18 Pháp Tu Cam Kết

Điểm thứ 6

Điểm thứ sáu bao gồm 18 pháp tu, sẽ giúp mình gắn bó chặt chẽ với pháp luyện tâm này. Điểm thứ bảy bao gồm 22 điểm để thanh tẩy và luyện tâm mình. Đây là những danh sách dài, nhưng chúng cũng là những chỉ giáo tuyệt vời về cách bớt ích kỷ và quan tâm đến người khác. Tôi sẽ đi sâu vào chi tiết về từng điểm một, đó là điều rất hữu ích và cần thiết, bởi vì các thành ngữ Tây Tạng thì khá mơ hồ. Trừ khi mình có được lời giải thích rõ ràng, nếu không thì thật khó mà biết những gì đang xảy ra.

Chữ samaya trong tiếng Phạn (dam-tshig trong tiếng Tây Tạng) nói về các pháp tu sẽ hình thành một mối liên kết chặt chẽ, giúp cho ta liên hệ chặt chẽ với việc luyện tâm của mình. Một số điều là những điều cần phải tránh, trong khi những điều khác là những hành động cần phải làm.

1-3. Tu Tập Ba Điểm Chung Luôn Luôn

Điểm đầu tiên trong ba điểm chung là, (1) Đừng mâu thuẫn với lời hứa. Một cách giải thích điều này là khi rèn luyện thái độ của mình thì phải cẩn thận, không bỏ qua những điều như tránh thập ác. Người ta có thể cảm thấy, “Tôi đã tu tập như một Bồ tát, nên có thể làm bất cứ điều gì mình muốn”, nhưng điều đó không phù hợp. 

Đây là một điểm khó khăn, nhưng thú vị. Một ví dụ gây tranh cãi có thể là việc tránh uống rượu, đó là một trong những giới tại gia, biệt giải thoát (giới Ba la đề mộc xoa). Ta có thể nói, “Tôi là một Bồ tát, và đang cố gắng giúp đỡ người khác. Việc uống rượu là một phong tục xã hội ở đất nước tôi, nên nếu tôi không uống rượu với bạn bè thì họ sẽ không cởi mở hay tiếp nhận tôi. Thế nên tôi sẽ bỏ qua giáo huấn này về việc tránh uống rượu, vì tôi muốn giúp đỡ người khác.”. Tất nhiên, có thể có những trường hợp mà điều này có thể là một cách suy nghĩ phù hợp, nhưng phải cẩn thận để không sử dụng nó như một cái cớ để uống rượu, chỉ vì mình thích uống rượu. Trên hết, phải hết sức cẩn thận là thái độ này không che giấu cảm giác là lời Phật dạy về rượu là ngu ngốc, và mình không đồng ý với điều đó. 

Nói chung là có những thứ có sức tàn phá tự nhiên mà mọi người cần phải tránh. Sau đó, có những điều mà Đức Phật khuyên ta nên tránh, nếu như mình đang hướng tới những mục tiêu nào đó. Giết hại là điều có sức tàn phá tự nhiên, và mọi người nên tránh điều này. Uống rượu có thể thuộc về phạm trù này hay phạm trù khác, nhưng dù sao đi nữa, nếu muốn vượt qua tác động của phiền não như sân hận, tham lam, luyến ái, si mê, v.v..., thì cần phải tránh rượu. Tại sao? Đơn giản vì nó sẽ khiến mình dễ bị những phiền não này khống chế. Về cơ bản, đó là sự lựa chọn của mình! Tùy theo mình muốn làm gì với cuộc sống của mình. Nếu mục đích chính của mình là khắc phục những phiền não này, để có thể tạo lợi lạc cho người khác nhiều hơn, thì nên tránh rượu. Nếu như mình thật sự không quan tâm thì có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.

Phải luôn luôn trung thực với bản thân, và khảo sát động lực của mình đối với việc uống rượu xã giao. Liệu mình có thật sự hiểu những điều Đức Phật nói về rượu, và lý do tại sao? Uống rượu với bạn bè có thật sự là cách tốt nhất để giúp họ không? Liệu có những cách khác để mình cũng có thể thoải mái như vậy, mà không có tác dụng phụ? Nếu động lực của mình là giúp bạn bè thư giãn, thì chắc chắn mình có thể tìm những cách khác mà không phải uống rượu với họ. Nếu như ta đã thọ nhiều giới khác nhau, như hứa không uống rượu, thì điều quan trọng là không phá những giới này.

Khi rèn luyện bản thân để làm lợi lạc cho tha nhân thì phải tu tập ở cả hai mức độ tinh thần thể chất. Rất nhiều người nghĩ rằng họ có thể cúng dường nước và quán tưởng việc bố thí cho người khác, mà không phải làm bất cứ điều gì ở mức độ vật chất. Một số người thích làm mọi việc về mặt tinh thần và chỉ hành thiền, và cảm thấy không cần phải thực hành các hành trì về mặt thể chất như lễ lạy hay cúng dường. Sự mất thăng bằng này cũng được giải quyết bằng điểm đầu tiên này. Chúng ta phải tìm hiểu cách lễ lạy và lễ cúng dường mạn đà la thật sự liên quan đến cuộc sống hàng ngày ra sao. Nếu chỉ cúng dường mạn đà la thôi thì không đủ, mà cũng nên bố thí bất cứ điều gì mình có thể bố thí cho người khác, và điều đó bao gồm sự quan tâm, thời gian và năng lượng của mình. Việc lễ lạy cũng giống như vậy: nếu chỉ thể hiện lòng tôn kính với tượng Phật mà không tôn trọng cha mẹ, bạn bè và những người khác thì đó là cách tu tập nghèo nàn. Tất cả những điều này cũng phải được áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Điểm thứ hai trong ba điểm là (2) Đừng hành động thái quá. Hành vi thái quá là làm điều gì hoàn toàn lố bịch. Nó giống như mặc một chiếc váy ngắn nhỏ xíu, để lộ toàn thân để đi nghe một vị Lạt ma vĩ đại thuyết pháp. Điều đó thái quá, và vượt quá mức độ đúng đắn. Nếu như đang tu tập pháp Đại thừa để luyện tâm thì không nên nghĩ rằng mình có thể làm những việc kỳ quặc như xả rác hay làm ô nhiễm môi trường. Cũng không nên nghĩ rằng mình sẽ không bị tổn hại gì, vì ta có thể biến những tình huống có hại thành tích cực. Một điều thái quá khác là trở thành một người đạo đức giả trong việc tu tập. Nhìn bề ngoài khi ở gần người khác thì mình rất tốt, nhưng khi ở nhà thì mình đi săn muỗi như thể mình đang đi săn ở Châu Phi. Đó là điều quá đáng! 

Điểm chung thứ ba là (3) Đừng thiên vị, có nghĩa là chỉ tu tập với bạn bè và người thân mà bỏ mặc những người mà mình thật sự có khó khăn với họ. Nếu như mình sẽ thay đổi thái độ thì cần phải xử lý những tình huống khó xử và những người khó khăn. Một ví dụ về tính thiên vị được người Tây Tạng sử dụng là nếu có ai ở vị trí cao hơn mắng mình thì ta có thể chấp nhận điều đó với lòng tri ân, nhưng nếu một người thấp kém hơn mình mà làm như vậy thì ta sẽ tức giận và khó chịu. Chúng ta thường luyện tánh kiên nhẫn với cấp trên, vì nếu không thì mình có thể mất việc, nhưng lại không làm như vậy với người ở vị trí thấp hơn mình.

Trong xã hội Tây Tạng, người ta thường thấy dễ tu tập với bạn bè và người thân hơn so với người lạ. Tuy nhiên, nhiều người ở phương Tây lại thấy ngược lại. Chúng ta thường cảm thấy khó khăn hơn khi thực hành với người thân, vì họ làm phiền mình nhiều hơn so với một người lạ hay bạn bè. Về mặt không thiên vị thì tất nhiên mình phải áp dụng điều này theo cả hai cách, và thực hành với hai nhóm người một cách đồng đều.

4. Chuyển Hóa Tâm Ý, Nhưng Hành Xử Tự Nhiên

Điều này có nghĩa là phải duy trì cách cư xử bình thường. Tuy có thể mình đang cố gắng phát tâm bi với tất cả mọi người, nhưng nếu như ta thể hiện sự đồng cảm bằng cách khóc lóc trước mặt người khác thì nó có vẻ như giả tạo. Nếu như một người đang đau khổ lại phải an ủi ta, thay vì mình an ủi họ thì thật là lố bịch! Vấn đề ở đây là không nuông chiều bản thân với những cảm xúc mạnh mẽ, và không thể hiện chúng trong hoàn cảnh không thích hợp. 

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải làm sáng tỏ điều này trong bối cảnh Tây phương. Khi ở gần người khác và họ kể cho mình nghe một câu chuyện buồn thì phải tỏ ra dấu hiệu nào đó, cho thấy mình cảm nhận được điều gì đó, chứ không chỉ ngồi đó với gương mặt vô hồn, không biểu lộ điều gì cả. Khi thể hiện dấu hiệu của sự cảm thông, như ôm lấy người khác thì việc nhạy cảm về những điều họ có cảm thấy thoải mái hay không hiển nhiên là điều tốt. Một số người có thể muốn dựa lên một bờ vai để khóc, nhưng những người khác có thể giữ thế thủ đối với những người thấy đáng tiếc cho họ. Đây là lý do tại sao pháp tu tonglen phải luôn luôn được thực hiện một cách riêng tư, mà không cần người kia hay bất kỳ ai khác biết những điều mình đang làm.

Rất nhiều người đi vào đạo Phật và bắt đầu đeo chuỗi tràng hạt trên tay hay trên cổ, khi đi đây đi đó, như thể nó là một món trang sức. Họ có thể thấy ai đó đang gặp khó khăn, và sẽ nói rằng, “Hãy tụ họp lại và tụng Om Mani Padme Hum!”, nhưng điều đó có thể gây khó chịu cho người khác, hay họ sẽ nghĩ là mình khùng. Việc cư xử bình thường là điều rất quan trọng. Mình có thể tụng mật chú trong đầu, không cần phải tụng lớn tiếng, và chắc chắn là không cần có chuỗi tràng hạt trong tay, khi ở gần người khác.

Rồi thì có cả một doanh nghiệp chữa bệnh, khi mà người ta khoa trương một màn diễn xuất đầy kịch tính về việc đặt tay lên để chữa bệnh và vân vân. Người Tây Tạng nói rằng điều này sẽ mời gọi chướng ngại, bởi vì khi nó không hữu hiệu, giống như trong nhiều trường hợp thì mình sẽ hoàn toàn giống như một thằng ngốc. Trong đạo Phật thì pháp tu chữa bệnh chánh là tonglen, như vừa đề cập mà không bao giờ nói cho người khác biết. Nếu nó hữu hiệu thì ta không nói, “Ồ, tôi đã làm điều đó cho bạn! Hãy trả tiền cho tôi, hay cảm ơn tôi!” hay bất cứ điều gì. Và nếu nó không hữu hiệu thì ta cũng chưa tự làm cho mình trở thành thằng ngốc.

Hãy cư xử bình thường, để không ai biết mình đang làm gì. Ngay cả về mặt những lời cầu nguyện mà mình tụng trước khi ăn và vân vân, tốt hơn hết là hãy tụng thầm trong đầu. Nếu như đang ngồi với các Phật tử khác thì đó là chuyện khác, nhưng nếu mình bắt đầu tụng “Om Ah Hum” khi đang ngồi với gia đình không theo đạo Phật thì điều đó có thể tạo ra cảm giác không hay.

5. Đừng Nói Đến Thiểu Hạnh Của Tha Nhân

Người Tây Tạng luôn luôn nói rằng, “Đừng gọi một người mù là mù trước mặt họ”. Nếu có người nào không thông minh cho lắm thì đừng gọi họ là ngu ngốc. Người đó tự biết họ không thông minh, nên không cần phải nói thêm. Điều này thật thú vị, vì chúng ta đang đi vào chủ đề hài hước và châm biếm. Ta có thể rất mỉa mai với người khác, và có thể thấy điều đó thật buồn cười, nhưng thật ra thì có thể làm tổn thương cảm xúc của họ khá nhiều. Một số người thậm chí cảm thấy việc mỉa mai lẫn nhau là dấu hiệu của tình bạn, nhưng ở đây, phải xem xét nền văn hóa mà mình đang sống trong đó, và chủ ý của mình là gì.      

Ở Mỹ, người ta rất mỉa mai, hay nói đùa về chiếc mũi to hay cô vợ xấu xí của người khác. Có kịch vui, khi mà người ta té xuống cầu thang, và mọi người phá lên cười. Người ta ném bánh pie vào mặt người khác, rồi mọi người cười. Rồi thì có những bộ phim hoạt hình bạo lực, với những con mèo bị đập bằng những chiếc búa lớn và vân vân. Phim này dành cho trẻ em! Điều này khá kỳ quặc, khi mình nghĩ về nó.

Dù sao đi nữa thì trong khi mình có thể nghĩ rằng việc nói về những khía cạnh thiếu sót của người khác, nói mỉa mai và vân vân là vô tội và buồn cười, nhưng trên thực tế thì lại làm tổn thương người khác.  

6. Đừng Nghĩ Đến Lỗi Lầm Người Khác

Điều này có nghĩa là không nên tìm kiếm lỗi lầm của người khác, hoặc khi mình thấy lỗi lầm thì chỉ trích họ liên tục. Ví dụ như trong mối quan hệ giữa thầy trò thì phải tập trung vào những phẩm hạnh cao quý của thầy, bởi vì đó là những điều sẽ truyền cảm hứng cho mình. Chúng ta không bác bỏ những điểm yếu của thầy, nhưng sẽ không chú trọng vào chúng, vì điều đó sẽ đưa đến vấn đề trầm cảm. Nếu như thấy những khuyết điểm nơi thầy thì mình sẽ được hướng dẫn để xem liệu chúng có phải là phóng tưởng của mình hay không. Ví dụ như, nếu như cha mẹ mình không chú ý đến mình, thì ta có thể nghĩ thầy mình cũng không chú ý đến mình, dù điều đó xảy ra chỉ vì thầy bận rộn và phải đi rất nhiều nơi. Nếu như đã loại bỏ những lỗi lầm do phóng tưởng của mình tạo ra, và thấy vẫn còn một số lỗi lầm thật sự thì không nên bác bỏ chúng một cách mù quáng, mà hãy tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp, thay vì vào những lỗi lầm này.

Tuy nhiên, nói chung thì cách tiếp cận này có thể được áp dụng cho mối quan hệ của giữa mình và mọi người. Nếu mình đang cố giúp đỡ người khác thì việc tập trung vào khuyết điểm của họ để giúp họ khắc phục điều gì là một chuyện, nhưng thường thì ta lại cảm thấy khó chịu vì lỗi lầm của họ. Nếu như mình tập trung vào những phẩm chất tốt của họ thì việc này sẽ thúc đẩy mình nghĩ tốt về họ. Chúng ta muốn phát triển thái độ trân trọng người khác, nên việc phàn nàn về thiếu sót của người khác sẽ không hữu ích.

Ta thường phê phán những người gần gũi nhất với mình nhiều nhất. Chẳng hạn như nhiều người kỳ vọng con cái hay cha mẹ của họ sẽ hoàn hảo, và nếu lý tưởng này không được thực hiện thì họ sẽ rất phê phán. Vì không có ai là người hoàn hảo, nên cách tốt hơn nhiều là tập trung vào những phẩm chất tốt của họ, thay vì đánh vào những yếu điểm của họ. Điều duy nhất mà mình cần là có một cái nhìn thực tế về người kia.

7. Đối Trị Phiền Não Nặng Nề Nhất Trước Tiên

Cho dù đó là tâm sân hận, tham ái hay ganh tỵ thì trước tiên, nên cố khắc phục phiền não khó khăn nhất. Vì phiền não sẽ ngăn cản mình giúp đỡ người khác, nên phải quán sát tự thân một cách trung thực, để xem vấn đề lớn nhất của mình là gì. Thay vì sợ phải đối mặt với nó, như chỉ giáo tonglen có nói, thì nên giải quyết vấn đề trực tiếp. Có thể học hỏi nhiều phương pháp, một số phương pháp sẽ hữu hiệu trong những thời điểm nào đó, và một số khác sẽ hoạt động vào những thời điểm khác. Điều quan trọng là có nhiều phương pháp khác nhau, để mình có thể sử dụng chúng.

Chúng ta luôn được dạy là phải làm nhân chứng chính cho mình, bởi vì chỉ có mình mới hiểu bản thân mình nhiều nhất. Điều này có nghĩa là phải quán xét nội tâm, điều mà dĩ nhiên là nhiều người không thực hiện. Họ cần phải nghe người khác nói rằng họ đang hành động một cách ích kỷ hay ngu ngốc, vì họ không tự nhận ra điều đó. Tuy nhiên, việc có được nhận xét trung thực từ người khác thì rất khó, bởi vì nó đòi hỏi hai người phải một mối quan hệ rất đáng tin cậy. Nếu như nhờ ai giúp mình học cách nhạy cảm hơn về những gì đang xảy ra với chính mình, thì ta không thể giận dữ hay chống chế với những gì họ nói với mình, ngay cả khi đó là điều mà mình không muốn nghe. Tuy nhiên, ngay cả khi nhờ người bạn thân nhất đánh giá mình thì họ không phải là nhân chứng chánh. Họ có thể cho ta chút manh mối, nhưng mình vẫn phải tự quán xét liệu những gì họ nói là đúng hay không.

8. Buông Bỏ Hy Vọng Được Tưởng Thưởng

Hy vọng được tưởng thưởng nói về việc muốn được người khác đền đáp điều gì, để trả ơn mình đã giúp đỡ họ. Điều này rất khó khăn, vì thường thì đằng sau việc mình giúp đỡ người khác có những phiền não rất tinh tế. Có thể nó không thô thiển như, “Tôi đang giúp bạn, vì tôi muốn bạn giúp tôi sau này”, nhưng ta thường muốn được người kia cảm kích, tri ân hoặc yêu thương như một cách đền đáp. Đôi khi, ta chỉ muốn được người khác cần mình, và cảm thấy mình là người hữu dụng, đặc biệt khi ta là cha mẹ có con trưởng thành. Cần phải kiểm soát xem động lực của mình có bị xen lẫn với tâm ái ngã hay không, bởi vì nếu vấn đề là như vậy, và người khác nói, “Tôi không cần sự giúp đỡ của bạn”, hoặc không cảm kích mình, thì ta sẽ buồn bực. 

Một số hình ảnh có thể hữu ích. Chẳng hạn như thật thú vị khi thấy đôi khi mình hành động như những con chó. Ta sẽ về nhà và con chó đang chờ mình xoa đầu nó. Có phải đó là điều mà mình thích được người khác đối xử, sau khi mình đã làm điều gì cho họ? Mình đang chờ họ nói, “Những gì bạn đã làm cho tôi thật là tốt, cảm ơn nhiều nhe!” Ngay cả khi người ta cảm ơn mình thì mình sẽ được cái gì? Nếu như thấy mình đang chờ câu cảm ơn, thì có thể nhớ đến hình ảnh của một con chó đang chờ được xoa đầu, để thấy mình ngớ ngẩn biết bao nhiêu. Nếu như mình sẽ làm việc gì cho người khác, thì nên làm điều đó đơn giản vì lợi ích của họ.

Điều này có thể hơi tinh tế. Nó giống như cha mẹ lo lắng mọi việc cho con cái như quần áo, phòng ốc, thức ăn, vân vân, rồi thì chuyện gì xảy ra? Thường thì đứa trẻ không chú ý hay cảm kích điều đó, mà chỉ tận dụng nó, đặc biệt là trong thời niên thiếu. Là cha mẹ thì mình muốn gì? Chúng ta có muốn con cái luôn luôn cảm ơn mình, mỗi khi mình giặt quần áo hay không? Điều đó hoàn toàn không thực tế! Có nhiều cách mà khi đứa trẻ nhận một số trách nhiệm và cư xử một cách chín chắn và ân cần, thì ta có thể thấy là chúng cảm kích việc mình làm. Tuy mình muốn giúp đỡ người khác, nhưng không nên làm điều đó theo cách mà họ phải phụ thuộc vào mình, hay lúc nào cũng lợi dụng mình. Nếu như sự giúp đỡ của mình khiến cho những người khác phụ thuộc vào mình, thì điều đó không quá ích lợi. 

    9. Tránh Thức Ăn Nhiễm Độc

Điều này nói về việc tu tập bị tâm ái ngã đầu độc. Ngay cả khi mình có những ý nghĩ tích cực, hoặc tham gia vào những việc có tính xây dựng, nếu như mình cảm thấy nó bị xen lẫn với tâm ái ngã thì lời khuyên là hãy từ bỏ điều đó, điều chỉnh động lực và bắt đầu lại từ đầu. Nếu mình làm điều gì cho người khác, vì muốn được người ta cảm kích và cần mình, thì hành vi tích cực ấy đã bị nhiễm độc, bởi vì ta đang tìm kiếm một sự khẳng định cho bản thân mình. Vì vậy nên việc lùi lại và điều chỉnh động lực là tốt, và một lần nữa, phải rất là trung thực với bản thân.

Một trong những dấu hiệu cần chú ý chính là trong định nghĩa về “cảm xúc phiền não”, là điều mà khi nó phát sinh thì sẽ khiến cho mình thấy khó chịu (do đó mà “phiền não”) và mất sự an lạc. Nó cũng có thể khiến cho những người ở gần mình khó chịu. Nó cũng khiến cho mình mất tự chủ.

Cảm giác khó chịu hoặc bực bội bên trong có thể rất vi tế, nên “bực bội” có thể là một chữ quá mạnh. Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng khi tay mình rút cái gai ra khỏi bàn chân của mình thì ta không muốn bàn chân cảm ơn bàn tay, bởi vì cả hai đều tương quan với nhau. Tương tự như vậy, khi mình giúp đỡ người khác thì không có lý do gì để làm chuyện lớn hay phàn nàn. Nếu có chén dĩa dơ cần phải rửa thì chỉ cần rửa chúng. Chúng ta có thể làm điều đó với sự bình an bên trong. Nếu như mình rửa chén với lòng oán giận, và nghĩ rằng, “Bạn rất bừa bãi, tại sao tôi phải luôn luôn dọn dẹp cho bạn? Nhưng vì tôi đang tu tập để trở thành Bồ tát, nên tốt hơn là tôi nên làm điều đó”, thì đó là một thái độ độc hại.

Các bản văn lojong khác khuyên ta không nên hy vọng hay kỳ vọng rằng người mà mình đã giúp đỡ sẽ làm bất cứ điều gì tốt đẹp để trả ơn. Nếu như ta nhạy cảm với những gì đang xảy ra trong tâm mình thì có thể có một chút khó chịu bên trong, điều đó cho thấy hành vi của mình đang chịu tác động của tâm ái ngã, hay những phiền não khác. Điều này có thể khiến mình báo cho người kia biết, “Tôi đã rửa chén cho bạn!” Nhưng tại sao mình phải nói điều này? Nhưng nếu như mình nhạy cảm thì có thể nhận thấy một chút lo lắng trong lòng, trước khi nói như vậy. Điều đó có thể rất tinh tế, nhưng với sự tu tập thì ta có thể nhận thấy tâm ái ngã vô thức đang có mặt ở đó. Đó không phải là một pháp tu dễ dàng, nhưng là điều quan trọng.

Thiện nghiệp có hai loại: một loại thì xen lẫn với tâm mê lầm (cụ thể là tâm ái ngã) và một loại thì không. Thiện nghiệp xen lẫn với tâm ái ngã là nhân cho tái sinh may mắn, nhưng nó vẫn duy trì luân hồi. Mặt khác thì thiện nghiệp không xen lẫn với tâm mê lầm sẽ tích tập công đức để thành tựu giải thoát và giác ngộ. Chúng ta đã có sẵn công đức từ thiện nghiệp trước đó, và cần phải tăng cường chúng. Thiện nghiệp sẽ trổ thành hạnh phúc, nhưng nếu nó xen lẫn với tâm mê lầm thì sẽ dẫn đến nỗi khổ vì thay đổi (hoại khổ), là hạnh phúc không bền lâu, hoặc đưa đến thất vọng. Chúng ta đang nhắm vào việc củng cố công đức không nhuốm mê lầm. 

10. Đừng Dựa Vào Vọng Tưởng Phiền Não Như Điểm Chính

Điều này có nghĩa là ta sẽ không để cho vọng tưởng phiền não chiếm ngự hầu hết tâm trí của mình, mà thay vì vậy là những ý tưởng tích cực và ái tha. Ngay khi tâm sân hận, tham ái hoặc ái ngã phát sinh thì đừng đùa với nó, mà chỉ cần dập tắt nó ngay lập tức. Nếu như mình nghĩ rằng, “Hãy dễ dãi với bản thân, việc mình giận dữ đâu đến mức quá tệ”, có nghĩa là mình cho phép phiền não lấn áp trong tâm. Sau đó, chúng sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, cho đến khi chúng khống chế tâm thức, và mình sẽ mất kiểm soát. Phải tử tế với người khác và không tử tế với phiền não của mình.

Việc xem qua các danh sách được liệt kê trong bản văn này và tụng đọc Bồ tát giới và Mật giới có thể hữu ích như một pháp tu hàng ngày, nếu như đã thọ những giới này. Việc này sẽ giúp mình ghi nhớ chúng, và có chánh niệm về những lời khuyên đã được nêu ra như sự hướng dẫn trong suốt đời. Không nên chỉ đọc nó, mà đúng ra là có thể dành thời gian để tư duy về một hoặc hai điều trong số đó, để xem liệu mình có thật sự thực hành nó hay không. Không cần phải thực hành quá nhanh. Chúng ta có thể làm điều này vào buổi sáng và buổi tối. Vào buổi sáng, có thể phát khởi một chủ ý mạnh mẽ khi đọc qua danh sách, để cố làm theo chúng. Vào buổi tối thì có thể xem lại mức độ thành công của mình vào ban ngày. Có một câu chuyện về Geshe Ben Gung-gyel, người đã giữ một đống sỏi trắng và đen. Ngài sẽ đặt một viên sỏi trắng vào một tụ riêng, mỗi khi ngài đã noi theo lời khuyên, và một viên màu đen, khi không tuân theo lời khuyên. Bằng cách này, ngài đã có một ý niệm rõ rệt về những gì ngài đã làm trong cả ngày.

Vấn đề là không cảm thấy tự hào về việc mình có bao nhiêu viên sỏi trắng, hoặc cảm thấy tội lỗi nếu mình chỉ có toàn sỏi đen, mà nên tùy hỷ, nếu mình đã làm tốt. Không cần phải đi quá mức về việc tự đánh giá bản thân, nhưng nếu như thấy rằng mình đã hành động một cách tiêu cực, thì ta có thể hối hận và quyết tâm cải thiện. Hãy nhớ rằng sự tiến triển trong việc tu tập không phải là một đường thẳng tiến, mà sự việc sẽ tốt đẹp hơn trong những ngày nào đó, so với những ngày khác. Tuy nhiên, mỗi ngày, mình vẫn có thể cố gắng hết sức để hành động một cách tích cực, và giảm bớt tâm ích kỷ.

11. Đừng Đả Kích Trả Thù

Chơi xấu nói về việc trả thù khi có ai gọi mình bằng tên xấu, hay đánh đập mình, hoặc làm bất cứ điều gì khó chịu. Nếu có ai hành hạ mình và nói những lời khó chịu thì ta sẽ không tìm kiếm những việc tồi tệ hơn để trả đũa, mà hãy bỏ qua. Có một vài cách để bỏ qua. Nếu có ai nói điều gì thật là khó chịu với mình, thì ta có thể nhận ra rằng những lời đó chỉ là âm thanh rung động trong không khí. Việc nghe thấy những lời này chỉ đơn thuần là một kinh nghiệm khác của tâm. Việc âm thanh sinh khởi và nghe âm thanh thì không phải là chuyện lớn. Chỉ khi mình phủ lên đó một khái niệm về bạn, một người ghê gớm nhị nguyên, đã nói điều gì đó với tôi, một người hoàn hảo, thì mình mới bực bội và cảm thấy cần phải trả đũa. Nếu như ta trả đũa vì cảm thấy bị xúc phạm, thì chỉ nghĩ về bản thân mình.

Trong những tình huống này thì Bồ tát giới rất rõ ràng. Động lực để không trả đũa với người đã xúc phạm mình là để tránh gây hại cho họ, và thay vì vậy thì cố gắng giúp đỡ họ. Nên cố sử dụng các biện pháp hòa bình càng nhiều càng tốt, nhưng nếu như không hữu hiệu thì sau khi đã cho họ một cơ hội tốt, ta có thể ngăn chận bạo lực và vân vân bằng cách mạnh mẽ hơn. Điều đó sẽ không vi phạm Bồ tát giới, nên cần phải thực tế.

Đức Dalai Lama thường được hỏi về việc sử dụng bạo lực ở Tây Tạng, và Ngài đã tuyên bố rằng mặc dù các biện pháp hòa bình dường như không hữu hiệu, nhưng việc sử dụng bạo lực và khủng bố sẽ không đưa người Tây Tạng đến đâu cả. Họ có thể giết 100 người lính Trung Quốc, nhưng sau đó Trung Quốc sẽ gởi thêm 200 người nữa. Có 1.3 tỷ người Trung Quốc, nên những vụ bạo lực nhỏ mà người Tây Tạng có thể thực hiện sẽ chẳng làm được gì. Cần phải thông minh và không trả đũa, chỉ vì mình không muốn có vẻ yếu đuối hay xấu xa.

12. Đừng Rình Rập Chờ Dịp Phản Công

Phản công có nghĩa là muốn ăn thua đủ, nên chờ cho đến lúc người kia ở trong thế yếu thì mình mới hại họ bằng cách nào đó. Điều đó có nghĩa là khi ai đó làm mình tổn thương thì ta sẽ không làm gì cả, khi không ở trong vị trí mạnh mẽ trong hiện tại, nhưng lại ôm hận, và đợi cho đến khi họ rơi vào thế yếu mới trả thù. Điểm này cũng là về việc không trả đũa. Đức Dalai Lama nói điều đó rất hay: “Nếu như không tấn công lại thì mình thường e rằng người khác sẽ coi đó là dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng thật ra, đó là dấu hiệu của sức mạnh lớn lao. Nếu như mình hành động vì sân hận, chỉ hành động như một đứa bé hay thú vật đánh trả lại ngay lập tức, thì đó là dấu hiệu của sự yếu ớt. Nếu muốn sử dụng lòng bi mẫn, trí thông minh và nhẫn nại thì cần phải có nhiều sức mạnh hơn nữa!”.

13. Đừng Đánh Vào Yếu Điểm

Đừng bao giờ nêu ra lỗi lầm của người nào trong một đám đông, để cố tình làm họ xấu hổ. Có nhiều cách để dạy người khác một cách hữu hiệu mà không làm cho họ xấu hổ trước mặt người khác. Có một lần, tôi đã thông dịch cho Đức Dalai Lama, khi Ngài ban luận giải về Nhập Bồ Tát Hạnh (Engaging In Bodhisattva Behaviour) của Tịch Thiên ở Bồ Đề Đạo Tràng, và lúc đó Serkong Rinpoche đã đi Nepal, nên tôi không gặp ngài trong vài tháng. Khi chúng tôi gặp nhau thì Rinpoche mở quyển sách ra và chỉ vào ba chữ trong đó, và hỏi tôi có biết ý nghĩa của chúng không. Thật ra thì chúng là những chữ rất khó, và tôi đã không hiểu đúng nghĩa của chúng, nên Thầy đã giải thích cho tôi. Trên thực tế thì ba chữ mà Thầy nêu ra đã đề cập chính xác đến thái độ phiền não mà tôi đang gặp khó khăn vào lúc đó. Cách gián tiếp này là cách thật hữu hiệu để giúp cho tôi hiểu vấn đề. Một số luận giải cũng nói rằng điểm này có nghĩa là nên sử dụng thế lực huyền bí như tà thuật vân vân, nếu như mình sở hữu chúng, nhưng tôi đoán là điều này không phù hợp với hầu hết chúng ta!  

14. Đừng Bắt Bò Gánh Vác Lực Tải Của Trâu

Có một loài thú ở Tây Tạng gọi là dzo, là con của con yak và bò cái. Nó rất lớn và mạnh, mạnh hơn bò đực nhiều. Câu này có nghĩa là không nên giao việc thích hợp với người mạnh hơn cho người yếu hơn, không có khả năng làm việc đó.

Điều này có một vài ý nghĩa. Một là phải nhận lỗi lầm về phần mình, thay vì đổ lỗi cho người khác. Một cách khác là không để phần việc bẩn thỉu của mình cho người khác làm. Hoặc, nếu được lựa chọn chỗ ngồi thì không nên cho người khác chỗ ngồi tồi tệ nhất, và giữ chỗ tốt nhất cho mình.

15. Đừng Ganh Đua

Điều này nói về việc chạy nhanh để có được chỗ ngồi tốt nhất trong rạp hát, hay vội vã để có được thức ăn ngon nhất. Chúng ta luôn muốn có được điều tốt nhất cho mình, mà không muốn người khác có được như vậy. Nếu như nhường cho người khác đi trước, rồi mình có thể nhận được phần thức ăn cuối cùng hay tồi tệ nhất thì sẽ tốt hơn nhiều, nhưng không nên giả vờ làm như vậy. Chắc chắn là không nên nói rằng, “Ồ, bạn lấy phần tốt đi, tôi sẽ lấy phần xấu, tôi không phiền đâu!” Cần phải tự nhiên, như cách cha mẹ dành cho con cái thức ăn ngon nhất, mà không bận tâm chút nào khi ăn những miếng bị cháy trong phần ăn còn dư lại.

Có một chuyện hay khác ở đây, cũng về Geshe Ben Gung-gyel. Một lần nọ, ông cùng đi với các nhà sư khác đến một bữa thọ trai, do một thí chủ cúng dường. Vị thí chủ đang múc thức ăn, và đó là sữa chua, và Geshe Ben ngồi ở phía sau. Khi vị thí chủ đang cúng dường sữa chua, là một trong những món mà ngài thích nhất, và ngài càng lo lắng và buồn bã hơn, vì nghĩ rằng, “Ông ấy đã múc những phần quá lớn, nên sẽ không còn đủ phần cho mình.”. Thế rồi ngài nhận ra thái độ của mình, và cuối cùng, khi vị thí chủ đến trước mặt ngài thì ngài đã úp chén lại và nói rằng, “Tôi đã nhận phần của mình rồi.”. Đây là một ví dụ tuyệt vời về điểm này. Thay vì lo lắng liệu mình sẽ có đủ phần ăn hay không, thì nên lo lắng hơn về việc liệu có đủ phần ăn cho người khác hay không.

16. Đừng Đảo Ngược Bùa Hộ Mệnh

Bùa hộ mệnh được sử dụng để xua đuổi những vong hồn ám hại, một phép ẩn dụ cho việc luyện tâm ái tha. Nếu chỉ thực hiện những pháp tu này để xem mình là quan trọng thì nó giống như mình đang đảo ngược bùa hộ mệnh.

Chẳng hạn, nếu như ta chấp nhận một sự mất mát tạm thời, vì biết rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng tốt cho người khác, và cuối cùng, sẽ có được lợi lạc lớn hơn, thì đó là sử dụng giáo lý ngược chiều. Cách hành xử khiêm tốn và rất ân cần với người mà mình muốn tạo ấn tượng tốt, vì hy vọng họ sẽ giúp mình trong tương lai, cũng là đang sử dụng pháp tu này theo cách ngược lại. Một ví dụ khác là thực hiện các pháp tu, đơn giản là vì ta muốn người khác ưa thích mình. Cuối cùng thì điều duy nhất mà điều đó sẽ thực hiện là củng cố tâm ái ngã của mình. 

17. Đừng Hóa Thần Thành Quỷ

Một lần nữa, điều này đề cập đến việc trộn lẫn pháp tu với tâm ái ngã, và thực hành Pháp để khiến cho mình cảm thấy tự cao tự đại và kiêu căng, với thái độ tôi “thánh thiện hơn bạn”. Nó giống như bạn nhập thất và để bảng bên ngoài với hàng chữ, “Xin đừng làm phiền! Có hành giả vĩ đại ở bên trong!”.

Người Tây Tạng sử dụng ví dụ về việc thực hiện một khóa nhập thất ba năm, để cuối cùng, mọi người sẽ xem ta là một lạt ma, và ta sẽ có đệ tử, danh tiếng và phẩm vật cúng dường. Lòng khiêm tốn rất quan trọng. Như một hành giả đã nói, “Khi đọc các bản văn về những lỗi lầm và khuyết điểm thì tôi nhận ra mình có tất cả những điều này, và khi đọc về những phẩm chất tốt đẹp thì tôi nhận ra chúng đều có mặt trong những người khác.”. Điều này chắc chắn đi đôi với pháp luyện tâm.

18. Đừng Tạo Khổ (Cho Người) Để Làm Hạnh Phúc Cho (Mình)

Ví dụ về điều này bao gồm việc hy vọng đối thủ cạnh tranh kinh doanh với mình sẽ thất bại, để mình qua mặt họ, hoặc những người trong văn phòng của mình sẽ về hưu, để mình được thăng chức, hoặc người thân giàu có của mình sẽ sớm qua đời, để ta có thể thừa hưởng tiền bạc và tài sản của họ. Đừng bao giờ mong người khác gặp bất hạnh, để mình có thể tận hưởng điều gì, mà hãy tùy hỷ và mong họ sống lâu, tận hưởng tiền bạc và địa vị của họ. Điều này kết thúc 18 pháp tu cam kết của điểm thứ 6.

Top