37 Pháp Tu Bồ Tát – Bản Dịch Nguyên Văn

10:25

Kính lễ Quán Thế Âm Bồ tát.

Con luôn đem thân khẩu ý chí thành đảnh lễ chư bổn sư vô thượng và Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm Bồ Tát, người thấu rõ vạn pháp không đến không đi, chuyên tâm nỗ lực vì lợi lạc chúng sinh.

Chư Phật toàn giác, cội nguồn của tất cả lợi lạc và hạnh phúc, bắt nguồn từ việc thành tựu giáo pháp thiêng liêng, nhờ sự thấu hiểu các pháp tu. Vì thế, tôi sẽ giảng giải pháp tu Bồ tát.

Kiếp Người Quý Báu

(1) Pháp tu Bồ tát là khi có được tái sinh làm người với tự do và thuận lợi khó tìm trong thời điểm này, hãy chuyên cần văn, tư, tu ngày đêm, để giải thoát tự thân và tha nhân khỏi biển luân hồi. 

Hoàn Cảnh Thuận Lợi Nhất Để Sử Dụng Kiếp Người Quý Báu

(2) Pháp tu Bồ tát là rời bỏ quê hương, nơi mà tâm quyến luyến bạn bè khuấy động mình như sóng nước; tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa cháy; và bóng đêm si mê bao phủ, khiến ta quên hết những điều nên làm, những điều nên bỏ.

(3) Pháp tu Bồ tát là nương tựa nơi ẩn dật. Nhờ lánh xa đối tượng bất thiện, phiền não sẽ dần giảm thiểu; nhờ không phóng dật, đức hạnh sẽ tự nhiên tăng trưởng; nhờ tu tập cho ý thức sáng suốt, tâm xác tín về giáo pháp sẽ phát sinh.

Cái Chết Và Vô Thường

(4) Pháp tu Bồ tát là hoàn toàn buông bỏ lo âu về kiếp sống này, vì thân bằng quyến thuộc lâu năm phải chia tay; tài sản gom góp bằng công sức phải bỏ lại; và tâm thức, là khách trọ trong căn nhà thân xác, sẽ phải ra đi.

Tầm Quan Trọng Của Thiện Tri Thức

(5) Pháp tu Bồ tát là từ bỏ bạn xấu, vì khi giao hảo với họ thì tam độc sẽ gia tăng; thực hành văn, tư, tu sẽ giảm thiểu; và lòng từ bi sẽ bị hoại diệt.

(6) Pháp tu Bồ tát là trân quý chư thiện tri thức hơn cả thân mình. Nhờ phó thác bản thân mà lỗi lầm sẽ được tiêu trừ, đức hạnh sẽ tăng trưởng như trăng tròn dần.   

Quy Y

(7) Pháp tu Bồ tát là quy y Tam Bảo, tìm cầu sự bảo hộ chẳng bao giờ sai chạy, vì làm sao chư Thiên thế tục có thể bảo hộ cho ai, khi chính họ vẫn còn trong ngục tù luân hồi sinh tử?

Tránh Ác Hạnh

(8) Pháp tu Bồ tát là không bao giờ làm điều ác, dù có mất mạng, vì Đấng Hiền Thánh đã dạy những nỗi thống khổ vô cùng khó chịu trong các cõi thấp là quả báo của ác nghiệp.

Tu Tập Vì Giải Thoát

(9) Pháp tu Bồ tát là hết lòng quan tâm đến trạng thái bất biến tối thượng của giải thoát, vì lạc thú trong ba cõi là các pháp biến hoại trong khoảnh khắc, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ.  

Phát Bồ Đề Tâm

(10) Pháp tu Bồ tát là phát bồ đề tâm để giải thoát vô lượng chúng sinh, vì nếu những bà mẹ đã từng tử tế với mình từ vô thỉ đang chịu khổ đau, thì ta có thể làm gì với hạnh phúc của chỉ riêng mình?

Hoán Chuyển Ngã Tha

(11) Pháp tu Bồ tát là hoán chuyển hạnh phúc tự thân với khổ đau của tha nhân, vì tất cả khổ đau đều xuất phát từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình, trong khi Phật quả toàn giác bắt nguồn từ tâm nguyện vị tha.

Bồ Tát Hạnh: Đối Phó Với Hãm Hại

(12) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ vì lòng tham khôn cùng, trộm cắp hay xúi dục người khác cướp đoạt toàn bộ tài sản của mình, hãy dâng hiến cho họ thân thể, của cải và công đức trong ba thời của mình.

(13) Pháp tu Bồ tát là dù sắp bị kẻ khác chặt đầu, trong khi mình vô tội, hãy nhận lấy hậu quả xấu của họ cho mình, bằng mãnh lực của lòng bi mẫn.

(14) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ đi loan truyền đủ điều không hay về mình ở hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ thế giới, hãy đáp lại bằng lòng từ tâm, ngợi khen đức hạnh của họ.

(15) Pháp tu Bồ tát là dù có kẻ phơi bày lỗi lầm hay nói xấu ta giữa đám đông, hãy kính cẩn nghiêng mình và xem người ấy như thầy.

(16) Pháp tu Bồ tát là dù người mình đã chăm sóc yêu thương như con, lại xem mình như thù địch, hãy đặc biệt yêu thương người ấy, như bà mẹ chăm sóc đứa con bệnh hoạn.

(17) Pháp tu Bồ tát là khi có kẻ ngang hàng hoặc thấp kém hơn ta, vì kiêu mạn mà làm nhục ta, hãy tôn kính đặt họ trên đỉnh đầu, như một vị bổn sư.

Hai Hoàn Cảnh Nguy Ngập Cần Thực Hành Giáo Pháp

(18) Pháp tu Bồ tát là dù sống trong nghèo khó và luôn bị khinh miệt, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, hay bị tà ma quấy rối, hãy nhận lãnh tội ác và khổ đau của tất cả chúng sinh, không chút sờn lòng.

(19) Pháp tu Bồ tát là dù được tán thán và bao người đảnh lễ, hay giàu có như Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Hộ Thần Tài Bảo), đừng bao giờ tự phụ, mà hãy xem sự thịnh vượng thế gian không có chút thực chất nào. 

Khắc Phục Sân Hận Và Tham Ái

(20) Pháp tu Bồ tát là điều phục tâm mình bằng hai đạo quân từ và bi, vì nếu chưa điều phục được kẻ thù bên trong, là tâm sân hận, dù có đánh bại kẻ thù bên ngoài thì những kẻ thù khác sẽ đến với ta.

(21) Pháp tu Bồ tát là buông bỏ ngay những đối tượng làm tâm tham ái và bám chấp gia tăng, vì dục lạc tựa như nước muối, càng uống càng thêm khát.

Phát Tâm Bồ Đề Sâu Xa Nhất, Chứng Ngộ Tánh Không

(22) Pháp tu Bồ tát là không để tâm bị lôi cuốn vào vòng nhị nguyên, chủ thể và đối tượng có tự tánh, bằng cách chứng ngộ vạn pháp như thị. Vạn pháp do tâm tạo. Từ khởi thủy, bản tâm vốn xa lìa vọng tưởng cực đoan.

(23) Pháp tu Bồ tát là khi gặp gỡ đối tượng thú vị, đừng xem chúng như thật sự hiện hữu, dù chúng đẹp đẽ như cầu vồng mùa hạ. Vì vậy, hãy buông bỏ tâm tham ái và bám chấp.

(24) Pháp tu Bồ tát là khi gặp nghịch cảnh, hãy xem chúng như giả dối, vì khổ đau tựa như cái chết của đứa con trong giấc mơ. Chấp vào hiện tướng giả dối là chân thật sẽ làm nhọc tâm.

Lục Độ Ba La Mật

(25) Pháp tu Bồ tát là bố thí mà không mong cầu sự đền đáp và thiện báo, vì kẻ mong cầu giác ngộ phải bố thí cả thân mình, nói chi đến vật chất bên ngoài?

(26) Pháp tu Bồ tát là hãy trì giới mà không có chủ ý thế gian, vì nếu không giữ giới thì không thể thành tựu mục tiêu của riêng mình, nói chi đến ước nguyện thành tựu mục tiêu của chúng sinh, đó chỉ là một trò đùa.

(27) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng tâm nhẫn nhục, không hận thù hay ghét bỏ một ai, vì đối với chư Bồ tát có ước nguyện giàu sang đức hạnh, thì tất cả những kẻ hãm hại họ đều giống như kho báu.

(28) Pháp tu Bồ tát là nỗ lực tinh tấn, cội nguồn của mọi đức hạnh, vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, vì ngay cả Thanh văn và Độc giác, chỉ mong thành tựu mục tiêu của riêng mình, cũng tu tập tinh tấn như đang khẩn trương dập tắt lửa trên đầu.

(29) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng định tâm, để vượt qua bốn tầng thiền vô sắc, nhờ nhận thức rằng mọi phiền não đều được định và tuệ chế ngự hoàn toàn.

(30) Pháp tu Bồ tát là trưởng dưỡng trí tuệ vô niệm về ba phương diện, cùng với phương tiện, vì nếu không có trí tuệ ba la mật thì năm ba la mật kia không thể đem lại thành tựu giác ngộ hoàn hảo.

Pháp Tu Hàng Ngày Của Bồ Tát

(31) Pháp tu Bồ tát là liên tục quán xét bản thân và đoạn trừ lỗi lầm của mình, vì nếu chỉ thể hiện giáo pháp bên ngoài mà không tự quán xét lỗi lầm của bản thân, thì ta có thể hành động trái ngược với Pháp.

(32) Pháp tu Bồ tát là không nêu lỗi của các hành giả đã thể nhập Đại thừa, bởi nếu vì phiền não thôi thúc mà vạch lỗi của những ai là Bồ tát, thì chính mình sẽ bị suy đồi.

(33) Pháp tu Bồ tát là đoạn trừ tâm tham ái đối với gia đình của người thân, bạn bè và thí chủ, vì nếu bị lôi kéo vào vòng danh lợi thì chúng ta sẽ tranh chấp với nhau, làm giảm sút việc văn, tư, tu.

(34) Pháp tu Bồ tát là từ bỏ lời khắc nghiệt, làm kẻ khác bất an, vì lời nói nặng làm xáo động tâm kẻ khác và làm hư hoại hạnh bồ tát của mình.

(35) Pháp tu Bồ tát là trang bị cho mình vũ khí đối trị là chánh niệm và tỉnh giác, để diệt trừ phiền não như tham ái và vân vân, ngay khi chúng vừa phát sinh, vì khi phiền não đã được huân tập lâu ngày thì khó mà khắc phục được chúng bằng các pháp đối trị.

(36) Tóm lại, pháp tu Bồ tát là liên tục duy trì chánh niệm và tỉnh giác, để thành tựu mục đích làm lợi lạc chúng sinh. Bất luận đang ở đâu hay làm gì, hãy luôn quán xét tâm mình đang ở trong trạng thái nào.

(37) Pháp tu Bồ tát là hồi hướng mọi công đức thành tựu được từ những nỗ lực này cho quả vị giác ngộ, để đoạn trừ nỗi khổ của vô lượng chúng sinh, với trí tuệ hoàn toàn thuần tịnh về ba phương diện.

Kết Luận

Dựa theo lời các bậc thánh nhân và ý nghĩa được tuyên thuyết trong Kinh điển, Mật điển và luận giải, tôi đã soạn ba mươi bảy pháp tu Bồ tát cho những ai muốn tu tập đường tu Bồ tát.

Vì trí thông tuệ kém cỏi và học thức nghèo nàn, nên lời lẽ không được văn hoa để làm hài lòng bậc học giả uyên bác, nhưng tôi đã dựa vào Kinh điển và lời của bậc thánh nhân, nên thiển nghĩ các pháp tu Bồ tát này không giả dối.

Tuy nhiên, đối với những người tâm trí trì độn như tôi thì khó mà hiểu được chiều sâu của những đợt sóng lớn của bồ tát hạnh. Xin thỉnh cầu các bậc thánh nhân kham nhẫn, lượng thứ cho những sai sót như mâu thuẫn, thiếu mạch lạc và những điều tương tự.

Nhờ công đức này, nguyện cho tất cả chúng sinh, nhờ có bồ đề tâm quy ước và cứu cánh tối thượng, được sánh vai cùng Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm, người chẳng bao giờ chấp vào biên kiến hiện hữu luân hồi hay niết bàn tịch tĩnh.

Bài này được Tỳ kheo Togme, một đạo sư tinh thông Kinh điển và luận lý, sáng tác trong hang động Rinchen ở Ngulchu, để tự lợi và lợi tha.

Top