Luận Giải “Luyện Tâm Bát Đoạn” – Geshe Ngawang Dhargyey

Bối Cảnh

Bản văn này được sáng tác trong tám vần kệ của Geshe Langri Tangpa (Langtangpa). Giáo lý này có thể được truy nguyên về chư đạo sư Kadam. Geshe Potowa, một hóa thân của Đức Văn Thù, đã trao truyền nó cho Geshe Sharawa, rồi đến Geshe Langri Tangpa. Hai vị này được gọi là mặt trời và mặt trăng của các đệ tử Kadam.

Đó là truyền thống để giải thích tiểu sử ngắn gọn của tác giả, để phát triển tín tâm cho đệ tử, và biểu thị nguồn giáo lý xác thực, nhưng không có thời gian để tường thuật toàn bộ lịch sử.

Người tìm cầu giáo lý này là Geshe Chekawa, tác giả của Luyện Tâm Thất Điểm (Seven Point Mind Training). Khi viếng thăm một người bạn thì ngài thấy trong một cuốn sách nhỏ có dòng chữ: “Hãy trao tặng lợi lạc cho tha nhân, và nhận mọi lỗi lầm cho mình.”. Trong giây lát, ngài đã nhận ra lợi ích của điều này, vào thời mạt pháp. Ngài đã hỏi thăm nguồn gốc của nó, và được chỉ dẫn đến quận Penbo, để gặp Geshe Langtangpa, người đã sáng tác bài này. Khi đến đó thì ngài mới biết Geshe Langtangpa đã viên tịch, nên không thể nhận khẩu truyền của giáo lý này. Vì không hài lòng với điều kiện ở tu viện ở đó, nên ngài đã đi đến một nơi khác.

Sau đó, ngài đến một tu viện, nơi Geshe Sharawa đang thuyết giảng về Thanh Văn Địa (Shravakabhumi – Shravaka) một tác phẩm của Tiểu thừa. Ngài không mấy thích thú với bài pháp này, và hy vọng được nghe pháp Đại thừa, nhưng lại không nghe được gì cả, nên rất thất vọng. Sau khi thuyết pháp, Geshe Sharawa đã đi nhiễu quanh tu viện, và Chekawa đã đến gặp ngài. Ông mang theo tấm tọa cụ, đặt nó trên một cái bục, và yêu cầu Geshe Sharawa dừng chân và giảng dạy cho mình. Ngài Sharawa nói, “Ta đã giải tỏa nghi ngờ của các đệ tử bằng bài thuyết pháp trên pháp tòa. Tại sao ông lại chận đường ta ở một nơi kỳ quặc như vậy?”. Thế là Chekawa giải thích về giáo pháp đã tạo ấn tượng mạnh cho mình, và thỉnh cầu được nghe thêm về nó. Sharawa ngưng tụng chú, quấn chuỗi tràng hạt quanh cổ tay và nói, “Dù ông có ấn tượng tốt với giáo pháp này hay không thì đó là con đường duy nhất để đạt giác ngộ.”. Chekawa hỏi, “Tại sao ngài không sử dụng bất cứ ngôn từ Đại thừa nào trong bài thuyết pháp trước đây?”. Sharawa nói, “Nếu như ta sử dụng những ngôn từ như vậy cho những người không áp dụng chúng vào việc tu tập thì có ích lợi gì?”

Tuy Chekawa có ấn tượng tốt về buổi tham vấn ấy, nhưng ông đã hỏi thêm nguồn gốc của giáo pháp này. Ông muốn biết nó bắt nguồn từ đâu. Sharawa nói, “Ngài Long Thọ được tất cả hành giả Đại thừa công nhận là nhà tiên phong trong truyền thống của họ. Tất cả mọi người đều chấp nhận ngài. Giáo pháp này dựa trên vần kệ của ngài 'Chấp nhận thua thiệt cho tự thân và trao tặng chiến thắng cho người khác', ở cuối tác phẩm Bảo Hành Vương Chánh Luận (Ratnavali).”. Rồi Chekawa đảnh lễ Sharawa và nói, “Xin ngài hãy ban cho tôi giáo pháp này.”. Sharawa chấp nhận. Khi Chekawa về đến nhà thì ông đã đọc Bảo Hành Vương Chánh Luận, và tìm thấy câu kệ này, như Sharawa đã nói. Chekawa đã sống gần Sharawa mười bốn năm, và trở thành một vị đại bồ tát, người luôn hành thiền trong nhà xác, nơi mà người ta vứt xác chết bằng cách băm nhỏ chúng ra và cho kền kền ăn.

Tám Vần Kệ

Pháp luyện tâm (lojong) rất hữu ích, vì nó khuyến khích ta cải thiện bản thân. Ngài A Đề Sa (Atisha) tán thán pháp luyện tâm, nói rằng “Hãy noi theo pháp luyện tâm và tôn trọng tất cả các truyền thống, có tinh thần bất bộ phái, rút tỉa những điểm tốt từ tất cả các truyền thống - đây là cách cải thiện tự thân. Nếu muốn thành tựu giác ngộ thì phải biết tám điểm công phu này, nếu không thì sẽ bị lạc đường.

Bản văn viết như sau:

(1) Nguyện luôn yêu thương tất cả chúng sanh bằng cách xem họ quý báu hơn ngọc như ý để thành tựu mục tiêu tối thượng.

Ngọc như ý chỉ có thể ban cho ta những ước muốn trong đời này, nhưng tâm ái tha dành cho chúng sanh thì mang lại lợi lạc trong kiếp này, và trong tương lai. Nhờ ái tha mà ta có thể đạt được lợi lạc tối thượng cho tự thân và tha nhân, ví dụ như thành tựu giác ngộ.

Việc thành tựu giác ngộ của bạn dựa trên hai yếu tố - lòng tốt của chúng sanh và lòng tốt của tôn sư. Hai điều này ngang hàng với nhau. Một đạo sư có nói, “Thái độ của con người rất nghèo nàn. Họ bỏ mặc chúng sanh và chú ý quá nhiều đến đạo sư, nhưng lòng tốt của cả hai bên đều như nhau.”. Geshe Chenngawa nói, “Là người tu tập Pháp thì phải làm những điều trái ngược với người bình thường, vì họ chỉ trân quý những người quan trọng và bỏ mặc những người không quan trọng. Do đó, ta phải trân quý chúng sanh hơn cả trân quý chư Phật.”.

(2) Mỗi khi giao tiếp với chúng sanh, nguyện xem mình thấp kém hơn tất cả, và trong tận đáy lòng, yêu thương họ hơn cả bản thân.

Nếu như có  được thái độ này, thì ta sẽ tự động chấm dứt việc coi thường và xem người khác thấp kém hơn mình. Nhờ cách nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của họ, ta có thể khởi tâm bi mẫn với tất cả những người mà mình gặp. Chư đạo sư Kadam đã áp dụng giáo pháp này vào việc tu tập:

Một lần nọ, Drom (Dromtonpa) đi đến một tu viện, nơi họ đang chuẩn bị tiếp đón ngài một cách trịnh trọng. Trên đường đi, ngài gặp một người vừa tham dự một lễ cúng dường (puja) xong, nên quá mệt mỏi khi phải xách đôi giày của mình. Người đàn ông này không nhận ra Drom, người ăn mặc rất nghèo nàn, nên đã yêu cầu Drom xách giày giùm cho anh ta. Drom nhận đôi giày bằng cả hai tay và nói, “Dĩ nhiên là được”, và để chúng lên vai. Ông đã được tu viện tiếp đón bằng một đám rước lớn. Người yêu cầu ngài xách giày thấy rất xấu hổ, nên đã bỏ chạy.

Có một người luôn luôn nói về Pháp. Khi Drom đi ngang qua, người đàn ông đã gọi ngài, “Này ông kia! Hãy lạy tôi và tôi sẽ thuyết Pháp cho ông nghe.”. Drom đã lạy người kia và lắng nghe bài thuyết Pháp rời rạc của anh ta. Drom lịch sự tiếp tục đặt câu hỏi, và cuối cùng thì Drom đã nói nhiều hơn người này. Người đàn ông đã nghi ngờ và nói, “Có lẽ ông là Drom.”. Drom đã nói, “Đó là tên gọi của tôi.”.

Chúng ta đều lo âu là người khác không biết những phẩm hạnh của mình. Chúng ta viết sơ yếu lý lịch và khoe khoan với người khác trước khi nói chuyện với họ. Drom không bao giờ phô trương. Ngài có rất nhiều thành tựu bên trong, nhưng bên ngoài thì rất bình thường. Drom tu tập theo chuyên đề này: “Địa vị thấp là kinh đô hạnh phúc; địa vị cao là kinh đô bất hạnh.”.

(3) Nguyện quán sát tâm mình, trong tất cả mọi hành vi, và khi niệm tưởng hay phiền não phát sinh trong tâm thức, tạo nguy cơ cho bản thân và tha nhân, nguyện đương đầu và ngăn chận chúng bằng pháp đối trị mạnh mẽ.

Dù bạn đang làm gì, dù là ngồi, đi hay ngủ, thì hãy quán xét tự thân. Đừng quán xét người khác trong mọi lúc, mà hãy tự quán xét mình. Công việc của một người thật sự tu tập Pháp là quán xét tự thân, chứ không phải người khác. Tuy nhiên, chúng ta lại là thám tử chuyên nghiệp để theo dõi người khác. Chúng ta luôn luôn thấy lỗi nơi người khác, mà không nhìn vào vọng tưởng của mình. Nó giống như mình có một cái đèn pin để soi rọi người khác, chứ không soi rọi bản thân mình. Đức Dalai Lama thứ Tám nói rằng, “Chúng ta tìm kiếm rất nhiều lỗi lầm của người khác, và rất ít chú ý đến lỗi lầm của mình, có rất ít cơ hội để đưa người khác đến một vị trí cao.”. Nếu như hàng xóm của mình gây gỗ với nhau mà ta chỉ đứng nhìn, rồi đàm tiếu về chuyện này với người khác, thì sẽ không giúp ích gì cho ai. Bây giờ là lúc để bật đèn pin lên cho chính mình, và bắt đầu thấy lỗi của mình.

Khi phiền não sinh khởi thì Pháp là điều cần thiết. Đó là đối thủ của phiền não. Nếu như không sử dụng Pháp khi phiền não phát sinh, thì lúc nào mình mới sử dụng nó? Gungtang Rinpoche nói, “Không nên làm người tu tập Pháp chỉ ở bề ngoài, giống như một người hành động theo giáo pháp, khi được nuôi dưỡng đàng hoàng, nhưng trong hoàn cảnh xấu thì lại hành động tồi tệ hơn một người bình thường.”.

(4) Mỗi khi gặp người ác tâm, bị ác hạnh và khó khăn nghiêm trọng áp đảo, nguyện thương yêu những người hiếm có này như tìm ra kho tàng châu báu.

Đó là cơ hội hiếm hoi, để mình có thể giúp đỡ ai đó. Vì vậy, không nên lánh xa, mà hãy trân quý nó như một kho tàng. Đối tượng của hạnh bố thí và nhẫn nhục nên được đối xử như đối tượng quy y.

(5) Khi người khác, vì lòng ganh tỵ, bạc đãi con bằng lời trách mắng, sỉ nhục và thậm tệ hơn nữa, nguyện nhận lấy thua thiệt và dành thắng lợi cho người khác.  

Đối tượng của hạnh nhẫn nhục hiếm hơn đối tượng của hạnh bố thí. Có rất nhiều người ăn xin trên thế giới; nhưng để gặp được người đối xấu với bạn, và trở thành đối tượng của lòng nhẫn nhục thì trước tiên, bạn đã phải làm điều gì xấu với họ. Vì vậy, khi có ai tình nguyện trở thành đối tượng của lòng nhẫn nhục thì đừng đánh mất cơ hội kiên nhẫn với họ. Như ngài Tịch Thiên đã khuyên trong Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior):

(VI.106) Người ăn xin ở trên đời thì vô số, nhưng kẻ hãm hại (mình) thì hiếm hoi, vì không ai sẽ hãm hại ta, nếu như mình chưa hề hại họ (trong tiền kiếp).

(VI.107) Do đó, tôi sẽ vui mừng khi kẻ thù xuất hiện như báu vật trong nhà, mà không phải tìm kiếm mệt mỏi, vì họ đã trở thành người trợ giúp cho Bồ tát hạnh của tôi.

Do đó, đừng mất kiên nhẫn khi bị ai chỉ trích. Điều này sẽ giúp ta nhìn thấy lỗi lầm của tự thân. Nếu luôn được khen ngợi thì lỗi lầm của mình sẽ bị che giấu, rồi thì ta có thể sinh tâm kiêu hãnh. Việc chỉ trích của người khác khiến cho bạn suy nghĩ về những gì mình đã làm sai, và sau đó, có thể sửa chữa lỗi lầm.

Trong một tác phẩm khác, Geshe Langtangpa nói rằng, “Mọi lỗi lầm được mô tả trong giáo pháp Đại thừa là của tôi, và mọi phẩm hạnh tốt đẹp thuộc về người khác.”. Chư đạo sư trong thời sau nói rằng điều này cho thấy sự hiểu biết đầy đủ của ngài về pháp tu hoán chuyển ngã tha.

Chư đạo sư Kadam nói rằng chư Bồ tát xem lời khen và tiếng chê như tiếng vang. Khi được khen ngợi thì các ngài sẽ nhận ra rằng người ta cũng có thể đổ lỗi cho mình, và ngược lại. Do đó, chư Bồ tát rất vững chãi, và có một đời sống quân bình - không quá phấn khởi khi được tán thán, hay quá phiền muộn khi bị đổ thừa. Đó là lý do tại sao pháp luyện tâm được gọi là “thành trì giải thoát”.

(6) Thậm chí, khi người mà con đã từng giúp đỡ và đặt nhiều kỳ vọng hãm hại con một cách hoàn toàn bất công, nguyện xem họ như vị thầy thiêng liêng.

Những người mà bạn đã đối xử tử tế, nhưng lại hiểm ác đối với mình, là những vị thầy về luật nhân quả. Chúng ta đã làm điều gì xấu xa với họ trong quá khứ, nên sự hiểm ác của họ là kết quả của ác nghiệp mà mình đã tạo ra với họ. Do đó, phải tự hứa với bản thân để luôn nhận ra mối liên hệ giữa nhân và quả. Cũng nên hứa rằng dù cho người khác phản ứng ra sao về hành vi của mình, thì ta sẽ không chán nản hay tức giận, mà còn làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho họ. Khi có bất cứ điều gì xảy ra thì đừng nghĩ về kiếp này. Hãy quán xét về những điều mình đã làm trong quá khứ để tạo ra điều này, chứ không chỉ là những gì mình đang làm trong hiện tại để xứng đáng với điều này. Hãy tri ân là hậu quả đã không tồi tệ hơn, đối với tất cả những điều tiêu cực mà mình đã tạo ra trong quá khứ.

Chư đạo sư đã nói rằng đừng bao giờ nản lòng vì những điều tiêu cực mà mình đã làm trong quá khứ. Hơn nữa, nếu như người nào đã làm điều xấu xa trước đó và bây giờ đã cải thiện, mà mình cứ nói hoài về những hành động tiêu cực của họ, thì điều đó cho thấy mình không có niềm tin vào Pháp, và sức mạnh để cải thiện con người của giáo pháp. Do đó, đừng phán xét hành vi trong quá khứ, mà chỉ xem xét hành vi trong hiện tại.

Hơn nữa, không nên thực hiện bất cứ điều gì tốt đẹp với động lực mong đợi được đền đáp điều gì. Hãy xem những người này là thầy của mình, dạy ta về lỗi lầm của tâm ái ngã, bộc lộ bản tính ích kỷ về cách mình cảm nhận, khi mình không có được phản ứng tích cực từ người khác, đối với những điều tốt đẹp mà ta đã làm. Như đã nói trong Pháp Luân Vũ Khí Sắc Bén (Wheel of Sharp Weapons), hãy xem đây là những lời dạy để quán xét bản tính của mình, và phát triển lòng can đảm để tiếp tục tu tập mà không có lòng vị kỷ.

Chư đạo sư Kadam nói có nhiều cách mà mọi người có thể là thầy của bạn. Họ không phải nói bất cứ điều gì, hay phải là một nhà sư trong tu viện, v.v... Ngay cả bệnh tật và hoàn cảnh bất lợi cũng là thầy, dạy ta nếu như không muốn khổ, thì phải tạo thiện nghiệp.

(7) Tựu trung, nguyện hiến dâng trực tiếp và gián tiếp hạnh phúc và lợi lạc cho tất cả những bà mẹ, và nguyện âm thầm nhận lấy mọi rắc rối và tai họa của họ.

Điều này đề cập đến pháp tu cao cả của chư Bồ tát về cho và nhận (tonglen), và hoán chuyển ngã tha. Dù có hành trì pháp tu nào đi nữa thì cũng không nên vì bề ngoài. Cần phải làm điều đó một cách chân thành, với động lực chân thành của lòng bi mẫn. Ví dụ như, đừng bố thí thức ăn cho người ăn xin, để người khác nghĩ bạn là người có lòng từ bi.

Cho đến điểm này thì bản văn đã nói về pháp luyện tâm về phương diện bồ đề tâm tương đối. Vần kệ kế tiếp là về việc luyện tâm về phương diện bồ đề tâm tuyệt đối. Việc có bồ đề tâm tương đối trước, rồi đến bồ đề tâm tuyệt đối là dành cho những người như chúng ta, có trí thông tuệ thấp kém. Những người có trí thông tuệ sắc bén có thể được dạy bồ đề tâm tuyệt đối trước tiên.

(8) Với tâm thức trong sạch, không ô nhiễm vì bát phong, đối với tất cả những điều này, và thấu hiểu vạn pháp như huyễn, nguyện cho con thoát khỏi sự ràng buộc, không bám chấp.  

Việc thực hành những vần kệ trước không bao giờ nên được thực hiện ở bề ngoài, xen lẫn với mối bận tâm về bát phong trong đời sống. Điều này được mô tả như dấu hiệu của sự non nớt, và là hành vi của trẻ em.

Bằng Hữu Thư (Suhrllekha) của Long Thọ đã liệt kê bát phong trong đời sống - được hay mất, mọi việc tốt đẹp hay tệ hại, lời khen hay tiếng chê, và nhận tin tốt hay xấu. Có thể khó nhận ra bát phong. Chúng có ba mức độ - đen, trắng và hỗn hợp. Khi những cảm xúc này phát sinh vì tâm quyến luyến với hạnh phúc trong kiếp này, cùng với tâm ái ngã, và bám chấp vào một cái tôi thật sự tồn tại, thì đó là bát phong đen. Khi chúng phát sinh mà không có bất kỳ tâm quyến luyến nào như vậy, nhưng vẫn có hai động lực sau, thì đó là bát phong hỗn hợp. Khi chúng phát sinh mà không có tâm quyến luyến với hạnh phúc của kiếp này hay tâm ái ngã, nhưng chỉ vì tâm bám chấp vào một cái tôi thật sự tồn tại, thì đó là bát phong trắng.

Dù là tác nhân, hay người nhận lãnh bất cứ điều gì trong số tám điều này, thì chúng ta thường phản ứng thái quá và mất thăng bằng, trở nên phấn khích, phiền muộn, hay không thoải mái. Buông bỏ bát phong trong đời sống có nghĩa là từ bỏ mối bận tâm về tám điều này, chứ không phải là từ bỏ cha mẹ, vợ con, nhà cửa, v.v... Không phải là mình cố trốn tránh đời sống và trách nhiệm hàng ngày. Có những giáo lý nói về việc bình đẳng hóa và làm quân bình những cảm giác trái ngược này trong truyền thống Drugpa Kagyu, trong sáu pháp vị bình đẳng.

Một lần nọ, khi Milarepa đang hành thiền trong hang động thì ngài thấy vách động bị rỉ nước, nên đã cố trám lại các lỗ hổng và làm cho hang động đẹp đẽ. Sau đó, ngài nhận ra là mối bận tâm về bát phong trong đời sống đã theo ngài vào trong hang động.

Khi một đứa trẻ bị bệnh, và người mẹ đã tham vấn một nhà chiêm tinh để biết mình phải làm gì. Cách duy nhất để cứu mạng đứa trẻ là dẫn nó đến một Lạt ma, và bắt ngài nhận đứa trẻ là con của mình. Trong khi Geshe Langtangpa đang thuyết pháp cho hàng ngàn đệ tử thì người mẹ đã trao đứa con cho ngài và nói, “Đây là con của ngài.”. Ngài đã chấp nhận điều này một cách vui vẻ và nói, “Con sẽ là con của ta trong suốt đời này.”. Phân nửa số đệ tử của ngài đã mất niềm tin vào ngài, và nghĩ rằng ngài là cha của đứa trẻ. Những người còn lại thì ở lại. Sau khi buổi thuyết pháp chấm dứt thì người phụ nữ đã cúng dường và xin lỗi, và ngài đã trao đứa bé lại cho bà. Ngài hoàn toàn bình thản. Tín tâm của phân nửa số đệ tử của ngài vẫn còn nguyên vẹn, hoàn toàn quân bình. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể nào chịu đựng điều này, vì sẽ làm lớn chuyện, và cố chứng minh là mình vô tội. Còn đối với Geshe Langtangpa thì điều đó không có gì khác biệt. Nếu như ta duy trì tánh thanh tịnh bên trong, thì không phải gây ấn tượng tốt bên ngoài với mọi người, rằng mình trong sạch, như việc có hành vi thánh thiện một cách giả mạo, hoặc cố che giấu thế gian về bản thân mình.

Phát Tâm Nhẫn Nhục Để Tu Tập Giáo Pháp Này

Nội dung của tất cả các giáo lý trong Kinh điển và Mật điển được phân loại theo hai chủ đích, một là (a) tạo lợi lạc cho chúng sinh; hay là (b) ngăn chận hay kềm chế bản thân, để không làm hại người khác. Cần phải tu hạnh nhẫn để thực hiện điều đó. Nếu không tu hạnh nhẫn thì mình sẽ muốn trả thù, vì người khác đã hãm hại ta. Do đó, mình không thể làm lợi lạc cho họ. Khi làm hại người khác để trả thù, thì ta có thể quên mất sự việc đã bắt đầu như thế nào, và nó trở thành chu kỳ trả thù vô tận. Cách để chấm dứt chu kỳ trả thù là kết thúc nó ngay khi mình bị ai hãm hại. Do đó, cần phải tuân theo bốn phương pháp tu hạnh nhẫn, được nêu ra trong giáo pháp khẩu truyền - mục tiêu nhẫn; từ bi nhẫn; thầy trò nhẫn; và Không tướng nhẫn.

Mục Tiêu Nhẫn

Khi mình là mục tiêu của việc hãm hại, chỉ trích, vân vân..., đó là vì ác nghiệp của mình trong quá khứ. Nếu như mình không hề tạo ra mục tiêu của ác nghiệp trong kiếp trước, thì không ai sẽ bắn vào nó trong kiếp này. Vì vậy, bất cứ khi nào bị chỉ trích thì nên nghĩ về kiếp hiện tại và những kiếp trước, và những gì mình có thể đã làm để đáng nhận lời chỉ trích, thay vì tức giận. Một đại thành tựu giả Ấn Độ nói rằng, “Nếu như không áp dụng pháp đối trị khi cần thiết, thì chúng có ích lợi gì?”

Từ Bi Nhẫn

Nếu như có ai tức giận với bạn, thì hãy xem như họ bị loạn thần, và bị tác động vì vọng tưởng của chính họ, chứ họ không có ý định làm hại bạn. Hãy nhớ rằng bạn cũng có vọng tưởng. Nếu như một người điên đuổi theo bạn, hét vào mặt và đe dọa bạn, và nếu bạn phản ứng lại bằng cách tức giận, thì bạn cũng điên luôn.

Đương nhiên, có nhiều bệnh điên ổn định hơn như điên rồ và suy nhược thần kinh, nhưng cơn giận nhất thời giống như một tia chớp điên rồ. Một người tức giận sẽ làm cho mọi việc xáo trộn - họ có thể đập bể những món đồ mà họ yêu quý nhất, họ có thể quên đi giá trị cuộc sống, rồi giết người khác, hay thậm chí tự tử. Vì vậy, phải đối xử với họ bằng lòng từ bi, như thể họ bị điên.

Thầy Trò Nhẫn

Nếu không có thầy thì trò không thể học hỏi bất cứ điều gì. Nếu không có ai là đối tượng cho lòng nhẫn nhục của mình thì ta không thể tu hạnh nhẫn. Vì vậy, bất cứ ai tức giận với mình cũng là thầy dạy ta tu hạnh nhẫn. Ngài Tịch Thiên nói rằng nên cúng dường kẻ thù. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh thì đối tượng của hạnh nhẫn được cho là hiếm hoi hơn đối tượng của hạnh bố thí. Thế giới đầy những người ăn xin; nhưng để có được người làm đối tượng cho hạnh nhẫn thì trước tiên, mình phải làm điều gì với họ.

Không Tướng Nhẫn  

Hãy thiền quán về sự vắng bóng của tâm sân hận, nhẫn nhục có tự tánh. Không có đối tượng nào thật sự tồn tại để gây hại hay bị hãm hại, tạo ra sự tức giận hay bị chọc giận. Hãy nói với chính mình, “Tất cả những kẻ thù này hiện ra với mình là vì tâm vô minh, vọng tưởng và bám chấp vào chân hiện hữu. Chư Phật và Bồ tát không bao giờ có kẻ thù. Mình có kẻ thù là vì vọng tưởng của mình.”. Hãy nhìn bản tánh trống rỗng của chúng. Hãy nhìn chúng mà không sinh khởi vọng tưởng.

Các bản văn khác nói rằng hãy xem kẻ thù và hành vi hãm hại như trong mơ. Trong một giấc mơ thì mọi thứ dường như có thật, nhưng khi thức dậy thì ta thấy rằng không có điều gì xảy ra.

Đương nhiên là ta sẽ nổi giận, nhưng ít nhất, có thể cố gắng rút ngắn thời gian tức giận, và không ôm hận lâu dài. Ngài Tịch Thiên nói rằng không có mãnh lực tiêu cực nào nghiêm trọng bằng tâm sân, và không có pháp tu khổ hạnh nào tốt hơn tâm nhẫn. So với tâm tham thì tâm sân tồi tệ hơn nhiều. Tham ái không liên quan đến bạo lực, và nằm trong nội tâm của con người. Nhưng sân hận là bạo lực, nó ảnh hưởng đến bản thân và người khác, hủy hoại môi trường, vân vân. Một trong những lý do chính khiến ta tạo ra hành vi tiêu cực là vì mình luôn tức giận. Khi mình tức giận thì ngay cả món ăn ngon nhất cũng không có mùi vị gì. Khi ta tức giận thì dù có trang điểm, đeo trang sức và mặc quần áo đẹp như thế nào thì mình vẫn nhìn xấu xí, vì sắc mặt của mình sẽ thay đổi, v.v... Đối với chư Bồ tát thì khuyết điểm của một chút sân hận còn tệ hơn hàng trăm khuyết điểm của tâm tham ái.

Tầm Quan Trọng Của Dòng Truyền Thừa Không Gián Đoạn

Điều này kết thúc bài pháp này, xuất phát từ một dòng truyền thừa không gián đoạn. Điều quan trọng là giữ cho dòng truyền thừa ngay thẳng. Đó là dòng truyền thừa với cội nguồn cảm hứng bắt nguồn từ Đức Phật. Có một chuyện tếu về điều mà một vị Lạt ma đã nói trong một bài thuyết pháp, “Tôi chưa bao giờ nhận được truyền khẩu của giáo pháp này, nhưng bây giờ thì tôi đã trao truyền nó cho quý vị.”.

Đọc và nghe chánh văn "Luyện Tâm Bát Đoạn" của Langri Tangpa.

Top