đó, và chắc chắn không muốn trải qua nỗi khổ của những tái sinh tồi tệ hơn, nơi mà sự tiến bộ tâm linh sẽ bị cản trở trong một thời gian rất dài.
Ở phạm vi trung căn thì trước hết, phải hoàn toàn tin tưởng rằng giải thoát là điều khả dĩ, nghĩa là lãnh hội rằng có thể có một sự chân diệt của vô minh, phiền não và nghiệp. Điều này có nghĩa là niềm tin xác tín vào diệu đế thứ ba. Để đạt được điều đó thì phải vững tin vào tánh thanh tịnh tự nhiên của dòng tâm thức của mình, rằng bản tánh của nó không bị cấu nhiễm vì vô minh, phiền não và vân vân.
Ở cấp độ thượng căn thì phải vững tin rằng giác ngộ là điều khả dĩ. Nói cách khác là có thể đoạn diệt hiện tướng lừa đảo. Đây cũng là một cấu nhiễm tạm thời. Nó không phải là một phần trong bản tánh của tâm, để tạo ra những hiện tướng theo những cách tồn tại bất khả. Dòng tâm thức cũng thanh tịnh đối với điều đó.
Được Khích Lệ Nhờ Hiểu Biết Về Phật Tánh
Đây là những điều mình phải thực hiện để thật sự thấm nhuần và kết hợp ba phạm vi ở cấp độ Pháp Thực Thụ. Phải có tâm xác tín mạnh mẽ rằng ba mục tiêu lam-rim có thể được thành tựu, và chính mình có thể đạt được chúng. Khi nghĩ về điều này thì chúng ta đã bàn luận giáo pháp về Phật tánh, những yếu tố mà mỗi một dòng tâm thức đều chứa đựng, giúp cho mình giác ngộ. Chúng bao gồm các phẩm chất tích cực trong tâm thức, công đức và chứng ngộ, cũng như tánh thanh tịnh tự nhiên vô nhiễm của tâm.
Gampopa khởi đầu với điều này trong tác phẩm Giải Thoát Trang Nghiêm Bảo Châu, vì Phật tánh là điều giúp cho toàn bộ quá trình này khả dĩ. Ngài đã nêu ra tầm quan trọng của việc thấu hiểu điều này ngay từ đầu, để phát triển tất cả những chân đạo khác theo sau, ở mức độ chân thành. Việc thấu hiểu về Phật tánh chắc chắn sẽ khích lệ chúng ta, nên phải vững tin về điều đó. Đây là điều mà ngài Long Thọ đã nói, và điều đáng chú ý là đường truyền cảm hứng đương nhiên là vị bổn sư, vị thầy tâm linh của mình.
Tóm Tắt
Giáo pháp lam-rim cung cấp cho ta một bản đồ, chỉ cho mình cách để đi từ vị trí hiện tại của mình đến giác ngộ viên mãn, theo những bước tiệm tiến. Đối với hầu hết chúng ta thì trước khi thực hiện bước đầu tiên đó, mình sẽ bắt đầu ở cấp độ Pháp Nhẹ Nhàng, khi mà mình đang tìm cách sử dụng Phật pháp để cải thiện kiếp sống trong hiện tại.
Hoàn toàn không có gì sai trái về điều này, bởi vì tự nhiên là mình muốn cải thiện đời sống. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn Pháp Nhẹ Nhàng với Pháp Thực Thụ, mà ở mức tối thiểu, có liên quan đến phúc lợi của những kiếp tương lai của mình.
Bắt đầu từ cơ sở của Pháp Thực Thụ này, chúng ta có thể từ từ tu tập những bước được nêu ra, cho đến khi mình trở thành một vị Phật, và có thể thật sự tạo lợi lạc cho tha nhân.