Thăng Trầm Của Hạnh Phúc Và Bất Hạnh
Có rất nhiều loại vấn đề và nỗi khổ mà chúng ta phải đối mặt. Đời sống có thể khiến bạn bực bội và căng thẳng. Chúng ta cố gắng hết sức để tạo ra đời sống hạnh phúc, nhưng mọi việc thường không diễn ra theo cách mình hy vọng. Những điều ta chẳng hề mong muốn sẽ xảy ra, chẳng hạn như những mối quan hệ của mình trở nên tồi tệ, người ta đối xử không tốt với mình, ốm đau, mất việc làm, v.v... Dù có cố tránh những điều này bao nhiêu, thì chúng vẫn xảy ra. Thông thường, ta sẽ thấy chán nản vì những điều này, hay cố gắng bỏ mặc tất cả, nhưng điều đó thường chỉ khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí, mình còn thấy bất hạnh hơn.
Ngay cả khi mình thành công trong việc tạo ra chút ít hạnh phúc, thì hạnh phúc này vẫn có vấn đề, vì nó không dài lâu. Nó chẳng hề giúp cho mình được toại nguyện, mà còn ham muốn nhiều hơn nữa. Trên thực tế, chúng ta dành rất nhiều thì giờ và năng lượng để theo đuổi điều này “nhiều hơn nữa”. Hãy nghĩ về thái độ của mình, khi đăng ảnh tự mình chụp cho mình trên mạng xã hội. Mỗi lần bạn có một lượt “thích”, đi kèm với cảm giác vui vẻ của một liều dopamine nhẹ, thì điều này sẽ kéo dài bao lâu? Rồi thì ta lại cứ phải xem xét liệu mình có thêm lượt “thích” nào nữa hay không? Và ta sẽ cảm thấy thậm tệ như thế nào, khi không có quá nhiều lượt “thích”? Đó là khổ, đúng không?
Chúng Ta Cứ Tái Tạo Những Thân Tâm, Để Trải Nghiệm Thăng Trầm
Thế thì đời sống luôn thăng trầm. Đôi khi, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và tuyệt vời, đôi khi thì buồn bã và bất hạnh. Thường thì ta chỉ nói rằng: "Đời là thế" và không xem xét tình huống xa hơn nữa. Nhưng đó có phải là cách mà ta thật sự muốn đời sống của mình sẽ diễn ra hay không, chẳng bao giờ biết được mình sẽ cảm thấy như thế nào trong giây phút kế tiếp? May mắn thay, Đức Phật đã nhìn sâu hơn và phát hiện ra vấn đề thật sự đằng sau tất cả những điều này. Vấn đề thật sự, tức chân khổ, là các loại thân và tâm mà mình có được. Cơ thể và trí óc của chúng ta là cơ sở để mình trải qua những thăng trầm này, và chúng thu hút như nam châm. Nếu nhìn sâu hơn nữa, thì vấn đề thật sự là vì có cơ thể và trí óc như vậy, nên mình cứ tạo ra và kéo dài thêm những thăng trầm này, không chỉ ngay bây giờ và tuần tới, mà còn cho đến khi mình qua đời. Không chỉ có điều này, mà Đức Phật còn nói rằng chúng ta còn tái tạo ra khó khăn cho mình không chỉ trong kiếp này, mà còn cho cả tái sinh trong những kiếp sau nữa. Ngay cả khi chưa thấu hiểu và chấp nhận sự tồn tại của tái sinh, ta có thể thấy cách mình kéo dài những vấn đề này cho những thế hệ tương lai. Rõ ràng là với vấn đề khủng hoảng khí hậu hiện tại, hành vi của chúng ta sẽ tạo ra những vấn đề lâu dài hơn sự tồn tại của mình trên hành tinh này.
Thế thì vấn đề thật sự đối với thân và tâm là gì? Vấn đề là chúng có giới hạn. Cơ thể của mình bị hạn chế ở chỗ nó bị bệnh tật và thoái hóa khi già nua. Giống như một chai sữa, nó sẽ hết hạn; nhưng nó còn tệ hơn cả sữa, vì không có ngày hết hạn rõ ràng. Chúng ta không biết ngày mà cơ thể của mình sẽ hết hạn. Trong khi cơ thể còn tồn tại, thì hãy nghĩ xem mình phải bỏ ra bao nhiêu thời gian để chăm sóc nó. Chúng ta phải làm sạch nó, mặc quần áo cho nó, cho nó ăn, đưa nó đi vệ sinh, cho nó tập thể dục, nghỉ ngơi và ngủ, chăm sóc nó khi nó bị thương hay ngã bệnh. Tất cả những điều đó có bao nhiêu niềm vui? Như một đạo sư Ấn Độ vĩ đại trong nhà Phật đã nói một cách rất hay ho, rằng tất cả chúng ta đều làm nô lệ cho cơ thể của mình.
Tâm trí của chúng ta, cùng với cảm xúc và cảm giác, cũng có giới hạn. Chúng ta phải giáo dục và rèn luyện tâm trí, thậm chí có rất nhiều điều mình chưa hiểu. Chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ vấn đề về bất cứ điều gì, ví dụ như hậu quả của sự hâm nóng toàn cầu, trí thông minh nhân tạo, người máy, môi trường thực tại ảo, v.v..., nói gì đến những điều đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. Và thậm chí tệ hơn nữa, giống như cơ thể của mình, trí óc của chúng ta cũng bị thoái hóa với tuổi già - trí nhớ ngắn hạn biến mất, trí óc hoạt động chậm hơn, và dễ bị nhầm lẫn.
Trên hết, cảm giác của mình dễ bị tổn thương, và cảm xúc thì điên cuồng, khiến cho ta thậm chí không thể suy nghĩ một cách sáng suốt. Nhưng vấn đề thật sự của tất cả những điều này là cơ thể, tâm trí, cảm xúc và cảm giác bị hạn chế của mình cứ kéo dài mãi mãi; chúng chỉ tự tạo ra thêm những điều này.
Bốn Khía Cạnh Của Chân Khổ Được Minh Họa Bằng Cơ Thể Bị Hạn Chế
Đức Phật đã minh họa chân khổ với bốn khía cạnh của cơ thể bị hạn chế.
- Thứ nhất, chúng vô thường. Đôi khi, chúng ta khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái, nhưng một điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến cho cơ thể mất thăng bằng, rồi mình bị bệnh và cảm thấy thê thảm. Hãy nhìn xem cơ thể của mình mong manh như thế nào - điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến cho nó bị thương và đau đớn. Sau hết là mỗi một sát na sẽ đưa ta đến gần với cái chết hơn. Chúng ta tưởng tượng mình có thể giúp cho cơ thể khỏe mạnh hoài, và ngay cả khi già nua, mình vẫn có thể ăn uống như trước và làm những việc giống như khi còn trẻ. Nhưng ta đang tự lừa dối mình; vì cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Việc giữ được sự trẻ trung chỉ khiến cho ta lo âu và căng thẳng.
- Thứ hai, chính cơ thể của chúng ta có vấn đề. Ta có thể nghĩ rằng nếu như làm cho cơ thể của mình hấp dẫn bằng cách xức nước hoa và trang điểm, hay luyện tập nhiều cơ bắp hơn, thì mình sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng dù có cố gắng làm cho mình xinh đẹp đến đâu, thì ta vẫn lo là mình không đủ đẹp, hay bắt đầu mất đi vẻ đẹp. Dù có trang điểm hay tập luyện cơ bắp bao nhiêu, hay ăn kiêng lành mạnh đến đâu, thì vấn đề đối với cơ thể là mình vẫn bị bệnh, già nua, vẫn có thể gặp tai nạn và bị thương.
- Thứ ba là cơ thể sẽ hôi hám, nếu mình không tắm rửa, hơi thở sẽ có mùi, nếu mình không đánh răng, nước tiểu và phân mà mình thải ra có mùi hôi thối. Nếu ta nhai thức ăn vài lần rồi nhả nó ra, rồi cho người khác, thì ai sẽ xem nó là sạch sẽ, là thứ họ có thể ăn? Vấn đề ở đây là chúng ta không phải là những thực thể tồn tại một cách độc lập được gọi là “tôi”, có thể tự tách rời khỏi cơ thể của mình và sống trong thế giới ảo tưởng của “cơ thể đẹp”. Chúng ta mắc kẹt với thân thể này, bất chấp khuyết điểm của nó, và phải chăm sóc, sử dụng nó một cách đúng đắn, để nỗ lực khắc phục nỗi khổ và giúp đỡ tha nhân.
- Thứ tư, người khác không thể nhìn thấy ta ngoài đời, trừ khi họ nhìn thấy cơ thể của mình. Chúng ta có thể tạo ra hình ảnh đại diện trên mạng, để người khác nhìn thấy mình trong trò chơi điện tử, nhưng khi ai đó gặp mình trong “thế giới thật”, thì họ vẫn nhìn thấy cơ thể của mình như cách nó hiện ra. Ngay cả khi trong tâm trí, ta tưởng tượng rằng khi mình 60 tuổi, thì ta sẽ nhìn giống như 20 tuổi, nhưng người khác vẫn sẽ thấy một cơ thể 60 tuổi khi nhìn thấy mình. Nếu như không hiểu và chấp nhận điều này, thì mình đang tự lừa gạt bản thân, và có thể tạo ra vấn đề, bằng cách hành xử không phù hợp với tuổi tác.
Tóm Tắt
Cơ thể hạn hẹp của chúng ta là ví dụ về chân khổ ở chỗ nó vô thường, có vấn đề, mà mình không thể tách rời khỏi nó, và nó là điều mà người ta nhìn thấy, khi họ nhìn mình, dù mình có muốn hay không. Có loại cơ thể như vậy là đã có đủ vấn đề, nhưng chân khổ mà Đức Phật dạy mình phải nhận ra là ta cứ tái tạo vấn đề, để tiếp tục có một thân thể như vậy từ kiếp này sang kiếp khác, là cơ sở để mình kinh qua chu kỳ khổ đau bất tận, dường như cứ lặp đi lặp lại, cùng với lạc thú và hạnh phúc bất toại nguyện. Có phải đây thật sự là điều mà bạn mong muốn?