“Luyện tâm” đề cập đến các phương pháp để thay đổi cách nhìn một người, hay một tình huống. Tuy nhiên, cần phải cẩn thận về thuật ngữ “luyện tâm”, vì nó có vẻ như bao gồm cả việc tu tập định tâm và trí nhớ, nhưng lại không thật sự nói về những điều đó. Đối với chữ luyện tâm, blo-sbyong trong thuật ngữ tiếng Tây Tạng thì từ blo không chỉ là “tâm”. Từ này có nhiều ý nghĩa về một “thái độ” hơn. Chữ “luyện”, tức là sbyong trong tiếng Tây Tạng, có hai nghĩa: “thanh tẩy”, để thanh tẩy một thái độ tiêu cực, và “luyện”, là rèn luyện theo hướng tích cực hơn. Vì vậy, đôi khi, nếu như hiểu luyện tâm là “rèn luyện thái độ” thì sẽ rõ ràng hơn.
Thái độ tiêu cực chính để thanh tẩy là thái độ ái ngã, bao gồm tâm vị kỷ và ích kỷ, chỉ nghĩ về bản thân. Thái độ tích cực cần phải được rèn luyện là thái độ ái tha, bao gồm việc chủ yếu nghĩ đến phúc lợi của tha nhân, với lòng từ bi. Phương pháp được sử dụng trong tất cả các kỹ thuật luyện tâm rất phù hợp với cách tiếp cận chung của Đức Phật, được gọi là “Tứ Diệu Đế.”.
Tứ Diệu Đế
Đức Phật đã giảng dạy ở mức độ rất thực tế về cách khắc phục vấn đề trong cuộc sống. Trên thực tế thì tất cả mọi điều mà Ngài dạy đều nhắm vào mục đích này. Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Một số thì thô thiển và làm mình tổn thương rất nhiều. Chúng tạo ra rất nhiều nỗi đau về thể chất, tinh thần hoặc cả hai. Những khó khăn khác thì tinh tế hơn một chút, nhưng dù sao thì vẫn rất đau đớn. Ví dụ như ta sẽ hưởng thụ những điều khác nhau trong cuộc sống, nhưng sẽ thất vọng, vì chúng không làm cho mình hoàn toàn mãn nguyện. Chúng không bền lâu mãi mãi, và chúng thay đổi. Mọi việc trong đời sống không bao giờ ổn định; luôn thăng trầm thất thường. Đôi khi thì mọi việc suông sẻ, đôi khi thì không; và những gì thật sự không ổn định là cách mà mình cảm nhận về sự việc. Đôi khi, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, đôi khi thì không. Đôi khi, dường như mình không cảm thấy gì cả, và không biết mình sẽ cảm thấy thế nào trong khoảnh khắc kế tiếp. Điều này dường như không quá phụ thuộc vào những người mà ta gần gũi, hay những gì mình đang làm, mà tâm trạng của mình sẽ thay đổi một cách bất ngờ.
Tất cả chúng ta đều có những vấn đề tình cảm, và chúng đem lại những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Điều thật bực mình là chúng có vẻ lặp đi lặp lại. Dường như ta càng ngày càng tạo ra nhiều vấn đề hơn cho bản thân mình, mặc dù đôi khi, nó có vẻ như là vấn đề xuất phát từ người khác. Nhưng nếu quán chiếu kỹ hơn và trung thực hơn thì ta sẽ thấy rằng nguồn gốc của rất nhiều vấn đề của mình phát xuất từ chính mình, và đặc biệt là thái độ vị kỷ đối với những gì xảy ra trong cuộc sống.
Đức Phật đã thấy tất cả những điều này. Ngài đã chứng ngộ ra điều này trong cuộc sống của chính mình; và đã nhìn thấy điều này trong cuộc sống của người khác. Ngài thấy rằng tất cả mọi người đều ở trong tình trạng khó khăn như nhau. Ở mức độ thô thiển thì tất cả chúng ta đều gặp khó khăn đối với những điều bình thường trong cuộc sống như sinh ra, lớn lên, bệnh hoạn, già nua và hấp hối, cũng như với những cảm giác bất tự chủ, luôn thăng trầm thất thường. Tuy nhiên, Ngài nói rằng những vấn đề mà mình kinh qua đều phát sinh từ những nguyên nhân; không phải là không có nguồn gốc. Chúng không xuất phát từ mãnh lực siêu việt nào ở bên ngoài, đã đem chúng đến cho mình, dù ta gọi đó là “Thượng Đế”, như một sức mạnh bên ngoài, hay làm cho nó khách quan hơn và gọi đó là định mệnh hay số phận. Điều đó không thật sự là nguồn gốc vấn đề của chúng ta.
Nguồn gốc thật sự của vấn đề của chúng ta nằm ở bên trong, và khi mình nói nó ở bên trong thì không có nghĩa là mình xấu xa hay tội lỗi một cách cố hữu. Đức Phật không nói rằng bạn sinh ra là đã xấu xa, có tội lỗi; mà đúng hơn là Đức Phật nói rằng nguồn gốc của những vấn đề của chúng ta là vô minh về thực tại. Không phải là mình ngu ngốc, nhưng chỉ là trong kinh nghiệm hàng ngày thì các pháp dường như tồn tại theo cách bất khả dĩ, không hề tương ứng với thực tại. Đặc biệt, nó là như vậy về cách mình nhìn bản thân và người khác, và dĩ nhiên điều này định hình thái độ của mình đối với họ và bản thân mình. Vì lòng vị kỷ và ái ngã mà dường như mình là người quan trọng nhất, và mọi việc nên luôn luôn đi theo ý muốn của mình, và những gì người khác trải nghiệm thì hoàn toàn không thành vấn đề. Như thể không cần quan tâm đến những điều người khác cảm nhận, và thậm chí điều đó không tồn tại. Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu điều này ở mức độ những điều mình trải nghiệm, dựa vào vọng tưởng và kỳ vọng không thực tế của mình, và không thật sự dựa vào tình huống thực tế mà mình gặp.
Nhưng Đức Phật nói rằng có thể chấm dứt tình trạng này, chấm dứt những vấn đề này, theo cách mà chúng sẽ không bao giờ tái diễn nữa. Không phải ta bị lên án để chịu đựng những vấn đề này mãi mãi. Không phải giải pháp duy nhất là uống thuốc hay say sưa để chấm dứt nỗi buồn, và ít nhất là trong lúc này, ta đã thoát khỏi vấn đề của mình. Không phải chỉ cần lắng tâm vào trạng thái thiền định thậm thâm, không suy nghĩ gì, và điều này sẽ giải quyết vấn đề. Những giải pháp như vậy chỉ là tạm thời, không thật sự loại bỏ vấn đề. Nếu muốn đoạn diệt vấn đề thì phải loại bỏ nguyên nhân tạo ra những vấn đề đó. Chúng ta phải loại bỏ tâm vô minh. Cần phải thay thế tâm vô minh bằng sự lãnh hội đúng đắn. Tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ mọi người đều muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau, và không ai có quyền hạnh phúc nhiều hơn bất kỳ ai khác. Hơn nữa, mình chỉ là một người, và tất cả những người còn lại thì vô số. Nếu như thấy được thực tế này và thay đổi thái độ để phù hợp với thực tại thì từ từ, khi sự hiểu biết của mình ngày càng phát triển một cách sâu sắc hơn và hơn nữa, thì cảm xúc của mình cũng sẽ thay đổi.
Luyện Tâm
Bởi vì ta sống quá nhiều trong thế giới ảo tưởng của vọng tưởng, nên tâm vô minh sẽ định hình thái độ mà mình có đối với mọi thứ mà ta trải nghiệm. Với thái độ ái ngã, ta sẽ nhìn những gì xảy ra với mình một cách vị kỷ, tạo ra nhiều bất hạnh và vấn đề hơn cho bản thân mình và người khác. Nhưng kinh nghiệm về những điều xảy ra trong cuộc sống sẽ thay đổi một cách đáng kể, khi ta thay đổi thái độ của mình đối với những điều này.
Ví dụ, thay vì xem việc chuyến bay bị trì hoãn như một thảm họa cá nhân thì ta có thể thấy thực tế đơn giản là bây giờ mình và tất cả những người đi chuyến bay này sẽ có nhiều thời giờ ở khu vực chờ đợi hơn. Rồi thì ta có thể thay đổi cách mình nhìn tình huống, và với thái độ quan tâm đến cách những người xung quanh đối phó với vấn đề này như thế nào, ta có thể coi đó là cơ hội để bắt chuyện với một hành khách khác và giúp họ bình tĩnh lại, không điên đầu, bằng cách nói chuyện với họ một cách nhẹ nhàng, không bực bội. Cũng giống như nhờ bài tập thể dục mà ta có thể rèn luyện cơ thể mạnh mẽ hơn và có sức bền bĩ hơn thì tương tự như vậy, nhờ việc hành thiền mà ta cũng có thể rèn luyện tâm trí và thái độ trở nên mạnh mẽ và tích cực hơn, để cảm xúc không bị rối loạn, để có thêm sức chịu đựng đối với những tình huống có thể gây phiền hà.
Có Được Sức Mạnh Về Mặt Cảm Xúc
Đôi khi, ta có thể hiểu vấn đề của mình là gì. Chúng ta hiểu rằng mình đang cảm nhận một số cảm xúc khó chịu nào đó, bởi vì tâm trí của mình rất căng thẳng và hẹp hòi, chỉ nghĩ về bản thân ta, nhưng nó dường như không thay đổi cảm xúc của mình. Ta cảm thấy sự hiểu biết của mình không thể tác động đến cách mà mình cảm nhận. Nhưng vấn đề ở đây là sự hiểu biết không đủ sâu sắc. Nó không chỉ không đủ sâu, mà còn chưa “lắng đọng” trong một thời gian đủ dài để tạo ra sự thay đổi trong thái độ của chúng ta.
Hãy lại sử dụng ví dụ về sức khỏe thể chất để minh họa điều này. Giả sử như lúc nào mình cũng cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi và nặng nề, nên bắt đầu đến phòng tập thể dục hay câu lạc bộ thể dục, và bắt đầu tập thể dục đều đặn. Khi mới bắt đầu một chương trình tập thể dục thì nó sẽ không thay đổi cơ thể của mình ngay lập tức. Phải mất khá nhiều thời gian, thường là vài tháng, trước khi mình bắt đầu cảm thấy hiệu quả về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, càng tập thể dục lâu hơn thì nó sẽ trở thành một sinh hoạt thường xuyên trong đời sống, rồi sau một thời gian thì nó sẽ thật sự thay đổi cách mình cảm nhận, ta sẽ bắt đầu cảm thấy tuyệt vời. Ta sẽ cảm thấy tốt hơn cho bản thân, và điều đó giúp mình cảm thấy tốt hơn về cách đối xử với người khác.
Điều gì tương tự như vậy sẽ xảy ra, khi ta có sự hiểu biết nào đó về những gì đang xảy ra trong tâm trí, cảm xúc và thái độ của mình. Càng có sự hiểu biết lâu hơn và càng nhắc nhở bản thân về điều đó lâu hơn thì sự hiểu biết của mình càng trở nên sâu sắc hơn. Sau đó, dù sự thay đổi về cảm xúc không xảy ra ngay lập tức, nhưng sẽ bắt đầu có được sự quân bình và sức mạnh về cảm xúc nhiều hơn, khi ta chuyển hóa thái độ.
Mức Độ Động Lực Để Cải Thiện Bản Thân
Việc đến câu lạc bộ thể dục không chỉ đòi hỏi kỷ luật tự giác, mà còn cần có chánh niệm, nghĩa là nhớ phải đi tập thể dục và không quên việc này. Đằng sau tất cả những điều này là điều mà chúng ta gọi là “thái độ quan tâm”, chúng ta quan tâm đến bản thân mình, quan tâm đến diện mạo, cảm giác của mình, v.v. Chúng ta nghĩ đến bản thân một cách nghiêm chỉnh và tôn trọng bản thân, theo ý nghĩa nào đó thì gần như mình có “quyền” được hạnh phúc và cảm thấy ổn thỏa. Ở đây, điều tương tự như vậy cũng đúng về mặt thấu hiểu bản thân, hiểu cách mà đời sống tình cảm của mình hoạt động ra sao. Điều đó cũng phụ thuộc vào việc quan tâm đến bản thân và cảm thấy rằng, đúng, chúng ta cũng có quyền có sức khỏe tốt hơn về mặt tình cảm.
Thái độ quan tâm đến bản thân này rất khác với thái độ ái ngã. Đối với tâm ái ngã thì mình chỉ nghĩ về bản thân và bỏ mặc hạnh phúc của người khác. Chúng ta không quan tâm đến việc thái độ và hành vi của mình sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với những người mà mình đang giao tiếp, hay chỉ đơn thuần gặp gỡ. Mặt khác, với thái độ quan tâm thì ta nhận ra rằng sự bất hạnh và những vấn đề trong đời sống xuất phát từ lòng vị kỷ và thái độ ích kỷ của mình, và vì muốn được hạnh phúc nên ta sẽ quan tâm đến bản thân đến mức mà mình muốn làm điều gì đó về tình huống này. Chúng ta sẽ tự cải thiện bản thân để thay đổi thái độ và hành vi, và cẩn thận trong tương lai, để cố áp dụng những gì mình đang tu tập để hoàn thành.
Hiện nay, tất nhiên có nhiều mức động lực để cải thiện bản thân bằng cách này. Khi phân tích về ý nghĩa của động lực thì chúng ta đang nói về mục tiêu cải thiện bản thân, và đâu là mãnh lực cảm xúc thúc đẩy mình hướng đến mục tiêu này. Giáo lý nhà Phật phác thảo ra một số mức độ động lực tiến bộ hơn, khi tiến triển trên đường tu. Ta có thể tu tập để đơn thuần cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống, vì hiện này thì nó không thỏa đáng, và mình không chỉ muốn chấm dứt vấn đề không được như ý, mà nếu nó không trở nên tồi tệ hơn thì sẽ rất tốt. Trên thực tế, nếu nó trở nên tốt hơn thì sẽ tuyệt vời! Chúng ta thật sự không hài lòng và đã đi đến mức chán ngấy, và muốn làm điều gì về việc này.
Ở một mức độ cao hơn thì mình cũng có thể nghĩ về không chỉ cuộc đời này, mà cả những kiếp tương lai. Ta cũng không muốn mọi việc trở nên tồi tệ hơn trong những kiếp tương lai. Chúng ta sẽ có cùng một mãnh lực cảm xúc thúc đẩy mình muốn cải thiện mọi việc trong kiếp sống này, nhưng chỉ nhìn vào khoảng thời gian dài hơn. Thậm chí, mình có thể có một bước trung gian giữa hai điều này, đó là nghĩ về việc không muốn có những vấn đề trong gia đình, hay cách mình xử lý với những vấn đề sẽ tiếp tục trong những thế hệ tương lai.
Ngoài việc suy nghĩ về những kiếp tương lai thì ta có thể có động lực muốn thoát khỏi toàn bộ chu kỳ tái sinh bất toại nguyện, tràn đầy thất vọng. Hay vì cảm động về lòng bi mẫn mà ta có thể nghĩ đến việc giúp mọi người khắc phục tất cả những vấn đề này ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu đang thực hiện điều này thì ta sẽ tu tập để trở thành một vị Phật.
Nếu muốn trở thành một người có động lực cao hơn thì cần có công phu tu tập rất sâu dày. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào thì ta cũng sẽ thấy nhiều phương pháp trong giáo pháp của Đức Phật có thể hữu ích. Ví dụ như, ngay cả khi chỉ nghĩ về kiếp này thì mình sẽ cảm động, không chỉ vì ý nghĩ về bản thân và việc khắc phục những vấn đề của chính mình, mà còn vì lòng bi mẫn, nghĩ đến tha nhân. Nói cách khác là ta không nhắm vào việc khắc phục vấn đề của mình, đơn giản chỉ vì chúng gây rắc rối cho bản thân mình, và rất đau đớn đối với mình, mà còn vì chúng sẽ ngăn cản ta giúp đỡ người khác. Đây là việc cải thiện bản thân theo cách luyện tâm.
Ví dụ, giả sử ta là một người ghiền rượu. Từ một quan điểm thì ta có thể có động lực để cố khắc phục việc phụ thuộc vào rượu, vì nó làm hại cho mình, cho sức khỏe và tất cả mọi việc về phía mình nói chung. Nó khiến cho ta cảm thấy mệt mỏi, vì những tác dụng phụ vào sáng hôm sau. Nhưng ta cũng có thể có động lực mạnh mẽ hơn nữa, nếu nghĩ về gia đình mình. Ta sẽ nghĩ việc uống rượu ngăn trở việc mình làm một phụ huynh tốt, ví dụ như mình thường hành động một cách điên rồ vì say sưa, và điều này thật sự làm thương tổn gia đình và bạn bè của mình, v.v... Khi nhận ra rằng gia đình của mình cần mình, và vấn đề nghiện rượu đang cản trở mình đáp ứng những nhu cầu của họ, thì điều này sẽ cho ta thêm sức mạnh để cố khắc phục sự phụ thuộc vào rượu.
Vì vậy, ngay cả lúc thực hành các phương pháp nhà Phật trong bối cảnh cố gắng cải thiện kiếp này thì động lực của lòng từ bi đối với tha nhân rất là quan trọng. Điều đó được nhấn mạnh trong những giáo pháp luyện tâm này, để có thái độ ái tha, mặc dù ta có thể áp dụng nhiều phương pháp chỉ để cảm thấy tốt hơn, nhưng nó chắc chắn thù thắng hơn nhiều, khi mình áp dụng những phương pháp này để có thể giúp đỡ người khác tốt hơn.
Tám Điều Tạm Bợ Trong Cuộc Sống (Bát Phong)
Chúng ta phải đối diện với nhiều tình huống khó khăn trong đời sống. Chúng có thể khó khăn theo ý nghĩa là đau đớn. Không cần phải đau đớn về mặt thể chất; mà cũng có thể là đau đớn về mặt tinh thần. Chẳng hạn, ta có thể hiểu hoàn cảnh khó khăn này là phải đối diện với những tình huống khiến cho phiền não phát sinh mạnh mẽ. Một mặt, những phiền não này có thể là sự tức giận, nhưng mặt khác, chúng cũng có thể là lòng luyến ái mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều biết mình cảm thấy khó chịu như thế nào, khi tâm mình tràn đầy sự tức giận hay thù hằn, hay tràn đầy lòng luyến ái và dục vọng.
Một số tình huống đặc biệt khó khăn, và được liệt kê trong một danh sách của nhà Phật, gồm tám điều được gọi là “những điều tạm bợ trong cuộc sống”. Đôi khi, chúng được dịch là “tám mối bận tâm thế gian”, hay “tám pháp thế gian”, nhưng chúng nói về những điều xảy ra trong cuộc sống của mình là nhất thời, không ổn định, và sẽ trôi qua. Chúng xảy ra trong bốn cặp:
- Lời khen hay tiếng chê - nếu nhận được lời khen thì ta sẽ thấy phấn chấn và quyến luyến với nó; và khi bị chỉ trích thì buồn rầu và tức giận.
- Tin tốt hay tin xấu - khi nhận được tin tốt thì chúng ta rất phấn khích, và dĩ nhiên là dính mắc với điều đó, muốn nó tồn tại, nhưng không bao giờ được như vậy. Khi nghe tin xấu thì mình rất buồn, thường cảm thấy chán nản và tức giận.
- Được hay mất - khi đạt được một điều gì, ví dụ như ai đó cho mình một món gì thì ta rất vui vẻ và phấn khởi, và nghĩ rằng, “Ồ, thật là tuyệt vời.”. Rồi khi mất đi món đó, hay người ta lấy nó, hoặc làm hư nó thì ta sẽ rất buồn bã. Được và mất cũng có thể là về mặt người khác đi vào cuộc sống của mình. Ta có được một người bạn hay mất một người thân yêu, hoặc hiển nhiên cũng có thể là mất mát về tiền bạc.
- Sự việc tốt đẹp hay tồi tệ – ta sẽ phấn khích và dính mắc, hay chán nản và tức giận.
Vì lòng vị kỷ mà ta buồn rầu vì tám điều tạm bợ này. Ta chỉ nghĩ về bản thân mình, những gì xảy ra cho mình, và cảm thấy rằng “mình thật tuyệt vời ra sao”, hay “tội nghiệp cho mình quá”.
Áp Dụng Lực Đối Trị Tạm Thời
Đức Phật đã dạy nhiều phương pháp khác nhau để khắc phục những phiền não thường phát sinh để đáp ứng với bát phong trong cuộc sống. Mỗi một phương pháp đều đòi hỏi mình phải tự rèn luyện, để xem những gì mình trải qua với thái độ ái tha, có nhiều lợi lạc hơn. Một phương pháp là xem tình huống qua lăng kính của lực đối trị tạm thời. Nó sẽ không đoạn diệt phiền não mãi mãi. Nó không đi sâu đủ, nhưng rất hữu ích.
Lòng Từ Như Pháp Đối Trị Tâm Sân Hận
Lấy ví dụ như mọi việc đang trở nên tồi tệ với mình. Người nào đó đang đối xử với mình một cách rất ác độc, khó chịu, và ta luôn tức giận với người này. Vì chỉ nghĩ về bản thân mình nên ta bị ám ảnh vì ý nghĩ, “Tôi không thích cách họ đối xử với mình.”. Ở đây, điều mình sẽ áp dụng như pháp đối trị tạm thời với tâm sân hận là lòng từ. Hiện nay, ở đây, ta không chỉ nói một cách rất đơn giản là, “Đừng giận người này, hãy yêu thương họ.”. Rõ ràng là hầu hết chúng ta không thể thay đổi như vậy, nhưng đây là một ví dụ điển hình, sử dụng sự hiểu biết để có thể thay đổi trạng thái cảm xúc và thái độ của mình, dựa trên tâm ái tha.
Người này hành xử một cách khủng khiếp đối với mình, và tại sao họ lại hành động như vậy? Có điều gì đang làm phiền họ. Tôi chắc chắn là bạn có những người giống như vậy trong đời sống, họ luôn luôn phàn nàn, chẳng hạn vậy. Bất cứ lúc nào gặp bạn thì họ chỉ phàn nàn về điều này, về điều kia. Họ luôn luôn nói về bản thân họ, và việc ở gần họ là một kinh nghiệm hoàn toàn “tệ hại”. Nếu như phân tích vấn đề thì rõ ràng người đó hành động như vậy là vì họ cực kỳ bất hạnh. Một cách hiệu quả để thay đổi thái độ của mình là nghĩ rằng: “Nếu như người này được hạnh phúc thì họ sẽ ngưng phàn nàn hoài và không tạo khó khăn cho tôi như vậy.”. Định nghĩa về lòng từ trong đạo Phật là ước nguyện cho người khác được hạnh phúc và có nhân hạnh phúc. Thế thì thay vì ước mong người này sẽ đi chỗ khác và không làm phiền mình thì ta sẽ ước mong họ được hạnh phúc, rằng bất cứ điều gì đang làm phiền họ sẽ biến mất, và mình sẽ bớt khó chịu hơn. Việc hành thiền để áp dụng một sự thay đổi thái độ như vậy là “luyện tâm”.
Giảm Thiểu Sự Lôi Cuốn Si Mê Tình Dục
Tương tự như vậy, nếu rất si mê ai thì ta sẽ áp dụng những pháp đối trị tạm thời để sử dụng trí tưởng tượng của mình. Thay vì có lòng vị kỷ và chỉ nghĩ về bề ngoài của người kia, như thể họ chỉ là một đối tượng để mình hưởng thụ lạc thú thì ta có thể tưởng tượng bên trong thân thể của họ nhìn ra sao - dạ dày, ruột, não và những thứ như vậy. Điều hữu ích đặc biệt là nhìn vào mặt họ, để tưởng tượng ra cấu trúc xương sọ của họ. Và tất nhiên những gì mình tưởng tượng là thật, đó là những gì nằm dưới lớp da của người này.
Một phương pháp hiệu quả khác là tưởng tượng họ như một đứa bé, rồi tưởng tượng họ sẽ trông như thế nào khi trở thành một người rất già. Nhờ vậy, ta có thể làm giảm bớt tâm luyến ái, đặc biệt nếu nó là một sự thu hút về tình dục, bằng cách nhận ra rằng những gì mình nhìn thấy chỉ là bề ngoài, và chắc chắn sẽ không bền lâu. Hoặc nếu họ mắc bệnh gì kinh khủng về da, hay bị mụn rất nhiều thì liệu mình vẫn còn thấy họ rất hấp dẫn hay không? Càng hiểu rằng trên thực tế là bên trong người này có ruột và bộ xương thì thái độ của mình càng thay đổi, và phiền não sẽ lắng dịu. Tâm ta sẽ ổn định hơn.
Rồi thì có thể áp dụng các phương pháp để phát triển thái độ ân cần với họ. Đối với người mà mình cảm thấy có sức hấp dẫn mạnh mẽ như vậy thì ta có thể thấy rằng khi mình quyến luyến và bị người đó lôi cuốn một cách mạnh mẽ như vậy thì thường điều đó chỉ tập trung vào cơ thể họ. Chúng ta đánh mất sự kiện rằng họ là một con người muốn được hạnh phúc, không muốn đau khổ, và ai không muốn được đối xử như một đối tượng tình dục. Người này có những sự bất an riêng, những vấn đề tình cảm, vấn đề gia đình của họ, và cách nhìn như vậy là pháp đối trị đối với việc chỉ xem họ như một đối tượng tình dục. Mình sẽ xem họ là một con người thật sự, và bắt đầu có sự quan tâm chân thành cho hạnh phúc và phúc lạc của họ.
Tránh Việc Ghê Tởm Hay Dửng Dưng Với Những Người Ăn Xin, Hay Người Có Khuyết Tật
Khi gặp người nào mà mình thấy khá xấu xí hay ghê gớm thì việc áp dụng một pháp đối trị tạm thời cũng cực kỳ hiệu quả. Điều này đặc biệt hữu ích khi gặp những người ăn xin và những người cực kỳ nghèo khổ ở địa vị rất thấp kém ở các quốc gia như ở Mễ Tây Cơ (Mexico) hay Ấn Độ, nơi mà người ta sẽ gặp những người như vậy thường xuyên hơn ở các nước khác. Cũng có thể sử dụng nó đối với những người tàn tật, dù họ bị mù, điếc hay bị liệt, với những người mà mình thường cảm thấy rất khó xử và không thoải mái.
Tôi nhớ ở Berlin có một cuộc triển lãm về người khuyết tật. Một phần trong buổi triển lãm có một loạt các bài phỏng vấn video với những người mắc bệnh bại liệt. Tay chân họ co giật không tự chủ được, miệng họ méo sang một bên và giọng nói thì không rõ. Những người này đã nói về đời sống tình dục của họ và đề cập đến việc họ cũng có cùng những cảm xúc, nhu cầu tình dục và mong muốn có được mối quan hệ như người khác. Sau đó, họ mô tả mối quan hệ yêu thương mà họ có được. Tất cả trẻ em trong thành phố đều được yêu cầu tham dự buổi triển lãm này, điều mà tôi nghĩ là tuyệt vời, để cho thấy rằng những người này là người thật, giống như những người khác. Đây là một cách rất hữu ích để khắc phục sự ghê tởm hay thờ ơ, hoặc khó chịu khi ở cạnh những người như vậy.
Một phương pháp khác là khi thấy một người lớn tuổi đi ăn xin trên đường thì hãy tưởng tượng “mẹ của mình” là người đó, vô gia cư và ăn xin, hoặc là “cha của mình”. Hoặc nếu bạn thấy một người trẻ bỏ nhà ra đi, cũng ăn xin ngoài đường thì hãy nghĩ đến “con trai tôi, hay “con gái tôi” đang ở trong tình huống đó. Sự thay đổi thái độ về cách mình nhìn người đó sẽ hoàn toàn thay đổi phản ứng cảm xúc của mình.
Phải thừa nhận là tôi chưa bao giờ làm điều đó, nhưng tôi biết một thiền sư Zen người Tây phương ở New York có một số đệ tử, và nếu họ muốn thì cứ sống ở ngoài đường, hoàn toàn không có tiền hay thẻ tín dụng hay bất cứ thứ gì, và sống vô gia cư, đi ăn xin trong một tuần, để có kinh nghiệm về cách sống đó.
Đây là những thứ “thuốc” rất mạnh mẽ, để khắc phục sự thờ ơ của mình đối với những người ở trong tình huống khó khăn. Tôi chỉ nghĩ khi gặp những người như vậy thì mình còn không muốn nhìn họ nữa, và điều này rất thường xảy ra. Nó làm cho mình cảm thấy không thoải mái. Hãy tưởng tượng khi mình ở phía bên kia, nhận lấy thái độ đó từ người khác. Bạn đang ở đó, gặp nhiều khó khăn và không ai muốn nhìn bạn, hay thừa nhận sự tồn tại của bạn, hay họ đuổi bạn đi như thể bạn là một con muỗi. Dù sao thì đây là một phương pháp áp dụng lực đối trị, nhưng chỉ là tạm thời, vì chúng không đi sâu vào cội nguồi của vấn đề.
Áp Dụng Pháp Đối Trị Sâu Xa Nhất
Phương pháp luyện tâm thứ hai là áp dụng một pháp đối trị không chỉ đơn thuần là biện pháp tạm thời, mà là một phương pháp thật sự đi sâu vào cội nguồn của vấn đề và loại bỏ nó. Điều này đề cập đến việc áp dụng một tâm trạng là hoàn toàn khác biệt, trái ngược với tâm trạng vô minh, lầm lạc. Điều này đề cập đến chứng ngộ Không tướng (tánh Không), cụ thể là sự hiểu biết sai lầm về cách mà một người hay hoàn cảnh tồn tại, hoàn toàn không tương ứng với thực tại. Nói cách khác là về cơ bản thì đàng sau luyến ái hay sân hận là tâm vô minh về cách các pháp tồn tại.
Đây không phải là dịp để thảo luận sâu về tánh Không, nên hãy để sự việc ở mức độ rất cơ bản. Giả sử, ví dụ bạn đi thăm ông bà bị bệnh hay cha mẹ già trong viện dưỡng lão. Khi đi dọc hành lang đến phòng của họ thì bạn đi ngang qua một bà già đang co rúm trên chiếc xe lăn, lầm bầm một mình, chảy nước dãi và khạc nhổ vào một chiếc khăn lông. Bạn thấy một người như vậy và cảm thấy rất khó chịu. Bạn có xu hướng nghĩ rằng bà ấy luôn luôn như vậy. Và nếu khi bạn đi qua mà bà ấy đưa tay ra, cố nắm lấy tay bạn, hoặc chỉ đụng vào bạn thôi thì bạn sẽ hoảng hốt lên. Bạn chỉ nghĩ về bản thân mình.
Tất nhiên, ở đây ta có thể áp dụng lực đối trị tạm thời để nhớ rằng đây là một con người. Bà đã có một cuộc sống, một gia đình, một nghề nghiệp và đã từng trẻ trung. Không phải lúc nào bà cũng nhìn như vậy. Bà chỉ chìa tay ra vì muốn tiếp xúc với con người. Điều này sẽ có hiệu quả, nhưng có thể sử dụng một phương pháp sâu sắc hơn. Đó là nhận thức rằng cách mà mình tưởng tượng bà ấy tồn tại, giống như bà ấy hiện ra, già nua và suy sụp, mà không bao giờ tồn tại theo bất cứ cách nào khác, là bất khả dĩ. Không ai có thể tồn tại như thế, như thể bị đóng băng theo thời gian trong một bức ảnh tĩnh lặng. Rồi thì ta sẽ tập trung vào, “Không có điều gì như vậy, điều đó không thể xảy ra.”. Đây là cách mạnh mẽ hơn nhiều để chấm dứt quan niệm sai lầm của mình, để có một thái độ thực tế và bi mẫn hơn đối với bà ấy.
Nới Lỏng Phiền Não Để Biểu Lộ Trí Tuệ Tiềm Tàng
Một phương pháp khác được sử dụng trong một pháp thiền cao cấp, gọi là “Đại Thủ Ấn” (“mahamudra”), cụ thể là “thấy được trí tuệ tiềm ẩn mà phiền não tự động giải thoát vào trong đó”. Phương pháp này sử dụng các cơ chế cơ bản mà tâm thức nhận thức về thực tại, “cách mà tâm thức hoạt động”, nếu như nói theo ngôn ngữ đơn giản.
Hãy xem xét một ví dụ. Giả sử mình rất yêu thích và ham muốn người nào. Nếu có thể làm cho cảm xúc đó bớt căng thẳng thì điều mà mình sẽ nhận thấy đàng sau nó là cái gọi là “Diệu quan sát trí”. Nói cách khác thì tất cả những gì đang diễn ra theo cách ta nhận thức về người này là mình đang xác định rõ người này là một cá nhân, trái ngược với bất kỳ ai khác. Thật ra, đó là tất cả những gì đang diễn ra về mặt cấu trúc cơ bản của tâm. Rồi thì mình sẽ phóng chiếu vào đó, “Người này thật rất đặc biệt.”. Ta sẽ phóng đại những phẩm chất nào đó, rồi cảm nhận sự hấp dẫn và ham muốn, hay luyến ái.
Dục vọng là khi bạn không có đối tượng, và muốn có được nó; còn luyến ái là khi bạn có và không muốn buông bỏ nó. Cả hai rõ ràng là hoàn toàn vị kỷ. Nếu như nới lỏng năng lượng chặt chẽ của sự phóng đại và bám chấp vào tâm trạng này thì tất cả những gì còn lại là cấu trúc cơ bản của những gì tâm đang làm đối với đối tượng này, đó là xác định nó. Chỉ có thế thôi.
Đó là một phương pháp khá tiên tiến, nhưng rất hiệu quả, nếu bạn có thể thật sự sử dụng nó, nhưng nó đòi hỏi sự trưởng thành, để không bị cuốn theo cảm xúc của mình. Bạn cần có khả năng nhìn thấy những gì đang xảy ra đàng sau cách mà cảm xúc của bạn đối phó với một điều gì đó, rồi lắng xuống. Càng thấy được cấu trúc nhận thức cơ bản đàng sau cảm xúc thì nó sẽ càng tự động giải thoát chính mình.
Thay Đổi Tình Huống Tiêu Cực Thành Tích Cực: Cách Nhìn Người Khác
Phương pháp tiếp theo, thay đổi tình huống mà bạn nghĩ là không ích lợi cho việc tu tập, thành tình huống có lợi, là phương pháp chính được giảng dạy trong các tác phẩm luyện tâm truyền thống, cụ thể là Luyện Tâm Bát Đoạn (Eight Verses of Mind Training) của Langri Tangpa. Một vần kệ của Tịch Thiên, bậc thầy vĩ đại Ấn Độ, trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior), đã nêu ra cách tiếp cận này. Ngài viết rằng:
(VI.10) Nếu có thể khắc phục được vấn đề, thì tại sao phải lo lắng về điều gì đó? Và nếu không thể khắc phục được vấn đề, thì lo lắng sẽ giúp ích được gì?
Nếu bạn có thể làm cái gì để thay đổi tình hình thì tại sao lại buồn bực? Chỉ cần thay đổi tình hình thôi. Còn nếu không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi vấn đề thì tại sao lại buồn bực? Điều đó không giúp ích gì cả. Vì vậy, nếu mình ở trong một hoàn cảnh dường như rất bất lợi, rất khó khăn, như bị chỉ trích, hay sự việc trở nên tồi tệ, và không thể thay đổi tình hình thì tại sao lại bực bội về điều đó? Chỉ cần thay đổi thái độ của bạn đối với vấn đề thôi.
Có nhiều cách khác nhau để thay đổi một tình huống bất lợi thành tình huống tích cực. Những cách nào đó dùng để thay đổi thái độ thì liên quan đến cách ta nhìn người khác theo một cách khác, khi họ tạo ra rắc rối cho mình, và những cách khác thì liên hệ đến cách mình xem xét bản thân trong những tình huống khó khăn này. Trước tiên, hãy nhìn vào những cách đối phó với thái độ của mình đối với người khác.
Xem Những Người Phiền Phức Như Ngọc Như Ý
Một cách để thay đổi thái độ đối với những người phiền phức là xem họ “như một viên ngọc như ý”. Chẳng hạn như, mình có thể nghĩ, “Đây là một người đang cho mình một sự thử thách. Họ cho mình cơ hội để trưởng thành, để khảo nghiệm xem mình đã phát triển ra sao. Thật là tuyệt vời.”. Hoặc là, “Đây là người đã mời mình ăn trưa, và họ luôn phàn nàn, ngồi với họ thì chán nản vô cùng, nhưng đó là điều tuyệt vời! Thật tuyệt vời khi người này đã mời tôi, bởi vì bây giờ, mình có cơ hội để thực hành tính kiên nhẫn và thông cảm.”. Vì vậy mà họ giống như ngọc như ý. “Thật là tuyệt khi người hàng xóm nhờ tôi trông nom một em bé, mà tôi biết đứa bé sẽ khóc lóc và la hét cả buổi tối. Điều đó rất tuyệt.".
Ngài Tịch Thiên đã nói điều này một cách rất tuyệt vời:
(VI.107) Do đó, tôi sẽ rất hoan hỷ với kẻ thù vừa xuất hiện như báu vật trong nhà, mà không phải mệt mỏi tìm kiếm, vì anh ta đã trở thành người hỗ trợ cho Bồ tát hạnh của tôi.
Điều mang lại niềm vui nhiều nhất cho một vị bồ tát, người dấn thân để đạt giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh, là khi có ai yêu cầu họ làm điều gì cho người đó. Nếu không có ai yêu cầu họ làm bất cứ điều gì thì họ sẽ cảm thấy rất buồn, rất vô dụng. Tôi có một trang mạng nên nhận rất nhiều điện thư, có những thắc mắc, hay người ta nhờ tôi làm điều gì, và rất dễ bực mình với số lượng nhắn tin như vậy. Nhưng nếu có thể thực hành như thế này thì tôi sẽ rất vui mừng. Càng có nhiều điện thư thì tôi càng có nhiều cơ hội để giúp đỡ mọi người. Nếu chúng ta cầu nguyện theo cách của nhà Phật thì “Nguyện cho con có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh”, rồi thì càng ngày càng có nhiều chúng sinh thật sự đến với mình và yêu cầu mình giúp đỡ họ, vậy thì không phải là lời cầu nguyện của mình đã trở thành sự thật hay sao?
Như ngài Tịch Thiên đã viết,
(VII.64) Dù người ta hành động để có được hạnh phúc, nhưng không chắc là họ sẽ hạnh phúc hay không; nhưng đối với (một vị bồ tát) mà hành động của họ sẽ đem lại hạnh phúc trên thực tế thì làm sao họ có thể hạnh phúc, khi không hành động như vậy?
Xem Người Phiền Phức Như Đứa Con Bệnh Hoạn
Một sự thay đổi thái độ khác thì liên quan đến người này, kẻ đang tạo ra cho mình rất nhiều rắc rối, và ta rất khó chịu khi ở gần họ, giống như đứa con bệnh hoạn của mình. Khi con của mình đau ốm, cáu kỉnh và khóc lóc thì nó có thể làm khó mình. Nhưng trên cơ bản thì ta vẫn thương yêu đứa bé thật nhiều, vì hiểu rằng nó bị bệnh. Có lẽ nó phải nghỉ ngơi trên giường, vân vân. Và nếu đứa trẻ quá mệt mỏi đó nói rằng, “Con ghét ba và con không muốn đi ngủ”, thì mình sẽ không xem đó là điều nghiêm trọng, vì đứa nhỏ đang bị bệnh. Thế thì giống như vậy, vấn đề chỉ là thay đổi thái độ của mình đối với người khó chịu này, xem họ như một đứa trẻ bị bệnh, thay vì xem họ như người gây hại. Nhờ cách này mà mình chỉ quan tâm đến họ, và không quan tâm đến bản thân.
Xem Người Phiền Phức Như Thầy
Cách thứ ba là xem họ như thầy. Có một câu chuyện nổi tiếng, rằng khi A Đề Sa đến Tây Tạng thì ngài đã mang theo một người đầu bếp Ấn Độ. Người đầu bếp này không bao giờ làm theo lời của ngài, và luôn luôn tranh cãi. Người Tây Tạng nói với ngài A Đề Sa rằng, “Sao ngài không cho hắn trở về Ấn Độ? Chúng con có thể nấu ăn cho ngài mà.”, và A Đề Sa nói rằng, “Không, không! Anh ta không chỉ là đầu bếp của ta. Anh ấy là thầy dạy ta hạnh nhẫn nhục.”. Vì vậy, nếu như có một người bà con khó chịu mà mình phải đối phó trong mọi trường hợp, chẳng hạn vậy, thì việc xem người này là thầy dạy mình hạnh nhẫn nhục là điều rất hữu ích.
Trên thực tế thì mọi người có thể dạy ta rất nhiều điều. Khi hành xử một cách tồi tệ thì họ có thể dạy ta đừng hành động như vậy, chẳng hạn vậy. Ngay cả con chó của mình cũng có thể là thầy. Bạn có bao giờ để ý là nếu bạn dẫn chó đi khắp nơi trong ngày thì nó có thể nằm xuống ở bất cứ nơi nào và thư giãn, thậm chí còn ngủ nữa, trong khi chúng ta thì cần đủ thứ, “Ồ, phải là một cái giường đặc biệt, phải là vải trải giường đặc biệt, và phải mềm mại”, hay, “Nó phải cứng”, hay thế này, hay thế kia. Con chó thì không than phiền. Nó có thể nằm xuống bất cứ nơi nào. Đây là một giáo lý tuyệt vời. Đây là những cách để nhìn người khác theo cách khác, khi họ tạo ra rắc rối cho mình, đó là xem họ như ngọc như ý, hay đứa con bệnh hoạn, hay một người thầy.
Thay Đổi Tình Huống Xấu Thành Tốt: Cách Nhìn Bản Thân Mình
Trao Tặng Chiến Thắng Cho Người Khác
Cũng có những phương pháp về cách mình có thể nhìn bản thân bằng một cách khác, và thay đổi thái độ đối với bản thân trong những tình huống này. Phương pháp đầu tiên là “trao tặng chiến thắng cho người khác và chấp nhận thua thiệt cho mình”. Nói cách khác là với thái độ ái ngã, ta có xu hướng luôn nghĩ về bản thân mình, “Tôi phải thắng; sự việc phải xảy ra theo ý mình, và người khác phải nhượng bộ”; trong khi đó, nếu ta chấp nhận sự thua thiệt cho mình thì việc tranh cãi sẽ chấm dứt. Chẳng hạn như, chỉ một ví dụ đơn giản thôi, bạn đang đi chơi với bạn bè hay người phối ngẫu của mình, và phải quyết định đi ăn ở nhà hàng nào? Nếu người bạn của bạn muốn đến một nơi nào đó và bạn khăng khăng là nên đi nhà hàng khác thì bạn sẽ bắt đầu tranh cãi qua lại hoài. Nhưng cuối cùng thì có gì khác biệt? Nếu như bạn chỉ cần đồng ý và nói rằng, “Được rồi. Hãy đi ăn ở nhà hàng mà bạn thích”, thì việc tranh cãi sẽ kết thúc. Nói cách khác là việc tranh cãi sẽ kết thúc, nếu mình trân trọng người khác hơn bản thân mình, và để cho họ thắng cuộc.
Hiện nay, chúng ta không nói về những tình huống thật quyết liệt mà người kia sẽ đề nghị điều gì rất tiêu cực và phá hoại, nhưng khi nó thật sự không tạo ra bất kỳ sự khác biệt sâu sắc nào thì hãy trao tặng chiến thắng cho người khác. Đương nhiên là chiến thuật này có thể bị phản đối, nếu như bạn luôn luôn nhượng bộ và người kia lợi dụng bạn, vì vậy nên rõ ràng là mình phải nhạy cảm khi sử dụng phương pháp này. Nhưng có nhiều tình huống mà đây là cách tốt nhất để xử lý vấn đề.
Tôi sẽ nêu ra một ví dụ từ kinh nghiệm của riêng mình. Tôi sống ở một trong những quận có nhiều nhà hàng lớn ở Berlin, ở một góc nhộn nhịp. Tôi sống trong một tòa nhà chung cư, và đã từng có một quán rượu rất yên tĩnh ở tầng trệt, nhưng sau đó thì một nhà hàng mới khai trương ở đó, một nhà hàng Tây Ban Nha rất nổi tiếng. Nhà hàng này mở cửa từ bảy giờ sáng ngày hôm trước cho đến ba giờ sáng ngày hôm sau, bảy ngày một tuần. Khi thời tiết ấm áp thì họ để bàn ở bên ngoài, ở cả hai bên tòa nhà của tôi. Mọi người ngồi bên ngoài và uống bia hay rượu, nói chuyện lớn tiếng và cười đùa cho đến ba giờ sáng. Khi họ mới mở nhà hàng và để những cái bàn ngoài trời, ngay dưới cửa sổ phòng ngủ của tôi, và tôi thường nằm đó vào ban đêm, không ngủ được vì tiếng ồn. Tôi đã thất vọng, khó chịu và chỉ nghĩ về bản thân mình, chứ không nghĩ đến việc người khác đang ăn uống vui vẻ, nên tôi tưởng tượng đủ thứ. Tôi hình dung mình đang ở trong một lâu đài thời trung cổ, có một thùng lớn chứa nhựa đường đang sôi, và đổ nó xuống đầu những người đang ngồi ăn ở phía dưới. Nhưng tôi không thể làm một ông già cáu kỉnh, luôn luôn gọi cho nhà hàng và nói rằng, “Hãy kêu mọi người giữ im lặng, nếu không thì tôi sẽ gọi cảnh sát!”. Điều đó sẽ không hữu hiệu.
Thế là tôi quyết định cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là trao chiến thắng cho người khác và chấp nhận mất mát cho mình. Việc họ tận hưởng một buổi tối mùa hè thì quan trọng hơn việc tôi có thể ngủ trong phòng ngủ của mình. Căn phòng duy nhất trong nhà tôi mà không đối mặt với đường phố là nhà bếp. Tôi có một nhà bếp rất lớn, với một bục cao dành cho chỗ ăn sáng. Có rất nhiều khoảng trống ở đó. Thế là tôi ngủ ở đó trong những tháng có thời tiết ấm áp. Ban ngày thì tôi để chiếc nệm dựa vào tường, và ban đêm thì đặt nó xuống sàn và ngủ trong nhà bếp. Nó rất yên tĩnh và trên thực tế, cũng là gian phòng mát mẻ nhất trong nhà.
Tôi rất vui khi ngủ trong bếp. Tôi đã dành phần thắng cho họ, và không quan tâm đến việc họ ồn ào đến mức nào, vì tôi không nghe tiếng của họ. Điều này cũng rất tốt trong những ngày trước Tết, vì người Đức rất thích pháo. Đường phố rất ồn ào, nhưng một lần nữa, nếu tôi thay đổi thái độ về vấn đề này và dành phần thắng cho họ bằng cách ngủ trong bếp thì không có vấn đề gì.
Những Điều Tiêu Cực Xảy Ra Đang Thiêu Đốt Nghiệp Xấu Ác Của Mình
Phương pháp thứ hai là xem những điều tiêu cực đang xảy ra với mình như đang “thiêu đốt nghiệp xấu ác của mình”. Điều này không có nghĩa là chấp nhận nó như một hình phạt, nhưng nghĩ rằng điều khó khăn này đang xảy ra để thiêu hủy một số nghiệp xấu ác theo một hình thức nhỏ hơn, và khi nó xảy ra như vậy thì điều này giúp cho nó không trổ thành những điều thật sự khủng khiếp hơn trong tương lai. Một ví dụ đơn giản là bạn bị kẹt xe, và không thể di chuyển trong một thời gian dài. Vậy thì bạn sẽ nghĩ rằng, “Tuyệt vời! Điều này đang thiêu đốt nghiệp bị tê liệt, khi mà mình không thể di chuyển, nếu mình bị đột quỵ sau này, chẳng hạn vậy. Giống như vậy, ta sẽ tùy hỷ vì những điều tiêu cực này đang xảy ra, bởi vì nó đang dọn đường cho những điều tốt đẹp hơn nhiều trong tương lai.
Các Phật tử truyền thống tin vào vong linh ám hại. Nếu chấp nhận sự tồn tại của chúng thì ta có thể thay đổi thái độ này thêm một bước xa hơn nữa, và yêu cầu những vong linh này như sau, “Hãy hãm hại tôi nhiều hơn nhé. Hại nhiều hơn nữa.”. Gần đây, tôi có một kinh nghiệm rất tốt về điều này. Bắt đầu từ khoảng giữa tháng 7 thì mọi việc đều không suông sẻ khoảng hai tháng. Mọi thứ đều bị hư. Tôi bị nhiễm trùng vì một cái mụt kỳ lạ ở trên lưng, và không thể đến câu lạc bộ thể thao trong khoảng hai tháng, bởi vì cuối cùng, khi việc nhiễm trùng chấm dứt thì người ta phải cắt bỏ cái mụt đó. Sau đó, máy vi tính của tôi bị hư vì một con vi khuẩn khủng khiếp. Nó còn phá luôn một ổ cứng (hard disk), nên tôi không thể dùng máy vi tính đó cả một tháng. Rồi thì máy in bị hỏng; và tôi đã có hai cái máy video, cả hai đều bị hư. Tôi là một người rất hâm mộ khoa chiêm tinh học, nhưng vì lý do không giải thích được mà cơ sở dữ liệu (database) của tất cả các lá số tử vi mà tôi đã thu thập từ mọi người đã biến mất. Không có cách nào lấy lại thông tin đó. Rồi tôi làm bể cái tách mà tôi thích nhất và luôn dùng để uống nước, rồi giữa những sự kiện này thì tôi đã đi Pháp để dự buổi thuyết pháp của Đức Dalai Lama, và hãng hàng không đã làm mất hành lý của tôi.
Đó là điều cuối cùng đã xảy ra. Khi hành lý của tôi bị mất thì tôi chỉ phì cười, vì nó hoàn toàn vô lý. Sau đó ,tôi bắt đầu suy nghĩ, “Hãy lấy thêm nữa đi, hỡi những vong hồn ám hại! Các người sẽ làm hỏng việc gì nữa đây?” Điều này giúp cho tôi thấy đỡ hơn nhiều. Thay vì dựng lên những bức tường cảm xúc để tránh sự trở ngại thì tôi lại chấp nhận chúng một cách cởi mở, thậm chí còn chào đón thêm nhiều khó khăn hơn nữa.
Vài năm trước, tôi bị nhiễm trùng trong xương hàm, dưới một chiếc răng mà trước đây tôi đã làm phẫu thuật lấy tủy, và phải làm phẫu thuật nha khoa để cắt bỏ một mảnh xương hàm. Không lâu sau chuyến đi Pháp ấy, tôi đã đi gặp nha sĩ, và anh ấy đã cho tôi một tin vui rằng mô thẹo (scar tissue) đã bị nhiễm trùng trở lại, và tôi phải làm phẫu thuật nha khoa lần thứ hai để cắt nó ra khỏi xương. Tôi đã biến tin tức này thành một điều tích cực với thái độ, “Tuyệt vời! Điều này đang thiêu hủy chướng ngại cho việc đưa các phần ngôn ngữ kế tiếp lên trang mạng của mình.”.
Theo giáo lý nhà Phật thì bạn càng cố gắng hoàn thành những điều tích cực hơn thì càng có nhiều chướng ngại để cố ngăn chận điều đó xảy ra. Vì vậy, tôi đã xem tất cả những sự kiện này như một tình huống tuyệt vời đang thiêu đốt chướng ngại, nên đã khẩn cầu những vong hồn ám hại, “Hãy tạo ra thêm nhiều chướng ngại nữa; hãy ném chúng vào mình tôi!” Trong khi làm như vậy thì không phải là tôi không vui chút nào trong suốt thời gian mà mọi thứ đều bị hư hại và trái ý. Vì vậy, nếu bạn có thể áp dụng phương pháp luyện tâm này thì nó thật sự có hiệu quả. Thay vì nhìn một tình huống như quá khó khăn, khủng khiếp và chán nản thì bạn sẽ thay đổi thái độ và xem nó như điều gì tuyệt vời.
Trao Tặng Hạnh Phúc Cho Tha Nhân Và Nhận Lấy Nỗi Khổ Của Họ Cho Mình (Tonglen)
Phương pháp cuối cùng mà tôi muốn đề cập có lẽ là phương pháp tiên tiến và khó nhất trong tất cả những phương pháp này. Đó là pháp tu Tonglen, cho và nhận. Khi bạn gặp tình huống khó khăn nào đó, chẳng hạn như đau răng thì phương pháp đó là nghĩ rằng, “Nguyện cho mọi người hết đau răng và nghiệp đau răng của họ trổ trên mình tôi. Nguyện cho không có ai phải bị đau răng nữa, vì tôi đã tự mình nhận lấy nỗi đau của tất cả mọi người.”. Bằng cách mở rộng tấm lòng cho tất cả mọi người và sẵn sàng chấp nhận khổ đau thì mình sẽ khắc phục sự căng thẳng, sợ hãi và bất hạnh, khi chỉ nghĩ rằng, “Tội nghiệp cho mình quá”. Với pháp tu Tonglen thì chúng ta còn đi xa hơn nữa và nghĩ rằng, “Tôi sẽ làm tan biến tất cả những đau đớn và khổ não của họ, rồi sử dụng nguồn hạnh phúc cơ bản trong tâm mình để gởi niềm vui đó cho tất cả chúng sinh.”.
Bây giờ ở đây, bạn phải hết sức cẩn thận, để không rơi vào vị trí tử vì đạo, “Tôi sẽ chịu khổ vì bạn”, mà theo một nghĩa nào đó, là một sự phóng đại của bản ngã. Tôi phải thú nhận rằng tôi không khá lắm về phương pháp này. Cần phải có lòng can đảm thật lớn để thực hiện điều này một cách chân thành, nhưng gần đây, tôi đã thử thực hành nó.
Tôi có nói rằng tôi phải giải phẫu cái hàm lần thứ hai, và phải tỉnh táo trong suốt ca phẫu thuật. Điều đó khá thú vị! Họ cắt và mở toàn bộ nướu răng ở một bên miệng của bạn ra, rọc nó xuống, rồi lấy một cái gì giống như cái cưa điện, cắt ra một mảnh xương hàm, một ít chân răng và một ít thịt xung quanh đó. Cách họ làm điều này thật sự gần như thời trung cổ. Lần đầu tiên làm giải phẫu này thì tôi chỉ thấy những điều họ làm rất là thú vị. Thật ra không quá đau đớn, vì thuốc tê khá mạnh, mặc dù ở giai đoạn giữa thì cần phải chích nhiều thuốc tê hơn. Nhưng lần giải phẫu thứ hai thì phần bị nhiễm trùng lan rộng hơn nhiều, và khi bạn bị nhiễm trùng thì Novocain không hữu hiệu ở chỗ đó, nên vô cùng đau đớn.
Tôi đã thử phương pháp cũng được sử dụng trong Đại Thủ Ấn - đó chỉ là một cảm giác thôi, không phải là chuyện lớn. Dù bạn cù lét vào lòng bàn tay của mình hay nhéo nó, cào nó, hay cắt nó thì đó chỉ là một cảm giác thể chất thôi, không có gì hơn, nên đừng làm ra chuyện lớn. Điều đó hữu hiệu ở một mức độ nào đó, nhưng sau đó thì tôi nhớ đến Tonglen. Đó là thời điểm mà việc khủng bố và tra tấn đang diễn ra rất nhiều ở Tây Tạng. Tôi bắt đầu nghĩ đến nỗi đau đớn không tưởng tượng nổi mà những người ở đó đang trải qua, và so với điều đó thì những gì tôi đang trải qua chẳng là gì cả, nó chỉ là chuyện nhỏ. Nó sẽ kéo dài trong hai phút, và sau đó sẽ chấm dứt.
Thế nên thay vì nghĩ rằng, “Tội nghiệp cho mình quá, tôi đang khổ sở”, thì tôi đã mở rộng thái độ của mình để nghĩ đến tất cả những người ở Tây Tạng, và nghĩ rằng, “Nỗi khổ mà họ phải chịu đựng thì lớn hơn nhiều so với nỗi khổ nhỏ nhoi này của tôi”, vì vậy nên nỗi khổ của tôi được đưa vào trong một quan điểm hoàn toàn khác. Sau đó, tôi lại nghĩ rằng, “Nguyện cho tất cả những nỗi khổ và đau đớn của họ được đưa vào nỗi đau này trong cái hàm của tôi, và bằng cách giữ bình tĩnh cũng như vui vẻ trong suốt cuộc giải phẫu này, nguyện rằng tôi có thể đem lại sự an lạc đó cho họ.”.
Mặc dù chắc chắn là tôi đã không làm điều đó đúng 100%, nhưng nó đã giúp ích rất nhiều cho việc xử lý tình huống đó. Nếu làm điều đó một cách đúng đắn thì bạn sẽ thật sự muốn cảm nhận nỗi đau của họ, và làm cho cơn đau của bạn trầm trọng hơn. Thành thật mà nói, việc làm điều đó một cách chân thành thì thật sự rất là cao cấp. Bạn có thể nói bằng miệng, nhưng nó không có nghĩa gì cả. Việc thật lòng muốn điều đó xảy ra là một vấn đề khác. Nhưng ít nhất cảm giác lấy đi nỗi khổ của họ và gánh chịu nỗi khổ này là đủ, đối với nỗi khổ của họ, ít nhất là ở cấp độ đó thì việc làm như vậy là khả dĩ.
Tuy nhiên, người ta không nên nhầm lẫn nó với thực tế. Thực tế thì cấp tiến hơn nhiều, bởi vì tâm trạng mà bạn đang phát triển ở đây, đang sử dụng ở đây, là một trong những tâm trạng mà thay vì chiến đấu với nỗi đau thì bạn tự nguyện chấp nhận nó, với sự tự tin rằng bạn có thể đối phó với nó. Nếu bạn thực hiện điều này trên quy mô lớn, đối với nỗi khổ của tất cả mọi người thì dĩ nhiên là bạn có đủ tự tin để chấp nhận và đối phó với nỗi đau của chính mình, không chiến đấu với nó, và không bị nó làm mình hoảng sợ. Vì vậy, nó không phải là một phương pháp kỳ diệu. Nếu bạn phân tích những gì xảy ra với điều này thì nó có ý nghĩa rất lớn.
Tóm Tắt
Thế thì đây là một số phương pháp được sử dụng trong việc luyện tâm, lojong, để khắc phục tâm ái ngã và quan tâm đến người khác. Bất kể động lực của mình ở mức độ nào thì việc thay đổi thái độ như vậy rất hữu ích. Việc chuyển hóa bản thân xuất phát từ điều này là khả năng suy nghĩ và cảm nhận chân thành, “Không cần biết có nghịch cảnh gì, tình huống khó khăn nào sẽ xảy ra thì tôi sẽ không nghĩ rằng ‘tội nghiệp mình quá', và để cho nó hại mình. Tôi sẽ không để cho nó làm mình chán nản.”. Thay vào đó, ta sẽ phát triển thái độ chung trong cuộc sống rằng “Bất kể điều gì xảy ra thì tôi có thể chuyển hóa nó. Tôi có thể sử dụng nó để phát triển mối quan tâm nhiều hơn cho người khác. Nó không phải là một trở ngại.” Việc có một thái độ như vậy sẽ đem lại cho bạn lòng can đảm lớn lao trong cuộc sống.