Sự Vận Hành Của Tâm Thức

Phát Khởi Động Lực

Nếu muốn phân biệt giữa Phật tử với những người ngoại đạo, thì có pháp quy y, và nếu muốn phân biệt giữa đường tu Đại thừa và đường tu Tiểu thừa, thì có pháp quy y Đại thừa. Chúng ta sẽ hướng về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như tấm gương chính, như cội nguồn quy y. Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nhân từ và bi mẫn nhất, đã giáng thế 2500 năm trước. Ngài đã thực hiện công hạnh của bậc giác ngộ, và ban truyền đầy đủ chỉ giáo về tất cả các phương tiện trong giáo pháp. Nhiều tín đồ của Đức Phật đã kết hợp chúng lại với nhau, và noi theo tam vô lậu học về giới, định và tuệ. Những phương tiện này đã lan truyền rộng rãi ở Ấn Độ, và được đưa đến Tây Tạng. Ở đó, chúng đã phát triển trong thời kỳ Cựu dịch và Tân dịch, để hiện tại, chúng ta mới có được toàn bộ giáo pháp của Đức Phật, và của các bậc trì giữ giáo pháp của Ngài, những người đã noi theo giáo pháp này, và chúng đã được bảo tồn một cách tốt đẹp.

Mặc dù dường như tôi không hội đủ trình độ, nhưng với tư cách là người nắm giữ những giáo pháp này của Đức Phật, và vì ước nguyện tạo lợi lạc cho mọi người, nên việc nhận thức về trách nhiệm của mình đôi khi đem lại cho tôi nhiều can đảm, và có khi thì cảm thấy bối rối. Tuy nhiên, nếu có thể làm lợi lạc cho tha nhân, thì tôi sẽ cố gắng hết sức mình, để tu tập những giáo pháp này, và cố gắng trao truyền cho người khác.

Tất nhiên, tất cả những điều này đều dựa vào động lực, là lý do cho những điều mình làm. Trong trường hợp của tôi, tuy không có khả năng tuyệt vời, tôi vẫn cố gắng tiếp cận tất cả những điều này một cách thiết thực và thực tiễn. Hãy lấy ví dụ về một đội quân. Nếu như họ yếu ớt, thì không thể bỏ lỡ cơ hội tấn công quân địch, còn nếu như họ rất hùng mạnh, thì có thể án binh bất động, thư giãn, và để cho cơ hội trôi qua. Theo cùng một xu hướng, nếu như có nhiều của cải đắt tiền, thì ta sẽ không phải buồn phiền, nếu như mất đi món gì đó. Vì vậy, ở đây, nếu so sánh bản thân với ví dụ này, thì chúng ta có một cơ hội, nên phải sử dụng nó.

Nếu như mình đã tích lũy rất nhiều của cải vật chất, nhưng lại không sử dụng chúng, mà chỉ giữ của, thì mình sẽ xem chúng rất quan trọng, mặc dù chúng không có lợi ích gì. Lấy ví dụ như những thứ mà mình thừa hưởng từ cha mẹ. Nếu như trong hiện tại, chúng không có lợi ích gì, thì nên buông bỏ chúng. Đó là bản chất của sự việc. Giống như ví dụ về tóc và móng tay, thì mình không nắm giữ, mà sẽ bỏ chúng. Tương tự như vậy, phải rất thực tế, và xem xét tình hình trên thế giới, và tình huống mà mình đang đối diện, và làm cho tất cả các pháp tu và cách giảng giải của mình phù hợp với hoàn cảnh. Không được bám vào phong tục cũ, và những cách thức không có ứng dụng thực tiễn cho tình huống trong hiện tại. Đó là điều vô nghĩa.

Quay trở lại pháp quy y, khi mình lễ lạy, trì tụng những vần kệ, thì đó là lễ lạy bằng lời, và việc ghi nhớ ý nghĩa là lễ lạy bằng tâm thức. Nếu như mình chắp tay, thì đó là lễ lạy bằng thân. Tôi cố noi theo truyền thống của Kunu Lama Rinpoche, và tụng những câu kệ kính lễ và tán thán Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi bắt đầu thời thuyết Pháp.

Vì vị bổn sư (guru) có tầm quan trọng lớn lao, đặc biệt trong Mật tông, khi mình quy y, nên trước tiên, chúng ta sẽ nói rằng: “Con quy y chư bổn sư”, rồi đến Phật, Pháp, Tăng. Không phải là có cội nguồn quy y thứ tư, mà chư bổn sư kết hợp tất cả các phẩm chất của Tam Bảo.

Đây là một tác phẩm để thanh tẩy và luyện tâm, được gọi là: Luyện Tâm Như Tia Sáng Mặt Trời, của một đệ tử trực tiếp của ngài Tông Khách Ba (Tsongkhapa), là Namka Palzang, đôi khi, được gọi là Namkapel. Tôi đã thọ nhận giáo pháp này từ Kyabje Ling Rinpoche, cũng như từ một vị Lạt ma từ Amdo. Tôi đã thọ nhận nó một vài lần.

Một số người có thái độ rất thô lỗ và cộc cằn, đến nỗi ngay cả cha mẹ và bạn bè của họ cũng muốn lánh xa họ. Nhưng chúng ta có thể phát tâm nhân từ và nồng hậu, rồi dần dần, ngày qua ngày, chúng ta sẽ thấy những phẩm chất tốt đẹp của mình gia tăng, và khả năng mang lại hạnh phúc cho người khác cũng tăng lên, và dĩ nhiên là mình sẽ hạnh phúc hơn. Nếu như là người tốt và tử tế, thì tất cả những điều mà mình cần thiết trong đời sống sẽ đến với chúng ta. Cuối cùng, ta có thể thành tựu tất cả những phẩm chất tốt đẹp, và những điều mà mình cần ở cả hai mức tối hậu và tương đối. Nếu là một người rất thô lỗ và cộc cằn, luôn hành động một cách hèn hạ, thì ta sẽ không bao giờ có được điều gì mà mình mong muốn.

Giống như việc rèn luyện thân thể, nếu muốn phát triển những thái độ mới, khác biệt, thì phải thực hành nhiều pháp tu khác nhau, để rèn luyện tâm thức mỗi ngày, mỗi tháng, trong một khoảng thời gian dài, với nỗ lực bền bỉ. Một tấm lòng nhân hậu và tâm thức tốt lành sẽ không xảy ra, nếu chỉ mong muốn có được chúng, mà chỉ xảy ra, nhờ việc rèn luyện và tích tập chúng. Giáo lý của Đức Phật không chấp nhận đấng sáng tạo. Nó nói rằng vạn pháp sinh khởi nhờ việc phụ thuộc lẫn nhau. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra, sẽ xảy ra theo một cách hợp lý và có trật tự, bằng phương tiện nhân quả. Không phải có một đấng sáng tạo, bắt buộc mọi việc phải xảy ra. Tất cả mọi việc đều xảy ra từ nguyên nhân và hoàn cảnh, và nếu như cố nhận diện ra nguyên nhân, thì ta sẽ phải nói rằng mọi việc xảy ra từ nghiệp. Nghiệp thì xảy ra từ tâm thức của những người khác nhau, và những việc họ làm, đặc biệt là cách họ làm lợi lạc hay phương hại người khác.

Căn nguyên của tất cả những điều này là liệu tâm thức của mình có được điều phục hay không. Nếu như nó không được điều phục, thì ta sẽ tạo ra ác nghiệp, và để phù hợp với những hành vi xấu ác, thì thảm họa, bất hạnh, vân vân, sẽ xảy ra. Nếu như tâm thức của mình được điều phục một cách tốt đẹp, thì những điều này sẽ không xảy ra. Vậy thì nếu như điều gì không may xảy ra, thì ta không thể chỉ vào Đức Phật, cũng không thể đổ lỗi cho người khác. Tương tự như vậy, không thể nói rằng hạnh phúc của mình bắt nguồn từ người khác. Tất cả những điều này phát sinh tùy thuộc vào việc tâm thức của mình có được điều phục hay không. Khi tâm thức được điều phục, thì ta sẽ tham gia vào các thiện hạnh, tích tập công đức, và hạnh phúc sẽ là kết quả của điều đó. Nếu muốn thoát khỏi những vấn đề, nỗi khổ của mình, thì phải chuyển hóa thái độ, và điều phục tâm mình một cách tốt đẹp.

Tương tự như vậy, hạnh phúc cũng như việc không gặp khó khăn và đau khổ sẽ không bắt nguồn từ việc chỉ cầu nguyện với Đức Phật, để Ngài ban cho những điều đó. Chúng xuất phát từ nỗ lực của mình, về việc liệu mình đã thanh tẩy thái độ tiêu cực trong tâm thức chưa, và luyện tâm, để có được thái độ tích cực. Nói cách khác thì tất cả đều phụ thuộc vào việc tâm mình đã được điều phục hay chưa. Nếu như muốn được hạnh phúc, thì ta phải điều phục tâm mình; nếu như muốn tiêu diệt khó khăn, thì phải điều phục tâm mình. Vì vậy, điểm chính khi xem xét làm thế nào để tạo ra hạnh phúc, thoát khỏi khó khăn và đau khổ, là liệu mình có rèn luyện và tịnh hóa tâm của mình hay không.

Vì vậy mà chúng ta không giải thích rằng có một vị Trời ban cho mình hạnh phúc, nhờ lực gia hộ và ân sủng của ngài, mà đúng hơn là oai lực của mỗi người và oai lực của Đức Phật đều như nhau. Dù chúng ta có thể nhận được nguồn cảm hứng từ chư Phật, nhưng điều cơ bản mà ta phải làm là điều phục tâm mình. Đây là lý do tại sao mình có loại giáo pháp luyện tâm (lojong) này. Tất cả mọi người phải cải thiện tâm thức, cải thiện tấm lòng và thái độ của chính mình. Đó là điều đem lại hạnh phúc.

Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ “Vietnamese” để xem phụ đề tiếng Việt.

Bất kể trong tình huống nào, dù mình đang làm gì, thì điều rất quan trọng là phải có động lực đúng đắn. Nếu như có động lực đúng đắn, thì bất cứ điều gì mình làm đều có thể trở thành hành vi có tính xây dựng. Việc nghĩ rằng mình đang làm điều gì tích cực, chẳng hạn như lắng nghe bài Pháp này, để thoát khỏi bệnh tật, để loại bỏ những điều tương đối nhỏ nhặt này, là một sai lầm lớn. Không nên nghĩ về những mục tiêu nhỏ nhặt, chỉ muốn lợi lạc cho kiếp này, hoặc thoát khỏi bệnh tật, hay có nhiều hạnh phúc hơn cho tự thân trong tương lai. Ngay cả việc lắng nghe giáo pháp này, chỉ để thành tựu giải thoát khỏi luân hồi là một sai lầm lớn. Thay vì vậy thì phải phát bồ đề tâm, và nghĩ rằng: “Tôi đang lắng nghe điều này, để đến gần giác ngộ hơn, để có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách tốt đẹp nhất.”. Đây là loại động lực mà mình cần phải có.

Cách Nghe Thuyết Pháp

Có những giáo pháp về cách đệ tử nên nghe thuyết Pháp như thế nào, sử dụng pháp ẩn dụ về một chiếc bình. Nếu muốn chứa đựng bất kỳ thứ gì, thì không thể úp ngược cái bình, hay nó phải không có một cái lỗ dưới đáy bình, hay dơ bẩn ở bên trong. Vậy thì chúng ta phải rất cởi mở, và ghi nhớ những gì mình đã lắng nghe, mà không pha trộn nó với thành kiến.

Phải lắng nghe, để học hỏi những điều mà mình chưa từng học trước đây, và phải áp dụng bất cứ điều gì mình đã học ngay lập tức. Đây là cách mà việc luyện tâm sẽ xảy ra. Đừng căng thẳng vì việc nhà nặng nhọc, rồi vội vã đến chùa, và chỉ xem nơi này như một nơi để ngồi xuống nghỉ ngơi và thư giãn. Khi có cơ hội hiếm có để lắng nghe giáo pháp, thì không nên lơi lỏng. Phải tận dụng mỗi một sát na, để làm lợi lạc cho tâm thức của mình.

Hãy có chánh niệm về ý nghĩa của việc thọ nhận pháp khẩu truyền, vì nó không chỉ là để cho âm thanh đi vào tai. Giáo pháp đang được giải thích ở đây, và ta phải cố nghiền ngẫm chúng, không chỉ ngồi trơ ra đó. Hơn nữa, chúng ta không chỉ nghĩ rằng: “Đúng, đúng, điều đó đúng”, rồi sau đó lại không làm gì để thay đổi hành vi của mình. Đó là một sai lầm lớn. Dù cho mình có nghe bất cứ điều gì, thì không nên chỉ hài lòng với sự kiện là nó có ý nghĩa, mà phải áp dụng nó vào việc tu hành. Nếu như đang lắng nghe thuyết Pháp, và nó có ý nghĩa vào lúc đó, và chúng ta nghĩ rằng: “Tôi sẽ áp dụng nó vào việc tu tập ở đây”, và nó chỉ có mặt với mình vài tiếng đồng hồ trong buổi thuyết Pháp, rồi khi mình ra về, thì nó sẽ chấm dứt, vậy thì cũng sai lầm. Nếu như mình đang học thi cho một kỳ thi ở trường, thì sẽ cố gắng hiểu rất rõ ràng, và thấu hiểu toàn bộ phạm vi, và tất cả những điều đó chỉ nhắm vào việc có một tấm bằng, vì lợi lạc cho kiếp này! Vậy thì ở đây, chúng ta cũng phải làm như vậy, với sự cống hiến và nhiệt tình thậm chí còn lớn hơn như vậy nữa.

Khi học Pháp thì điều quan trọng là mọi điều phải được giải thích một cách rất đúng đắn, và mọi người phải lắng nghe một cách rất đúng đắn. Phải noi theo phương thức như trong trường học thông thường. Phải phối kiểm cẩn thận, để xem liệu có điều gì sai lầm hay không, và liệu mình có hiểu đúng giáo pháp hay không. Nếu như việc lắng nghe giáo pháp là một loại bài tập mà một vị Lạt ma sẽ đứng lên và giảng giải giáo pháp, và mọi người ngồi đó lắng nghe, và chỉ cố gắng có được nguồn cảm hứng từ đó, thì chúng ta chỉ cần nhận lực gia trì là xong. Nhưng điều đó sẽ không lưu lại dấu ấn đáng kể nào trong tâm thức. Khi các Lạt ma giảng dạy, thì điều đó không chỉ giới hạn với việc ban lễ điểm đạo trường thọ và ban lực gia trì, mà phải cố gắng giáo hóa mọi người.

Tóm Tắt Lại Việc Thiết Lập Động Lực Đúng Đắn

Chúng ta phải hành động một cách rất cẩn thận, và nỗ lực hết mình, để mài giũa tâm mình. Việc học hỏi giáo pháp thật sự là một quá trình giáo dục, theo nghĩa trọn vẹn nhất, không chỉ là việc thọ nhận lực gia trì. Lợi ích của việc noi theo một bài Pháp, lắng nghe Pháp, không phải là cho Đức Phật, cũng không phải cho vị Lạt ma. Kyabje Ling Rinpoche thường nói rằng: “Việc quý vị noi theo giáo pháp không phải vì lợi lạc của tôi. Nếu quý vị nghĩ nó tốt cho bản thân, thì hãy noi theo.”. Đây là điểm trọng yếu. Khi tu tập Pháp, thì không cần phải khoe khoang với người khác. Chúng ta không làm điều đó vì lợi lạc của Đức Phật, mà vì lợi ích của chính mình, để cải thiện bản thân. Nếu đó là vì lợi ích của một bậc cao cả hơn, thì đó là một sự sai lầm lớn, về thái độ đối với việc tu tập Pháp.

Việc mình đang ở đâu thì không quan trọng, dù là ở Trung Quốc hay Tây Tạng, sống với người Ấn Độ hay ở phương Tây, nơi có sự tiến bộ lớn lao về vật chất. Dù cho mình có được hạnh phúc nào trong một hoàn cảnh, thì nó đều bắt nguồn từ việc liệu tâm mình có được điều phục hay không. Bất kể tình huống bên ngoài là gì, nếu như tâm không được điều phục, thì mình sẽ không vui. Tất cả mọi việc bắt nguồn từ thái độ trong tâm mình.

Nếu nhìn vào một côn trùng nhỏ, ngay cả một con bọ nhỏ, cũng cố lánh xa các vấn đề và khó khăn, để cải thiện hoàn cảnh của nó. Tất cả mọi người đều có chủ ý và ước mong được hạnh phúc, muốn thoát khỏi vấn đề. Dựa trên cơ sở đó, và với ý tưởng riêng của họ về phương cách để đạt được điều này, mà người ta sẽ cố gắng thực hiện chúng, để đạt được mục tiêu. Một số người nghĩ rằng họ sẽ có được hạnh phúc, bằng cách làm tổn thương người khác và lợi dụng họ, để có được lợi nhuận. Ngay cả khi họ hành động như vậy, thì ta có thể thấy cội nguồn của hành vi này là ước muốn cơ bản mà tất cả chúng sinh đều có, đó là để được hạnh phúc, và lánh xa khó khăn. Hiện nay, việc họ có thành công hay không thì phụ thuộc vào việc tâm thức của họ có được rèn luyện, có được điều phục một cách tốt đẹp hay không, và liệu họ có tuân theo những phương pháp đúng đắn, thật sự đem lại hạnh phúc hay không.

Tất cả mọi việc đều tùy theo thái độ của mình. Chẳng hạn, nếu như mình bị bệnh, và ngoài việc này ra, còn cảm thấy rất thương hại bản thân, thì chỉ khiến cho mình thêm bất hạnh, bên cạnh nỗi đau thể xác. Nếu lấy bản thân tôi làm ví dụ, thì tôi cực kỳ tự tin và tin tưởng vào toàn bộ quá trình hoán chuyển ngã tha, đây thật sự là nền tảng của hạnh phúc. Từ đáy lòng mình, đây là điều mà tôi luôn cố gắng áp dụng vào việc hành trì. Khi tu tập với thái độ như vậy, thì không cần biết tình huống nào sẽ xảy ra trong đời sống, dĩ nhiên là sẽ có đau khổ, tất nhiên sẽ có vấn đề. Chúng ta mong đợi điều gì? Chính Đức Phật đã nêu ra điều đó, khi Ngài nói về những nỗi khổ chân thật tồn tại trên thế gian này. Tuy nhiên, bằng cách thay đổi thái độ và nghĩ về người khác, thay vì về bản thân mình, thì hạnh phúc sẽ xảy ra như một phần thưởng, bên cạnh tình huống cơ bản về những vấn đề và đau khổ mà tất cả chúng ta đều có. Nếu chỉ nghĩ về việc cố gắng tạo ra lợi lạc cho mình trong kiếp này, thì tư tưởng này quá nhỏ bé. Nếu như chỉ nghĩ về những kiếp tương lai, thì điều này cũng quá nhỏ nhoi. Nếu chỉ nghĩ về việc thành tựu giải thoát cho tự thân, thì điều này cũng là một phạm vi quá nhỏ hẹp. Nếu như nghĩ về việc tu tập để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, về việc trở thành một vị Phật, thì đây là điều sâu rộng hơn nhiều. Rồi thì dĩ nhiên, trên đường tu tập, mình cũng sẽ có được hạnh phúc trong kiếp này, cũng như trong những kiếp tương lai.

Vậy thì bây giờ, chúng ta nghĩ rằng: “Tôi sẽ lắng nghe giáo pháp này, để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, để phát triển tự thân đến mức có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.”. Trong khi lắng nghe điều này, thì hãy cố gắng có tâm trạng vui vẻ, hoan hỷ và nhiệt tình. Hãy thật sự muốn có khả năng làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và cảm thấy vui vẻ, tích cực về việc này! Phải quán sát thái độ và động lực của mình càng nhiều càng tốt, và giúp cho nó trở nên thiện hảo.

Tựa Đề Và Lời Mở Đầu

Tựa đề của tác phẩm này là Luyện Tâm Như Tia Sáng Mặt Trời. Tôi đã giải thích về việc luyện tâm có nghĩa là gì. “Những tia sáng mặt trời” cho thấy giáo pháp này có khả năng đoạn trừ cấu uế trong tâm thức, để tâm sáng rực như mặt trời.

Đầu tiên là những vần kệ kính lễ, cùng với lời tán thán, sau đó là lời nguyện sáng tác. Đầu tiên, tác giả tỏ lòng tôn kính, lễ lạy và quy y vị bổn sư gốc của mình. Sau đó, ông tỏ lòng tôn kính và tán thán Đức Phật, người đã phát tâm từ – ước mong tha nhân được hạnh phúc - và tâm bi – ước mong tha nhân thoát khổ. Đây là cội nguồn để phát bồ đề tâm, để đạt giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, và để noi theo hành trì Lục độ Ba la mật (các hạnh hoàn hảo) và bốn cách thu thập đệ tử. Việc hành trì những điều này là cách đoạn trừ mọi cấu uế, phát triển tất cả các phẩm chất thiện hảo, và trở thành một vị Phật. Namkapel lễ lạy Đức Phật với tư cách là bậc vĩ đại lèo lái con thuyền, đưa tất cả chúng sinh qua đại dương luân hồi. Điểm nhấn ở đây là về bồ đề tâm, lấy lòng từ bi làm gốc.

Sau đó, tác giả đảnh lễ và tán thán các bậc thầy vĩ đại của dòng truyền thừa thậm thâm và quảng đại, được ban truyền từ Đức Phật. Dòng truyền thừa quảng đại bắt nguồn từ Bồ tát Di Lặc, đến các đệ tử của ngài trên thế gian, đó là Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandu) và đệ tử của ông là An Huệ (Sthiramati). Dòng truyền thừa của tri kiến thậm thâm bắt nguồn từ Bồ tát Văn Thù đến Long Thọ (Nagarjuna), được truyền cho Nguyện Xứng (Chandrakirti) và v.v... Namkapel cũng kính lễ dòng truyền thừa thứ ba, được ban truyền từ Tịch Thiên (Shantideva), đó là dòng truyền thừa của những đợt sóng hành trì vĩ đại. Đây là những giáo pháp khác nhau về những pháp tu như hoán chuyển ngã tha, bắt nguồn từ Bảo Hành Vương Chính Luận (The Precious Garland, Rin-chen ‘phreng-ba, Phạn ngữ: Ratnavali) của Long Thọ, và giáo huấn mà Tịch Thiên đã thọ nhận từ Đức Văn Thù Sư Lợi.

Ba dòng truyền thừa này đã được ban truyền qua nhiều vị Lạt ma khác, đến Serlingpa, và chính từ bậc thầy vĩ đại này mà A-đề-sa (Atisha) đã thọ nhận chúng. A-đề-sa đã truyền những giáo pháp này cho Dromtonpa. thuộc dòng truyền thừa Kadam, là một người du mục cùng quê với tôi, rồi đến ba anh em Kadam, và đến Langri Tangpa, v.v...

Chắc chắn là Namkapel đã thọ nhận giáo pháp này từ nhiều Lạt ma, mà vị Lạt ma chánh là Tông Khách Ba, người được Đức Văn Thù chỉ giáo. Trong sách này, có một câu tán thán Tông Khách Ba và phẩm hạnh của ngài. Nếu như đọc 18 tập giáo pháp của Tông Khách Ba, thì chúng ta sẽ thấy phẩm hạnh của ngài tuyệt vời như thế nào. Ngài không chỉ viết sách về nghi lễ đơn thuần, mà còn giảng giải chi tiết rõ ràng. Số lượng sách mà ngài đã viết là điều không đáng kinh ngạc, mà nội dung và tính minh bạch của chúng mới thật sự phi thường.

Sau lời tán thán là đến lời nguyện sáng tác. Tác giả nói rằng ông sẽ cố gắng hết sức để giải thích về cách phát bồ đề tâm, như chư bổn sư đã giảng dạy. Rồi ông khuyến khích chúng ta đọc bản văn này một cách rất cẩn thận. Cội nguồn chủ yếu là Đức Văn Thù, người đã ban giáo pháp này cho Tịch Thiên (Shantideva), là người sau đó đã sáng tác Giáo Tập Yếu (bsLab-btus, Phạn ngũ: Shikshasamuccaya) và Nhập Bồ Tát Hạnh (sPyod-’jug, Bodhisattvacharyavatara). Đặc biệt là tác phẩm thứ hai đã giải thích giáo pháp cơ bản được thấy ở đây, và việc thay đổi thái độ của mình một cách cụ thể, bằng cách hoán chuyển ngã tha.

Vì vậy nên tác phẩm này xuất phát từ giáo huấn tinh túy về bồ đề tâm. Chính Tông Khách Ba đã nêu ra rất rõ ràng rằng các giáo huấn và dòng truyền thừa được truyền khẩu không phải là điều gì tách rời với những tác phẩm vĩ đại. Chúng chỉ làm cho những điểm trong đó dễ hiểu hơn, là những điều không được giải thích rõ ràng trong các tác phẩm vĩ đại. Chúng là chìa khóa giúp cho mình hiểu những điểm trong các tác phẩm vĩ đại, nên chúng hoàn toàn bắt nguồn từ chính các tác phẩm này, và không thể xem là điều gì tách rời với chúng. Tác phẩm này nêu ra chỉ giáo về bồ đề tâm, xuất phát từ ngài Tịch Thiên.

Nó thuộc về tác phẩm căn bản trong truyền thống luyện tâm, tức Luyện Tâm Thất Điểm (Blo-sbyong don-bdun-ma) của Geshe Chekawa. Đối với đề tài này thì có một bản chánh văn, rồi có rất nhiều luận giải. Cách mà Tông Khách Ba viết nó thành thơ trong phiên bản của ngài thì khác với cách nó xuất hiện trong bản chánh văn.

[Ghi chú: Namkapel noi theo cách viết thành thơ của Tông Khách Ba. Chính tác phẩm của Namkapel có một vài luận giải khác nhau. Đức Dalai Lama đã giảng giải từ chỉ một luận giải trong số này, mà chẳng may, dịch giả hiện thời không có tựa đề của luận giải này.]

Tương tự như vậy, trong bộ sưu tập có tựa đề Một Trăm Pháp Luyện Tâm (A Hundred Mind Trainings, Blo-sbyong rgya-rtsa), được bậc thầy của phái Sakya, Muchen Konchog Gyaltsen biên soạn, sau Tông Khách Ba một chút, thì chúng ta thấy có một số phiên bản phù hợp với bản chánh văn, và các phiên bản khác thì hơi khác biệt, và có những cách luận giải khác nhau.

[Ghi chú: Ví dụ như Namkapel và Tông Khách Ba bắt đầu bản chánh văn bằng câu: “Tinh túy cam lồ của giáo pháp tinh hoa này thuộc về dòng truyền thừa từ Serlingpa.”. Trong bản in ra đời sớm hơn nhiều của Togme Zangpo thì câu này xuất hiện ở phần cuối của bản chánh văn.

Trong tất cả các phiên bản này, Geshe Chekawa đã dạy các phương pháp đoạn trừ tâm vô minh, là cách nhận thức các pháp tồn tại một cách thật sự, theo cách bất khả dĩ, và phương pháp thành tựu giải thoát hay niết bàn - được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Tuy nhiên, việc thành tựu giải thoát hay niết bàn vẫn chưa đủ - nghĩa là phải đoạn trừ tâm chấp thủ vào sự tồn tại được thật sự thiết lập, là nhân của tất cả các vấn đề và nỗi khổ của mình. Nếu muốn làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thì phải hiểu thực trạng của tất cả những gì tồn tại. Không có điều gì không được bao gồm trong hai đề tài này: cách mà các pháp tồn tại, và mức độ của những gì tồn tại.

Để dạy chúng ta cách thành tựu giải thoát, thì Đức Phật đã chuyển Pháp luân Tiểu thừa, cỗ xe có tâm địa khiêm nhường - nói cách khác là Ngài đã ban truyền pháp Tiểu thừa. Để dạy cách thành tựu tâm toàn tri của một vị Phật, thì Ngài đã ban truyền pháp Đại thừa. Trong Đại thừa thì có hai phần: Kinh điển và Mật điển. Đại thừa là phương tiện có tâm lượng quảng đại, với động lực bồ đề tâm, để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và là điều liên quan ở đây.

Rèn Luyện Tâm Thức

Những người trong đại chúng đến từ Tây Tạng có thể nghĩ về ba hạng người. Một hạng người chấp nhận tôn giáo hay tâm linh, bất kể là tôn giáo nào; một hạng người cho rằng tôn giáo là nguyên nhân của mọi vấn đề; và một loại người thờ ơ, không nói rằng tôn giáo là tốt hay xấu, nhưng chỉ cảm thấy “Hãy quên nó đi.”. Hầu hết mọi người có tư tưởng như thế này.

Hiện nay, tôn giáo là điều được xem là mang lại hạnh phúc cho mình. Nếu như nó không đem lại hạnh phúc, thì có giữ gìn nó cũng không có ích lợi gì. Chúng ta có thể vứt nó đi. Nhưng những người đã từ bỏ giáo pháp, hay những người không chấp nhận nó, nghĩ rằng đó là thuốc phiện của đại chúng, thì vẫn chưa tìm ra hạnh phúc, đúng không? Họ sống trong nỗi sợ hãi, căng thẳng và cạnh tranh liên tục. Vì vậy, nếu như phải đánh giá những người từ bỏ tôn giáo, và những người theo tôn giáo đó, và đặt câu hỏi người nào hạnh phúc hơn, thì chắc chắn đó là những người giữ gìn và hành trì tôn giáo. Đó là vì điểm thật sự trong tôn giáo là điều phục tâm thức, và giúp cho tâm an lạc hơn. Thế thì những người theo tôn giáo sẽ an lạc và hạnh phúc hơn.

Việc chủ nghĩa Cộng sản ra đời ở Tây Tạng là vì lợi ích của người dân. Nhưng nếu như họ bị ép buộc phải theo chủ nghĩa ấy, thì không thể có lợi ích cá nhân hay tập thể. Ước muốn làm việc cho xã hội không phải là điều có thể được áp đặt lên con người từ bên ngoài. Nó phải phát triển từ bên trong, từ tâm thức và cảm xúc của họ. Bạn không thể áp đặt ý thức xã hội vào mọi người, vì nó sẽ không hữu hiệu.

Việc đấu tranh giai cấp để tạo ra sự thay đổi trong toàn bộ hệ thống xã hội của Tây Tạng là một quá trình dựa vào lòng sân hận, thù ghét và oán hờn. Điều đó không hữu hiệu, nhưng nếu nó dựa trên thái độ Đại thừa, quan tâm đến tha nhân một cách sâu sắc, và thật sự muốn tạo lợi lạc cho họ, thì việc giúp đỡ mọi người cải thiện có thể là điều hữu ích. Nhưng nếu chỉ dựa vào tâm thù hận, thì đó là thảm họa.

Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thuyết Pháp vì nhu cầu phát sinh từ hệ thống xã hội đa đẳng cấp ở đó. Hệ thống này đã tạo ra nỗi khổ ở nhiều mức độ, cũng như nhiều sự xáo trộn và vấn đề trong xã hội thế tục, nên Đức Phật đã tìm kiếm phương tiện để loại bỏ những sự khác biệt và phân biệt sâu xa này. Ngài nói về đường tu của chư Phật như điều gì không xem trọng hệ thống đẳng cấp. Giáo lý nguyên thủy của Đức Phật nói rằng đừng nên tạo ra sự khác biệt về giai cấp hay đẳng cấp, về mặt những người có cái mũi to, hay một ngành nghề nào đó, hoặc những điều tương tự như vậy. Điều đó vô lý, vì khi sinh ra đời thì con người không có loại giai cấp hay phân chia bẩm sinh trong bản thân họ.

Vì vấn đề này mà hiện nay, những người ở Ấn Độ quan tâm đến đạo Phật là những người thuộc về đẳng cấp thấp. Tại sao họ lại quan tâm đến đạo Phật? Không phải vì lòng bi mẫn, hay khả năng đem lại lợi lạc cho những kiếp tương lai. Không phải vì tri kiến về tánh Không được tìm thấy trong đạo Phật, mà là vì chúng ta không có sự phân biệt về đẳng cấp trong đạo Phật.

So Sánh Đạo Phật Với Những Tôn Giáo Khác

Khi từ bỏ hệ thống đẳng cấp thì Đức Phật không hề chỉ trích những tôn giáo khác. Cũng như các tôn giáo khác, Đức Phật đã dạy về lòng tôn trọng thật sự đối với những truyền thống tôn giáo khác. Tất cả các tôn giáo đều giảng dạy những phẩm chất tích cực, vì lợi lạc của nhân loại. Ví dụ như đạo Hồi có những giáo phái mà pháp tu của họ dựa trên lòng bi mẫn. Có những giáo sĩ Hồi giáo (mullah) ở Iran đi quyên góp từ người giàu, rồi phân phát tiền bạc cho người nghèo và những người thiếu quyền lợi. Điều này cho thấy ngay cả ở các quốc gia như Iran, nơi có những sự khó khăn và đau khổ trầm trọng hiện nay, chẳng hạn như từ cuộc chiến tranh với Iraq, là điều đã xảy ra nhân danh tôn giáo, nhưng họ vẫn có thái độ này, dựa vào lòng bi mẫn, như được biểu hiện trong ví dụ về hạnh bố thí.  

Nếu nhìn vào các tôn giáo khẳng định sự tồn tại của Thượng đế, thì tất cả đều nói rằng trên cơ bản, chúng ta phải là người tốt. Chúng ta phải thỉnh cầu Thượng đế, và những điều xảy ra đều nằm trong tay Thượng đế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải hành xử một cách đàng hoàng theo tôn giáo, và điều đó sẽ có ích. Trong giáo lý nhà Phật, điều có vẻ mạnh mẽ hơn nữa là việc cải thiện mọi việc không chỉ xuất phát từ việc thỉnh cầu với Thượng đế, mà chính mình phải nhấn mạnh vào nỗ lực của riêng mình, vào việc tu tập của mình.

Vậy thì có những tôn giáo đặt trọng tâm vào Thượng đế, và mặc dù trong đạo Phật, chúng ta không có sự nhấn mạnh này, nhưng lại có những vị Hộ Phật. Chúng ta thỉnh cầu chư vị, và nhận được “lực gia trì” cũng như cảm hứng từ các ngài. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của phương tiện, không phải là toàn bộ nguồn gốc về cách mà mọi việc xảy ra. Trong các tôn giáo hữu thần, dường như chúng ta không thật sự có quyền lực đối với các pháp. Chúng ta có thể thỉnh cầu Thượng đế, và giống như cách Thượng đế tạo ra vũ trụ, nên Thượng đế cũng tạo ra hạnh phúc và đau khổ của mình. Dựa vào lời cầu nguyện mà mình trì tụng, thì có lẽ chúng ta có thể nhận được một sự gia trì nào đó, và được hạnh phúc, nhưng không thật sự có quyền lực tối hậu. Trong khi đó, trong giáo lý nhà Phật, tuy vẫn có thể thỉnh cầu và cầu nguyện để nhận được “lực gia trì”, và nguồn cảm hứng từ chư Phật, v.v..., nhưng chính mình phải làm những điều mà chư Phật đã làm, phải sử dụng nhiều phương pháp mà Đức Phật đã dạy, để có được hạnh phúc. Do đó, tất cả sức mạnh đều dựa vào bản thân mình.

Sự bảo hộ và quy y trong các tôn giáo hữu thần xuất phát từ bên ngoài: tất cả mọi thứ đều từ ở trên cao tỏa xuống cho mình. Trong đạo Phật, pháp quy y và sự bảo hộ thật sự xuất phát từ bên trong, bằng cách phát triển tự thân, để đạt được trạng thái của một vị Phật. Thay vì rơi từ trên cao xuống cho mình, thì tất cả mọi việc sẽ hoạt động từ nỗ lực của mình ở đây, và đi lên. Nếu chỉ ngồi đó cầu nguyện với Đức Phật rằng: “Nguyện cho con được hạnh phúc; nguyện cho con được giải thoát” thì không sẽ giúp ích gì nhiều. Vì chính mình phải phát triển, nên chúng ta cầu nguyện và thỉnh cầu Đức Phật: “Nguyện cho con có thể phát triển tự thân, để thành tựu Phật quả.”.

Nếu muốn thành tựu điều này, thì phải cải thiện tâm thức, không chỉ cơ thể. Đó là vì trong khi thân thể khỏe mạnh, nhưng ta vẫn có khả năng rất khổ não về mặt tinh thần. Nhưng nếu như tâm rất hỷ lạc, thì ngay cả khi thân thể không thoải mái, ta sẽ không buồn bã. Chẳng hạn, nếu như cảm thấy bất hạnh, thì mình có khả năng bị tăng huyết áp và huyết áp cao, có thể bồn chồn. Tất cả những điều này sẽ tạo cho mình sự khó chịu và đau khổ về mặt thể chất; trong khi đó, nếu như có tâm hoan hỷ, thì nó sẽ ảnh hưởng đến cách mình cảm nhận sự việc theo cách tích cực.

Đâu là trạng thái và mục tiêu cao nhất được mô tả trong Cơ Đốc giáo? Đó là điều gì tương tự, nhưng không hoàn toàn giống như tịnh độ của chúng ta - nói cách khác là được sinh ra trên thiên đàng, trong một thiên đàng ở trên trời. Điều tốt nhất mà bạn có thể đạt được, nhờ tất cả những lời cầu nguyện của mình, là được tái sinh trên thiên đàng, nơi mà bạn sẽ rất hạnh phúc. Ngược lại, khi nói về giải thoát, là điểm tối hậu trong pháp tu nhà Phật, thì không chỉ là tái sinh trên một thiên đàng tốt đẹp. Thay vì vậy, nó lại đoạn trừ tất cả những ảo tưởng và phiền não, làm nhiễu loạn tâm trí của mình, và đoạn trừ nghiệp phát sinh, khiến cho mình hành động một cách vô đạo đức, rồi tạo ra nỗi khổ về sau. Cách thật sự để thành tựu giải thoát không chỉ là cầu nguyện để được tái sinh trên thiên đàng, mà còn phải tu tập để điều phục tâm thức, đoạn diệt phiền não và những tác ý phát sinh trong tâm, tạo ra đau khổ. Nó không chỉ dựa vào việc rèn luyện và cải thiện cơ thể, mà đạo Phật dựa vào việc rèn luyện và cải thiện tâm thức.

Nếu muốn cải thiện tâm mình, thì phải nhận thức thực tại là gì một cách rất sâu sắc. Đúng là nếu như sử dụng các phương tiện thể chất như lễ lạy, nhịn đói, trì tụng mật chú và tu hành bằng lời nói, thì chúng ta có thể tích tập công đức. Điều này rất hữu ích, nhưng cơ sở chính để thành tựu giải thoát là làm việc với tâm thức. Đó là tâm thức ở trong bản tánh mà kết quả sẽ là như vậy.

Chẳng hạn, nếu như mình sẽ tạo ra một số đồ vật từ kim loại, nếu như sản phẩm được làm bằng sắt, thì nguyên nhân cũng sẽ được tạo ra bằng sắt. Chỉ cần làm việc với vật liệu như tác nhân, định hình nó, uốn cong nó, và biến nó thành vật mà mình muốn. Tương tự như vậy, dù có nghĩ về sản phẩm sau cùng là giác ngộ hay giải thoát, thì ta phải tịnh hóa và định hình tâm thức, đến mức nó sẽ hoạt động hoàn toàn phù hợp với bản tánh của nó. Vật liệu mà mình phải làm việc chính là tâm thức.

Tâm thức có những cấu uế khác nhau, nhưng chúng bất định, không phải là một phần trong bản tánh của tâm. Vì vậy, phải hiểu bản tánh của tâm, các loại tâm vương, tâm sở là gì, v.v..., và làm việc với điều đó. Sản phẩm sau cùng mà mình muốn đạt được, muốn uốn nắn ra phải được cưu mang trong tâm trí. Rồi thì mình có thể làm việc với những vật liệu mà mỗi một người trong chúng ta đều có, đúc chúng thành hình dạng mà mình muốn sản phẩm sẽ có hình thù như vậy, giống như mình đang làm việc với sắt, để tạo ra một sản phẩm bằng sắt.

Đối với điều này thì điều quan trọng là phải biết đâu là những tâm trạng xác thực, và đâu là những tâm trạng không xác thực trong tâm mình. Những tâm thức không xác thực là tà thức, hoài nghi, và giả định. Nhưng mặt khác, chúng ta có những tâm thức xác thực như tỷ lượng thức (suy luận) và hiện thức. Đây là những cách khác nhau để mình có thể nhận thức các pháp, và có thể tu tập, để cải thiện tâm thức, đưa nó đến một giai đoạn mà nó có thể thấu hiểu các pháp theo những cách xác thực. Nếu muốn luyện tâm, thì điều rất quan trọng là phải biết cách nó vận hành ra sao, cách mà tâm nhận biết các pháp, vì ta phải làm việc với tâm của mình. Phải rèn luyện tâm thức, để đạt được sản phẩm sau cùng, đó là Phật quả, giác ngộ, cũng được tạo tác bằng tâm thức, đó là việc định hình tâm thức. 

Ôn Lại Những Điểm Chánh

Như tôi đã nói, có ba nhóm: những người quan tâm đến tôn giáo, những người chống lại tôn giáo, và những người thờ ơ. Trong phạm trù của những người theo tôn giáo, thì có những người theo thuyết hữu thần, tin vào một Thượng đế sáng tạo. Họ giải thích rằng hạnh phúc sẽ xảy ra, nhờ việc thỉnh cầu và cầu nguyện với một Thượng đế toàn năng, người sẽ ban nó cho bạn. Đạo Phật thuộc về một phân nhánh khác trong tôn giáo, của những người không khẳng định về một Thượng đế sáng tạo toàn năng, nhưng chỉ nói rằng hạnh phúc phát sinh từ nghiệp của mình, từ những khuynh hướng, hạt giống và tập khí được tích tập trong dòng tâm thức. Đây là lý do tại sao những người theo đạo Phật tự gọi mình là “người nội tâm” - vì hạnh phúc và mãnh lực ảnh hưởng đến tương lai của mình nằm ở bên trong. Trọng tâm là ở “bên trong”.

Các Phật tử sẽ nghĩ về kiếp trước. Một số tôn giáo khác cũng vậy. Một số tôn giáo nói về một bản ngã cụ thể, một linh hồn cụ thể đi từ kiếp trước, hiện thân trong kiếp này, và đi đến những kiếp sau. Những tôn giáo khác nói rằng dù có sự tái sinh, nhưng không có bản ngã hay linh hồn cụ thể nào đi từ đời này sang đời khác. Trong hai phạm trù này thì đạo Phật khẳng định rằng chúng ta không có bản ngã hay linh hồn cụ thể, bất biến, đi từ kiếp trước đến kiếp sau, là cơ sở cho sự giải thoát.

Vì vậy nên mới có nhiều loại tôn giáo. Là Phật tử, chúng ta không khẳng định Thượng đế là đấng sáng tạo hay cội nguồn hạnh phúc. Chúng ta cũng nói rằng không có bản ngã hay linh hồn cụ thể nào đi đến giải thoát. Trong đạo Phật, cách ứng xử dựa vào lòng bi, và tri kiến về thực tại là tri kiến dựa vào duyên khởi và nhân quả. Trên nền tảng đó, giáo pháp Đại thừa đặt trọng tâm chính vào lòng bi mẫn và phát bồ đề tâm.

Trong Đại thừa thì có sự phân chia thành Kinh điển và Mật điển, và ở đây, chúng ta đang nói theo cách của Kinh điển. Trong Kinh điển thì có ba dòng truyền thừa, từ Vô Trước, Long Thọ và Tịch Thiên. Dòng truyền thừa từ Long Thọ, đặc biệt là từ tác phẩm Bảo Hành Vương Chính Luận (The Precious Garland) của ngài, nói về việc nhận thua thiệt cho mình, và trao tặng chiến thắng cho người khác.

Ở đây, đâu là sự khác biệt giữa các dòng truyền thừa? Có thể nói rằng dòng truyền thừa Vô Trước nói về bảy điểm nhân quả để phát bồ đề tâm, trong khi dòng truyền thừa từ Tịch Thiên thì sử dụng pháp hoán chuyển ngã tha. Nhưng dòng truyền thừa thứ hai cũng nằm trong Bảo Hành Vương Chính Luận của Long Thọ. Tôi tự hỏi làm sao để giải thích sự khác biệt giữa khai thị của hai ngài Long Thọ và Tịch Thiên? Tôi đoán là chúng ta có thể nói rằng Long Thọ chủ yếu nói về tri kiến thậm thâm của tánh Không, và chỉ đề cập đến việc phát bồ đề tâm một cách ngẫu nhiên, qua pháp hoán chuyển ngã tha. Mặt khác thì Tịch Thiên chủ yếu giải thích phương pháp này, bằng cách hoàn toàn nhấn mạnh về bồ đề tâm.

Lịch Sử Của Giáo Pháp

Phần đầu tiên của tác phẩm này, là phần tường thuật về lịch sử của giáo pháp, trước hết bàn luận về tầm quan trọng của việc phát bồ đề tâm. Điều này nói rằng trong Tiểu thừa thì điểm nhấn là tam vô lậu học. Dù chắc chắn đó là điều khả dĩ, để thành tựu giải thoát và đoạn trừ những điều mà mình phải đoạn trừ, dựa trên cơ sở của tam vô lậu học, nhưng nếu muốn đoạn trừ tất cả những điều phải được đoạn trừ, thì mình cũng phải phát bồ đề tâm.

Bản văn tiếp tục với phần tường thuật về lịch sử của nó, đề cập đến A-đề-sa và Dromtonpa, và các luận giải về các pháp luyện tâm, được sáng tác tại Radreng, Tu Viện mà hai vị này đã thành lập ở Tây Tạng. Trong số tất cả các đệ tử sống tại Radreng, thì người nổi bật nhất là ba anh em của truyền thống Kadam, đặc biệt là Geshe Potowa vĩ đại, người đã thiện xảo toàn bộ giáo pháp, về cả Kinh điển và Mật điển. Trong ba dòng truyền thừa Kadam bắt nguồn từ Dromtonpa, thì một dòng truyền thừa là truyền thống cổ điển vĩ đại, một dòng truyền thừa khác là Lam-rim (trình tự đường tu giác ngộ), và dòng truyền thừa thứ ba là giáo lý tinh túy. Tôi đã đọc trong một tác phẩm luyện tâm rằng truyền thống Gelug chủ yếu bắt nguồn từ truyền thống cổ điển vĩ đại Kadam. Truyền thống Kadam Lam-rim chủ yếu được ban truyền cho phái Kagyu, thông qua Tilopa, Naropa, Marpa và Milarepa. Lời giải thích của truyền thống này về Mật tông xuất phát từ việc trình bày tri kiến về thực tại trong giáo pháp Đại thủ ấn (mahamudra), và giáo pháp của Gampopa, những pháp này được kết hợp với truyền thống lam-rim của Kadam.

Trong số các đệ tử của Geshe Potowa, như Sharawa, v.v..., thì mỗi một vị đều có lãnh vực chuyên tu. Geshe Chekawa chuyên về bồ đề tâm. Ông đã nghe một bài thuyết pháp về Luyện Tâm Bát Đoạn (Blo-sbyong tshig-brgyad-ma) của Geshe Langri Tangpa, và đã rất quan tâm đến nó.

Để tìm hiểu thêm về giáo pháp này, ông đã đến gặp vị thầy vĩ đại Geshe Sharawa, vào lúc ngài đang thuyết giảng về Thanh Văn Địa (Nyan-sa, Phạn ngữ: Shravakabhumi). Ông tự hỏi liệu Geshe Sharawa, người chắc chắn có dòng truyền thừa của các pháp luyện tâm này, có phải là người chuyên tu về lãnh vực này hay không. Geshe Chekawa không biết chắc, nhưng nghĩ rằng việc tham vấn ngài là điều đáng làm. Sau thời thuyết pháp, khi Geshe Sharawa đang đi nhiễu quanh một bảo tháp, thì Geshe Chekawa đã đến gần vị Lạt ma lớn tuổi hơn, và gọi ngài: “Gen-la.”. Geshe Sharawa hỏi: “Ông đã không hiểu điều gì trong bài Pháp hôm nay? Tôi đã nói rõ tất cả mọi điều rồi. Còn có điều gì ông chưa am tường?”. Geshe Chekawa đáp rằng: “Tôi đã nghe vần kệ luyện tâm này, rằng hành giả phải trao tặng chiến thắng cho người khác, và nhận lấy thua thiệt cho mình. Tôi đã nghe dòng kệ này, và nó đánh động tâm trí tôi rất nhiều, đến nỗi tôi nghĩ rằng việc tìm hiểu thêm về nó và áp dụng nó vào pháp tu sẽ có lợi lạc lớn lao. Do đó, tôi muốn hỏi ngài có biết thêm về điều này hay không, làm thế nào để phát triển thái độ này, và muốn biết nguồn gốc của giáo pháp này, nó xuất xứ từ tác phẩm nào, và liệu việc áp dụng nó vào pháp tu sẽ là điều thích hợp hay không.”.

Geshe Sharawa đáp rằng: “Vấn đề không phải nó là điều gì ông nên thực hành hay không. Vấn đề là nếu như ông tu tập nó, thì chắc chắn pháp tu này sẽ đưa ông đến giác ngộ.”. Geshe Chekawa nhận ra chắc chắn là Geshe Sharawa có tuệ giác về tất cả những điều này; nếu không thì ngài đã không thể trả lời một cách thông tuệ như vậy, nên đã hỏi ngài rằng: “Đâu là nguồn kinh điển của giáo huấn này?”. Geshe Sharawa nói rằng nó xuất xứ từ Bảo Hành Vương Chính Luận của Long Thọ, và Geshe Chekawa nói rằng: “Dĩ nhiên Long Thọ là vị Phật thứ hai, sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và bất cứ điều gì ngài nói thì hiển nhiên đều có thẩm quyền kinh điển lớn lao.”. Đột nhiên, Geshe Chekawa cảm thấy mọi việc trở nên đâu vào đó, và ông quyết định dứt khoát, nên nói rằng: “Đây là điều mà tôi phải hết sức nỗ lực chuyên tu!”.

Ông đã xin thọ pháp này, và Geshe Sharawa nói rằng: “Hãy xem khi nào là lúc thích hợp để ban giáo pháp này cho ông, trong lúc tôi đang giảng dạy giáo pháp hiện nay. Tôi đang giảng giải về Thanh Văn Địa, và nếu như thuyết pháp này, thì tôi tự hỏi liệu sẽ có ai quan tâm, hay thực hành nó hay không.”. Lúc đó, Geshe Chekawa rất vui, vì cuối cùng, ông sẽ nhận được giáo huấn tuyệt vời này về pháp luyện tâm, từ một bậc thầy vĩ đại như Geshe Sharawa. Trong khi đó, ông đã tu tập việc phát bồ đề tâm và tăng trưởng nó, dựa vào pháp hoán chuyển ngã tha.

Lợi Lạc Của Giáo Pháp

Tiếp theo, lợi ích lớn lao của giáo pháp này được giải thích, cách mà tâm bồ đề giống như mặt trời, như ngọc quý, và như thuốc men. Ngọc quý sẽ loại trừ nỗi bất hạnh của người nghèo. Tương tự như vậy, vì bồ đề tâm xóa bỏ sự nghèo nàn, đó là việc thiếu vắng chứng ngộ, nên giống như một viên kim cương. Nếu chúng ta có một viên kim cương khổng lồ, thì nó có thể xóa bỏ sự nghèo nàn một cách rất triệt để. Nhưng ngay cả khi mình chỉ có một viên kim cương nhỏ, thì nó sẽ xóa bỏ sự nghèo nàn của chính mình. Tương tự như vậy, ngay cả khi mình chỉ có một khía cạnh nhỏ của tâm bồ đề, thì đó sẽ là lợi lạc lớn lao. Vì vậy nên nó giống như kim cương.

Nó tựa như mặt trời, vì cũng giống như tia sáng mặt trời xóa tan bóng tối, nếu như mình phát bồ đề tâm, thì nó sẽ đoạn trừ bóng tối của những hành vi và vọng tưởng phiền não trong tự thân, và trong tất cả chúng sinh. Ngay cả khi chỉ có một vài tia sáng mặt trời chiếu sáng đàng sau đám mây, thì chúng sẽ xóa tan bóng tối. Tương tự như vậy, ngay cả khi mình chỉ có một ít bồ đề tâm chiếu sáng qua những đám mây phiền não và vọng tưởng, thì điều đó cũng sẽ khiến cho ánh sáng tỏa sáng trong tâm thức của mình.

Bồ đề tâm giống như thuốc men, vì trong khi tất cả các thành phần của cây thuốc như rễ, vỏ cây, quả, cành và lá đều có ích, ngay cả khi mình chỉ có một phần nào thôi, thì nó vẫn có giá trị về mặt dược liệu. Tương tự như vậy, nếu đã phát bồ đề tâm một cách trọn vẹn, thì đó là lợi lạc lớn, nhưng ngay cả khi mình chỉ có một phần nhỏ thôi, thì vẫn là điều ích lợi. Điều này đúng, không chỉ về mặt bồ đề tâm nói chung, mà còn về mặt luyện tâm.

Một ưu điểm khác là bồ đề tâm khiến cho mọi người tùy hỷ, xóa bỏ lòng ganh tỵ, vân vân. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời nay, khi mà vọng tưởng và phiền não của con người đang tăng trưởng. Ngay cả ở Ấn Độ, trong hoàn cảnh của chúng tôi, là những người tỵ nạn, mặc dù chúng tôi không tiến bộ lớn lao về mặt vật chất, nhưng cũng có được một vài điều. Chúng tôi đã có thể xây dựng trường học, một số doanh nghiệp nhỏ, những thứ như vậy. Nhưng đây cũng có thể là cơ sở của lòng ganh tỵ và cạnh tranh. Nên việc có được tiến bộ về mặt vật chất thì không đủ; mà đồng thời, phải có tiến bộ về mặt tâm linh. Việc phát bồ đề tâm sẽ xóa bỏ mọi lòng ganh tỵ và vọng tưởng, và đây là điều rất quan trọng, thích hợp cho hoàn cảnh hiện tại, khi mà chúng ta có nguy cơ, tuy có một chút tiến bộ ở Ấn Độ, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng hoàn cảnh bên ngoài sẽ giải quyết tất cả các vấn đề. Đó là ảo tưởng. Tôi đã nhìn thấy người dân ở trong tình huống thoải mái về vật chất, nhưng thường thì họ hoàn toàn khốn khổ, vì những hậu quả tai hại. Nên điều quan trọng là phải cải thiện cả hai lãnh vực bên ngoài và bên trong.

[Ghi chú: Câu trong chánh văn mà Đức Dalai Lama đang giải thích ở đây là: “Hãy thấu hiểu tầm quan trọng của tác phẩm này tựa như kim cang, như mặt trời và dược thảo, chuyển hóa thành đường tu giác ngộ vào (thời điểm) này, khi ngũ trược đang lan tràn.”. Nó xuất hiện trong bản in của Namkapel và Pabongka. Trong bản in của Togmey Zangpo thì phần từ “Hãy thẩu hiểu” cho đến “dược thảo” hoàn toàn không có mặt, và từ phần “chuyển hóa” đến “lan tràn” thì có mặt ở cuối sách, nhưng lại đi trước, thay vì đi sau câu: “Tinh túy cam lồ này của giáo pháp tinh hoa này thuộc về dòng truyền thừa từ Serlingpa.”].

Chúng ta có thể thấy nếu như người ta không cải thiện thái độ, để trở nên vị tha hơn, mà chỉ làm việc để tiến bộ về mặt vật chất, thì có thể tạo ra rất nhiều nỗi khổ cho con người. Lấy ví dụ, có nhiều khu vực, nơi mà họ thực hiện nhiều công trình xây dựng và công nghiệp. Những việc này tạo ra rất nhiều vấn đề như sản phẩm phụ về khói, bồ hóng và ô nhiễm, làm hư hoại không khí và gây thiệt hại cho môi trường. Điều này xảy ra trong những nơi rất tiến bộ về mặt vật chất. Tất nhiên, tiến bộ về vật chất là điều gì quan trọng, nhưng người ta phải nghĩ rằng: “Hậu quả của việc này là gì? Điều gì sẽ xảy ra trong một vài năm, trong 200 năm nữa, trong 1000 năm nữa?”. Đối với nhiên liệu hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân thì cũng vậy: Làm sao để loại bỏ những thứ này? Bạn sẽ làm gì với chúng trong tương lai? Một số quốc gia đang tạo ra vũ khí, và đây là một nguyên nhân tạo ra thêm đau khổ, như gậy ông đập lưng ông, và sẽ tạo ra thêm khổ đau cho thế giới.

Khi người Trung Quốc chiếm Tây Tạng, và Tây Tạng mất nền độc lập, thì các thần linh địa phương dường như cũng mất đi ảnh hưởng và oai lực bảo hộ, vì công đức của người Tây Tạng đã suy tàn. Có một câu chuyện mà một vong linh nào đó ở Amdo đã nói rằng họ đã ở trong tù. Ngay cả vong linh cũng phải ở tù ở Trung Quốc, trước khi đến Ấn Độ để an trú trong mười năm. Sau khi ở Ấn Độ, vong linh đó trở lại Amdo, và lại được cúng dường thịt tươi nữa, nhưng anh ta từ chối, nói rằng anh đã cam kết trước mặt tôi là sẽ không chấp nhận sự cúng tế thú vật nào nữa. Không biết điều này có đúng hay không, nhưng khi du hành ở vùng Hy Mã Lạp Sơn, thì tôi có nói với mọi người rằng việc cúng tế thú vật là sai lầm. Vì vậy, có thể có một vài sự liên hệ ở đây. Vong linh ấy không thể chấp nhận việc cúng tế thú vật nữa, bởi vì ở những nơi tôi đã ban lễ điểm đạo Kalachakra (Thời Luân), tôi đã nói rằng không nên cúng tế thú vật nữa. Có lẽ vong linh này đã có mặt ở đó, ở một trong những lễ quán đảnh này.

Nếu chúng ta có tâm thức được rèn luyện một cách đúng đắn, thì không cần phải tìm cầu tái sinh hạnh phúc về mặt thể chất. Nếu như đã luyện tâm một cách trọn vẹn, thì ta sẽ mang theo tất cả những trạng thái hạnh phúc trong tâm mình. Chúng ta sẽ có tịnh độ Tây phương Cực lạc (Sukhavati) trong nội tâm.

Một ưu điểm khác của việc phát bồ đề tâm là không chỉ có được hạnh phúc, khi những nguyên nhân và hoàn cảnh hạnh phúc xảy ra, mà ngay cả những tình  huống thường tạo ra vấn đề và bất hạnh cũng sẽ trở thành hoàn cảnh để có được hạnh phúc. Đây là những lợi lạc và ưu điểm lớn của việc có bồ đề tâm.

Đối với tất cả những người từ Tây Tạng đã đến đây thăm viếng, thì điều rất quan trọng là trì tụng thật nhiều manis (mật chú Om mani padme hum), hãy cầu nguyện “Nguyện cho con có lòng nhân hậu”, và nghĩ thật nhiều về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong khi quý vị ở đây.

Top