Lắng Nghe Giáo Pháp

Công Năng Của Thiền 

Thiền là một phương pháp để chuyển hóa và cải thiện đời sống của chúng ta. Bằng cách nào? Nhân cách và tâm trạng của chúng ta ảnh hưởng đến đời sống của mình, trong khi hoàn cảnh sinh sống và kinh tế, những người thường gặp gỡ mình và vân vân thì lại ảnh hưởng đến nhân cách và tâm trạng của mình. Nếu như có bất kỳ kinh nghiệm nào trong cuộc sống thì mình biết rằng dù những yếu tố bên ngoài như công việc, của cải và bạn bè có thay đổi, nhưng nếu thái độ và tâm trạng của mình vẫn không thay đổi thì ta sẽ luôn luôn có những vấn đề tương tự. Dù có bao nhiêu bạn bè nhưng ta vẫn có thể cảm thấy không an toàn. Dù rất giàu có, nhưng ta vẫn có thể nổi giận và thất vọng. Những điều này không thay đổi bằng cách thay đổi hoàn cảnh bên ngoài.

Ở đây, thiền giúp sẽ giúp ích, vì nếu muốn đem lại một sự thay đổi chân thật trong chất lượng của đời sống thì cần phải xử lý tâm thức của mình. Điều này không chỉ nói đến phẩm chất trí tuệ, hay phát triển định tâm và khắc phục sự lười biếng. Đó là những điều quan trọng để cải thiện, nhưng cần phải đi sâu hơn về tình trạng cảm xúc của mình, đó là sự bất an và vô minh cơ bản về đời sống.

Thiền Trong Bối Cảnh Đạo Phật

Hiện nay, chúng ta thấy thiền không chỉ có mặt trong đạo Phật, mà còn ở trong nhiều hệ thống khác nhau. Trong bối cảnh của đạo Phật thì thiền có ý nghĩa viên thành một tâm trạng tích cực, nhờ một phương pháp lặp đi lặp lại. Giống như luyện tập thể thao hay chơi một nhạc cụ mà mình phải lặp đi lặp lại nhiều lần; nhưng đối với thiền thì mình sẽ làm quen với một tâm thái tích cực, bằng cách phát khởi nó. Ban đầu, việc này sẽ có vẻ như ép buộc và giả tạo, nhưng theo thời gian thì ta sẽ quen thuộc đủ với tâm thái đó, nên nó sẽ thật sự trở thành một thành phần tự nhiên của mình.

Chỉ vì một điều gì đó được phát khởi theo cách này thì không có nghĩa là nó có vấn đề gì không thích đáng. Nếu ta đang cố phát triển một tâm thái mới mẻ thì không nên nghĩ rằng điều đó không được tự nhiên. Rất nhiều người nghĩ rằng tốt hơn hết là sống một cách tự nhiên mà không cần cố gắng thay đổi bản thân. Nhưng nếu vẫn ở trong trạng thái tự nhiên thì chúng ta vẫn sẽ đi vệ sinh trong quần. Nhưng chúng ta đã rèn luyện theo nhiều phương pháp khác nhau để cải thiện cuộc sống. Chúng ta có thể thực hiện điều đó, và nên làm như vậy đối với tâm thức của mình.

Ta có thể sử dụng lập luận là nên sống tự nhiên, vì rồi thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Đó là vì không phải lúc nào cách sống tự nhiên cũng có kết quả tốt nhất. Giống như nếu một đứa bé khóc ré lên và tôi mất bình tĩnh, và việc đánh đứa bé để nó nín khóc có vẻ là một điều tự nhiên, nhưng nó không có gì hay ho, đúng không? Chúng ta biết rằng nó không phải là một hành động thỏa đáng, mặc dù việc muốn đánh đứa bé có thể là ý nghĩ đầu tiên xuất hiện một cách tự nhiên, khi nó bắt đầu la hét giữa đêm khuya.

Vì vậy nên chúng ta có thiền, và nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nghiên cứu và tu tập đạo Phật. Mọi người thường mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng nghiên cứu và thiền định là hai điều riêng biệt, nhưng trong Phật pháp thì điều này hoàn toàn không phải như vậy.

Video: Geshe Lhakdor — “Việc Học Tạng Ngữ Quan Trọng Như Thế Nào?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Phát Triển Tập Khí Ích Lợi

Để phát triển những tập khí có lợi thì cần phải nghiên cứu xem chúng là những điều gì, nhưng việc học hỏi tự nó không phải là sự kết thúc. Chúng ta phải kết hợp nó và biến nó thành một thành phần của bản thân mình, đó là điều mà thiền thực hiện. Nếu không bỏ thức ăn vào miệng và nhai nó trước thì mình không thể tiêu hóa nó. Tương tự như vậy, nếu như không đưa giáo huấn vào trong tâm thức và tư duy về chúng thì không có cách nào để tiêu hóa chúng bằng cách hành thiền. Và cũng như đối với thức ăn, nếu chỉ nhai rồi nhổ nó ra thì chẳng có ích lợi gì cả. Chúng ta phải nuốt và tiêu hóa thức ăn thì mới có được lợi ích.

Làm sao để bắt đầu hành thiền? Như chúng ta đã thấy, thiền là bước thứ ba của một quá trình gồm ba phần. Cấu trúc này được tìm thấy trong tất cả các hệ thống của Ấn Độ, như trong Áo nghĩa thư (Upanishads) của truyền thống Ấn Độ giáo. Nhiều người có vẻ không đánh giá cao sự kiện là hầu hết các phương pháp chúng ta sử dụng trong đạo Phật cũng thông dụng trong các hệ thống truyền thống khác của Ấn Độ. Tuy các phương pháp có thể thông dụng, nhưng điều đặc thù đối với đạo Phật là bối cảnh: mục tiêu của mình là gì, chúng ta hiểu biết như thế nào về thực tại, và động lực của mình là gì.

Ba giai đoạn là lắng nghe (văn), suy nghĩ hay tư duy (tư), rồi hành thiền (tu). Nếu đang hành thiền trong bối cảnh của đạo Phật thì mình sẽ sử dụng nó để lãnh hội Phật pháp.

Lắng Nghe Giáo Pháp

Tại sao chúng ta gọi giai đoạn đầu là “lắng nghe”? Trước hết, vào thời Đức Phật thì không có giáo pháp nào được ghi chép, nên cách duy nhất để học hỏi là lắng nghe người nào tụng đọc các giáo pháp này từ trí nhớ của họ, và giải thích chúng. Ngày nay, chúng ta có thể đọc tất cả các giáo pháp, vậy thì việc lắng nghe giáo pháp có ích lợi gì không? Ích lợi là nó tạo cho chúng ta sự tiếp xúc trực tiếp với một vị thầy sống động, người có ước nguyện truyền đạt sự hiểu biết cho các đệ tử. Vị thầy có thể giải thích giáo pháp theo nhiều cách khác nhau và, nếu có thắc mắc thì bạn có thể đặt câu hỏi, không giống như việc đọc một cuốn sách.

Nhược điểm của việc lắng nghe là nếu như không chú ý thì bạn không thể quay trở lại trang đó trong sách, hay quay lại phần đó trong băng thâu âm. Nếu ở trong một đám đông thì bạn có thể thấy mắc cỡ khi xin thầy lặp lại câu đó, chỉ vì bạn đã không lắng nghe. Bạn có thể ngồi ở phía sau nên không nghe rõ. Căn phòng có thể rất nóng và bạn buồn ngủ. Vậy thì có những điểm bất lợi. Nhưng nó có nghĩa là bạn phải nỗ lực nhiều hơn, đó là một phẩm chất cần được trau dồi trong giáo huấn nhà Phật. Việc học hỏi và tu tập Phật pháp hoàn toàn không phải là một phương pháp thụ động.

Chỉ giáo dành cho một vị thầy là không nên làm cho mọi việc quá dễ dàng đối với đệ tử, rằng bạn không nên giải thích mọi điều rất rõ ràng trong lần đầu tiên. Đối với một số người như tôi thì đó là điều khó khăn, vì tôi muốn hiểu mọi sự một cách rất rõ ràng. Nếu làm theo hướng dẫn của thầy tôi là Serkong Rinpoche, người có chủ ý dạy tôi cách giảng dạy, khi tôi làm thông dịch viên cho ngài, và ngài đã nói rằng, “Đừng giải thích rõ ràng ngay từ đầu, bởi vì điều con muốn làm là tách rời những người thật sự quan tâm đến giáo pháp và những người có mặt ở đó vì những lý do nào khác. Những người quan tâm sẽ đặt câu hỏi nhiều hơn, và điều quan trọng là các đệ tử phải tự phát triển ước nguyện mạnh mẽ để học hỏi thêm.”.

Nếu là một đệ tử và bạn phàn nàn là thầy không giảng rõ ràng, nên bạn không muốn trở lại học nữa, thì cần phải kiểm tra tiêu chuẩn của thầy. Có phải vị thầy thật sự không đủ tiêu chuẩn, và không biết cách giải thích rõ ràng? Có rất nhiều giảng sư như vậy. Hay là thầy cố tình không nêu ra tất cả các chi tiết, để khuyến khích bạn phát triển hạnh tinh tấn và kiên nhẫn? Toàn bộ mục đích của việc lắng nghe là để đi đến bước thứ hai, đó là tư duy về giáo pháp. Nếu như thầy không đưa ra câu trả lời ngay lập tức thì sẽ ích lợi hơn, vì nó khiến bạn phải nghĩ về vấn đề đó trước, và điều này sẽ phát triển chất lượng của việc tự mình khảo sát giáo huấn đó.

Khảo Sát Giáo Pháp

Việc khảo sát giáo pháp để xem nó có ý nghĩa với mình hay không rất quan trọng. Hãy xem bạn nghĩ gì về nó, rồi nghe người khác đưa ra ý kiến về ý nghĩ của bạn. Điều này sẽ khó khăn nếu bạn ở trong một nhóm lớn, và đặc biệt khó khăn nếu bạn chỉ gặp thầy của mình mỗi năm một lần. Ở đây, tôi đang nói về điều lý tưởng. Tại nhiều trung tâm Phật giáo thì không phải lúc nào vị thầy cũng có mặt ở đó, nên bạn phải dựa vào sách vở và pháp âm, và có thể học được rất nhiều điều từ đó. Chúng ta không sử dụng những tài liệu này và xem chúng như một cuốn tiểu thuyết hay thứ gì mà bạn sẽ đọc khi đi vệ sinh, mà sẽ đọc chúng với lòng tôn kính. Chúng ta sẽ đọc một cách chậm rãi và suy nghĩ về các điểm. Nếu tu học ở một trung tâm không có thầy thì bạn vẫn có thể đọc và thảo luận về các điểm này. Một số người có thể hiểu biết nhiều hơn và sẽ chia sẻ tuệ giác của họ về những điểm này. Nếu chúng ta được gọi là “những hành giả vô gia cư”, những người không đến bất cứ trung tâm Phật giáo nào, hoặc không cảm thấy thoải mái ở các trung tâm gần nhà thì việc tham gia một nhóm thảo luận Phật pháp trực tuyến có thể giúp ích cho chúng ta, nếu bạn tìm ra một nhóm thích hợp với mình.

Cách giao tiếp với người khác như vậy rất hữu ích, nếu không thì việc học hỏi giáo pháp chỉ có thể thuộc về khía cạnh trí thức, mà không đề cập đến đời sống thực tiễn. Chúng ta phải nghiêm túc về điều này. Không có nghĩa là mình sẽ ngồi đó một cách cứng nhắc và không bao giờ mỉm cười, mà có nghĩa là thật sự đi sâu vào việc bàn luận về giáo pháp. Và mình có thể cười khi ai đó nói điều gì buồn cười hay sai lầm.

Đối với một số người Tây phương thì việc vừa thư giãn, vừa khá nghiêm túc rất khó thực hiện. Nó là sự biểu lộ cách bạn kết hợp giáo pháp vào trong đời sống. Cuối cùng thì một trong những mục đích cơ bản của nó là giúp cho bạn hạnh phúc hơn. Nếu như mình vẫn trang trọng như ở trong quân đội thì đó không phải là trạng thái vui vẻ. Chúng ta lo sợ mình không được hoàn hảo, sẽ phạm sai lầm và bị trừng phạt hay gì đó. Đó không phải là đạo Phật!

Bình Úp Ngược, Bình Bẩn Thỉu, Bình Nứt Nẻ

Vậy thì hãy trở lại với việc lắng nghe. Chúng ta có những lời khuyên về cách lắng nghe giáo pháp, dựa trên việc đừng giống như một chiếc bình. Trước tiên, không nên giống như chiếc bình úp ngược, vì không có điều gì đi vào bên trong được; nên cần phải có lòng cởi mở. Không nên giống như chiếc bình bị nứt, mọi thứ đi vào rồi rỉ ra ngoài hết. Cuối cùng, không nên giống như chiếc bình dơ bẩn, khi mà mình có quá nhiều định kiến, đến nỗi giáo pháp hoàn toàn trở nên rối rắm.

Khi lắng nghe Phật pháp thì đừng so sánh với các hệ thống giáo lý khác. Bạn có thể nghĩ rằng, “Ấn Độ giáo nói thế này, còn Đạo giáo thì nói thế kia.”. Một trong những vị thầy của tôi thường nói, “Nếu cố so sánh hai điều mà con không thật sự hiểu thì không có nghĩa lý gì cả. Con chỉ bị lầm lẫn mà thôi.”.  Nếu bạn hiểu rõ hai hệ thống thì cũng đáng để so sánh. Tuy nhiên, nếu như không hiểu Phật pháp thì trước hết, bạn nên gạt bỏ những ý tưởng như, “Có phải nó như thế này hay thế kia không?”, và chỉ cần lắng nghe giáo pháp. Nếu không thì bạn sẽ bị lẫn lộn với những định kiến của mình, đó là những điều có thể không chỉ sai lầm, mà còn không liên hệ gì với giáo pháp nữa.

Khi lời khuyên nói rằng không nên giống như chiếc bình nứt nẻ thì điều đó có nghĩa là không nhớ những điều mình đã học. Nhiều người thấy việc ghi chép là hữu ích, nếu như sau đó, bạn sẽ đọc lại những ghi chú này thì mới tốt. Dù sao đi nữa thì việc ghi chép lại những điểm quan trọng là ý kiến hay, trừ khi chúng ta có một trí nhớ thật tốt.

Thật thú vị khi nhìn vào tâm lý học ở phương Tây, thường thì chúng ta không cố học một điều gì đó, trừ khi có một kỳ thi. Chúng ta sẽ học để thi đậu, và nếu có thể gian lận thì tại sao không? Điều đó không hữu hiệu ở đây. Không có bài thi hay điểm cao, hay sự hài lòng của vị thầy. Toàn bộ vấn đề là mình đang cố gắng cải thiện bản thân, và bất cứ điều gì Đức Phật dạy, nếu mình thật sự tin tưởng vào Ngài, là vì lợi lạc của tha nhân. Không có sự cạnh tranh với người khác, mà chỉ cần nghĩ về những lời dạy về phía bản thân mình. Chúng ta không nghĩ rằng, “Người đó có tánh giận dữ, còn tôi thì không.”. Chiếc gương giáo pháp nên đối diện với chính mình, chứ không phải quay ra ngoài.

Ẩn Dụ Thuốc Men

Một chỉ giáo khác về cách lắng nghe giáo pháp là xem bản thân như một người bệnh, Đức Phật và các vị thầy là bác sĩ, và những lời dạy của Phật là thuốc men. Ta cũng có thể xem những người có chứng ngộ cao giống như y tá giúp đỡ cho mình. Nói một cách đơn giản hơn là mình tu tập giáo pháp vì thừa nhận rằng, “Mình có vấn đề.”. Chúng ta có một căn bệnh, có thể là tâm ích kỷ hay sân hận, hoặc bất cứ điều gì, và muốn hết bệnh. Đức Phật là y sĩ cao cấp nhất, và tôi sẽ có được loại thuốc tuyệt vời này và sẽ không quên nó, mà sẽ dùng thuốc theo lời chỉ dẫn. Ngày nào tôi cũng sẽ cố gắng không quên uống thuốc, và chắc chắn sẽ không uống nguyên chai cùng một lúc. Tu tập Phật pháp giống như uống thuốc kháng sinh! Bạn phải uống nó ở một thời điểm nào đó, với một liều lượng nào đó. Sẽ không ích lợi bao nhiêu, nếu bạn ngưng uống thuốc giữa chừng, hay quên uống trong nhiều ngày. Đây là một chỉ giáo về việc xem Phật pháp như một tình trạng y học.

Một chỉ giáo khác là khi thọ nhận giáo pháp, ta có thể tưởng tượng mình đang ở tịnh độ, và vị thầy là một vị Phật, và ta đang thọ nhận giáo pháp thanh tịnh. Điều này không có nghĩa là mình nhất thiết phải nghĩ vị thầy thật sự là một vị Phật, nhưng đúng hơn là có ý thức tôn trọng thầy, bản thân mình và giáo pháp. Chúng ta sẽ làm điều gì một cách nghiêm túc, không có nghĩa là phải ngồi đó với vẻ mặt buồn rầu, nhưng có thể không chú ý đến căn phòng nóng bức ngột ngạt, mà chỉ tập trung vào những điều mình đang được dạy, với một tâm thức cởi mở.

Có Lòng Cởi Mở

Đức Phật đã nhấn mạnh rằng nên khảo sát giáo pháp như thể mình đang mua vàng. Không nên tin bất cứ điều gì, chỉ vì có niềm tin vào Đức Phật. Để thực hiện điều này thì có nghĩa là phải có lòng cởi mở, cũng như một điều giả định rằng Đức Phật sẽ không giảng dạy điều gì ngu ngốc cho vui thôi. Với một tâm thức như vậy thì ta có thể khảo sát các giáo huấn, để xem ý nghĩa của chúng. Sau đó, ta có thể chấp nhận những gì mình cho là đúng và có lợi. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ về việc giả định về những kiếp quá khứ và vị lai.

Tôi lớn lên theo kiểu cách Tây phương điển hình, và chắc chắn không có niềm tin về kiếp trước và kiếp sau, khi mới bắt đầu học Phật. Điều đó xa lạ đối với hầu hết cách suy nghĩ của những người ở phương Tây; nên nếu như họ nghĩ về đời sống sau cái chết thì cơ hội cao nhất là ở thiên đường hay địa ngục theo đạo Cơ Đốc. Nhưng việc nghĩ rằng tất cả mọi người đều đã từng là mẹ của mình trong một kiếp trước đều nằm trong giáo lý nhà Phật, nên bạn không thể ném nó ra ngoài cửa sổ.

Lúc đầu, cách tôi tiếp cận điều này là nghĩ rằng, “Cứ cho là ý tưởng về tái sinh là đúng đi, ngay cả khi mình không hiểu nó trong lúc này. Tôi sẽ không bào chữa về điều đó, hoặc đem giấu nó dưới tấm thảm, nhưng sẽ dành thời gian để thử hiểu nó.”. Sau một thời gian, tôi thấy mọi việc được xây dựng trên nền tảng tái sinh thật là có ích và đúng đắn, nên có lẽ ý tưởng tái sinh có thể đúng.

Về sau, bạn sẽ nhận ra thậm chí mình còn không biết lời dạy của Đức Phật nói rằng cái gì được tái sinh thì bạn không thể hiểu việc tái sinh. Bạn phải đi vào mức độ sâu hơn, và từ đó, cõi địa ngục, ngạ quỷ và vân vân sẽ bắt đầu có ý nghĩa. Nếu không hiểu bản tánh của tâm thì không có điều nào nói trên sẽ có ý nghĩa. Vì vậy, điều quan trọng là không bác bỏ một phần của giáo pháp ngay lập tức, bởi vì mình không hiểu, hay nó có vẻ quá lạ lùng. Đó là ý nghĩa của việc có một tâm thức cởi mở, và có trí phân biệt rằng: “Đúng, đây là những điều Đức Phật đã dạy. Phật dạy về tái sinh. Xin lỗi nhe, có thể tôi không thích nó, nhưng nó có mặt ở đó, và tôi sẽ phải đối phó với nó, nếu tôi muốn đi sâu hơn vào Phật pháp.”.

Video: Khandro Rinpoche — “Vì Sao Học Phật?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Tóm Tắt

Lời khuyên mà chúng ta thấy trong kinh sách của đạo Phật không chỉ hữu ích khi mình nghiên cứu Phật pháp, mà còn hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Việc giống như chiếc bình bẩn thỉu hay nứt nẻ chẳng bao giờ là điều tốt đẹp! Việc áp dụng Phật pháp trong đời sống là một quá trình chủ động, bắt đầu bằng việc lắng nghe. Khi đã thực hiện điều này thì mình có thể khảo sát các giáo pháp, giống như khi sắp mua một chiếc nhẫn kim cương thì mình phải cởi mở đối với những đề tài mà có lẽ chúng ta chưa hiểu biết một cách trọn vẹn. 

Top