Kính lễ tâm đại bi.
Điểm Thứ Nhất: Pháp Tu Sơ Khởi
Trước tiên, hãy hành trì pháp tu sơ khởi [kiếp người quý báu, cái chết và vô thường, luật nhân quả, những điểm bất lợi của luân hồi]
Điểm Thứ Hai: Tu Tập Bồ Đề Tâm
Luyện Tâm Bồ Đề Tuyệt Đối
Hãy xem vạn pháp như huyễn mộng. Quán sát bản tánh của tánh giác vốn vô sinh. Ngay pháp đối trị cũng tự nó giải thoát. Tinh túy đường tu là nghỉ ngơi trong A lại da thức. Khi xuất thiền, hãy hành động như người tạo ảo.
Luyện Tâm Bồ Đề Tương Đối
Luân phiên tu tập pháp cho và nhận, phối hợp cả hai vào hơi thở.
(Đối với) ba đối tượng [những người lôi cuốn, không lôi cuốn, hay trung hòa], (hãy nhận) ba độc tố [tham, sân, si], và (cho) ba thiện căn [vô tham, vô sân, vô si], hãy luyện pháp tu trong mọi hành vi.
Đối với thứ tự tu tập, hãy khởi đầu từ bản thân mình.
Điểm Thứ Ba: Chuyển Nghịch Cảnh Thành Đường Tu Giác Ngộ
Chuyển Hóa Tư Tưởng Về Hành Vi
Khi môi trường và cư dân tràn đầy tội lỗi, hãy chuyển nghịch cảnh thành đường tu giác ngộ, bằng cách đoạn diệt một điều [tâm ái ngã] và đổ lỗi cho nó, thiền quán về lòng tốt đối với chúng sinh.
Chuyển Hóa Tư Tưởng Về Tri Kiến
Nhờ thiền quán về hiện tướng lừa dối như bốn thân Phật, mà tánh Không là đấng bảo hộ vô song.
Chuyển Hóa Hành Vi
Phương tiện tối thượng bao gồm bốn pháp hành: [(1) tích lũy công đức, (2) tịnh hóa ác nghiệp, (3) cúng dường vong linh ám hại và (4) thỉnh cầu lực gia trì của chư Hộ Pháp]. (Vì vậy) mỗi khi gặp nghịch cảnh, hãy áp dụng thiền quán ngay lập tức.
Điểm Thứ Tư: Pháp Hành Một Đời
Trong Kiếp Này
Tóm lại, tinh túy của lời khai thị là áp dụng ngũ lực [(1) tác ý, (2) bạch chủng tử, (3) tập khí, (4) đoạn trừ tất cả trong cùng một lúc, và (5) cầu nguyện].
Vào Phút Lâm Chung
Ngũ lực là tinh hoa giáo pháp Đại thừa, hướng dẫn pháp tu chuyển di thần thức, đồng thời xem trọng hành vi.
Điểm Thứ Năm: Đo Lường Tâm Điều Phục
Nếu tất cả pháp tu đều nhắm vào một chủ ý [để đoạn trừ tâm ái ngã]
Nếu trong hai nhân chứng [người và ta], ta xem [mình] là nhân chứng chánh [để xem mình đã trở thành (1) hành giả cao cả, chỉ nghĩ đến tha nhân; (2) hành giả cao cả, tu tập theo thiện hạnh; (3) hành giả cao cả, có khả năng chịu đựng khó khăn để khắc phục ác hạnh; (4) hành giả cao cả, trì giữ giới luật nghiêm minh; (5) hành giả du già cao cả, kết nối với bồ đề tâm]
Nếu có thể luôn duy trì tâm hoan hỷ.
Nếu tán tâm mà vẫn có khả năng [không ái ngã], thì đã thành thạo việc tu tập.
Điểm Thứ Sáu: 18 Pháp Tu Cam Kết
(1-3) Tu tập ba điểm chung luôn luôn: [Đừng mâu thuẫn với lời hứa. Đừng hành động thái quá. Đừng thiên vị].
(4) Chuyển hóa tâm ý, nhưng hành xử tự nhiên.
(5) Đừng nói đến thiểu hạnh (của tha nhân).
(6) Đừng nghĩ đến lỗi lầm người khác.
(7) Đối trị phiền não nặng nề nhất trước tiên.
(8) Buông bỏ hy vọng được tưởng thưởng.
(9) Tránh thức ăn nhiễm độc.
(10) Đừng dựa vào (vọng tưởng phiền não) như điểm chính.
(11) Đừng đả kích trả thù.
(12) Đừng rình rập chờ dịp phản công.
(13) Đừng đánh vào yếu điểm.
(14) Đừng bắt bò gánh vác lực tải của trâu.
(15) Đừng ganh đua.
(16) Đừng đảo ngược bùa hộ mệnh.
(17) Đừng hóa thần thành quỷ.
(18) Đừng tạo khổ (cho người) để làm hạnh phúc cho mình.
Điểm Thứ Bảy: 22 Điểm Luyện Tâm
(1) Mọi pháp du già, phải tu như một [chủ ý – có khả năng giúp đỡ tha nhân tốt hơn].
(2) Đối trị mọi sai lầm bằng một pháp [hành trì cho và nhận].
(3) Có hai pháp hành, khởi đầu và kết thúc [động lực giúp đỡ chúng sinh và hồi hướng công đức].
(4) Bất kể thế nào [sự việc suôn sẻ hay tồi tệ], nhẫn với cả hai.
(5) Giữ gìn cả hai, dù phải mất mạng [pháp tu nói chung, và hành trì luyện tâm nói riêng].
(6) Luyện trong ba khó [chánh niệm về pháp đối trị là gì; chánh niệm để áp dụng chúng; chánh niệm để duy trì chúng].
(7) Tìm đủ ba nhân [để có thể tu tập những điểm này – gặp gỡ thầy dạy pháp tu, áp dụng giáo pháp, có được thuận cảnh].
(8) Thiền quán về ba yếu tố đừng cho thối chuyển [tin tưởng và biết ơn thầy; sẵn sàng tu tập giáo huấn; duy trì tu tập và pháp luyện tâm một cách vững chãi]. (9) Ba điều sở hữu, chẳng thể lìa xa [thân, khẩu, ý không lìa xa việc giúp đỡ tha nhân].
(10) Hành xử thanh tịnh, không thiên vị đối tượng là ai.
(11) Quý trọng việc áp dụng pháp tu thâm sâu quảng đại vào mọi việc.
(12) Luôn thiền quán về những người bị bỏ rơi (như gần gũi) với mình.
(13) Đừng lệ thuộc vào hoàn cảnh.
(14) Hãy tu tập ngay tức thì.
(15) Đừng hiểu lầm.
(16) Đừng tu tập gián đoạn.
(17) Hãy kiên quyết tu tập.
(18) Giải thoát tự thân nhờ tầm tư quán xét.
(19) Đừng thiền quán với cảm giác mất mát.
(20) Đừng hạn chế mình bằng tính mẫn cảm.
(21) Đừng nỗ lực ngắn hạn.
(22) Đừng mong đợi biết ơn.
Lời Kết
(Như thế này,) hãy chuyển hóa ngũ trược [mạng trược, phiền não trược, kiến trược, chúng sinh trược và kiếp trược] đang lan tràn, vào đường tu giác ngộ.
Tinh túy của chỉ giáo cam lồ thuộc về dòng truyền thừa của Serlingpa.
Khi những chủng tử nghiệp còn sót lại từ công phu tu tập trước đây được khơi dậy, lòng ngưỡng mộ của tôi (đối với pháp tu này) đã tăng trưởng rất nhiều. Vì vậy, chẳng màng đau khổ hay chê bai, tôi đã thỉnh cầu chỉ giáo về cách điều phục tâm chấp ngã. Giờ đây, dù có chết đi, tôi cũng không hối tiếc.