Dẫn nhập
Sáu thái độ vượt thoát, thường được biết như “sáu hạnh hoàn hảo”, hay “lục độ ba la mật”, là những tâm thái giúp mình cải thiện bản thân, và giúp đỡ tha nhân bằng cách tốt nhất. Những thái độ này trực tiếp đối kháng với những chướng ngại làm cản trở thành công, như tâm giãi đãi và sân hận, nên chúng giúp ích cho tất cả mọi người. Ta gọi chúng là “vượt thoát”, vì trong bối cảnh Phật giáo, khi được phát triển một cách trọn vẹn thì chúng sẽ giúp ta sang bờ bên kia của đại dương đầy dẫy những sự giới hạn và khó khăn của mình. Nếu có tâm xả ly, quyết tâm thoát mọi nỗi khổ, làm động lực thúc đẩy thì chúng sẽ đưa ta đến giải thoát. Khi có bồ đề tâm, ước nguyện thành Phật để tạo lợi lạc tối đa cho chúng sinh, làm động lực thúc đẩy thì chúng sẽ đưa ta đến quả vị toàn giác.
Sáu thái độ vượt thoát là:
- Bố thí
- Trì giới
- Nhẫn nhục
- Tinh tấn
- Thiền định
- Trí tuệ
Ta sẽ tu tập cả sáu hạnh, trong cả việc hành thiền và sinh hoạt hàng ngày. Giống như tập luyện để phát triển cơ bắp, càng áp dụng những tâm thái này trong bất cứ điều gì mình làm thì chúng sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cuối cùng thì chúng sẽ được kết hợp vào trong đời sống, và trở thành một phần tự nhiên trong cách mình liên hệ với bản thân và người khác trong mọi lúc.
Pháp Thí
Về mặt Pháp thí thì nếu ai muốn tranh luận bằng động lực sân hận, tham ái, kiêu hãnh, hay chỉ vì tánh tò mò rảnh rỗi thì không nên tranh luận với họ, hay cho họ sách Phật. Chúng ta chỉ dạy hay bàn luận về giáo pháp với những người dễ tiếp nhận giáo pháp. Nếu người đó không dễ tiếp nhận thì việc giảng dạy hay bàn luận sẽ không phù hợp. Trên thực tế, nó chỉ tốn thời giờ, và chỉ góp phần cho tâm trạng tiêu cực và thù hằn của họ. Chúng ta chỉ dạy cho những người có lòng cởi mở và muốn học hỏi.
Nếu như giảng dạy thì ta sẽ dạy đúng trình độ của người đó. Đừng đổ cả biển học và kiến thức lên đầu họ, chỉ để chứng minh là mình thông minh đến mức nào. Đừng dạy giáo pháp quá cao, trừ khi nó có ích, để họ nếm thử một chút hương vị. Đôi khi, một bài pháp ở trình độ cao hơn có thể tạo cảm hứng cho người ta học hỏi nhiều hơn, để cố hiểu nó, và cũng hữu ích, nếu người đó hơi kiêu căng một chút. Đôi khi, Đức Dalai Lama sẽ giảng dạy một cách rất phức tạp cho các giáo sư đại học và v.v..., để chứng minh giáo lý nhà Phật tinh vi đến mức nào. Điều này sẽ xua tan mọi quan niệm rằng Phật giáo là thô sơ hay lạc hậu.
Tôi nhớ có một lần Serkong Rinpoche viếng thăm một trung tâm Phật giáo Tây phương, và họ muốn thỉnh ngài dạy chương sách về Không tướng (tánh Không) từ tác phẩm của ngài Tịch Thiên, chỉ trong vòng hai ngày. Điều đó thật vô lý! Chỉ phần này của bản văn thôi là phải mất một năm hay lâu hơn để học thật kỹ càng. Rinpoche bắt đầu giải thích nó ở mức độ cực kỳ cao cấp và phức tạp, về một vài chữ đầu tiên của chương sách, để cho họ thấy mỗi một chữ phức tạp đến mức nào. Không ai có thể hiểu những gì ngài nói, điều này cũng cho thấy rằng họ kiêu ngạo đến mức nào, khi nghĩ rằng đó là điều có thể được dạy hay tiếp thu qua một bài thuyết pháp trong chỉ hai ngày. Sau đó, ngài giảng chậm lại ở trình độ của họ, và chỉ giải thích ý nghĩa chung của một phần nhỏ trong bản văn.
Khi Đức Dalai Lama thuyết Pháp cho đại chúng thì ngài giảng một chút cho mỗi một trình độ của những người ở đó. Hầu hết thời gian thì ngài sẽ dạy một trình độ rất cấp tiến, hướng về bất kỳ vị lama, geshe và khenpo cao trọng nào. Vì ngài tu cao hơn tất cả mọi người, nên ngài có thể dạy họ ở trình độ này, rồi họ có thể giải thích nó theo cách ít phức tạp hơn cho các đệ tử của họ. Trong tình huống này, vị thầy không dạy cho những người có trình độ chung thấp nhất, bởi vì người khác có thể dạy cho họ ở trình độ đó. Bạn dạy cho những người có trình độ cao nhất, để kiến thức đó có thể đi xuống từ từ, qua các trình độ thấp hơn, như nó sẽ xảy ra.
Cuối cùng thì điều quan trọng là chỉ bố thí cho những người cần thiết. Nếu người đó không cần nó, nhưng chỉ muốn thứ gì vì lòng tham lam và chấp thủ, như trẻ con muốn sô cô la suốt ngày, thì không thích hợp để cho họ món đó. Cần sử dụng trí bát nhã để xác định nên bố thí thứ gì, khi nào và ai là người thích hợp hay không thích hợp để nhận sự giúp đỡ. Trungpa Rinpoche đã đặt ra thuật ngữ tuyệt vời là “lòng bi ngu xuẩn”; chúng ta không giúp mọi người làm tất cả mọi việc mà họ muốn làm, vì điều đó có thể khá ngu xuẩn! Lòng rộng lượng phải phù hợp với trí tuệ.