22 Điểm Luyện Tâm

Điểm thứ 7

Điểm thứ bảy, điểm cuối cùng, bao gồm 22 điểm để tu tập và thanh tẩy thái độ của mình:

(1) Mọi pháp du già, phải tu như một

Nếu như có làm bất cứ điều gì, thì nên làm để giúp đỡ người khác. Một ví dụ thường được sử dụng ở Ấn Độ, nơi mọi người thường xuyên bị sán lãi, là nguồn cảm hứng, “Khi ăn, nguyện cho con có thể nuôi dưỡng tất cả các vi sinh vật trong cơ thể của mình.”. Ngay cả khi không thể duy trì loại động lực này trong suốt buổi ăn, thì ta sẽ bắt đầu như thế. Vần kệ hồi hướng do ngài Long Thọ (Nagarjuna) sáng tác rất là hữu ích: “Con sẽ dùng thức ăn này không vì lòng quyến luyến và tham lam, mà như liều thuốc để giúp đỡ tha nhân”.

(2) Đối trị mọi sai lầm bằng một pháp 

Điều này có thể được giải thích theo nhiều cách, một trong những cách đó là đoạn trừ những phiền não mà mình có bằng tonglen – nhận lấy phiền não và đau khổ của người khác. Không phải là mình nhận tâm sân của người khác, rồi nổi giận. Thay vì vậy, như đối với tất cả các giáo lý tonglen, ta sẽ không ôm ấp những gì mình tiếp nhận từ người khác một cách vững chắc trong nội tâm, mà sử dụng khả năng của mình để vượt qua những điều này, để khắc phục chúng.

Có thể hữu ích để thấy rằng khi phiền não phát sinh thì đó là dấu hiệu tốt, bởi vì để đoạn diệt tất cả những cảm giác phiền não tiềm ẩn thì chúng phải xuất hiện trước. Chúng ta sẽ đưa tất cả những sự sân hận bị ức chế và vân vân lên bề mặt, để có thể đoạn trừ chúng. Nó giống như khi mình bắt đầu tu zhinay, bởi vì khi mình cố gắng tĩnh tâm lần đầu tiên thì mới nhận ra tâm tán loạn càng ngày càng nhiều. Thật ra thì không phải là có nhiều điều đang diễn ra trong tâm trí hơn, mà chỉ là trước đây thì mình không bao giờ chú ý đến nó. Cũng theo cách như vậy thì khi đang luyện tâm và bắt đầu quan sát tâm thì mới phát hiện ra rất nhiều sân hận và tham ái mà mình chưa bao giờ nhận thấy trước đây. Thật ra thì đây là một dấu hiệu rất tốt.

(3) Có hai pháp hành, khởi đầu và kết thúc 

Hai pháp hành là vào lúc đầu, có chủ ý giúp đỡ người khác, và cuối cùng là hồi hướng công đức. Một lần nữa, điều này có thể được minh họa bằng những viên sỏi đen và trắng của Geshe Ben Gungyel. Ngay khi vừa ta thức dậy, hoặc trước khi làm điều gì khó khăn thì phải phát khởi động lực mạnh mẽ để ái tha và không ích kỷ. Vào cuối ngày, ta sẽ nhìn lại để xem mình đã hành xử ra sao, hồi hướng công đức từ những thiện hạnh, và ăn năn, cũng như tịnh hóa ác nghiệp.

(4) Bất cứ điều gì trong hai điều đó xảy ra, hãy kiên nhẫn hành động

Cho dù hạnh phúc hay bất hạnh xảy ra, và bất kể mình gặp điều may mắn hay bất hạnh thì nên kiên nhẫn và nhất quán với ước nguyện trao tặng hạnh phúc cho tha nhân, và nhận lấy vấn đề của họ. Khi mọi việc suôn sẻ thì không nên tự hào, kiêu căng hay tự mãn, và khi mọi việc tồi tệ thì điều quan trọng là đừng phiền muộn và cảm thấy mình không thể làm bất cứ điều gì. Nếu như mình giàu sang thì nên sử dụng tiền của để giúp đỡ người khác, nhưng nếu như không có của cải thì ít nhất ta có thể sử dụng trí tưởng tượng để bố thí. Trong cả hai trường hợp thì mình có thể thực hành tonglen.

(5) Giữ gìn cả hai, dù phải mất mạng

Điều này nói về những cam kết mà mình đã thọ nhận, đặc biệt là hành trì cam kết  để luyện tâm. Cần phải bảo vệ những điều này một cách rất mạnh mẽ, vô cùng mạnh mẽ trên thực tế, nên bản văn nói rằng ngay cả khi mình phải mất mạng. Đó là lý do tại sao ta nên tìm hiểu giới nguyện trong nhà Phật trước khi thọ giới, bởi vì nhiều người nhảy vào những pháp tu và lễ điểm đạo cao cấp mà không có khái niệm rõ ràng về những cam kết là gì, và liệu họ có thể giữ chúng hay không. Họ chỉ làm điều đó bởi vì tất cả những người khác đều làm như vậy, và họ muốn trở thành một hành giả “cao cấp”.

Trước khi thỉnh cầu pháp tu cao cấp từ chư đạo sư thì nên tự hỏi về đạo đức của mình. Thật sự thì mình có thể giữ giới hay không? Chúng ta có thể giữ cam kết hay không? Nếu không thì không nên thỉnh cầu thầy ban cho pháp tu cao cấp. Một số người có thể thực hiện lễ cúng dường Đức Quán Âm (Chenrezig puja) mỗi tuần một lần, nhưng lại xem đó là nỗi đau thật sự, và không nhiệt tình với việc này, nhưng khi một vị lạt ma cao cấp đến viếng thì họ lại ước ao muốn nhận bất cứ lễ điểm đạo nào ngài sẽ ban cho, bất kể là nghi quỹ tu tập hàng ngày kéo dài bao lâu. Nếu như mình thấy làm một việc gì mỗi tuần một lần là một gánh nặng, thì làm sao ta có thể làm điều đó mỗi ngày?

(6) Luyện trong ba khó

Khi phiền não phát sinh thì có ba điều khó. Đầu tiên là nhận ra phiền não ấy, và biết mình phải áp dụng lực đối trị nào để đoạn trừ nó. Thứ hai là áp dụng pháp đối trị, và thứ ba là duy trì chánh niệm về pháp đối trị, để phiền não không tiếp tục phát sinh. Nói cách khác là phải phá vỡ tính tương tục của những cảm xúc phiền não như sân hận, tham lam, và những thái độ phiền não như ích kỷ.

(7) Tìm đủ ba chánh nhân

Ba chánh nhân là những yếu tố để có thể thực hành việc luyện tâm. Trước hết là gặp gỡ một đạo sư, người có thể ban cho ta giáo lý và truyền cảm hứng để mình noi theo; nhân thứ hai là hành trì giáo pháp; thứ ba là có hoàn cảnh thuận lợi để tu tập Pháp. Trên cơ bản thì những hoàn cảnh thuận lợi này là hài lòng với thức ăn khiêm tốn, nhà ở khiêm tốn, quần áo khiêm tốn, v.v... và không bận tâm đến việc mình có được bao nhiêu thứ. Ví dụ, nếu như kiếm được một số tiền vừa đủ thì nên hài lòng với điều đó, thay vì muốn nhiều hơn nữa, để có thể tập trung năng lượng vào việc giúp đỡ người khác.

(8) Thiền quán về ba yếu tố, đừng cho thối chuyển 

Điều đầu tiên không thể thối chuyển là lòng xác tín vào phẩm hạnh của đạo sư, và  cảm kích lòng nhân từ của thầy. Nếu như mình có được điều này, thì nó sẽ lan truyền sang người khác. Ta có thể nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của người khác, nên sẽ tôn trọng họ. Ngoài ra, ta sẽ cảm kích lòng tốt của người khác, ngay cả khi họ không trực tiếp làm điều gì để giúp mình. Họ giúp ta bằng cách có mặt ở đây, để cho mình giúp đỡ họ.

Một trong những chướng ngại lớn để phát bồ đề tâm là ta thường khinh khi người khác. Chúng ta chỉ nhìn thấy những phẩm chất xấu của họ, và thấy mình tốt hơn họ. Ví dụ, nếu như một học giả hay giáo sư vĩ đại rất uyên bác, nhưng cũng kiêu căng, thì kiến thức của họ không làm lợi lạc cho ai cả, kể cả chính họ, đừng nói gì đến người khác. Mọi người đều chán ngán vì họ quá tự hào, và không ai muốn nghe họ nói. Khi mình bác bỏ tư tưởng và ý kiến của người khác vì lòng tự hào hay kiêu căng thì không thể học hỏi được điều gì từ bất cứ ai. Chúng ta áp đặt ý kiến của mình lên người khác, ngay cả khi nó sai, và bác bỏ lời khuyên của mọi người. Nếu như khiêm tốn và lắng nghe người khác, thì ta có thể học hỏi ngay cả từ những người rất ít học, như trẻ em. Việc nhìn vào những phẩm chất tốt và cảm kích lòng tốt của mọi người sẽ giúp ta mở lòng học hỏi với họ. Trái ngược với điều này là bỏ mặc và bác bỏ lời nói của người khác, đơn giản là để phòng thủ và bảo vệ quan điểm của mình.

Điều bất thối chuyển thứ hai là sẵn sàng tu tập, vì vậy, ngay từ đầu, điều quan trọng là không cảm thấy như bị ép buộc phải luyện tâm ái tha. Không nên nghĩ rằng, “Mình nên làm điều này để làm người tốt, nếu không thì mình sẽ là người xấu!” Khi bị bắt buộc phải làm điều gì thì người ta thường nổi loạn, và làm điều ngược lại. Nếu như thật sự quán chiếu lợi điểm của tâm ái tha, và khuyết điểm của tâm ái ngã, thì tự nhiên ta sẽ rất nhiệt tình với việc tu tập, và sẵn sàng làm điều đó.

Điều không thối chuyển thứ ba là giúp cho cam kết và hành trì cam kết của mình được vững chãi và ổn định.

(9) Ba điều sở hữu, chẳng thể lìa xa

Điều này có nghĩa là thân, khẩu, ý đều tận tâm và dấn thân vào việc nghĩ đến và giúp đỡ tha nhân. Ví dụ về thân là không ngồi loay hoay, mà phải giữ chánh niệm và tập trung tinh thần. Lời nói không nên lảm nhảm không ngừng về những điều vô nghĩa, mà phải hướng tới việc giúp đỡ người khác. Tâm phải tràn đầy những ý tưởng giúp đỡ người khác, thay vì những điều ngớ ngẩn điên rồ. Bất kể mình làm gì, dù nó có liên quan đến thân, khẩu hay ý, đều phải có tính xây dựng.

Người Tây Tạng nói rằng không nên ngủ như một con bò, chỉ nằm xuống đất và thế là xong. Thay vì vậy, trước khi đi ngủ thì nên lạy ba lạy để khẳng định lại tâm quy y và bồ đề tâm. Nếu như mình có ước nguyện, “Nguyện cho giấc ngủ của con được khỏe khoắn, để tiếp tục quy y”, rồi thì ngay cả giấc ngủ cũng có thể trở thành một hành động phi thường.

(10) Hành xử thanh tịnh, không thiên vị đối tượng là ai

Điều này có nghĩa là nên tu tập với tất cả mọi người, không chỉ với bạn bè và người thân. Nó tương tự như điểm thứ sáu trong bài trước. Điều này không chỉ áp dụng cho con người, mà còn cho thú vật nữa. Một số người có thể rất tốt với chó mèo, nhưng lại không có thái độ chăm sóc này đối với côn trùng hay loài gặm nhấm. Đó là tâm thiên vị; chúng ta chỉ đối xử tốt với những con vật mà mình thích, và xua đuổi hay chủ động thù địch với những con thú mà mình không yêu thích.

Điều đó khó khăn, nhưng thật ra, khi nói về việc đưa tất cả chúng sinh đến giác ngộ thì điều quan trọng là phải nhận ra không có bản thể có tự tánh và thường hằng đối với tái sinh cụ thể mà họ đang có trong hiện tại. Không ai vốn dĩ là một con người, một con gián, một phụ nữ hay một người đàn ông có tự tánh. Tất cả chúng ta đều có dòng tâm thức vô thỉ, và đã có vô lượng tái sinh tùy vào nghiệp lực của mình. Tất nhiên là cần phải liên hệ với người khác ở mức độ thông thường, theo cách họ tồn tại trong hiện tại - như một con người, một con chó, một con gián - nhưng ở mức độ sâu hơn thì ta thấy rằng họ đều có Phật tánh. Họ có thể đã là mẹ của mình trong kiếp vừa qua, và cũng có thể là mẹ của mình trong kiếp kế tiếp. Nhờ vậy, ta có thể bắt đầu mở rộng pháp tu đến tất cả chúng sinh.

Ước nguyện ái tha và làm lợi lạc cho người khác cần phải được kết hợp với sự hiểu biết về tâm vô thỉ và Phật tánh. Đây là lý do tại sao pháp tu ái tha và khắc phục tâm ái ngã bắt đầu bằng việc phát tâm bình đẳng, xem tất cả chúng sinh như mẹ của mình. Điều này đưa ta trở lại cơ sở của tâm vô thỉ, và tất cả chúng sinh đều bình đẳng từ khía cạnh này. 

(11) Quý trọng việc (áp dụng) pháp tu thâm sâu quảng đại vào mọi việc

Luyện tâm có nghĩa là phải làm điều đó đối với tất cả mọi thứ - có nghĩa là đối với vật vô tri, cũng như chúng sinh. Không nên giận dữ với mọi người, mà cả với chiếc xe của mình cũng vậy nữa, khi nó không chạy, và với xe buýt, khi nó đến trễ. Không nên quyến luyến, không chỉ với con người, mà còn với kem và tiền bạc nữa. Phải làm tất cả những điều này từ đáy lòng, không chỉ đơn giản ở bề ngoài.

(12) Luôn thiền quán về những người bị bỏ rơi (như gần gũi) với mình

Phải áp dụng những thực hành này cho cha mẹ và những người mà mình sống chung. Người ta thường hành thiền để phát lòng từ đối với tất cả chúng sinh, nhưng rồi thậm chí không thể hòa hợp với chính cha mẹ của họ! Vậy thì điểm này rất quan trọng, và phải nỗ lực rất nhiều đối với vấn đề này. Cần phải làm việc với những người mà mình có liên hệ mật thiết, và những người mà mình cảm thấy lôi cuốn ngay lập tức, hoặc không thích ngay từ đầu, bởi vì mình có một mối duyên nghiệp mạnh mẽ ở đó. 

(13) Đừng lệ thuộc vào hoàn cảnh

Phải chuyển hóa thái độ, dù cho điều gì có thể xảy ra. Nếu như đợi cho đến khi có đủ điều kiện hoàn hảo để tu tập, thì rất có thể mình sẽ phải chờ đợi hoài. Một bậc thầy vĩ đại Tây Tạng đã nói rằng khi mọi việc suôn sẻ thì người ta sẽ thể hiện bộ mặt tâm linh, nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ thì họ sẽ để lộ bộ mặt thật. Mọi việc sẽ tốt đẹp và dễ dàng, khi sự việc diễn ra suôn sẻ, nhưng khi tình huống trở nên tồi tệ thì nhiều người sẽ chán nản, rồi ra ngoài uống rượu say sưa, thay vì áp dụng việc tu tập. Bất kể sự việc đang diễn ra thế nào thì vẫn phải tu tập vững vàng.

Ngài Long Thọ nói rằng mình không thể được vớt ra khỏi luân hồi, giống như cá bị ngư dân vớt ra khỏi nước. Các lạt ma và chư Phật vĩ đại không thể chỉ kéo ta ra khỏi những tình huống khó khăn, nhưng các ngài có thể giúp đỡ và truyền cảm hứng cho mình. Các ngài không thể búng tay, rồi bỗng nhiên lòng vị kỷ và khó khăn của mình sẽ biến mất, mà đúng hơn là ta phải đứng vững bằng đôi chân của mình, và nỗ lực vì bản thân. Nếu như không làm gì mà chỉ mong cho thầy của mình làm tất cả mọi việc, thì không có điều gì sẽ xảy ra.

(14) Hãy tu tập ngay tức thì

Một Lạt ma đã nói rằng không nên giống như một du khách chuyên nghiệp trong luân hồi, nghĩ rằng mình có nhiều thời gian để đi vòng quanh và trải nghiệm mọi thứ. Chúng ta không có nhiều thì giờ như vậy! Phải cố chuyển hóa thái độ của mình ngay bây giờ, và nỗ lực với việc này, hãy phát bồ đề tâm và đạt giác ngộ.

Việc tưởng tượng mình đang tạm thời thoát khỏi các cõi thấp hơn là điều hữu ích. Ta đang có một kỳ nghỉ phép ngắn, để không phải làm một con gián hay con chó, vậy thì nên sử dụng thời gian này một cách hữu hiệu. Mối quan tâm chính nên là Pháp, và cố gắng khắc phục lòng ích kỷ, thay vì dấn thân vào những mục tiêu thế tục làm gia tăng tâm ích kỷ.

Cũng cần phải nghĩ đến những kiếp tương lai, điều mà hầu hết chúng ta không nghĩ đến, hoặc thậm chí không tin tưởng vào. Nếu như mình tu tập ngay bây giờ mà không có tiến triển tốt, thì ta sẽ nản lòng. Rồi thì nghe nói về Mật tông, và việc mình có thể đạt được giác ngộ ngay trong kiếp này là điều có vẻ rất hấp dẫn! Tuy nhiên, hầu hết các hành giả Mật tông sẽ không đạt được giác ngộ trong kiếp này, vì điều này rất hiếm hoi. Ta có thể phấn đấu vì điều đó, nhưng không nên nghĩ rằng mình sẽ mất đi cơ hội mãi mãi, nếu như không thể giác ngộ trong kiếp này. Hãy nghĩ về việc mình có hết kiếp này đến kiếp khác, để có thể tiếp tục tu hành. Không phải là vấn đề một là có tất cả, hai là mất hết. Phải có sự hiểu biết chính xác về “những kiếp tương lai” trong đạo Phật có nghĩa là gì, đó là một điều hoàn toàn không đơn giản.

(15) Đừng hiểu lầm

Có sáu loại hiểu lầm mà mình phải tránh:

Lòng bi sai chỗ. Đó là khi thay vì phát tâm bi đối với những người ăn mặc đẹp, đang hành động một cách tiêu cực, thì mình lại phát tâm bi với những hành giả ăn mặc nghèo nàn, những người đang dấn thân vào thiện hạnh. Ta sẽ nghĩ rằng, “Những thiền giả nghèo nàn này sống trong hang động, không có gì để ăn!”. Việc cúng dường thức ăn cho họ là tốt, nếu như họ đói, nhưng người thật sự có vấn đề là những doanh nhân giàu có, đang đi khắp nơi lừa gạt mọi người. Cách mà họ hành động sẽ ngày càng tạo ra nhiều đau khổ cho chính họ, trong khi thiền giả đang tạo ra hạnh phúc cho tương lai, và cuối cùng là giải thoát cho chính mình. Có một câu chuyện về ba chị em giàu có, đã nhìn thấy Milarepa và nói, "Ồ, chúng tôi thấy đáng buồn cho ông!”, và Milarepa đã trả lời rằng, “Không, thật ra tôi thấy đáng buồn cho các cô; các cô là đối tượng của lòng bi mẫn, không phải tôi!”.

Nhẫn nại sai chỗ. Đó là nhẫn nại và khoan dung đối với thái độ phiền não và lòng ích kỷ của mình, thay vì đối với những người nổi giận với mình. Rồi thì có những người không có kiên nhẫn để ngồi trong lớp Phật pháp, hoặc tham gia một buổi hành thiền, nhưng lại vô cùng kiên nhẫn xếp hàng hàng giờ trong thời tiết lạnh cóng, để mua vé cho buổi trình diễn nhạc rock. Đó là nhẫn nại sai chỗ!

Chủ ý sai chỗ. Đó là khi chủ ý chính của mình là có được tiền bạc, thú vui trần tục và vân vân, thay vì muốn được hạnh phúc nội tâm.

Nếm hương vị sai lầm. Đó là muốn viếng thăm những vùng đất xa lạ, hoặc nếm thử các loại thuốc phiện và tình dục kỳ lạ, thay vì muốn nếm trải kinh nghiệm tâm linh từ việc văn, tư, tu về giáo pháp.

Quan tâm sai chỗ. Thay vì khuyến khích người khác quan tâm đến các thực hành tâm linh, thì quan tâm sai chỗ là khi mình khuyến khích họ kiếm nhiều tiền hơn trong việc kinh doanh và v.v...

Tùy hỷ sai chỗ. Thay vì tùy hỷ với thiện hạnh của mình và người khác thì lại tùy hỷ khi kẻ thù hay người nào mà mình không ưa, đang gặp rắc rối hay khó khăn.

(16) Đừng tu tập gián đoạn

Điều này có nghĩa là chỉ tu tập một ngày, rồi ngày hôm sau không tiếp tục nữa. Phải tu hành đều đặn! Ngoài ra, nếu như có pháp tu nào mà mình tu không khá, thì không nên bỏ nó qua một bên rồi tu pháp khác, mà hãy vững vàng như một dòng sông lớn.

(17) Hãy kiên quyết tu tập

Nếu như mình sẽ tu tập để khắc phục lòng vị kỷ, thì nên làm điều đó một cách thẳng thắn. Mẹ tôi thường nói, “Hãy làm việc cho thẳng thắn, đừng có làm ngang ngược.”. Mình sẽ không muốn bị mắc kẹt trong tâm trạng nửa muốn tu tập, nửa không muốn tu. Phải đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, đừng làm chuyện vô bổ.

(18) Giải thoát tự thân nhờ tầm tư quán xét

Nên quán xét cẩn thận ở cả hai mức độ tổng quát và chi tiết, để xem mình đã thay đổi thái độ hay chưa. Liệu mình chỉ đè nén tâm ích kỷ, hay đã thật sự bứng gốc nó rồi? Một ý nghĩa khác là không quán xét giáo pháp một cách hời hợt. Nếu như nhìn một cách chung chung và cẩn thận thì ta sẽ có ý niệm rõ ràng về những điều mình cần phải làm. Rồi thì ta có thể làm điều đó mà không do dự.

(19) Đừng thiền quán với cảm giác mất mát

Thường thì trong các pháp tu, mình sẽ bố thí tất cả mọi thứ bằng tâm ý, nhưng nếu như ở ngoài đời thật, khi người ta đến lấy những món này thì mình sẽ giữ nó lại, điều này được gọi là tu tập với cảm giác mất mát. Khi đã cho những thứ đó thì chúng đã thuộc về người khác, chứ không thuộc về mình. Lúc ở Ấn Độ, tôi có một vườn hoa đẹp, và trong lúc hành thiền thì tôi sẽ cúng dường hoa cho mọi người. Nhưng khi những đứa trẻ trong vùng đến hái hoa đem về nhà thì tôi thấy mình rất căng thẳng. Đó là điều mà “cảm giác mất mát” đề cập đến.

Ngoài ra, không nên nhắc nhở người khác về những ân huệ mà mình đã làm cho họ, hoặc mình đã hy sinh bao nhiêu điều để giúp đỡ họ. Thậm chí quan trọng hơn nữa là đừng bao giờ nên tự hào về công phu tu tập của mình, và nói với người khác là mình đã thực hiện 100.000 lạy, hay bất cứ điều gì khác. Mình tích tập công đức bằng cách lễ lạy, chứ không phải để nói cho người khác biết. Nếu như mình thực hiện một khóa nhập thất dài, rồi sau đó chỉ để coi thường những người bạn cũ như “những sinh vật đáng thương trong luân hồi”, thì điều đó có vấn đề! Nên tu hành một cách chân thành, không cảm thấy đáng buồn cho bản thân, hay thổi phồng bản ngã.

(20) Đừng hạn chế tự thân bằng tính mẫn cảm

Không nên tức giận vì sự khiêu khích nhỏ nhất. Cần có khả năng chịu đựng việc lăng mạ, ngay cả ở nơi công cộng. Lời khuyên của ngài Tịch Thiên là thậm chí nếu có ai la hét với mình thì nên im lặng giống như khúc gỗ. Ngài nói cuối cùng thì người đó sẽ không còn điều gì khó chịu để nói, hoặc sẽ thấy chán và dừng lại. Điều này phải được thực hiện với động lực thanh tịnh, không nghĩ đến việc sau này, mình sẽ trả thù họ ra sao.

(21) Đừng nỗ lực ngắn hạn

Điều này có nghĩa là đừng hay thay đổi, luôn luôn đổi ý. Những lời khen nhỏ nhất làm cho mình vui vẻ, nhưng khi bị ai nhíu mày thì họ cũng làm cho ta phiền muộn. Nếu như hành động như vậy thì người khác sẽ thấy mình không vững chãi và thăng bằng, và nó sẽ cản trở khả năng mình có thể giúp đỡ họ. Ngài Tịch Thiên đã đưa ra lời khuyên tốt nhất: hãy tỏ ra dễ dãi với mọi người; đừng nói chuyện phiếm và ngồi lê đôi mách suốt ngày, mà cũng đừng hoàn toàn im lặng. Nếu như không nói chuyện với những người mình sống chung trong nhà thì có thể điều đó còn đáng lo ngại hơn là vặn nhạc ồn ào! Việc linh hoạt là tốt, và sẽ giúp ta tu tập cả đời, không chỉ trong thời gian ngắn.

(22) Đừng mong đợi biết ơn

Chúng ta đã đề cập điều này trước đây, về việc không nên mong đợi một lời cảm ơn, hay bất kỳ sự cảm kích hay thừa nhận nào về việc mình giúp đỡ người khác. Điểm này bao gồm việc tránh bát phong, là bốn cặp đối lập:

  • Vui mừng khi được lợi và buồn bã khi mất mát
  • Vui mừng khi mọi việc suôn sẻ và buồn bã khi mọi việc tồi tệ
  • Vui mừng khi được khen ngợi và buồn bã khi bị chê bai
  • Vui mừng khi nhận được tin tốt và buồn bã khi nhận được tin xấu.

Điều này kết luận điểm thứ bảy. 

Vần Kệ Kết Luận  

(Như thế này,) hãy chuyển hóa ngũ trược đang lan tràn (hiện nay) vào đường tu giác ngộ.

Tương truyền rằng chúng ta đang sống trong thời ngũ trược.

1. Mạng trược - thọ mạng ngày càng ngắn ngủi hơn. Nhiều người chết sớm hơn, và dường như có nhiều bệnh tật hơn, như AIDS, các trường hợp tử vong và tai nạn liên quan đến các loại ma túy. Trẻ em hầu như không còn tuổi thơ nữa, và khi đến tuổi mười ba là một số đã thử sử dụng ma túy và tình dục. Đời sống dường như ngày càng thu ngắn lại vì những vấn đề như vậy.                        

2. Phiền não trược - ngay cả những người đã trở thành tăng ni vẫn có lòng sân hận, dục vọng, tham ái, si mê và vân vân rất mạnh mẽ.         

3. Kiến trược - cư sĩ không tôn trọng chư tăng ni. Trên thực tế thì ngày nay, đôi khi, dường như không có ai tôn trọng bất cứ điều gì. Những người giữ những địa vị chính trị và tâm linh cao nhất lại liên quan đến đủ loại tai tiếng.         

4. Chúng sinh trược - chúng ta ít có khả năng tự chăm sóc bản thân hơn trước. Chúng ta rất phụ thuộc vào điện, internet, máy móc, máy tính, v.v..., và nếu như có một sự cố nhỏ nhặt nhất thì mình khó mà đối phó được với điều đó. Năm mươi năm trước, mọi người đều sinh hoát rất tốt khi không có máy tính, nhưng bây giờ thì ta cảm thấy sợ hãi khi internet không hoạt động trong vài phút. Chúng ta bị suy giảm về sức khỏe, trí tuệ, thể chất và vân vân.                                     

5. Kiếp trược - ngày càng có nhiều thiên tai hơn. Chúng ta có những vấn đề như khí hậu thay đổi, bão lớn, động đất, vân vân. Đây là thời gian mà mình cần có pháp tu này, để biến tình huống khó khăn thành hoàn cảnh thuận lợi cho giác ngộ.             

Bản văn tiếp tục: 

Tinh túy của chỉ giáo cam lồ thuộc về dòng truyền thừa của Serlingpa.

Giáo pháp tinh túy là những giáo pháp về bồ đề tâm và vân vân, giống như cam lồ bất tử, vì chúng đưa đến Phật quả. Các giáo pháp xuất phát từ Serlingpa, là một vị thầy của A Đề Sa (Atisha) ở Sumatra.

Tác giả kết luận:

Khi những chủng tử nghiệp còn sót lại từ công phu tu tập trước đây được khơi dậy, lòng ngưỡng mộ của tôi (đối với pháp tu này) đã tăng trưởng rất nhiều. Vì vậy, chẳng màng đau khổ hay chê bai, tôi đã thỉnh cầu chỉ giáo về cách điều phục tâm chấp ngã. Giờ đây, dù có chết đi, tôi cũng không hối tiếc.

Nếu đã thật sự luyện tâm và thái độ của mình, và đoạn trừ lòng vị kỷ cũng như bận tâm cho bản thân, thì ta sẽ chết một cách hoan hỷ. Chúng ta đã tạo thêm nhân duyên để có thể tiếp tục giúp đỡ chúng sinh trong những kiếp tương lai. Ở mức độ ngay tức thời thì mình sẽ chết với tâm trạng thoải mái, hay ít nhất là không hối tiếc.

Đây là giáo huấn về Luyện Tâm Thất Điểm mà tôi đã thọ nhận nhiều lần từ các đạo sư khác nhau: từ Đức Dalai Lama, từ bổn sư của Ngài là Serkong Rinpoche, và từ Geshe Ngawang Dhargyey. Tôi hy vọng huấn thị này có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.

Câu Hỏi

Nếu như mình thấy sợ sệt vì phải thực hành một số giáo huấn thì sao?

Như tôi đã đề cập, những giáo huấn này rất cao cấp, không dành cho người mới tu tập. Trước khi bắt đầu thì cần có một bản ngã lành mạnh, để khắc phục lòng tự ti. Giải Thoát Trang Nghiêm Bảo Châu của Gampopa đã bắt đầu từ Phật tánh, nghĩa là phải tin chắc rằng chúng ta có đủ tất cả những phẩm chất giúp cho mình đạt Phật quả. Đây là điểm khởi đầu, và nó thật sự giúp mình khắc phục lòng tự ti. Nếu như không có điều đó thì không nên tiếp tục những pháp tu cao hơn.

Bản ngã lành mạnh là gì? Trong đạo Phật, chúng ta cố gắng diệt trừ bản ngã bị thổi phồng, chứ không phải bản ngã lành mạnh. Dựa trên cơ sở của bản ngã lành mạnh thì mình mới quan tâm đến đời sống và việc tu tập, và sẽ thức dậy vào buổi sáng để đi làm và hành thiền. Nếu như không có bản ngã lành mạnh thì mình sẽ không thể sinh hoạt trên thế gian, đừng nói gì đến việc tu tập Pháp, bởi vì ta sẽ không có bất cứ ý thức nào là mình có thể đạt được kết quả từ bất cứ điều gì. Một bản ngã bị thổi phồng là sự biến dạng của điều này, khi mà bản ngã lành mạnh của mình phóng chiếu ra cảm giác rằng, “Tôi là người quan trọng nhất thế giới, và mọi việc phải luôn luôn xảy ra theo ý mình.” Đó là những điều mình cần phải loại bỏ.

Đạo Phật luôn luôn là trung đạo; biểu tượng lừng danh nhất của đạo Phật là trung đạo. Về mặt bản ngã thì điều này có nghĩa là một bản ngã lành mạnh, không bị thổi phồng thành “Tôi là trung tâm vũ trụ”, nhưng không bị xì hơi thành, “Tôi không thể tự mình làm bất cứ điều gì”, khi mà ta cảm thấy nản chí và vô vọng. Điều đó cũng nguy hiểm và cực đoan như một cái tôi bị thổi phồng. Chúng ta luôn nói về việc tránh né hai biên kiến, biến mọi thứ thành những điều vững chắc vĩnh cửu, hay hoàn toàn phủ nhận mọi thứ đến mức hư vô.

Làm sao biết là mình có bản ngã lành mạnh?

Cần phải quán sát bản thân một chút trước, bằng cách tự hỏi mình có thật sự quan tâm đến bản thân mình không. Không phải quan tâm một cách ích kỷ, mà là thật sự quan tâm đến những gì mình trải nghiệm và cảm nhận, hay là có lòng tự ti đến mức bất cần? Nếu như không quan tâm thì ta sẽ thấy là nếu như mình hành động một cách tiêu cực thì cũng không sao. Thái độ “không có gì quan trọng” hoàn toàn khác với tâm bình đẳng. Ta sẽ bắt đầu có một bản ngã lành mạnh, khi biết chịu trách nhiệm cho đời sống của mình, và chăm sóc bản thân, hành vi và cảm xúc của mình một cách nghiêm túc.

Không cần phải hoàn toàn khắc phục lòng tự ti để thực hành Pháp, bởi vì để làm được điều đó là cả một quá trình rất dài và khó khăn. Ít nhất là mình có thể nhận ra phiền não là nguồn gốc của khổ đau, và có ý tưởng rằng đó là điều mà mình muốn vượt qua. Rồi thì phải tìm hiểu xem liệu có thể khắc phục được nó hay không. Cuối cùng thì ta sẽ dấn thân vào các pháp tu trong nhà Phật để khắc phục nó.

Một trong những nhà sáng lập truyền thống Sakya là Sonam Tsemo, đã viết một tác phẩm quan trọng, tựa đề là Bước Vào Cổng Pháp (Entering the Gateway of the Dharma). Ngài là người cùng thời với Gampopa, và đã dạy cần có ba điểm để thật sự dấn thân vào Pháp:

  • Trước hết, cần phải nhận ra khổ và những vấn đề trong cuộc sống.
  • Sau đó, phải có lòng quyết tâm để thoát khỏi những điều này.
  • Cuối cùng, phải có một số kiến thức cơ bản về Pháp.

Với những điều này làm cơ sở thì mình sẽ dấn thân vào Pháp, bởi vì ta sẽ nhận ra vấn đề của mình, và có động lực để khắc phục chúng. Ta cũng sẽ biết những phương pháp để khắc phục khó khăn, nếu không thì tại sao mình lại tu tập nó?

Việc nhận thức nỗi khổ và muốn thoát khổ cũng đòi hỏi một bản ngã lành mạnh. Nếu như không có điều đó thì ta sẽ không quan tâm hay tìm cách cải thiện tình trạng của mình. Nếu như mình có ba điều tiên quyết này thì điều đó cho thấy ta có một bản ngã đủ lành mạnh để dấn thân vào giáo pháp.

Tất nhiên là chúng ta muốn cải thiện tình hình của mình. Các bản văn nói, “Hãy tu tập mà không hy vọng hay mong đợi”, nhưng điều này đề cập đến việc tránh cực đoan tu hành với một bản ngã thổi phồng về “tôi, tôi, tôi”. Nó không có nghĩa là mình đi đến cực đoan khác, bởi vì sau đó thì mình sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì. Cần phải cảm nhận rằng, “Tôi sẽ không buồn bực vì những thăng trầm trong khi tu tập, nhưng vẫn quan tâm đủ để tiếp tục tu hành, vì đang hướng về giác ngộ.”. Nếu như không có bản ngã lành mạnh thì mình không thể nhắm đến bất cứ mục tiêu nào, nói gì đến giải thoát và giác ngộ.

Đọc và nghe bản chánh văn “Luyện Tâm Thất Điểm” của Geshe Chekawa.      

Top