Tứ Diệu Đế: Chân Đạo

Chân đạo đem lại thành tựu chân diệt, chấm dứt những nguyên nhân thật tạo ra chân khổ là nhận thức vô niệm về tánh Không. Không tướng (tánh Không) là sự hoàn toàn vắng bóng của bất cứ điều gì tương ứng với những gì mình tưởng lầm, mà lại cho là đúng, về cách chúng ta, tha nhân và vạn pháp tồn tại. Nhận thức vô niệm về Không tướng là một chân đạo, với ý nghĩa là nó hoạt động như đường tu đưa đến chân diệt.

Ba Diệu Đế Đầu

Đức Phật dạy rằng chân khổ mà tất cả chúng ta phải đối diện là mình cứ tái tạo thêm kinh nghiệm thăng trầm của bất hạnh và hạnh phúc bất toại nguyện, cũng như có những thân tâm hạn hẹp hết lần này đến lần khác mà qua đó, ta sẽ trải nghiệm sự thăng trầm này. Nguyên nhân thật sự của điều đó là vì không nhận thức được (vô minh) cách mình và những cảm giác này tồn tại. Chúng ta cho rằng chúng tồn tại theo những cách bất khả - chẳng hạn như những thực thể cụ thể độc lập - và tin rằng hiện tướng lừa đảo này tương ứng với cách chúng thật sự hiện hữu. Vọng tưởng này tạo ra phiền não, rồi tạo ra nghiệp để khẳng định hay bảo vệ những gì ta tưởng tượng là “bản thân” mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Vào phút lâm chung, vọng tưởng này cũng tạo ra vòng tái sinh bất tự chủ (luân hồi) với thân tâm hạn hẹp.

Tuy nhiên, Đức Phật đã chứng ngộ và dạy rằng có thể đoạn trừ những nguyên nhân chân thật này, nên có thể đoạn trừ những chân khổ này, để chúng không thể phát sinh nữa. Diệu đế thứ tư liên quan đến pháp đối trị chân thật, đưa đến một chân diệt như thế.

Chánh Kiến là Chân Đạo, Để Đoạn Trừ Vô Minh Mãi Mãi

Thông thường, khi trải nghiệm một vài khổ thọ, lạc thọ bất toại nguyện hay vô ký, thì ta sẽ phóng đại chúng như điều gì phi thường và cụ thể, tưởng tượng rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng tất nhiên là không có gì đặc biệt về bất cứ cảm giác nào mà mình trải nghiệm, vì chúng đều không tĩnh tại và vô thường. Trong khi còn tồn tại thì chúng liên tục thay đổi cường độ, và cuối cùng, sẽ chấm dứt một cách tự nhiên. Khi không nhận thức được thực tế này, và nghĩ ngược lại, nên ta bị giọng nói trong đầu lừa đối, khi nó lớn tiếng hét lên rằng: “Tôi muốn không bao giờ lìa xa hạnh phúc này; nó thật tuyệt vời”, hay là “Tôi muốn lìa xa nỗi bất hạnh này, vì nó quá khủng khiếp, nên tôi không chịu đựng được nữa”, hoặc là “Tôi muốn cảm giác trung lập này chẳng bao giờ suy giảm; vì nó thật là nhẹ nhõm.”. Sự bám chấp vào “tôi” và thổi phồng về cái “tôi” thành một thực thể cụ thể nào đó sẽ tạo ra phiền não và nghiệp, tái tạo ra chân khổ mãi mãi.

Hãy tự hỏi bản thân, sao bạn lại nghĩ rằng mình tồn tại như một thực thể cụ thể nào đó, gọi là “tôi”, là điều gì độc lập, không phụ thuộc vào một thân tâm, và là tác giả của giọng nói trong đầu mình? Nếu bạn nói rằng “Bởi vì tôi cảm thấy nó như vậy, nên tôi nghĩ vậy”, thì hãy tự hỏi mình rằng “bởi vì tôi nghĩ như vậy” có phải là lý do chính đáng để tin vào điều đó hay không? Khi tin vào vọng tưởng nào, đặc biệt là về tự thân, chỉ dựa trên “bởi vì tôi nghĩ như vậy”, thì tại sao mình lại cảm thấy bất an về điều đó? Đó là vì không có điều gì hỗ trợ cho niềm tin sai trái của mình; nó không được sự thật hay lý lẽ hỗ trợ.

Thật ra thì không có gì đặc biệt về bất cứ lạc thọ, khổ thọ, hay vô ký thọ mà mình có thể trải nghiệm khi nhìn, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận bằng thân thể hay suy nghĩ điều gì. Không có gì để bám chấp, đối với tất cả những điều này. Bám chấp vào chúng giống như bám víu vào một đám mây, là điều hoàn toàn vô ích. Không có gì đặc biệt về “tôi” và những gì tôi đang cảm nhận bất cứ lúc nào. Chúng ta không tồn tại như một thực thể cụ thể và biệt lập nào đó đang nói năng trong đầu mình, mà mọi việc phải luôn luôn xảy ra theo ý của nó. Chúng ta tồn tại, nhưng không phải theo cách bất khả mà ta cho rằng mình hiện hữu và tin tưởng vào đó, đơn giản bởi vì mình có cảm giác như vậy, và "Tôi nghĩ vậy."

Nếu muốn đoạn trừ tri kiến sai lầm này và tâm mê lầm về tự thân, thì phải có một pháp đối trị có thể hoàn toàn đoạn diệt chúng. Nếu chỉ tĩnh tâm và ngừng suy nghĩ, thì có thể tạm thời ức chế tâm mê lầm, nhưng không thể ngăn cản nó phát sinh trở lại. Vậy thì chân đạo để đạt được chân diệt của nguyên nhân thật sự tạo ra chân khổ phải là một tâm thái hoàn toàn đối lập với vô minh. Đối lập với vô ý thức là ý thức. Vậy thì ta phải ý thức về điều gì? Điều xóa tan tri kiến sai lầm rằng mình tồn tại như một loại thực thể độc lập nào đó là nhận thức vô niệm rằng không có cái gì như vậy - nhận thức vô niệm về tánh Không của nó, và không chỉ là sự tập trung bằng khái niệm vào tánh Không, bằng một vài ý niệm mà mình có về nó, ngay cả đó là ý tưởng chính xác. Ý thức, dựa trên lý trí và kinh nghiệm vô niệm, rằng những gì mình tin là sự thật thì không tương ứng với thực tại, sẽ xóa bỏ niềm tin sai lầm rằng nó tương ứng với thực tại, chỉ đơn giản dựa vào "bởi vì tôi nghĩ như vậy", và không nhận thức được rằng điều này sai. Bởi vì thiên hướng và tập khí của vô minh đã ăn sâu trong tâm khảm, nên chúng phải được đoạn diệt dần dần, từng phần một và theo giai đoạn.

Bốn Khía Cạnh Của Một Chân Đạo

Đức Phật giải thích rằng chân đạo có thể được hiểu như trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Tâm sở này phân biệt điều gì đúng, điều gì sai.

  • Thứ nhất, trí tuệ này là đường tu dần dần đưa đến sự đoạn trừ và tịch diệt những mức độ vô minh khác nhau. Trước hết, nó sẽ đoạn diệt mãi mãi tâm vô minh và mê lầm vào việc học hỏi và chấp nhận một hệ thống tín ngưỡng và giá trị khác, giống như những điều mà cha mẹ mình và xã hội nói chung đã nhồi nhét vào đầu của mình. Điều này cũng bao gồm những thứ mình thu thập từ quảng cáo thương mại và phương tiện truyền thông xã hội.

    Trên mạng xã hội, khi nhìn thấy những bức ảnh tự chụp của những người đẹp, trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời, thì điều này sẽ ảnh hưởng quan niệm của bạn về cách mình nên có ngoại hình ra sao, và cuộc sống của mình nên như thế nào? Nó có khiến bạn cảm thấy hài lòng với bản thân không, hay cảm thấy tồi tệ? Trí tuệ thấu hiểu rằng những bài đăng này không phản ảnh đời sống thật là một con đường đoạn trừ mãi mãi niềm tin sai lầm rằng chúng phản ảnh điều đó. Kết quả là nó sẽ đoạn diệt tâm khổ đau và trầm cảm mà niềm tin sai lầm như vậy đã tạo ra, khi ta so sánh với họ, và ao ước được như họ.

    Qua khỏi bước đầu tiên này, khi trở thành một “thánh nhân” hay một bậc có chứng ngộ cao, với sự quen thuộc hơn nữa, thì trí tuệ này sẽ giúp ta đoạn trừ mãi mãi, theo từng giai đoạn, tâm vô minh tự động phát sinh, chẳng hạn như tưởng tượng rằng có một thực thể cụ thể có thể được tìm thấy, đó là “tôi”, đằng sau giọng nói gần như liên tục trong đầu mình. Chúng ta sẽ thành tựu giải thoát và cuối cùng là giác ngộ. Khi hiểu rằng trí tuệ về Không tướng sẽ đoạn trừ mãi mãi những nguyên nhân thật sự tạo ra chân khổ, thì nó sẽ loại bỏ khái niệm sai lầm rằng không có cách nào để thoát khỏi chúng.
  • Thứ hai, trí tuệ về việc không có cái gì là một thực thể độc lập, cụ thể gọi là “tôi”, là phương tiện thích hợp để xóa bỏ vô minh và niềm tin sai lầm mãi mãi, rằng có một thứ như vậy. Đó là vì chúng là những điều đối lập, loại trừ lẫn nhau. Bạn không thể tin rằng có một thứ như vậy, và không có một thứ như vậy trong cùng một lúc, đúng không? Điểm này loại bỏ khái niệm sai lầm rằng trí tuệ này là một phương tiện không thích hợp để thành tựu một chân diệt.
  • Thứ ba, trí tuệ chứng ngộ tánh Không là phương tiện để thành tựu thánh quả, một bậc giải thoát, và một vị Phật giác ngộ, theo từng giai đoạn. Điều này đối kháng với niềm tin sai lầm rằng việc đạt được một trong những trạng thái nhập định thậm thâm là phương tiện để đạt được những thành tựu này.
  • Cuối cùng, trí tuệ này là phương tiện để đạt được sự tịch diệt mãi mãi của phiền não, thậm chí ngay cả những thiên hướng và tập khí của phiền não, ngăn cản giải thoát và giác ngộ. Điều này đối kháng với khái niệm sai lầm rằng đây là những thành phần trong bản tánh của tâm mình, và chẳng bao giờ được loại bỏ hoàn toàn.

Tóm Tắt

Chân đạo của nhận thức vô niệm về tánh Không, được liễu ngộ bằng trí tuệ, là đối thủ đoạn diệt hoàn toàn nguyên nhân thật sự tạo ra chân khổ. Một khi đã đạt được nó, thì chân đạo này sẽ đoạn trừ mãi mãi vô minh và những niềm tin sai lầm theo từng giai đoạn, là nguyên nhân thật sự, khiến cho mình tái tạo sự sinh khởi bất tự chủ của chân khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Chẳng phải việc thành tựu một tâm thức như vậy là điều đáng giá nhất mà ta có thể nỗ lực để đạt được hay sao?

Top