Tứ Diệu Đế: Cái Nhìn Tổng Quát

25:57
Tất cả mọi người đều gặp khó khăn và bất hạnh trong cuộc sống; và trong lịch sử, những phương pháp diệt khổ đã được đề ra. Trên thế giới ngày nay, Internet (mạng lưới điện tử toàn cầu) cung cấp tức thời vô số các triết lý, và ở đây, chúng ta sẽ xem xét cách tiếp cận đặc thù của Đức Phật, hơn 2500 năm trước, về lý do tại sao mình khổ, làm thế nào để mưu cầu bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Mở Đầu

Việc tìm hiểu Tứ Diệu Đế khi khởi sự nghiên cứu đạo Phật là điều rất tốt. Đó cũng là điều thích hợp, vì nó là cách mà Đức Phật bắt đầu, khi ngài khởi sự thuyết pháp. Vào thời của Đức Phật, đã có sẵn vô số các tôn giáo và hệ thống triết học, và ngày nay, chúng ta còn tiếp xúc với các giáo pháp tâm linh trên phạm vi rộng lớn hơn nữa. Vì vậy, khi tiếp xúc với đạo Phật, điều quan trọng là cố nhận diện ra cách tiếp cận của đạo Phật có những nét đặc thù nào. Dĩ nhiên là đạo Phật có nhiều giáo huấn thông thường như các tôn giáo khác: làm người tử tế, từ bi, cố gắng không làm hại bất cứ ai, v.v... Ta có thể thấy những khía cạnh này gần như trong tất cả các tôn giáo và triết lý, nên không cần thiết phải theo đạo Phật để học hỏi về những điều này, mặc dù đạo Phật có khá nhiều phương pháp để phát triển lòng tốt và lòng từ bi. Dù có chấp nhận bất cứ điều gì khác trong giáo pháp của nhà Phật hay không thì ta vẫn có được lợi lạc từ những phương pháp này. Tuy nhiên, nếu như câu hỏi “Đạo Phật có đặc điểm gì?” được nêu ra thì ta cần phải tìm hiểu Tứ Diệu Đế. Thậm chí khi thảo luận về đề tài này, ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với các hệ thống khác.

Chúng ta có cụm từ “Chân Lý Cao Quý”, nhưng đó là một cách chuyển dịch lạ lùng. Chữ “cao quý” có thể khiến ta nhớ đến tầng lớp quý tộc thời Trung Cổ, nhưng thật ra, nó đề cập đến những người có thực chứng cao cả. Vì vậy nên Bốn Chân Lý Cao Quý là bốn sự kiện được những ai thấy được thực tại một cách vô niệm xem là sự thật. Dù bốn sự kiện này là sự thật, nhưng đa số không thấu hiểu chúng, và còn không biết đến những điều này.

Diệu Đế Thứ Nhất

Sự kiện chân thật đầu tiên thường được gọi là “khổ”. Đức Phật nói rằng cuộc đời của chúng ta đầy đau khổ, ngay cả điều mà mình cho là hạnh phúc bình thường cũng có rất nhiều vấn đề liên hệ trong đó. Danh từ được dịch là “khổ” là chữ “duhkha” trong Phạn ngữ. Chúng ta có sukha, hạnh phúc, và duhkha, bất hạnh. Về mặt ngôn ngữ, kha là không gian và duh là một tiền tố (prefix) biểu thị sự bất toại nguyện, khó chịu. Ta không nên dùng từ ngữ có khuynh hướng phán xét như “xấu”, nhưng nó đi theo chiều hướng đó. Duhkha ám chỉ rằng có điều gì sai trái trong không gian này, đề cập đến không gian tinh thần, và không gian cuộc đời của mình, nói chung. Đó là một tình huống khó chịu.

Vậy thì có gì là khó chịu? Trước tiên, ta phải chịu đựng nỗi khổ thô thiển, chẳng hạn như đau đớn, bất hạnh và đau buồn. Đó là điều mà ai cũng có thể hiểu được, và tất cả mọi người, ngay cả thú vật cũng muốn tránh né. Không có gì đặc biệt khi đạo Phật nói rằng sự đau đớn và bất hạnh là tình huống bất toại nguyện, và tốt hơn là nên thoát khỏi điều này. Dạng khổ thứ hai được gọi là khổ vì thay đổi (hoại khổ), và nó nói về hạnh phúc bình thường, thông thường, hàng ngày của chúng ta. Vấn đề của loại hạnh phúc này là gì? Vấn đề là nó không kéo dài, mà lúc nào cũng thay đổi. Nếu ta xem niềm hạnh phúc bình thường thật sự là hạnh phúc chân thật thì khi có được hạnh phúc này nhiều hơn, ta sẽ càng thấy hạnh phúc hơn. Vậy thì nếu như cảm thấy sung sướng khi ăn sô cô la thì khi ta ăn nhiều hơn, hết giờ này sang giờ khác, ta sẽ thấy sung sướng hơn. Chúng ta tự biết là sự thể không phải như vậy! Hoặc hãy tưởng tượng một người thân yêu vuốt ve tay bạn hàng giờ không ngừng. Cảm giác dễ chịu sẽ nhanh chóng trở thành cảm giác gây đau đớn, hay kỳ cục. Điều này đơn giản là vì niềm hạnh phúc bình thường sẽ thay đổi, và dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thấy thỏa mãn. Chúng ta luôn luôn muốn ăn thêm sô cô la, có thể là không phải ngay lập tức, mà là một lát nữa.

Thật là thú vị nếu như bạn nghĩ rằng, “Mình nên ăn bao nhiêu để thưởng thức món mình thích đây?” Cắn một miếng nhỏ xíu là đủ rồi, nhưng thật ra mình luôn luôn muốn ăn thêm, thêm chút nữa, rồi thêm nữa. Hiện nay, ước muốn khắc phục vấn đề này trong hạnh phúc bình thường, thế tục của chúng ta cũng không phải là mục tiêu độc quyền của đạo Phật. Có nhiều tôn giáo dạy mình vượt qua lạc thú thế gian để mưu cầu một dạng thiên đàng với hạnh phúc vĩnh hằng.

Dạng khổ thứ ba thì đặc biệt chỉ có trong đạo Phật, được gọi là “nỗi khổ bao trùm khắp nơi”. Ta cũng có thể gọi nó là “vấn đề toàn diện” của mình. Nỗi khổ này thâm nhập tất cả mọi thứ mà ta trải nghiệm, nói về cách chúng ta tái sinh một cách thiếu tự chủ, đó là cơ sở thật sự cho sự thăng trầm trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nói cách khác là sự tái sinh hết lần này đến lần khác, với các dạng tâm thức và thân thể mà mình có, là cơ sở cho hai dạng khổ đầu. Điều này liên hệ đến đề tài tái sinh mà ta có thể tìm hiểu sau này.

Dĩ nhiên là có nhiều hệ thống triết lý Ấn Độ khác giảng dạy về tái sinh, nên đó không phải là điều gì mới lạ xuất phát từ Đức Phật. Tuy nhiên, ngài thấu hiểu và mô tả cơ cấu của tái sinh một cách sâu sắc hơn nhiều, so với giải thích của bất cứ triết lý hay tôn giáo nào khác vào thời đó. Đức Phật đã đưa ra sự giải thích vô cùng thấu đáo về cách tái sinh vận hành, cách tâm thức và cơ thể của chúng ta trải qua những thăng trầm của sự đau đớn, bất hạnh và hạnh phúc bình thường.

Tứ Diệu Đế Thứ Hai

Diệu đế thứ hai xem xét nguyên nhân thật sự của tất cả những nỗi bất hạnh mà ta trải nghiệm. Ở thời điểm này, không cần phải đem bất kỳ điều gì như tái sinh vào đây; thay vì vậy, ta có thể cố gắng hiểu điều mà Đức Phật giải thích một cách đơn giản và hợp lý. Chúng ta nói về khổ và hạnh phúc bình thường, và chúng xuất phát từ những nguyên nhân, nhưng Đức Phật lại quan tâm đến “những nguyên nhân thật sự” (“tập đế”). Chúng ta có thể nghĩ rằng hạnh phúc và khổ đau xảy ra như sự thưởng hay phạt, hay những điều tương tự như thế, nhưng Đức Phật nói về nguyên nhân thật sự là hành vi phá hoại hay xây dựng.

Thế nào là hành vi phá hoại? Có phải nó ám chỉ là việc làm hại hay không? Khi nói về làm hại thì có thể là phương hại người khác, hay làm hại bản thân. Thật ra thì rất khó mà biết được hành vi của mình có thể tạo ra tác động gì đối với người khác, nó sẽ làm hại hay giúp ích cho họ. Chẳng hạn như chúng ta có thể cho ai đó một số tiền lớn, và kết quả là người khác đã giết họ, vì muốn ăn cắp món tiền đó. Mục đích của mình có thể là muốn giúp họ, nhưng thật ra không có gì bảo đảm là họ sẽ được lợi ích. Điều chắc chắn là loại hành vi có tính chất phá hoại cho bản thân mình. Đó là điều mà Đức Phật có ý đề cập đến, khi nói về hành vi phá hoại, vì nó mang tính chất phá hoại cho bản thân.

Tiếp theo đó, điều này nói về việc suy nghĩ, hành động hay nói năng dưới sự tác động của cảm xúc phiền não. Cảm xúc phiền não thì đơn giản là làm phiền lòng! Chúng khiến cho ta mất sự bình an và tự chủ. Điều này ám chỉ tâm sân hận, tham lam, chấp thủ, ganh tỵ, kiêu hãnh và si mê, và danh sách còn dài hơn nữa. Khi suy nghĩ của mình bị vướng vào một trong những cảm xúc này, rồi ta nói năng hay hành động dưới sự tác động của nó thì điều này sẽ khiến cho bản thân mình không vui. Nó có thể không xảy ra ngay lập tức, nhưng về lâu dài thì nó sẽ khiến mình không vui, vì nó tạo ra khuynh hướng tiếp tục hành xử như thế.

Mặt khác, chúng ta có hành động xây dựng, là hành động không chịu sự tác động của cảm xúc phiền não, mà còn có thể chịu sự thúc đẩy của những cảm xúc tích cực như lòng từ, lòng bi, hay kiên nhẫn.

Hành động một cách xây dựng sẽ tạo ra hạnh phúc. Tâm ta sẽ thanh thản hơn, và nói chung thì mình sẽ bình tĩnh hơn. Thường thì ta có thể tự chủ nhiều hơn, nên sẽ không hành xử một cách ngu muội, hay nói những điều dại dột, có thể tạo ra rắc rối. Cũng như vậy, kết quả có thể không xảy ra ngay lập tức, nhưng về lâu dài, nó sẽ tạo ra hạnh phúc. Tuy nhiên, đàng sau đó là sự vô minh về cách chúng ta tồn tại, về cách người khác hiện hữu, và về thực tại nói chung.

Niềm hạnh phúc và bất hạnh bình thường của chúng ta không phải là sự thưởng hay phạt mà vị phán quan nào ở bên ngoài giáng xuống cho mình. Chúng gần như đi theo định luật vật lý. Hành vi nhân quả dựa trên cơ sở nào? Cơ sở đó là tâm vô minh, đặc biệt về bản thân mình. Chúng ta nghĩ rằng, “Mình là người quan trọng nhất, mọi việc nên theo ý mình. Mình phải đứng đầu khi xếp hàng ở siêu thị. Mình phải là người ưu tiên.”. Chúng ta tham lam, muốn làm người đầu tiên, nên giận dữ với những người đứng trước mình. Chúng ta mất kiên nhẫn vì người đứng trước mình quá chậm chạp và lâu lắc quá, và tâm ta toàn là những ý nghĩ không vui về họ. Thậm chí khi hành động một cách xây dựng, ta vẫn có nhiều sự vô minh về “mình” đàng sau điều này. Chẳng hạn như ta có thể giúp người khác vì muốn họ thích mình, hay họ sẽ làm điều gì đó để trả ơn cho mình. Hay điều này khiến mình cảm thấy được người khác cần đến. Tối thiểu thì mình cũng muốn một lời cảm ơn!

Mặc dù cách giúp người như vậy có thể khiến mình thấy vui, nhưng trong lòng thì không mấy thoải mái. Về lâu dài thì niềm vui mà ta có thể cảm nhận sẽ không kéo dài. Nó sẽ trở thành điều bất toại nguyện. Điều này cứ tiếp nối mãi suốt đời, và theo quan điểm của đạo Phật thì sẽ còn tiếp diễn trong những kiếp tương lai.

Khi quan sát kỹ hơn, ta sẽ thấy mình lầm lẫn về tất cả mọi việc. Chẳng hạn như, khi thương ai nhiều lắm thì mình hoàn toàn phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của họ. Hay khi ghét ai lắm thì mình phóng đại những điểm xấu của họ, và không thể nhìn thấy bất cứ điều gì tốt đẹp nơi họ. Càng quán sát nhiều hơn thì càng thấy si mê luôn luôn có mặt đàng sau mọi sự mà mình trải nghiệm.

Nếu nhìn sâu hơn thì ta có thể thấy cơ sở của sự kiện này là sự giới hạn của chính bản thân mình. Chúng ta bị giới hạn vì tâm thức và thân thể của mình. Khi nhắm mắt lại thì dường như toàn bộ thế giới không hiện hữu, mà chỉ có một mình ta. Có một giọng nói trong đầu dường như là “mình”, giống như là mình ở bên trong mình. Điều này rất kỳ lạ. Tuy nhiên, ta đồng hóa mình với nó, vì nó là người luôn luôn phàn nàn, “Mình phải tiến tới; mình phải làm việc này.”. Nó là người luôn lo lắng. Đối với chúng ta, dường như giọng nói bên trong đầu mình là đặc biệt, có một không hai và tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác, bởi vì khi nhắm mắt lại thì không còn ai, ngoài “mình” ra.

Đó là cách suy nghĩ vô cùng lầm lẫn, bởi vì rõ ràng là mình không thể nào tồn tại một cách độc lập, không phụ thuộc vào ai khác, và thật sự là không có ai là đặc biệt cả. Tất cả chúng ta đều là người. Hãy tưởng tượng một trăm ngàn con chim cánh cụt tựu họp ở Nam cực lạnh cóng thì có con nào đặc biệt hơn những con khác? Thật ra, chúng đều như nhau. Chúng ta cũng vậy. Đối với chim cánh cụt thì có lẽ con người cũng đều giống hệt nhau. Dù sao thì dựa trên cơ sở của cách suy nghĩ, “Tôi rất đặc biệt và không phụ thuộc vào bất cứ ai” mà mọi việc phải đi theo ý của mình, và nếu không được như vậy thì mình sẽ nổi giận.

Trên cơ bản thì phần cứng (hardware) của tâm trí và cơ thể của chúng ta dễ có sự lầm lẫn này. Nó có vẻ kỳ quặc, nhưng chủ yếu là kinh nghiệm về thế giới bên ngoài xảy ra từ hai lỗ ở phía trước đầu mình. Tôi không thể thấy những gì đã xảy ra trước đây. Tôi chỉ có thể thấy những gì trong hiện tại; tôi không thể thấy những gì đã xảy ra hay sắp xảy đến. Đó là điều khá hạn hẹp. Rồi lúc về già thì thính giác của mình không còn tốt nữa. Ai đó sẽ nói điều gì và chúng ta nghe không rõ, tưởng là họ nói điều gì khác, rồi mình lại nổi giận. Khi nghĩ về điều này thì sự việc thật là thảm thương.

Vấn đề bao quát là với dạng cơ thể và tâm thức này thì chúng ta liên tục tái sinh hết lần này đến lần khác, khiến cho tâm si mê kéo dài mãi. Dựa trên cơ sở của sự nhầm lẫn này, ta sẽ có hành động phá hoại hay hành động xây dựng một cách bình thường, và đó là điều tạo ra niềm bất hạnh hay hạnh phúc bình thường mà mình sẽ trải nghiệm.

Nếu nhìn sâu hơn nữa thì vấn đề sẽ trở nên rắc rối, và không cần phải đi sâu vào vấn đề trong lúc này, nhưng chính tâm si mê là thủ phạm đưa đến sự tái sinh luôn luôn tái diễn một cách thiếu tự chủ. Đó là nguyên nhân thật sự tạo ra vấn đề của chúng ta. Sự nhầm lẫn hay vô ý thức này thường được dịch là “vô minh”. Tôi không muốn sử dụng danh từ này, vì nó hàm ý là chúng ta ngu xuẩn; nhưng thật ra đó không phải là vấn đề, và nó không phải là ý nghĩa mà chúng ta muốn. Vô ý thức chỉ hàm ý là chúng ta không biết cách mình hay các pháp tồn tại như thế nào. Chúng ta vô ý thức theo ý nghĩa này, giống như cách suy nghĩ mình là người quan trọng nhất, là trung tâm vũ trụ, trong khi trên thực tế thì điều này hoàn toàn trái ngược . Thực tế là chúng ta đều chung sống với nhau ở đây. Không phải là chúng ta ngu xuẩn, mà là thân tâm của mình khiến cho ta suy nghĩ theo cách đó.

Đó là lý do tại sao ta gọi những điều Phật dạy là “Chân Lý Cao Cả”. Những ai thấy được thực tại thì sẽ thấy nó khác với cách mà người khác thấy. Chúng ta thật sự tin vào tâm si mê của mình và những vọng tưởng tương ứng với thực tại. Ta tin tưởng chúng là sự thật. Thậm chí, ta còn không nghĩ đến nó, vì bản năng của mình là “Tôi quan trọng nhất, mọi sự phải xảy ra theo ý của tôi, mọi người nên yêu thương tôi.”. Hoặc giả một số người tin vào điều ngược lại, “Mọi người nên ghét bỏ tôi, tôi không tốt.”. Điều này cũng vậy thôi, nó chỉ là mặt khác của đồng tiền. Đó là tập đế.

Diệu Đế Thứ Ba

Diệu đế thứ ba là điều mà ta có thể gọi là “sự chấm dứt thật sự”. Nó thường được dịch là “chân diệt”, và đề cập đến việc chấm dứt và tiêu diệt tâm si mê là điều khả dĩ, để nó không bao giờ tái phát nữa. Nếu như tiêu diệt được tâm si mê, chính là tập đế, thì ta sẽ tiêu diệt được vấn đề thật sự, là sự thăng trầm và tái sinh thiếu tự chủ, chính là nền tảng của vấn đề. Nếu có thể làm được điều này thì ta sẽ có cái gọi là “giải thoát”. Tôi tin chắc các bạn đều đã thấy những danh từ Phạn ngữ như “samsara”, nói về sự tái sinh thiếu tự chủ, và “nirvana” nói về giải thoát.

Vào thời của Đức Phật, đã có những hệ thống Ấn Độ khác nói về giải thoát khỏi luân hồi. Đó là đề tài phổ biến ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Đức Phật thấy rằng các hệ thống ấy không đi sâu đủ để xác định được nguyên nhân thật sự. Bạn có thể tạm thời thoát khỏi những vấn đề tái diễn một cách thiếu tự chủ, chẳng hạn như tái sinh trong cõi trời nào đó, nơi mà tâm bạn trống rỗng qua bao nhiêu a tăng kỳ kiếp, nhưng điều này cũng sẽ chấm dứt. Không hề có sự giải thoát thật sự trong những hệ thống triết lý ấy.

Đức Phật đã khai thị về chân diệt, và việc thấu hiểu cũng như quả quyết rằng mình thật sự có thể tiêu diệt tâm si mê, để nó không bao giờ phát sinh nữa, là điều quan trọng. Nếu không thì tại sao bạn lại cố gắng diệt trừ nó? Nếu không quan tâm đến việc chấm dứt tâm si mê mãi mãi thì thà là ngậm miệng lại, chấp nhận hoàn cảnh và sống sao cho tốt đẹp nhất là xong. Nhiều phương pháp trị liệu có thể xem điều này là mục tiêu sau cùng: học cách sống với nó, hay là uống một viên thuốc!

Diệu Đế Thứ Tư

Diệu đế thứ tư thường được dịch là “chân đạo”, nó giúp ta hiểu về diệu đế thứ ba. Nó đề cập đến trạng thái tâm thức trở thành đường tu đưa đến giải thoát, nếu như ta phát triển nó. Ta còn có thể gọi nó là “đạo lộ tâm thức”, nhưng khó mà dịch chữ này sang những ngôn ngữ khác.

Tâm ta phóng chiếu toàn là rác rến, nhưng còn có nhiều cấp độ khác nhau đối với sự phóng chiếu rác rưởi này. Một cực đoan là chứng tâm thần phân liệt hay hoang tưởng, khi ta thật sự nghĩ rằng tất cả mọi người đều chống đối với mình. Nó cũng có thể ít cực đoan hơn, chẳng hạn như “Đây là miếng bánh sô cô la tuyệt vời nhất mà tôi đã từng thấy. Nếu như mình ăn nó thì sẽ rất sung sướng.”. Điều này đã xảy ra cho tôi trong chuyến bay đến Bucharest, khi máy bay dừng lại ở Vienna. Tôi nghĩ rằng, “Bánh táo của Vienna phải là thứ thượng hảo hạng trên thế giới.”. Tôi đã mua một cái và nó không phải là thứ bánh ngon nhất. Vọng tưởng của tôi về cách sự việc phải như thế nào là rác rưởi. Bánh táo hiện hữu, đó không phải là vọng tưởng trong tâm tôi, nhưng cách mà cái bánh hiện hữu như thứ tuyệt vời nhất, sẽ thật sự làm cho tôi vui sướng thì đã được phóng chiếu từ tâm tôi.

Tương tự như thế, tôi hiện hữu và bạn hiện hữu. Đạo Phật không nói rằng chúng ta không tồn tại. Nó chỉ đơn thuần khẳng định rằng chúng ta phóng chiếu một cách hiện hữu hoàn toàn không phù hợp với thực tại. Chúng ta thật sự có ý tưởng rằng mọi sự tự tồn tại một cách độc lập, đó là cách hiện hữu bất khả dĩ. Mọi sự phát sinh từ nhân duyên, và chúng luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên, ta không thấy được điều này; ta chỉ thấy được điều gì ở ngay trước mắt mình. Chẳng hạn như đáng lẽ mình gặp người nào đó, nhưng họ lại không đến. Đối với mình thì dường như người ấy tệ hại, luôn làm mình thất vọng và không ưa chuộng mình nữa. Ta nghĩ rằng cuộc đời họ không lệ thuộc vào đường sá giao thông, vào công việc phải làm thêm ở văn phòng, hay ai biết có thể là chuyện gì khác. Bởi vì mọi việc phát sinh từ nhân duyên, nên việc họ là một người tệ hại từ chính phía họ, không phụ thuộc vào tất cả các yếu tố khác là điều bất khả dĩ. Tuy vậy, tâm ta phóng chiếu ý tưởng này và bám chấp vào nó, tạo ra sự giận hờn, một cảm xúc tiêu cực. Rồi khi gặp họ lần sau, mình sẽ nhìn họ một cách khác biệt và la lối, thậm chí không cho họ cơ hội để giải thích nữa. Qua tất cả những sự kiện này, ta là người thật sự buồn phiền và không vui, đúng không?

Thế thì chúng ta tồn tại, nhưng cách ta nghĩ mình tồn tại một cách đặc biệt và không phụ thuộc vào mọi người thì hoàn toàn là vọng tưởng. Điều này là rác rến. Nó không đề cập đến bất cứ điều gì chân thật. Đó là điều mà chúng ta gọi là “Không tướng” trong đạo Phật, thường được dịch là “tánh Không”. Trong tiếng Phạn, chữ này giống như là “số không”, và có nghĩa là “không có gì”, hoàn toàn vắng bóng bất kỳ điều gì chân thật. Giống như khi ta phóng chiếu rằng người tình mới là một hoàng tử hay công chúa hoàn hảo, cỡi tuấn mã trắng trong chuyện thần tiên, đó là điều không thể xảy ra. Không có ai tồn tại như thế, nhưng chúng ta vẫn luôn tìm kiếm một người như vậy. Rồi khi người đó không sống đúng với kỳ vọng của mình thì ta sẽ thất vọng và đi tìm một người khác, dù rằng mình đang tìm kiếm một điều bất khả dĩ.

Thế thì đạo đế của tâm thức là thấu hiểu tất cả những điều này là rác rến, rằng không có điều gì chân thật phù hợp với vọng tưởng của mình. Nếu nhìn vào tập đế thì nó là nỗi khổ bắt nguồn từ sự tin tưởng rằng vọng tưởng của mình phù hợp với điều gì đó chân thật. Việc phóng chiếu ảo tưởng của mình và thực tại là hai điều hoàn toàn khác nhau. Tôi xin lập lại, tâm mê lầm là nghĩ rằng vọng tưởng này tương ứng với điều gì thật, và hiểu biết đúng đắn là thấy được không hề có chuyện này. Nói một cách đơn giản, một là có điều gì phù hợp, hai là không. Một là có, hai là không, ta không thể nghĩ rằng cả hai đều đúng cùng một lúc.

Bây giờ, ta có thể phân tích xem điều nào mạnh mẽ hơn đối với mình: “có” hay là “không”? Nếu như quán xét bằng lý lẽ thì hiển nhiên câu trả lời là “không”, vì “có” không đứng vững với lý lẽ. Khi tôi nhắm mắt lại thì có phải những người khác ngưng tồn tại hay không? Không, dĩ nhiên là không. Có phải mọi việc phải luôn xảy ra theo ý của tôi không, vì tôi là người quan trọng nhất thế giới? Không, đó là điều lố bịch. Càng khảo sát nhiều hơn thì ta có thể khởi sự đặt câu hỏi với cái “tôi” nhỏ bé ở trong đầu nhiều hơn. Nếu bắt đầu phân tích bộ óc thì cái “tôi” đang nói trong đầu mình và đưa ra quyết định ở đâu trong bộ óc? Nói một cách chính xác thì điều gì đang xảy ra? Dựa trên sự phân tích thì không thể tìm ra cái mà chúng ta có thể gọi là “tôi”. Dĩ nhiên là tôi có sinh hoạt, tôi làm các việc, tôi nói năng. Chúng ta không chối bỏ điều này. Cái mà ta chối bỏ là có một cái “tôi” vững chắc mà mọi việc đều phải xảy ra theo ý muốn của mình, bởi vì không có một cái “tôi” nào như vậy được lý lẽ ủng hộ. Nhờ sự khảo sát và một số lý do mà chúng ta có thể thấy rằng một cái tôi như vậy không hề hiện hữu, thế nên sự lầm lẫn cho rằng nó phù hợp với điều gì chân thật sẽ không được bất cứ điều gì hỗ trợ.

Kết quả của việc nghĩ rằng mình tồn tại một cách bất khả dĩ là gì? Nó sẽ khiến cho mình buồn phiền! Kết quả của việc nghĩ rằng một cái tôi như vậy không hề hiện hữu là gì? Ta sẽ thoát khỏi tất cả những vấn đề này. Khi nghĩ rằng, “Không có một cái tôi như vậy, đó là rác rưởi”, thì đồng thời, tôi không thể nào nghĩ rằng nó phù hợp với điều gì chân thật. Hiểu biết đúng đắn có thể lấn áp và thay thế hiểu biết sai lầm. Nếu ta có thể chú trọng vào hiểu biết đúng đắn trong mọi lúc thì tâm mê lầm sẽ không bao giờ phát sinh nữa.

Ở đây cũng vậy, khai thị của Đức Phật rằng hiểu biết đúng đắn về thực tại có thể thay thế sự hiểu lầm, đem lại giải thoát khỏi khổ đau và tái sinh thì không có gì đặc thù. Các hệ thống khác ở Ấn Độ cũng khẳng định điều này. Điểm đặc thù là sự thông hiểu cụ thể có thể tiêu diệt cấp độ mê lầm vi tế nhất về thực tại mãi mãi. Để đạt được định tâm hoàn hảo qua thiền định, để khắc sâu sự thấu hiểu đúng đắn trong tâm thức và thành tựu sự chấm dứt của tâm mê lầm, Đức Phật đã sử dụng các phương pháp thông dụng với tất cả các truyền thống Ấn Độ.

Động lực chính là điều mang lại sức mạnh cho tâm thức, để tâm có thể giữ gìn sự thấu hiểu đúng đắn về thực tại, nhằm tiêu diệt mọi cảm xúc tiêu cực. Đó là thời điểm mà lòng từ, lòng bi, và vân vân có mặt, bởi khi thấy rằng tất cả chúng ta đều tương quan lẫn nhau, tất cả mọi người đều mong muốn được hạnh phúc như mình thì ta cần phải tiêu diệt tâm mê lầm, để có thể giúp đỡ tha nhân một cách trọn vẹn.

Đây là sự trình bày cơ bản về Tứ Diệu Đế. Để thấu hiểu đề tài này sâu sắc hơn thì cần phải học hỏi thêm về sự thấu hiểu về tâm và nghiệp trong đạo Phật.

Video: 14. Dalai Lama — “Tâm An Lạc Từ Quan Điểm Của Một Phật Tử”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tóm tắt

Tuy đạo Phật có những điểm tương đồng với nhiều tôn giáo lớn và các hệ thống triết học khác, Tứ Diệu Đế, bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, là sự trình bày duy nhất về cách chúng ta hiện hữu, về nỗi khổ mình phải kinh qua, và cách ta có thể khắc phục vấn đề.

Đức Phật thường được so sánh như một vị lương y. Vị lương y sẽ xác nhận là chúng ta bị bệnh, giống như Đức Phật đã nêu ra vô số nỗi khổ mà chúng sinh phải chịu đựng ở khắp nơi. Vị lương y sẽ tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, tựa như Đức Phật đã nêu ra nguyên nhân thật sự là tâm mê lầm về cách chúng ta hiện hữu. Rồi vị lương y cho biết có thể trị dứt căn bệnh hay không, và kê toa thuốc, nếu có thể chữa bệnh. Cũng như thế, Đức Phật đã thuyết giảng về diệt đế và cách thành tựu điều này. Sau cùng thì mọi việc tùy thuộc vào mỗi một người chúng ta có chịu uống thuốc, hay tiến bước trên đường tu hay không, nếu như muốn khắc phục nỗi khổ của riêng mình.

Top